Friday 1 May 2015

30 tháng 4 - Mỹ Nga


“Trẻ không kính già,
Trò không trọng thầy,
Quan kiêu, tướng thoái,
Tham nhũng tràn lan,
Sĩ, phu ngoảnh mặt,
Xã tắc lâm nguy”.

Đó là tình trạng của nước Việt Nam ngày nay, chẳng khác gì tình trạng xã hội thời vua Lê chúa Trịnh ngày truớc mà Lê Quý Đôn đã lên tiếng cảnh giác.

Ở Sai Gòn, mỗi khi cờ giăng ngập lối, các loại hoa bày ra ngoài đường, hoặc treo giăng lên cây hay một số nhà mua về cắm chưng thì đoán biết được là ngày trọng đại cần ghi nhớ, đó chính là ngày 30.4.1975. Một số người đi theo cách mạng lâu năm, thấu hiểu những chiêu trò mà các nhà cầm quyền bày ra để bịp nhân dân thì chán chường với cái kiểu kỷ niệm này rồi. Bởi những lúc như thế này thì những con người tham lam có trong hàng ngũ của đảng lại tha hồ rút ngân quỹ của nhà nước để bỏ túi, kiểu gian lận tiền bạc như thế này không còn là sự xa lạ với nhiều người dân trên cả nước nữa.

Những người tôn thờ bác Hồ, yêu cách mạng và tôn thờ những vị anh hùng dân tộc vẫn thường đem lòng kính trọng của bản thân để chia đều, do vậy thời nào không quan trọng, miễn họ được sống trong cảnh thanh bình không bom rơi đạn lạc là họ thấy hạnh phúc rồi, dẫu có chút oan ức trong cuộc đời thì họ vẫn cam chịu chứ không có ý phản kháng hay lên tiếng cho sự công bằng. Đối với lớp người này thì ngày 30.4 vô cùng có ý nghĩa với họ. Thậm chí họ còn bày tiệc ăn mừng và gọi họ hàng bè bạn đến cùng chung vui.

Tầng lớp tri thức thì vốn chia ra nhiều loại, bởi tính cách của mỗi người là mỗi khác nên việc nhận thức đúng sai hay việc bày tỏ quan điểm riêng cũng khác nhau. Vì thế cho nên họ mừng vui, buồn đau hay có biểu hiện nào khác thì cũng do chính cuộc sống họ quyết định. Mà cuộc sống thì có quá nhiều điều liên quan như: cơm, áo, gạo, tiền, địa vị, v.v… Trừ những tri thức có lòng tự trọng mới dám nói thẳng và nói thật bởi họ không muốn sống quỳ lụy mãi. Chỉ có dân lao động chân chính, dũng cảm và thẳng thắn thì luôn chọn giải pháp công bằng nhất cho lời nói và hành động của mình, họ cũng chẳng có gì để mất nên lòng tự trọng có khi cao hơn tất cả, và cũng chính họ là khởi nguồn cho mọi đấu tranh cho dù bị dập tắt ngay sau đó.

Một số học sinh sinh viên thời buổi bây giờ cũng đã nhận định lại được phần nào biến cố lớn lao này của đất nước, bởi thế nên sự tuyên truyền chẳng những không được hưởng ứng mà còn phản tác dụng. Thậm chí có nhiều sinh viên còn tham gia biểu tình phản kháng chế độ.

Nhìn thoáng qua thì Sai Gon nói riêng và cả nước nói chung, ít nhiều cũng giải bày tâm sự vào ngày này bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, ngó kỹ thì sau 40 năm được hòa bình độc lập, người dân nghèo vẫn cứ nghèo, bất công vẫn cứ bất công, đau buồn vẫn cứ đau buồn, những chém giết ganh đua và nhiều chuyện mất nhân tính vẫn cứ xảy ra. Rồi cả những phũ phàng trong mọi mặt, từ giáo dục đến y tế, hầu hết các bộ ngành đều thối rữa, hối lộ và lạm phát lên ngôi, đồng tiền chỉ đạo mọi thứ, mọi công lý dường như đã chấm hết trên đất nước vốn đã từng xinh đẹp trong lịch sử cách đây mấy ngàn năm. Vậy thì giải phóng để làm gì? Một câu hỏi mà có rất nhiều người vẫn băn khoăn không biết nên trả lời như thế nào.

Vài năm trước, có lần tôi tình cờ gặp một cựu chiến binh miền Bắc, lúc ấy đang là giám đốc của một hãng taxi nổi tiếng tại tỉnh Bắc Ninh. Hôm ấy có những người làm truyền hình đến phỏng vấn ông. Người đàn ông gần 60 tuổi đó kể rằng: “Tôi là một anh nuôi trong thời kháng chiến, họ hô hào là phải tiến về miền Nam để giải phóng cho nhân dân khỏi cảnh áp bức. Nhưng khi vào tới nơi, thấy dân họ sống sung sướng thế mà giải phóng cái gì không biết nữa. Nhân dân giàu có, sung túc, lịch lãm, yêu đời. Tự nhiên lúc đó tôi thấy mình đã nhầm về lý tưởng của đảng cộng sản.” Thế nhưng đoạn này chỉ được đăng trên báo mạng trong một thời gian ngắn rồi bị gỡ ra ngay vì bị kiểm duyệt.

Những thành phần không nằm trong số kể trên, hầu như cũng chẳng ai vui sướng gì với ngày này cả. Chẳng qua bây giờ thời thế cứ biến chuyển như vậy mà không có người hùng nào thực sự đứng ra, dù thời này có lẽ loạn nhất trong mọi thời. Và ngày 30 tháng 4 hàng năm nên coi là ngày buồn thảm và tiếc thương thì đúng hơn. Tiếc cho một đất nước đẹp, hiền hòa nhưng lại bị những kẻ hèn kém, bất tài lên cầm quyền. Bây giờ Trung Quốc mỗi ngày một lấn áp nhưng chẳng có người lãnh đạo nào dám làm lớn chuyện, một mặt thì để họ chiếm đảo Gạc Ma (Trường Sa) mà không cho lính ta đánh trả lại, mặt khác thì mở rộng cửa để họ được tự do ra vô nước ta không cần hộ chiếu.

Người Tàu hiện nay đang có mặt ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, từ việc mướn đất dài hạn để trồng rừng nơi các tỉnh biên giới, tới việc trúng thầu khai thác hay xây dựng lại không biết bao nhiêu cứ điểm quan trọng của đất nước. Một số người rất giỏi tiếng Việt, họ nói chuyện với người Việt mà người mình lại không hề nhận ra họ là người Tàu. Một lần tôi tiếp xúc với một người đàn ông nói giọng Hà Nội rất thông thạo, cho đến khi câu chuyện của chúng tôi có dính líu về chính trị thì người đàn ông đó bộc bạch, đại ý là người Trung Quốc chúng tôi nếu có coi Việt Nam là quê hương thứ hai thì cũng hoàn toàn có lý, bởi chúng tôi làm ăn ở đây, thấy mọi việc thuận lợi, thậm chí có thể làm giàu được. Và nếu chính phủ của nước nào muốn phô trương sức mạnh của mình thì cũng phải có lý do gì đó ẩn sau những việc mà người Việt Nam bình thường không thể hiểu được. Do vậy những gì mà báo chí hay chính phủ Việt Nam kêu gào đòi bảo vệ chưa hẳn đã hoàn toàn đúng. Tóm lại trong cuộc nói chuyện đó, người đàn ông Trung Quốc như muốn nhắn nhủ với tôi và mọi người rằng: “Tương lai tốt đẹp của dân tộc Việt Nam không cứ phải do chính người Việt cầm quyền. Lãnh đạo là ai không quan trọng, quan trọng là người đó lãnh đạo như thế nào.” Lúc ấy tôi không khỏi cảm thấy rất phân vân và chạnh lòng khi thấy những người dân thường đứng chung quanh lại đồng ý với sự giải bày ấy, gật gù cho rằng người này phân tích khá đúng đắn và rõ ràng quan điểm của Trung Quốc. Đành rằng người dân thường "ba phải" vì họ sợ chiến tranh lại xảy ra, lại những người nằm xuống, lại đổ máu, thịt nát xương tan nên cũng phải thông cảm với họ. Nhưng nếu từ kẻ lãnh đạo tới người dân đều hèn nhát trước sự lấn át của xứ Tàu thì ngày Bắc thuộc chắc không còn xa.

30 tháng 4, bên cạnh những vui sướng của nhóm cầm quyền là những nỗi khổ triền miên của phần lớn dân chúng, vậy hai từ “giải phóng” có giá trị gì? Giải phóng dân miền Nam khỏi "ách kèm kẹp bốc lột của tư bản" mà chi, chỉ thấy dân ngày càng khổ hơn, giải phóng đất nước khỏi tay "Mỹ Ngụy" để rồi lại rơi thẳng vào tay Trung Quốc?

MN 2015