Tuesday, 25 September 2018

Đằng Sau Những Cánh Rừng - Nguyên Nhung

Qua những tháng hè êm ả, nhớ lại lại những giây phút đi chơi đó đây, hay thăm viếng bạn bè, để nhắc lại kỷ niệm xa xưa và tạo nên những kỷ niệm mới. Đôi khi, những kỷ niệm mới lại bao trùm cả những kỷ niệm cũ để cho ta nhớ mãi.
Đặc San Lâm Viên mời quý vị theo bước chân tác giả Nguyên Nhung trên con đường ghé thăm bạn cũ, những người bây giờ chỉ có con mèo thật hay giả là bạn để chia xẻ nỗi cô đơn trên quãng đường đời còn lại.


Nguyên Nhung

Hôm ấy là một chiều mùa hè, nhưng thời tiết ở xứ lạnh không bình thường như ở vùng nhiệt đới. Chỉ cần một cơn mưa thôi là mùa thu đã chập chờn đến sớm, ra đường người ta vẫn phải khoác chiếc áo ấm hay choàng một tấm khăn san mỏng.

Khi Huyền đưa tôi về nhà, đẩy cánh cổng gỗ bước vào mảnh sân nhỏ, từ trong khung cửa sổ mờ mờ tối đã thấy hai chấm màu xanh như lân tinh nhìn ra chờ đợi. Thì ra đó là đôi mắt của một con mèo, có cái tên dễ thương là Mina, Huyền nói hôm nào cũng vậy, hễ đi làm về là Mina đã chực sẵn bên cửa sổ chờ đợi. Chắc thấy nhà có khách, Mina chỉ “meo meo” câu chào hỏi như mỗi ngày rồi thay vì quấn quýt bên cô chủ, Mina lại khủng khỉnh đứng dậy, cái dáng mềm mại uyển chuyển ấy đã nhảy tót lên cầu thang dẫn lên phòng ngủ, ngồi đấy nhìn  khách lạ như muốn hỏi:

“Ai thế? Hôm nay làm gì lại tới đây?”

Mina ra dáng một cô con gái nhu mì, hiền ngoan ra phết, chiếc áo lông tự nhiên màu vàng sẫm óng mượt khiến Miêu Tiểu Thơ thật quý phái. Dù sao thì cũng có người thứ ba bước chân vào căn nhà tĩnh mịch này, khuấy động không khí êm đềm thân quen của người chủ cô đơn và con mèo cũng cô đơn nốt. Hai kẻ ấy cần nhau để sưởi ấm những buổi chiều cô quạnh, những ngày đông dài lê thê, dù không thể nói với nhau điều gì, nhưng bằng thứ ngôn ngữ riêng, họ hiểu là không thể thiếu nhau.

Huyền là em họ của tôi, từ khi chia tay với người chồng có tính gió trăng, cô ở có một mình, hai đứa con đi học xa ra trường rồi cũng tìm được việc làm tốt, ít khi về nhà với mẹ ngoài những ngày lễ nghỉ. Huyền sống lặng lẽ như thế nhiều năm, vui với kinh kệ mỗi tối trước khi đi ngủ, đêm lại ngủ ít nên sáng dậy sớm tụng thêm một hồi công phu trước khi đi làm. Mãi rồi cũng thành thói quen, chỉ có con mèo quẩn quanh làm bạn, tối nào đến giờ đi ngủ, Mina  đã nhẹ nhàng leo lên chỗ nằm của nó dưới chân người, hình như nó cũng tự biết vẫn phải giữ một khoảng cách cần thiết để không xâm phạm nhau.

Dưới nhà phía bên trái là căn bếp rất ngăn nắp sạch sẽ, bên phải là phòng khách, tấm màn mỏng giăng ngang  khung cửa sổ rộng, như một bức tranh thật lớn để nhìn ra bên ngoài. Huyền nói:

“Chị ngồi đây, từ chỗ này nhìn ra ngoài thì cái khung cửa đã là một bức tranh rồi, không cần treo một tấm màn nào nữa.”

Thật vậy, qua khung cửa mở rộng có mặt kính trong suốt, tấm màn mỏng thật mỏng gần như phủ một lớp sương mù là cảnh rừng cây mùa hè dậy sức sống, cây cỏ ở miền này rũ chết trong mùa Đông, nhưng hễ trời sang Xuân là ngóc mình lên rất nhanh.

Khi kéo tấm màn ra là có liền một bức tranh đập vào mắt, vì khoảng sân sau trống trải là rừng cây thưa, dây leo đã quấn hết hàng rào ngăn cánh rừng với khu công viên, nhìn ra vẫn thấy khách bộ hành đang thong thả cuốc bộ trên con  đường nhỏ. Căn nhà nhỏ nằm trên ngọn đồi nhỏ san sát với những căn nhà khác, vì thế không đến nỗi hiu quạnh.

“Tuyệt! Quả là một bức tranh của bốn mùa, Huyền khéo chọn căn nhà này đấy, nó tạo cảm giác cho người ở trong nhà luôn gần gũi với thiên nhiên, và không cảm thấy cô đơn."

Huyền lục đục làm bữa cơm chiều, vừa làm cơm vừa nói chuyện:

"Em thích căn nhà này, dù chỉ có một mình nhưng nó vẫn ấm áp, bốn mùa theo nhau thay đổi trong tầm mắt. Mùa Đông nhìn ra bên ngoài vạn vật như được phủ tấm chăn màu trắng, em có để một cây đèn bão trên thành cửa sổ, mùa Đông buồn đốt một ngọn nến trắng, ánh sáng lung linh tự nhiên làm ấm lại. Khu này ít có người đi lại nên tuyết rơi xuống vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp rất tinh khiết, trong khi đó con đường phía trước thì nhầy nhụa bánh xe và bước chân, trông bẩn thỉu như một cô gái giang hồ phấn son tả tơi."

Nghe Huyền ví von tôi suýt bật cười, trong cô là cả một cánh rừng âm u mà tôi đang muốn vạch những tàng cây tìm những chú sóc nâu nhảy nhót, tìm một con thỏ màu vàng rơm gặm cỏ, và biết đâu lại không có một con nai đạp trên lá vàng khô. Tội nghiệp người phụ nữ cô đơn và chịu đựng, giấu nỗi buồn trong kinh kệ với con mèo nhỏ để làm bạn suốt bốn mùa hiu quạnh.
                                  

oOo 

Đêm đó, tôi khó ngủ vì lạ nhà, chập chờn mãi mới thiếp đi thì gần sáng bỗng giựt mình vì văng vẳng có tiếng chuông, mõ hoà vào nhau, có lẽ Huyền đã dậy và đang tụng kinh.

Hôm nay có tôi đến chơi, Huyền xin nghỉ ở nhà vài hôm để đưa tôi đi chơi, cứ tiếc mãi là tôi không đến chơi vào mùa thu. Mùa Thu ở Canada thật đẹp, tuy ngắn ngủi nhưng những cánh rừng đã kịp chuyển màu cho tới khi lá rụng hết, đẹp nhất là những rừng phong đầy lá đỏ sáng rỡ lên như vẻ đẹp của người đàn bà sầu muộn. Khi hai chị em ngồi uống cà phê ăn sáng, Mina cũng nhẹ nhàng nằm dưới chân bà chủ, giụi tấm thân mượt mà êm êm ấy vào đôi chân của Huyền, như muốn cho biết sự hiện diện của nó trong căn nhà này. Huyền cúi xuống nựng nịu con mèo nhỏ, vuốt ve mảng lông mượt mà vàng óng của nó, cô nói :

"Chị biết không? Sáng nào Mina cũng đánh thức em dậy để tụng kinh, hôm nào quên không để đồng hồ báo thức cũng không sao, vì cứ đến giờ đó là Mina quào vào chân hay ống quần để gọi em dậy. Khi em đánh răng rửa mặt vào thì nó đã nhảy xuống yên vị trên cái gối kề bàn thờ chờ đợi, nó cũng mê nghe kinh như em mê niệm Phật vậy."

Huyền kể một cách bình thản, riêng tôi lại ngạc nhiên không ít. Tiếng chuông tiếng mõ có gì nhiệm mầu đến nỗi hấp dẫn một con mèo để trở thành thói quen tốt, quán tính tự nhiên của loài vật hay chính con mèo là hiện thân của một con người, mà ông trời vì thương cho cảnh người phụ nữ hiền hậu cô đơn, đã gửi nó đến để làm bạn?!!

Hèn chi tôi nhìn thấy ở Mina có một vẻ gì rất lạ lùng, trong đôi mắt xanh hiền từ và trong sáng như một đứa trẻ con tâm hồn còn ngây thơ trong trắng. Chiều qua khi Huyền đưa tôi về nhà, nó đã biết ra cửa sổ chờ đợi như đứa con chờ mẹ về chợ, tối qua khi tôi và Huyền ngồi ăn cơm, Mina nằm thiu thỉu ngủ trên chiếc sofa, lim rim đôi mắt nghe hai người chuyện vãn. Và khi đến giờ đi ngủ, nó lại lặng lẽ theo bước chân người rồi nhảy tót lên chỗ ngủ cuối chân giường, không hề làm phiền đến ai.

Tôi cũng đã biết người ta huấn luyện những con vật nuôi trong nhà thật kỷ luật, và con vật ấy thường tuân theo chỉ vì được hưởng những phần thưởng như chiếc bánh, vài hột đậu mà nó thích. Mina không hề giống những con vật trung thành với chủ mà tôi biết, vì trong đôi mắt và cung cách của nó, toát ra một vẻ gì rất người, mà nếu là người thì cũng phải là loại người có nhân cách tử tế. Con mèo nghe kinh hay ghiền nghe tiếng chuông tiếng mõ, hay nơi chốn ấy rất cần thiết để hai bên nương tựa vào nhau tìm sự an ủi, theo tôi là một điều kỳ diệu và bí ẩn trong cánh rừng âm u, cây này ngả vào cây kia để trốn gió hay để che chắn bớt những cơn gió khắc nghiệt và thịnh nộ thổi vào cuộc đời nhiều cảnh huống khác nhau.

Ngày hôm sau Mina đã tỏ ra thân thiện hơn với khách, nó nhẹ nhàng đến ngồi vào giữa khi tôi và Huyền đang nói chuyện với nhau, mắt mơ màng lim rim, thỉnh thoảng duỗi chân ra như muốn nói cho biết: "Cứ tự nhiên đi nhen, bữa nay nhà thêm người tui cũng vui." Đó là tôi tưởng tượng vậy, cánh cửa khu rừng đã mở ra cho tôi nhìn thấy sự bằng lòng dễ chịu của Huyền với hoàn cảnh, chính một phần nhờ tấm lòng của Mina, trong nó tiềm ẩn một tình bạn thật chân thành mà nhiều khi người ta không thể tìm được ở con người.

Hai hôm sau, chuyến xe bus rời Montreal vào lúc 10 giờ tối, hành khách chuyện vãn ồn ào một chút, rồi tất cả đều im lặng chìm vào giấc ngủ chập chờn. Tôi vẫn mang theo hình ảnh cô em họ hiền lành, con mèo Mina biết lắng nghe tiếng chuông mõ kinh kệ những buổi sáng mù sương trong tâm khảm. Chỉ có một vầng trăng đầy đi theo tiễn tôi suốt chặng đường nửa khuya, hai bên đường là rừng cây và ánh trăng lấp loáng khi xe chạy qua những dòng sông, khoảng hơn 6 giờ xe cặp bến, trời Boston còn mờ tối ẩm ướt hơi sương.

Chiều hôm đó chúng tôi đến thành phố Lowell thăm chị bạn cũ sau mấy năm chưa gặp. Chị là người bạn mà theo tôi do duyên lành đưa đẩy để quen nhau, cái duyên quen biết kéo dài hơn hai mươi năm, nối dài cho mãi đến hôm nay thật là kỳ diệu, chúng tôi gặp nhau để rồi thân chỉ bắt đầu bằng hai tấm ny lông trên lề đường bụi bặm. Lần trước khi tôi đến thăm, anh còn sống, lần này đến thì anh đã không còn nữa. Anh đi thật bất ngờ, xum vầy và phân ly cũng kề bên nhau không đoán trước được, chị đang sửa soạn vali để hôm sau hai vợ chồng đi Cali thăm bạn bè, hai người còn đang chuyện trò thì tự nhiên anh im bặt, khi chị nhìn lại thì anh đã đổ gục ra đằng trước. Tin sao được là chỉ tích tắc thôi đã thấy không còn nữa, mới nói cười đây sao lại im lặng mau thế!

Sự ra đi của anh để lại cho chị một nỗi buồn nặng trĩu khó nguôi trong căn nhà trống trải, vừa ổn định được sau một thời gian dài định cư ở xứ người. Hình như đâu đó vẫn phảng phất hình bóng anh trong căn nhà nhỏ, nằm chênh chếch với một ngọn đồi rợp bóng thông xanh, giống y như Đà Lạt vì trời lúc nào cũng hơi lành lạnh. Chị dẫn tôi vào phòng khách, căn nhà trang trí theo lối cũ ở quê nhà, bàn thờ tổ tiên trân trọng đặt giữa phòng có nhang đèn chu đáo, bên cạnh là bàn thờ nhỏ để tấm ảnh của anh. Tôi đốt nén nhang cặm trên bàn thờ, thay cho một lời chào thăm hỏi ngày anh còn sống. Trên chiếc kệ nhỏ ngoài phòng khách, tôi lại nhìn thấy một con mèo.

Hình như tôi có duyên với mèo nên đến nhà ai tôi cũng gặp. Con mèo này cũng to như Mina ở nhà Huyền, nhưng nó có vẻ im lặng, thấy tôi nhìn chị giải thích:

"Mèo giả đấy, chỉ khi nào mình sờ đầu nó hay vuốt mạnh vào đuôi nó mới 'meo meo' thôi. Mình mua con mèo này dù không thích mèo lắm đâu, hôm đi chơi với cháu thấy họ bày bán nhiều con thú, tự nhiên mình lại lưu luyến với nó, chắc tại anh ấy tuổi mèo."

Chị thật là tình nghĩa, với mọi người chị quen chứ không phải chỉ với chồng con trong nhà, tôi vẫn quý cái tính này từ ngày quen biết chị. Hoàn cảnh đẩy chúng tôi ra lề đường, mỗi đứa một tấm ny lông tìm kế sinh nhai, được đồng nào hay đồng đó. Chị mua bán bạc cắc xưa, đồng tiền xưa, vài hòn đá hay miếng đồng đen gì đó, người không hiểu biết thì chả biết chị ngồi bán và mua cái gì với những thứ mang đầy dầu ấn thời gian như vậy. Tôi thực tế hơn, những gì mọi người cần dùng hằng ngày như bộ tách cũ, cái ấm trà, manh quần tấm áo cũ cho thời buổi cái gì cũng cần, cái gì cũng thiếu.

Lê la trên vỉa hè gió bụi, chúng tôi có niềm vui là nhiều thì giờ để nói chuyện, chị là giáo sư toán tốt nghiệp sư phạm đàng hoàng, tôi cũng có một gói văn chương mang theo để tán chuyện ngày xưa, bỗng vì thế mà hợp nhau rồi xem nhau như chị em. Buổi chiều chị đãi vợ chồng tôi một bữa cơm thật ngon, cá Salmon nướng cuộn bánh tráng, tuy là một thành phố nhỏ ít người Việt nhưng rau cỏ chẳng thiếu gì. Khi vừa bước lên phòng ăn giáp với phòng khách nhỏ nhà chị, tôi bỗng thấy con mèo "giả" bật lên tiếng chào "meo meo", nên  tôi cũng vui vẻ chào lại chú ta bằng hai tiếng "meo meo" mà quên khuấy lời chị nói với tôi lúc ban trưa, con mèo chỉ kêu được khi có ai vuốt mạnh vào đầu hoặc nắm cái đuôi của nó.

Liên tiếp khi ấy con mèo giả lại xoay cái đầu và đưa đôi mắt xanh biếc về hướng bàn ăn, lại "meo meo" lần nữa và lần nữa, tôi vẫn vô tình ghẹo lại :

"Biết rồi, khổ lắm, nói mãi ! Hôm nay mèo cũng biết có khách đến ăn chực nên chào hoài đấy nhỉ?"

Vừa nói tôi vừa cười, mùi thơm của thức ăn trên bàn cơm làm cồn cào cái bao tử. Nhưng tôi thấy chị ngồi im, lặng người như cố nén xúc cảm đang dâng trong lòng chị. Thấy tôi nhìn, chị hỏi:

"N. có thấy gì lạ không?"

Tôi lắc đầu, chị nói tiếp:

"Với mình thì lạ lắm, vì con mèo... tự nhiên nó lại kêu mà không cần ai đụng tới. Mình nghĩ là anh ấy mượn con mèo để cảm ơn bạn dù xa xôi vẫn đến đây thăm, và còn nhớ đến anh ấy nữa."

Tôi nói nhỏ:

"Vậy mà em cứ tưởng chị lên dây 'cót' nên con mèo mới kêu hoài như vậy."

Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi, cảm thấy lạnh sống lưng nhìn về phía con mèo giả, giờ này đã hết kêu "meo meo" và quay mặt ra phía cửa sổ một cách bình thản. Không khí bàn ăn thật im lặng, như mỗi người đang chìm đắm với một dấu hỏi trong đầu, một xáo trộn kỹ thuật xảy đến với con mèo hay là "ai" đã nhập vào nó, để mượn con mèo gửi lời chào đến mọi người trong niềm vui hội ngộ. Tuy là cuối hè nhưng ở miền Đông Bắc vẫn phảng phất chút mùa thu, buổi tối vẫn phải khoác chiếc áo ấm.

Tôi nhìn ra khung cửa sổ, vẫn một vầng trăng đầy vằng vặc chiếu qua song cửa, soi rõ dáng nằm ẩn nhẫn cuả con mèo bên thành cửa sổ. Con mèo giống như một bóng người, im lặng ngắm ánh trăng treo ngoài cửa sổ. Cứ cho là câu chuyện con mèo kêu liên tiếp những tiếng "meo meo" chỉ là một trùng hợp nào đó, tôi vẫn cảm thấy có một điều gì lạ lùng đang xảy ra đằng sau những cánh rừng. Ở đó hình như có một thung lũng ngập lá vàng khô mùa gió nổi, có những chiếc lá chờ nhau đang xào xạc kể chuyện.
Nguyên Nhung