Lời Phi Lộ: Trong hơn 1 tháng nay kênh truyền thông CNN hằng ngày làm sống lại nước Mỹ trong “Những Năm Sáu Mươi” của thế kỷ trước qua cuốn phim "The Sixties”. Những biến động của xã hội Mỹ vào thời khoản này đều được lồng trong khung cảnh của “Chiến Tranh Việt Nam” - VietNam War. Việt Nam quê hương tôi, vào Những Năm Sáu Mươi, một đồng minh của Mỹ ở tận phía Tây bờ biển Thái Bình Dương, cũng có một thời chiến tranh đổ nát. “Chiến Tranh Việt Nam” ‘càn quét quê hương tôi với những sự cố dữ dội - Những mồ chôn tập thể ở Huế trong biến cố Mậu Thân - Mùa giáng sinh 72 được thắp sáng lên bởi những trận trải bom của pháo đài bay B52 cày nát Hà Nội, trong suốt 13 ngày và đêm. “Chiến Tranh Việt Nam” đã cướp đi 3 triệu sanh linh Việt Nam, đã để lại 4 triệu thương tật cả chục triệu cô nhi quả phụ... "Chiến Tranh Việt Nam” không chỉ là niềm đau riêng của hai dân tộc Việt, Mỹ, nó còn là bài học chung cho cả nhân loại. Trong chiến tranh không có kẻ thắng người bại, tất cả đều là nạn nhân của chiến tranh. Chiến tranh chỉ gây ra đổ nát, nghèo đói, lạc hậu, hận thù phi lý… Bài bút ký sau đây là chứng tích của đời tôi, một bác sĩ phẫu thuật, đã nhiều lần đối diện cũng như nhân chứng cho thân phận con người trong chiến tranh.
Nhìn sông Hậu, con sông lớn nhất của tổ quốc, mênh mông miệt mài trôi, cuồn cuộn phù sa và ánh sáng, không một ai có thể nghĩ rằng vùng đất quê hương kỳ diệu này cũng là vùng đất chiến tranh trong gần 30 năm qua. Thị trấn Cần Thơ, nằm trên hữu ngạn sông Hậu vẫn sinh hoạt bình thường. Bây giờ là tháng hai, năm 1972. Dân chúng trong thị trấn Miền Tây này đâu có ngờ chỉ trong một vài tháng nữa là cả nước đi vào Mùa Hè Đỏ Lửa với những trận đánh ở ngọn đồi Tân Cảnh, Căn Cứ Lữ Đòan 2-Dù. Sau đó là trận đánh An Lộc, Trị Thiên, Đại Lộ Tử Thần, những trận địa chiến hai bên bờ sông Thạch Hãn.v.v... Những trận đánh lớn cứ theo chân nhau, vượt Trường sơn, từ ngoài Trung vào Nam, từ Cao nguyên đổ xuống đồng bằng duyên hải như thác ngàn. Hai phe, bốn bên dốc toàn lực đổ quân vào những trận đánh điên cuồng, đẫm máu làm áp lực hòa đàm Paris ở giai đoạn chót. Những trận đánh tận tình hủy diệt nhau làm rực lửa những trang báo cùng khắp thế giới, thắp sáng lương tri nhân loại. Hầu hết các gia đình người Mỹ, mỗi chiều tối đều ngóng nhìn lên màng ảnh truyền hình, theo dõi chương trình CBS Evening News Reports tại New York, hớp từng lời tường thuật về Chiến tranh Việt Nam của Walter Cronkite. Những trận đánh đẫm máu xé nát trái tim những bà mẹ nước Mỹ. Phong trào phản chiến trên tòan khắp thế giới lên đến cực điểm. Các sinh viên trong các trường đại học nhất là tại Mỹ, tại Anh và các quốc gia Bắc Âu và Tây Âu, bãi khóa, tổ chức “truồng chạy” phản đối chiến tranh diệt chủng tại Việt Nam. Trong khi đó tại Sàigòn, giọng hát Thái Thanh thảm thiết trong bài “Kỷ Vật Cho Em”, một kiệt tác phản chiến thời danh của Phạm Duy, viết sau cuộc ‘Hành Quân Lam Sơn 719’:
“Anh trở về trong chiếc poncho…
Anh trở về trên đôi nạn gỗ…
Anh trở về tật nguyền chai đá…
Anh trở về dang dở đời em…”!