Đó là một trong những ngày tuyết lớn của mùa đông: 20 inches. Tiểu bang tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tất cả các trường học đều đóng cửa. Nhưng theo quy định của tiểu bang, văn phòng tôi làm việc vẫn phải mở cửa vì là nơi phụ trách ghi danh cho học sinh vào các trường công lập thành phố. Vất vả lắm, tôi mới lọt ra khỏi cáidriveway tuyết phủ để đến sở làm. Thành phố vắng tanh như trong tình trạng giới nghiêm. Không có bóng một cái gì chuyển động ngoài tuyết rơi và những chiếc xe xúc tuyết.
Trong thời tiết như thế này, dù đi đứng phiền hà, đám nhân viên chúng tôi vẫn có cái thú vị của nó: được hưởng một ngày vắng khách và (đôi khi) hoàn toàn không có khách. Tôi mang theo cuốn sách để giết thì giờ.
Ấy thế mà, đến khoảng 10 giờ thì có khách. Thấy có người vào, tôi rủa thầm trong bụng: thời tiết như thế này mà ai đó lặn lội đi ghi danh thì quả là “điếc không sợ súng”! Ra mở cửa đón khách, tôi sửng sốt khi thấy, không phải chỉ một ai đó, mà là một đoàn đông đến…mười người. Người nào người nấy sướt mướt run rẩy trong những bộ áo ấm không cách gì đủ ấm trong thời điểm giá rét cao điểm của miền đông bắc này. Thì ra, đó là một gia đình di dân từ Iraq vừa mới đến định cư ở thành phố này. Gia đình gồm có tám người, hai vợ chồng và sáu đứa con. Đi kèm là một người thân và một người quen làm thông dịch. Tôi hỏi người thông dịch tại sao không đợi ngày nắng ráo rồi đi ghi danh? Người thông dịch cho biết, tuy mới đến định cư có một tuần, nhưng ai cũng nóng lòng muốn cho con đến trường. Hơn nữa, ở nhà không biết làm gì, cả gia đình muốn vừa đi ngắm tuyết vừa đi ghi danh “cho biết nước Mỹ”. Xem hồ sơ mới hay, tuy họ là người Iraq, con cái sinh đẻ ở Baghdad nhưng lại lớn lên ở trại tỵ nạn ở Syria. Người cha và bà mẹ thì trông quê mùa, nhưng sáu đứa con của họ đứa nào đứa nấy mặt mày sáng sủa, xinh xắn; đứa nhỏ nhất 5 tuổi, đứa lớn nhất 15 tuổi. Có em đi học qua ít lớp, có em chưa hề đi học ngày nào. Không ai nói được một chữ tiếng Anh nào. Đã thế, người đi theo làm thông dịch, tiếng Anh cũng rất giới hạn. Vừa nói qua nói về vừa ra dấu nhiều lần mới tạm hiểu được nhau. Đây là một trong những trường hợp “khó” đối với việc ghi danh.