THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc
Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
Ngày 16 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Không biết nó đã sinh con chưa. Tôi chỉ biết cách đây mấy tháng có tin nó đã rời một chức vụ đang nắm, một chức vụ khá quan trọng để đi đẻ.
Chuyện nó đẻ đái xong chưa hay chưa xong, có mẹ tròn con vuông không, có đẻ ngược, đẻ xuôi, tay chân có thừa thiếu ngón nào không, có hậu môn, vài ba thứ phía dưới thừa thiếu ra sao tôi không biết mà cũng không cần biết.
Nhưng có một chuyện tôi có thể đánh cá với bất cứ ai, và tôi tin chắc là tôi sẽ thắng lớn.
Đó là con nòng nọc ấy sẽ được đẻ ra ở một nơi ngoài Việt Nam. Có cho ăn kẹo nó cũng không dám vác bụng tới mấy cái bệnh viện thổ tả, quá tải, nơi người bệnh nằm lăn lóc ngoài hành lang, vài ba người chia nhau cái giường, lại còn bị "cò" bệnh viện làm khó, y sĩ vòi tiền rồi mới đưa ra những tờ khám bệnh "nhân bản" … nam nữ dùng chung. Chắc chắn chẳng bao giờ nó dẫn xác đến những chỗ ấy.
Có thể nó sẽ đi Mỹ, không Mỹ thì cũng Thái Lan, Nhật, Đại Hàn hay Nga, Trung quốc không biết chừng để đẻ con nòng nọc, nhưng nhất định là không bao giờ chui vào cái xưởng đẻ nào đó ở Việt Nam.
Chuyện phải là như thế.
Điều thứ hai là nó đẻ xong, nòng nọc con sẽ mang quốc tịch Mỹ là cái chắc.
Còn lâu mới có chuyện quốc tịch Việt Nam, quốc tịch của cái nước mà thằng ếch, ông ngoại của nó đang làm cho tan hoang, bòn rút cho đến tận xương tủy. Nhất định là không tình nghĩa gì với cái đất nước Việt Nam khốn khó đó.
Nó sẽ làm giống như con trai của Nikita Krushchev bỏ Liên Xô sang Mỹ sống, nhập tịch Hoa Kỳ, bỏ luôn cái gia tài của người cha, tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô để lại.
Con nòng nọc con đó cũng sẽ làm như Svetlana Alliluyeva, con gái của cha già Stalin bỏ Liên Xô sang Mỹ sống và chết ở nước Mỹ với quốc tịch Mỹ vì quá ghê tởm cái di sản của Stalin để lại.
Con nòng nọc con đó chắc chắn cũng sẽ chẳng dại dột gì ở lại cái đất nước mà ông ngoại nó, thằng Ba Ếch đã bán chác đi đủ thứ cho ngoại bang. Nòng nọc quốc tịch Mỹ thì sẽ đi Mỹ để sống chứ dại gì ở Việt Nam ăn rau bẩn, đớp thịt thối ướp hóa chất, uống nước ô nhiễm, đi học lội sông mỗi ngày, sách vở tầm bậy tầm bạ mua của Tầu về dịch láo, dịch lếu, lớn một chút tự phong có bằng cử nhân luật học ở rừng về, lận lưng thêm lia chia vài cái bằng giả mua kí lô rồi ra đứng đường kiếm không ra việc hay sao? Rồi nộp đơn xin đi lao động nước ngoài để làm tôi làm mọi cho đủ các giống dân khác hay sao? Hay làm ma cô, ma cạo bán phụ nữ sang các ổ điếm bên Tầu chăng?
Không đời nào. Phải đi Mỹ sống với đống tiền của Ba Ếch chuyển ra chứ. Lớn lên nếu bọn ếch nhái còn ồm ộp ở Hà Nội may ra còn có cơ hội được đưa vào chỗ này chỗ nọ, tiếp tục ngồi lên đầu lên cổ người dân khốn khổ. Ít ra thì cũng lại lên nắm vài ba cái chức vụ được trao một cách vô lý như con nhái mẹ nó chứ.
Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ diễn ra. Cơn mưa sắp đi qua, bọn ếch nhái, nòng nọc sẽ lăn ra chết hết, không thể nào còn sống tiếp để làm khổ dân tộc này nữa.
Nhân đạo lắm thì cầu cho nó đứng chiên hamburger McDonalds. Dù sao, cũng là kinh doanh của con ếch nọ để lại.
Không thèm chúc ác cho bọn ếch nhái nòng nọc ấy làm gì.
Cứ để nguyên, hết cơn mưa là ếch nhái ễnh ương, cóc kiếc, nòng nọc nòng niếc rồi cũng biến mất hết mà thôi. Không còn lâu nữa đâu!
Ngày 17 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Hôm nay tôi vào internet tìm một bài viết về cà phê pha theo kiểu Việt Nam để gửi cho một người bạn Úc giới thiệu cho ông cách uống cà phê phin của người Việt thì … đụng ngay phải một đống hình ảnh, khoảng mấy trăm cái là ít, rồi mê mải xem những tấm ảnh đó, tôi suýt nữa quên luôn cả việc gửi tài liệu về cà phê cho ông bạn Úc.
Tôi không biết có nên gửi những bức ảnh đó cho ông để ông biết người Việt uống cà phê như thế nào không. Nhưng nghĩ lại rồi thôi.
Những cô hàng cà phê trong đống ảnh trong internet trông không giống Cô Hàng Cà Phê của Canh Thân chút nào cả. Các cô cũng "… hồn xuân phơi phới… cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi …" như đoạn đầu của bài hát. Còn tất cả các chi tiết khác thì đều khác hẳn, khác rất nhiều, khác xa cô hàng cà phê mà Canh Thân viết trong bản nhạc rất nổi tiếng của ông.
Chắc tại tiệm của các cô không ở chợ Dầu, một địa điểm đâu đó ở Bắc Việt. Thời gian tiệm xuất hiện chắc cũng phải khoảng năm 49 hay 50 gì đó. Bài hát của Canh Thân tôi đã nghe từ những ngày còn bé ở Hà Nội hơn nửa thế kỷ. Thời gian làm cho những cô hàng cà phê bây giờ không giống cô hàng cà phê trong bản nhạc nữa.
Các cô hàng cà phê trong internet thì ở California hết. San Jose và luôn ở quận Cam. Đặc biệt vì khí hậu nóng bức của California nên các cô ăn mặc cũng có khác.
Thôi tả như vậy cũng đã đủ rồi, không cần phải nói thêm nữa. Tờ Orange County Register cách đây khoảng 2 năm cũng có một bài viết khá dài kèm theo một số ảnh chụp tại mấy quán cà phê ở quận Cam. Cảnh sát cũng đã đến thăm và khuyên các cô chỉ nên bán cà phê thôi, không nên bán thêm những thứ khác. Nhưng hình như chuyện bầy hàng bầy họ thì các cô vẫn thấy làm.
Đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, nhưng nhiều khi cũng cứ phô ra gần hết, bất kể.
Nghĩ thương bao nhiêu người bỏ nước ra đi để tìm cho mình đời sống tự do, xây dựng cho gia đình một đời sống tốt đẹp hơn là tiếp tục lầm than ở lại trong nước. Rất nhiều người đã không đến được bờ bến. Rất nhiều người đã chết trên biển dữ, chềt vì hải tặc, chết trong rừng Căm Bốt, người sống thì mòn mỏi mấy năm, có khi cả chục năm ở những trại tị nan, có người bị từ chối thẳng tay, không một nước nào nhận.
Trong khi ấy thì lại có những người quăng đi tất cả mọi cơ hội cho những đời sống tử tế hơn để "đem bẹo hình hài ra bán" như mấy chữ cực tả của Bình Nguyên Lộc.
Muốn có ngay những thỏi son, những hộp phấn, cái đồng hồ đắt tiền, mấy món nữ trang lóng lánh, chiếc xe đẹp, muốn có liền lập tức cơ.
Ép mình mấy năm ở trường thì lại không chịu. Muốn mì ăn liền, fast food có ngay, instant coffee pha uống liền thì ngó quanh quẩn thấy có gì bán được thì lôi ra dùng ngay. Thấy những món không đạt tiêu chuẩn hấp dẫn thì nhờ dao kéo, đường kim mũi chỉ là đem bán được liền.
Cũng may những cô hàng cà phê đó không nhiều lắm. Mấy đứa con, mấy đứa cháu, những đứa con bạn bè… dại quá, chỉ biết chúi đầu vào chuyện học.
Người Mỹ có một câu nói rất hay: It takes all kinds of people to make up the world.
Đúng thế. Thôi thì phải có người thế này, người thế kia chứ. Làm sao tất cả mọi người đều vùi đầu vào đống sách, ra trường công này việc nọ được!
Phải có người … bán cà phê chứ!
Nhìn kỹ đống hình không thấy ai quen là đủ mừng chết được rồi. Không làm cô hàng cà phê mà lại theo đoàn vũ này đoàn vũ nọ, đầu tóc xanh đỏ đứng đầu đường xó chợ thì cũng không khá được.
Hạnh phúc nhiều khi chỉ là chuyện bất hạnh không xẩy ra cho mình mà thôi.
Ngày 19 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Có một dạo, cách đây cũng đã rất lâu rồi, tôi hay đến mấy quán cà phê trên đường Tự Do để ăn sáng trước khi đi làm.
Có ba quán cà phê , một ở góc Lê Thánh Tôn với Tự Do, quán La Pagode, một ở quán Givral ở góc Lê Lợi, Tự Do và một ở quán Brodard tại góc Nguyễn Thiệp, Tự Do. Trong những buổi sáng, mùi những chiếc croissant, mùi những ly cà phê, đã có lúc, làm tôi nghĩ, cũng tới sáu hay bẩy năm, là những thứ không thể không có trong đời sống..
Thực ra, croissant và cà phê của ba quán này không phải là ngon nhất Sài gòn, nhưng cái không khí của chúng, những người hay đến ngồi ở đó đã trở thành những thứ làm nên cái thói quen ngồi quán của những khách thường xuyên tới quán.
Ở đó người ta mua được những tờ báo mới nhất, những tờ báo ngoại quốc chưa bị kiểm duyệt từ những chú bé bán báo, hay của cái kiosk ngay ở cửa La Pagode.
Cũng ở đó, là nơi gặp những người bạn thỉnh thoảng lắm mới ghé về thành phố. Như hai y sĩ thủy quân lục chiến nằm nghe pháo dội liên hồi suốt mấy tháng ở căn cứ Carrol trở về quán với tóc tai như những người tiền sử. Hay Phan Nhật Nam mới trở về từ chiến trường An Lộc. Hay một cái tin cáo phó trên một trang báo mới của một hai người bạn cũ không bao giờ trở lại nữa.
Nguyễn Xuân Hoàng có viết một truyện ngắn mà tôi nghĩ chắc phải lấy khung cảnh của La Pagode mà đọc lên thì lại thấy như bài thơ Dejeuner Du Matin của Prevert.
Hắn rót cà phê vào trong ly
Hắn đổ sữa vào trong ly cà phê
Hắn bỏ đường vào ly cà phê sữa
Bằng chiếc muỗng nhỏ
Hắn quấy ly cà phê
Rồi hắn uống ly cà phê
Và bỏ ly cà phê xuống bàn
Không nói với tôi câu nào
Hắn đốt một điếu thuốc
Hắn thở những sợi khói tròn
Hắn gạt tàn thuốc
Vào cái gạt tàn
Không nói gì và cũng không ngó tôi
Hắn đứng dậy,
Đội chiếc mũ lên đầu
Hắn khoác chiếc áo mưa lên người
Vì trời đang mưa
Hắn ra đi
Dưới trời mưa
Không một lời nào
Cũng chẳng ngó tôi
Tôi lấy tay
ôm lấy đầu
Và khóc…
Mấy thứ ấy, nay không còn tìm thấy nữa. Như người đàn ông trong bài thơ của Prevert.
Gần 40 năm tôi không trở lại những nơi chốn ấy. La Pagode đóng cửa trước, rồi đến Brodard và mới đây, Givral, sau vài cố gắng làm hồi sinh không thành công, đã đóng cửa luôn. Những thời gian qua đi trong những cái quán cà phê đó tưởng như chẳng có gì quan trọng nhưng bây giờ những cái quán ấy không còn nữa. Tự nhiên nghe thấm thía một đoạn trong You Can’t Go Home Again của Thomas Wolfe: … Bạn không thể trở lại với gia đình, với căn nhà thời tuổi trẻ, với ngôi nhà của những giấc mơ vinh quang và danh vọng … không thể về với những nơi chốn của cái đất nước ấy, trở về ngôi nhà của những hình thái xưa cũ, của những chuyện tưởng như mãi mãi không bao giờ đổi thay, nhưng lúc nào cũng thay đổi, về với nơi chốn cũ , nơi căn nhà xưa để trốn đi khỏi thời gian và hoài niệm…
Nhớ Nguyễn Xuân Hoàng và truyện ngắn về cái buổi tối và người phụ nữ hình như ở La Pagode ấy vô cùng.
Bây giờ không còn nữa. Không bao giờ về lại được những thứ ấy nữa.
Et moi, j’ai pris
Ma tête dans ma main
Et j’ai pleuré…
Ngày 20 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Theo một bản tin của báo trong nước, ở huyện Hiệp Hòa thuộc tỉnh Bắc Giang vừa xẩy ra một chuyện khá kỳ lạ.
Hai người đàn ông trộm chó đã bị dân xã Danh Thắng vây đánh khiến một người chết, một bị thương nặng. Tang vật là một con chó cân nặng khoảng 10kg. Một chiếc xe gắn máy và một bộ phận kích điện để giết chó cũng được tìm thấy tại hiện trường. Hai nguời đàn ông tuổi trên dưới bốn mươi đều là dân tỉnh Bắc Giang. Chiếc xe gắn máy bị đốt cháy tiêu. Công an cảnh sát đã truy tố 7 người dân trong làng về tội hành hung trí mạng.
Chuyện đi trộm chó bị hành hung trí mạng đã xẩy ra nhiều lần, ở nhiều nơi nên chuyện giết người này không phải là chuyện kỳ lạ đáng nói ở đây. Điều đáng nói là dân làng, ngay sau đó, đã viết và gửi một lá đơn đến cho bộ chỉ huy công an tỉnh Bắc Giang nói rằng không phải chỉ có 7 người nhúng tay vào vụ hành hung gây thiệt mạng và làm trọng thương những người trộm chó.
Thông thường thì những nghi can phải tìm đủ mọi cách để chạy tội. Nghi can trước tiên phải không nhận tội, phải nhờ luật sư can thiệp trước tòa án dẫu cho có phạm tội mười mươi đi chăng nữa. Nhưng trong vụ công an truy tố 7 người dân thuộc xã Danh Thắng này, thì khoảng hơn 800 dân làng đã ký tên trong đơn nhận tội.
Và chi tiết đó là điều kỳ lạ ở đây. Hơn 800 người đồng ký tên vào đơn nhận họ chính là các hung thủ giết người.
Không lẽ hơn 800 người dân tỉnh Bắc Giang có tên trong lá đơn là những người bỗng nhiên thành thật, can đảm đứng lên nhận tội giết người hay sao?
Có gan ăn cướp, có gan chịu đòn là vậy ư?
Người ta ngờ là không hẳn là như thế.
Lên tận đồn công an phanh áo, đấm vào ngực nhận tội giết một người trộm chó, không cần thủ tục xét xử của tòa án có thể là vì những lý do khác.
Khinh thường luật pháp là một. Những vụ trộm chó bán cho các tiệm thịt chó càng ngày càng diễn ra nhiều hơn. Các biện pháp trừng phạt những người trộm chó đều bị coi là quá nhẹ. Các biện pháp quá nhẹ nhàng và lỏng lẻo đó chỉ khuyến khích chuyện trộm chó càng ngày càng gia tăng và những người trộm chó càng lộng hành nhiều hơn.
Người dân đòi nhà cầm quyền phải có biện pháp đầy đủ để ngăn chặn tệ nạn này.
Nhưng không được thì người dân xắn tay áo, tự mình hành xử luật pháp, áp dụng các biện pháp mà họ cho là đích đáng. Nhiều người trộm chó đã bị hành hung dữ dội, nhiều người đã chết.
Luật pháp không bảo vệ tài sản và mạng sống của người dân thì người dân ra tay vậy. Ra tay coi nhà cầm quyền có những biện pháp gì để thay đổi, cải thiện tình hình hay không.
Khi các phạm nhân, nghi can không thèm chối tội nữa mà công khai đứng ra nhận tội, ngay cả những người không có tội cũng nhận tội để coi nhà cầm quyền làm được gì thì điều đó cho thấy người dân không còn tin vào luật pháp nữa, và không còn sợ nhà cầm quyền nữa.
Những điều đó mới là điều đáng nói.
Nhân đây cũng nói qua hai ba điều khác.
Một số những viên kim cương xuất xứ từ một vài nơi ở Phi châu bị gọi là kim cương máu vì chúng được khai thác, đem bán đi, lấy tiền mua võ khí và tài trợ cho các tổ chức võ trang giết nhau như ở Congo, Sierra Leone, Liberia…
Những viên kim cương xuất xứ ở những nơi khác không có nội chiến thì phải có kèm theo những giấy chứng nhận không phải là kim cương máu. Người mua sẽ có được sự yên trí rằng cục đá trên bàn tay của mình không được tắm bằng máu của các nạn nhân chiến tranh. Đeo kim cương máu trên tay thì sang trọng, quí phái ở đâu?
Những đĩa thịt chó trên bàn nhậu ở Việt Nam chắc chắn đều đầy máu me của những người trộm chó đã chết, hay sắp bị đánh chết thì thử hỏi ngon lành nỗi gì nữa?