Wednesday, 29 October 2014

Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã - Vương Trùng Dương


Đôi Dòng:

Tháng Tư năm 2000, tôi đọc bài viết “Người Con Gái 27 Năm Với Đời Sống Thực Vật” của nhà văn Văn Quang từ trong nước viết về hình ảnh quá thương tâm của cháu Khôi Thụy (con của Tô Thùy Yên và Nguyễn Thị Thụy Vũ): “Trong căn phòng nhỏ hẹp, trên chiếc giường lạt tre thưa thớt, một thân hình con gái trắng nhễ nhại với chiếc quần cụt, chiếc áo thung ngắn tay nằm ngay đơ trên chiếu chỉ trải có nửa giường. Bởi nơi đó là nơi cháu vừa ăn ở, vừa đi vệ sinh, vừa làm chỗ tắm. Cháu không thể nằm nệm vì chẳng có thứ nệm nào chịu cho nổi. Phải nằm nửa giường lạch tre thưa để tiện cho mọi công việc ăn uống, tắm rửa. Hơi thở thoi thóp, cái thân hình con gái căng đầy, cặp chân nhỏ xíu chẳng cân xứng chút nào với thân hình. Cháu không hề biết mình sống hay chết, không biết đói no, không biết gì hết ngoài hơi thở là của con người. Cho ăn thì ăn, ăn bất cứ thứ gì được mẹ hay các cô dì, bạn của mẹ đưa vào miệng. Không cho ăn, cháu cũng chẳng đòi. Thỉnh thoảng cháu hú lên không phải vì đói mà vì một lẽ gì đó không ai biết. Tiếng hú như tiếng kêu của một oan hồn hơn là một con thú hoang…”.

Đây là bài viết đầu tiên về NTTV, khi đọc rất xúc động. Trước năm 1975, tôi chưa gặp NTTV nhưng những người thân trong gia đình chị và tôi có quen biết nhau (đề cập trong bài viết) nên tôi tôi viết bài “Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã” vào tháng Năm năm 2000. Bài viết đăng trên vài tờ báo ở California và trên trang web Quán Gió ở Uùc Châu. Qua hai bài viết, một số độc giả và thân hữu có lòng từ tâm hỗ trợ số tiền qua anh Văn Quang để chị NTTV ổn định cuộc sống để nuôi cháu Khôi Thụy.
Năm 2005 tôi thực hiện tờ báo và trang web Cali Weekly. Được biết anh Văn Quang cùng khóa với anh Hoàng Tích Thông trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (thông gia với tôi) vì vậy hai anh em thân tình và liên lạc thường xuyên. Mỗi tuần anh Văn Quang với mục “Viết Từ Sài Gòn”, tôi giới thiệu với anh Tống Hoằng, chủ nhiệm nhật báo Viễn Đông ở Little Saigon, tiền nhuận bút trả đều đặn với điều kiện chỉ đăng ở Viễn Đông tại Nam California, còn các nơi khác thì tùy ý tác giả. Hàng tuần với một bài viết cũng ổn định được cuộc sống ở quê nhà, anh Văn Quang không thích không khí xô bồ ở Sài Gòn nên lên Lộc Ninh sống để vui thú điền viên và viết lách nhưng được thời gian thì bị chính quyền địa phương kiềm kẹp, truy xét nên đành quay lại Sài Gòn. Khi anh Tống Hoằng lâm trọng bệnh thì nhật báo Viễn Đông kohng6 còn mục “Viết Từ Sài Gòn”.

 

Trải qua 14 năm, tôi đọc được những bài viết về NTTV, giải tỏa được đôi điều ngộ nhận về sự liên hệ giữa lằn ranh Quốc/Cộng trong gia đình chị.
Nhà văn Trần Hoài Thư, chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo thực hiện chủ đề về Nguyễn Thị Thụy Vũ vào mùa Thu năm nay. Nhân dịp nầy, lục lại bài viết 14 năm trước với chân dung nhà văn trong tuổi già bóng xế ở quê nhà - VTrD*

Vào thập niên 60 những khuôn mặt nữ lưu xuất hiện với Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ... đã tạo được thế đứng trên văn đàn Việt Nam. “Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhà văn phái nữ, hiện diện giữa khung trời văn nghệ với sắc thái đặc thù. Những ý nghĩ bỏng cháy và rẫy rụa về thân xác trong mỗi tác phẩm, đôi khi vượt qua ý nghĩ của nhiều người” (Tạ Tỵ - Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, Sài Gòn 1973). Ngọn bút của Nguyễn Thị Thụy Vũ có tính cách táo bạo, sống, sinh động vì vậy đã gây sự xôn xao trong dư luận trước quan niệm phê phán về tính cách sống sượng, khiêu dâm và quan niệm đồng tình vì thể hiện thực trạng, lối sống, tâm lý con người trong cuộc sống. Uyên Thao nhận định: “Nguyễn Thị Thụy Vũ là một cây bút khá sắc bén và tinh tế, nhưng vẫn những sơ hở nặng nề của một tinh thần tùy hứng” (Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1900 - 1970, Sài Gòn 1973).

Nguyễn Thị Thụy Vũ sôi động trên văn chương chữ nghĩa nhưng trong cuộc sống mang bao điều trăn trở, bất hạnh trải dài với thời gian. Và, nhìn lại những nhà văn nữ cùng thời thuở đó, ở quê nhà Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ qua một phần tư thế kỷ, giã từ nghiệp dĩ, sống lặng lẽ với bóng tối cuộc đời.

* Chân Dung

Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long. Nhà văn sống giữa hai lằn ranh Quốc - Cộng trong gia đình. Vì sống giữa lằn ranh đó, NTTV đã gánh chịu bao điều ngộ nhận về khuynh hướng chính trị, khi con người rơi vào trường hợp thương tâm, chấp nhận bao hệ lụy đưa đẩy thì bỏ mặc thế nhân tiếng chì tiếng bấc.

Sinh trưởng trong gia đình văn nghệ, thân phụ là nhà thơ Mặc Khải, tác giả các tập thơ Sông Nước Cổ Chiên, Phấn Nội Hương Đồng, Yên Vân Hành, Lửa Thép, Vòng Chuyển Hóa… Mặc Khải nằm vùng, hoạt động nằm vùng cho Việt Minh từ năm 1945 trong phong trào “Thanh Niên Tiền Phong”, ở ngã ba Trung Lương, gia nhập bộ đội Trung Lương. Sau năm 1954 về hoạt động bí mật nội thành.

Giữa thập niên 60, Lữ Phương, Vũ Hạnh, Mặc Khải… ra đời tờ Tân Văn. Khi tờ Tân Văn bị đong 1cua73, Mặc Khải lui về Lộc Ninh mở tiệm thuốc tây.

Thân phụ Mặc Khải từng là tri huyện ở Mỹ Tho, cụ ông có nhiều vợ, trong đó có nữ sĩ Song Thu, uyên thâm về nho học, nhân vật tên tuổi cùng với Đào Vân Khanh, Băng Tâm trong hội Khuyến Học. Cụ Song Thu tên là Phạm Xuân Chi, cháu nội cụ Phạm Phú Thứ, cô của Phạm Phú Quốc, dòng dõi nho sĩ ở Quảng Nam. Mặc Khải là anh cùng cha khác mẹ với hai chị em Phương Đài (Nguyễn Thị Thu Hường) và Xuân Hoàng. Nhà thơ Phương Đài, tác giả Đất Mẹ và Hiếu Lễ Mùa Thơ, có mối quan hệ mật thiết với Vũ Hạnh, Lưu Nghi, Tường Linh, Kiên Giang, Chinh Văn... và số văn nghệ sĩ thân tả thời đó. Năm 1971 bị bắt vì tình nghi hoạt động cho Cộng Sản được Linh mục Thanh Lãng và Trần Văn Ân can thiệp nên được thả, sau đó tham gia vào Văn Bút Việt Nam. Sau tháng 4-75 Phương Đài có chân trong hội Văn Nghệ Giải Phóng, được thời gian rồi bị thất sủng

.

Xuân Hoàng (Oanh) lập gia đình với ký giả Trần Quân, chủ trương tuần báo Minh Tinh, Tổng thư ký nhật báo Tiếng Vang. Trần Quân còn có nhiều bút hiệu như Sức Voi, Thanh Quang, Hoàng Ái Phương, Bút Nguyên Tử. Trong thời kỳ kháng chiến vào giữa thập niên 40, Trần Quân tham gia vào đoàn thanh niên cứu quốc của mặt trận Việt Minh, bị nghi ngờ tình báo Cộng Sản cài vào hoạt động ở Sài Gòn nhưng nhà báo thích ánh đèn mầu, mê cá ngựa của nếp sống đô thị cũng bị bắt cùng lúc với Phương Đài, và được thả sớm. Sau năm 1975 Trần Quân còn được ưu đãi vài năm nhưng rồi vào trại tù, tin đồn với hai lý do: tội bỏ hàng ngũ, tội hoạt động cho tình báo Mỹ. Ông trải qua bảy năm trong lao tù Cộng Sản, chết năm 1992.

(Bài viết “Thụy Vũ chăn dê” của Đỗ Tăng Bí vào tháng 12 năm 2004 cho biết: “Ba tôi có bằng gì kiểu như Trữ Dược đó. Ổng mở một tiệm thuốc tây nhỏ ngay khu chợ Lộc Ninh, thực tình để ổng nuôi cán bộ, trợ cấp tiền bạc cho Việt Cộng. Ổng là Cộng Sản mà. Ổng mê Cộng Sản lắm, nói nó lý tưởng. Đâu dè sau này... Sau 75, ổng là cố vấn cho Hội Văn Nghệ gì đó. Mới “giải phóng” vô, tổ chức học tập, bọn chúng đến nói ba tôi: Anh không biết dạy con (Thụy Vũ). Con anh nói nhiều cái khó nghe quá. Ông già tôi nói: Tôi hãnh diện vì nó. Nó có lý tưởng nó, tôi có lý tưởng tôi. Ông ấy điệu lắm. Ổng mất hai mươi mấy năm rồi. Hồi mới kêu bằng “Quân Quản” đó thì ông ấy là cố vấn Hội Văn Nghệ ở Sài Gòn. Lúc đó có Bảo Định Giang. Hồi xưa Bảo Định Giang đánh xe ngựa cho ông già tôi. Một hôm ổng đến nhà Bảo Định Giang nói với anh gác cửa: Vào nói Bảo Định Giang có thằng đánh xe ngựa tới thăm. Thật đúng bây giờ đổi đời... Mấy anh biết cái nhà từ đường của nhà tôi ở Vĩnh Long không, trời ơi là một gia tài đó, bao nhiêu đồ cổ quí giá, vậy mà năm 75 ổng hiến tặng cho nhà nước. Bây giờ người ta vẫn nói nhà đó tiền tỷ tỷ mà con gái thì chăn dê, chăn bò khổ cực. Đây nè, thằng con trai tôi nè, nó học xong đại học Anh ngữ rồi đó chứ, bây giờ về giúp mẹ chăn bò... Nhiều khi chơi với thú vật sướng hơn, nó không có phản bội mình...”)*

Nguyễn Thị Thụy Vũ chung sống với Tô Thùy Yên, phục vụ ở phòng Văn Nghệ, cục Tâm Lý Chiến (Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Theo học tại Petrus Ký và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp. Nhập ngũ năm 1963, phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, cấp bậc Thiếu Tá.  Tô Thùy Yên lập gia đình với vợ chánh là bà Huỳnh Diệu Bích. Sau 1975, Tô Thùy Yên bị bị tù gần 13 năm. Năm 1993 cùng gia đình với người vợ trước sang Mỹ theo diện HO…).

Em ruột Nguyễn Thị Thụy Vũ là Hồ Trường An (Nguyễn Viết Quang), khóa 26 Thủ Đức, phục vụ ở ban Thông Tin Báo Chí, khối Chiến Tranh Chính Trị, Quân đoàn III. Ngoài bút hiệu quen thuộc là Hồ Trường An, còn có nhiều bút hiệu khác như Đinh Xuân Thu, Người Sông Tiền, Đặng Thị Thanh Nguyệt. Sau tháng 4-75, Hồ Trường An oán trách chế độ, tình cha con bị sứt mẻ, Hồ Trường An thuộc diện gia đình có công “cách mạng” nên không bị lao tù như tất cả sĩ quan QLVNCH, hai chị em “được ghi tên” khóa học Bồi Dưỡng Chính Trị, Hồ Trường An được làm việc ở Thư viện Quốc Gia, cuối năm 1977 Hồ Trường An sang định cư tại Pháp theo diện bảo lãnh.

Đổi đời, Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng như hầu hết vợ sĩ quan chế độ cũ lâm vào cảnh khốn cùng, bương chải ngược xuôi để nuôi đàn con dại, trong đó có đứa con gái mới hai tuổi, bại liệt đôi chân, nằm liệt trên giường “Không hề biết mình sống hay chết, không biết đói no, không biết gì hết ngoài hơi thở của con người”. Không thể chịu đựng nổi khổ cực, về cư ngụ ở ngôi nhà cha mẹ tại Lộc Ninh, nơi chốn được xem như địa bàn giao liên của ông bà Mặc Khải nhưng rồi Cộng Sản làm khó dễ. Cuối cùng, có nơi tá túc nhưng chân yếu tay mềm không làm rẫy được nên NTTV trở lại Sài Gòn, nơi chốn cũ NTTV phải làm giấy tờ với mẫu d0ơn thật buồn cười "Đơn xin tạm trú trong căn nhà của tôi", không được “ân sủng” cầm bút trở lại mà còn bị gán ghép nhà văn đồi trụy, dâm ô vì vậy NTTV rơi vào nghịch cảnh trong gia đình.

Về hình ảnh Nguyễn Thị Thụy Vũ, trong ký sự văn học Giai Thoại Hồng của Hồ Trường An ấn hành ở Hoa Kỳ năm 1989 viết về những cây bút nữ giới, trong đó có hai người thân trong gia đình là Phương Đài và NTTV.

“Hồi còn nhỏ, Nguyễn Thị Thụy Vũ chỉ được màu da trắng mát như cánh hoa ngọc lan. Trán chị hơi vồ, mũi chị hơi tẹt, răng có cái lòi xỉ. Chị bắt chước tôi ăn mặc theo lối con trai... nhìn chị ai cũng tưởng đó là một chú kim đồng thông minh dĩnh ngộ.

Càng lớn lên, chị đằm thắm lại, tuy có nghịch nhưng nghịch ngầm, cười nói lúc nào cũng kín đáo, nhỏ nhẹ. Trán chị bớt vồ, hai chiếc răng lòi xỉ được cưa để làm hai chiếc răng giả thật khéo... Cái ưu điểm của Thụy Vũ là chiếc miệng đẹp với đôi môi thanh tú, thường nở một nụ cười đằm thắm hồn nhiên. Hơn nữa, chị không làm dáng, không điệu hạnh, uốn éo gì hết trơn. Nhưng đôi mắt chị sáng quá, một thứ sáng kỳ dị như muốn thôi miên người đối diện” .

“Từ tuổi mười lăm, chị tôi sống lêu bêu. Vì bệnh hoạn lại không tự ái, nên chị tôi lười học. Tôi không hiểu chị tôi thích gì. Chị đọc tiểu thuyết tình của Ngọc Sơn, Thanh Thủy, Dương Hà, Nguyễn Ngọc Mẫn... thơ của Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, T.T. Kh... Nguyễn Thị Thụy Vũ cứ sống cà ngơ cà ngất như vậy cho tới lúc đi dạy học”.

“Thi rớt bằng trung học đệ nhất cấp, chị tôi thi vào ngành giảng tập viên, cam phận làm cô giáo làng suốt năm năm. Sau đó tôi đốc xuối chị bỏ quê quán ở Vĩnh Long lên Sài Gòn học tiếng Pháp ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp, học tiếng Anh ở London School và Hội Việt Mỹ”.

“Tại Sài Gòn trong các năm 1962-1963. Chị tôi bắt đầu viết nhật ký... Chính tập truyện đầu tay của Túy Hồng thúc dục Thụy Vũ lao vào văn đàn đã có Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo thắp đuốc tiền phong” (HTA -GTH).

Hồ Trường An kể lại câu chuyện thật lý thú về người chị dùng ngải “thứ ngải thoa vào môi nói gì ai cũng nghe theo” để gặp văn nhân như Thanh Nam hầu chọn đăng truyện ngắn nhưng tiếc rằng ngải không hiệu nghiệm. Vì vậy, sau nầy truyện ngắn Chiếc Giường trong tập Lao Vào Lửa, NTTV viết về hình ảnh cô gái bán bar dùng bùa ngải để mê hoặc khách làng chơi thật sinh động.

“Gặp ông Võ Phiến, tôi nói ngay ý định của chị tôi, nhờ ông đỡ đầu cho chị trong bước đầu viết lách... chị tôi chìa bản thảo mà chị đã chép lại một đoạn trong quyển nhật ký của mình... Một Buổi Chiều là cái chìa khóa để một cô giáo làng mở một cánh cửa bước vào văn đàn" (HTA - GTH).

Băng Lĩnh yêu con đường văn nghệ và vì tự mình lập thân với “ngón nghề” ngộ nghĩnh và vớ vẫn qua bùa ngải. Không dùng nó để mồi chài tình yêu, lường gạt tiền bạc, vật chất người khác mà xử dụng để cho văn nhân chọn ngọn bút của mình trên trang báo. Và, ngòi bút của Băng Lĩnh không lọt vào đôi mắt của Võ Phiến, Chủ bút tạp chí Bách Khoa, chủ trương nhà xuất bản Thời Mới, bằng chiêu thức đó. “Chai ngải của chị tôi bị tôi lỡ tay làm đổ. Tôi mua chai xá xị khác thế vào mà không cho chị biết. Vào hôm đi yết kiến ông Võ Phiến, chị đem nước xá xị thoa lên môi, đợi môi khô chị mới thoa một lượt son màu hường tươi... Khi nghĩ tới phải hội kiến một nhà văn lớn,chị tôi đâm ra khớp. Cái trâng tráo, nghịch ngợm cố hữu của chị tôi bay đâu mất. Mặt chị xanh như đàn bà sảo thai, lời nói khó khăn, đứt quãng như sản phụ đẻ ngược” (HTA - GTH).

Nhà văn Võ Phiến viết về NTTV với những dòng đầu trong bài: "Đầu thập kỷ 60 - tôi không nhớ rõ năm nào - tòa soạn Bách Khoa bắt đầu nhận, thỉnh thoảng một thiên truyện ngắn của một người viết mới, thuộc phái nữ, ký tên Nguyễn Băng Lĩnh. Lúc bấy giờ các cây bút nữ giới hãy còn hiếm. Tòa soạn có ý tò mò...
... Người ấy về sau mang bút danh Nguyễn Thị Thụy Vũ, là tác giả cuốn sách có tên là Mèo Đêm, Lao Vào Lửa, Cho Trận Gió Kinh Thiên... Tức là thứ sách mà các thế hệ phụ nữ nước ta trước đó không mấy kẻ dám đọc, đừng nói đến chuyện viết!” (Võ Phiến - Văn Học Miền Nam, Hoa Kỳ 1999).

Tập truyện Mèo Đêm của NTTV xuất hiện cùng thời điểm với sự xuất hiện các cây bút nữ giới vào năm 1966. Và, “Cuốn tập truyện Mèo Đêm đã làm cho Thụy Vũ bớt rụt rè đối với văn giới. Chị dám đặt chân tới tòa soạn Bách Khoa. Trước đó chị viết bài xong, đưa cho ông Võ Phiến xem trước, và khi xem xong ông Võ Phiến đưa cho ông Lê Ngộ Châu, Tổng thư ký tòa soạn tập san Bách Khoa. khi bài vở được đăng, chính tôi đến tòa soạn nhận lãnh tiền nhuận bút dùm chị” (HTA - GTH).

Từ đó, NTTV bước vào văn đàn với nhiều tác phẩm, thành lập nhà xuất bản Kim Anh với Nguyễn Thị Nhiên, Hồng Đức, Kẻ Sĩ với Tô Thùy Yên. Là một trong những tác giả thuộc phái nữ có nhiều tác phẩm đang ăn khách ở Việt Nam vào giữa thập niên 60-70 cho đến ngày đen tối trong cuộc đời cầm bút sau 30-4 - 75.

Tác Phẩm

Từ cô giáo tỉnh lẻ, trình độ học vấn chẳng bao nhiêu, yêu văn chương chữ nghĩa, khởi đi từ những trang nhật ký, trong vòng mười năm (65-75), NTTV đã đi vào Văn học Việt Nam với nhiều tác phẩm:

Tập truyện: Mèo Đêm, Lao Vào Lửa, Chiều Mênh Mông
Truyện dài: Thú Hoang, Ngọn Pháo Bông, Khung Rêu, Như Thiên Đường Lạnh, Chiều Xuống Êm Đềm, Nhan Tàn Thắp Khuya, Cho Trận Gió Kinh Thiên... còn nhiều truyện viết feuilleton đăng trên báo chưa xuất bản. Năm 1978, nhà xuất bản Sống Mới ở Fort Smith, Arizona cho tái bản truyện dài Thú Hoang.
Tập truyện Mèo Đêm gồm bảy truyện ngắn: Mãnh, Đợi Chuyến Đi Xa, Một Buổi Chiều, Mèo Đêm, Nắng Chiều, Bóng Mát Trên Đường, Miền Ngoại Ô Tỉnh Lẻ.
Tập truyện Lao Vào Lửa gồm ba truyện ngắn: Chiếc Giường, Đêm Nổi Lửa, Lao Vào Lửa.
Tập truyện Chiều Mênh Mông gồm sáu truyện ngắn: Trôi Sông, Đêm Tối Bao La, Tiếng Hát, Lìa Sông, Chiều Mênh Mông, Cây Độc Không Trái.

Trong mười sáu truyện ngắn xuất bản năm 1966 và 1968 “đã gây ồn ào trong dư luận giới đọc sách” vì tính cách táo bạo, ngôn ngữ tả chân khi làm tình, khi tán tỉnh, không khí snack bar với rượu chè trai gái. Nếu viết về nỗi cô đơn của cô gái mang nhiều mặc cảm như Đợi Chuyến Đi Xa, nỗi buồn chán chường của người đàn bà ở Ngoại Ô Tỉnh Lẻ, tâm trạng cô gái trong chuyện chồng con qua Lìa Sông... chẳng có gì gây tác động sự xuất hiện ngòi bút nữ giới với giới thưởng ngoạn. NTTV viết về hình ảnh ăn chơi, đàng điếm, mồi chài, thác loạn của giới bán bar trong giai đoạn quân đội Mỹ tràn ngập ở Việt Nam. Nếu viết thực, sống động phải là người từng lăn lộn, đầy dẫy kinh nghiệm, trải qua tháng ngày trong khung cảnh đó. Ở đây lại là cô giáo tỉnh lẻ, giữ mình trong cuộc sống mô phạm phần nào nhưng đã chọn cho mình cái nhìn độc đáo để sáng tạo. NTTV nhờ dạy kèm tiếng Anh cho giới bán bar, giới làm sở Mỹ nên có cơ hội giao tiếp, tìm hiểu mặt trái của cuộc sống làm chất liệu cho ngòi bút.

Hình ảnh Loan trong Mèo Đêm, cuộc đời bán bar của Loan như loại mèo đêm “ăn sương” với lính Mỹ. Cuộc đời cô gái vô học bước vào lầu xanh với cái tên ngoại quốc Mi-Sen, qua bao năm trong nghề với những mánh khóe điêu luyện để lột tiền lính Mỹ ăn chơi. Trong Chiếc Giường, cô gái giang hồ về chiều ế khách dùng bùa mê để có được nhiều mối ăn nằm trên thân xác nhuầy nhụa.

Lao Vào Lửa là chân dung cô nữ sinh nghèo túng, đi tìm việc trong hộp đêm, Tina chưa rành rọt với “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” nên bị chê, và cô gái giang hồ chẳng mấy chốc trở thành tay nghề.

“Một tên Mỹ cao lớn, râu ria cạo nhẵn thín, nhưng vết sẹo trên râu quai nón vẫn làm tối sầm khuôn mặt hắn. Hắn nhe răng cười mơn trớn hỏi:

- Em tên gì”

Tôi trả lời cộc lốc:

- Tina

Hắn lôi tôi vào lòng rồi đặt lên bắp đùi hắn. Bàn tay hắn sờ soạng trên trên ngực và eo của tôi. Chị Năm thường nói với tôi là tụi đàn ông Âu Mỹ lông lá như con dã nhơn, mỗi ngày cạo râu hai lần thì hành sự rừng rú chịu không nổi. Tôi sợ sệt nhìn cánh tay hắn. Hắn buông thõng tay tôi tiếp tục:

- Ngủ với tôi đi.

Tôi đưa tay lên làm hiệu:

- Mười nghìn nghe.

Hắn lắc đầu:

Mắc lắm, cưng ơi! Nếu mười nghìn thì em phải trả tiền phòng và tiền ticket”.

Trong Tiếng Hát và Chiều Mênh Mông mô tả hình ảnh người con gái lăn vào cuộc tình với nhục dục mạnh bạo làm khoái cảm thân xác. Vì vậy có sự phê phán về hiện tượng dồn nén gây ẩn ức sinh lý, gặp môi trường tác động làm chất liệu để bày tỏ.

Sau ba tập truyện ngắn, NTTV cho ra đời ba truyện dài Ngọn Pháo Bông năm 1968, Thú Hoang, 1968 và Khung Rêu 1969.

Ngọn Pháo Bông mô tả cuộc đời vũ vữ sống dưới ánh đèn màu, theo thời gian, gái làng chơi hành nghề cho Tây rồi Mỹ trải dài qua hai thập niên. Cuộc đới gái điếm lão luyện đó được kết thúc bởi tên ma cao lưu manh bắng lưỡi dao oan nghiệt.

Tác phẩm Khung Rêu do Kẻ Sĩ xuất bản vào năm 1969. Năm 1970 Khung Rêu được giải nhì Văn Chương toàn quốc (Nhà sách Văn Nghệ ở Nam California in lại năm 2000). Với Giải Thương Văn Chương, tên tuổi NTTV được nhiều cây bút đề cập, trong đó có ba tác phẩm đáng kể như Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Trịnh Công Sơn, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Thế Uyên, Thế Phong, Bùi Giáng, Võ Hồng) của Tạ Tỵ. Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1900 - 1970 (Song An, Mộng Sơn, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương) của Uyên Thao và Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta gồm 45 cây bút từ 1954 đến 1973 do Nguyễn Đông Ngạc, chủ trương nhà xuất bản Sóng, thực hiện vào năm 1974 đưa tên tuổi NTTV sáng giá. Truyện ngắn Lòng Trần cùng với hình ảnh NTTV qua ống kính của Trần Cao Lĩnh hiện diện trong tuyển tập nầy.

Khung Rêu ghi lại hình ảnh nơi quê mà trong phần tựa, NTTV viết: “Từ hồi nhỏ, tôi phải chịu đựng mốt ám ảnh thường xuyên: sự suy sụp bệ rạc của một gia đình thịnh mãn ở miền Nam. Nguyên nhân chính của sự suy sụp bệ rạc nầy thì ai cũng biết: chiến tranh... Khi khởi công viết quyển truyện nầy, tôi đặt trước cho mình một chủ định: ghi lại cái ám ảnh từ thuở nhỏ dại đó của tôi, trong ước vọng, một lần nữa, giải tỏa nó cho xong”.

Bối cảnh câu chuyện xoay quanh gia đình ông Phủ, điền chủ, quan lại, giai đoạn về hưu. Nhìn bề ngoài gia đình giàu sang nhưng bên trong từ ông Phủ đến con cái chẳng ra gì, con trai có đứa thì chơi bời trụy lạc, đứa thì dốt nát, con gái có đứa thì lăng loàng, đứa thì thất tình hóa điên, đứa thì ái nam ái nữ. Ông Phủ lắm vợ nhưng đầu óc đầy nhục dục, hãm hiếp người làm trong nhà tuổi bằng con cái... tạo ra thảm kịch, băng hoại của gia đình đến thời suy sụp.

Cho Trận Gió Kinh Thiên đề cập đến bi kịch trong đời sống vợ chồng, ông ăn chả thì bà ăn nem, mà khi nàng lao mình vào cuộc tình mới để trả thù chồng, bỏ quê về sống nơi đô hội như lao mình vào cơn gió bụi bên cạnh hình ảnh cờ bạc, đĩ điếm.

NTTV dám viết với ngôn từ, suy nghĩ của giới giang hồ, hình ảnh, động tác lẫn cảm giác của trai gái khi “lâm trận” mà trước đó chưa có nhà văn nữ nào đề cập. Túy Hồng, khuôn mặt đất thần kinh, tiếp nhận ngòi bút của Francoise Sagan trong nếp sống hiện sinh, tác động xác thịt rung động được mô tả đã ảnh hưởng vào cái nhìn của Thụy Vũ. Và, khi kề cận với giới sống gần gủi mấy chàng G.I, khai thác được nhiều khía cạnh mà cây bút nữ khác không có chất liệu để sáng tác. NTTV biết táo bạo động tác ái ân như: “làm đùng đùng như cù dậy”, “làm đùng đùng như con cá sấu đập đuôi bánh lái ghe chài”, hay chủi bới nhau bằng ngôn ngữ thô tục như: “Tam đại tứ đại, cao tằng cố tổ con đĩ mụ nội nó”, “Mầy là con đĩ ăn cám uống hèm nên ngu si đần độn”... (Cho Trận Gió Kinh Thiên) nên bị phê phán như ngòi bút khiêu dâm.

Quan niệm về sáng tác theo NTTV: “Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn quan niệm của tác giả đối với văn chương và cuộc đời. Trong ba tập truyện: Mèo Đêm, Lao Vào Lửa, Chiều Mênh Mông, hầu hết các truyện ngắn đều có cốt truyện hẳn hoi, nên tôi không được vừa ý lắm. Bởi vậy, đã từ lâu, tôi không viết truyện ngắn nào nữa, mà chỉ cắt xén vài đoạn trong truyện dài để làm truyện ngắn đăng báo mà thôi” (NĐN - NTNHNCQHCT).

Nhận định về truyện ngắn, theo Tạ Tỵ: “Thụy vũ viết truyện ngắn với nhiều thể tài, mỗi thể tài được hàm chứa sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ trong vấn đề tình yêu, cũng như nỗinhức mỏi về thân phận, thân phận người con gái với những ước mơ táo bạo về dục tình” (TT - MKMVNHN).

Dòng Đời

Nguyễn Thị Thụy Vũ sau năm 1975

Nhà văn Văn Quang, tác giả nhiều tác phẩm xuất hiện vào thập niên 50 - 70 như Thùy Dương Trang, Nghìn Năm Mây Bay, Nguyệt Áo Đỏ, Chân Trời Tím, Đời Chưa Trang Điểm, Nét Môi Cuồng Vọng, Người Yêu Của Lính, Vì Sao Cô Độc, Tiếng Hát Học Trò... gần đây với truyện dài Ngã Tư Hoàng Hôn, Bắt Tay Tử  Thần…  và Một Người Đàn Bà, Nhiều Người Đàn Ông trên nhật báo Người Việt vào đầu năm 2000, vừa gởi ra hải ngoại bài viết về con gái của bạn văn. Câu chuyện về con gái của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ: Người Con Gái 27 Năm Sống Với Đời Sống Thực Vật của Văn Quang đã gây xúc động nhiều người.


Sau biến cố thang thương năm 1975, hai mươi lăm năm, tên tuổi NTTV đã phôi pha theo thời gian, hình như tác phẩm của Thụy Vũ xa lạ ở hải ngoại. Con người sống giữa lằn ranh Quốc - Cộng đó không còn cầm bút để bày tỏ, đôi khi chấp nhận sự ngộ nhận như oan khiên của cuộc đời.

Vào đầu thập niên 90, đọc ký sự Giai Thoại Hồng của Hồ Trường An, tôi nhớ lại kỷ niệm xưa khi đề cập đến ngôi nhà người thân trong gia đình anh.

“Vào năm 1961, gia đình của cô Phương Đài tôi còn ở trong căn một căn nhỏ hẹp ở dãy đông lang của Thánh thất Từ Vân, đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận. Thánh thất thuộc bổn đạo Cao Đài ở gần chùa Quán Thế Âm, chùa do cố Hòa thượng Thích Quảng Đức trụ trì (còn gọi là chùa Mạch Lô) cùng tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ. Dãy đông lang nầy vách ván, mái lợp ngói âm dương... Cảnh trí nơi đây rất thơ mộng. Trước dãy đông lang có trồng ba cây điệp ta, những khóm dạ lan, những bụi bông trang dệt gấm đỏ, hường, vàng”.

Vài năm sau, vợ chồng Phương Đài cất ngôi nhà khá xinh phía sau dãy đông lang đó, ở chung với thân mẫu. Trong dãy đông lang đó, vợ chồng Trần Quân - Xuân Hoàng ở một căn, căn bên cạnh, bạn tôi được thuê với giá rẻ để ăn học. Thuở đó sinh viên vào Sài Gòn, đồng hương với cụ Song Thu và chị Phương Đài, được anh Tường Linh giới thiệu, có chỗ ở rất tốt cho việc học hành, muốn dạy kèm được cụ gởi gắm. Có thời gian về ở chung với người bạn nên có dip gần gũi gia đình Phương Đài. Cư xử với nhau rất tình nghĩa và tử tế, chưa bao giờ nghe luận điệu tuyên truyền nào cả. Có lần nhà thơ nầy gợi ý với tôi, Thùy Dương Tử cần bài khảo cứu cho tờ An Lạc số cuối năm, có tính cách quê hương, tôi viết bài Thực Trạng Xã Hội Trong Thi Ca Trần Tế Xương.

Cuối năm 1966 tôi vào quân ngũ, quên chuyện bài vở, sau đó bạn tôi lên Thủ Đức thăm với chút quà và tiền nhuận bút hai nghìn, tương đương với ba tháng tiền nhà ở đó, hai đứa cưa đôi. Tôi không ngờ chuyện nhờ bài vở, tôi trả lễ, khi đi xa, giữ được chữ tín... Vào đầu thập niên 70, khi ở đơn vị, nghe tin khoảng mười người trong giới văn nghệ lần lượt bị bắt, trong đó có Tường Linh, Phương Đài... vài người quen nữa mà trước kia thấy họ thường lui tới thăm hỏi với nhau. Đâu ngờ vài khuôn mặt đồng hương đã quý mến lại nằm vùng hoạt động cho địch! Thảo nào lúc đó Vũ Hạnh thường lui tới, tập thơ Đất Mẹ của Phương Đài ra đời năm 1967, Vũ Hạnh đề tựa. Giai đoạn Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Lương, Vũ Hạnh ra đời tờ Tin Văn tạo môi trường giao thiệp cho những người trong cuộc nằm vùng có cơ hội sinh hoạt, giao tiếp. Khuôn mặt nầy tôi đã đề cập trong bài Vũ Hạnh, Kẻ Hoạt Đầu Văn Hóa trên Saigon Times và Thời Mới vào cuối tháng 12 -1991.

Giữa lằn ranh Quốc - Cộng trong gia đình NTTV thuở đó: “Bà Song Thu, ba tôi, cô Phương Đài, dượng Trần Quân đều ngả theo phe tả... Tô Thùy Yên thuở đó chống Cộng có lập trường. Còn Thụy Vũ và tôi cứ lửng lơ con cá vàng giữa hai chủ nghĩa” (HTA - GTH). Sau năm 1975 Mặc Khải chẳng có chỗ đứng nào trong sinh hoạt văn nghệ, ông chết năm 1982.

Khi chiêu bài đã lộ hình, nhìn lại để suy nghiệm bài học trong văn giới.

Trong tác phẩm Cõi Ký Ức Trăng Xanh, Hồ Trường An có đề cập đến tình duyên lận đận của NTTV với chàng Hải quân khi ở Vĩnh Long. Năm 1964, NTTV gặp Tô Thùy Yên trong bữa tiệc ăn mừng của Thanh Tâm Tuyền nhân dịp đoạt giải thưởng Văn Chương toàn quốc. Tô Thùy Yên đã có gia đình, NTTV cuộc tình tan vỡ, có đứa con riêng. “Thế là từ đó Tô Thùy Yên không rời Thụy Vũ nữa. Khi chung sống với nhau, Tô Thùy Yên nhận thấy Thụy Vũ quê quê, vulgaire thế nào, anh muốn biến chị tôi thành người đàn bà phong nhã, lịch lãm” (HTA - GTH).

   Tô Thùy Yên

Căn gác của đôi tình nhân nhà thơ, nhà văn qua bài viết Lịch Sử Văn Học Qua Ống Kính của Trần Công Nhung khi thực hiện chân dung văn nhà văn bằng hình ảnh: “Tôi nhớ mang máng thì dạo đó nhà của Tô - Thụy cũng không xa nhà cụ Vũ Hoàng Chương, đâu lối Bàn Cờ, bởi cũng vào hẽm quanh co. Lúc nhận ra số nhà, tôi thấy ngay người đàn bà đang ẵm một cháu bé trạc 2 tuổi đang đứng nơi bậc cửa... Khuôn mặt chị luôn luôn tươi, mước da không trắng lắm nhưng đẹp và phảng phất nét cổ điển... Căn nhà tối quá, con hẽm thì hẹp... Bởi chu vi căn nhà không rộng nên cái cầu thang cũng quá hẹp. Đi phải nghiêng người mới vừa. Tôi chậm chạp từng bước vừa cúi nhìn chân sợ lỡ trượt một cái là hỏng hết. Vừa ló đầu qua khỏi cửa thang gác thì một cảnh tượng bất ngờ đập vào mắt, khiến tơi vừa mắc cở, vừa buồn cười. Căn gác trống trơn, ở góc bên trái có cái rương gỗ cũ bằng chiếc bàn con. Ngang tầm mắt, căng hai sợi giây kẽm phơi đầy những thứ riêng tư của nữ giới... Tôi nghe như có tiếng cười khe khẽ sau lưng. Làm như không hay biết gì tôi ngồi quì xuống sàn gác, đăït xách máy lên chiếc rương gỗ giả vờ sửa soạn đồ lề để chị có thời giờ thu dọn chiến trường. Chừng một lúc, tôi đứng lên thì tất cả cờ quạt đã dồn về một phía. Chiếc cửa sổ duy nhất được mở ra, căn phòng sáng hơn... ánh sáng bán âm bán dương rất hợp với khuôn mặt của chị. Chưa đầy năm phút là xong, tôi xin cáo lui”.

Trong căn gác nghèo nàn đó NTTV đã cho ra đời nhiều tác phẩm được hình thành trên cái rương gỗ làm bàn. Giữa năm 1972 khi làng Báo Chí Thủ Đức được hoàn thành, NTTV là một trong chín người đầu tiên có nơi chốn khang trang giữa nơi qui tụ văn nghệ sĩ.

Tháng 6 - 1975 Tô Thùy Yên trình diện trong số 24 nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ quân đội, và trải qua nhiều năm trong lao tù. “Sau ngày 30 - 4 - 75, chị tôi đem lũ con lên Lộc Ninh để làm rẫy. Nhưng vì tôi kỳ kèo nên chị phải về Sàigòn để học khóa Bồi Dưỡng Chính Trị vào năm 1976 do bọn cán bộ văn nghệ cộng sản tổ chức... Qua màn tự phê tự kiểm, Thụy Vũ mệt lả người, trong khi đó chị Nguyễn Thị Vinh, chị Trần Thị Tuệ Mai vây chung quanh chị, mắt chị nào cũng nhòa lệ; cái thân phận làm kẻ bại trận thật nhục nhã, ê chề” (HTA - GTH). Là nữ lưu nhưng NTTV không cúi mình kể lể, lấy công như vài "văn nhân" khác để được chỗ đứng, khoan hồng.

An phận thủ thường, nuôi bốn đứa con thơ, trong đó có bé Khôi Thụy bị thương tật nằm liệt trên giường, theo chuyện kể của BBH, bạn văn với NTTV, lúc đó bác sĩ bảo rằng Khôi Thụy khó sống trong hoàn cảnh nầy, giải quyết cho cháu yên nghĩ nhưng tình mẫu tử của NTTV không thể chấp nhận, sống chết bên nhau cho dù đắm chìm trong nghiệt ngã. Theo hồ sơ bệnh lý của bệnh viện Chợ Rẫy và Hội đồng Y Khoa năm 1982: “Khôi Thụy chậm phát triển và tâm thần mức độ nặng”, trên thực tế thì tình trạng còn nguy kịch hơn nhiều.

Từ trái sang phải: Bà Ngân (vợ Văn Quang) và Thụy Vũ
(Ảnh chụp năm 2010) 

Qua một phần tư thế kỷ NTTV sống lặng lẽ với bao nỗi đau thương trong cuộc đời nơi góc chốn ở quê nhà. Hai mươi lăm năm người mẹ gắn bó bên đứa con tật nguyền qua chứng nhân của người bạn văn:" Trong căn phòng nhỏ hẹp, trên chiếc giường lạt tre thưa thớt, một thân hình con gái trắng nhễ nhại với chiếc quần cụt, chiếc áo thun ngắn tay nằm ngay đơ trên chiếc chiếu chỉ trải có nửa giường. Bởi đó là nơi cháu vừa ăn ở, vừa đi vệ sinh, vừa làm chỗ tắm... Cháu không hề biết mình sống hay chết, không biết đói no, không biết gì hết ngoài hơi thở của con người” (Văn Quang).

Hình ảnh thương tâm của cháu Khôi Thụy làm bằng hữu phương xa nghĩ lại thân phận nhà văn NTTV ở quê hương. Văn Quang cho tôi biết Thái Thủy và Phan Ngọc Diên sắp cho tái bản hai tác phẩm Mèo Đêm và Khung Rêu của NTTV.

Trong truyện ngắn Đêm Tối Bao La, NTTV viết về hình ảnh người đàn bà: “Sau vài cuộc tình phất phơ, bây giờ tôi mệt mỏi thật sự. Tôi bất chấp dư luận để sống mà rồi vẫn cô đơn... Chàng nhạt nhẽo quá. Tôi lại mơ cao để rồi số tuổi càng ngày chồng chất theo nỗi chán chường”.

Cầm bút, đôi khi cảm nhận điều gì đó đến với mình qua từng nhân vật có khi rơi vào trường hợp bản thân đến tuổi cuối đời.

Vương Trùng Dương
Little Saigon, Tháng 5-2000
Viết lại Tháng 9-2014 (bổ túc thêm đoạn NTTV nói về thân phụ với Đỗ Tăng Bí)