Lời giới thiệu: Trong một bài viết của tác giả Lê Thiệp mà tôi đã có lần giới thiệu trên diễn đàn này có tựa đề tên của một loại cá nghe rất lạ: Cá hũm hĩm. Dù là người không “hảo” cá, hay nói đúng hơn là chưa bao giờ đụng món cá, nhưng từ lúc nghe cái tên này tôi đã “thăm dò, tìm hiểu” nhưng thường thường nhận được câu trả lời: “chưa nghe bao giờ cả”, có người còn nói: có thể cái tên do tác giá đặt ra vì nhà báo… nói láo ăn tiền mà. Tôi đã có ý định hỏi trực tiếp đương sự cho chính xác nhưng rồi lại quên, bây giờ thì ông không còn nữa, cứ tưởng là sẽ đem thắc mắc này xuống…. tuyền đài. May quá, sáng nay trong lúc dọn lại các ổ đĩa cứng cho sạch, tôi tìm thấy bài này mà Lê Thiệp đã gửi cho tôi khá lâu, mà hình như tôi cũng đã đọc rồi nhưng chỉ phớt qua. Đọc cẩn thận lại một lần nữa thì thắc mắc của tôi đã được sáng tỏ.
Cho phép tôi miên man sang chuyện khác một chút vì có ít nhiều liên quan. Nhân vật Tư Nhiễn mà Lê Thiệp thường nhắc trong các bài viết chắc cũng trạc tuổi ông (trên dưới 70), có dáng người chắc nịch, người miền Nam chất phác 100%. Trong lúc tìm đường vượt biên hai người đã gặp và kết bạn với nhau. Năm 1977, cả 2 đã có mặt trên một chuyến ghe đào thoát. Sau 1 tuần lễ lênh đênh, ghe của 2 ông được tàu Đại Hàn vớt đưa vào Nhật và tạm trú tại trại Fujisawa (Kanagawa). Trong những lần “tới bến”tại trại, ông Tư thường có mặt cùng nhiều bạn nhậu khác. Lê Thiệp thì khỏi nói, sôi nổi, miên man kể đủ chuyện, tôi cũng không vừa say sưa “đáp trả”, còn ông Tư thì thỉnh thoảng góp tiếng bằng nụ cười ròn tan trên cái miệng có điểm vài cái răng…. vàng sáng chói. Tư Nhiễn tâm sự: “tui thấy sống thế này là dzui quá, khỏi cần lo lắng gì hết, đi làm về anh em tụ tập nói chuyện, giỡn tối ngày, chứ còn không thể sống với mấy ổng ở bên đó được, gì mà làm cái gì cũng cấm, cũng phải bán hết cho mấy ổng, riết rồi mình mất hết”.
Tư Nhiễn và Lê Thiệp rời Nhật định cư Mỹ năm 1978, ông Thiệp thì ở miền Đông, ông Tư thì ở miền Nam. Một hôm, Tư Nhiễn điện thoại cho Lê Thiệp: “Thằng con tui lấy bằng rồi, ông chỉ đường tụi tui ghé ông nhậu chơi”, ông Thiệp phì cười: “Qua đi, mất 3 ngày 3 đêm thôi”. Tư Nhiễn ngạc nhiên: Xa dữ dzậy?
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến ông Tư chân chất, người đã rủ Lê Thiệp đi bắt cá…. hũm hĩm về kho ăn chơi khi 2 ông đi đốn củi trong Rừng Sát. Không biết bây giờ ông ở đâu? Trôi dạt phương nào? Lê Thiệp đi rồi Tư Nhiễn có buồn không? Tôi thì buồn lắm.
Dài giòng đã đủ. Xin mời quí vị chịu khó đọc tới cuối chuyện sẽ thấy ngay lời giải đáp: “Cá hũm hĩm là cái quái gì?” qua lối kể chuyện cố hữu của Lê Thiệp rất chi tiết, len vào tận…. “hang cùng ngõ hẻm” mỗi khi luận một chuyện gì. ( Vũ Đăng Khuê)
Lia thia Quen Chỗ
Lê Thiệp
Father’s Day là tập tục của Mỹ nhưng xem ra cũng vui ra phết, nhất là khi đứa con út trịnh trọng bê một cái hũ nhỏ với con cá sặc sỡ đưa cho bố để “Happy Father’s Day”. Ấy vậy mà Mr. Jingles là con cá sặc sỡ đã ở với gia đình tôi gần hai năm. Nội cái tên cũng đã trở thành một cuộc bàn cãi sôi nổi giữa bố và mấy đứa con. Tên khoa học của nó là Al Beta Fighting Fish và khi tôi bảo đó là cá đá, cá xiêm, cá lia thia, cá phướn, cá ta, cá đuôi cờ thì con tôi nhăn mũi nói “Sao nhiều tên thế!” Ông bố bèn hí hửng thuật lại tuổi thơ của mình những mong mấy đứa con nhỏ có một tí ý niệm về một dải đất xa tít mù tấp ở cách đây cả nửa quả địa cầu.