Ảnh vệ tinh chụp cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
wikipedia
Theo tờ Want China Times của Đài Loan hôm nay 02/09/2014, Bắc Kinh đã dấn thêm một bước mới trong chiến dịch tích cực xâm lấn để tìm cách khẳng định chủ quyền tại Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy sáu rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đã được biến thành các đảo nhỏ nhờ việc cải tạo hạ tầng trong sáu tháng qua.
Từ tháng Hai, Trung Quốc đã tất bật gởi những đội xây dựng đến nhiều bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, hiện đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Theo các nguồn tin, sáu rạn san hô đã bị biến thành đảo nhỏ.
Đó là hai rạn thuộc cụm Sinh Tồn là Đá Gạc Ma (Johnson South, bị Trung Quốc chiếm năm 1988 sau trận Hải chiến Trường Sa) và Đá Tư Nghĩa (Hughes), và bốn rạn san hô khác là Đá Ga Ven (Gaven), Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Đá Én Đất (Eldad) đều thuộc cụm Nam Yết, Đá Châu Viên (Cuarteron) thuộc cụm Trường Sa, tất cả đều bị Trung Quốc chiếm năm trong khoảng 1988 -1989.
Các ảnh chụp Đá Gạc Ma từ vệ tinh vào tháng Bảy cho thấy Trung Quốc đã xây một cầu tàu, trồng những hàng dừa cùng với các cơ sở hạ tầng mới như đường sá, nhà cửa, khiến bãi đá ngầm chủ yếu là cát và đá trở thành một hòn đảo trắng có dạng trái táo. Ảnh của Google Earth vào cuối tháng Sáu cũng đã phát hiện một lượng thiết bị xây dựng quan trọng trên đảo.
Theo các nhà phân tích, các hoạt động cải tạo hiện trạng nhanh chóng của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhờ nguồn lực dồi dào và năng lực xây dựng, khiến Trung Quốc có thể lấn át tất cả các nước khác. Các cơ sở hạ tầng kiên cố ngày càng nhiều trên các bãi đá ngầm mang lại ưu thế cho Bắc Kinh trong yêu sách chủ quyền.
Một viên chức an ninh cao cấp của Philippines than thở: « Khi các lãnh đạo của chúng tôi bận rộn tranh cãi, thì ngoài Biển Đông chúng tôi đang bị mất dần lãnh thổ do Trung Quốc gặm nhấm từ từ».
Tổng thống Benigno Aquino tuần rồi khẳng định Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động xâm lấn, và lại đưa ra lời kêu gọi Trung Quốc nên làm dịu bớt căng thẳng tại Biển Đông. Ông cho biết Philippines tiếp tục xúc tiến việc kiện lên Tòa án quốc tế về Luật Biển, và đòi hỏi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử để điều chỉnh các hành vi trong khu vực.