Sunday 22 June 2014

Sōkeisen (早慶戦).

Nhân đọc tin tức về việc đội tuyển bóng đá của Nhật Bản thua ngược đáng tiếc trước đội tuyển của Cote d’Ivoire tại World Cup 2014. Mặc dù là người thua nhưng cách hành xử đầy văn hóa của các cầu thủ và các cổ động viên Nhật Bản đã làm nhiều người trên thế giới phải nể phục. Phóng viên nước ngoài đã đưa những tấm hình dưới đây lên nhiều trang báo để ca tụng một thói quen quá đẹp của người Nhật.

Đội tuyển Nhật cúi đầu xin lỗi người hâm mộ sau trận đấu
Đội tuyển Nhật cúi đầu xin lỗi người hâm mộ sau trận đấu.

Cổ động viên Nhật gom rác ở khu vực khán đài sau trận đấu
Cổ động viên Nhật gom rác ở khu vực khán đài sau trận đấu

 41 năm trước đây, vào khoảng tháng 5 năm 1973, lúc mới vào học ở Đại học Waseda, tôi đã có dịp được đi xem trận Sōkeisen (早慶戦), là 1 trận đấu môn dã cầu giữa 2 trường Đại học Waseda và Keio nổi tiếng, và là truyền thống của nước Nhật. Tôi đã phải cúi đầu khâm phục trước tính tổ chức, tinh thần tôn trọng tập thể, tính sạch sẻ, và tính tôn trọng đối thủ của người Nhật.

SoKeisen năm 1973
SoKeisen năm 1973.

   Sōkeisen (早慶戦) là chữ ghép của 3 chữ; chữ Tảo (早) đọc là Sò, chữ Khánh (慶) đọc là Kei và chữ Chiến (戦)) đọc là Sen. Chữ Tảo lấy từ chữ Wa của chữ Waseda. Chữ Kei lấy từ chữ Keio.

     Sở dĩ trận Sōkeisen được nhiều người biết đến vì đó là nguồn gốc của giải liên trường 6 Đại học nổi tiếng ở Tokyo (東京六大学野球連盟) , . 6 Đại học đó là : Hosei, Keio, Meiji, Rykkyo, Tokyo và Waseda. Sōkeisen cũng là trận dã cầu đầu tiên giữa 2 Đại học Waseda và Keio, được bắt đầu từ năm 1903, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bộ môn dã cầu của Nhật Bản. Năm 1925, Hội liên trường 6 Đại học chính thức được thành lập. Từ năm 1946, Cúp Thiên Hoàng (天皇杯) được lập ra để trao cho đội vô địch.

Trước khi bắt đầu cũng như sau mỗi trận đấu, tại khu vực dành riêng cho cổ động viên, họ dương cờ, và cùng hát bài ca của trường mình. Khi bên đối thủ hát thì bên này phải đứng lên, gỡ nón xuống để biểu hiện sự tôn trọng đối thủ. Quan khách ngồi ngoài khu dành riêng cho cổ động viên phải giữ yên tĩnh, chỉ vổ tay khen ngợi khi có những cú đánh banh đẹp, họ thường chứng tỏ lập trường trung lập, thể hiện tinh thần thượng võ. Sau trận đấu, khi bên thắng dương cờ hát mừng chiến thằng , bên thua trận phải để cờ nằm ngang và gỡ nón xuống.

Trước khi rời cầu trường, mọi người lượm rác bỏ vô thùng đựng rác. Mọi người đều làm như là 1 điều hiển nhiên, không ai bảo ai cả.

Trăm nghe không bằng mắt thấy. Xin mời các anh chị và các bạn vào clip video dưới đây xem để cách cổ động viên hát cổ vũ tinh thần cho các tuyển thủ của bên mình.


Vui mừng khi thắng trận:


Không hiểu sao bài hát này làm tôi rơi nước mắt, có thể vì tôi đã xem Sōkeisen ? , cũng có thể là vì Đại học của tôi, mà cũng có thể là vì tôi sắp được đi Nhật để thăm lại Thầy Hayashi, Senpai Niwa, và các bạn như Yamada, Kamiura, Kamakura,…?


Mong sao người Việt mình mình sớm có được những đức tính tốt như người Nhật. Không cực đoan, biết khiêm nhường, tôn trọng kỷ luật, tính sạch sẻ, tính đúng giờ, và biết tôn trọng đối phương.

Montreal , ngày 19/6/2014.
Ngô Khôn Trí.