Wednesday, 24 April 2019

Đêm tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng tại trung tâm Asia - Lâm Hoài Thạch/Người Việt


Từ trái, ca sĩ Lệ Thu, nhạc sĩ Nam Lộc, ca sĩ Thanh Lan và nhạc sĩ Quốc Sĩ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) – “Một khoảng thời gian không dài lắm, nhưng cũng không ngắn lắm. Bốn năm đủ để cho chúng ta thấy nhiều chuyện đã xảy ra trong cõi tạm này. Và bây giờ, có thể nhạc sĩ Anh Bằng đang ở trên cao nhìn xuống để thương chúng ta, vì ông đã đi xong đoạn đường của ông, còn chúng ta thì còn nhiều lận đận. Bốn năm vật đổi sao dời. Bốn năm hiểu được tình người lâu xưa. Bốn năm nước chảy qua cầu. Bốn năm ngồi lại cùng nhau ngậm ngùi.”
Đó là lời của Giáo Sư Quyên Di trong đêm “Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Anh Bằng” tại trung tâm Asia, Garden Grove, do cô Thy Vân, ái nữ của cố nhạc sĩ Anh Bằng, giám đốc trung tâm Asia, và một số bằng hữu cùng tổ chức vào chiều Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2019.


Từ trái, cô Thy Vân cùng hai nhạc sĩ Nam Lộc và Quốc Sĩ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

MC Quyên Di nói tiếp: “Khi trung tâm Asia được thành lập, lúc đó tôi là một thợ in đang làm việc tại một nhà in. Ông Anh Bằng đến để nhờ tôi vẽ một logo của trung tâm Asia. Còn nói về nhạc sĩ Anh Bằng, thì nhạc của ông chúng ta đều thấm thía khi nghe bài ‘Đêm Nguyện Cầu’ hoặc ‘Nó.’ Nhưng khi nghe bài ‘Căn Nhà Ngoại Ô’ thì chúng ta lại có cảm giác xúc động kiểu khác.”
“Và khi nghe bài ‘Nỗi Lòng Người Đi’ thì chúng ta có những cảm xúc khác hơn nữa,” MC Hồng Vân tiếp lời.
Ca sĩ Lê Uyên mời cô Thy Vân ra trước mặt mọi người, vì cô là người đã chỉnh trang lại căn phòng này qua nhiều tuần lễ để cho mọi người đến dự “Đêm Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Anh Bằng.”
Lê Uyên tâm tình: “Rất vui cho chúng ta được hiện diện tại đây trong hôm nay. Càng vui hơn, khi chúng tôi biết được trung tâm Asia sắp thực hiện một chương trình giá trị được ấp ủ hơn hai năm với sự ngưỡng mộ, yêu thương và lòng hiếu thảo của Thy Vân dành cho thân phụ của mình. Show nhạc này sẽ cho chúng ta biết rõ hơn về cuộc đời cũng như những tác phẩm của ông đã sáng tác qua hàng chục năm qua. Anh Bằng, người nhạc sĩ có những cảm xúc về tình yêu cá nhân, bên cạnh đó, người cũng đã sáng tác những bài hát với cảm xúc và tâm trạng chung của mọi người theo diễn biến thay đổi của đất nước. Như bài ‘Nỗi Lòng Ngươi Đi,’ Anh Bằng đã viết để dành tặng cho những người ở lại và ngay cả những người đã rời Hà Nội vào 1954.”

Nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Khi được định cư tại Hoa Kỳ, ông đã tiếp tục viết theo tâm trạng và cảm xúc của những người trẻ trên quê hương thứ hai và những thay đổi rất khác, rất mới trong đời sống và sự suy nghĩ của người Việt Nam tại hải ngoại. Những chủ đề mà Thy Vân sắp sửa thực hiện, tôi tin rằng, đó là việc mở đầu trong nhiều chương trình có giá trị khác. Cách đây gần 20 năm, trung tâm Asia đã có những cuốn video, DVD đã ghi lại những hình ảnh dành cho những khán giả tại hải ngoại như những tác phẩm có chủ đề về những trẻ em mồ côi bị bỏ rơi ở Phi Luật Tân và những chương trình ‘Bên Em Đang Có Ta.’ Đó là những chủ đề có giá trị mà tôi nghĩ rằng, nó đã góp phần rất lớn trong việc tìm hiểu âm nhạc Việt Nam của giới trẻ sau này. Những chủ đề giá trị đó là những món ăn tinh thần rất cần thiết cho tất cả chúng ta,” nữ ca sĩ nói tiếp.
Ca sĩ Thanh Lan, một tài năng của nền điện ảnh và âm nhạc Việt Nam cũng có mặt cho biết: “Thanh Lan đến đây được gặp gỡ lại một số anh chị em nghệ sĩ ngày xưa cũng như những tiếng hát trẻ sau này và khán giả đã yêu dòng nhạc Anh Bằng. Trước 1975, tôi có dịp được thâu âm nhiều bài nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng tại Việt Nam và khi sang Hoa Kỳ thì tôi cũng đã thâu âm nhiều bài nhạc của ông. Vì thế, buổi ‘Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Anh Bằng’ thì tôi phải có mặt và hát một bài nhạc của ông, đó là bài ‘Bây Giờ Còn Nhớ Hay Quên’ thơ Nhất Tuấn, nhạc Anh Bằng.”

MC Hồng Vân và chân dung nhạc sĩ Anh Bằng qua bút họa của họa sĩ Châu Thụy. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nhạc sĩ Cao Minh Hưng, con chim đầu đàn của Ban Văn Nghệ Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, khi nhắc đến nhạc sĩ Anh Bằng thì tất cả anh chị em trong câu lạc bộ này đều phải ơn ông, vì, cố nhạc sĩ và nhạc sĩ Cao Minh Hưng là những người đồng sáng lập ra câu lạc bộ này.
“Mục đích cho ra đời Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ là để các thành viên trong câu lạc bộ cùng sáng tác và hát những bài nhạc đấu tranh. Ngoài ra, câu lạc bộ còn hát những bài nói về tình yêu quê hương của cố nhạc sĩ và của chúng tôi sáng tác sau này. Nhạc sĩ Anh Bằng ra đi là sự mất mát lớn cho nên âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại,” Cao Minh Hưng cho biết.
Ca sĩ Ngọc Huệ, một trong nhiều ca sĩ đã xuất hiện trong những thời gian đầu tiên của nhiều trung tâm nhạc tại Little Saigon, tâm tình: “Bác Anh Bằng là một nhạc sĩ tài năng, chúng tôi xem bác như một trong những vị tiền bối của nền âm nhạc Việt Nam, vì bác đã cho ra đời rất nhiều bài nhạc rất hay và rất có giá trị. Đặc biệt hôm nay, chị Thy Vân đã chọn cho tôi hát bài nhạc ‘Nếu Vắng Anh’ của nhạc sĩ Anh Bằng. Đây là bài nhạc rất xưa, tôi đã tập hát bài này qua tiếng hát của ca sĩ Mai Hương đã thu âm hơn 50 năm về trước tại Sài Gòn. Bác Anh Bằng là người tôi đã mến mộ từ lâu, và hôm nay, tôi mới có cơ hội hát những dòng nhạc của bác trước khán giả.”

Các thành viên Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Trần Thăng, em ruột của nhạc sĩ Anh Bằng, kể về cuộc đời của cố nhạc sĩ và cảm tưởng của mình đối với người anh kính mến Anh Bằng.
Cô Phương Thúy Nguyễn, cư dân Garden Grove, một khán giả yêu thích dòng nhạc Anh Bằng tâm tình: “Phải nói, tôi rất ‘mê’ những bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng. Bởi vì, khi nghe những lời hát trong những bài nhạc của ông đều có chất chứa bản sắc dân tộc, đượm tình quê hương, nhất là khi đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, ông cũng có những bài nhạc đã nói lên sự đau thương và mất mát của đồng bào Việt Nam cũng như lòng yêu nước của những người Việt ly hương.”
MC Hồng Vân trong vai trò hướng dẫn chương trình nên có nhiều cơ hội gặp gỡ nhạc sĩ Anh Bằng trong những chương trình nói về dòng nhạc của cố nhạc sĩ. Cô chia sẻ: “Tôi rất quý mến nhạc sĩ Anh Bằng từ lúc còn đi học, nhất là khi nghe bài ‘Nỗi Lòng Người Đi’ của ông có viết câu ‘Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu,’ thì hoàn cảnh của tôi lúc đó cũng có trùng hợp với ý nghĩa của câu nhạc này là khi tôi mười tám tuổi thì tôi cũng xa Sài Gòn để sang Paris du học. Chú Anh Bằng rất hiền hòa và cũng là một trong những tài năng ‘gạo cội’ của nền âm nhạc Việt Nam.”

Đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Họa sĩ Hoàng Vinh tâm tình: “Nhạc sĩ Anh Bằng là một trong nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam. Đây cũng là niềm vinh hạnh cho những người Việt tại hải ngoại cũng như trong nước yêu thích về âm nhạc. Tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng cũng là dịp để chúng tôi nhớ lại những bài nhạc bất hủ của anh và cũng để chia sẻ nổi niềm thương tiếc của mình với hương linh của cố nhạc sĩ tài hoa này.”
Hơn 60 năm trong hành trình sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Anh Bằng đã biên soạn trên 600 tác phẩm chất chứa tự tình quê hương dân tộc; tình yêu của nhiều lứa tuổi; nỗi đau thương, mất mát của những người Việt xa xứ; và tình người ly hương khát vọng cho một Việt Nam được thanh bình.

Đồng hương đến dự đã có những cảm xúc ngậm ngùi, thương tiếc một tài hoa của đất nước qua những tác phẩm của ông, với những tiếng hát của các ca sĩ Thanh Lan, Lê Uyên, Phương Hồng Quế, Y Phương, Diễm Liên, Đặng Thế Luân, Anh Tuấn, Ngọc Lan, Ngọc Huệ, Hồng Quyên, Ngọc Quỳnh… Đặc biệt với sự hiện diện của ca sĩ Lệ Thu, hai nhạc sĩ Lam Phương và Nam Lộc. (Lâm Hoài Thạch)


Tưởng Niệm NS Anh Bằng do TT Asia Tổ Chức