Sunday, 16 September 2018

Bản Tin Cuối Tuần - Lâm Viên


Lâm Viên (Đặc San Lâm Viên) - Những tin tức nổi bật có liên quan đến tình hình Đông Nam Á trong tuần qua, từ 9/9 đến 15/9/2018.

Dự Đoán Cho Ba Tháng Cuối Năm 2018 Của Stratfor

Trang báo điện tử Stratfor là một trang báo nổi tiếng về những nhận xét và bình luận về tình hình thế giới. Cứ mỗi đầu ba tháng (quarter - tam cá nguyệt), tờ Stratfor lại đưa ra lời dự đoán về tình hình thế giới về mọi mặt từ kinh tế, chính trị cho đến quân sự. Trong quá khứ, những dự đoán của Stratfor có phần đúng rất cao, thế cho nên những dự đoán của Stratfor được rất nhiều các nhà bình luận và báo chí để ý đến.

Trong bản dự đoán về ba tháng cuối của năm 2018, từ tháng 9 đến tháng 12, có vài điểm liên quan đến tình hình của khu vực Đông Nam Á.

Bán Đảo Triều Tiên



Hoạt động trong mục tiêu phi hạt nhân Bắc Hàn của Hoa Kỳ sẽ tiến triển rất chậm trong ba tháng cuối năm nay. Hoa Kỳ có thể không còn kiên nhẫn và sẽ thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân mạnh mẽ, buộc Bắc Hàn phải cam kết thi hành trong một thời gian được ấn định rõ ràng. Ưu tiên của Bắc Hàn là muốn có một cam kết hòa bình và bình thường hóa ngoại giao với Hoa Kỳ cũng như bãi bỏ những trừng phạt kinh tế trước khi thực sự tiến hành việc bãi bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân. Bắc Hàn vẫn duy trì liên hệ ngoại giao với Nam Hàn và Trung Cộng, và cả hai sẽ tiếp tục tham gia với Bình Nhưỡng để cố gắng ngăn chặn hành động quân sự của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ vẫn dành riêng cho mình một chiến lược tạo áp lực tối đa lên Bắc Hàn. Điều này đưa Nam Hàn vào một vị trí khó xử. Nhưng Hoa Kỳ sẽ giữ chiến thuật duy trì áp lực mạnh mẽ cho đến khi Bắc Hàn biểu lộ thiện chí thì mới giảm thiểu các lệnh trừng phạt. Đặc biệt, Nga sẽ hỗ trợ Bắc Hàn với một hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trung Cộng và Hoa Kỳ Tiếp Tục Cuộc Tranh Chấp Thương Mại


Thị trường chứng khoán và giá trị tiền tệ của Trung Cộng (TC) đang chao đảo sau đợt đánh thuế đầu tiên của Mỹ với trị giá 50 tỷ đô la trên hàng hóa nhập cảng từ TC, và đợt kế tiếp sẽ đè nặng lên nền kinh tế chậm chạp, nợ nần chồng chất của TC. Mức thuế 25 phần trăm trên 200 tỷ đô la hàng hóa nhập cảng từ TC sẽ có hiệu lực trong ba tháng cuối này và chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận máy móc (machinery) và điện tử (electronic). Mặc dù Hoa Kỳ có thể điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng để giảm thiểu việc tăng giá đối với người tiêu thụ ở Mỹ, nhưng các nhà sản xuất TC với lợi nhuận thấp, bao gồm bàn ghế trong nhà (furniture), phụ tùng xe hơi và da, sẽ cảm thấy áp lực ngày càng tăng hoặc thậm chí phá sản. Tình trạng này sẽ góp phần gây căng thẳng kinh tế và việc làm ở các khu vực xuất khẩu ven biển như Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải, Sơn Đông và Quảng Đông. Tuy nhiên, TC có thể sẽ tránh đàm phán trước cuộc bầu cử, dân biểu và nghị sĩ, giữa nhiệm kỳ tổng thống của Hoa Kỳ (midterm) vào tháng 11, vì dự đoán rằng ​​Tổng Thống Donald Trump sẽ đưa ra các quyết định thương mại mạnh mẽ hơn sau cuộc bầu cử.

Tờ Wallstreet Journal đã sai, chúng ta không bị áp lực để thực hiện một thỏa thuận nào với TC, họ đang chịu áp lực phải thương lượng với chúng ta. Thị trường (chứng khoán) của chúng ta đang tăng, của họ đang sụp đổ. Chúng ta sẽ nói đến chuyện hàng tỉ đô la thuế nhập cảng và chế tạo sản phẩm ngay trong nước. Nếu họ muốn đối thoại thì chúng ta sẽ đối thoại

(Stratfor đã tiên đoán đúng. Sáng thứ Năm, ngày 14 tháng 9, trang báo điện tử bloomberg.com vừa cho biết tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho các phụ tá về kinh tế và thương mại tiến hành việc đánh thuế nhập cảng đợt nhì với trị giá khoảng 200 tỷ đô la trên các sản phẩm nhập cảng từ TC mặc dù ông Bộ Trưởng Tài Chánh đã cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh để giải quyết cuộc chiến thương mại. ĐSLV)

Thuế Nhập Cảng Làm Gián Đoạn Kế Hoạch Nội Bộ Của Trung Cộng

Để giảm bớt sự thiệt hại của cuộc chiến thương mại đang diễn ra, TC sẽ giảm chi tiêu tín dụng và chi tiêu cơ sở hạ tầng, trợ cấp và giảm giá để ngăn chặn tổn thất công việc và doanh thu của tư nhân bị suy giảm. Điều này sẽ không ngăn cản sự gia tăng sụp đổ của các công ty tư nhân và rủi ro đối với các món nợ của chính quyền địa phương, do trị giá của các trái phiếu đáo hạn lên tới 17 tỷ đô la. Bắc Kinh cũng sẽ nhảy vào để ngăn chặn trị giá của đồng nhân dân tệ không bị tuột dốc quá xa trong khi cố gắng cải chính các cáo buộc của Mỹ về việc thao túng tiền tệ. Những khó khăn về kinh tế sẽ làm tăng áp lực đối với chính phủ và đặc biệt đối với Chủ Tịch Tập Cận Bình, vì Bắc Kinh sẽ buộc phải sắp xếp các chiến lược kinh tế để đối phó với Washington. Sau cùng, chính phủ TC sẽ sẵn sàng chịu đựng các khó khăn về kinh tế hơn là thỏa hiệp với Hoa Kỳ về chính sách thương mại của họ. Với sự lo ngại rằng Washington đang tìm mọi phương pháp để làm suy yếu TC, chính quyền Bắc Kinh sẽ dành ưu tiên cho sự đoàn kết và ổn định nội bộ, xem xét các mối đe dọa đối với quyền lực của họ Tập cũng như tăng cường kiểm soát các mạng xã hội và internet.

Hoa Kỳ Đối Đầu Trung Cộng ở Biển Đông

Hoa Kỳ sẽ duy trì và củng cố sự hiện diện của hải quân tại Biển Đông, đồng thời tiếp tục xây dựng các mối quan hệ quốc phòng và kinh tế dọc theo vùng ngoại vi của TC từ Đài Loan đến các quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Đáp lại, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực chiến lược cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. TC sẽ tổ chức các cuộc tập trận đầu tiên với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), TC và Phi sẽ tăng cường hợp tác hàng hải và thăm dò năng lượng chung ở Biển Đông. Tuy nhiên, các quốc gia như Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ quốc phòng và kinh tế với Hoa Kỳ và Nhật Bản để cân bằng chống lại TC. Chiến thuật của Bắc Kinh là để cô lập Đài Loan, trái lại, có khả năng sẽ tăng cường tiếng nói ủng hộ sự độc lập của Đài Loan trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tập trung xây dựng quan hệ với Đài Loan trong nỗ lực chống lại TC.

Gập Ghềnh Của Vành Đai và Con Đường

Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chương trình Vành Đai và Con Đường (Belt and Road) của họ để đáp lại phản ứng của các quốc gia liên hệ đang ngày càng trở nên nghi ngờ về động cơ thực sự của TC và các dự án đang gặp rắc rối. Việc giám sát của các quốc gia đối tác và quốc tế có thể sẽ khiến TC phải tìm cách tiến gần đến các quốc gia khác, như Ấn Độ, Nhật Bản và các cường quốc có địa vị quan trọng trong Liên Minh Châu Âu. Một cuộc họp thượng đỉnh giữa Nhật Bản và TC trong tháng 10 sẽ khiến Tokyo chấp thuận một số dự án, có lẽ là ở Đông Nam Á hay châu Phi. Tuy nhiên, Liên Minh Châu Âu sẽ không hưởng ứng những dự án của TC và sẽ đề nghị một dự án khác về cơ sở hạ tầng trong một cuộc họp tháng 10 giữa các nước châu Á và châu Âu.

Nhật Bản Sẽ Cố Gắng Duy Trì Ổn Định Tình Hình Chính Trị và Kinh Tế

Đảng Dân Chủ Tự Do của Nhật Bản không muốn mạo hiểm gây bất ổn bằng cách cố gắng để đánh bại Thủ Tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử tháng Chín, vì vậy ông Abe có thể sẽ chắc chắn thắng cử trong nhiệm kỳ thứ ba. Để đối phó với các mối đe dọa thuế nhập cảng của Mỹ đối với hàng xe hơi xuất cảng, Nhật Bản sẽ cố gắng tận dụng việc đầu tư lâu dài của họ vào các nhà máy ở Mỹ và cố gắng làm giảm các hàng rào cản gần đây tại các thị trường khác. Phương sách cuối cùng, Tokyo có thể tìm cách để đàm phán thương mại với Washington. Các cuộc gặp gỡ giữa Putin và Abe có thể tạo ra các thỏa thuận kinh tế, nhưng Nga sẽ có khuynh hướng ngừng hợp tác kinh tế khi cảm thấy có thể làm thiệt hại đến chủ quyền của họ.

Những Dữ Kiện Đặc Biệt

Ông Washburne, người đứng đầu cơ quan đầu tư quốc tế của Hoa Kỳ, đã gia tăng sự chỉ trích kế hoạch "Một Vành Đai, Một Con Đường" của Bắc Kinh, và cho rằng TC đang lợi dụng mô hình này để "lấy tài nguyên của các quốc gia đối tác."

Ray Washburne, chủ tịch và CEO của OPIC (Overseas Private Investment Corporation - Công Ty Tư Nhân Đầu Tư Nước Ngoài), một cơ quan liên bang của chính phủ Hoa Kỳ, cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa hề thay đổi cách thực hiện sáng kiến kinh tế của họ, dù đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Trên thực tế, giới chức TC vẫn đang cố gắng tránh né phương diện chính trị địa dư của chiến lược "Một Vành Đai, Một Con Đường" mà thay vào đó là tập trung vào sự tuyên truyền về phương diện phát triển kinh tế lâu dài và tạo ra việc làm cho các quốc gia liên hệ.

Tuy nhiên ông Washburne cho rằng ông "không hề thấy điều này." Và ông đã nhấn mạnh rằng "TC chẳng giúp đỡ gì cho những quốc gia này cả, họ chỉ muốn cướp lấy tài nguyên của các quốc gia này mà thôi."

Ông Washburne nhắc lại các lời chỉ trích của thế giới rằng TC đang đẩy các nước đối tác vào cảnh nợ nần và dẫn chứng trường hợp hải cảng Hamabota ở Sri Lanka.

Ông Washburn cũng vừa đệ trình một dự luật BUILD Act lên Quốc hội Hoa Kỳ, với mục đích gia tăng quan hệ hợp tác kinh tế với Nhật Bản, một cường quốc châu Á cũng đang lo ngại về sự ảnh hưởng của TC.

BUILD Act được đánh giá là một đối trọng với chương trình "Một Vành Đai, Một Con Đường" của Tập Cận Bình.

Một dữ kiện đáng chú ý là sự thức tỉnh của cơ quan truyền thông CNN của Hoa Kỳ trước chiến thuật xâm lăng mọi mặt của TC. Ngày 13 tháng 9, trên trang nhà của CNN xuất hiện một đề tài gây chú ý "Tổng Thống Donald Trump Phải Chú Ý Đến Trung Cộng - Donald Trump must not take his eye off China." Bài báo đặc biệt chú ý đến một phim ngắn (video clip) của cơ quan truyền thông TC, trong đó có một bài hát dựa theo bài hát quảng cáo của hãng nước ngọt Coca Cola trong thập niên 1970. Bài hát có ý nghĩa cổ động cho chủ trương "Một Vành Đai, Một Con Đường" của Tập Cận Bình.

"Tôi muốn dạy thế giới hát, một cách thật hài hòa
Tôi muốn nói với thế giới một sự thật, và giữ nó trong trái tim tôi
Đó là Vành Đai và Con Đường, những gì ngày nay thế giới đang muốn
Chúng ta sẽ nói rằng đó là hy vọng, với vành đai và con đường
Đó là Vành Đai và Con Đường, bạn có nghe những gì chúng tôi đang nói hay không
Những gì thế giới cần ngày hôm nay, đó là điều thực sự."

(I'd like to teach the world to sing, in perfect harmony
I'd like to tell the world a truth, and keep it in my heart
It's the Belt and Road, what the world wants today
That's the hope we will say, with the belt and road
It's the Belt and Road, won't you hear what we say
What the world needs today, it's the real thing.)

Bài báo nêu lên sự gian dối của cuốn phim ngắn này, cách thức tuyên truyền bằng hình ảnh và ngôn từ trái ngược hẳn với thực tế là sự đàn áp nhân quyền, chủng tộc và tôn giáo vẫn xảy ra tới mức báo động ở nội địa TC, nhất là ở vùng Tân Cương đã có hơn một triệu người đối kháng bị bắt giam vào các trại tù tập trung mà không xét xử.

Đây là một dấu hiệu đặc biệt và hiếm có khi CNN, một cơ quan truyền thông "dòng chính" chuyên "đả phá Trump", giật mình tỉnh giấc trước hiểm họa TC.

Sau cùng, hôm thứ Năm 13 tháng 9, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố Quốc Hội Hoa Kỳ vừa chấp thuận việc bán sáu máy bay tuần thám P-8A Poseidon cho Nam Hàn với giá ước tính là 2,1 tỷ đô la và 64 hỏa tiễn Patriot trị giá 501 triệu đô la.

Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì "Những chiếc P-8A sẽ cho phép Nam Hàn hiện đại hóa và duy trì khả năng kiểm soát hải phận (Maritime Surveillance Aircraft - MSA) của họ trong 30 năm tới."

Hệ thống hỏa tiễn Patriot sẽ cho phép Nam Hàn "cải thiện khả năng phòng thủ trước sự tấn công bằng hỏa tiễn của Bắc Hàn, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của họ và ngăn chặn các mối đe dọa đến sự ổn định của khu vực."

 

Tháng trước, ký giả của hãng truyền thông CNN và BBC đã được tháp tùng một chuyến bay tuần thám của chiếc P-8A Poseidon qua vùng đang có sự tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông để hiểu rõ thêm về tình hình an ninh trong vùng.

Lâm Viên

Tham khảo:

2018 Fourth-Quarter Forecast
https://worldview.stratfor.com/article/2018-fourth-quarter-forecast-geopolitics-global-risk

Donald Trump must not take his eye off China
https://www.cnn.com/2018/09/13/opinions/trump-takes-his-eye-off-china-opinion-intl/index.html

US approves $2.6B sale of missiles and surveillance planes to South Korea
https://www.cnn.com/2018/09/13/politics/us-south-korea-aircraft-missile-sales/

How the BUILD Act advances development
https://www.brookings.edu/blog/future-development/2018/07/10/how-the-build-act-advances-development/

'Vành đai và Con đường lấy tài nguyên của nước đối tác'
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45505721

Xinjiang conflict - Xung Đột ở Tân Cương
https://en.wikipedia.org/wiki/Xinjiang_conflict

Trump Wants $200 Billion in China Tariffs Despite Talks, Sources Say
https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-09-14/trump-said-to-want-200-billion-in-china-tariffs-despite-talks