“Ngày xưa tôi khóc trong niềm vui chiến thắng,
ngày nay tôi khóc trong nỗi đau thời cuộc.”
(“Nghệ sĩ ưu tú” Kim Chi)
“Về ngày 30 tháng Tư, tôi chỉ biết diễn tả cảm giác duy nhất của tôi ngày hôm đó, là họ (công an trại tù Phong Quang, Lào Cai) cho tôi xem một tờ báo có đăng một tấm ảnh rất lớn, chụp cầu Tràng Tiền, trên cầu có chiếc xe Jeep còn mang cờ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và trên xe có mấy anh Việt Cộng đội mũ tai bèo, xe cắm cái cờ mà họ gọi là cờ giải phóng. Tôi cảm thấy đau nhói trong lòng và có cảm giác như nhìn thấy vợ mình đang nằm trong tay một người đàn ông khác.”
Người thốt ra những lời trên là ông Nguyễn Hữu Luyện, cựu sĩ quan Biệt Kích Dù QL/VNCH, trong cuộc phỏng vấn của đài Little Saigon Radio vào tháng Tư năm 2001, 26 năm sau ngày 30/4/1975.
Trong số những cách diễn tả cảm xúc về ngày 30 tháng Tư mà tôi nghe được, đọc được, đến nay tôi vẫn chịu cách diễn tả trên nhất.
“Cảm giác như nhìn thấy vợ mình đang nằm trong tay một người đàn ông khác” là cảm giác thật đau đớn trước một thực tế phũ phàng đập vào mắt mình, mà đành “bó tay” vì bất lực. Tôi cho là không có cách ví von, diễn tả nào “thật” hơn và đúng hơn thế. Còn nỗi đau nào hơn trông thấy người vợ yêu quý của mình bị cưỡng đoạt, vùi dập trong tay gã đàn ông xa lạ. Những ai chưa có vợ ngày ấy có thể hình dung người mình yêu nằm gọn trong vòng tay của tình địch. Giá mà kẻ tình địch ấy bảnh trai hơn, văn minh lịch sự hơn mình thì cái đau ấy còn ít, đằng này thì… “tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”.