Saturday, 1 June 2019

Trái Dại - Nguyễn Ngọc Duy Hân


Thời thơ ấu ở Việt Nam chắc ai cũng đã từng ăn qua những trái cây rừng, trái dại như trái sim, trái chay, xay, mây, bình bát, chùm đuông, thù lù, ô môi, trâm, gùi… Riêng tôi ở Tây Ninh con nhà nghèo, nên rất ít khi được cho tiền ăn quà vặt, ngày 2 bữa cơm là quý lắm rồi. Thỉnh thoảng được ba má cho tiền ăn sáng, hoặc nếu học giỏi lâu lâu được ông anh từ Saigon về thưởng tiền, thì chị em tôi dè sẻn mua những thứ rẻ nhất để ăn được nhiều, mau no bụng. Đầu đường khu nhà tôi ở có mấy cái sạp bán bánh, trái cây, bán thức ăn lúc nào cũng có khách. Chúng tôi thèm bánh mì thịt, xôi gà lắm nhưng không “afford” nổi, thường thì chỉ mua được miếng bánh khoai mì, gói xôi vò và ít trái cây dại.

Tôi thường mua một khúc trái ô môi, có người còn gọi là trái mắm khắm, có lẽ do cái mùi đặc biệt của nó. Ngậm miếng ô môi lấy chút vị ngọt và chát, nhai rồi phải nhả ra vì xác nó cứng, khó nuốt, nhưng bây giờ nhớ lại vẫn thấy nó ngon và đặc biệt làm sao! Chắc cũng đã hơn 50 năm rồi chưa được ăn hoặc nhìn lại tận mắt trái ô môi, nhớ ơi là nhớ. Chị tôi thì hay mua một chùm trái xay, sau khi lột lớp vỏ màu đen có lông mịn như nhung, là lớp thịt mềm và ngọt. Trái xay có mùi vị lạ, rất đặc trưng của loại trái cây rừng. Trái thù lù hay còn gọi là tầm bóp, cái tên nghe rất vui, hình dáng bên ngoài tròn vo mập mạp, nên có lẽ vì thế người ta đã ví von là mập “thù lù”(Ủa, ngoại trừ trái mướp, trái dưa chuột... hầu hết trái cây nào cũng tròn, “mập thù lù” mà!) Trái thù lù có vỏ mỏng bên ngoài, trông như chiếc lồng đèn hình trái tim treo trên cành, lúc chín thì lớp vỏ này khô nhăn lại.

Kế đến cũng nên kể tới trái chay, hay mọc tự nhiên ở triền đồi, bìa rừng. Trái chay to cỡ trái chanh, khi chín màu vàng cam, ruột hồng và có nhiều hạt.

Miền quê còn trồng nhiều cây chùm ruột hay cũng được gọi là tầm ruột, trái sai chi chít đầy cành với vị rất chua, chấm muối ớt mà xuýt xoa thì thích thú phải biết. Ngày Tết các bà các cô thi nhau trổ tài nữ công gia chánh, lấy chùm ruột làm thành mứt rất ngon. Còn có trái chùm đuông mọc thành từng chùm, khi còn sống có màu xanh, khi chín có màu nâu, ăn vào vị ngọt ngọt chua chua. răng và lưỡi dễ bị nhuộm màu tím xanh. “Rủ nhau đi bẻ chùm đuông. Chùm đuông hổng có dắt luôn vô rừng…”

Chúng tôi cũng hay hát dưới cây trâm: “Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có chồng, đàn ông có vợ….”

Ngoài ra còn có trái bình bát với màu vàng tươi và hương thơm phảng phất. Bình bát cũng có loại màu đỏ, trái nhỏ và dài hơn, khi chín trông xa xa như chiếc lồng đèn xinh xắn.

Khi Việt Cộng chiếm miền Nam năm 1975, anh rể tôi là Đại úy phải đi tù “cải tạo”, họ chiếm lấy ngôi nhà của anh chị, đuổi chị Hai tôi và 7 đứa cháu về vùng quê “kinh tế mới” ở Bến Tre. Có một mùa hè tôi được về quê thăm chị và các cháu, một hình ảnh không thể quên là những rặng dừa nước xanh rì mọc hai bên bờ lạch. Dừa nước dễ mọc, sai trái, từng “quài” to gồm nhiều múi nhỏ kết lại, khi chẻ đôi ra nạo lớp cơm trắng ngần bên trong ăn dòn dòn cũng khá lạ, quan trọng hơn là được ăn “free” tha hồ vì mọc đầy bờ nước không phải trồng.

Chắc ai cũng còn nhớ cây trứng cá, trái tròn khi chín màu vàng hoặc đỏ, bên trong đầy hột li ti nên khi mặt bị nổi nhiều mụn, người ta gọi là mụn trứng cá. Chắc bạn cũng đã từng đi trên “Con đường lá me”- tên của cuốn chuyện Tuổi Hoa Tím thơ mộng do Thụy An viết. Tây Ninh có rất nhiều cây me, trái chua nhưng cũng có khi ngọt nếu là “me dốt”. Me có thể ăn sống chấm muối ớt, hoặc ngào đường, làm mứt, nấu canh chua, hột cũng rang lên ăn được hoặc hầm nhừ làm chè hột me. Ngoài ra cũng phải kể tới cây thị, trái vàng thơm phức, ăn không ngon lắm nhưng chúng tôi cũng chắng chê! Vừa hít hà mùi thơm vừa đọc câu đồng dao:

“Trái thị, trái thị, vú bị bà già…” Ăn thị xong thì đem hột ngâm nước vo gạo, ước mong bà tiên trong chuyện Tấm Cám hiện ra. Hàng xóm cạnh nhà tôi còn có nhiều cây nhàu, bông trắng rất đẹp nhưng trái mùi khai, không ăn được nhưng để làm thuốc rất quý. Thuở đó chị em chúng tôi cũng mê bắt bướm, suốt ngày giăng nắng nên da đen thui, cầm vợt rượt bướm. Hồi ấy tiếng Anh tiếng U không được bao nhiêu chữ, mà khi viết tên trên trang bìa cứng của bộ sưu tầm Bướm, chúng tôi nắn nót chữ “Butterfly Album” - không xài tiếng Việt! Ngày ấy ngây thơ say sưa bắt bướm về ép, bây giờ nghĩ lại mới thấy mình “ác” quá, ôi thời khờ khạo non dại nhưng cũng đầy kỷ niệm.

Sang hải ngoại các loại trái cây “Tây” rất nhiều, rẻ, đi làm có tiền, nhưng chúng tôi vẫn hay hồi tưởng, nhắc nhớ những trái cây dại, quả rừng ngày xưa. Gia đình, bạn bè, quê hương ngày ấy thật thú vị, đáng “còn một chút gì để nhớ để thương”…. Trẻ con bên đây thường chỉ biết chơi trò chơi điện tử, ít khi ra ngoài sân chơi chung với nhau, ít trải nghiệm được đi lên đồi vào rẫy, lên rừng hái trái dại, thấy cũng kém thi vị.

Thời thơ bé vì nghèo nên phải mua trái dại rẻ tiền để ăn, ngày nay tại Việt Nam nghe nói các đại gia thừa tiền nên cũng rất “chảnh”, muốn tìm mua các loại trái cây rừng để ăn không bị có hóa chất. Giá trái cây dại ở thành phố bây giờ rất mắc, thậm chí có “xuất khẩu” ra ngoại quốc để làm thuốc. Vậy ra ngày ấy chúng ta đã may mắn ăn được những trái rừng thiên nhiên rất quý này, sang trọng không thua gì dân giàu có đại gia!

Xa quê hương đã lâu, nhớ về ngày tháng cũ không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối. Ước gì ngày đất nước thật sự Tự Do Dân Chủ mau tới để mình có thể về sinh sống trên quê cha đất tổ, hát câu đồng dao, ăn lại trái xây, trái bình bát, trái ô môi … ép hoa phượng làm bướm, bàn chuyện Thánh Hiền xưa và nhắc nhở con cháu góp phần xây dựng lại tình Người trong một đất nước bình yên, nhân bản và tràn đầy ý nghĩa …

Nguyễn Ngọc Duy Hân