Lâu nay, những người quan tâm đến tình hình chính trị thường than thở là điều thiếu nhất, và do đó, cần nhất, trong quá trình tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam là vấn đề lãnh tụ: Chúng ta chưa có một gương mặt và một tên tuổi nổi tiếng được cả nước cũng như quốc tế biết đến và ngưỡng mộ như Nelson Mandela ở Nam Phi trước đây hoặc Aung San Suu Kyi ở Miến Điện hiện nay.
Đành là đúng. Hiển nhiên đó là một điều đáng tiếc. Nhưng từ sự đáng tiếc ấy mà đâm ra bi quan lại là một sai lầm. Có hai lý do chính: Một, trên thế giới, trong thời gian vừa qua, xuất hiện một số phong trào tranh đấu cho dân chủ mà không hề có lãnh tụ nào cả (ví dụ tiêu biểu nhất là các cuộc xuống đường lật đổ các chế độ độc tài tại Trung Đông và Bắc Phi vào đầu năm 2011); và hai, lãnh tụ thường xuất hiện TRONG và VỚI chứ không phải TRƯỚC quá trình tranh đấu; nói cách khác, chúng ta phải tranh đấu trước, từ đó, sẽ xuất hiện một hoặc một vài cá nhân nổi bật lên đóng vai lãnh tụ thay vì chờ đợi có lãnh tụ rồi mới xuống đường tranh đấu.
Đằng sau sai lầm ấy là một sai lầm khác: phần lớn chúng ta hình dung lãnh tụ là những tên tuổi lớn, theo nghĩa, một, có tuổi tác; hai, có bằng cấp cao; và ba, được xã hội cũng như quốc tế biết và kính trọng.
Những quan niệm sai lầm ấy không những phổ biến ở những người bình thường mà còn xuất hiện ở cả những nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam: Ở họ, tôi thấy nhiệt tình và can đảm thì có thừa, nhưng vẫn có cái gì đó như thiếu tự tin: Họ vừa hoạt động vừa loay hoay chờ đợi lãnh tụ. Nhiều lần, tôi cứ tự hỏi: Tại sao lãnh tụ lại không phải là họ, chính những người đang tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam nhỉ? Nói cách khác, tại sao lãnh tụ lại không phải là một Nguyễn Phương Uyên hay một Đinh Nguyên Kha hay bất cứ một ai đó nhỉ? Họ trẻ quá hoặc còn thiếu kinh nghiệm quá ư?
Ảnh VOA