Vào giữa thế kỷ thứ 19, nước Trung Hoa là một quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là thời kỳ cực thịnh của nhà Thanh, và cũng với ý tự hào, tự tôn cố hữu, xem Trung Hoa như tâm điểm của văn minh, coi thường tất cả các quốc gia lân cận. Trong khi đó cuộc cách mạng kỹ nghệ của Tây Âu đã đưa nền kỹ nghệ phương tây nhảy vọt, và vì thế họ phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mới. Các quốc gia Tây Âu, đặc biệt là Anh, nhìn vào đám dân đông đảo, giàu có của Trung Hoa như là một kho tàng quý giá cần được khai thác.
Thế nhưng với bản tính bảo thủ và bài ngoại của nhà Thanh đã khiến các thương buôn người Anh chuyển qua việc kiếm tiền bằng cách đem thuốc phiện vào Trung Hoa. Chính quyền nhà Thanh tìm cách chống lại việc này. Những xung đột giữa chính quyền nhà Thanh với thương buôn thuốc phiện đã khiến chính phủ Anh nhảy vào can thiệp, và đưa đến hai cuộc “Chiến Tranh Nha Phiến”. Chỉ một thập niên sau “Chiến Tranh Nha Phiến thứ Nhì (1856-1860)” thì Tổng Sản Lượng Quốc Gia của Trung Hoa chỉ còn lại một nửa, đồng thời phải ký nhiều hiệp ước và nhường đất cho Anh Quốc cũng như một vài quốc gia khác.
Đặc San Lâm Viên mời quý vị đọc bài biên khảo “Thuốc Phiện và Nước Trung Hoa" để hiểu rõ thêm về hai cuộc chiến tranh nha phiến này.
1/ Nước Trung Hoa đóng cửa trước người ngoại quốc.
Người con trai thứ tư của Vua Ung Chính (Yong Zheng) nhà Thanh lên ngôi vào tuổi 25 là Vua Càn Long (Qian Long) (1736-1799). Vào lúc này, nước Trung Hoa tới thời cực thịnh với dân số 140 triệu người, ngân sách thường có sẵn 500 triệu đồng vàng còn quân sĩ lên tới 250 ngàn người trong đó có 50 ngàn người Trung Hoa, số còn lại là người Mãn Châu. Vua Càn Long cũng như ông nội của nhà vua là Vua Khang Hi (Kang Xi) (1662-1723) đều là những bậc thông thái, ham học, thành thạo cả về văn chương, toán pháp, thiên văn, vạn vật… Nước Trung Hoa đã cực thịnh dưới thời hai vua Khang Hi và Càn Long nhưng sự phú cường đó không thể so sánh được với tình trạng kinh tế của các nước châu Âu như hai nước Anh và Pháp bởi vì vào thời kỳ này, Trung Hoa vẫn còn là một xứ sở nông nghiệp, tổ chức xã hội vẫn như đời Đường, cổ lỗ giống như một ngàn năm về trước và nền kỹ nghệ của Trung Hoa không có gì đáng kể.