Saturday, 21 December 2013

Chuyện xứ Phù Tang 12/2013 - Vũ Ðăng Khuê


Việt Nam ta gọi tháng cuối năm âm lịch là tháng chạp, còn Nhật gọi là “sư tẩu” (shiwasu-師走) hay “Cực Nguyệt” (Gokugetsu 極月). Bây giờ dù Nhật đã theo dương lịch nhưng vẫn gọi là “sư tẩu”. “Sư” ở đây mang ý nghĩa “tăng lữ”, cứ vào dịp cuối năm thì sư rất bận rộn khác hẳn với ngày thường, ngoài giờ “hành chánh” sư còn phải “zangyo” (overtime) chạy đôn chạy đáo để tụng kinh gõ mõ…. Tóm lại, là vào những ngày cuối tháng chạp thì mọi người từ dân đến quan đều phải chạy ngược, chạy xuôi, chạy đôn, chạy đáo để thanh toán, để thu xếp sao cho hết nợ hết nần, để “3 ngày tết vui cười no say” dù cho “sang năm thì ta lại kéo cày”. Dân thì chạy cơm, chạy việc, chạy tiền.... còn quan thì “vất vả” hơn cả dân vì phải chạy sao ngân sách sớm thông qua, chạy sao cho những luật về thuế mới không làm phiền dân chúng, chạy sao cho 2 tên bạn láng giềng, nhất là tên “hung khùng” Trung Quốc đừng dở trò nữa v.v…. Nói ra thì nhiều. thôi xin gác chuyện “chạy” ở đây để “chạy” sang chuyện khác.


Nữ đại sứ Mỹ tại Nhật và những “Shiwa” (nếp nhăn)

Ngày 15 tháng 11, bà Caroline Kennedy (56 tuổi), con gái của cố Tổng Thống Kennedy đã sang Nhật để nhậm chức đại sứ Hoa Kỳ và cũng là nữ đại sứ đầu tiên.thay ông John Roos vừa chấm dứt nhiệm vụ. Bà vừa là một luật sư, nhà văn, một thành viên của gia đình “hoàng tộc” Kennedy (Royal Family), một gia đình nổi tiếng nhưng chịu nhiều mất mát.

Bà được ông Tổng Thống nước da “màu lam khói” Obama tuyển chọn vì 2 lý do:

1/ Trả “ơn” vì bà đã đóng góp, ủng hộ tích cực để ông đắc cử, bà từng là chủ tịch Ủy Ban Vận Động bầu cử của ông Obama.

2/ Dù không kinh nghiệm, nhưng nhờ tài.... ăn nói, nụ cười tươi, được lòng dân Nhật..., 
nên ông Tổng Thống da màu này hy vọng bà sẽ là người có khả năng làm một gạch nối, hóa giải hoặc làm giảm đi những “ma sát” giữa 2 nước.

Ông Obama đã cho bà nhiều quyền giải quyết, bà có thể điện thoại trực tiếp đến ông khi hữu sự, chứ không phải chạy “vòng vòng” như các ông đại sứ trước
Bà sang Nhật mới có 2 lần, lần thứ nhất vào năm 1978 cùng ông chú nghị sĩ Ted Kennedy và lần thứ hai khi đi hưởng tuần trăng mật. Bà tâm sự: Tôi rất yêu nước Nhật, tôi nhớ đến ước mơ của bố tôi: ông sẽ là người tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Nhật. Được biết TT Kennedy dự định thăm viếng Nhật vào năm 1964, nhưng “mộng không thành” vì chẳng may ông đã bị ám sát năm 1963.

Đón tiếp



Song mã đưa nàng về “cung”!

Sáng 19/11 bà đã đến hoàng cung trình ủy nhiệm thư cho Nhật Hoàng bằng xe có song mã kéo, dẫn đầu là “đội kỵ mã” của cảnh sát. Trong suốt đoạn đường dài 1,8 km, thay vì “2 bên có lính hầu đi dẹp đường” thì “2 bên có lắm người ra .... đón bà”. Người ta ra đón bà đông lắm, có đến mấy ngàn người, chuyện hiếm thấy khi các đại sứ nước ngoài trình ủy nhiệm thư.

Tưởng cũng nên nói thêm là các vị đại sứ khi nhậm chức tại Nhật có thể đến hoàng cung bằng 1 trong 2 cách: xe song mã, xe hơi. Thường thường thì thiên hạ dùng xe hơi vì có đi xe song mã thì chắc..... cũng chẳng có ai để ý như bà Caroline.

Xe chở bà là chiếc xe thứ 4 của Hoàng Cung được làm từ hồi Thiên Hoàng Minh Trị, mỗi năm mỗi đánh.... vẹc ni lại cho bóng, ban nghi lễ ngày ngày phải dẫn mấy chú ngựa ra đường để mấy chú quen với cảnh phố xá, tiếng động..... chứ không thì khi hữu sự mà mấy chú trở thành “ngựa phi trên lưng ngựa hung hăng, trên cánh đồng mênh mông” thì mất mặt chết.
 
Lấy lòng dân Nhật

            
 
Vừa nhậm chức xong, bà đã có ngay một chương trình dầy đặc, đi khắp nơi, bà nói: tôi muốn đi tìm hiểu để có thể có những đóng góp hữu hiệu nhất cho bang giao của 2 nước. 

Bà đến vùng Iwate bị động đất, thăm trại lánh nạn và thăm một trường trung học, ở đây bà đã biểu diễn “thư đạo”, dùng bút lông “thảo” chữ “
 (hữu – nghĩa là bạn), bà cũng đến địa điểm bị sóng thần nặng nhất, chắp tay tưởng niệm người lánh nạn, đi thăm nơi có cây thông tồn tại duy nhất trong thiên tai vừa qua. 

Ngày 6/12 bà đến gặp chủ tịch công ty Rakuten, Migitani Hiroshi, công ty sở hữu đội dã cầu (được coi là yếu nhất nhưng vừa chiếm vô địch Nhật Bản) để trao đổi về các chính sách phục hưng vùng Đông Bắc.

Ngày 10/12, bà đã đến Nagasaki, nơi Nhật lãnh quả bom nguyên tử và dâng vòng hoa tưởng niệm người đã chết tại công viên hòa bình. Ngoài ra, bà còn đi thăm các đại học trong vùng thiên tai và rất được giới sinh viên hoan nghênh. 

Hôm 16/12, có một trực thăng Mỹ rớt tại vùng Kanagawa, bà đã đến gặp ông tỉnh trưởng Kanagawa cám ơn Nhật đã nhanh chóng giúp điều trị 2 phi công gặp nạn.
Nói tóm lại là bà đã rất khéo trong việc lấy lòng người dân Nhật.


Những chuyện bên....lề

Từ lúc có tin bà được tuyển chọn làm đại sứ tại Nhật, đã có rất nhiều lời tán vào và cũng không ít lời bàn ra, nhưng cả hai phía đều có cùng chung kết luận. Xin quí độc giả chịu khó đọc đến cuối bài sẽ biết ngay.... lời giải đáp.

Bàn ra
          

Bà Caroline - Nhăn nheo                Matsuda - Thẳng tắp
 
Năm nay bà mới “năm mươi mấy”, bà chỉ hơn Matsuda Seiko (một ca sĩ nổi tiếng của Nhật) 4 tuổi, nhưng da của bà, đặc biệt là da mặt lại quá nhiều shiwa (vết nhăn) trông cứ như bà già “sáu mươi mấy gần bảy mươi” vậy, trong khi Matsuda Seiko thì cứ mơn mởn.... mịn màng thẳng tắp. Một bác sĩ chuyên môn chỉnh hình ở Nhật phán: Được hết, nếu muốn thẳng thì sẽ có cách và thuốc làm cho.... thẳng. Nhưng theo “thông tin” từ những người có “mắt nhìn” đầy rẫy trong “đời sống xung quanh” cho biết thì: Matsuda cũng qua bao lần dao kéo mới được như thế đấy chứ.Tài tử Hollywood thì cứ khoảng trên 30 một chút là thế nào cũng phải chích vào người vài chất “hóa học” như hyaluronic acid hay botox để da thịt luôn “tươi tốt” . Có người tỏ vẻ ngạc nhiên, Mỹ là đại quốc của kỹ thuật cải lão hoàn đồng (anti-aging anti-ageing) mà, thế tại sao bà không “đi tu sửa”nhỉ? Cỡ bà thì muốn làm gì mà chả được. Hỏi chỉ mà hỏi chứ chả ai mà có câu trả lời. Muốn biết tại sao xin cứ hỏi thẳng đương sự.... thì rõ. Ngoài ra bà còn bị chỉ trích là
 
Không.... cúi

           

Caroline không cúi                         Obama cúi rạp

Có dư luận phán “Được tiếng là hiểu rõ văn hóa, phong tục Nhật, nhưng lúc gặp Thiên Hoàng chẳng chịu cúi đầu gì cả, trong khi ông Tổng Thống thì cúi rạp. Cố vấn bà đâu, sao không nhắc bà, chỉ cần cúi một chút là đủ. Thế mà cũng nói là rành là hiểu về Nhật Bản”Tán vào


Meyl Streep - Hillary Clinton

Đã có những câu hỏi “bàn ra” thì cũng có những câu trả lời “tán vào”: “Da của người gốc Ái Nhĩ Lan như bà da dễ bị ăn nắng lắm” hoặc “bà bị di truyền” hay Cũng đâu phải là đi cắt, hút, bơm, căng là đẹp. Xem kìa, giới diễn viên điện ảnh thì có Meyl Streep (64 tuổi), xưa một chút thì có Audrey Hepburn, giới chính trị thì có bà Hillary Clinton cũng nhăn nheo mà thiếu gì người hâm mộ? Ngày 18/11, một nữ bình luận gia nổi tiếng của Nhật đã “phát biểu" về “shiwa” của bà Caroline trên đài TBS: “Không phải đẹp hay không đẹp, mà phải là phụ nữ có “nội dung”, có “tấm lòng”, rồi không phải cứ nhìn thấy mặt mũi đầy “shiwa” rồi phán. Có ai được như bà hôm đến hoàng cung trình ủy nhiệm thư mà hàng ngàn người đi đón không! Rõ chuyện.”

Về vụ cúi đầu xuống hay ngẩng đầu lên thì: Còn chuyện chào Nhật Hoàng mà cúi thấp, cúi rạp hay không cúi thì đã sao? Ông Obama thì bị một ít người Mỹ coi là mất thế, còn bà Caroline thì bị một nhúm người Nhật coi là thất lễ. Tại sao thế? Chả có sao cả, tùy theo cách nhìn, văn hóa của mỗi nước mỗi khác mà. Thắc mắc làm gì cho mệt.
---------
Kết....luận

Theo thống kê do các cơ quan truyền thông thực hiện thì số có cảm tình và kỳ vọng vào bà rất cao chiếm 80%, còn lại thì “không đến nỗi nào”, “không quan tâm” hoặc “không kỳ vọng”. Chính phủ Nhật cũng đánh giá cao và mong đợi bà nhiều lắm. Cho nên, câu giải đáp trong trường hợp này là “Cái nết đánh chết.... cái đẹp” hoặc “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là chính xác nhất. Thôi ta sang chuyện khác
Còn đây những tấm lòng
Ân nhân của người Việt

Một thời, từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang sau cơn bão lửa Cộng Sản 1975, hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ lại sau lưng những gì trân quý nhất để ra đi tìm tự do trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ. Vùng biển Đông mênh mông trở thành một nấm mồ nước sâu thăm thẳm. Nơi đó, mẹ lạc cha, vợ xa chồng, anh mất em. Nơi đó, tiếng niệm Phật, lời cầu kinh cũng chẳng còn ai nghe thấy.
...........
Trong giờ phút đó, nếu không có chiếc ghe đánh cá người Phi dừng lại, không có Cap Anamur đang chờ ngoài vùng biển Philippines, không có tàu hải quân Phi từ vịnh Manila, hải quân Mỹ từ Subic Bay ra can thiệp, số phận của hàng trăm ngàn người Việt lênh đênh trên đường tìm tự do sẽ trôi dạt về đâu? Năm tháng trôi qua nhưng những địa danh Palawan, Bataan, Subic Bay sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người Việt sống sót trên đường tìm tự do. 
(Trần Trung Đạo).

---------------------------
....và cũng là....của người Nhật

Ngày 11 tháng 3 năm 2011, vùng đông bắc Nhật Bản đã hứng chịu đại thiên tai động đất - sóng thần (tsunami), kéo theo tai nạn kinh hoàng rò rỉ phóng xạ nguyên tử, cả một thành phố đã bị sóng biển nhận chìm, cuốn trôi. Nước Nhật tưởng chừng như sụp đổ. Giữa lúc mọi người còn đang bàng hoàng hoảng loạn thì một cú điện thoại gọi đến tòa đại sứ Nhật tại Manila: chúng tôi là những người đang sống ở làng.... xem TV thấy kinh hoàng quá, xin cho chúng tôi gửi lời chia buồn đến quí quốc về những mất mát to lớn này. Chúng tôi muốn làm những gì trong khả năng nhỏ bé với hy vọng chia sẻ nỗi đau thương của quí vị. Đó là lời của một người đàn ông đại diện cho ngôi làng xơ xác ở Phi, lập tức lời chia sẻ này đã bay về Nhật, nghe câu nói nhiều người đã bật khóc.

Ân Nhân gặp nạn
            
Ngày 8 tháng 11, siêu bão Haiyan kinh khiếp nhất, mạnh nhất ập vào đảo Samar, cách Manila 600 km về phía đông nam và miền trung Philippines, nhanh chóng di chuyển về phía tây bắc, tấn công các tỉnh Leyte và Iloilo khiến các nơi này phải hứng chịu sự tàn khốc nặng nề, gần 7000 người chết, người bị thương không biết cơ man, 900 ngàn người phải lánh nạn và hơn 10 triệu người ảnh hưởng. Nhật thì gọi là bão 30, (bão thứ 30 thổi vào Á Châu), Phi gọi là Yolanda, Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới gọi là Haiyan, âm Hán Việt là Hải Yến (tên một loại chim). Nhưng gọi gì thì gọi, bão là....bão, thủ phạm của những tan hoang mất mát..

'Chúng tôi đói lắm'

Ngày 11/11, tại Hội nghị Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP 19) được tổ chức tại Warshaw, Ba Lan, bài phát biểu trong nước mắt của ông Yeb Sano, Trưởng đoàn đàm phán Phi Luật Tân đã làm hội trường xúc động mãnh liệt.
-------------------------

Chúng tôi đói lắm.
 Với sự xoay chuyển tàn nhẫn của số mệnh, đất nước tôi đang bị thử thách bởi cơn bão địa ngục tên là Siêu bão Haiyan mà các chuyên gia mô tả là cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong suốt lịch sử loài người. Nó mạnh đến nỗi nếu có cấp 6 thì nó sẽ rơi trọn vào nhóm đó.
Đến thời khắc này, chúng tôi vẫn không thể chắc chắn về toàn bộ mức độ của sự tàn phá vì thông tin được cập nhật một cách nhỏ giọt tới khốn khổ bởi điện và viễn thông đã bị cắt đứt, có thể còn lâu mới được khôi phục. Đánh giá ban đầu cho thấy Haiyan đã để lại những tổn thất khủng khiếp chưa từng có trong tiền lệ, không thể hình dung nổi và vô cùng tàn khốc, ảnh hưởng tới 2/3 Philippines, khiến khoảng một nửa triệu người mất nhà, cảnh tượng gợi nhớ tới hậu quả của sóng thần đối với vùng đất lớn, lầy lội, đầy bùn, ngập mảnh vỡ vụn và xác người chết.     
  (Huỳnh Ngọc Chênh chuyển ngữ)

Đây là một cơ hội

 “Đối với người Việt chúng ta đây là một cơ hội để trả ơn. Một cơ hội để chính phủ Philippines biết dù hôm nay đang sống trong tự do no ấm chúng ta vẫn không quên những mái lá đơn sơ ở trại tỵ nạn, cơ hội để góp phần xoa dịu nỗi khó khăn của những hàng triệu nạn nhân cơn bão Haiyan và ngoài ra cũng là cơ hội để giúp chính chúng ta vơi đi mặc cảm quên ơn vốn từ lâu đè nặng trong lòng.”          (Trần Trung Đạo).
 
Đã đến phiên chúng tôi

Tại một trại tạm cư ở Iwate, trong khu những ngôi nhà tiền chế dành cho người lánh nạn, những người đang tạm trú đã thu góp tất cả những phẩm vật mình đã được cứu trợ, cộng thêm những đóng góp của riêng mình rồi tìm cách chuyển sang Phi.
Ở Fukushima, mặc dù còn lánh nạn nhưng một học sinh lớp 10 của một trường trung học ở đây đã phát biểu: Đã đến phiên chúng tôi trả ơn và em đứng ra lãnh nhiệm vụ kêu gọi quyên góp trong trường của em và những trường bên cạnh.

“Miếng khi đói thành gói khi no”...rất đúng, nhưng nếu nhiều “miếng”, nhiều “gói” vẫn .... tốt hơn, “có thực mới vực được đạo” mà! Ân nhân ta đang gặp nạn, người Việt toàn thế giới và người Nhật xắn ngay tay áo tích cực góp “miếng”. Ở một qui mô lớn hơn thì các hội đoàn lớn, công ty lớn, chính phủ cũng đang đóng “gói” ào ạt gửi về vùng bị nạn.
Người Việt tại Mỹ, dân Mỹ, chính phủ Mỹ hoặc các nước khác đóng “gói” thế nào tôi xin phép không nhắc ở đây vì... thật sự không rành nhưng chắc chắn là hơn xa cái tên “hung khùng bủn xỉn”. Chỉ xin nói về Nhật Bản một chút, nơi mình đang.... trao thân gửi phận.
Hầu hết báo chí, đài truyền hình lớn, tổ chức, hội đoàn, công ty đều đồng loạt phát động chiến dịch góp “miếng”. Xin kể 1 cách đóng góp điển hình, hiệu quả. Đang xem TV, đến phần kêu gọi góp “miếng”, một hàng số điện thoại hiện ra trên màn ảnh với lời giới thiệu: Xin điện thoại về số này......và lời giải thích..... 1 lần điện thoại sẽ “tốn” 100 Yen (1 mỹ kim) cộng thêm tiền gọi khoảng vài yen, 100 Yen này sẽ chuyển vào quĩ cứu trợ.. Sẵn tay, với tay sang bên cạnh cầm lên bấm.... là có ngay một “miếng”, dễ như ăn... cơm sườn, chả mất công gì cả. Còn những cách đóng góp khác, như quyên tiền ngoài đường phố, các hộp tiền đặt những nơi công cộng, chuyển vào ngân hàng v.v.... thì kể ra không hết.

 
Về phần chính phủ thì:

-  Muốn trả ơn Phi Luật Tân, một quốc gia nghèo nhưng đã có những chia sẻ nhanh    nhất với Nhật trong thảm nạn động đất vừa qua.

-  Thấu hiểu hơn ai hết về những khó khăn, nhu cầu bức thiết đã gặp phải trong 2 trận động đất (một là vào 1995 tại Kobe, hai là vào 2011 tại Đông Bắc), rất nhanh chóng, Nhật đã là một trong “đoàn hùng binh đi hàng đầu” về cả 2 mặt: nhân lực và vật phẩm dù chính phủ Phi chỉ yêu cầu giúp về phẩm vật. Những chuyên viên cứu hộ, chuyên viên y tế song song với những chuyến hàng cứu trợ được gửi tới tấp đến vùng bị nạn. Con số mà Nhật viện trợ cho Phi tính đến nay là 51 triệu mỹ kim. Ngày 21/11, ba chiến hạm Nhật Bản, 1200 quân, 6 trực thăng, 10 máy bay vận tải đã vào Cebu, vùng bị nạn và đang phối hợp với một lực lượng hùng hậu của Mỹ gồm 8 chiến hạm, 8000 quân đang có mặt ở đây

70 năm trước, dân Phi đã trốn chạy vì sự xâm lăng của đội quân mặt trời mọc và nơi đây là cũng từng là chiến trường đẫm máu giữa lực lượng Mỹ và Nhật.

70 năm sau, quân đội Nhật Bản trở lại Philippines như một cứu tinh được người dân Phi vui mừng chào đón. Chắc chắn “liên quân hỗn hợp Mỹ-Nhật” này sẽ làm được nhiều chuyện để “kéo” người dân kém may mắn ra khỏi những hoang tàn đổ nát như vào 2 năm trước, trong chiến dịch Tomodachi lúc Sendai bị sóng thần tấn công, phi trường Sendai chỉ là một bãi rác, chỉ trong vòng 3 ngày lực lượng hỗn hợp Mỹ-Nhật đã làm phi trường hồi sinh..

“Kechi” (Bủn xỉn)

Định không nói nhưng cũng phải nói một chút về cái anh “hung cường” Trung Quốc. Đã hung lại còn “kechi”, mang tiếng kinh tế nhất nhì thế giới, mà chỉ xì ra được 100,000 mỹ kim, chỉ bằng một nửa phần “góp miếng” của SBTN, một đài truyền hình của người Việt tại Mỹ, dù chỉ kêu gọi trong có vài giờ. Bị chửi quá mới thò ra thêm được 1 triệu 6 mỹ kim (bằng 1/48 Nhật). 

Lại thêm một chuyện chán chường, một website nổi tiếng ở Trung Quốc có tên 
騰訊網(Toushinmou) hôm 14/11 đã làm một cuộc điều tra: “Có nên cứu giúp Phi Luật Tân không?” thì có đến 84% (102,000) câu trả lời là không cần thiết. Đám được hỏi này tệ thật. Chả ra chi.

---------------
1 tháng sau (7 tháng 12), các vùng bị siêu bão tàn phá như thành phố Tacloban đang hồi sinh với tiếng động của xe di chuyển, tiếng kìm tiếng búa vang vang để sửa chữa, tái thiết, tiếng ồn ào của người gọi nhau ơi ới. Dấu tích của sự đổ nát càng ngày càng nhỏ lại nhờ các lực lượng cứu hộ của người Phi, của nước ngoài ngày đêm hoạt động. Những mất mát đã, đang và sẽ được hàn gắn bằng nỗ lực của chính dân tộc Phi cùng tấm lòng của người Nhật, người Việt khắp năm châu, của thế giới dành cho dân tộc họ.

Với tất cả thành tâm, xin cầu nguyện cho ân nhân của người Việt, của người Nhật mau chóng tai qua nạn khỏi.

Món ăn Nhật (washoku): di sản văn hóa thế giới vô hình thể

Tháng 6 năm nay, Nhật “trúng” giải. Unesco công nhận núi Phú Sĩ là một di sản văn hóa “hữu hình”, nhìn vào là thấy ngay mà chẳng cần phải tưởng tượng. Tuy nhiên mừng thì ít mà lo thì nhiều vì phải đối ứng với số người leo núi ngày càng tăng. 

6 tháng sau, Nhật lại “được” giải. Unesco lại chọn Nhật Bản vì Nhật có một loại di sản văn hóa thuộc loại..... vô hình thể: “Washoku” (món ăn Nhật). Lần này thì mừng vui trọn vẹn. Chỉ có “lời” mà không có “lỗ”.

Nói kiểu dao to búa lớn, về mặt ẩm thực, thế giới đang có khuynh hướng “toàn cầu hóa”, “tránh dầu tránh mỡ, dùng nhiều rau xanh”, mọi người bắt đầu để ý đến món ăn Nhật vì hội đủ 2 yếu tố trên. “Tuy nhiên, nếu là lần “thử nghiệm” đầu tiên, chẳng hạn điển hình là món cá sống (sashimi) thì ít có người khen ngon, vì cảm giác ghê ghê sao đó, phải một thời gian để cho “thấm”, mới thấy giá trị thực của nó,”. Một thầy bàn về món ăn đã phán như vậy. Đúng quá, không thể cãi.


Món ăn Nhật thì nhiều vô kể, nhưng tiêu biểu mà mọi người biết đến nhiều nhất là sushi và tempura (tôm, cá, các thứ rau tẩm bột rồi chiên) v.v…., tempura tuy phải dùng dầu khi chiên, nhưng nếu tính độ “béo” trong món này thì rất là ít. Yếu tố “rau nhiều, mỡ ít” đã khiến người Âu Mỹ tích cực đón nhận rồi dần dần đến các quốc gia khác. Nhà hàng washoku mọc khắp nơi trên thế giới, giá cả tuy hơi cao nhưng rất đông khách.

Sau thảm nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thế giới tỏ vẻ ngại về các loại nông sản, thủy sản nhập từ Nhật vì sợ nhiễm phóng xạ. Điều này ít nhiều đã làm cho món ăn Nhật bị mất tiếng nên vào tháng 6 năm 2011, Hiệp hội Đầu bếp Nhật ở Kyoto đã đề nghị việc nạp đơn xin UNESCO công nhận “Washoku” là di sản Văn hóa vô hình thể, đề nghị này đã được chính phủ hỗ trợ, thúc đẩy, thành hình khi Sở Bảo Toàn Văn Hóa Nhật nộp đơn lên Unesco vào tháng 3/2012. Nhật Bản đã giải thích lý do nộp đơn vì Washoku có những đặc điểm sau:

-  Tôn trọng và giữ nguyên hương vị và nguyên liệu tươi
-         Là những món ăn lành mạnh, rất cân bằng về mặt dinh dưỡng
-         Nhìn cách trang trí món ăn là thấy ngay cả một “thiên nhiên” trong đó (hoa, lá cành trên các món ăn)
-         Biểu hiện cho sự chuyển mùa và vẻ đẹp của thiên nhiên
-         Có sự quan hệ chặt chẽ giữa món ăn và những ngày tết, ngày lễ, ngày mùa

Ngày 4/12/2013, UNESCO đã chính thức công nhận “washoku” là một di sản văn hóa vô hình thể của Nhật trong một phiên họp định kỳ của được tổ chức tại Baku, thủ đô của quốc gia Azerbaijan. Đây là lần thứ 5 “washoku” được công nhận sau Pháp, Ý, Spain, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế thì cái câu ‘’Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật’’ là ước mơ của bất cứ người đàn ông Việt Nam hiện nay chắc không còn thích hợp nữa vì cơm Tàu thì quá nhiều chất béo, nhà Tây thì làm sao mà bằng nhà Mỹ, và con gái Nhật bây giờ không còn cảnh tay cầm khăn nóng qùy chờ ông chồng say mèm bước vào nhà và nhẹ nhàng nói: “anh đi ngủ hay đi tắm để em chuẩn bị”. “Anata, neru soretomo ofuro? Dochira ga shimasu ka”
Còn bạn ước gì? Tôi thì thực tế lắm vì mơ cũng chẳng.... bao giờ được. Thôi thì

Ta về ta tắm ao ta
Muốn ăn washoku có ngay cho anh...dùng

“Hung khùng” lại dở trò....

Ngày 23/11, hung khùng đã “tự ý” ấn định vùng “nhận dạng phòng không” (ADIZ) (*) và ra một thông báo: kể từ nay, máy bay nào muốn bay vào vùng này thì phải “trình giấy tờ”, nếu không tuân thủ thì sẽ áp dụng“hành động khẩn cấp”, nói cho dễ hiểu  “loạng quạng là bắn bỏ”. Thế giới phẫn nộ, nhất là Nhật, vì tự nhiên cái vùng mà anh hung khùng “tự vẽ” này lại bao trùm luôn cả một phần không phận Nhật (đảo Senkaku). Mỹ cũng ú ớ, vì máy bay Mỹ thường tập trận ở Okinawa cũng nằm trong “vòng kiểm soát”.


Một mặt Nhật, Mỹ cùng những nước khác kêu gọi Trung Quốc hãy ngưng ngay cái trò “nhận vơ”, một mặt thì cứ cách vài ngày lại cử máy bay “dạo chơi” vùng nhận dạng, lúc thì B52, P-3C Orion của Mỹ lúc thì P-3, E-767, F-15 của Nhật mà mấy cái trạm kiểm soát phòng không của cái nước hung khùng chả hay chả biết gì cho đến khi Mỹ-Nhật tiết lộ: 
“Bay cả tiếng rồi có nghe có thấy cái gì đâu”.
 Quê quá, “hung khùng” liền cho truyền hình chiếu vài đoạn: máy bay “ta” khẩn cấp cất cánh để cảnh cáo những máy bay “thù địch”, nhưng quan sát đi quan sát lại thì chả ai thấy máy bay thù địch đâu cả, chỉ thấy toàn là máy bay của “phe ta”. 

Với tôn chỉ: an toàn là số 1, đầu tiên thì có 2 hãng máy bay lớn của Nhật là JAL, ANA bất an nên đã dự định “trình giấy tờ”, nhưng chính phủ Nhật đã khuyến cáo: Đừng vẽ đường cho voi chạy. Thế là các hãng máy bay Nhật đã đồng ý ngưng. Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, Hoa Kỳ chấp nhận việc các hãng máy bay Mỹ nộp phi trình. Chính phủ Mỹ giải thích: việc không phản đối việc “trình giấy tờ” của các hãng hàng không tư nhân không có nghĩa là Mỹ công nhận ADIZ của hung khùng.

Ngày 3/12, phó tổng thống Mỹ Biden và thủ tướng Abe đã gặp nhau và hai bên đều nhất chí: không thể im lặng trước hành động tự ý này và tái xác định lại hiệp ước An Ninh Mỹ-Nhật vẫn không thay đổi.

Ngày 4/12, ông Biden gặp Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Tiên Triều, cả hai chỉ nói bâng quơ về cái vụ ADIZ, nhưng khi gặp giới doanh nhân Trung Quốc, ông Bide nói thẳng: việc mấy cha làm nhiều người lo đấy, và lẽ dĩ nhiên truyền thông Trung Quốc đánh ông tơi tả.

Ngày 6/12, ông Biden gặp Tổng Thống Hàn Quốc bàn vài chuyện, dịp này bà Park Geun-Hye đã mắng nhẹ Nhật vài câu khiến ông ....cười xòa và khuyên: “thôi mà, đoàn kết với nhau đi”. Trong bài nói chuyện tại đại học Yonsei, Hán Thành, ông khẳng định: "Tôi đại diện Tổng thống Hoa Kỳ để nói rõ ràng là chúng tôi không công nhận vùng đó. Nó sẽ không có ảnh hưởng gì tới những hoạt động của Mỹ."

Ngày 15 tháng 12, Hàn Quốc cũng lập ADIZ và Nhật cũng tạm đồng tình, vì vùng của Hàn Quốc tuy có “chồng” lên lãnh thổ Nhật Bản chút xíu, nhưng chồng hẳn lên phần “hung khùng” . Lẽ dĩ nhiên là “hung khùng” phản đối kịch liệt.

Việc “hung khùng” lập ra cái trò này chỉ là muốn “đánh” Nhật, nhưng không ngờ lại gặp phản ứng khắp nơi, ngay “đồng minh” của Trung Quốc là Nam Hàn (trong việc đánh Nhật) cũng lên tiếng phản đối, vì “vùng nhận vơ” này bao trùm luôn một chút xíu đảo Ieodo
 của Hàn Quốc. EU, Úc, Phi, Anh, Đài Loan cũng chống và Đài Loan vẫn cử các phi vụ dạo chơi khắp vùng.

Chả cần phải bình luận gia hay nhà quân sự chuyên môn nhưng ai cũng thấy.

1/ “Hung khùng” đã không lượng định trước sự chống đối lan rộng khắp nơi và đang dần dần trở thành “tên cướp cô đơn”.

2/ Việc máy bay Mỹ, Nhật dạo chơi ADIZ như đi chợ chả thấy “hành động khẩn cấp” nào coi cho được, có nghĩa là hung khùng vẫn chưa đủ khả năng kiểm soát, chỉ đánh võ mồm.

3/ Đây chỉ là một hành động “già đâu nhưng non dại” khuyến khích thêm “quân phiệt Nhật tái võ trang lăm le tái diễn trò xâm lược” một cách đầy chính nghĩa khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố: Nhật Bản sẽ khai thác sự kiện Trung Quốc thành lập vùng phòng không để tăng cường khả năng quân sự.

4/ Có thể kể từ nay trở đi, “chiến dịch” thiết lập hay tái xác định ADIZ sẽ nở rộ từ các nước liên quan, thế nào cũng có tình trạng vùng này lấn sang vùng kia. Hãng máy bay nào lạnh cẳng thì nên lập sẵn một.... mailing list của các nước có ADIZ,  lập một file “kế hoạch bay”, chỉ cần “nhấp chuột” một lần là file sẽ “bay” đi tất cả, thay vì phải gửi nhiều lần. Như vây là an toàn nhất .
-----------------------
(*1) Vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ) là vùng nằm ngoài không phận của một quốc gia và do quốc gia đó tự đặt ra, vì lý do an ninh quốc gia hoặc lý do nào đó. Các quốc gia quy định ADIZ sẽ có các yêu cầu bắt các máy bay dân sự khi bay qua khu vực này phải nộp chi tiết về kế hoạch bay. Nếu không nộp mà xuất hiện trong khu vực ADIZ, Quốc gia đó sẽ áp dụng “hành động khẩn cấp” chẳng hạn bị máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp chế tài khác.
Năm 1969, Nhật Bản đã lập ra ADIZ dựa theo lằn ra
nh của Hoa Kỳ vạch ra từ thế chiến thứ hai để có thể chặn máy bay của Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên....nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Nói rõ hơn một chút nữa là trong vùng này radar Nhật có thể nhận biết được “vật lạ” khi xuất hiện để có thể đối phó kịp thời. Từ lúc radar phát hiện được “vật lạ”, thì cần bao nhiêu phút để máy bay có thể xuất kích và chặn đánh địch ở chỗ nào. Chứ khi “nó” vào tới không phận mới phát hiện được thì bên dưới đã nát bét rồi.---------------------
Đến đây đã đủ, xin hẹn kỳ sau, nhưng cũng không quên
Chân thành kính chúc quí vị một giáng sinh và một năm mới.......
(xin điền vào chỗ “chấm chấm” những gì mình ước mơ), tôi thì chả biết quí vị muốn và ước gì nên.... để trống).

Sayonara
Vũ Đăng Khuê