Đạo
là cái lý tự nhiên của trời đất, là con đường rộng mở cho mọi người cùng theo
mà đi, là cái công lệ trung chính để làm quy tắc chung cho những suy tư và hành
động của người đời.
Khổng
Tử căn cứ theo lẽ điều hòa của trời đất, và đem những tư tưởng và hành vi của
thánh nhân đời trước mà suy thành đạo để dạy thiên hạ. Đạo của Ngài là chỉ theo
lẽ thường tình, tự nhiên của vạn vật, cốt giữ cái lương tâm cho sáng suốt, đừng
để cho tư tâm, tư dục làm cho ám muội, mà phân biệt rõ ràng điều hay, điều dở.
Điều gì hay thì theo, điều nào dở thì tránh, không lấy cái trí hẹp hòi mà câu
chấp một mặt nào hay một thuyết nào, bất cứ điều gì, hễ gặp thời thuận lý đều
được. Đó thật là một đạo chiết trung, khiến cho lúc nào cũng giữ được cái lẽ điều
hòa tự nhiên mà lập thành cái nhân sinh triết lý rất uyên bác.
Đạo
của Khổng Tử trước sau vẫn theo một cái lý nhất thể: "Ngô đạo nhất dĩ quán
chi: Đạo của ta vốn chỉ có một mà thôi" (Luận Ngữ: Lý nhân, IV), là đạo
Người. Mà đạo Người thì chính trị là lớn: "Nhân đạo chính vi đại" (Lễ
Ký: Ai công vấn, XXVII). Và việc đầu tiên của chính trị là phải "chính
danh" (tất giã chính danh hồ), bởi danh không chính thì nói không xuôi,
nói không xuôi thì việc không thành (danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất
thuận tắc sự bất thành).