Kính tặng tất cả quân nhân đã phục vụ
tại Giang-Đoàn 26 Xung-Phong
ĐIỆP-MỸ-LINH
Ánh nắng mai
lấp lánh trên dòng sông, lung linh trên khóm lá khi đoàn giang đỉnh thuộc
Giang-Đoàn 26 Xung-Phong rời sông Hậu-Giang, rẽ vào kinh Cái Sắn, đi về hướng
Rạch-Giá. Từ Rạch-Giá, đoàn giang đỉnh lầm lủi tiến trên sông Cái Lớn, mở đầu
cuộc hành quân dài hạn tại U-Minh.
Sau khi rẽ từ
sông Cái Lớn vào Kinh Ngang, đoàn giang đỉnh phát hiện chướng ngại vật chận
ngang sông, phía trên gắn hình đầu lâu và hai xương chéo nhau. Hai chiếc LCVP
(Tiểu-Vận-Đỉnh) vượt lên, thực hiện công tác gỡ mìn.
Trong khi đoàn
giang đỉnh thả trôi, chờ LCVP gỡ mìn, tôi thấy một chiếc tắc ráng từ trong khóm
dừa nước chui ra, chạy thẳng đến chiếc Command. Trên chiếc ghe bé xíu ấy, một
cô gái cầm chèo. Trong lòng ghe một người đàn bà nằm im, bên trên phủ vài nhánh
dừa nước. Nơi mũi ghe, một người con trai ngồi xếp bằng, trên đầu mang nhiều
lớp băng mà máu đã đặc quánh, trở nên nâu sậm. Chiếc đầu khổ nạn của người con
trai gục lên vai người đàn ông đứng tuổi. Hai tay ôm lấy vai nạn nhân, đôi mắt
của người đàn ông hun hút nhìn về rặng dừa nước phía xa. Trong đôi mắt của
người đàn ông tôi thấy những đớn đau òa vỡ, cuồn cuộn theo từng đường gân máu
nhỏ li ti.
Những nét đớn
đau trong đôi mắt của người đàn ông trên chiếc tắc ráng gợi nơi lòng tôi ánh
mắt u uất của Ba tôi vào những ngày gia đình tôi tản cư, nương náu trong mái
tranh, cạnh bờ sông Triêm-Đức.
Tôi không nhớ
lúc đó tôi bao nhiêu tuổi; nhưng hình ảnh tôi không thể quên được là mỗi sáng,
Má tôi quảy gánh bún vào bán cho công nhân viên ở công xưởng. Ba tôi đi làm
trong bộ đồ kaki xám, nón cối, dép võ xe hơi. Em tôi – Bảo-Ngọc – và tôi chơi
cạnh hầm tròn, dưới gốc cây khế, với bốn đứa con của bác Ca.