Friday, 20 December 2013

Hoa hồng trắng - ngulãonhân


VRNs (20.12.2013) – Cần Thơ - Phải nói ngay rằng con Dung thuộc loại… siêu, rất siêu. Nhà nó nghèo. Nghe bố nó kể thì trước kia ông bà nội nó có để lại cho bố nó nửa lô đất. Bố mẹ nó bán đi, ra ngoài đầu kênh làm pháo. Có lệnh cấm pháo, bao nhiêu của cải, vốn liếng, mồ hôi nước mắt của bố mẹ nó đều đổ xuống sông hết, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Bố nó què chân, phải sửa xe đạp, mẹ nó phải bán vé số kiếm ăn quanh quất qua ngày. Là một huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể gương mẫu, một giáo lý viên siêng năng của giáo xứ Đền Thánh Giuse An Bình, một giáo điểm truyền giáo nghèo miền quê, thế mà nó vẫn là học sinh loại giỏi. Nó học đến lớp 12, không có tiền đi học thêm, không lên tỉnh ôn thi một ngày nào, nó vẫn thi đỗ tú tài loại giỏi, lại còn trúng tuyển vào hai trường đại học công lập danh giá: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và trường Đại học Kiến trúc; và đậu thủ khoa vào một trường Cao đẳng dưới tỉnh. Đối với nhiều bạn học của nó, đó là một ước mơ. Nhưng trong khi các cậu ấm cô chiêu đôn đáo làm đơn xin xét tuyển nguyện vọng hai, nguyện vọng ba, thì nó tuyên bố không làm thủ tục nhập học. Mẹ nó mắng:


-Đã không đi học, đi thi làm chi vậy?
Con Dung tỉnh bơ, có phần tự mãn:
-Con muốn biết mình là ai?
Mẹ nó khuyên nó bằng phương pháp cổ điển là dùng tình cảm:
-Con có thương bố không?
-Con thương bố nhất nhà.
-Còn mẹ?
-Dĩ nhiên con thương mẹ đặc biệt rồi. Đối với con, mẹ là siêu sao, mẹ là ngoại hạng mà.
Mẹ nó phì cười:
-Bố chị! Chỉ được cái lẻo mép. Thương cha thương mẹ thì phải đi học. Học thì ấm vào thân…
-Nhưng nhà mình nghèo. Bố mẹ vất vả quá rồi. Con muốn ở nhà giúp đỡ gia đình.
-Con có nhớ bác Mẫn ở hội Khuyến học nói gì không? -“Học là cách thoát nghèo ngắn nhất, bền vững nhất, danh dự nhất”.
Con bé bĩu môi:
-Ối giời ơi! Tin vào lời bác Mẫn có mà… có mà… Mẹ cứ hỏi bác ấy thì biết. Có phải chị Triều (con cô Thủy bán vé số như mẹ), tốt nghiệp đại học, vác bằng cử nhân đi xin việc khắp nơi, chẳng cơ quan nào nhận? May nhờ quen biết, bác Năm Chiếu nhận vào làm ở hội người cao tuổi. Năm nay, năm hai ngàn mười có lẻ rồi mà một cô cử nhân nhận lương một triệu sáu -tám mươi đô la- một tháng, thua đứa thất học giăng lưới, đặt lọp. Con xin lỗi mẹ, thua mẹ bán vé số, thua bố sửa xe đạp…
-Im!
Bố con Dung thét lên một tiếng, rồi cà nhắc từ nhà trong bước ra. Tưởng là ông giận lắm. Nhưng không, ông cười sặc sụa:
-Ha, ha! Đúng, đúng! Con Dung có lý. Bữa trước, ở đám cưới con Tiền, chú Tân mời bố một cốc rượu, rồi hỏi một câu mà đến bây giờ, bố chưa trả lời được. Chú ấy nói: “Các bác chỉ vớ vẩn. Cho con đi học làm gì? Vừa tốn kém, mất đồng ra, mất cả đồng vào, vừa mất cả người tiếp giúp gia đình. Các bác biết không? Hai đứa con gái nhà em học chưa hết lớp năm, đi làm cho công ty Hàn Quốc, Đài Loan, lương tháng mỗi đứa năm, sáu triệu”.
Giọng ông chùng xuống:
-Con không được hỗn. Bác Mẫn nói vậy có gì sai đâu. Nhưng tình yêu xe la mua, cuộc đời xe la vi. Cuộc sống là thế, rất khắc nghiệt, rất tàn khốc, phi lý đến bi đát, con ạ! Nhưng con phải có niềm tin, đừng bao giờ a dua theo số đông, đem đồng lương, tiền bạc ra định giá trị một con người . Con thử nghĩ khác xem. Học để phụng sự chẳng hạn. Hay học để làm người. Hoặc học để hoàn thiện bản thân. Như con nói đó: “Con muốn biết mình là ai?”, thì con chứng tỏ đi, không phải với bất cứ ai, kể cả với bố mẹ, mà là với chính con: mình là ai?
-Bố thuyết phục con đi học phải không?
-Bố không thuyết phục. Bố ra lệnh cho con.
Đêm ấy, trời mưa từ tối đến sáng. Con Dung không sao ngủ được. Nó trằn trọc suốt đêm, suy nghĩ về “lệnh” của bố nó.Trời chưa sáng hẳn, nó pha cho bố nó một ấm trà, thủ thỉ:
-Bố mẹ luôn luôn là chỗ dựa vững chắc của con trong cuộc đời này. Lúc nào con cũng là đứa con bé nhỏ trong nhà. Tuân lệnh bố, con sẽ đi học. Nhưng con sẽ tự lập thân, sẽ bươn chải với đời.
*  *  *

Con Dung tự bươn chải thật. Lúc đầu, nó gia nhập câu lạc bộ gia sư Trí Tri. Học trò của nó toàn là con nhà giàu có, có chức có quyền. Nó đã cố gắng hết mình, nhưng không thế nào chiều chuộng, làm vừa lòng được đám ông hoàng con, bà chúa con ấy. Nó bỏ nghề gia sư. Nhờ sinh hoạt trong nhóm sinh viên Công Giáo ở giáo xứ Bình Thọ, nó được giới thiệu làm ô-sin ngoài giờ cho dăm bảy gia đình trong giáo xứ. Qua được cơn ngặt, nhưng chưa ra khỏi cơn túng, nó lấy hoa đem bán vào những dịp lễ tình nhân, ngày của mẹ, ngày phụ nữ, ngày nhà giáo… Nếu lấy công làm lời, thu nhập cũng kha khá. Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay, nó mang hoa ra bán ở trạm xe buýt ngay cổng trường Sư Phạm Kỹ Thuật, là trường nó theo học.
*  *  *

Trời đã chiều. Anh Cừ xuống xe ngay trạm xe buýt  trước cổng trường Sư Phạm Kỹ Thuật. Cô gái bé con giương mắt nhìn anh. Đôi mắt nó to, tròn, long lanh như mắt trẻ thơ, đẹp đến thế là cùng:
-Chú ơi! Đêm nay mừng Chúa Giáng Sinh, Chú mua giùm cháu bó hồng này đi. Về tặng bà cụ ở nhà, hoặc thím ấy, hoặc Chúa Hài Đồng trong máng cỏ…
Anh Cừ một tay sửa lại cặp kính cận, một tay lóng ngóng đón lấy mấy bông hồng trắng từ tay cô bé. Có bông đã mãn khai, nở rõ to, rõ tròn; có bông còn chúm chím nụ. Những bông hoa mỡ màng, trắng muốt, bóng mượt, gần như trong suốt, đẹp đến thế là cùng. Mấy chiếc gai hồng làm tay anh chảy máu. Anh nhăn mặt, buột miệng:
-Úi chà! Đau! Nhưng mà đẹp quá!
Chính anh cũng không biết mình khen cô bé có đôi mắt đẹp, hay khen những bông hồng đẹp, hay cả hai. Anh lưỡng lự dễ thường đến nửa giây, nghĩa là không lưỡng lự gì cả:
-Chú không còn mẹ, cũng chưa có thím ấy, lại chẳng tin vào Chúa. Túm lại. chú chẳng có ai để tặng hoa đêm Giáng Sinh.
Cô bé mau mắn:
-Chú không có đạo à?
Câu hỏi của cô bé hình như chạm đến một tình cảm mỏng manh, dễ vỡ, thậm chí anh cảm thấy bị tổn thương. Nhưng anh cố nén, mím môi lại:
-Cháu nói gì cơ?
Con bé vẫn vô tình:
-Cháu hỏi: Chú không có đạo à?
Anh Cừ nhăn mặt:
-Cháu là người Công Giáo phải không? Cháu tên là gì nhỉ?
-Dạ! Dung, Kim Dung.
-Nhiều người Công Giáo hay hỏi người khác kỳ cục như cháu. Trời ơi! Ai không có đạo kia chứ? Kính nhớ ơn cha mẹ ông bà tổ tiên là đạo hiếu, từ ái với con cái là đạo làm cha mẹ, yêu thương chung thủy là đạo vợ chồng, tôn kính vâng lời cha mẹ là đạo làm con, và nhiều nữa… Tóm lại đã là người thì phải giữ đạo làm người.
Như một ánh chớp lóe lên trong đầu, con Dung ngộ ra nó đang ở trong tình huống nào:
-Cháu nhận ra cái kỳ cục và… vô duyên trong câu hỏi của cháu. Cháu xin lỗi chú. Nhưng chú biết ý cháu muốn hỏi: Chú có tin Chúa không? Trong Nam Hoa Kinh, ông Trang Chu viết: “Có nơm là vì cá, được cá hãy quên nơm. Có dò là vì thỏ, được thỏ hãy quên dò. Có lời là vì ý, được ý hãy quên lời?” Chú hiểu ý cháu thôi, chấp nê đứa trẻ con làm gì…
Anh Cừ ngỡ ngàng vì lời nói sắc lẻm của con bé. Từ chủ động, anh trở nên thụ động. Anh vớt vát:
-Hay! Gớm thật! Cháu tạm dẫn trước 1- 0. Chú đồng ý mua hoa của cháu với một điều kiện.
-Gì cơ?
-Chú tặng cháu bó hoa này.
Con bé có vẻ phân vân:
-Cháu đồng ý, cũng với một điều kiện.
-Gì cơ?
-Cháu mời chú đi lễ đêm Giáng Sinh.
Con Dung gói những bông hồng trắng bằng một tờ giấy bóng kiếng, in hình những bông hồng trắng, thắt lại bằng một chiếc ruy-băng màu hồng. Nó nói:
-Cháu bán cho chú.
-Chú tặng cháu rồi mà.
-Bán ra bán, tặng ra tặng. Chú mua trước đã… Rồi… Chú ký tặng đi.
Anh Cừ nắn nót viết: “Nguyễn Ngọc Cừ tặng” vào dải ruy-băng rồi trao bó hoa lại cho con Dung. Anh hỏi:
-Cái chữ in sẵn trên dải băng: “Gloria… Et pax…” có nghĩa gì vậy?
-“Vinh danh… Và bình an…” Đó là chữ viết tắt câu các thiên thần hát mừng Chúa Giáng Sinh ở cánh đồng Bê-lem hơn hai ngàn năm trước: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Và bình an dưới thế cho người Chúa thương”…
…Anh Cừ uể oải đi bộ về nhà, bụng bảo dạ:
-Già đầu rồi mà ngu như lừa, bị con lừa con nó lừa. Mình quay lưng đi là nó bán cho người khác ngay thôi.
*  *  *
 1312207
Tan lễ, sân nhà thờ đã thưa người. Con Dung quỳ bên hang đá. Nó nhắm mắt nguyện cầu. Khuôn mặt nó thơ ngây như một đứa trẻ, thánh thiện như một vị thiên thần. Như một đứa trẻ ăn vụng sợ mẹ bắt gặp, anh Cừ len lén nắm lấy tay nó:
-Từ giờ, gọi chú bằng anh được không?
Con bé nhè nhẹ rút tay ra, chỉ tay vào hang đá:
-Chú hỏi Chúa Hài Đồng xem.
Anh nhìn vào trong hang đá. Bó hoa hồng trắng hồi chiều với dòng ký tặng của anh, nằm kín đáo dưới chân Chúa Hài Đồng. Vậy là anh đâu có bị lừa. Anh đổi cách xưng hô:
-Xin lỗi Kim Dung.
-Về điều gì cơ?
-Hồi chiều, mình đã gọi Kim Dung là con…
-Con gì?
Anh ấp úng:
-Con… l…, à không, con… người.
Cả hai cười phá lên. Nó trân trọng:
-Cháu xin dâng tất cả cho Chúa Hài Đồng. Cháu dâng cả chú nữa… Chú quỳ xuống đây, cầu xin Chúa điều gì đi, bất cứ điều gì.
Có một uy quyền, một sức mạnh vô hình nào đó trong câu nói của con Dung khiến đầu gối anh Cừ mềm nhũn. Anh ngoan ngoãn quỳ xuống, như ngày xưa mẹ anh phạt quỳ mỗi lần anh trốn học. Bỗng dưng anh nhớ tới mẹ, rồi nhớ tới mấy câu thơ của Kiên Giang Hà Huy Hà; nhưng bây giờ, ở đây là của anh, là tiếng lòng anh, là tâm tình anh muốn dâng lên, cùng với những đóa hoa hồng trắng kia. Anh đọc khe khẽ:    
“Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Trong lòng con, giữ màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi !!”
Lúc ấy đã quá nửa đêm, trời bắt đầu se se lạnh. Con Dung chủ động bắt tay anh. Nó nói với anh rất chân tình:
-CHÚC MỪNG GIÁNG SINH.
ngulãonhân