|
(THƯ HỒI ÂM MỘT NGƯỜI BẠN TÂN GIAO Ở XA)
Kính thưa anh,
Tôi vừa nhận được thư của anh, với những lời hỏi thăm ân cần, thân ái. Người đang nằm bịnh mà nhận được thơ của bạn bè từ xa gửi đến an ủi, thì thật ấm lòng và cảm động biết bao.
Tôi xin cám ơn anh đã hạ cố hỏi thăm tôi.
Thưa anh,
Trong bài phê bình bộ “Đường Thi Trích Dịch” của cụ Đỗ Bằng Đoàn, và Bùi Khánh Đản, học giả Nguyễn Hiến Lê có đưa ra ý kiến cho rằng :
“Dịch là một việc rất bạc bẽo, vì công việc đã khó khăn mà lại ít người thưởng thức. Riêng ở nước ta nó lại càng bạc bẽo vì rất hiếm người chịu đọc sách dịch”.
Tôi cho rằng nhận xét này của cụ Nguyễn đúng, nếu chỉ coi việc dịch sách ngoại quốc ra tiếng Việt là một công việc làm thuần tuý để mưu sinh cầu lợi.
Và chính cụ Nguyễn sau đó lại cho người đọc biết thêm rằng “Việc dịch kinh Phật của Cưu Ma La Thập đời Tấn và Huyền Trang đời Đường đã làm giầu thêm dụng ngữ cho người Trung Hoa”.
Nên nếu việc dịch văn học, khoa học, kỹ thuật,triết lý, lịch sử ngoại quốc, (Tây, Tầu, Anh,Ý, Đức, Nhật, Nga…) ra tiếng Việt, cũng là một việc làm hữu ích vậy.
Thưa anh,
Còn việc anh hỏi, tìm giúp anh một bản Hán văn về truyện Kinh Kha, tôi sẽ làm, rồi phiên âm, dịch nghĩa,chú thích và gửi đến anh khi hoàn tất.
Truyện Kinh Kha mới đầu thấy ghi trong « Chiến Quốc Sách-Yên Sách » sau lại được Tư Mã Thiên kể lại ở trong « Sử Ký –Thích Khách Liệt Truyện 史記刺客列傳», kểtruyện gồm năm người thích khách thời Xuân Thu Chiến Quốc :
- Tào Mạt 曹沫
- Chuyên Chư 專諸
- Dự Nhượng 豫讓
- Nhiếp Chính 聶政
- Kinh Kha 荆軻
Toàn phần “Thích Khách Liệt truyện”này, đã được các bậc túc nho có uy tín như Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Nhượng Tống, Nhữ Thành… dịch sang tiến Việt rồi.Tìm kiếm những ấn bản dịch này ngày nay cũng không khó khăn.
Như lời đề nghị của anh, tôi mạo muội sao trích nguyên tác Hán văn, chỉ riêng truyện Kinh Kha thôi, trong “Sử ký-Thích Khách Liệt truyện” của Tư mã Thiên, rồi phiên âm, dịch nghĩa, chú thích cho dễ dàng đối chiếu.
Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên gồm có 130 quyển, truyện Kinh Kha ở quyển thứ 86.
Thôi thì, gọi là một chút duyên văn nghệ để tạ cái tình anh đã hạ cố đến nhau, chứ xin được thú thực, tôi e ngại lắm, sở dĩ, vì nhà tôi nghèo quá,tiền đâu mà đến trường, chữHán chữ Nôm, đều do tự học, mà biển học thì mênh mông,nên có nhiều chỗ thiếu sót, nhiều chỗ bất cập, khó tránh khỏi những lầm lẫn.
Nay có làm việc dịch thuật thì cũng chỉ là để học thêm, cho khuây khỏa trong lúc già nua đau yếu.
Mong được anh lượng thứ.
Kính
Phạm Xuân Hy
|