Thursday, 9 August 2018

Vụ Án Bắt Cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin


Image result for trịnh xuân thanh bị bắt

Trong thập niên tám mươi của thế kỷ 20, nhân loại đã chứng kiến những biến chuyển trọng đại gây nên sự sụp đổ toàn bộ khối Đông Âu và Liên Bang Xô Viết. Ngọn lửa đấu tranh bùng phát khởi đầu thành công tại Ba Lan với Công Đòan Đòan Kết đưa đến hậu quả làm tê liệt nhà nước cộng sản Ba Lan. Khi bức tường Bá Linh bị dân chúng kéo sập xuống trước mắt mà các công an cảnh sát biên phòng Đông Đức trở nên thụ động, là hồi chuông bao hiệu ngày tàn của khối Đông Âu.

Thế nhưng qua thế kỷ 21, chủ nghĩa cộng sản vẫn tồn tại, và vẫn còn gieo rắc tai họa cho loài người trên hành tinh này. Dù là Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba, và cộng sản Việt có những mâu thuẫn nội tại, nhưng người dân các vùng đát ấy vẫn phải sống trong nghèo nàn và lạc hậu. Như Trung Cộng chẳng hạn, dù Hoa Lục hiện nay là cường quốc thứ nhì về kinh tế, nhưng thực chất đồng tiền được tập trung vào tay của đảng cộng sản, với cái vỏ cường thịnh bên ngoài nhưng bên trong Trung Cộng lại là mạnh trong thế yếu. Sự cường thịnh biểu kiến của Trung Cộng hiện nay chính nhờ Tây Phương, đặc biệt Hoa Kỳ đã bơm sức trong suốt mấy thập niên qua vào nền kinh tế èo uột của Hoa Lục từ thời Mao Trạch Đông.

Ngoài những yếu kém về kỹ thuật và kinh tế so với Tây Phương, các nước cộng sản, đặc biệt là cộng sản Việt còn bị những áp lực nặng nề về chính trị vì đường lối phản dân chủ, đàn áp nhân quyền trong nước, và xem thường các định chế luật pháp của các nước phương tây. Tiêu biểu là toán đặc vụ gián điệp của cộng sản Việt đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngày 23 tháng 7 năm 2017 tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Một năm đã trôi qua nhưng phía cộng sản Việt Nam vẫn không chịu thừa nhận họ chủ mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin về Việt Nam, cho nên tòa án Đức phải đem ra xử trước pháp luật. Ngày 25-7-2018, Tòa Thượng Thẩm Berlin, Đức đã tuyên án Nguyễn Hải Long 3 năm 10 tháng tù - người bị kết án tội danh hoạt động gián điệp chống lại nước Đức, vi phạm quyền con người và hỗ trợ mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ngay sau đó đại diện Viện Công Tố Liên Bang Đức tiết lộ với báo chí: “Chúng tôi đang tiếp tục điều tra người nhà các nhân viên Tòa Đại Sứ Việt Nam và những người Việt ở Châu Âu đã tiếp tay, bắt cóc người ngay giữa ban ngày, và đây là vụ án bắt cóc được tổ chức bởi một nhà nước”.

Bà Regine Grieß, Chánh án chủ tọa phiên tòa khi đọc bản cáo trạng cho bị cáo Nguyễn Hải Long đã nếu rõ vụ bắt cóc là: “Trường hợp chưa từng có trong lịch sử gần đây của Cộng Hòa Liên Bang (CHLB) Đức, điều này gợi nhớ đến một cuốn tiểu thuyết tội phạm hình sự từ thời chiến tranh lạnh“ và  “phát giác mật vụ Việt Nam đã sử dụng mạng lưới nằm vùng chằng chịt như mạng nhện tại Châu Âu để thực hiện vụ bắt cóc này“. Tòa Thượng Thẩm Berlin đã có đầy đủ chứng cớ và Nguyễn Hải Long đã nhận tội để xin được giảm án. Tòa án cũng đề nghị chính quyền Việt Nam phải thực hiện những yêu cầu đã được Bộ Ngoại Giao Đức đưa ra trước đây, mà yêu cầu trước tiên là trả ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức, và tòa án Đức tuyên bố rằng mọi phán quyết trong các phiên tòa xét xử ông Thanh tại Hà Nội không có giá trị pháp lý, vì họ đã vi phạm thủ tục tố tụng và vì trước đó đã thực hiện bắt cóc ông Thanh từ Berlin.
Điều cần nhấn mạnh là phán quyết của Tòa Thượng Thẩm Berlin có giá trị pháp lý không những tại Đức và cả trên thế giới, và điều này sẽ gây bất lợi lớn cho tất cả những quan hệ quốc tế từ nay về sau của chính quyền cộng sản Việt Nam.  Kế tiếp, bà luật sư Petra Schlagenhauf đại diện cho Trịnh Xuân Thanh, người bị hại trong vụ án, cũng lên tiếng luận tội bị cáo vì thân chủ của bà đã bị thương trong vụ bắt cóc, lưu lại nhiều vết máu trên chiếc xe bắt cóc VW Multivan T5 mà theo kết quả khám nghiệm DNA thì đó là máu của Trịnh Xuân Thanh. Cô Đỗ Thị Minh Phương, người tình của Trịnh Xuân Thanh, bị cũng gẫy tay trong vụ bắt cóc này.
Sau một tuần lễ, đột nhiên Nguyễn Hải Long xin kháng án, mà nhiều dư luận cho rằng có bàn tay của cộng sản Việt trong nước xúi giục. Tuy vậy, theo pháp luật của Đức, tòa thượng thẩm (Berliner Kammergericht), là tòa án hình sự tối cao của Berlin, tương đương với các tòa án cấp cao khác của các tiểu bang, đã tuyên án, thì Nguyễn Hải Long chỉ có thể xin được phúc tra (revision) mà thôi. Và theo Thoibao.de, kháng nghị phúc tra phải được đệ trình lên Tòa án liên bang (Bundesgerichtshof), và tòa án liên bang không xem xét đến các bằng chứng, mà chỉ kiểm tra xem Tòa Thượng Thẩm Berlin có phạm phải sai lầm về pháp lý hoặc có sai sót về thủ tục tố tụng hình sự hay không mà thôi. Về đơn kháng nghị phúc tra của Nguyễn Hải Long, bị cáo có một tháng để nêu ra lý do xin phúc tra. Tòa án liên bang có thể bác đơn này mà không cần mở phiên tòa phúc tra, nếu những lý do nêu ra cho đơn kháng nghị phúc tra là không chính đáng, hay không hợp pháp theo luật tố tụng hình sự. Nếu như vậy thì bản án sẽ có hiệu lực . Các chuyên gia về luật cho rằng có thể kết quả sẽ là như thế, vì Tòa Thượng Thẩm Berlin đã làm việc rất cẩn thận trước khi tuyên án Nguyễn Hải Long. Ngoài can phạm nguyễn Hải Long, các nghi phạm tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin gồm có: Thượng Tướng Bộ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm (người được xem như một tội phạm nguy hiểm nhất trên thế giới),Trung Tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An, Trung Tướng Lê Mạnh Cường hiện giữ chức Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tình Báo (Tổng cục V) và nhiều nhân viên mật vụ khác.
Tính cách quan trọng nhất của vụ xử Nguyễn Hải Long, được xem như một đại án, là bản án khẳng định việc ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin đưa về nước là sự thực. Trên căn bản đó, Bộ Tư Pháp Đức sẽ có những bước kế tiếp như có thể đưa ra lệnh truy nã Interpol quốc tế đối với các nghi phạm trong vụ án mà họ thường nêu tên trước tòa như Trung Tướng Đường Minh Hưng, ông Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và các nhân vật tòng phạm khác. Hiện nay, theo nguồn tin từ điều tra Đức, những đối tượng này đang bị Europol truy nã trong lãnh thổ các nước Châu Âu. Được biết khi đang cư ngụ tại Đức, Trịnh Xuân Thanh đã làm đơn xin ra khỏi đảng cộng sản vì không còn tin vào sự lãnh đạo của “đồng chí Nguyễn Phú Trọng”.
Những nhân vật cấp cao khác của đảng cộng sản Việt Nam mà Tòa Thượng Thẩm cũng nhắc tới trong đại án là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm cũng bị ghi vào “danh sách không hoan nghênh” khi đến Châu Âu và tiếp tục bị tư pháp Đức điều tra như kẻ chủ mưu ra lệnh bắt cóc. Bước tiếp theo Bộ Ngoại Giao Đức sẽ nhắc nhở Chính quyền Việt Nam phải thực hiện các yêu cầu đã nêu ra trước đây như “Trả lại ông Trịnh Xuân Thanh về Đức, xin lỗi nước Đức và hứa không tái phạm”. Thêm vào đó, cảnh sát Slovakia cáo buộc cựu Bộ Trưởng Nội Vụ, ông Robert Kalinak đã đích thân tiếp tay đưa Trịnh Xuân Thanh lên máy bay của Chính phủ nước này hôm 26.7.2017 để chở sang Moscow. Cuộc điều tra của CHLB Đức cũng đang lan qua các nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu.

Chính phủ các nước khác thuộc Liên Minh Châu Âu sẽ dùng phán quyết này của Đức để thiết lập chính sách mới để đối xử với Chính quyền Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt các Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Châu Âu sẽ bị theo dõi, những Việt kiều có quan hệ mật thiết với các tòa đại sứ này cũng bị để ý hơn, các đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam sang châu Âu sẽ bị hạn chế, đặc biệt các đoàn thuộc Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng. Đại Sứ Quán Đức tại Hà Nội đã từ chối cấp visa cho các đơn xin qua học điều dưỡng viên ở Đức, và phía Cộng Hòa Séc cũng ngưng nhận đơn cấp Visa lao động cho người Việt, Từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam cộng sản đã trở thành nơi tiềm ẩn rủi ro chính trị và bị quốc tế hạ thấp giá trị và tín dụng.
Cho đến khi bản án có hiệu lực thi hành, nghi phạm Nguyễn Hải Long hiện nay vẫn bị tạm giam trong một phòng nhỏ ở tầng 4, nhà tù Moabit tại Berlin.
Một năm sau ngày Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Tiergarten, Berlin, các cuộc điều tra của báo TAZ cho thấy các cơ quan an ninh Đức từ lâu đã có quan hệ gần gũi với những người được cho là tham gia vào vụ bắt cóc. Ít nhất có hai trong số những người đó đã được cơ quan tình báo Đức BND hoặc cơ quan hình sự liên bang BKA đào tạo.Đó là Vũ Quang Dũng và Lê Thanh Hải đã được cấp học bổng để học tiếng Đức và thực tập tại các cơ quan an ninh Đức trong nhiều tháng trời.
Ngoài ra, được biết theo thoibao.de, sẽ khởi chiếu phim tiếng Việt đầu tiên trên thế giới: “Hành trình bắt cóc Trịnh Xuân Thanh“ nhân dịp 1 năm sự kiện này xẩy ra tại Berlin, Đức Quốc: 23.7.2017 – 23.7.2018. (Tin Tổng Hợp).