Cái chính tức là nhà trường hiện nay truyền sang học trò tinh thần thi nhau cạnh tranh để giành mọi loại danh hiệu. - Vương Trí Nhàn
“Chúng ta chỉ lấy làm quan trọng những ghi nhận của giác quan bằng những hình dạng màu sắc v.v. Mũi thì gọi là cái mũi, nhưng mắt lại là con mắt; trâu thì lúc nào cũng là con trâu, nhưng kiến thì có thể là cái kiến. Một bên linh động, một bên không linh động; một bên là giọng bình thường, một bên bị khinh thị: những ghi nhận như thế chúng ta không bỏ qua…
Chúng ta nói tiếng nói của giác quan, mà cũng là tiếng nói của tình cảm nữa.
Lão thợ rèn, gã thợ rèn, ông thợ rèn, bác thợ rèn…, tất cả đều là người thợ rèn. Nhưng mỗi người đặt trong một quan hệ tình cảm khác nhau đối với kẻ nói… Chúng ta không nói một cách ‘khách quan’. Chúng ta nói đến một người nào là đồng thời nói luôn cả cái tình cảm của mình đối với người ấy.
Thái độ ấy không khỏi làm ngỡ ngàng người ngoại cuộc. Hãy tưởng tượng cái tình cảnh khốn đốn của một người Pháp, người Anh học tiếng Việt, mỗi lần ậm è cân nhắc giữa những gã, lão, ông, bác v.v. để chọn lựa một tiếng thích hợp. Hễ động nói đến ai cũng phải khai trình minh bạch liên hệ tình cảm, sao mà khổ sở quá vậy?
…
Đã từ hai nghìn năm nay, chúng ta được biết một đức Khổng Tử. Hồi đầu năm 1974 này, có 48 chiến sĩ Việt Nam bị quân đội Trung Cộng bắt từ quần đảo Hoàng Sa đem về Quảng Châu giam giữ. Tại đây, lần đầu tiên họ nghe nói đến một tên Lâm Bưu với một thằng Khổng Tử! Họ sững sờ.”
Bốn mươi năm sau, sau những giây phút “sững sờ” thì bối rối là tâm cảm chung của người dân miền Nam – nơi mà người ta quen gọi nhau là ông đạp xích lô hay bà lão ăn mày – khi nghe nói đến đủ thứ tên hay thằng như thằng Ken-nơ-đi, thằng Gion-xơn, thằng Ních-xơn, thằng Diệm, thằng Thiệu, thằng Kỳ… Ai vẫn cứ gọi theo thói quen là ông Kennedy, ông Johnson, ông Nixon, ông Diệm, ông Thiệu, ông Kỳ… (dám) sẽ bị lôi thôi ngay, và (không chừng) sẽ lôi thôi lắm!