Đôi lời kính gởi quý bạn đọc và quý diễn đàn trước khi vào Bản Tin :
Cuộc tấn công dã man nhằm sát hại toàn ban biên tập viết và vẽ Charlie Hebdo, luôn cả quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm ở giữa Paris, thủ đô nước Pháp, càng làm chúng tôi nhớ đến Hà Nội, Huế, Sài Gòn bị tạm chiếm, nhớ đến Việt Nam bị đày đọa khổ nhục, mất hết nhân phẩm và nhân quyền. Chúng tôi nói ‘’Chúng ta đều là Charlie’’ vì Anh Chị Em, thay vì cầm bút, lại đang đeo còng số ‘’88’’ nổi tiếng thế giới của đảng xã hội đen mang cờ đỏ sao vàng và búa liềm. Anh Chị Em bị đánh đập tàn nhẫn giữa ban ngày, bị bắt cóc, bị biệt giam hầm tối, bị bịt miệng, bị tước đoạt tiếng nói ngay trên quê hương thân yêu của mình. (LTS LHNQVN-TS)
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Chúng ta đều là Charlie
Hãy đem tiếng nói của các bạn góp vào tiếng nói của chúng tôi *
Chúng ta đều là Charlie, những người bạn và đồng nghiệp của chúng ta đã bị ám sát. Các nhà văn và nhà báo của chúng ta đang bị bắt làm con tin khắp nơi trên thế giới. Đừng quên mà hãy nhớ đến Anh Chị Em đó. Họ là những người chuyên chở ước mơ và phiêu lưu của chúng ta, họ còn là nhân chứng cho những thực trạng nhân loại. Họ bị gây hấn, tra tấn, cầm tù, bị bắt cóc, ám sát hoặc bị đày ải, bắt buộc lưu vong chỉ vì họ đã viết thành văn hoặc nói nên lời. Họ bị bịt miệng, tước đoạt tiếng nói. Và một loại kiểm duyệt tối hậu : giết chết tác giả nào mà ngôn ngữ, bài ca tiếng hát và các tranh vẽ đã gây tỉnh thức xã hội. Theo Văn Bút Quốc Tế, trong vòng một năm, có hơn ba mươi vụ ám sát nhà văn và nhà báo. Chúng ta vẫn nhớ rằng ngày 2 tháng Mười Một năm 2013, tại nước Mali, lòng dạ thiếu khoan dung và đầu óc cuồng tín mù quáng đã gây ra cái chết bi thảm và đau đớn cho hai bạn đồng nghiệp của chúng ta, bà Ghislaine Dupont và ông Claude Verlon, phóng viên cộng tác với đài phát thanh Pháp quốc tế (RFI). Từ ngày hai nhà báo bị sát hại, máu không ngừng đổ, cái chết vẫn xảy đến cho các đồng nghiệp khác. Và các cây viết, đủ loạivà bút chì tiếp tục bị tịch thu, bị bẻ gãy và bị đày ải. Nhà văn và nhà báo, nhứt là phóng viên, bị giết chết nhưng thủ phạm sát nhân không bị trừng phạt trong rất nhiều trường hợp.
Vì vậy chúng ta hãy phẫn nộ, hãy biểu tỏ sự đoàn kết với tuần báo Charlie, với các nhà văn và nhà báo – những người mang ánh sáng thông tin chống lại bóng tối của bạo lực đe dọa, của bọn đồng lõa và kẻ đớn hèn. Chúng ta hãy cùng nhau cất cao tiếng nói, dù có thể uất nghẹn, thắp lên một ngọn nến, dù mong manh, để xua đi màn đêm băng giá của tính thờ ơ vô cảm, nỗi im lặng sợ hãi và thói đời quên lãng.
Chúng ta hãy góp lời cầu nguyện cho tất cả nạn nhân của cuộc tấn công dã man và tội ác nhằm sát hại tuần báo Charlie, luôn cả quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm. Chúng ta hãy bày tỏ niềm thương cảm và thành thật chia buồn với thân nhân tang quyến, cùng bạn hữu và những đồng nghiệp sống sót trong cuộc thảm sát này.
Genève ngày 8 tháng Giêng năm 2015
Nguyên Hoàng Bảo Việt
Phó chủ tịch Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại (Ủy Ban Nhà Văn bị cầm tù).
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Tạp chí Các Nền Văn Hóa Phi Châu . Revue de Référence des Cultures Africaines
_____________________________________________________________________