Wednesday, 26 September 2018

Hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung của Trung Cộng - Đoàn Thi

image.png

Dạo tháng Tám vừa qua, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã cho công bố một bản phúc trình cho thấy có tới một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong những điều kiện chẳng khác nào trại tập trung tại tỉnh Tân Cương. Tại Tân Cương, một vùng tự trị ở miền Tây Trung Cộng, hiện có khoảng 10 triệu người thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, tuyệt đại đa số là tín đồ Hồi Giáo. Tỷ lệ người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ là một điều đáng quan ngại: cứ 10 người có một người “mất tích trong các trại tập trung”.

Ông Gay McDougall, Chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Bài trừ Kỳ thị Chủng tộc, cho rằng có tới 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều nhóm thiểu số Hồi Giáo khác bị giam giữ trong “các trại (học tập) chính trị để tẩy não”. Họ không có một tội nào khác ngoài việc thực thi niềm tin tôn giáo của họ là Hồi Giáo. Tại Tân Cương, đối với chính quyền cộng sản, Hồi Giáo đồng nghĩa với phản động, ly khai và khủng bố.

Nhưng sự kiện có đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương bị giam giữ trong các trại tập trung chỉ là phần nổi của cả một chính sách đồi bại bao quát hơn: đó là chủ trương thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Dĩ nhiên, dưới chế độ cộng sản, “trại tập trung” không thể không gợi lại những hình ảnh khủng khiếp của cuộc sát tế người Do Thái do Đức Quốc Xã chủ xướng trong thời Đệ nhị Thế chiến hoặc việc giam giữ người Mỹ gốc Nhật Bản tại Hoa Kỳ cũng trong thời Đệ nhị Thế Chiến hoặc các nhà tù được mệnh danh là “trại tập trung cải tạo” dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam. Không thiếu những tài liệu được các cơ quan truyền thông của Hoa Kỳ phổ biến cho thấy Trung Cộng gọi đích danh Hồi Giáo là một thứ “bệnh tâm thần” và mục tiêu tối hậu của chế độ này là phải tiêu diệt tôn giáo này bằng một cuộc thanh lọc chủng tộc có hệ thống mà việc giam giữ trong các trại tập trung chỉ là một phần nổi.

Nằm sát biên giới với Mông Cổ về hướng Đông Bắc, Tân Cương là một vùng mà sắc tộc chính là người Duy Ngô Nhĩ. Đầu Thế kỷ 20, Tân Cương đã tuyên bố độc lập. Nhưng năm 1949, sau khi thôn tính toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã ra lệnh xâm lăng Tân Cương và biến quốc gia này thành một tỉnh tự trị đặt dưới quyền cai trị độc tài của Trung Cộng.

Ngoài tôn giáo là Hồi Giáo, xét về chủng tộc, người Duy Ngô Nhĩ cũng gần gũi với những người láng giềng khác như Kyrgyzstan, Kazakhstan và các sắc dân Thổ khác hơn là Hán tộc. Người Duy Ngô Nhĩ vẫn gọi Tân Cương là Đông Turkistan. Ngoài ra, mặc dù bị sáp nhập vào Trung Cộng, người Duy Ngô Nhĩ vẫn duy trì ngôn ngữ riêng của họ là tiếng Turki.

Cho tới nay, nhiều người Duy Ngô Nhĩ vẫn nại đến nguồn gốc lâu đời của họ và nhất là sự bách hại tàn bạo của Trung Cộng để tiếp tục tranh đấu giành lại độc lập. Đáp lại cuộc tranh đấu của người Duy Ngô Nhĩ, Trung Cộng đã đưa hàng loạt người Hán xâm nhập vào lãnh thổ Tân Cương. Chiến lược này đã biến người Duy Ngô Nhĩ thành một thiểu số trên chính quê hương của họ và như vậy không còn khả năng để chiến đấu giành độc lập.

Cuộc khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 tại Hoa Kỳ đã cung cấp thêm cho Trung Cộng một cớ khác để đè bẹp người Duy Ngô Nhĩ. Chạy đua với Hoa Kỳ về mọi mặt, Trung Cộng cũng muốn qua mặt Hoa Kỳ về chủ trương bài Hồi Giáo. Quốc gia Cộng sản khổng lồ này đã chộp lấy chiến dịch “Cuộc chiến chống Khủng bố” do Hòa Kỳ đề xướng để đồng hóa Hồi giáo với Khủng bố. Người Duy Ngô Nhĩ đã trở thành vật tế thần không thương xót của Trung Cộng trong cuộc chiến không phải để chống khủng bố cho bằng tiêu diệt cả một dân tộc.

Có thể nói Hồi Giáo là bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ. Việc biểu lộ niềm tin tôn giáo của họ gắn liền với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Nhưng Cuộc chiến chống khủng bố mà Trung Cộng tung ra nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ không chỉ có mục đích bóp nghẹt mọi khát vọng độc lập của họ mà còn nhằm tiêu diệt họ.

Từng bước một, để đạt mục tiêu này, năm 2015, Trung Cộng đã ra lệnh ngăn cấm sinh viên, giáo viên và nhân viên hành chính thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương không được phép tuân giữ tháng Chay Tịnh Ramadan của người Hồi giáo. Họ không chỉ bị cấm tuân giữ tháng Chay này nơi công cộng. Cảnh sát còn vào từng gia đình để theo dõi và ngay cả đe dọa.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cùng với lệnh cấm trên đây, Trung Cộng còn cho nhân viên công lực đi thẩm tra các giáo sĩ Hồi giáo, theo dõi chặt chẽ các sinh hoạt tôn giáo trong các đền thờ, đuổi các giáo viên dạy môn tôn giáo và các học sinh ra khỏi trường học, giới hạn việc thông tin liên lạc của người Duy Ngô Nhĩ với gia đình hay bạn bè đang sống ở hải ngoại cũng như sàng lọc môn văn học trong các trường tại Tân Cương.

Trong những năm gần đây, toàn tỉnh Tân Cương gần như đã trở thành một thứ nhà tù mở để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ. Con đường tất yếu dành cho những ai dám công khai thực hành niềm tin tôn giáo của họ sẽ là trại tập trung “cải tạo” để gọi là “chữa trị” khỏi “căn bệnh” Hồi Giáo và dĩ nhiên để tiêu diệt sắc tộc Duy Ngô Nhĩ.

Với Trung Cộng, Hồi Giáo là một “căn bệnh ý thức hệ” không những cần phải bị trừng phạt, mà còn phải chữa trị.

Kể từ năm 2013, các nhà tù mà Trung Cộng gọi bằng một danh từ hoa mỹ là “trại tập trung cải tạo” ngày càng nhiều và càng lớn. Trong các nhà tù thường là quá tải này, các cai tù được giao nhiệm vụ phải chữa trị “căn bệnh Hồi Giáo” bằng một loạt những hành động cưỡng bách hoàn toàn ngược lại với những thực hành tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ như: buộc họ phải ăn thịt heo và uống rượu (cả hai đều là những điều cấm kỵ đối với Hồi Giáo), bắt họ phải học thuộc lòng và hát các bài “thánh ca” của Đảng Cộng Sản, buộc họ phải học tiếng Quan Thoại và theo những khóa học khác để xóa bỏ tôn giáo và văn hóa của họ.

Bị giam giữ và bứng khỏi gia đình, có khoảng từ 10 đến 20 phần trăm dân số Duy Ngô Nhĩ đã hoặc đang trải qua những hành hạ và tra tấn khủng khiếp mà người ta chỉ nghe nói tới trong thời Đệ nhị Thế chiến. Càng chống cự càng bị tra tấn dã man hơn. Nhiều gia đình cho biết người thân của họ hoặc đã chết hoặc mất tích trong các trại tù ở Tân Cương. Phần lớn những người bị giam giữ trong các nhà tù ở Tân Cương là đàn ông. Song song với việc giam giữ đàn ông, chính quyền cộng sản còn cưỡng bách các phụ nữ Duy Ngô Nhĩ phải lấy người Hán. Với âm mưu thâm độc này, dân số Duy Ngô Nhĩ ngày càng giảm và người Hán ngày càng trở thành đa số tại Tân Cương.

Mối đe dọa bị giam tù là một nỗi lo sợ không ngừng ám ảnh các gia đình người Duy Ngô Nhĩ. Không ai biết mình sẽ bị bắt mang đi lúc nào. Để thực hiện cuộc khủng bố tinh thần này, Trung Cộng cho công an xâm nhập vào mọi cộng đồng của người Duy Ngô Nhĩ, dùng chính người hàng xóm, bạn học và người cùng sở để theo dõi họ. Đồi bại hơn nữa, cũng giống như tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Trung Cộng còn sử dụng trẻ con để theo dõi và tố cáo cha mẹ của chúng.

Mới đây trên báo The Atlantic, ký giả Sigal Samuel đã viết rằng “Cuộc khủng bố của Trung Cộng khiến cho một số người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương lo sợ rằng chính con cái họ sẽ đi tố cáo họ, hoặc vô tình hoặc do các giáo viên xúi giục phải theo dõi họ. Nếu những đứa trẻ sống trong các gia đình bị xúi giục để theo dõi cha mẹ mình, thì trong các cô nhi viện dành cho những đứa trẻ có cha mẹ và người thân đang bị giam tù, trẻ con lại càng bị tẩy não để làm công tác do thám hơn. Trong những cô nhi viện này, trẻ con từ 6 tháng đến 12 tuổi bị nhốt chẳng khác nào trong “trại súc vật”. Đây chính là nơi chính quyền Trung Cộng thử nghiệm chương trình thanh lọc chủng tộc của họ: cả một thế hệ trẻ con Duy Ngô Nhĩ được nhào nặn thành những “con thú” để quay lưng lại với cha mẹ của chúng, tôn giáo và văn hóa của chúng để chỉ còn biết tiếng Quan Thoại, các lề thói của tộc Hán và dĩ nhiên để chỉ còn thực thi một tôn giáo mới là chủ nghĩa vô thần.

Ngoài khoảng 10 triệu người tại Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ cũng sống rải rác tại nhiều nơi trên khắp thế giới. Riêng tại Úc Đại Lợi, cộng đồng Duy Ngô Nhĩ chỉ có khoảng 4000 người. Nhiều người trong họ hiện đang có thân nhân và bạn bè bị giam giữ trong các trại tập trung.

Mặc dù chỉ là một thiểu số không đáng kể, cộng đồng này cũng đã qui tụ được 10.000 người ký tên vào một thỉnh nguyện thư gởi lên Quốc hội Liên bang Úc để kêu gọi chính phủ Úc tạo áp lực lên Trung Cộng hầu chấm dứt việc bách hại và thanh lọc chủng tộc đối với người Duy Ngô Nhĩ. Một phát ngôn viên từ văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Marise Payne cho biết các viên chức của Lãnh sự Úc đã nêu vấn đề này với những người đồng nhiệm của Trung Cộng. Trong một tuyên ngôn mới đây, “chính phủ Úc bày tỏ quan ngại về tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ tại vùng tự trị Tân Cương.”

Liền sau khi Liên Hiệp Quốc cho công bố bản phúc trình về những cuộc đàn áp và bách hại người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Đảng Đối Lập Lao Động cũng đã kêu gọi Chính phủ Morrison gia tăng áp lực lên Trung Cộng. Lời kêu gọi của Đảng Lao Động được đưa ra liền sau khi tại Hoa Kỳ, nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã yêu cầu chính phủ của Tổng thống Donald Trump gia tăng các trừng phạt kinh tế đối với Trung Cộng.

Cho tới nay, Trung Cộng vẫn một mực bác bỏ mọi cáo buộc của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền về tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Trước sau như một, vẫn một giọng điệu, Trung Cộng nói rằng Tân Cương đang phải đối đầu với mối đe dọa khủng bố từ các nhóm Hồi Giáo ly khai. Trung Cộng cáo buộc rằng chính những người Duy Ngô Nhĩ đang tổ chức những cuộc tấn công khủng bố nhằm gây căng thẳng giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, vốn đang là chiếm đa số tại tỉnh tự trị này.

Bác bỏ những cáo buộc của Bộ Ngoại giao Mỹ và Úc cũng như của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Cộng vẫn bổn cũ soạn lại để khẳng định rằng “Chính phủ Trung Cộng bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của công dân Trung Hoa phù hợp với luật pháp”.

Đại họa nhân đạo đã từng xảy ra tại Rwanda, Đông Timor và mới đây tại Miến Điện. Một đại họa như thế rất có thể cũng sẽ xảy ra tại Tân Cương nếu thế giới nhắm mắt làm ngơ trước sự tàn bạo độc ác của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ.