Trong
bài viết của Trần Doãn Nho về “Nhạc Lính” đã ghi nhận: “Có khá nhiều tác giả
viết về người lính: Y Vân, Trần Thiện Thanh, Nhật Ngân, Nguyễn Văn Đông, Lê
Dinh, Anh Bằng, Minh Kỳ, Hoài Linh, Huỳnh Anh, Phạm Thế Mỹ, Đinh Miên Vũ, Phạm
Đình Chương, Tuấn Khanh, Lam Phương, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyên Đàm,
Nguyên Diệu, Phan Trần… Trong số đó, Trần Thiện Thanh là nhạc sĩ viết nhiều
nhất…”. Còn có thêm Văn Giảng (Nguyên Đàm), Song Ngọc, Anh Thy, Duy Khánh, Mạnh
Phát, Nhật Lệ, Hùng Cường, Mạc Phong Linh… hay Anh Việt Thu (cùng làm việc
chung với Nhật Trường ở Phòng Văn Nghệ, Cục Tâm lý Chiến và Đài Phát thanh Quân
Đội) nhưng chỉ có một vài bài.
Nói
đến Nhật Trường TTT, liên tưởng đến nhạc lính và ngược lại. Sáng tác nhạc tình của
TTT trong thời chinh chiến để làm thăng hoa hình ảnh người lính VNCH từ chiến
trường đến hậu phương. Những ca khúc của anh không những in sâu vào tâm hồn
người lính mà đi vào lòng mọi người từ thời binh lửa cho đến nay.
*
Trần Thiện Thanh sinh ngày 12 tháng 6 năm 1942 tại Phan Thiết. Trưởng
nam trong gia đình có 7 anh em. “Thật sự dòng họ Trần Thiện từ ông tổ gần là
Trần Thiện Chánh (1822-1874), tài kiêm văn vỏ, cho tới thân phụ của Trần Thiện
Thanh là Trần Thiện Hải nức tiếng khắp Phan Thiết là kẻ tài hoa, đủ đường ca
hát, đóng kịch, soạn nhạc... cho nên ảnh hưởng tới con cháu như Nhật Trường là
điều không ai phủ nhận…” (Hồ Đinh, bút hiệu Mường Giang, người bạn cùng thời tiểu
học với TTT).