Wednesday, 25 December 2013

Bản Tin của Thụy My RFI

Kim Jong Un cố trưng ra bộ mặt ổn định của Bình Nhưỡng

Kim Jong Un trong buổi mít-tinh kỷ niệm hai năm ngày mất của Kim Jong Il, 17/12/2013.

Thông tín viên nhật báo Le Monde tại Tokyo trong bài viết mang tựa đề « Kim Jong Un cố gắng trưng ra một hình ảnh ổn định về Bình Nhưỡng » cho rằng người đứng đầu Bắc Triều Tiên, trên con đường tìm kiếm tính chính danh, đã dàn dựng vụ trừ khử người chú dượng Jang Song Thaek.

Một tuần lễ sau khi hành quyết ông Jang Song Thaek, nhân vật số hai của chế độ hôm thứ Năm 12/12/2013, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trưng ra một bộ mặt bình thường nhưng chỉ thuyết phục được phân nửa.


Khi khử đi một người bị đổ cho mọi sai lầm của chế độ, Kim Jong Un chắc chắn đã làm xấu đi hình ảnh của mình đối với bên ngoài, nhưng bên trong thì chưa chắc. Anh ta đã chứng tỏ là một lãnh đạo cứng rắn. Cheong Seong Chang thuộc Viện Sejong ở Seoul nhận định giả thuyết của một số chuyên gia khác đưa ra về sự mất ổn định của Bình Nhưỡng chỉ là « ảo tưởng ». Theo ông : « Một bộ phận giới ăn trên ngồi trước sẽ được hưởng lợi từ vụ thanh trừng mạng lưới của Jang Song Thaek và sẽ ủng hộ Kim Jong Un ».

Coi như đã sang trang, Kim Jong Un liên tục đi thăm nhiều nơi, từ khai trương các trang trại nuôi thủy sản cho đến thanh tra tiến độ xây dựng khu vực trượt tuyết ở núi Masik. Jong Un cũng đón tiếp « anh bạn » Dennis Rodman, cựu vận động viên bóng rổ nổi tiếng Mỹ, đến Bình Nhưỡng để huấn luyện cho ê-kíp Bắc Triều Tiên.

Ngày giỗ lần thứ hai của Kim Jong Il là dịp để toàn dân tập trung bày tỏ lòng trung thành với người thừa kế của chế độ. Người vợ góa của Jang Song Thaek, là bà Kim Kyong Hui, cô ruột của Kim Jong Un không có mặt trong số quan chức trên lễ đài, nhưng tên bà vẫn nằm trong danh sách ban lễ tang một cựu bí thư đảng Lao động. Một dấu hiệu cho thấy bà không bị vạ lây từ sự thất sủng của người chồng đã ly thân, những người mang dòng máu họ nhà Kim không ảnh hưởng bởi cái chết của « kẻ phản bội ».

Nếu các chuyên gia có những quan điểm khác nhau về hậu trường vụ thanh trừng ngoạn mục này, thì họ hầu như thống nhất về điều đã được hé lộ : một cuộc đấu tranh quyền lực ở thượng tầng, đã phá tan huyền thoại tuyên truyền về sự đồng tâm nhất trí đứng sau lãnh tụ. Cho đến nay, chế độ luôn tránh phô ra những dấu hiệu bất trung dù nhỏ nhất.

Một loạt các sự kiện liên tiếp xảy ra đối với Jang Song Thaek chỉ trong bốn ngày: cách chức, đưa ra tòa và hành quyết, cho thấy chế độ muốn giải quyết thật nhanh. Le Monde đặt câu hỏi, có lẽ để tránh gây ra hoặc làm trầm trọng thêm sự bất ổn ở thượng đỉnh, và nguy cơ đã được giải quyết hay chưa. Trong một đất nước mà công an kiểm soát chặt chẽ, bất ổn khó thể xảy ra do sự phản kháng của nhân dân mà từ đấu tranh quyền lực giữa giới lãnh đạo.

Tác giả bài báo nhận định, các chi tiết trong cáo trạng đối với Jang Song Thaek như « âm mưu đảo chính » là rất bất thường. Trong quá khứ, các vụ thanh trừng luôn diễn ra lặng lẽ và chính quyền không cần phải giải thích, chỉ cần kết tội « chống Đảng » là đủ.

Trong trường hợp Jang Song Thaek, có thể là ông ta tìm cách chuyển đổi cơ quan hành chính của Đảng do ông lãnh đạo thành một “ tiểu vương quốc”, đặt « các phần tử không tốt vào những chức vụ quan trọng trong Đảng và các định chế quốc gia » để chuẩn bị cho một cuộc lật đổ. Cần có thời gian trước khi biết được các cáo buộc trên có căn cứ, và « bè lũ » Jang Song Thaek có phải là một mối đe dọa thực sự hay không. Có lẽ là rất ít quan chức cao cấp, vì thành phần giới chóp bu tham dự lễ kỷ niệm hai năm ngày mất của Kim Jong Il hầu như không thay đổi.

Sau khi tấn công vào « trung tâm cung điện », Kim Jong Un có còn lo ngại gì nữa hay không ? Anh ta không có sự chính danh của ông nội Kim Il Sung, nhà lập quốc ; không có kinh nghiệm chính trị như người cha vốn coi quân đội là cột sống của chế độ. Kim Jong Un có thể dựa vào lực lượng nào ? Bài báo kết luận, có bấy nhiêu yếu tố bấp bênh khiến Hàn Quốc phải thận trọng về những chiêu trò mới của Bình Nhưỡng trong tương lai.

Philippines : Tù nhân tự quay lại trại giam sau siêu bão

Cũng tại châu Á, đặc phái viên Le Monde ở Philippines có bài viết mang tựa đề « Những người tù của trận bão ». Tác giả kể về những tù nhân sau khi siêu bão ngày 8/11 làm sụp đổ các bức tường xà lim, đã về nhà xem thân nhân có sống sót hay không, rồi sau đó quay lại, góp sức tái thiết nhà tù.

Bài báo bắt đầu với câu hỏi, phải chăng đây là giấc mơ của mọi tù nhân ? Một trận bão mãnh liệt chưa từng thấy với sức gió lên đến 300 km/giờ, nước dâng khắp nơi, những bức tường rung chuyển…và bất chợt mái nhà tù bỗng vỡ tung và bị thổi bay lên theo một trận cuồng phong. Thiên tai đã mang đến tự do trong tầm tay của họ.

Hôm thứ Sáu 08/11/2013 ấy, những người tù của trại giam tỉnh Leyte miền trung Philippines vẫn còn chưa ý thức được cơ hội của mình, vẫn chưa biết rằng đây là trận bão Haiyan sát hại nhiều người nhất trong lịch sử đất nước. Tù nữ rét run, cùng trú vào một gian phòng, trong khi tù nam chen chúc trong một gian khác vẫn còn đứng vững dưới trận mưa như trút nước. Khi gió đã nhẹ bớt, họ tập trung lại đòi được về nhà để xem người thân còn mất ra sao, quản giáo chỉ phản đối một cách yếu ớt và họ cũng biết rằng không thể giữ chân bấy nhiêu người tù lại được, vả lại chính họ cũng lo cho số phận thân nhân mình.

Nhà tù Leyte nằm dưới chân núi, cách đại dương hơn một chục cây số và gần Tacloban, thành phố có nhiều người bị thiệt mạng nhất trong trận bão. Các tù nhân chạy đi tứ tán trong cảnh hoang tàn của tận thế. Đến thứ Hai đầu tuần, đã có 476/583 người tù của Leyte tự giác quay lại trại giam. Khi tự nguyện quay lại, họ đòi hỏi một số đặc ân và rất khó từ chối.

Thế là vợ con những người tù được phép sống cạnh đó. Cánh cửa nhà tù từ nay được mở rộng, vũ khí của quản giáo được đặt ngay trên nền đất chỗ cổng vào, khó phân biệt được ai là quản giáo, ai là tù nhân. Điểm hài hước là những người tù bắt tay vào việc sửa chữa các phòng giam sắp tới dùng để nhốt họ. Hầu hết chưa được đưa ra xét xử, và 95% hồ sơ tòa án đã bị cơn bão làm hư hại. Tòa án tối cao sẽ phải quyết định về số phận các tù nhân này.

Pháp tự hào với trái tim nhân tạo tự động 100% Made in France

Trái tim nhân tạo tự vận hành 100% sản xuất tại Pháp, một thành tựu vang dội được tất cả các báo Paris ca ngợi hôm nay. Đây là trái tim nhân tạo tự động đầu tiên trên thế giới hoàn toàn Made in France, vừa được ghép thành công cho một bệnh nhân.

Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Tim nhân tạo : Các chìa khóa cho sự thành công của Pháp ». Tờ báo cánh hữu dành hai trang lớn bên trong để nói về « Sự phiêu lưu của Carmat, sản xuất trái tim nhân tạo Pháp từ A đến Z ». Nhật báo công giáo La Croix giải thích « Tim nhân tạo, một kỳ tích công nghệ và y tế », còn tờ báo kinh tế Les Echos nói đến khả năng « Trái tim nhân tạo của Carmat sắp đập trong lồng ngực các bệnh nhân khác ».

Trong bài xã luận mang tựa đề « Bài học của Giáo sư Carpentier » Le Figaro cho rằng người Pháp vốn có thói quen tràn ngập đại lộ Champs-Elysée ở Paris để mừng thắng lợi của đội bóng, có thể xuống đường để chào mừng kỳ tích này của Giáo sư Carpentier và ê-kíp của ông. Từ 25 năm qua, ông đã âm thầm làm việc trong phòng thí nghiệm để cho ra đời trái tim nhân tạo tự vận hành này, mang lại hy vọng cho biết bao bệnh nhân – một món quà Giáng sinh tuyệt vời !

Bài học đầu tiên : sự quyết tâm. Bài học thứ hai, là niềm tin vào tiến bộ, vào thời điểm người ta nghi ngại mọi thứ. Bài học thứ ba chứng minh rằng việc chấp nhận rủi ro thường được đền bù. Bảo vật kỹ thuật của Giáo sư Carpentier là một sản phẩm 100% Pháp, nhờ công ty Carmat kiên trì theo đuổi dự án và thuyết phục được một số đối tác công nghiệp trong cuộc phiêu lưu này.

Theo tờ báo, nước Pháp có nhiều ưu thế nhưng không biết quảng bá đầy đủ, mà nghiên cứu y học là một ví dụ. Ca ghép tim đầu tiên tại châu Âu tiến hành năm 1968 do các giáo sư Pháp thực hiện tại bệnh viên Pitié-Salpétrière. Việc phát hiện virus HIV một phần nhờ kết quả nghiên cứu của ê-kíp Pháp ở Viện Pasteur vào đầu thập niên 80.

Putin và người tù tỉ phú Khodorkovski

Nhật báo cánh tả Libération dành trang nhất cho « Khodorkovski, một tiểu thuyết Nga ».Được Putin trả tự do hôm thứ Sáu 20/12, nhà tỉ phú xuất hiện lần đầu tiên tại Berlin hôm qua, gặp gỡ khoảng hai chục nhà báo của nhiều nước. Trong bài xã luận mang tựa đề « Tiểu thuyết trinh thám », Libération nhận xét, đây là lần thứ hai trong năm ông Vladimir Putin đã gây ngạc nhiên cho cộng đồng quốc tế. Và điều này cho thấy tuy độc tài nhưng Putin không thể phớt lờ dư luận thế giới.

Theo tờ báo, vụ thả ông Mikhail Khodorkovski vừa như một chuyện cổ tích, vừa giống như truyện hình sự chính trị, kể cả các chi tiết như cuộc họp báo diễn ra tại một bảo tàng về bức tường Berlin, gần Checkpoint Charlie, giao điểm huyền thoại giữa Đông và Tây trong thời kỳ bức màn sắt. Sự kiện này diễn ra vào lúc chỉ còn không đến hai tháng nữa là khai mạc Thế vận hội mùa đông Sotchi, là cơ hội biểu dương sức mạnh của vị « Sa hoàng » Nga. Ông Putin không thể để xảy ra hiện tượng tẩy chay của nguyên thủ các nước, và nhất là ông cần thu hút đầu tư vào Nga, một đất nước mà kinh tế đang đi xuống.

Về phần nhà tỉ phú, Khodorkovski có lẽ không quên câu châm ngôn thời Stalin : « Cần phải lấp đầy các gu-lắc à ? Chúng ta sẽ tìm ra các thủ phạm ». Ông biết là sẽ không chịu đựng nổi một phiên tòa thứ ba với các hồ sơ khác được « khai quật », và sau đó bị tống vào một trại cải tạo cho đến mãn đời. Có lẽ tốt nhất là như nhà thơ Joseph Brodsky, giải Nobel văn chương 1987 trước đây – phải sống lưu vong sau thời gian bị đi đày, thay vì như Boris Berezovsky, một tỉ phú khác được phát hiện đã chết tại nhà ở Anh, mà lý do chính thức được đưa ra là tự tử.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, vị Giáo hoàng làm đảo lộn thế giới

Nhìn sang Vatican, « Một vị Giáo hoàng làm đảo lộn thế giới », đó là tựa đề bài viết đầu tiên của Le Figaro nằm trong loạt bài năm kỳ nói về « Hiện tượng Phanxicô ». Tờ báo nhận xét, ngay cả Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị trước đây cũng không tạo được vầng hào quang toàn cầu nhanh chóng như thế.
Tạp chí Time uy tín của Mỹ đã chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô là Nhân vật của năm 2013. Đây là vị Giáo hoàng thứ ba được vinh dự này kể từ năm 1927, năm mà Time bắt đầu chọn lựa các nhân vật trong năm.

Đức Giáo hoàng đầu tiên được trao danh hiệu này là Giáo hoàng Gioan XXIII, người đã tổ chức Công đồng Vatican II, và tiếp đó là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, nhưng phải chờ đến tận năm 1994, tức là 16 năm sau khi ở ngôi vị Giáo hoàng, trong khi Giáo hoàng Phanxicô mới cách đây một năm còn chưa được ai biết đến. Time nhận xét : « Điều quan trọng ở Giáo hoàng Phanxicô là Ngài đã nhanh chóng thu hút nhiều triệu người trước đây đã không còn hy vọng nào nơi Giáo hội ».

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng được tạp chí Forbes xếp vào hàng thứ tư trong danh sách các nhân vật ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế giới, chỉ sau nguyên thủ các nước Nga, Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt tạp chí của cộng đồng người đồng giới The Avocate hôm 16/12 đã dành cho trang nhất cho Đức Giáo hoàng Phanxicô với câu nói nổi tiếng của ngài : « Tôi là ai mà phán xử ? »

Công ty Mỹ The Global Language Monitor chuyên thu thập thông tin trên internet cho biết cái tên được sử dụng nhiều nhất trên mạng bằng tiếng Anh trong năm 2013 là « Pope Francis » (Đức Giáo hoàng Phanxicô). Tương tự, đây là chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên Facebook, còn tài khoản của Đức Giáo hoàng trên Twitter có đến 11 triệu người theo dõi.