Tối 29/9/2013, tại Đền Đức Bà Hằng Cứu Giúp, số 38 đường Kỳ Đồng, trong thánh lễ cầu cho công lý và hòa bình, cách riêng cho luật sư công giáo Giuse Lê Quốc Quân, cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, Ofm đã gợi lại những biến cố xã hội gần đây để minh họa cho một Việt Nam vẫn còn đó những người trẻ sẵn sàng dấn thân, không còn vô cảm, nhưng đau đáu một niềm thao thức cho đất nước quê hương.
Trân trọng gửi tới quý độc giả nội dung bài chia sẻ này.
DẤN THÂN
VÌ NGƯỜI NGHÈO, VÌ TỔ QUỐC
(suy niệm Lời Chúa CN XXVI C Thường Niên *)
Bài Tin Mừng
Trong bài dụ ngôn của Chúa Giê-su, “ông nhà giàu” không có tên. Nhân vật đó đại diện cho một giai cấp trong xã hội. Ông ấy giàu, nhưng ta không biết giàu do đâu. Có thể đó là một người làm ăn lương thiện, thành công nhờ tài trí, nhờ sức lao động. Cũng có thể giàu vì đã khéo léo ăn cắp của công, mạnh tay bóc lột, cướp đất dân oan. Vấn đề Chúa Giê-su muốn chúng ta lưu tâm ở đây không ở chỗnguồn gốc của tài sản có chính đáng hay không, nhưng là thái độ của người có tài sản. Người giàu bị kết án vì thái độ đối với người nghèo. Tội của ông ta là tội vô cảm. Chúa Giê-su sẽ lặp lại giáo huấn này cách cặn kẽ hơn khi Ngài đề cập đến cuộc phán xét chung trong Tin Mừng Mát-thêu. “Mỗi lần các ngươi không làm cho một trong những người bé nhỏ nhất đây là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,31-35). Tội bị kết án ở đây vẫn là tội vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, đặc biệt những người nghèo.