Monday, 5 September 2016

PHU NHÂN TRONG ÁO LỤA

(NCTG) “Cái đám đàn ông học ở đâu cái thói “nói xấu đàn bà là thú vui thần thánh” cóc biết gì hùa nhau viết về bà Nhu cứ như hàng xóm. Không ai nhớ một điều vô cùng đẹp từ cô tiểu thư xuân thì 15 tuổi trở thành phu nhân quí phái: Bà Nhu mặc hàng nội hóa nhiều hơn là hàng lụa nhập cảng từ Ý, Thái, Ấn Độ, Ba Tư”.

Đệ Nhất Phu Nhân Trần Lệ Xuân (1924-2011) - Ảnh tư liệu
Đệ Nhất Phu Nhân Trần Lệ Xuân (1924-2011) - Ảnh tư liệu
Triều đại nào lỡ lọt vào tay các sử gia cũng sẽ thành chuyện kể nhiều kỳ dằng dặc. Lịch sử không phải lúc nào cũng cung đao bom đạn hay tướng tá mặt sắt đen sì gươm giáo leẻng keẻng làm nhân gian quên rằng trang sử đôi lúc rất êm rất tình. Thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa (1954-1963) tình êm nhất là tình ủ trong áo lụa.
 
Một cuốn sách về Bà Nhu vừa xuất bản ở Sài Gòn với tựa đề dịch không sát nhưng rất ngang xương là “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng” (nguyên tác “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu”, tác giả Monique B Demery do Nhà xuất bản Public Affairs phát hành tháng 5-2013). Theo một bạn nhà báo người Sài Gòn xưa, Vũ Ngọc Nhạ nói ông Diệm là Bạch Long - ông Nhu là Thanh Long - nếu đúng vậy thì bà Nhu phải là Thanh Long Đại Công Nương ... Cho có mùi kiếm hiệp. Đã vậy, không phải Long thường mà là “Hỏa Long Đại Công Nương”.

Tôi vừa đặt mua qua amazon.com xem Demery viết gì. Nếu dịch, tôi sẽ dịch ý “Đì tìm Bà Nhu, Phu Nhân Bão Tố Việt Nam” hơn là sát xà bông là “Bà Rồng”. Biết dịch giả ở đâu tôi sẽ hẹn so gươm hay đấu súng sau một chầu cà phê Liégeois ai thua phải trả tiền.