Wednesday, 8 January 2014

Cái Nhìn Từ Việt Nam: Nguyễn Mạnh Trí - TƯỞNG NIỆM 40 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA

TƯỞNG NIỆM 40 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA
 Nguyễn Mạnh Trí

Tổng hợp các  bản  tin tức từ Đà Nẵng, quốc nội và hải ngoại về 40 năm tưởng niệm trận Hải chiến Hoàng Sa:

2014
  1. TNO (2-1-2014):  Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
  2. ĐNO (3-1-2014):  43 đồ án dự thi kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa.
  3. BVN (4-1-2014):  Bốn mươi năm – Hoàng Sa, nhớ và nghĩ - chuyện của một hạm phó.
  4. BVN (5-1-2014):  Hải chiến Hoàng Sa, 40 năm nhìn lại.
  5. NTD.ORG (6-1-2014):  Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Cần vinh danh những người hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa.
  6. TNO (6-1-2014):  Nuôi chí giành lại Hoàng Sa.
  7. ĐVO (6-1-2014):  Thiên đường Hoàng Sa.
  8. TTO (6-1-2014):  Nhật Tảo nằm lại, không kích bất thành.

*****

Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Thanh Niên Online - Thứ hai, 30/12/2013

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hội Khoa học Lịch sử chiều 30.12, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử đã nêu băn khoăn của mình về chuỗi các sự kiện lịch sử chẵn năm trong năm 2014. Trong đó, có các sự kiện được ông cho là “tế nhị”, như: 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Nhiều cơ quan đặt rất nhiều câu hỏi với Hội Khoa học Lịch sử chúng tôi, năm nay sẽ kỷ niệm ra sao … Đề nghị Thủ tướng cho ý kiến để chúng tôi có thể điều hòa được tác động xã hội”, ông Dương Trung Quốc nói.

Về điều này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ông cũng đã nhận được câu hỏi chất vấn của ông Quốc.

Trả lời trực tiếp tại Hội Khoa học Lịch sử, Thủ tướng cho biết: “Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định. Rồi còn biên giới Tây Nam thế nào. Chứ không phải Bộ Chính trị không quan tâm”.

Thủ tướng cũng cho biết hiện Bộ Ngoại giao đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện: biên giới phía Bắc, Hoàng Sa. “Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này”.
(Thanh Niên)
*****

43 đồ án dự thi kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa

Đà Nẵng Online - Thứ Sáu, 03/01/2014  
* Nhật Bản gửi đồ án dự thi
Ngày 2-1, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho biết sau 1 tháng phát động, đến nay Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc của UBND huyện nhận được 43 đồ án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Trong đó, 16 đồ án của các tổ chức, cá nhân ở thành phố Đà Nẵng, 19 đồ án đến từ thành phố Hồ Chí Minh, 7 đồ án đến từ Hà Nội, đặc biệt có 1 đồ án đến từ Nhật Bản của Công ty Raito Sekkei.
Ông Ngữ cho biết, Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa của UBND huyện rất bất ngờ trước số lượng đồ án và sự nhiệt tình tham gia của các tổ chức, cá nhân mặc dù cuộc thi phát động trong thời gian ngắn, giải thưởng không lớn. Nhiều tổ chức hành nghề kiến trúc đi máy bay từ xa đến Đà Nẵng để nộp đồ án dự thi; chi phí đi lại còn lớn hơn cả giải thưởng nếu đoạt giải. Do đó, chắc chắn giá trị giải thưởng không phải là động cơ của họ mà chính là tinh thần của người Việt Nam đối với việc bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Do quy mô, số lượng đồ án vượt hơn cả mong đợi nên Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc của UBND huyện Hoàng Sa quyết định báo cáo và đề xuất UBND thành phố chủ trì chấm thi. Hội đồng sẽ tổ chức chấm chọn và trao giải thưởng trong tháng 1 này.
S.TRUNG
*****

Bốn mươi năm – Hoàng Sa, nhớ và nghĩ - chuyện của một hạm phó

 

Đỗ Xuân Tê – Bauxite Vietnam - 03/01/2014




Chẳng phải bây giờ mà từ 1974 tôi đã đựơc nghe chuyện Biển Đông một thời sủi bọt  khi bạn tôi, Hạm phó của một tàu Hải quân VNCH, thuật lại trận tử chiến Hoàng Sa khi anh trở về từ vùng biển chết.
Ấy vậy mà đã bốn thập niên tính đến 19-1 năm nay. Bạn tôi hiện đang sống ở Úc, người hạm trưởng của anh đang ở San Jose (Mỹ). Cả hai vẫn kín tiếng, chưa một lần phát biểu hay tham gia bất cứ cuộc hội thảo nào liên quan đến trận đánh.

Không phải các anh bàng quan với thời cuộc, cũng chẳng phải  thiếu lòng tự hào khi tham dự một trận đánh để đời đã đi vào quân sử, mà hình như hai người đầu đàn của một khu trục hạm năm xưa vẫn mang niềm u uẩn của những con sói biển khi cảm thấy uất ức vì để mất Hoàng Sa cho bá quyền Trung Quốc và cảm thương sâu sắc cho người đồng đội, Hạm trưởng Ngụy văn Thà (hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10) cùng 74 thủy thủ của lực lượng hải chiến VNCH đã ở lại với biển.

Cách đây mấy năm, anh có sang Mỹ chơi, trùng hợp với những ngày có hiện tượng ‘lưỡi bò’, trong tình bạn bè vừa là người ưa viết lách, tôi có gợi ý anh cho tôi một số chi tiết hoặc cảm nghĩ về cái ngày tháng giêng 19 khi bốn con tàu của Hải quân Việt nam rẽ sóng ra khơi từ bờ biển Đà nẵng theo lệnh của Tư lệnh tối cao Nguyễn Văn Thiệu bằng mọi giá tiến chiếm lại Hoàng Sa, khi bản thân anh vẫn còn là nhân chứng sống của một thiên bi hùng sử mà một thời ngưòi ta chưa đánh giá đúng mức hay lường trước được hậu quả chiến lược về chủ quyền biển đảo di hại đến nhiều thế hệ con cháu sau này.

Như biết được suy nghĩ của tôi, anh vẫn  khiêm tốn góp ý là những gì về Hoàng Sa ngày ấy thì sách, báo, chứng cứ lịch sử, cá nhân, tập thể cả trong lẫn ngoài nước đã nói nhiều, nói chung đều trung thực và khả tín. Rồi như sợ tôi mất lòng, anh từ chối khéo khi lấy một tập quán chỉ huy dù không thành văn của hải quân là khi hạm trưởng còn sống mà chưa ‘lên tiếng’ sẽ là một sự bất kính khi hạm phó hoặc những người theo tàu được phép phát ngôn.

Anh nghiêm túc thổ lộ điều anh trăn trở là cần làm nổi bật cho các thế hệ sau tinh thần bất khuất của Ngụy Văn Thà và những người con yêu của biển đã hi sinh trong trận hải chiến tuy thiếu cân bằng về tương quan lực lượng nhưng không hề khiếp nhược về mặt quyết chiến quyết tử khi đối mặt với kẻ thù cướp đảo mà âm mưu xâm lược và ý đồ thôn tính đã có một lịch sử lâu đời từ thuở Bạch Đằng giang.

Thật sự ngôn từ của anh vốn bộc trực như tính cách của người lính, không hẳn bóng bảy như  tôi viết lại, nhưng trong câu chuyện trao đổi anh vẫn tỏ ý buồn là cái chết của những người đồng đội của anh chưa được đánh giá và tri ân đúng mức. Tất nhiên huy chương nào cũng có mặt trái, chiến công nào đôi khi cũng có sự thổi phồng, nhưng một trận đánh nếu không thắng thì tất yếu nó vẫn bị đánh giá thấp và những tác nhân  xoay quanh cuộc chiến rất dễ bị lãng quên, nếu không muốn nói đôi khi còn bị  phẩm bình soi mói.

Cứ theo ý của anh, thì sự kiện Hoàng Sa năm 1974 không thể hiểu như vậy và cũng không thể xếp vào trường hợp này, mà ta phải kể đến bối cảnh của miền Nam thời ấy, một thời điểm cuộc chiến sắp tàn, một hiệp định đình chiến bó tay khi phải đối phó với người anh em nội thù miền bắc, lại hết thời hậu thuẫn của nguời bạn đồng minh bên kia đại dương,  lực bất tòng tâm vẫn phải đơn phương chống chỏi với kẻ thù xâm lược khi mà người trong nhà gà cùng một mẹ không đồng tình chia sẻ, trong cách hiểu nào đó lại án binh bất động tỏ tình quốc tế vô sản với người ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’.

Qua câu chuyện tôi cũng thấy anh phàn nàn khi cỗ máy tuyên truyền, cùng những người lãnh đạo của chúng tôi, ngày ấy đã không mở một chiến dịch quảng bá sâu rộng ý nghĩa cuộc chiến tranh cướp đảo và ý đồ của bọn Trung Quốc, và sự hi sinh cao cả, kiên cường  của những người lính biển, mà phần nào đặt nặng những chiến công trên rừng trên đất, mải lo cho chiến dịch lấn đất dành dân sau hiệp định Paris, nên thiếu ngợi ca những người con yêu đã ở lại với biển, ghi công chiếu lệ với những người sống sót trở về  mà nay nhìn lại, dù một chế độ đã bị bức tử thì sự hi sinh của họ vẫn là ‘những người yêu nước, chết vì nước’ không thể nào là ‘ngụy’ như lời ngợi ca của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, một người lính bên kia chiến tuyến đã công bằng đánh giá. Bài thơ mang tên, ‘Người anh hùng họ Ngụy’ (lần đầu tôi được đọc trên QC) về sau được phổ biến khá rộng rãi trên báo in, báo mạng khi sự kiện Biển Đông tháng giêng năm đó không còn là chuyện của một thời đất nước phân đôi.

Ngẫm lại, cái gì cũng có luật bù trừ, thời gian sẽ là nhân chứng đứng về phía chính nghĩa. Giờ đây từ Bắc chí Nam, từ trong nước ra hải ngoại, đều biết đến tên tuổi Ngụy Văn Thà, người anh hùng đã phát lệnh xung kích, bắn phát hỏa đạn đầu tiên, sau lần cảnh cáo tàu địch không chịu rút khỏi lãnh hải chủ nhà; hết đạn, bị thương nặng, không chịu tải thương, ở lại tàu cùng chết với đồng đội, chết theo tàu khi trúng hỏa tiễn của địch, vĩnh viễn ở lại với biển.

Nay nhìn lại Hoàng Sa từ một thời điểm 40 năm sau phát súng lệnh đầu tiên của con tàu Nhật Tảo, tác giả có ít dòng hoài niệm vinh danh những anh hùng của trận đánh Hoàng Sa, và tin rằng lịch sử sẽ đánh giá công bằng về họ như những người con yêu đã ‘ngã xuống vì Hoàng Sa thiêng liêng’ (cụm từ nhà báo Huy Đức đã dùng trên facebook khi kêu gọi tiếp tay hoàn chỉnh danh sách 74 tử sĩ mà cơ bản ông mới sưu tra được).

Nhân đây cũng có lời trân trọng việc làm khách quan mang tính nghiệp vụ cao khi được xem một tư liệu về cuộc hải chiến Hoàng Sa do Đài truyền hình tỉnh Đồng Nai công chiếu nhân dịp 39 năm sự kiện Hoàng Sa. Tư liệu này thực hiện bởi phía VNCH như một ‘nhân chứng vật thể’ mà trớ trêu thay giờ này người viết mới có dịp được xem và lượng giá.

*****

Hải chiến Hoàng Sa, 40 năm nhìn lại

 

Thanh Trúc, phóng viên RFA - 05/01/2014




Sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974 mà hậu quả là quần đảo này rơi vào tay Trung Quốc, 40 năm sau vẫn không thể nói điều gì khác hơn rằng vấn đề Hoàng Sa phải được ghi lại một cách trung thực trên từng chi tiết vào lịch sử và trên các bộ sách giáo khoa, trong đó có sự chiến đấu dũng cảm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.

TQ vi phạm hiến chương LHQ
Thạc sĩ Đinh Kim Phúc, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông, tác giả quyền sách “Biển Đông: Luận Cứ Và Sự Kiện” phát hành năm 2011, khẳng định như vậy trong bài trao đổi do Thanh Trúc thực hiện sau đây:

Đinh Kim Phúc: Như đã biết, Việt Nam chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý về lịch sử chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hay nói một cách khác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử muộn nhất là từ thế kỷ XVII đã thực thi chủ quyền ở hai quần đảo này khi nó chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội Việt Nam thuộc Pháp để bắt đầu tham vọng tràn xuống phương Nam của mình, mà khởi đầu là sự kiện vào năm 1909.

Năm 1909, vì cho rằng quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, và sợ Nhật Bản đánh chiếm, lần đầu tiên chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) đã lập một ủy ban quản lý vùng và lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn tiến hành cho khảo sát Hoàng Sa. Sự vô lý về hành động của Lý Chuẩn như một tờ báo của Pháp đã mỉa mai là: “…vẽ một bản đồ tổng quát về các đảo mà ông đã khám phá và 15 bản đồ riêng của cùng những đảo đó “chỉ trong vài giờ !”.

Nếu không có hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước thì cũng đừng nên có hành động “cõng rắn cắn gà nhà” như một số quan chức của Bộ Giáo Dục và Đào tạo trong vụ sách giáo khoa có in bản đồ đường lưỡi bò.
Đinh Kim Phúc

Có thể nói rằng, quá trình tranh chấp biển Đông của Trung Quốc đã bắt đầu từ đây.
Thứ hai, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận trong Chiến tranh Thái Bình Dương, năm 1946 chính quyền Tưởng Giới Thạch đã đưa lực lượng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa và ra yêu sách “chủ quyền”, nhưng yêu sách đó đã không thành hiện thực khi Tưởng thua trận chạy khỏi đại lục vào năm 1949.

Thứ ba, năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp thua trận và rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneve 1954 và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.

Và đỉnh điểm của những tham vọng đó, tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm nhóm đảo phía Tây và hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Với những hành động này, Trung Quốc đã vi phạm Điều 2 khoảng 4 của Hiến chương LHQ. Có nghĩa là gì? Dùng vũ lực xâm lược lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Đây là hành động xâm lược!

Thanh Trúc: Thưa ông Đinh Kim Phúc, đến lúc này Việt Nam phải làm gì khi mà Hoàng Sa đã về tay Trung Quốc 40 năm nay, chưa kể là từ 1988 Trung Quốc cũng đã chiếm đóng trái phép một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam?

Đinh Kim Phúc: Việt Nam không chủ trương tiến hành chiến tranh vì chiến tranh không phải trò đùa. Theo quy định của Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển của LHQ (UNCLOS) năm 1982, các bên tranh chấp có thể lựa chọn một hoặc một số phương pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp. Nhưng từ lâu, quan điểm của Trung Quốc là không bàn về vấn đề Hoàng Sa.

Như tôi đã trình bày, đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về lịch sử chủ quyền của Việt Nam, chính vì vậy Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa Án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ). Nhưng nhiều lần Trung Quốc lên tiếng cho rằng vấn đề Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, họ phản đối bất cứ phân xử nào của các tổ chức quốc tế.

Cho dù Trung Quốc không đồng ý, nhưng Việt Nam vẫn phải kiện Trung Quốc để duy trì tính liên tục trong việc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Mặc khác, hồ sơ pháp lý của Việt Nam sẽ đánh động dư luận quốc tế về tính phi nghĩa của Trung Quốc trong chính sách bành trướng của họ.

Về quần đảo Trường Sa, chính vì hiện nay quần đảo Trường Sa đang bị nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng trái phép Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei, theo tôi, trước mắt Việt Nam nên tuân thủ quan điểm giữ nguyên hiện trạng, không gây phức tạp thêm tình trạng chiếm đóng và tìm biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, trước mắt là trong nội bộ các nước ASEAN.

Riêng đối với Trung Quốc, với yêu sách của họ trên Biển Đông thể hiện bằng tấm bản đồ hình lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông mà họ chính thức tuyên bố vào tháng 5/2009, trước mắt Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Philippines là khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS. Nội dung khởi kiện là yêu cầu Tòa Trọng tài giải thích việc Trung Quốc đưa ra bản đồ đường lưỡi bò có phụ hợp với UNCLOS hay không? Chắc chắn rằng công lý không đứng về phía Trung Quốc.

Thanh Trúc: Là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đã rút ra được những bài học lịch sử gì khi nghiên cứu về Biển Đông?

Đinh Kim Phúc: Thứ nhất, tại Hội nghị Hòa bình San Francisco 1951, Liên Xô đã đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại sao? Vì từ năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu can dự vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Liên Xô sợ Mỹ sẽ kiểm soát hai quần đảo này và khống chế Biển Đông.

Thứ hai, vì sao Hoa Kỳ làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1/1974 từ tay Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh của Hoa Kỳ?

Sau Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam 1973, Hoa Kỳ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, và họ tin rằng cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi, ảnh hưởng của Liên Xô sẽ không ngừng phát triển ở Đông Dương. Dùng lá bài Trung Quốc thời hậu chiến ở Đông Dương là chính sách tối ưu đối với Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Quan hệ quốc tế giữa các cường quốc bao giờ cũng là tai họa cho các nước nhỏ. Bài học cảnh giác trong lịch sử Việt Nam không bao giờ thừa!

Thanh Trúc: Thưa thạc sĩ Đinh Kim Phúc, hiện đang có dự dịnh của nhà nước và Bộ Giáo Dục Đào Tạo đưa vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa vào sách giáo khoa. Ông có muốn nói thêm điều gì nữa không?

Đinh Kim Phúc: Đã là người Việt Nam, nếu không có hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước thì cũng đừng nên có hành động “cõng rắn cắn gà nhà” như một số quan chức của Bộ Giáo Dục và Đào tạo trong vụ sách giáo khoa có in bản đồ đường lưỡi bò vừa qua.

Và trong thời đại ngày nay, trong thời kỳ toàn cầu hóa mà tất cả các dân tộc, các quốc gia trên thế giới đều phấn đấu để giữ vững nền hòa bình tự do của mình thì những hành động của Trung Quốc như thế đã làm cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật của họ: miệng thì nói hòa bình, tay thì chuẩn bị chiến tranh.

Một ý khác nữa, sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian vừa qua, cũng những gì họ diễn ta trên vùng biển Hoa Đông, là những dữ liệu thức tỉnh cho những ai còn nuôi ảo tưởng về con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc. Một lần nữa cảnh giác trước chính sách bành trướng của Trung Quốc không bao giờ thừa đối với các nước láng giềng của Trung Quốc tức các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn thạc sĩ Đinh Kim Phúc.
Nguồnrfa.org
*****

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Cần vinh danh những người hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa


Nguyentandung.org - Thứ hai, 06/01/2014

‘Tôi từng đề nghị vinh danh những ai hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Bản thân tôi sẽ mãi mãi dõi theo Hoàng Sa’, tiến sĩ Nguyễn Nhã.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã, tác giả của nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho rằng nhân dịp 40 năm trận Hải chiến Hoàng Sa, việc vinh danh những con người đã từng ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa là cần thiết, để từ đó đoàn kết dân tộc nhằm đòi lại chủ quyền vùng đảo thiêng liêng này.
“Nếu phải chờ đến ngàn năm để giành lấy Hoàng Sa, chúng ta vẫn sẵn sàng”, ông Nhã khẳng định.
‘Khóc khi nhắc đến Hoàng Sa’

Sắp tới là dịp 40 năm xảy ra trận Hải chiến Hoàng Sa. Suốt cuộc đời nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, ông nhìn nhận như thế nào về trận hải chiến này?

Nếu phải chờ đến ngàn năm để giành lấy Hoàng Sa, chúng ta vẫn sẵn sàng
 Tiến sĩ Nguyễn Nhã

Trận chiến xảy ra vào ngày 19.1.1974, lúc đó tôi đang là chủ biên Tập san Sử Địa. Khi đó tôi đã quyết định ra số đặc khảo nghiên cứu về sự thật chủ quyền ở Hoàng Sa. Ngay lúc đó, tôi ý thức việc Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là sai trái. Một năm sau trận chiến Hoàng Sa, tôi cùng với một số tổ chức khác trưng bày sử liệu minh chứng chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa.

Mới đây khi sang Úc, nói chuyện ở Đại học Melbourne, tôi thấy ban tổ chức chiếu phim tư liệu của Đài truyền hình Đồng Nai về Hải chiến Hoàng Sa. Điều này khiến tôi và những người có mặt ở đó rất xúc động. Có người đã ôm chầm lấy tôi mà khóc.

Với những gì đang diễn ra, tôi cho rằng đây là điềm lành cho Việt Nam. Khi tôi nói chuyện tại thư viện ở San Jose ở Mỹ, tôi nói rằng người Việt Nam cần phải bừng tỉnh.

Nhớ có lần ông Phó tổng lãnh sự Mỹ mời tôi và một số chuyên gia đến nói chuyện. Ông có hỏi tôi về sự kiện Hoàng Sa năm 1974. Với góc độ người làm lịch sử, đi tìm kiếm sự thực, tôi trả lời bắt đầu từ năm 1909, chính quyền Quảng Đông cho rằng quần đảo Hoàng Sa là đất vô chủ rồi tranh chấp. Đến năm 1956, Trung Quốc chiếm đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa là Phú Lâm, rồi đến sự kiện ngày 19.1.1974. Tôi cho rằng trong sự kiện này có một phần trách nhiệm của người Mỹ.

Từ năm 1974 đến nay, tôi là người đi tìm sự thật lịch sử của biến cố này. Sự thực lịch sử đã rõ như vậy rồi nhưng không phải ai cũng biết. Mới đây tôi có ghé vào mấy đại học ở Úc, mới thấy rằng các tài liệu của Việt Nam liên quan Hoàng Sa ít quá, mà hầu như là tài liệu của Trung Quốc.

Nếu nhà nước chính thức công nhận sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì sẽ kết nối được tinh thần dân tộc Việt Nam. Con người Việt Nam dù có chính kiến khác nhau nhưng tựu trung đều có tinh thần yêu nước.

Như tôi từng nói Hoàng Sa, Trường Sa như chất men yêu nước. Tôi có khởi xướng chương trình Ngàn thanh niên thế kỷ 21. Tức là mỗi người muốn giữ Trường Sa và lấy lại Hoàng Sa thì phải có cho mình một kế hoạch nhỏ, xây dựng năng lực quốc cường. Chỉ khi nào Việt Nam trở nên hùng cường mới không sợ và phụ thuộc đến ai.

Cần phải chú trọng đến vấn đề giáo dục. Một người Nhật bạn của tôi cho biết ông rất ngưỡng mộ Việt Nam. Ông đã có nhiều lần đặt chân đến Việt Nam. Nhưng hiện nay khi đến Việt Nam ông cảm thấy thất vọng vì thấy giới trẻ, thanh niên Việt Nam cứ chăm chăm kiếm tiền mà không biết giá trị văn hóa của đất nước mình có thể sinh ra nhiều tiền.
  • Ông từng nói chuyện về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ở nhiều nước. Vậy thế giới đánh giá ra sao về trận chiến Hoàng Sa?
Tôi có dịp trao đổi với một số học giả ở Harvard (Mỹ) và mới đây là các học giả của Đại học Isabel (Úc). Ông Carl Thayer có nói người ta chỉ quan tâm tới biển Đông thôi chứ không quan tâm tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Nhưng theo luật quốc tế, nhất là luật biển thì đường lưỡi bò Trung Quốc đã đăng ký, tuyên bố sẽ không được chấp nhận.

Trong một buổi nói chuyện của tôi ở Sydney mới đây, nhiều người có nói tuy ông Carl Thayer nói vấn đề chủ quyền, lịch sử không giải quyết được vấn đề biển Đông (chỉ có luật biển mới giải quyết được – PV) nhưng đó chính là cơ sở để sự thật lịch sử, chủ quyền thuộc về ai.

Khi tòa án giải quyết tranh chấp về chủ quyền, cả hai bên phải đồng ý ra tòa mới được nhưng từ thời Pháp thuộc đến nay Trung Quốc không bao giờ đồng ý ra tòa về vấn đề Hoàng Sa.

 




Tôi có đọc được luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne do một người Đài Loan viết rằng Trung Quốc không bao giờ chấp nhận ra tòa giải quyết tranh chấp chủ quyền về vấn đề Hoàng Sa vì họ có cơ sở gì đâu. Thậm chí có sự kiện xảy ra năm 1894 – 1895, Trung Quốc tuyên bố Paracel (quần đảo Hoàng Sa) không thuộc chủ quyền của họ mà. Họ đã nói rõ như thế rồi.

Cho nên Hoàng Sa nếu giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền qua pháp lý sẽ không đi đến đâu cả. Nhưng nếu mình làm tốt vấn đề này để cho thế giới thấy rõ ràng sự thật và lẽ phải đang thuộc về ai.

Còn giải quyết vấn đề biển Đông cần phải dựa vào luật biển. Bởi luật biển cho phép đơn phương đưa ra tòa chứ không cần hai bên phải đồng ý. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng nếu giới trẻ Việt Nam ai cũng biết chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa sẽ tạo ra thời cơ cho đất nước. Nếu giới trẻ nhận thức được Hoàng Sa của Việt Nam thì họ sẽ sẵn sàng xây dựng đất nước hùng cường.

Hãnh diện vì được bảo vệ Hoàng Sa
  • Có ý kiến cho rằng nhà nước phải thay đổi cách nhìn nhận, thậm chí cần vinh danh những người Việt Nam đã ngã xuống trong trận Hải chiến Hoàng Sa 1974, từ đó kết nối toàn dân tộc đòi lại chủ quyền ở Hoàng Sa. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Từ khi có tranh chấp vấn đề Hoàng Sa vào đầu thế kỷ 20, tức là năm 1909, quốc tế quy định một nước có chủ quyền với một vùng đất là phải có tính chiếm hữu mang tính nhà nước và hòa bình liên tục ở trên vùng đất đó. Phía Việt Nam có rất nhiều bằng chứng về sự chiếm hữu thật sự và hòa bình ở quần đảo Hoàng Sa rồi. Nhưng Trung Quốc cố tình không hiểu về tính liên tục. Ví dụ như họ cho rằng công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 ủng hộ tuyên bố 12 hải lý Trung Quốc chẳng hạn.

Tuy nhiên, Hiệp định Genève quy định rất rõ. Sau năm 1954, lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17 thuộc về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, trước đó là chính quyền Quốc gia Việt Nam, sau đó là chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Mà khi các chính quyền đó có trách nhiệm quản lý thì họ có trách nhiệm bảo vệ. Do đó khi bị xâm lược, chiếm đóng mà chính quyền đó phản đối dù không giành lại được nhưng đã thể hiện ý chí kiên quyết tại thời điểm đó rồi.

Tôi nghĩ rằng điều đó rất quan trọng cho thấy sự liên tục về vấn đề thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Có thể nói việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để tranh chấp quần đảo Hoàng Sa đi trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Điều này không thể chấp nhận được.

Tôi đã nói chuyện về Hoàng Sa rất nhiều nơi trong đó có cả hội nghị ở Hội Kỹ thuật biển TP.HCM do chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm tổ chức. Ông Lâm có nói sau khi chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc có về Hải Nam tổ chức liên hoan chào mừng chiến thắng. Họ có mời đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang ở đó tham dự  nhưng đoàn Việt Nam từ chối. Nghe được câu chuyện này thực sự tôi rất xúc động. Người Việt Nam có thể khác nhau về yếu tố chính trị, ngoại giao nhưng tấm lòng yêu nước luôn nồng nàn.

Một năm sau thời điểm Hoàng Sa bị mất, tôi có tổ chức triển lãm minh chứng chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa. Khi tôi phát biểu xong, nhiều người đã xúc động ôm nhau khóc. Điều này cho thấy dù ở Nam hay Bắc, là người dân hay là trong quân đội, chính quyền thì tinh thần yêu nước đều giống nhau. Mình cần phải nhìn ra sự thật đó.

  • Đã bao giờ ông tiếp xúc hay trò chuyện với những sỹ quan hay người lính của nước Việt Nam Cộng Hòa tham gia trận hải chiến Hoàng Sa 1974 hay chưa? Tâm tư của họ về trận chiến đó như thế nào?
Ở trong nước tôi gặp anh Lữ Công Bảy - thượng sĩ giám lộ trên tàu HQ4, người vẽ bản đồ hải hành trong trận chiến Hoàng Sa - nhiều lần và anh có kể về trận chiến đó. Khi tôi sang California (Mỹ), tôi có gặp anh Vũ Hữu San – hạm trưởng tàu HQ-4. Anh San vừa là người tham gia trực tiếp trận chiến và sau này anh cũng viết rất nhiều sách kể về trận chiến này.
Khi kể về trận chiến, hai người này rất hãnh diện khi được tham gia trận chiến bảo vệ Hoàng Sa. Họ bảo không có gì hối tiếc về những quyết định táo bạo mà họ đưa ra trong trận chiến đó.

Có một chi tiết mà tôi nghĩ rất thú vị. Đó là phi công Nguyễn Thành Trung từng kể với tôi rằng anh là một trong những người đăng ký trong trận chiến quyết tử để chiếm lại Hoàng Sa bằng không quân nhưng sau đó bị hủy bỏ vì không được Mỹ ủng hộ.

Cần xây dựng nội lực
  • Trở lại vấn đề vinh danh những người Việt Nam ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 để đoàn kết dân tộc đòi lại chủ quyền quần đảo này, theo ông nhà nước mình đã làm tốt điều này hay chưa?
Nếu làm được cái này thì quá tốt. Làm được cái này có hai tác dụng. Đầu tiên là tính pháp lý quốc tế. Dấu ấn của chính quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được quốc tế công nhận từ trước và thời Pháp thuộc cho đến trước 1954. Sau năm 1954, các chính quyền của Việt Nam cũng luôn khẳng định chủ quyền và đấu tranh, hoạt động ở Hoàng Sa. Sự liên tục về dấu ấn chủ quyền của chính quyền Việt Nam ở Hoàng Sa là một thực tế không thể chối cãi.

Tác dụng thứ hai thì dù gì chăng nữa muốn lấy lại Hoàng Sa, Việt Nam phải xây dựng nội lực. Hiện nay Việt Nam có khoảng 4 triệu người sống ở nước ngoài, hơn nửa số đó là người trẻ, lại rất tài giỏi. Tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ ở nước ngoài, tất nhiên cũng có người này người kia nhưng phần đông đều yêu nước.

Nếu nhà nước chính thức công nhận sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì sẽ kết nối được tinh thần dân tộc Việt Nam. Con người Việt Nam dù có chính kiến khác nhau nhưng tựu trung đều có tinh thần yêu nước. Chính kiến chỉ là nhất thời, lúc thế này lúc thế kia còn tình yêu Đất nước, Tổ quốc, Quê hương mình mới là mãi mãi.

Tôi đã từng đề nghị cần phải vinh danh những ai hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Bản thân tôi sẽ mãi mãi dõi theo Hoàng Sa. Hoàng Sa là một yết hầu, hệ trọng rất lớn đối với Việt Nam. Hoàng Sa giống như chất men khơi lên lòng yêu nước.

 













Liệu chúng ta có đòi lại được chủ quyền Hoàng Sa hay không?

Lịch sử cho thấy đã có lúc chúng ta bị ngàn năm bắc thuộc nhưng rồi cũng đã giành được quyền tự chủ đó thôi. Nếu phải chờ đến ngàn năm để giành lấy Hoàng Sa, chúng ta vẫn sẵn sàng. Cái gì cũng có thời cơ và anh phải biết nắm bắt thời cơ đó.

Nhân dịp 40 năm hải chiến Hoàng Sa, nếu nhà nước mình thừa nhận một chính quyền đã từng thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của mình theo tôi sẽ rất tuyệt vời. Rồi từ đó người Việt Nam sẽ cùng ngồi lại với nhau xây dựng nội lực cho đất nước.



Tiến sĩ Nguyễn Nhã sinh ngày 14.3.1939 tại Ninh Bình. Năm 1966, ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa, Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Năm 1975, ông xuất bản Tập San Sử Địa số 29, Đặc khảo Hoàng Sa & Trường Sa  và tổ chức triển lãm trưng bày sử liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM).
Hiện nay ông là Trưởng Đề án Bếp Việt (tiền thân là Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam) và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù & hát thơ Lạc Việt.
(Thanh Niên)


Nuôi chí giành lại Hoàng Sa


Thanh Niên Online - 06/01/2014

Lịch sử Việt Nam cho thấy dù có 1.000 năm Bắc thuộc, đến cuối cùng ông cha ta cũng khôi phục lại được độc lập cho Việt Nam. Nhưng những điều đó thành hiện thực là do những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi, ngọn lửa ý chí được nuôi dưỡng và được truyền qua các thế hệ.  


 
Đào giếng tại Hoàng Sa năm 1938 trong thời gian chính quyền bảo hộ Pháp tại Đông Dương thực thi chủ quyền trên quần đảo này - Ảnh: Tư liệu

Mất đi Hoàng Sa vào năm 1974 (cũng như mất Gạc Ma vào năm 1988), và cùng với đó chúng ta đã mất đi vị trí chiến lược bảo vệ đất nước từ biển, mất đi những người con của dân tộc đã hy sinh trong những trận hải chiến đó, là nỗi đau lớn cho Việt Nam. Đó là bài học về một phần cái giá phải trả khi Việt Nam bị chia cắt, ở trong thế yếu bị các cường quốc lớn chi phối, kinh tế yếu kém, không có sự quan tâm và chuẩn bị đúng mức để bảo vệ được đảo.

Cuộc chiến về ý chí và trí tuệ

Thực tế cho thấy, khi quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng, việc đòi lại Hoàng Sa đúng là một sự nghiệp lâu dài và khó khăn, đòi hỏi người Việt phải giữ vững được ý chí và chuẩn bị chu đáo. Người Do Thái sau 2,000 năm mất nước đã trở lại được mảnh đất quê hương mình. Làm được điều đó, trước tiên là vì họ không để ý chí mai một. Câu nói "Sang năm về Jerusalem" đã trở thành lời cầu nguyện trước mỗi bữa ăn, lời chào từ biệt giữa những người Do Thái mất nước từ đời này sang đời khác. Argentina chưa từng từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Falkland dù gần 200 năm đã trôi qua và hiện quần đảo đang nằm trong tay người Anh. Lịch sử Việt Nam cũng cho thấy dù có 1,000 năm Bắc thuộc, đến cuối cùng ông cha ta cũng khôi phục lại được độc lập cho Việt Nam. Nhưng những điều đó thành hiện thực là do những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi, ngọn lửa ý chí được nuôi dưỡng và được truyền qua các thế hệ.

 
Lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, một trong những hoạt động dân gian chứng tỏ Việt Nam đã làm chủ Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước - Ảnh: Đỗ Hùng

Bởi vậy cho dù đó là công cuộc lâu dài, chúng ta không giây phút nào được trễ nải hay có suy nghĩ rằng hãy gác lại để thế hệ sau làm tiếp. Luật quốc tế hiện đại đòi hỏi danh nghĩa chủ quyền cần phải được duy trì liên tục. Chỉ cần có những hành động hay tuyên bố biểu lộ sự thiếu quan tâm đối với chủ quyền Hoàng Sa, Việt Nam sẽ bị mất đảo vĩnh viễn một cách hợp pháp. Trách nhiệm của mỗi thế hệ là bảo vệ toàn vẹn và làm mạnh hơn lập luận pháp lý của Việt Nam, giảm nhẹ gánh nặng cho con cháu của mình.

Và danh dự của chúng ta, trách nhiệm với tiền nhân và hậu thế không cho phép chúng ta tiếp tục để mất hẳn Hoàng Sa.

Là một người đã tham gia vào lãnh vực nghiên cứu biển Đông hai năm nay, tôi cho rằng có những việc sau cần phải làm:

1. Giữ lửa trong giới trẻ, duy trì ý chí đòi lại Hoàng Sa

Như trên đã nói, để chuẩn bị cho công cuộc đòi lại Hoàng Sa lâu dài và khó khăn này, điều trước tiên là cần phải duy trì ngọn lửa ý chí, nhất là cho giới trẻ. Để làm được điều đó, việc đưa Hoàng Sa, lịch sử về Hoàng Sa và sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa vào sách giáo khoa, thường xuyên nhắc đến Hoàng Sa trong các ấn phẩm, tổ chức các hoạt động kỷ niệm cụ thể là cần thiết nhưng chưa đủ. Còn cần phải khơi dạy cho giới trẻ tình yêu biển, hiểu được tầm quan trọng của biển, đảo với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Đồng thời cũng cần trang bị cho họ ý thức và những kỹ năng của một công dân, nâng cao tinh thần tự trọng, tự giác, tự lập và tự cường. Có được những phẩm chất này, tự họ sẽ có ý thức duy trì ngọn lửa ý chí trong mình cũng như nung nấu suy nghĩ làm sao có thể đòi lại được Hoàng Sa.

Việt Nam cũng đừng quên giới trẻ ở hải ngoại. Họ ở vị trí rất tốt để có thể đưa quan điểm, tiếng nói của Việt Nam tới thế giới, giúp dư luận thế giới hiểu về Việt Nam hơn.
Đồng thời, cũng cần phải tạo thêm nhiều điều kiện cho trí thức Việt kiều được đóng góp nhiều hơn cho công cuộc bảo vệ chủ quyền. Thực tế tôi đã được thấy nhiều người trong số họ đã có những đóng góp rất cụ thể, hữu ích vào cuộc tranh biện đấu tranh cho Việt Nam trên những diễn đàn hàng đầu thế giới, góp phần ngăn chặn âm mưu tuyên truyền tinh vi của Trung Quốc. Ví dụ như tiến sĩ Dương Danh Huy ở Anh với những bài viết được đăng trên các tạp chí, diễn đàn của giới chuyên gia thế giới, hay Giáo sư Phạm Quang Tuấn ở Úc với những nỗ lực tiên phong bền bỉ trong hoạt động xóa đường lưỡi bò trên các ấn phẩm khoa học quốc tế.

Để duy trì được ngọn lửa ý chí, thế hệ sau cũng cần phải được đảm bảo rằng thế hệ đi trước đã làm tròn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đòi lại Hoàng Sa lâu dài và khó khăn này. Trong những cuộc thương thuyết, đàm phán tương lai về khai thác chung và phân định biển nói chung, và khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ tới Hoàng Sa nói riêng, các nhà thương thuyết cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để không nói gì, không đưa ra thỏa thuận gì có thể ảnh hưởng đến hồ sơ pháp lý của Việt Nam. Mọi giải pháp về chính trị cần phải dựa trên cơ sở là lẽ công bằng và luật quốc tế.

Nội dung các cuộc đàm phán cũng cần được công bố công khai để người Việt nói chung và thế hệ trẻ nói riêng biết được diễn tiến thực sự, những khó khăn, thử thách của Việt Nam khi phải đối mặt với Trung Quốc lớn và mạnh hơn mình, cũng như rút ra được những bài học cho tương lai.

2. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp để hoàn thiện hồ sơ pháp lý và khả năng tranh biện của Việt Nam

Một giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp là đưa lãnh vực này trở thành một bộ môn cụ thể trong các trường đại học. Việt Nam cần có đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản để có thể tranh luận trong tòa quốc tế, trong môi trường học thuật cũng như trên truyền thông quốc tế nhằm tranh thủ dư luận thế giới. Nơi không thể thiếu được để phát triển đội ngũ này chính là trong các trường đại học. Chỉ phụ thuộc vào Học viện Ngoại giao hay một, hai cơ sở đào tạo khác để tạo nguồn là không đủ. Việt Nam cần có sự đa dạng về các kênh đào tạo cũng như môi trường đào tạo cả trong và ngoài nước để có thể khai thác hết tiềm năng và phát triển đội ngũ chuyên gia.

Sinh viên phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phân tích các sự kiện và đề xuất các giải pháp. Một số chuyên đề sinh viên có thể thực hiện như tìm hiểu các án lệ về chủ quyền lãnh thổ, các án lệ về phân định biển và đối chiếu với thực tế của Việt Nam; giá trị pháp lý của những sự kiện lịch sử diễn ra xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Hiện tại dường như Việt Nam mới chỉ nhấn mạnh vào các bằng chứng thực thi chủ quyền dưới thời nhà Nguyễn. Điều này là cần thiết nhưng không đủ. Trong phán quyết năm 2008 về tranh chấp cụm đảo Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore, Tòa án Công lý Quốc tế cho rằng ban đầu Malaysia có chủ quyền đối với đảo Pedra Branca. Nhưng sau đó chủ quyền này đã mất vào tay Singapore do phía Malaysia đã không làm đủ để duy trì chủ quyền trong giai đoạn sau này. Tương tự, để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới, Việt Nam sẽ phải tranh biện trên diễn đàn quốc tế vấn đề duy trì chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau năm 1954. Mà vấn đề này dường như chưa được nghiên cứu đúng mức. Mở rộng các diễn đàn tranh luận học thuật cũng như tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu đi sâu về những vấn đề còn tồn tại này là điều cần thiết.

Bên cạnh nghiên cứu nhà nước, cần phải khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu độc lập, và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lãnh vực nghiên cứu biển Đông. Mô hình các tổ chức nghiên cứu độc lập, phi chính phủ đã xuất hiện trên thế giới từ trăm năm nay. Sự phối hợp giữa nghiên cứu của nhà nước và nghiên cứu độc lập sẽ giúp vấn đề được mổ xẻ từ nhiều góc nhìn khác nhau, và điều này sẽ giúp cho Việt Nam xây dựng được những lý lẽ hoàn thiện nhất để phản bác lại những biện ngôn tinh vi của Trung Quốc, cũng như xây dựng được nhiều phương án khác nhau để chuẩn bị cho những tình thế khác nhau có thể xảy ra. Ngoài ra, các tổ chức nghiên cứu độc lập là mô hình phù hợp nhất để khai thác được những ưu thế của ngoại giao nhân dân, ngoại giao nhưng không sử dụng danh nghĩa chính phủ.

3. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có những hành động tích cực hơn để đưa sự thật về Hoàng Sa tới thế giới

Bộ Ngoại giao Việt Nam nên mở một website gồm nhiều thứ tiếng ghi lại tường tận và đầy đủ lịch sử của Hoàng Sa, cơ sở pháp lý của Việt Nam, cũng như những diễn tiến xung quanh tranh chấp Hoàng Sa.

Việt Nam cần công khai thách Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa án quốc tế. Hành động này sẽ gây sự chú ý của thế giới tới một tranh chấp vốn dĩ là vấn đề chỉ của Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời qua đó để thế giới thấy lẽ phải thuộc về Việt Nam.
Trong việc truyền thông để thế giới hiểu về vấn đề Hoàng Sa, mỗi cá nhân người Việt đều có thể tham gia bằng cách tự viết bài gửi cho các tạp chí, diễn đàn quốc tế để đưa những thông tin chứng minh Hoàng Sa thực sự là của Việt Nam, và hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực của Trung Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp.

Trong thời đại của thông tin và toàn cầu hóa, có rất nhiều học giả quốc tế, các “think tank” hàng đầu thế giới, các văn phòng hay các quan chức chính phủ của các nước tham gia vào các mạng xã hội như twitter và facebook để lan tỏa và tiếp nhận thông tin. Việt Nam có thể tận dụng những phương tiện này để tiếp cận với thế giới, đưa thông tin tới thế giới. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu sinh Trung Quốc đã tận dụng rất tốt những công cụ này. Đối với người Việt, theo người viết được biết, hiện cũng đã có những nỗ lực tạo ra và duy trì kênh tổng hợp thông tin biển Đông tiếng Anh trên mạng xã hội, và đã góp phần thiết thực đưa thông tin tới giới chuyên gia quốc tế. Nên ý tưởng này hoàn toàn khả thi.

Năm 1940, chỉ trong một trận đánh chớp nhoáng, Đức đã loại bỏ tới 70% quân đội Đồng minh. Nước Anh trở nên đơn độc và có nguy cơ bị đại bại trước thế tấn công như chẻ tre của Đức. Trong giờ phút tuyệt vọng của nước Anh, tưởng như thất bại cầm chắc trong tay, Winston Churchill vẫn cương quyết không đầu hàng. Ông có câu nói bất hủ: "Chúng ta sẽ bảo vệ hòn đảo của chúng ta, dù với bất kỳ giá nào, chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi biển, chúng ta sẽ chiến đấu tại nơi đổ bộ, chúng ta sẽ chiến đấu trên đồng ruộng và trên đường phố, chúng ta sẽ chiến đấu trong vùng đồi núi; chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng". Ý chí và quyết tâm phi thường cùng với lòng can đảm tuyệt vời của ông đã cổ vũ tinh thần của quân đội Anh, giúp cho nước Anh có thể kết thúc chiến tranh thế giới thứ II trong thế hiên ngang.

Ngày nay, cuộc chiến của chúng ta để đòi lại Hoàng Sa chính là cuộc chiến về ý chí và trí tuệ. Mỗi người Việt Nam sẽ không bao giờ đầu hàng và không bao giờ chấp nhận từ bỏ Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.
Phạm Thanh Vân 
* Tác giả là thạc sĩ tại trường Đại học Quốc gia Chungbuk, Hàn Quốcđồng điều hành kênh thông tin Biển Đông tiếng Anh trên Facebook và Twitter: https://www.facebook.com/SoutheastAsianSeaNews
*****

Thiên đường Hoàng Sa


Đất Việt Online - 06/01/2014

Hoàng Sa được ví như như dải cát vàng trải dài, nước quanh đảo xanh như mạ non. Từng đợt sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ, tạo nên một không gian thanh bình, yên ả, thơ mộng như chốn thiên đường giữa biển khơi.

Thiên đường chốn trần gian

Hầu hết những người đã đặt chân đến Hoàng Sa đều có chung cảm nhận, Hoàng Sa giống như thiên đường chốn trần gian.

Ông Trần Hòa (58 tuổi, trú thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) thuộc lứa những người ra đảo những lần cuối cùng kể lại, tháng 10/1973, khi ông chưa đầy 20 tuổi đã được Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam trao Sự vụ lệnh ra đảo Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính thuộc trung đội Hoàng Sa và các nhân viên khí tượng.


Con tàu Hương Giang 404 xuất bến từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đúng vào ngày biển động, trời nổi gió to nên tàu vừa ra khơi đã bị từng lớp sóng đánh mạnh vào mạn thuyền.

“Cả đêm mọi người như mất ngủ vì tàu chao đảo dữ. Lần đầu ra đảo cái cảm giác háo hức dần dần bị xâm lấn bởi sự lo lắng. Nhưng rồi, vừa nhìn thấy bóng dáng đảo sau ánh bình minh, ai cũng ôm nhau cười mãn nguyện. Tôi thật sự choáng ngợp và reo lên ôi quê hương ta đẹp biết bao. Toàn cảnh Hoàng Sa như một dải cát vàng lộ thiên giữa biển nước” – ông Hòa nhớ lại.

Ấn tượng đầu tiên về Hoàng Sa của nhân chứng Nguyễn Văn Dữ (59 tuổi, trú phường Thọ Quang, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) là quần đảo có một bãi cát trải dài như chiếc thảm khổng lồ và sạch đến vô cùng. Từ Hoàng Sa hướng mắt ra bốn phía ngoài thấy một vùng biển xanh mênh mông như ngọc …

“Hoàng Sa trong tôi những buổi sáng mai hay sau những chiều nhạt nắng, tôi nghe những con sóng thì thầm cùng những làn gió từ biển thổi đến man mát như tiếng của người yêu, em đợi anh về” – ông Dữ thổn thức. 


 
Nhân chứng Nguyễn Tấn Phát (ảnh chụp năm 2006). Đây là người đã nói: "Tôi đã để một phần đời của tôi ở lại Hoàng Sa". Phần đời còn lại của ông là nỗi hoài nhớ về Hoàng Sa, nơi mình đã từng sống

Với ông Nguyễn Tấn Phát, nhân viên quan trắc Đài khí tượng Sài Gòn, bình minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc huy hoàng nhất trong ngày.

“Chúng tôi thấy mặt trời đỏ rực, to và rất gần. Nắng lên một chút, nước biển ven bờ xanh một màu ngọc bích đẹp lạ lùng, xa xa hơn một chút nữa màu xanh dương rồi tới xanh lục. Chiều chiều rảnh rỗi chúng tôi bơi ra xa lặn xuống xem những rạn san hô với cá đủ màu sắc...” – ông Phát nói.

Cá nhiều vô kể

Đặc biệt nhất tại Hoàng Sa là cá. Cá nhiều vô kể, nhất là cá mú. Lính đảo cùng các nhân viên khí tượng sống nhờ nguồn thực phẩm khá dồi dào tại Hoàng Sa. Cá, ốc, mực, bạch tuộc, chim...


Những người đã sống và làm việc tại Hoàng Sa kể lại, chỉ cần quăng câu chừng vài phút là được gần cả chục con cá mú, cá khế, cá xanh xương ... Con nào con đó nặng trên 5-7 kg.

Ông Nguyễn Văn Đức (trú quận 5, TP. HCM), ra nhận nhiệm vụ đo đạc khí tượng thủy văn ngoài Đảo tháng 10/1969 kể lại:"Vui nhất phải kể đến những lần câu cá và đánh bắt giờ rảnh rỗi. Vì là đảo san hô nên nguồn hải sản tại nơi đây rất phong phú. Những đoàn cá vào đây để ăn sinh vật nhỏ tại san hô. Trên đảo mỗi dọc san hô cá mú biển sống rất nhiều. Mỗi ngày một người câu được ít nhất 50 con cá mú biển. Chúng tôi thường ăn không hết, nên phơi khô để làm quà mang vào đất liền …".

Ông Lê Lan (60 tuổi, phường Sơn Phong, TP. Hội An, Quảng Nam) lần ra công tác Hoàng Sa năm 1971 từng câu được con cá khế nặng 15 kg. Ở Hoàng Sa, còn có những con rùa to 2 người đứng trên lưng rùa vẫn bò đi được. 


Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập từ tháng 01/1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km).

Huyện bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp.
Phương Mai (Tổng hợp)
*****

Nhật Tảo nằm lại, không kích bất thành


Tuổi Trẻ Online - 06/01/2014

“Thiếu tá, hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận ngay trên đài chỉ huy vì mảnh đạn cắt ngang cổ. Đại úy, hạm phó Nguyễn Thành Trí cũng bị thương nặng ở bụng, mặt và ngực. Sau cú đâm thẳng vào trục lôi hạm 389 Trung Quốc, máy hộ tống hạm HQ-10 Nhật Tảo hoàn toàn bất khiển dụng, và các khẩu pháo chính cũng hư hỏng. Đại úy Trí máu ướt đẫm quần áo, ngậm ngùi phát lệnh rời chiến hạm”.


 
     HQ-10 Nhật Tảo đã nằm lại biển Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

40 năm đã trôi qua, nhân chứng Trần Văn Hà trên chiến hạm Nhật Tảo vẫn không thể quên được thời khắc đó.
Rời tàu

Cũng như các binh sĩ khác, ông Trần Văn Hà, thủy thủ cơ khí, được đại úy Trí gọi tập trung lên boong, chuẩn bị rời tàu. Toàn cảnh bi hùng hiện rõ trước mắt mọi người. Thiếu tá Thà gục xuống tay lái tàu. Nhiều sĩ quan, binh lính khác cũng tử trận hoặc bị thương la liệt khắp nơi. Thân tàu chi chít lỗ đạn pháo. Phía đối phương, trục lôi hạm 389 cũng đang bốc cháy rừng rực.

“Một số anh em nhất quyết đòi ở lại với tàu. Đó là những người đã bị thương nặng và cả một số pháo thủ chưa bị gì”. Nhắc lại chi tiết này, ông Hà nhớ mãi câu nhắn nhủ của những người bị thương nặng: “Thôi, chiến hữu xuống bè đi, để chúng tôi ở lại”. Đó là Lê Văn Tây, Ngô Văn Sáu ...

Họ vừa nhắn nhủ lời chia tay vừa xem cơ số đạn còn lại. Trước khi hi sinh, thiếu tá Thà đã dự đoán trận hải chiến sinh tử. Ông cho người chuẩn bị bè cứu sinh và cột sẵn một số lon nước, túi kẹo năng lượng. Chính nhờ sự cẩn thận này mà các binh sĩ rời tàu có thể cầm cự trên biển. Những binh sĩ còn khỏe thả bốn chiếc bè xuống. Có chiếc đã bị trúng mảnh đạn nhưng vẫn còn dùng tạm được.

Trong Nhật ký Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu, sĩ quan phụ trách các khẩu đội pháo phía sau chiến hạm Nhật Tảo, kể ông là một trong những người nhảy xuống biển sau cùng. Trước khi nhảy, ông còn gọi hạ sĩ Lê Văn Tây rời tàu. Viên hạ sĩ này rắn rỏi trả lời: “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với bọn Trung Quốc, chuẩn úy cứ nhảy đi”. Lúc ấy, những chiếc bè dưới biển đã bị sóng đánh dạt xa tàu. Chuẩn úy Tất Ngưu phải cố gắng bơi thật lâu mới bám được.
Khoảnh khắc cuối cùng.

Ông Hà kể lúc ấy tất cả ánh mắt trên bè đều hướng về con tàu của mình trong khoảnh khắc cuối cùng. Hai chiến hạm Trung Quốc tăng viện đến sau đã xối xả bắn như trả thù vào chiếc Nhật Tảo. Đạn bắn trả vẫn lóe lên trên đầu các họng súng từ chiến hạm VN. Nhìn nòng súng còn lóe đạn là biết đồng đội mình vẫn còn sống và đang tử chiến. Chiều chập choạng tối, ánh đạn lóe trên nòng pháo từ chiếc Nhật Tảo thưa dần rồi bặt hẳn.

Đứng từ đảo Hữu Nhật (Robert), trung sĩ Trịnh Văn Quý, thuộc nhóm đổ bộ từ khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4, chứng kiến cảnh chiếc Nhật Tảo oằn mình dưới lửa đạn của chiến hạm Trung Quốc. Ông Quý chính là chứng nhân những phút hải chiến đầu tiên khi chiến hạm Nhật Tảo dũng mãnh tả xung hữu đột cùng lúc với hai tàu chiến 389 và 396 Trung Quốc. “Và tôi cũng chính là chứng nhân khoảnh khắc cuối cùng của chiến hạm này trước lúc nó chìm hẳn vào khoảng 8g ngày 20-1-1974 ở vị trí gần đảo Hữu Nhật”.

Dưới biển, các bè lúc này đã được cột lại với nhau, nhưng một chiếc bị sóng đánh tung ra. Đêm xuống, đại úy Trí lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, rồi thượng sĩ giám lộ Vương Thương, thượng sĩ Tuấn, Thọ ... cũng lần lượt ra đi theo hạm trưởng, hạm phó của họ. Những binh sĩ còn lại trên bè cũng bị bỏng nắng ban ngày, rét run ban đêm và lả dần trong đói khát. 

Hạm đội 7 của Mỹ án binh bất động, không đáp ứng đề nghị của VNCH nhằm cứu binh sĩ VNCH đang trôi giạt ngoài khơi. Đến chiều tối 22-1, tức sau bốn ngày ba đêm lênh đênh trên biển, những người lính cuối cùng của chiến hạm Nhật Tảo được chiếc tàu buôn Hà Lan phát hiện, cứu vớt.

Tất cả chỉ còn 21 người! Chiến hạm HQ-10 Nhật Tảo đã nằm lại dưới đáy biển Hoàng Sa.
Không kích tái chiếm bất thành!

Một ngày sau khi Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc, lực lượng phi công chiến đấu của quân đội VNCH đã được huy động cho một chiến dịch phản công tái chiếm chưa từng có. Một trong những nhân chứng của chiến dịch ấy là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá phi công Nguyễn Thành Trung, lúc bấy giờ (1974) là thiếu úy phi công lái máy bay tiêm kích F-5E của không lực VNCH. Ông kể: “Lệnh tập kết các phi đoàn máy bay F-5 từ Sài Gòn ra Đà Nẵng được ban hành khẩn cấp ngay trong ngày 20-1, một ngày sau khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa. Khi ấy không đoàn chiến thuật 63 (thuộc sư đoàn 3 không quân) đóng tại Biên Hòa có năm phi đoàn F-5 với hơn 100 chiếc sẵn sàng đợi lệnh.

Trong khi anh em phi công của các phi đoàn đang rất náo nức chuẩn bị cho chiến dịch phản kích tái chiếm thì suốt ngày hôm đó, các phi cơ RF5A của phi đoàn 522 đã bay ra Hoàng Sa chụp không ảnh toàn bộ khu vực mang về căn cứ Đà Nẵng để chuẩn bị cho anh em phi công nghiên cứu. Toàn bộ ảnh chụp khu vực quần đảo Hoàng Sa được phóng lớn. Tất cả anh em phi công đều nhìn thấy rõ cả số hiệu các tàu Trung Quốc đang đậu trên vùng biển Hoàng Sa. Có 41 chiếc tất thảy ...

Chuẩn bị cho trận đánh tái chiếm Hoàng Sa với tinh thần “Trân Châu Cảng” vừa khẩn cấp vừa náo nức. Trước ngày vào chiến dịch, tất cả anh em phi công của các phi đoàn F-5 đều ký dưới lá đơn “Xin được chết cho Hoàng Sa”.

Khi tất cả các phi đoàn F-5 được lệnh tập trung ở Đà Nẵng, người Mỹ vẫn chưa biết đến kế hoạch này. Nhưng chuẩn bị đến giờ G thì kế hoạch đã bị chặn lại. Cũng như trước đó, hạm đội 7 của Mỹ vẫn án binh bất động không hề có một động thái nào để cứu giúp binh sĩ VNCH. Tất cả hào khí háo hức, sự chuẩn bị chu toàn của anh em nhằm đánh một trận “sạch không kình ngạc” chiếm lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc bỗng chốc tan thành mây khói từ “lệnh của trên”!
Q.VIỆT - L.Đ.DỤC - L.NAM

Hoa Kỳ chính thức bỏ rơi Hoàng Sa từ lúc nào?

Tài liệu mang mã số 1974STATE012641-B, đề ngày thứ bảy 19-1-1974 dưới đây chính là văn bản chính thức đầu tiên tỏ rõ lập trường của “đồng minh Hoa Kỳ” đối với Hoàng Sa:

“Đụng độ vũ trang trên quần đảo Hoàng Sa rõ ràng đã dẫn đến một số thương vong về phía Chính phủ Việt Nam, với báo cáo của Chính phủ Việt Nam rằng hai pháo hạm có thể bị đánh chìm bởi tên lửa Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn.

1. Tình hình phức tạp bởi sự hiện diện được báo cáo trên đảo Hoàng Sa (do Chính phủ Việt Nam chiếm đóng) của một nhân viên dân sự Mỹ trực thuộc văn phòng DAO (tùy viên quân sự Hoa Kỳ) tại Đà Nẵng. Chúng tôi không biết tại sao đương sự lại có mặt ở đó.

2. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ quốc phòng chỉ đạo cho hải quân Hoa Kỳ đóng bên ngoài khu vực. Cách đây hai ngày (17-1), chúng tôi đã thảo luận tình hình với đại sứ Martin qua điện thoại và bày tỏ mối quan tâm của chúng ta trong việc làm dịu tình hình.

3. Thông cáo báo chí sẽ gồm những dòng chữ sau đây: Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp xung đột về quần đảo Hoàng Sa, song mạnh mẽ mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Chúng tôi hiểu rằng cả CHNDTH và Chính phủ Việt Nam đều đã từng chiếm đóng một số đảo khác nhau thuộc nhóm đảo Hoàng Sa trong một số năm. Chúng tôi không rõ vụ đụng độ này đã nổ ra trong hoàn cảnh nào. Lực lượng quân sự Mỹ không dính dự vào vụ này.

4. Chúng tôi đang bảo tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn khuyên Chính phủ Việt Nam tiến hành những bước tối thiểu nhằm tự vệ và cứu cấp các công dân của mình (và nhân viên Hoa Kỳ chúng ta nữa), và cố gắng tối đa tránh những đụng độ trực tiếp nữa với lực lượng CHNDTH...”.

Làm thế nào mà Nhà Trắng lại không biết tại sao nhân viên DAO nọ lại có mặt ở Hoàng Sa, lại không rõ đụng độ đã xảy ra trong hoàn cảnh nào, song lại “khuyên Chính phủ Việt Nam tránh đụng độ trực tiếp thêm nữa với CHNDTH” khi mà từ hôm 17-1, tức khi trận Hoàng Sa mới bắt đầu khởi sự (17-1), “chúng tôi đã thảo luận tình hình với đại sứ Martin qua điện thoại”?

Một sự “đứng ngoài cuộc” chính thức. Không phải vì Hiệp định Paris mà từ cái bắt tay Mỹ - Trung năm 1972.
HỮU NGHỊ

MẠNG THAM KHẢO:


Hồng Thủy + Trần Công Trục + Trung Quốc
Thanhniennews.com
Đất Việt Online
Tuổi Trẻ Online

File: ITN-010614-VN-CT-Ky niem 40 năm Hai chien Hoang Sa.doc

Nguyễn Mạnh Trí
Tu chỉnh: 6  tháng 1 năm 2014 
.