Tuesday, 28 August 2018

Các Bài Viết Mới của Mỹ Nga

Một đám tang nhớ đời

Khi nhớ tới những lệ làng ở nơi sâu xa nhất nước Việt, chợt rùng mình ớn lạnh về chuyện một ngôi làng không mấy nổi tiếng nhưng được lưu vào trong tâm trí một trải nghiệm đến khó quên.

Tôi chỉ còn nhớ mang máng tên của ngôi làng từ một người dân thiểu số Phù Lá không sỏi tiếng kinh cho lắm trả lời khi chúng tôi hỏi. Đó có thể là làng Rét. Cái tên này có phải mang ý nghĩa về sự lạnh giá quanh năm suốt tháng của mảnh đất này chăng?

Nếu ai đã từng đặt chân đến xã Lũng Cú, tỉnh Hà Giang nhìn cột cờ đánh dấu đỉnh cực bắc Việt Nam thì tương tự như vậy ở một tỉnh khác, làng Rét là nơi gần như sâu xa nhất của tỉnh Lào Cai. Chúng tôi gồm 3 người đã đến đó vào những ngày đông giá rét của cách đây hơn 6 năm về trước.

Dân trong làng này thưa thớt và mỗi nhà cách nhau chừng vài ngọn đồi hay vài ngọn núi cao nhưng mỗi khi nhà nào có việc gì quan trọng thì trưởng làng cũng đều gọi họ tụ tập gần như đông đủ, từ người già nhất tới những em bé mới sinh chừng vài ngày tuổi.

Chúng tôi đã không may mắn khi đến đó vào ngày mà một trong những người già nhất của làng qua đời. Buổi lễ tiễn đưa cũng được tổ chức đúng như tục lệ của làng và hễ có khách nào đặt chân hoặc đi lạc đến vùng đất này đều bắt buộc phải vào viếng tang.

Khi biết tin này, chúng tôi cũng không ngại đến đó để chia sẻ nỗi buồn với người nhà và người làng, nhưng khi tới đó những hình ảnh đầu tiên làm chúng tôi hết sức hoảng sợ. 

Ngôi nhà được treo đầy lá xung quanh và đặc biệt là ở cửa ra vào, lá được kết thành chùm lớn, mật độ dày hơn những nơi khác. Loại lá có cái tên rất khó nhớ, dùng để trừ tà ma gì đó. Một người làng nói tiếng kinh không sỏi mấy tiếng đã giải thích với chúng tôi như vậy. Trong ngôi nhà, lúc này bầu không khí rất nặng nề, u ám bởi quá nhiều lá khiến chung quanh cũng trở nên ngột ngạt.

Nỗi khiếp sợ tiếp theo là hình ảnh một người đàn ông đứng tuổi, mặc y phục rất lạ kỳ, không thể xếp vào dạng thời trang nào và điều đặc biệt nhất chính là những cơ bắp trên cơ thể, hai tay to khỏe chắc nịch của người đàn ông này đang dương chiếc cung tên ngang tầm mắt với gương mặt quay ra cửa chính, sát khí trùng trùng. Anh ta đứng ở vị trí trong cùng, bên cạnh chiếc quan tài quay đầu vô bên trong. Hầu như chúng tôi toàn thân đều đã bắt rầu run bắn lên, đứa này vịn vai đứa kia, thì cũng lúc đó mắt anh ta chằm chằm nhìn về phía chúng tôi càng khiến cho đứa nào đứa nấy thêm khiếp vía . Nhưng sau đó chúng tôi cũng cố gắng bình tĩnh lại và nghĩ rằng nếu tiếp tục tỏ ra run sợ sẽ không thể hiện thiện chí cho cuộc tiễn đưa này, thậm chí họ có thể phạt người viếng bằng hình thức dị đoan nào đó của lệ làng thì chắc sẽ không có cơ hội được trở về nhà!

Nghi lễ cũng không có gì cầu kỳ cho lắm, bắt đầu xếp hàng đi theo phía chiều ngược chiều kim đồng hồ, vòng từ đoạn chân của người chết đến đầu rồi vòng ra, đặc biệt ở đoạn gần đầu người chết, có một chiếc mẹt (giống cái nia) đựng xôi , màu của loại xôi này là tím nhạt, thể hiện cho sự tiếc nuối. Ai cũng phải đi qua chỗ này và dùng tay bốc một miếng xôi nhỏ, chấm vào miệng người chết rồi phải ăn miếng xôi đó, có thể không ăn hết nhưng buộc phải cắn một miếng để tỏ tấm lòng chân thành lần cuối cùng với người ra đi, tục lệ này giống như dùng bữa cơm cuối cùng với người đã khuất. Và người đàn ông cầm cung tên đứng ở đây làm nhiệm vụ quan sát, nếu ai không thực hiện lễ nghi này thì cung tên kia sẽ nhắm bắn vào người đó. Điều này thật kỳ quái và ghê rợn.

Lúc này, bắt đầu thấy một người làng làm như vậy, rồi những người kế tiếp từ già tới trẻ cũng đều làm tương tự với thái độ bình thản như không có gì. Trong bụng tôi bắt đầu cuộn lên từng cơn như thể buồn nôn, rùng mình đến đổ mô hôi hột. Cũng may hai người bạn đi cùng bây giờ họ lại rất bình tĩnh và cố gắng trấn an nhau. Người bạn đứng phía trước nói khẽ:” Cứ làm theo y như họ nhưng khi ngắt miếng xôi phải ngắt cho to, nắn cho dài dài thêm chút và khi chấm xong thì xoay đầu bên kia mà cắn một miếng để yên trong miệng, đợi ra ngoài hẵn nhả ra sau “. Tiếng nhạc kỳ quái lúc to lúc nhỏ lấn át hết lời của cô bạn nhưng chúng tôi cũng hiểu được ý này nên bình tĩnh hơn chút đỉnh. Vậy là mọi việc diễn ra khá ổn theo như mưu tính nên đã thoát được đôi mắt của người cầm cung tên cho đến khi rời khỏi khu làng này.

Sự ám ảnh của điều ấy vẫn còn cho dù thời gian đã trôi qua khá lâu rồi. Mỗi lần nhắc lại chuyến đi đó, hai người bạn tôi không quên nhắc tới trận ói mửa của thế kỷ…, và sau đó cũng một thời gian khá dài chúng tôi hình như không đụng đến món xôi dù trước đó xôi là món mà chúng tôi rất thích.

Rời làng sau cuộc hành trình đầy bí hiểm, chúng tôi có lẽ không ai nghĩ rằng sẽ có một ngày quay về lại nơi này dù ở đây phong cảnh núi rừng cũng rất đẹp và không kém quyến rũ, một nơi mà những hủ tục kinh dị nhất vẫn còn tồn tại, Họ đại diện cho một dân tộc thiểu số nào đó mà chúng tôi không nhớ rõ, họ không khoa trương, không chấp nhận những người thành thị đến để quay phim hay tuyên truyền gì cả. Họ vẫn duy trì những tục lệ kỳ dị nhất, ghê sợ nhất và cũng khó hiểu nhất.

MN, 2018


Phụ Nữ Mường Và Điếu Thuốc Lào


Có những nơi chốn nếu chỉ đọc hay xem trên internet, chúng ta không thể quan sát một cách tỏ tường hay cảm nhận hết được những điều thú vị. Những điều này chỉ có khi nào chúng ta thật sự đặt chân đến đó.

     


Chuyến đi viếng thăm xã Vũ Lâm, huyện Lạc Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình là một trong những trải nghiệm khá lạ lẫm, thú vị. Hòa Bình là một tỉnh miền núi trung du, vùng Tây Bắc miền Bắc Việt Nam, gần hai phần ba người dân sống trong tỉnh là dân tộc Mường. Mọi tò mò bắt nguồn từ đây. Khi bước chân vào ngôi chợ làng có tên là Lâm Hoá , tôi đã không khỏi ngỡ ngàng mặc dù đã biết trước một vài thông tin. Hàng hoá ở đây cũng có nhiều loại nhưng mặt hàng chủ yếu vẫn là thuốc lào. Thuốc được phân ra nhiều loại nặng nhẹ và nơi sản xuất, đây là loại hàng bán chạy nhất bởi tất cả phụ nữ người Mường ở đây đều hút thuốc lào từ tuổi 13 trở lên. Có vẻ thứ hương say độc đáo này được họ xem như một nét văn hoá bản địa đặc sắc.

Đi khắp chợ quan sát, toàn những người phụ nữ, từ già trẻ lớn bé đến gầy ốm hay mập mạp, đen trắng hay ngâm ngâm đều hăm hở vê từng nhúm thuốc lào rồi cho vào ống điếu rít một hơi dài, luồng khói đậm đặc tỏa ra như những đám khói cuộn lên rồi bay vào không trung hòa với ánh sáng rực rỡ của mặt trời.


Sau đó là những nụ cười tươi rói khi thuốc ngấm và khói tan. Dù răng của họ đã ướm vàng hay đen nhẻm thì những nụ cười ấy vẫn cứ tự tin và hồn nhiên hơn bao giờ. Tôi đã chạm nhẹ vào sự trống rỗng nào đó của chính bản thân bởi có lẽ tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ nghiện thuốc, lại còn là thuốc lào. Và cũng bỗng nhiên thấy họ quả là những người dũng cảm, dám sống với những gì mà họ thích và cho là cần thiết.


Khi tôi mạnh dạn trò chuyện với một vài người trong chợ, chợt hiểu ra rằng hình như mỗi người phụ nữ ở đây đã chạm tới đích của sự tự do. Họ không bị bó buộc bởi bất kỳ rào cản nào mặc dù họ đang sống dưới một chế độ mà tự do được đặt trong khuôn khổ. Mọi phóng túng của những kẻ giàu có kệch cỡm khó mà so bì với niềm vui trong sự nghèo khó này. Họ biết rằng việc làm giàu là vô cùng khó và nếu phải giàu mới vui vẻ hạnh phúc thì thà họ lựa chọn cho chính mình một niềm vui đơn giản, đó chính là thuốc lào.


Khói thuốc góp vào cuộc sống của họ ở nhiều nơi, như trên cánh đồng làng, khói thuốc bay bay. Trên lưng trâu, những cô bé chừng mười lăm mười sáu phả ra những luồng khói bao phủ khắp thân trâu khiến những chú trâu cày cũng phê phê không kém chủ. Khói thuốc bao quanh mâm cơm của mỗi nhà, khi xem ti vi hay nghe đài báo, khói thuốc vẫn quyện chặt lấy mỗi người không xa rời. Khói thuốc góp mặt trong những buổi tụ họp trong làng xã, những lễ hội như tết nhất, cưới hỏi hay bất kể việc lớn bé, những vui buồn thì khói thuốc vẫn luôn bay lên, bao bọc cả sự sống của toàn xã nói chung và từng người dân nói riêng.


Tỉnh Hoà Bình đa số là dân tộc Mường, nhưng toàn tỉnh chỉ duy nhất xã này là có 100 phần trăm phụ nữ hút thuốc lào và coi việc hút thuốc như là một minh chứng cho cuộc sống hạnh phúc, yên ấm.


Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra, là nếu nghiện thuốc sẽ có hại cho sức khỏe nhưng tất cả người trong xã điều cười và nói rằng:”chúng tôi ai cũng sống hơn 70 tuổi mà vẫn mạnh khỏe, nếu không hút thuốc được thì mới gọi là sức khỏe yếu“. Quả đúng như vậy, có nhiều người già đã ngoài 80 mà vẫn hút thuốc đều mỗi ngày. Càng hút lại càng thấy khỏe ra. Giá thuốc rẻ và nếu cả gia đình vợ chồng con cái gồm năm người thì chỉ tốn khoảng 300 ngàn đồng tiền thuốc cho một tháng.


Với tục lệ trong làng, khi một nhóm người ngồi hút với nhau thì người nhỏ tuổi nhất phải vê thuốc lào cho vào điếu rồi châm đóm mời người lớn tuổi nhất hút, rồi mới tới lượt mình.


Nơi vùng non nước hữu tình này, có mấy ai hiểu được sự sống và niềm đam mê thuốc lào lại mạnh mẽ hơn bất kỳ đâu. Tôi cũng nghe người ta nói có nhiều vùng khác cũng có phụ nữ hút thuốc lào nhưng mức độ và tỉ lệ người hút vẫn không bằng nơi đây. Quả nhiên, tôi đã không thấy uổng phí khi đến một nơi mà mọi phụ nữ đều rất tươi tắn và khỏe vui khi cầm điếu thuốc lào hút từng hơi thật dài, đem đến nhiều cảm xúc cho khách du lịch cũng như những người khác phái khi giao tiếp.

Những khu chợ lớn nhỏ, xung quanh xã Vũ Lâm dần dần thành những nơi tụ tập nhiều phụ nữ hút thuốc lào. Trong khi mua những vật dụng và thức ăn cho gia đình, họ không quên nán lại trong những gian hàng bán thuốc lào và hút ít nhất vài hơi trước khi về nhà. Nụ cười của họ lại lan toả, giòn tan khắp chợ. Thời gian trôi và nơi này đã không còn xa lạ với những sự tò mò của khách du lịch. Cho dù không được nhiều sự ủng hộ của chính quyền nhưng qua góc nhìn của báo chí, những phụ nữ với những điếu thuốc lào không thể thiếu trong cuộc sống này cũng như sự nổi tiếng của xã không thể thiếu vắng sự góp mặt của họ.

Nhìn lên bầu trời, những đám mây vẫn xanh ngắt của những ngày cuối thu, làn gió khẽ rung những cành cây vương vấn khói thuốc, mùi thuốc thoảng cũng không mấy khó chịu với tôi, dù chưa một lần nghĩ đến việc nếm thử một hơi thuốc khi buồn.


Phụ nữ ở khắp thế giới này, họ đều có sứ mệnh riêng. Ngoài những sứ mệnh quen thuộc là làm mẹ, làm vợ, làm nội trợ hay gì gì đó thì chỉ có phụ nữ ở nơi này, của ngôi làng Vũ Lâm bé nhỏ mới dám thực hiện sứ mệnh của sự đam mê, tự tạo niềm vui cho riêng mình.



MN, 2018

Đất Nước Trong Cơn Nguy Nan

MN - Exryu USA


Những ngày gần đây, người dân trong và ngoài nước đã và đang có cùng tiếng nói phản kháng trước những dự định hại dân, bán nước mà Cộng Sản Việt Nam đang ngang ngược sắp thực hiện.

Từ sau ngày cưỡng chiếm miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, những cuộc biểu tình ở xứ sở mệnh danh là thiên đường luôn mang lại những tổn hại nặng nề. Ngày 10 tháng 6 năm 2018 ghi dấu cho sự đồi bại của nhà cầm quyền Việt Nam cũng như sự xâm chiếm trắng trợn của nước láng giềng Trung Quốc.

Người Việt Nam đã xuống đường với khẩu hiệu “KHÔNG ĐẶC KHU “ dù chỉ một ngày. Cả nước đã phát động cuộc biểu tình, còn lực lượng công an, cảnh sát vốn nên bảo vệ người dân thì lại thẳng tay đàn áp, đánh đập, cứ vài cảnh sát cùng nhau lôi kéo một người dân tham gia biểu tình như kéo một con vật. Máu đã đổ ra, những thân người đã gục xuống nhưng sự quyết tâm bảo vệ đất nước của người dân sẽ không vì thế mà bị suy suyển.


Nhà cầm quyền Việt Nam và những thoả hiệp của họ với chính phủ Trung Quốc không thông qua nhân dân là chuyện xảy ra như cơm bữa. Nào là chuyện thay đổi luật nọ luật kia một cách oái ăm, chẳng chút công lý, cho đến việc đàn áp dân trong việc cướp đất, tài sản, không công bằng trong việc xử lý tội phạm, bao che cho bọn tham quan và cùng nhau vơ vét, bóc lột sức lao động của toàn dân hòng làm giàu cho nhóm người đang tại vị. Bây giờ họ còn trơ trẽn hơn nữa là cho Trung Quốc thuê 3 đặc khu với thời hạn 99 năm. Những đặc khu đó là nơi nào? Miền Bắc: Vân Đồn, miền Trung: Bắc Vân Phong và miền Nam: Phú Quốc.


Nếu Trung Quốc nắm trọn 3 đặc khu đó trong 99 năm thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc không ai là không hiểu sự tồi tệ trong thỏa hiệp này của đôi bên. Bởi việc Trung Quốc muốn bành trướng cùng với sự tham lam và ngu dốt của chính quyền Việt Nam sẽ càng đẩy mạnh làn sóng kêu gọi quyền làm chủ đất nước của nhân dân Việt Nam. Và việc biểu tình trước mắt của nhiều tỉnh thành trong cả nước là điều cần thiết.


Người Việt vốn đã quá nhu nhược dưới những bất công, áp bức của nhà cầm quyền. 

Nhưng với sự cai trị của chính phủ hiện nay, từ việc cướp đất đai đến trăm ngàn vụ việc đối xử dã man với nhân dân, họ đã phạm sai lầm lớn khi đã quá coi thường nhân dân và vì sự tự ý quyết định cho thuê đất ở 3 đặc khu là giọt nước tràn ly.

Có câu: “ tức nước ắt sẽ vỡ bờ “ . Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Người dân tuy yếu đuối và thấp bé nhưng một khi đã chạm tới đáy của sự nhẫn nhịn tột đột, họ sẽ vùng lên và chắc chắn lúc đó sự vùng dậy sẽ mạnh mẽ gấp nhiều lần. Bởi nếu tiếp tục ngồi yên chứng kiến mọi sự mua bán bỉ ổi này, họ biết tương lai của đất nước và dân tộc sẽ vô cùng đen tối.

Họ đã dám cùng nhau nói lên tiếng nói nhân quyền nhiều lần, đồng nghĩa với việc họ sẽ còn tiếp tục đòi nhân quyền, đòi quyền làm chủ trên mảnh đất quê hương họ. Khi nào họ chưa đồng ý thì khi đó những nhà cầm quyền vẫn phải nghe theo ý muốn của họ.


Những cuộc biểu tình của những ngày kế tiếp tất nhiên sẽ vẫn tiếp tục. Với sự quyết tâm cao và tinh thần yêu nước trỗi dậy, hàng triệu triệu dân tham gia. Nhà nước có thể đưa cả công an, cảnh sát, quân đội để đàn áp. Nhưng liệu cường quyền có thắng được chính nghĩa nhân dân ?


Con người sống không chỉ đơn giản ở hai từ: nhẫn nhịn. Bảo vệ quyền lợi tối thiểu là điều cần và chắc chắn phải làm.

Quyền làm người trước tiên là cần có sự đấu tranh cho chính nghĩa, nếu cần thiết, có thể hy sinh vì chính nghĩa.


Bạo động là điều mà không một người dân nào trên bất cứ lãnh thổ nào mong muốn. Tuy nhiên, để đạt được lợi ích nào đó mà chính những người cầm đầu đất nước Việt Nam lại nhẫn tâm để dân và quân cắn xé nhau. Để đối phó với những cuộc biểu tình họ không ngần ngại dùng những thủ đoạn hèn hạ như cho công an giả làm người biểu tình trà trộn vào đám đông có những hành động quá khích để lấy cớ bắt bớ, giam giữ người dân.

Có nhiều người phụ nữ trong cuộc biểu tình đã bị bắt đi và đánh đập dã man, rồi sau khi được thả ra thì thân tàn ma dại. Lẽ nào các lãnh đạo cấp cao cứ mặc kệ mọi chuyện xấu nhất xảy ra với nhân dân họ? Họ vì lòng tham lam ký kết khế ước cho thuê đất trong 99 năm, sau đó sẽ ra sao khi mà họ dễ dàng phản bội chính đồng bào họ? Liệu chính quyền Trung Quốc có cho họ những lợi lộc tiếp theo hay sẽ vứt họ như vứt vỏ chanh đã bị vắt cạn nước?

Mọi sự tham, ngu, dối trá, lừa bịp, tàn bạo, độc quyền và ngang ngược trong tất cả mọi chuyện sẽ chỉ khiến cho dân chúng ngày càng phẫn nộ, khi bị ép đến đường cùng ắt hẳn nhân dân sẽ vùng lên vì kiểu gì cũng khó mà sống dưới chế độ này. Mọi việc dường như đã đi quá xa, không biết có còn cứu vãn được nữa không nhưng nếu cứ trong tình trạng như vậy, chắc chắn sẽ có ngày toàn dân sẽ nổi dậy.

Niềm tin vào nhà cầm quyền của người dân hầu như đã không còn ở một đất nước với lịch sử vẻ vang là đã bao lần đánh đuổi được giặc ngoại xâm. Tại sao niềm tin lại bị đánh mất đến như vậy? Phải chăng đảng Cộng Sản Việt Nam đã lừa dối nhân dân quá nhiều điều, lại bịp bợm quá lâu và coi thường trái tim nóng ấm của dân đối với mảnh đất quê hương bao đời trộn lẫn máu, nước mắt và xác thân của đồng bào.

Con người sinh ra để được bình quyền, tự do và nhu cầu hạnh phúc. Do vậy nếu thiếu đi một trong những điều này, con người sẽ vùng dậy và đấu tranh càng mạnh mẽ. Dù cho sự nhẫn nhịn của người Việt vô cùng lớn nhưng đến một lúc nào đó khi sự nhẫn nhịn đã hết, sức mạnh của sự phản kháng sẽ bộc phát mãnh liệt.

Hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam hiểu được điều này và điều tự trọng đầu tiên cần làm là không bán nước dưới mọi hình thức. Bởi vì đất nước là của dân, do dân và vì dân. Còn những nước láng giềng chung quanh, nếu họ tự trọng thì nên dừng lại ở sự tử tế, tôn trọng và không xâm hại làm tổn thương nhau. Bởi mọi sách lược cho dù có cao sâu và hoàn bị đến đâu thì sẽ vẫn thất bại nếu không theo con đường chính nghĩa, hợp lòng dân.


MN, 2018