Muốn hiểu rõ rủi ro của Trung Quốc trong giai đoạn tới, chúng ta cần biết 1) vài định lý kinh tế của mọi quốc gia hay thời đại, rồi 2) đối chiếu với thực tế chính trị của xứ này và rà soát lại 3) xem lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm những gì để giải quyết các bài toán kinh tế xã hội tích lũy từ mấy chục năm nay. Kết luận hợp lý của tiến trình này là Bắc Kinh không có nhiều giải pháp, và có làm gì thì cũng đi vào một khúc quanh dễ lật. Trong giới hạn của một bài viết, “Hồ Sơ Người Việt” sẽ cố trình bày một cách đơn giản một thực tế vô cùng phức tạp - đề tài của một cuốn sách!
Bài toán phát triển
Bài toán kinh tế của nhân loại, ở mọi nơi vào mọi thời, là sự khan hiếm. Chúng ta có nhu cầu vượt quá khả năng sản xuất cho nên lúc nào cũng thấy thiếu thốn.
Từ thuở khai thiên lập địa, giải quyết sự thiếu thốn ấy là một tiến trình tự nhiên và được chúng ta mặc nhiên thực hiện hàng ngày hàng giờ mà không biết. Chỉ mới vài trăm năm trở lại, người ta mới tổng hợp những kiến thức về việc giải quyết sự khan hiếm và tìm ra một số nguyên tắc giải thích. Kiến thức đó được gọi là “kinh tế học,” hay đúng hơn, do một phát minh của nhà tư tưởng Adam Smith, “kinh tế chính trị học.”
Thí dụ cụ thể cho tiến trình trừu tượng này là tôi chỉ có 100 đồng, nhưng nếu lập gia đình rồi sinh con đẻ cái thì cần tiêu thụ nhiều hơn khoản lợi tức đó. Hoặc với lợi tức có hạn, tôi không muốn chỉ ăn cơm ăn cháo mà cần thêm thịt cá cho bữa cơm, và thay vì một tháng chỉ có 15 ký gạo tôi ước mơ có thêm ký thịt nên thấy rằng mình bị thiếu thốn.