LỜI NÓI ĐẦU: Trung tuần tháng 11, năm 2012, tôi đến Sài Gòn Nhỏ, Nam California, thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn cộng sản ở Hoa Kỳ, gặp lại những bạn đồng khóa trong Ban Chấp hành Hội ái hữu Cựu SQTB Khóa V–Vì Dân Thủ Đức-Đà lạt. Các bạn ủy nhiệm cho tôi viết một bài cho quyển Kỷ Yếu của Khóa về cuộc chiến cũ trên quan điểm khách quan,“đứng ở vị trí cao hơn bên này hay bên kia, từ đó nhìn xuống viết sao cho trung thực và vô tư về cuộc chiến đó.” Điều này quả thật... đáng suy gẫm và các bạn tôi thực sự đáng được khen ngợi. Nếu chỉ mang tâm sự của một chứng nhân mà viết thì cũng không chắc viết được những dòng vô tư huống chi tôi là một nạn nhân trực tiếp –cũng như rất nhiều bạn đồng khóa- bị bên kia vùi giập trong lao tù hơn một thập niên vì đã từng cùng với hàng triệu chiến hữu bên này cầm súng chống lại những người bên kia tuyến. Nếu viết trên cương vị của một người biên khảo, đứng ngoài hay đứng trên, như các bạn yêu cầu thực là không dễ. Tuy nhiên, tôi xin nhận vì cho rằng việc làm này là bổn phận của một sinh viên thuộc một khóa huấn luyện SQTB được gọi là Khóa Vì Dân; hơn nữa, tôi còn là một chứng nhân cũng là nạn nhân của cuộc chiến tang điền thương hải đó. Tôi mong mỏi nói lên sự thật cho thế hệ tương lai Việt Nam trong nước và ở hải ngoại hiểu rõ hơn về thế hệ của chúng tôi. Tôi đã thức nhiều đêm để suy gẫm viết làm sao cho thật trung thực, mặc dù trước đây nhiều năm khi có dịp viết một quyển sách về Chiến tranh Việt Nam bằng Anh ngữ tôi đã giữ sự trung thực và vô tư ở mức độ cao. Tôi mong mỏi sẽ chu toàn lời hứa với các bạn đồng môn trong bài này.
Vĩnh Định Nguyễn văn Dưỡng
Bút danh Văn Nguyên Dưỡng
SVSQ TĐ8/ĐĐ2/BB/Khóa V-Vì Dân/Thủ Đức
I. ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI
Đất nước Việt Nam nằm trên ven bờ Thái Bình Dương chiếm vị trí chiến lược quan trọng trong vùng biển lớn này và là cửa ngõ của vùng Đông Nam Á Châu. Vì ở phía nam một nước Trung Hoa khổng lồ luôn luôn theo Chủ nghĩa bành trướng, nên con người Việt Nam, từ nghìn xưa, đã chịu nhiều thử thách điêu đứng để trường tồn. Ở thời điểm cận đại và hiện đại, với vị thế chính trị địa dư chiến lược đó, đất nước và con người Việt Nam không thể thoát được sự tranh chấp của các thế lực lớn lao Đông Tây, nên đã và sẽ còn nhiều gian khổ khôn lường.
Dù đứng trên quan điểm nào, khi viết về cuộc chiến ba-mươi-năm của thế kỷ trước, người Việt có lương tâm sẽ không khỏi chạnh lòng thương cảm về một giai đoạn lịch sử mà cả dân tộc đã đắm mình trong máu lệ và khói lửa lan tràn trên mọi nẻo đường, trong mọi thôn xóm, làng mạc, trong mọi phố phường hay thành thị. Xa ở tận biên thùy Việt Bắc, tận rặng dãy Trường Sơn, tận vùng đất mũi Cà Mau. Gần ngay ở giữa cố đô Hà Nội, giữa kinh đô Huế, và giữa tân đô Sài Gòn. Ở đâu cũng có chiến tranh. Ở đâu cũng có dấu vết của tàn phá. Ở đâu cũng chỉ thấy giết chóc và hủy diệt, thương tâm và đau khổ. Là chứng nhân và nạn nhân của cuộc chiến đau lòng đó, chúng tôi, hàng trăm ngàn chiến sĩ miền Nam đã ngậm ngùi chôn vùi kiếp sống như con vật lao động trong tận đáy ngục tù ở núi rừng Việt Bắc trong thời gian dài sau khi đã chôn vùi tuổi thanh xuân cho một cuộc chiến không biết sẽ đưa dân tộc và đất nước đi về đâu... Người ta nói quá nhiều trong tai chúng tôi về độc lập, về tự do và hạnh phúc. Dĩ nhiên thế hệ chúng tôi đã không tìm được những chiếc bánh tưởng chừng như thơm ngon đó. Toàn là bánh vẽ. Chúng tôi đã không bao giờ tìm thấy hay được hưởng hạnh phúc thực sự của những con người trên một đất nước có thanh khí và ánh sáng. Cuộc chiến diễn ra dài dẵng. Chỉ có sát khí đằng đằng, khói lửa trùng trùng và máu lệ tuôn trào thuở ấy.
Chúng tôi không tin rằng đã đếm đủ bao nhiêu lớp người của thế hệ chúng tôi đã khóc. Những con dân đau khổ của miền Bắc khóc nhiều lắm. Đó là những ông bà mất cháu, những cha mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những trẻ thơ mất mẹ cha, những người tình mất nhau... Họ đã biết bao lần nhìn về miền Nam mà tìm hình bóng người thân trên núi rừng thăm thẳm của các con đường mòn Trường Sơn, ở Tây Nguyên, ở Bình Trị Thiên, ở Nam Bộ; hay ở Lào, hoặc ở Miên? Mắt họ đã tràn lệ ngóng trông, lòng họ đã mỏi mòn nhớ nhung, chờ đợi... những con người “sinh bắc tử nam”... đã ra đi và đã mất. Mất cả thể xác lẫn linh hồn ở những chiến trường xa xôi đó. Người ra đi đã trở thành những liệt sĩ, đem xương cốt mà đắp phù đồ cho Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN).
Chúng tôi cũng đã nhìn thấy không biết bao nhiêu con dân miền Nam với những dòng nước mắt đầm đìa trong suốt nhiều năm. Họ là các đấng sinh thành, là quả phụ cô nhi, là anh chị em, bạn bè hay là người yêu của những chiến sĩ miền Nam. Những chiến sĩ này đã hy sinh ở khắp chiến trường miền Nam. Ở biên giới, trên cao nguyên, dưới duyên hải, ngoài biển cả, trong núi rừng, đồng ruộng, nương rẫy, thôn xóm, thành thị, phố phường. Ở khắp nơi. Ở Cam Lộ, Pleime, ở Đồng Xoài, Bình Giả. Ở Quảng Trị, Thừa Thiên, ở Pleiku, Kontum! Còn ở đâu và ở đâu nữa? Buôn Mê Thuột hay Phước Long? Tây Ninh hay An Lộc? Long Khánh hay Sài Gòn? Chương Thiện hay Cà Mau? ở đâu mà máu người không đổ! Những chiến sĩ miền Nam này, thoải mái và ước mơ nhiều hơn, cho rằng cuộc chiến này là để bảo vệ chế độ tự do của miền Nam hay ít ra vì... mắt họ đã từng nhìn thấy những người bên kia mang nhãn hiệu “giải phóng” cầm súng giết hàng nghìn người vô tội, bất kể người già, đàn bà và trẻ con ở Huế --Tết Mậu Thân-- hoặc dùng đại pháo bắn banh xác nạn nhân trên các con đường chạy giặc, mà động mối thương tâm, mang hùng khí mặc áo trận vào người? Vâng, khi nhìn vào kinh thành cũ thấy xương người vô tội chất cao bằng đầu và thấy trên các con đường đó máu đã chảy tràn lộ loang sông, thây đã phơi mãng địa... lòng dạ nào không đau xót! Những chiến sĩ này là những con người biết yêu, ghét, buồn, thương như những cán binh Trường Sơn. Chỉ khác hơn là biết đầu ngọn súng... chĩa về đâu... Họ không là những tấc sắt bị hút vào chiến trường. Nhưng ở chiều sâu của cuộc chiến nhiêu khê đó, họ đã mặc nhiên thành những “chiến sĩ dung nham” như một nhà thơ lớn miền Nam đã nói.
Thực ra, có thể nói hầu như tất cả những cán binh miền Bắc hay chiến sĩ miền Nam đều là những người yêu nước. Họ đánh nhau vì tấm lòng yêu nước đó đã bị... lợi dụng tạo nên chiến cuộc mà chính họ không hề muốn. Và rồi nạn nhân của cuộc chiến đó là con số không thể kiểm kê nổi, dù ở miền Bắc hay miền Nam. Quá nhiều. Hàng triệu... triệu con người. Chúng tôi, người Việt Nam trong thế hệ chúng tôi chiến đấu bảo vệ đất nước và đã trở thành những con người chịu đựng tất cả nỗi đau của kiếp người trên mảnh đất đầy thương yêu nhưng cũng đầy bất trắc đó, nơi đã có những bậc đại anh thư những bậc đại anh hùng và còn biết bao người nữa cầm vũ khí chống giặc từ những vị vua, quan, sĩ phu, lãnh tướng đến những nông dân áo vải, từ thày giáo đến học sinh. Họ sẵn sàng quên sự nghiệp, quên gia đình và hy sinh bản thân khi cần thiết. Họ thản nhiên ra pháp trường như một Nguyễn Thái Học, một Phó Đức Chính, những ai và những ai nữa. Kẻ thành công, người thất bại nhưng người dân Việt yêu nước không ai có thể quên lời hịch tựa như lời sấm truyền “Nam Quốc Sơn Hà”... đầy hùng khí như một tuyên ngôn về chủ quyền dân tộc trên lãnh thổ của mình hay quốc sách tối thượng giữ nước ghi rõ trong Bình Ngô Đại Cáo hùng lược mà nhân hậu, thể hiện tinh thần dũng liệt với trái tim cao cả yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam. Từ nghìn trước dân tộc Việt đã là như thế. Đến nghìn sau, dân tộc Việt sẽ cũng vẫn như thế, không bao giờ thay đổi.
Đất nước và con người Việt Nam sẽ trường tồn vì chúng ta thừa hưởng những truyền thống quý báu của tiền nhân: hùng lược không thua một dân tộc nào mà nhân hậu hơn nhiều dân tộc khác.
Thời gian trong hơn một thập niên gần đây, không ít học giả và sử gia ngoại quốc có tầm nhìn xuyên suốt cho rằng Chiến tranh Việt Nam 1945-1975 không là chiến tranh giành độc lập cho Việt Nam do người Việt chủ động; ngược lại, đó là một cuộc chiến mang tính “ý thức hệ”. Trong khi đó thì tất cả những người cầm súng Việt Nam nghĩ rằng mình chiến đấu vì độc lập và tự do cho đất nước; vì tình yêu tổ quốc. Nhiều nhà nghiên cứu và biên soạn Việt Nam chân chính đồng ý với quan điểm trên đây nhưng cho rằng nếu đó là cuộc chiến “ý thức hệ” thì các thứ “hệ ý thức” đều do các thế lực lớn mạnh ngoại bang mang vào... áp đặt trên con người của đất nước mình, buộc phải theo như một cưỡng chế không chống lại nổi. Tiếc thay, thế hệ chúng tôi lắm người không hiểu hết sự vận chuyển của lịch sử thế giới và của đất nước. Hoặc có hiểu biết nhưng bất lực trước sự vận chuyển đó! Bởi vì những gì mà đại đa số những người bình thường như chúng tôi đã nghĩ và đã làm là không tự chúng tôi muốn mà bị buộc phải nghĩ và phải làm bởi các cấp lãnh đạo và các... lãnh tụ, mặc dù không ít người trong chúng tôi có thể nghĩ khác hơn. Chính cấp lãnh đạo và lãnh tụ Việt Nam --theo cách nói của từng miền-- là những người không đủ tri thức lãnh hội sự vận chuyển lớn lao này nhưng có đủ... bản lãnh để dẫn dắt chúng tôi vào cuộc chiến thảm hại như nó đã diễn ra. Nhất là cán, chính, binh và quần chúng miền Bắc bị thúc bách theo từng bậc của hệ thống chính trị Đảng bộ CSVN. Đứng trên tất cả là những lãnh tụ đảng.
Trong giai đoạn lịch sử đó, Việt Nam không có một tầng lớp lãnh đạo và lãnh tụ thực sự xứng đáng. Và nếu có, những vị này cũng đã nhanh chóng bị loại ra khỏi quỹ đạo vận hành của các thế lực cực mạnh của thế giới va chạm nhau vì quyền lợi của họ. Đã có những lãnh đạo và lãnh tụ tưởng mình đã tạo lịch sử trong khi vẫn biết, hay không biết, chính những thế lực này tạo nên họ và cho họ một thế đứng trong chế độ mà các thế lực này dựng nên. Tất nhiên, trừ thế hệ trẻ trong nước sinh sau khi chiến tranh chấm dứt, và đa số những người còn quáng-gà mù mờ nào đó của bên thắng cuộc, nếu là người VN ở mọi nơi trên địa cầu ai cũng nhận ra những thế lực khuynh đảo thế giới ở thời điểm đó là những thế lực nào và thứ “hệ” ý thức mà họ đưa vào...“hấp” cấp lãnh đạo và lãnh tụ VN để những người này...“thụ” rồi thực hiện trên dải đất chiến lược của dân tộc Việt Nam là những thứ “hệ” tư tưởng nào rồi.
Nếu nói rõ ràng hơn, những thế lực --thường được gọi là các cường quốc mạnh về chính trị, quân bị và kinh tế Đông, Tây, ở thời điểm đó-- như là Nhật, liên quân Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ-Quốc Dân Đảng Trung Hoa (QDĐ/TH), Liên-bang Xô-viết Nga, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ), và thế lực thực-dân-hầu-tàn là Pháp --đã trở lại Việt Nam sau Đệ II Thế Chiến. Cuộc chiến từ Mùa Thu năm 1945 trên đất nước Việt Nam trở đi, được những trí thức chính trị và những sử gia có uy tín thế giới cho là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm [a mandate war] nếu không nói nôm na là một cuộc đánh mướn [a proxy war] của lực lượng địa phương cho “Chủ nghĩa Cộng sản Quốc tế” (CSQT) đang bành trướng giành đất đai và thị trường, va chạm mạnh vào sự che chắn quyền lợi lãnh địa và kinh tế của khối Thế giới Tự do (TGTD-Free World) ở Âu Châu lẫn Á Châu. Ở khắp nơi. Ở đây chúng tôi không đề cập đến Liên Xô đã chiếm lãnh thổ của các nước lận cận làm lãnh thổ của mình và nhuộm đỏ cả Đông Âu sau Thế Chiến Thứ II và tiến sang Á Châu. Nhiều người gọi là Cộng sản Quốc tế (CSQT). Một khi CSQT vào Lục địa Trung Quốc, nhất định sẽ lấn xuống Đông Dương, Đông Nam Á và mon men ra Nam Thái Bình Dương. Chiến tranh Đông Dương ở thời điểm đó là một thế chiến thu hẹp trên phạm trù “ý thức hệ” trong vùng lãnh địa chiến lược này, quan trọng nhất là Việt Nam. CSTQ thành công và lập chính phủ trên lục địa rộng lớn này, nhất thiết chiến tranh vùng đất chiến lược Việt Nam tất sẽ phải diễn ra dữ dội hơn và bản chất “proxy war” lộ diện rõ ràng hơn. Và nó đã diễn ra. Đây mới chính là bản chất chính của Chiến tranh Việt Nam.
Lãnh tụ và lãnh đạo Việt Nam của “cuộc chiến ủy nhiệm” này là những ai theo các dấu mốc thời gian; và, chế độ họ dựng nên theo các quan thầy Cộng sản và khối Tự do trên các miền đất nước Việt Nam diễn tiến như thế nào? Xin viết như một tham luận hay như một bài luận sử ngắn của một chứng nhân với ít kinh nghiệm và nhận định riêng.
II. CÁC THẾ LỰC ỨC CHẾ
VÀ SÁCH ĐỘNG CHIẾN TRANH
Thứ nhất, Thế lực Thực Dân Pháp:
Các thập niên sau của Thế kỷ XIX ba nước Đông Dương Việt, Miên và Lào là thuộc địa của thực dân Pháp. Riêng chế độ thuộc địa Việt Nam được ấn định rõ trong Hiệp ước Patenote 1884 ký kết ngày 6/6/1884 giữa Pháp và Triều đình nhà Nguyễn. Việt Nam bị Pháp chia ra làm ba “kỳ”: Nam Kỳ Tự Trị, Trung và Bắc Kỳ bảo hộ.(1) Nhà Nguyễn vẫn giữ ngôi vị và chế độ quan quyền của triều đình vẫn tồn tại ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ nhưng quyền chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế và hành chánh Pháp nắm toàn bộ. Thực dân Pháp đã đào tạo nên một lớp người mới trải nhiều thế hệ phục vụ cho họ. Dĩ nhiên tinh thần yêu nước dẫn đến những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc diễn ra trong suốt tám mươi năm mất chủ quyền khởi đi từ các vua, các quan đàng cựu, các lãnh tướng, sĩ phu, các nhà cách mạng, sinh viên học sinh, binh lính và quần chúng nông dân Việt Nam từ Bắc chí Nam. Tất cả đều bị Pháp đàn áp và triệt hạ, dù là các cuộc nổi dậy công khai hay hoạt động tiềm ẩn của các hội kín. Hội kín là các đảng cách mạng của người Việt quốc gia lẫn người Việt cộng sản (do CSQT đào đạo trước và trong Đệ II Thế Chiến). Trong các thập niên đầu Thế kỷ XX, hầu hết các lãnh tụ các Đảng Cánh mạng Việt Nam đều được Chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Hoa bảo trợ và cho lưu trú trong lãnh thổ. Một số nhà cách mạng khác ở Nhật và một số ít ở các nước Âu châu.
Trong Đệ II Thế Chiến, thế lực thực dân Pháp ở Đông Dương bị Nhật khống chế, rồi đảo chánh. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau khi Nhật đầu hàng, lực lượng viễn chinh Pháp đã trở lại. Chiến tranh Việt Nam bắt đầu...
Thứ hai, Thế lực Nhật Bản:
Nước Nhật, một thế lực mới ở Thái Bình Dương, có một quân đội hùng cường, kỷ luật cao, tận trung với Nhật Hoàng, trang bị vũ khí hiện đại và các hạm đội hải quân tân tiến --với sách lược “Đại Đông Á”-- chẳng những muốn làm bá chủ vùng trung và nam Thái Bình Dương rộng lớn mà còn muốn chiếm đóng và thu thập tài nguyên của cả Á Châu trù phú.
Ngày 7/12/1941 Nhật đột ngột tấn công Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ (trên đảo Oahu, quần đảo Hawaii, thuộc Hoa Kỳ) gây chiến với Hoa Kỳ, trở thành một trong ba thế lực phe “Trục”--Đức-Ý-Nhật. (2) Trong ba năm, từ tháng 1/1941 đến tháng 1/1943, Nhật chiếm một số quần đảo quan trọng ở vùng trung và nam đại dương này, đánh nhau dữ dội với lực lượng Hoa Kỳ và các đồng minh địa phương ở các vùng đó và tấn chiếm Phi Luật Tân, Nam Dương, Bornéo. Xa hơn về phía Nam, tấn công lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông: Singapore và Mã Lai; chiếm nhiều vùng đảo chiến lược khác ở nam Thái Bình Dương và tiến sang Ấn Độ Dương. Trên Lục địa Đông Á Châu, đánh chiếm Mãn Châu, Đại Hàn, miền bắc Trung Hoa, quân CSTQ của Mao Trạch Đông rút sâu vào Tây An và Thiểm Tây. Quân QDĐ/TH của Tưởng Giới Thạch rút xuống Tứ Xuyên và Vân Nam. Ở Đông Nam Á, Nhật chiếm Thái Lan, ép chính phủ Pháp ở Đông Dương ký thỏa ước để Nhật được tự do chuyển quân trên toàn lãnh thổ thuộc địa này, sử dụng tất cả phi, hải cảng Việt Nam, và đặt Bộ Tư lệnh “Vùng Chiến Lược Tài Nguyên Nam Á Châu” [The Strategic Southern Resources Headquarters] của Thống Chế Terauchi --Field Marshal Hisaichi Terauchi, tướng soái của tất cả lực lượng Nhật vùng Nam Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á-- tại Sài Gòn.(3)
Đầu năm 1944, Nhật mở cuộc tấn công lớn thứ hai trên Lục địa Trung Hoa. Cánh quân phía đông bắc gồm hơn 820,000 quân tấn công tuyến Dương Châu và Hán Khẩu, cắt toàn bộ các tuyến tiếp vận tàu hỏa miền đông bắc Trung Hoa vào Trùng Khánh. Ở phía đông nam, hai cánh quân trên 300,000 quân từ đảo Hải Nam tiến đánh Nam Kinh và từ Bắc Việt tiến đánh Quảng Đông.(4) Một cánh quân lớn khác tấn công quân Đồng Minh Anh-Ấn-Miến và Hoa Kỳ-QDĐ/TH ở Miến Điện (Burma). Cuối năm 1944, Nhật cắt đường tiếp vận của Đồng Minh từ Miến Điện vào Côn Minh, lực lượng của Tưởng Giới Thạch giữ Côn Minh đến Trùng Khánh. Tuyến phòng thủ đông nam từ Liêu Châu, Nam Ninh đến Lào Kay, biên giới Việt-Hoa.(5)
Với sách lược Đại Đông Á, với tham vọng làm chủ Thái Bình Dương, Lục địa Trung Hoa-- lẫn vùng Đông Nam Á, và các quốc gia khác thuộc địa của Anh, Hoa Kỳ và Hòa Lan... tất nhiên Nhật, dù hùng mạnh, cũng lâm vào thế va chạm với nhiều thế lực: Hoa Kỳ-Anh và các đồng minh ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nguy hiểm nhất là Nhật đã đối đầu với thế lực Hoa Kỳ đang phát triển mọi mặt: một sách lược chính trị “liên minh quân sự chặt chẽ” trong Thế giới Tự do và một hoạch đồ tạo dựng thế hệ vũ khí mới dựa trên khoa học kỹ thuật tân tiến nhất. Liên Xô cũng chuẩn bị tham chiến trong khối Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ ở Mãn Châu.
Thứ Ba, Thế lực Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ:
Tư lệnh Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông kiêm Tư lệnh Tối cao Đồng Minh “Vùng Chiến trường Ấn Độ-Miến Điện-Trung Hoa” (Supreme Commanding General of the China-Burma-India Theater) là Đô đốc Sir Louis Mountbatten, lúc đó đặt Bộ Tư lệnh ở Ấn Độ. Tư lệnh phó vùng chiến trường này, trên danh nghĩa, là Trung tướng Hoa Kỳ (Lieutenant General) Joseph W. Stilwell, được Washington đưa sang Trung Hoa làm Tham Mưu Trưởng cho Thống chế Tưởng Giới Thạch từ tháng 3/1942 và là Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở đó. Sau khi quân Nhật chiếm Miến Điện, Trung tướng Albert C. Wedemayer thay thế Tướng Stiwell. Wedemayer đã giúp Tưởng cải tổ lực lượng QDĐ/TH, giữ vững Trùng Khánh-Côn Minh và chận đứng sự tấn công vào tuyến của Tưởng Giới Thạch từ Hán Khẩu xuống Liêu Châu đến vùng biên giới Lào Kay, Việt Nam.(6)
Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ chia chiến trường Thái Bình Dương, Á Châu và Ấn Độ Dương ra làm hai vùng chiến lược:
A. Vùng Chiến Lược Đông Nam Á, Nam Ấn Độ Dương, Miến Điện
và Ấn Độ do Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông trách nhiệm.
B. Vùng chiến lược Đông Á, Thái Bình Dương và Lục địa Trung Hoa
do lực lượng Hoa Kỳ phụ trách.
Vùng chiến lược của Hoa Kỳ lại chia thành ba khu vực trách nhiệm với ba Bộ Tư lệnh do các tướng lãnh lỗi lạc của Hoa Kỳ chỉ huy.
1). Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ ở Lục địa Trung Hoa do Tướng Joseph W. Stiwell chỉ huy và kiêm nhiệm các chức vụ đồng minh như trên. Sau đó là Tướng Wedemeyer.
2). Bộ Tư Lệnh vùng Đông Nam Thái Bình Dương --Southeast Pacific Area-- bao gồm các nước và quần đảo nằm trong đại dương phía nam, kể cả Úc Châu, New Guinea, Nam Dương, Sumatra và Phi Luật Tân, Đại tướng (General) MacArthur làm Tư lệnh.
3). Bộ Tư Lệnh vùng Trung và Bắc Thái Bình Dương --North and Central Pacific Area-- và tất cả các khu vực khác không thuộc Tướng MacArthur chỉ huy đều do Hải Quân Đô đốc (Admiral) Chester W. Nimitz, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương kiêm nhiệm.
Lực lượng Hoa Kỳ, Anh và đồng minh địa phương đánh nhau dữ dội với các lực lượng Hải, Không và Lục quân Nhật hầu như khắp các nước và quần đảo lớn trong Thái Bình Dương và trên Lục địa Trung Hoa, trừ Đông Dương của Pháp, bị Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ cô lập và bị Nhật khống chế. Cuối cùng, trong đêm rạng ngày 9/3/l945 Nhật “đảo chính” Pháp. Chính phủ thuộc địa và quân đội Pháp ở Việt, Miên và Lào hoàn toàn sụp đổ, tan rã.(7)
Câu hỏi được nêu lên là tại sao Hoa Kỳ và Anh kết liên minh chặt chẽ trong Đệ II Thế Chiến từ Âu Châu, Phi Châu, sang Á Châu và trên các đại dương nhưng không liên minh với thế lực Pháp ở Đông Dương? Có tài liệu cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt có mặc cảm với chính phủ thực dân Pháp ở đó. Tuy nhiên, bên trong còn nhiều uẩn khúc. Nên tìm hiểu nguyên ủy này mới hiểu rõ hơn về chiến tranh Đông Dương và Việt Nam sau đó.
Ở Mặt Trận Âu Châu, từ ngày 10/5/1940, Đức Quốc Xã tung ba Lộ quân A, B, C [Army Groups] và hai Tập đoàn Chiến xa Panzer [Armored Armies] --tất cả hơn 3,000,000 quân-- tấn công Hòa Lan, Bỉ và Pháp. Lộ quân B tấn ông chiếm Hòa Lan và phần lãnh thổ phía đông nước Bỉ. Lộ quân A lớn mạnh nhất, tấn công tuyến phòng thủ của Pháp vùng Ardennes. Lộ quân C chiếm Luxembourg và tấn công quân Pháp ở chiến lũy Maginot vùng Alsace-Lorraine. Một cánh quân Ý [Italy] tấn công quân Pháp vùng núi Alpes (Alpine Mountains) phía đông nam Pháp.
Ngày 20/5/1940, tuyến phòng thủ của Pháp ở Sédan vùng rừng Ardennes, khoảng 140 dặm đông bắc Paris bị các Tập đoàn Chiến xa Đức chọc thủng. Từ đó, một Quân đoàn Panzer [an Armored Corps] thuộc Lộ quân A tiến ra Pas-de-Calais vùng biển Manche tấn công liên quân Đồng Minh gồm Tập đoàn I của Pháp, Lực lượng Viễn chinh Anh và Quân lực Bỉ (French First Army, British Expeditionary Force –BEF, and Belgian Army) và phối hợp với Lộ quân B ở đông bắc bao vây cô lập Dunkerque và lãnh thổ còn lại của Bỉ. Ngày 31/5/1940, Bỉ đầu hàng.
Từ ngày 4/6/1940 cả hai Lộ quân B và A của Đức và các Tập đoàn Chiến xa Panzer tấn công dữ dội tuyến phòng thủ mới của Tướng Maxime Weygand, Tổng Tư lệnh Quân lực Pháp, từ cảng Le Havre theo tả ngạn sông Seine nối với chiến lũy Maginot ở nam Luxembourg, phòng thủ Thủ đô Paris và các tỉnh phía nam trong khi Lộ quân C Đức tiếp tục tấn công tuyến Maginot. Ngày 10/6/1940 Chính phủ Pháp dời về Bordeaux, phía nam. Ngày 13/6 Paris bỏ ngõ. Ngày 14/6 quân Đức chiếm Paris. Ngày 16/6/1940 Thủ tướng Pháp Paul Reynaud từ chức.Thống chế Henri Phillippe Pétain lập Chính phủ ở Vichy và điều đình với Đức. Ngày 21/6/1940 Đức Quốc Xã và Pháp ký hòa ước: Pháp đầu hàng. Quân đội Pháp hầu như tan rã.
Trước đó, trong tuần lễ từ 28/5 đến 4/6/1940, Thủ tướng Anh Churchill cho phép 850 tàu thủy Anh, đủ cỡ, cập bến cảng Dunkerque di tản 338,000 dân Pháp và Bỉ sang Anh tỵ nạn, trong đó có gần 140,000 quân nhân Pháp và Bỉ rã ngũ. Thiếu tướng Charles A. De Gaulle, Tư lệnh Sư đoàn 4 Chiến xa Pháp và mới được bổ nhậm Thứ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Reynaud, bay sang Anh trong ngày 17/6/1940. Ở đó, ngày 18/6, de Gaulle tuyên bố thành lập Lực lượng Pháp Tự do (LLPTD -Free French Forces) để giải phóng đất nước. Như vậy, thời điểm đó Pháp có hai thế lực: Trong nước là Chính phủ Vichy của Thống chế Pétain bị Đức khống chế. Tuy nhiên hầu hết chính phủ thuộc địa Pháp ở Đông Dương và Bắc Phi theo chính phủ này. Ngược lại, LLPTD của de Gaulle ở Anh quốc chừng 10,000 người.
Tướng de Gaulle với cá tính tự hãnh và lòng yêu nước cực đoan, muốn LLPTD hoạt động độc lập và muốn LLPTD được đối xử như một đồng minh ngang hàng với Hoa Kỳ và Anh quốc. Thủ tướng Anh Winston Churchill tuy không thích de Gaulle, nhưng vẫn yểm trợ LLPTD, trong khi Tổng Thống Franklin Roosevelt không thừa nhận de Gaulle. Do những bất đồng chính kiến với Churchill và thiếu sự yểm trợ của Roosevelt nên sau khi lực lượng Đồng Minh đổ bộ phản công quân Đức ở Bắc Phi tháng 11/1942, de Gaulle rời Luân Đôn, dời bản doanh LLPTD sang Algiers, thủ đô Algérie, tháng 5/1943. Ở đó de Gaulle được các nhà chính trị và tướng lãnh Pháp trong nước và thuộc địa ủng hộ, trừ chính phủ thuộc địa Đông Dương. Khi Đồng Minh đổ bộ Normandie (Operation Overlord 6/6/1944), LLPTD của de Gaulle đã lên đến trên 400,000 người. Tuy nhiên trong cuộc đổ bộ này chỉ có 900 quân Nhảy Dù Pháp cùng nhảy chung với Lữ đoàn Đặc biệt của Không quân Anh [the British Special Air Service Brigade --SASB]. Đó là đơn vị duy nhất của Pháp tham gia cuộc đổ bộ Normandie. (8)
Roosevelt không công nhận de Gaulle với những quyết định và hành động thấy rõ:
Thứ nhất, về kế hoạch Overlord đổ bộ Normandie của Đồng Minh, Roosevelt khuyến cáo Churchill không cho de Gaullle biết. Tuy nhiên Churchill cần sự tham chiến của LLPTD ở Âu Châu, đã mời de Gaulle sang Luân Đôn hội diện ngày 4/6/1944 và cho de Gaulle biết kế hoạch này.
Thứ hai, Roosevelt muốn đặt “lãnh thổ Pháp giải phóng” dưới sự quản chính --hay ủy trị-- của một Chính phủ Quân sự Đồng Minh các Lãnh thổ bị Chiếm đóng (Allied Military Government of Occupied Territories) cho đến khi Pháp tổ chức bầu cử chính phủ mới. De Gaulle nổi giận. Ngày hôm sau, 5/6/1944 ông tuyến bố LLPTD sẽ lãnh đạo một nước Pháp giải phóng. Điều bất ngờ đã diễn ra chỉ hơn một tuần sau cuộc đổ bộ Normandie làm thay đổi cục diện. Ngày 14/6/1944, khi các cánh quân Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ đang đánh nhau dữ dội với quân Đức ở cả khu vực Normandie, de Gaulle đột ngột về Pháp với các cấp lãnh đạo LLPTD. Ông đến thành phố nhỏ Bayeux, mới tái chiếm ngày 7/6/1944, là nơi Tướng Sir Bernard Law Montgomery, Tư lệnh Lộ quân XXI [21st British Army Group], kiêmTư lệnh Mặt Trận Normandie đặt BTL/HQ, cách bãi đổ bộ chừng 5 dặm và thành phố Caen chừng 12 dặm. De Gaulle chỉ định sĩ quan tùy viên là Francois Coulet thành lập chính phủ “Hành Chánh Dân Vụ” --French Civil Administration-- tạm thời lấy Bayeux làm thủ đô, nên gọi là “Bayeux Administration”. Sĩ quan và đơn vị Đồng Minh trong vùng hành quân, lúc đó và sau đó, đều liên lạc với Ủy viên Cộng hòa Coulet --“Republican Commissioner”. (9) Pháp không rơi vào tình trạng bị “ủy trị”.
Điều quan trọng hơn là Đại tướng Dwight D. Eisenhower, Tổng Tư lệnh Lực lượng Đồng Minh ở Âu Châu, nhiều lần tiếp xúc riêng với de Gaulle, đã có những quyết định khác hơn Roosevelt: để Tập đoàn I [French First Army] của LLPTD, mới tái lập, do Tướng Jean de Lattre de Tassigny chỉ huy, cùng với quân Đồng Minh phản công quân Đức ở Bắc Phi năm 1942 và tái chiếm Pháp ở “Mặt Trận phía Tây” --Western Front-- cuối năm 1943. Eisenhower cũng đồng ý sẽ để cho LLPTD của de Gaulle tiến vào Thủ đô Paris trước. Sư đoàn 2 Chiến xa [2nd Armored Division] LLPTD do Tướng Philippe Leclerc de Hautelocque chỉ huy, đổ bộ lên Normandie ngày 1/8/1944 phối thuộc Tập đoàn I Hoa Kỳ [US First Army] của Tướng Omar Bradley tiến đánh Paris. Ngày 25/8, Tướng Đức Dietrich von Cholitz, đầu hàng. De Gaulle vào Paris với Tướng Leclerc. Hôm sau, ngày 26/8/1944, LLPTD diễn binh ở Champs Elysées. Cuối cùng, ngày 29/8/1944, Anh Quốc và Hoa Kỳ cùng thừa nhận LLPTD. Ngày 10/9/1944, LLPTD thành lập Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Pháp Quốc với de Gaulle là Thủ tướng.
Sau đó, liên quân Đồng Minh tiến đánh vào lãnh thổ Đức.
Ở “Mặt Trận phía Đông” quân Liên Xô tiến nhanh hơn quân Đồng Minh ở “Mặt Trận phía Tây”. Nằm trong cánh quân này, Tập đoàn I Pháp hơn 320,000 quân của Tướng Jean de Lattre chiếm nhiều vùng lãnh thổ của Đức. Quân Đức khắp các Mặt Trận thu hẹp và tan rã dần. Chắc chắn sẽ chiến thắng, lúc đó Đồng Minh Hoa Kỳ-Anh-Liên Xô dự định họp ở Yelta để quyết định chia cắt nước Đức và phân vùng ảnh hưởng và quản chính các lãnh thổ bị quân Đức Quốc Xã chiếm đóng và của chính lãnh thổ Đức cho các lực lượng Đồng Minh, đồng thời quy định cơ chế Tổ chức Liên Hiệp Quốc (United Nations).
Thứ ba, dù là Thủ tướng Pháp, de Gaulle không được Đồng Minh Hoa Kỳ-Anh-Nga mời tham dự Hội nghị Yelta tháng 2/1945. Trước đó, Roosevetl yêu cầu Churchill và Stalin không mời de Gaulle vì sự hiện diện của ông này chỉ thêm rắc rối và không thích nghi.(10) Tuy vậy, trong hội nghị này, Churchill viện nhiều lý lẽ giúp cho Pháp được chia vùng quản chính một phần lãnh thổ nước Đức và Thủ đô Berlin đồng thời trở thành một trong năm “Ủy viên Thường trực”của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có quyền “phủ quyết”. Nhưng không lâu sau đó, chính Churchill cho rằng de Gaulle là kẻ phản bội và là kẻ thù nguy hiểm nhất của Anh quốc.(11) Đầu tháng 5/1945, quân Đồng Minh bao vây Thủ đô Berlin của Đức Quốc Xã, Hitler tự sát. Ngày 8/5/1945 Đức đầu hàng vô điều kiện. Trước đó, ngày 12/4/1945, Tổng thống Roosevelt từ trần. Người kế vị, Tổng thống Harry S. Truman cũng gặp phải sự đối dầu cứng rắn của de Gaulle. Truman ngán ngẫm de Gaulle và dùng danh từ nặng với ông này.(12) Viện trợ cho Pháp theo kế hoạch Marshall cũng hạn chế. Vì vậy, de Gaulle căm hận Hoa Kỳ lẫn Anh, chờ dịp trả hận. Chính phủ Pháp ở Đông Dương tiếp tục bị cô lập.
Thứ tư, ba cường quốc Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô họp Hội nghị Potsdam tháng 7/1945 quyết định về lãnh thổ Việt Nam sau chiến tranh, cũng không mời de Gaulle tham dự. Trong hội nghị, Đồng Minh quyết định chia đôi Việt Nam: Lực lượng Quốc Dân Đảng Trung Hoa được ủy nhiệm giải giới quân Nhật phía bắc Vĩ tuyển 16. Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông phụ trách phía nam vĩ tuyến này. Như vậy Đồng Minh quyết định chấm dứt vai trò Pháp ở Việt Nam mà không cần cho Pháp biết. Điều này là một sỉ nhục lớn cho Pháp làm de Gaulle nổi giận dữ dội. Ông này tuyên bố “Pháp đã từng đổ máu trên chiến trường Việt Nam, nhất quyết Pháp sẽ trở lại Việt Nam.” (13) Chẳng những đã thực hiện lời hứa mà nhiều dịp sau đó de Gaulle còn giáng trả cho các... ân nhân Anh và Hoa Kỳ những đòn chính trị và ngoại giao đau điếng mà các thế hệ kế tiếp không thể quên. Chỉ riêng Việt Nam phải nhận chịu cuộc chiến đẫm máu sau đó. Đất nước Việt Nam nhược tiểu nhiều lần bị các thế lực cường quyền chia cắt. Dân Việt bị áp bức từ mọi phía, chia rẽ và thù hận nhau triền miên.
III. CUỘC CHIẾN ỦY NHIỆM
CÓ TỪ BAO GIỜ Ở VIỆT NAM?
Đoạn dẫn sử trên đây cho thấy, cho đến ngày 9/3/1945, Nhật đã triệt tiêu chính phủ Pháp ở Đông Dương và vì sao chính phủ này bị Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ cô lập. Các thế lực Cộng sản Quốc tế, Cộng sản Trung Hoa, Lực lượng Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Lực lượng Hoàng gia Anh và Quân lực Hoa Kỳ chưa từng bước vào Việt Nam. Nhưng không lâu sau đó, tất cả đều đã trực tiếp hay gián tiếp vào và tạo nên một cuộc chiến mới không kém khốc liệt gây nên những hậu quả tang thương kéo dài trong nhiều thập niên sau đó. Riêng dân tộc Việt Nam thì cuộc chiến đó tạo ra vết thương trầm trọng trong lòng mọi người của nhiều thế hệ. Một vết thương không thể lành mà vẫn âm ỉ loang máu.
Cũng nhắc lại hôm sau ngày Nhật đảo chánh 9/3/45 Đại sứ Nhật vào triều đình Huế diện kiến nhà Vua Bảo Đại. Ngày 11/3/1945, Nhà Vua triệu cuộc họp khẩn với Cơ Mật Viện. Triều đình Huế ra tuyên ngôn hủy bỏ Hiệp ước Patenote 1884, và khôi phục chủ quyền Việt Nam. Học giả Trần Trọng Kim được mời lập nội các. Ngày 17/4/1945, nội các thành lập gồm những nhà trí thức yêu nước có thực tài. Nhiều sử gia cho rằng đây là nội các trí thức đầu tiên của một quốc gia thực hiện rõ nét những bước tiến dân chủ căn bản cho Việt Nam. Chính phủ Trần Trọng Kim quyết định những cải tổ quan trọng như: lập quy cho một nền hành chánh chính xác, mẫu mực và áp dụng một nền giáo dục tiến bộ, khoa học, làm nền tảng cho tất cả các Chính phủ Miền Nam sau này trong Đệ I và Đệ II Cộng Hòa. Đổi quốc hiệu là “Đế quốc Việt Nam” gọi gọn là Việt Nam; tuy vẫn giữ bài “Đăng Đàn Cung” làm quốc ca, nhưng đổi quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ; sọc ở giữa khuyết một đoạn ngắn tạo cho ba sọc đó thành hình “quẻ ly” --phương Nam-- trong Bát Quái theo Kinh Dịch (ngày 2/6/1948, ở Hồng Kông, trước sự hiện diện của các nhân sĩ và trí thức mời ông về chấp chính, Cựu hoàng Bảo Đại vẽ nối đoạn gẫy ở sọc đỏ giữa thành ba sọc liền. Chính phủ QGVN cũng nghe theo lời khuyên của Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn chọn bài “Thanh niên Hành khúc” của Lưu Hữu Phước đổi tên thành “Quốc gia Hành khúc” làm quốc ca). Sau ngày 30/4/1975 người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam đưa quốc kỳ (và bài quốc ca) theo khắp nơi trên thế giới với tình yêu vô bờ.
Tiếc thay Chính phủ Trần Trọng Kim bị Nhật kiềm chế, không có Bộ Quốc phòng, không lập quân đội, nên đánh mất thời cơ hưng quốc và kiến quốc trong tay những người Cộng sản. Nỗ lực cứu đói cho miền Bắc mùa hè năm đó gặp trở ngại lớn lao là thiếu phương tiện chuyên chở gạo từ miền Nam ra Bắc; vả lại Nhật thu tóm hầu hết lúa gạo khắp các nơi, kể cả việc phá hủy các cánh đồng lúa ở miền Bắc, lấy đất trồng loại cây đay.
Chỉ bốn tháng sau, ngày 6/8 và ngày 9/8/1945, Không lực Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử trên Hiroshima và Nagasaki. Ngày 10/8 Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, ngày 14/8 quân Nhật bất động, chờ quân Đồng Minh vào giải giới. Ngày 17/8 nhân một cuộc biểu tình của Tổng hội Công chức và Giáo giới ở Nhà Hát lớn Hà Nội để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, các phần tử cộng sản (lúc đó gọi là Việt Minh) lợi dụng mang cờ đỏ sao vàng và tung hô khẩu hiệu, biến cuộc biểu tình đó thành cuộc biểu tình của Việt Minh. Chính phủ địa phương bất lực. Từ ngày 19/8 đến ngày 23/8/1945, Việt Minh cướp cơ sở hành chánh của chính phủ, ở miền Bắc lẫn miền Nam. Sử ghi là “Việt Minh Cướp Chính Quyền”. Ngày 23/8 Chính phủ Trần Trọng Kim giải tán. Ngày 26/8 Hồ Chí Minh và đơn vị võ trang tuyên truyền của Võ Nguyên Giáp từ Tân Trào, Tuyên Quang, về Hà Nội. Ngày 28/8/1945, ở Huế, nhà Vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị với câu nói thực cảm động: “Trẫm để hạnh phúc của toàn dân trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.”(14) Ngày 2/9/1945, ở vườn hoa Ba Đình, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập và trình diện “Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Việt Minh nhanh chóng thành lập chính phủ ở khắp nơi, từ tỉnh thành đến huyện xã, với các “ủy ban hành chính” và đơn vị “du kích”. Nhưng chưa đầy một tuần sau, nỗi lo sợ khủng khiếp bao trùm cả nước. Tao loạn bắt đầu. Những cuộc bắt bớ và xử tử công khai hay âm thầm các phần tử mà Việt Minh gọi là “Việt Gian” trở thành nỗi lo sợ lớn lao của mọi gia đình từ thành thị tới thôn quê, từ Bắc chí Nam. Lúc bấy giờ người dân thường chỉ biết Việt Minh là Cộng sản. Sự hiểu biết đơn giản này lại rất đúng. “Việt Minh” là tên gọi tắt của một tổ chức chính trị vũ trang “Việt Nam Độc Lập ĐồngMinh Hội” còn gọi là “Mặt Trận Việt Minh” do Đảng “Cộng Sản Đông Dương” thành lập ngày 19/5/1941. Đảng Cộng Sản Đông Dương lại do Hồ Chí Minh thành lập năm 1930. Vì vậy, Việt Minh là thứ vũ khí lợi hại của CSVN, nói rõ hơn là của Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo Đảng CSĐD. Riêng ở Sài Gòn, Trần văn Giàu, một người cộng sản nổi tiếng, thành lập “Ủy ban Hành chánh Nam Bộ”.
Ở thời điểm đó, Quyết nghị Potsdam của Đồng Minh được thi hành. Ngày 18/8/1945, Quân đoàn Lư Hán của QDĐ/TH vào miền Bắc Việt Nam. Ngày 13/9/1945, Sư đoàn Gurka của Anh do Tướng Douglas Gracy chỉ huy vào miền Nam, có một đại đội nhảy dù Pháp vào theo. Tướng Gracey đóng quân ở Sài Gòn, ra lệnh mở cửa các trại giam thả tất cả người Pháp bị Nhật giam giữ và trang bị vũ khí cho họ. Như vậy, ở Sài Gòn Pháp đã có một lực lượng võ trang nhỏ. Ở các tỉnh, Việt Minh vẫn nắm chính quyền, tập du kích, tiếp tục bắt giữ và xử tội “Việt Gian” và tổ chức “tuần lễ vàng” thu vàng bạc của thị dân để ủng hộ Kháng chiến...
Trong giai đoạn này, từ tháng 8 đến tháng 9, năm 1945, Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ có những thay đổi sách lược quan trọng về cục diện thế giới: sau khi khối trục Đức-Ý-Nhật đầu hàng và tan rã. Liên Xô để lộ rõ bộ mặt “Đế quốc Mới” bành trướng lãnh thổ rộng lớn, xâm chiếm các nước Đông Âu, đồng thời chủ trương xích hóa thế giới, do đó ở Âu Châu lẫn Á Châu, Anh và Hoa Kỳ cần sự hợp tác thực sự của Pháp để cùng ngăn chặn làn sóng đỏ CSQT đang lan tràn khắp nơi. Nên “Hiến Chương Đại Tây Dương” công bố ngày 14/8/1941 của Anh và Hoa Kỳ, trong đó điều khoản đầu tiên đề cập đến quyền tự trị của mọi dân tộc, tạm thời bị bỏ quên. Ngày 24/8/1945 Tổng thống Harry Truman thay đổi thái độ, đón tiếp de Gaulle ở Washington và hứa trong mọi trường hợp không chống lại chính phủ và quân đội Pháp trở lại Đông Dương.(15) Lúc đó, Thủ tướng của Anh quốc là Clement Attlee, Đảng Lao Động (Labour Party), để cho Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông tái lập chính phủ trên các thuộc địa cũ ở Viễn Đông. Hoa Kỳ trở lại Phi Luật Tân. Vì Hội nghị Potsdam đang được thi hànhnên Anh và Hoa Kỳ ngầm giúp cho Pháp mang quân trở lại Việt Nam. Nếu Pháp đánh được Cộng sản ở Việt Nam, chiếm lại được Đông Dương sẽ trở thành “lá chắn” cho Anh-Hoa Kỳ vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Quan niệm về “chiến tranh ủy nhiệm” hình thành. “Đế quốc Mới Cộng sản Quốc tế” (the New International Communist Empire) và “Thế giới Tư bản Tự do” (the Capitalist Free World) va chạm nhau về tư tưởng, về thể chế chính trị, về quyền lợi kinh tế và lãnh thổ, nên các quốc gia nhược tiểu sẽ là những vùng đất bị tranh chấp. Sách lược khôn ngoan nhất của cả hai khối là gầy dựng thế lực bản địa đánh nhau thay họ. Ngay như Pháp, từng là thế lực hùng cường trước đó nhưng sau Đệ II Thế Chiến đất nước bị tàn phá, nghèo, và yếu kém mà tham vọng lớn, nên cũng bị đưa vào thế bất khả từ. De Gaulle, vì cần tiền để tái thiết đất nước và nhất là để thực hiện lời tuyên bố của mình nên đã trở lại Đông Dương trong vai trò của một thế lực thực dân cũ vừa là một thế lực được ủy nhiệm đánh thuê, hiểu ngầm là sách lược mới của Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ. Việt Nam chiếm vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á đã trở thành tiền đồn của Thế giới Tự do. Ngay khi Nhật đầu hàng, de Gaulle đã bổ nhậm Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu làm Cao ủy Đông Dương và Đại tướng Jacques Phillipe Leclerc de Hautecloque làm Tư lệnh Quân đoàn Viễn chinh Pháp [Corps Expéditionnaire Francais d’Extrême-Orient –CEFEO] vào Việt Nam trước tiên. Quân đoàn này được Tư lệnh Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông, Đô đốc Sir Mountbatten, trang bị và giúp phương tiện chuyên chở đã đổ bộ tái chiếm Sài Gòn ngày 21/9/1945.
Thời điểm đó có những sự kiện đáng lưu ý: ở miền Bắc, khi Hồ Chí Minh và đơn vị võ trang của Võ Nguyên Giáp về Hà Nội còn có đơn vị tình báo võ trang Hoa Kỳ, Toán “Deer Team” hay “Team OSS-202” [OSS: Office of Strategic Services, tiền thân của CIA --Central Intelligence Agency] do Thiếu tá Archimedes Patti chỉ huy, cùng vào theo. Ở miền Nam, ngày 4/9/1945, một đơn vị tình báo võ trang khác, Toán OSS-404 [OSS Team-404] nhảy dù vào vùng phụ cận Sài Gòn giải thoát hơn 200 binh sĩ Hoa Kỳ bị Nhật bắt làm tù binh trước đó. Một tuần sau, Thiếu tá Peter Dewey chỉ huy toán OSS này bị du kích Việt Minh phục kích giết chết.
Tháng 12/1945, cả hai Toán OSS-202 ở Hà Nội và OSS-404 ở Sài Gòn đều rút khỏi Việt Nam. Từ đó, Hoa Kỳ không tiếp xúc với Chính phủ Hồ Chí Minh. Tất nhiên Archimedes Patti chỉ huy Toán OSS-202 --và các sĩ quan khác trong toán-- từng huấn luyện cho trung đội võ trang tuyên truyền đầu tiên của Võ Nguyên Giáp ở Pác Bó và từng sống chung với Hồ Chí Minh ở đó, hiểu rõ đơn vị Việt Minh này là Cộng sản và Hồ Chí Minh là lãnh tụ Cộng sản.
Bảy thập niên sau, trong một bài viết nhìn lại thời điểm đó, một tiến sĩ CSVN cho rằng đáng lẽ cuộc chiến Việt Nam “không thể có” vì nhiều lần Hồ Chí Minh gởi thơ và công hàm cho Tổng thống Truman tỏ thiện chí muốn “hợp tác toàn diện” với Hoa Kỳ, nhưng không được đáp ứng... luận điểm chính là nếu Hoa Kỳ công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh, Pháp không thể trở lại Việt Nam, sẽ không có chiến tranh. Nhận định này non nớt. Ở thời điểm đó Đồng Minh Hoa Kỳ-Anh đang thành lập các khối liên minh quân sự –như khối Bắc Đại Tây Dương (NATO, North Atlantic Treaty Organization) và khối Trung-Đông (CENTO, Central Treaty Organization) để ngăn cản sự bành trướng của CSQT ở Âu châu thì làm sao công nhận và yểm trợ một nước Cộng sản mới hình thành... dù bất cứ ở đâu. Vả lại, làm sao mà Truman và Attlee kiềm chế nổi tham vọng của de Gaulle? Chiến tranh không thể tránh. Tốt hơn lợi dụng Pháp, cung cấp tài chính, quân bị và chiến cụ để Pháp đánh CSQT ở Đông Dương... làm lá chắn cho mình ở Đông Nam Á và Nam Thái Binh Dương là thượng sách.
IV. LÃNH TỤ VÀ CHẾ ĐỘ
Đầu tháng 9/1945, Anh và Pháp ký hiệp ước song phương, Anh công nhận chính phủ thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ và một số tỉnh ở nam Trung Kỳ nên khi Quân đoàn Viễn chinh Pháp đổ vào Sài Gòn, quân Anh rút đi trong tháng đó.
Chỉ hai ngày sau khi QĐVC của Leclerc vào Sài Gòn, Trần văn Giàu đổi tên “Ủy ban Hành chánh Nam Bộ” thành “Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ”. Bộ đội du kích của Nguyễn Bình, phụ tá của Giàu, đụng một vài trận nhỏ với quân Pháp trong thành phố Sài Gòn. Ngày 23/9/1945, Trần văn Giàu tuyên bố “Tiêu thổ Kháng chiến” và rút vào An Phú Đông, gầy dựng thêm lực lượng đánh Du kích Chiến. Các “Ủy ban Hành chánh Kháng chiến” ở các tỉnh, huyện theo gương. Nhiều nơi, du kích Việt Minh đốt chợ búa, phố phường và nhà cửa dân chúng rồi rút vào vùng sâu hoang vắng --gọi là bưng biền. Sách lược này, Giàu rút kinh nghiệm từ quân đội CS Liên Xô ở Đệ II Thế Chiến chống quân Đức. Ở trong Nam, thời kỳ đó có bài hát với câu mở đầu “Mùa Thu này, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...” kích động nhiều người yêu nước, nhất là thanh niên và học sinh, vào “bưng biền” kháng chiến cứu quốc. Chỉ ít lâu sau, đa số trốn chạy Việt Minh về với gia đình. Chiến tranh đã diễn ra ở miền Nam trước. Dân thường lo sợ bỏ thành thị, bỏ nhà cửa, tản cư... chạy giặc. Họ sợ Việt Minh lẫn Pháp. Đêm đêm thấp thỏm sợ du kích Việt Minh bắt cóc, ám sát hay cho “mò tôm” --là thủ đoạn du kích giết người bằng cách trói tay chân nạn nhân buộc đá thả cho chìm xuống đáy sông, ngộp nước... chết dần. Ngày ngày thì trông chừng tin tức và tiếng... súng rồi chạy trốn. Tản cư, tản cư... dài dài trước những cuộc bố ráp của quân Pháp xuống các tỉnh, nhất là các tỉnh miền Tây, dân tản cư sợ nhất là bị Thổ cáp-duồn. Thổ gặp dân ở đâu chém đó bằng mã tấu, bất kể già trẻ bé lớn. “Thổ” là lính của các đơn vị “partisans” người Miên ở các tỉnh miền tây Nam Kỳ, do Pháp thành lập. Chúng dẫn đường cho các đơn vị lính lê dương của Pháp --Légionnaires, đa số là lính Phi Châu-- hành quân, tiếng bình dân gọi là “đi ruồng” hay “đi bố ráp” sâu trong đồng quê, thôn xóm, làng mạc. Gia đình nào chạy không kịp thì đàn ông bị bắn hay chém chết; đàn bà con gái bị hãm hiếp tập thể, chết lên chết xuống; trẻ con bị... đập đầu, bẻ cổ giết chết. Khổ sở trăm bề. Dân tản cư rất sợ hai chữ-kép, một của Việt Minh là “Việt-gian”; một của Thổ, lính Pháp, là “cáp-duồn” hay chặt đầu. Chữ nào cũng đem lại cái chết hãi hùng.
Quân đoàn Viễn chinh Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Nam và tiến chiếm Cao nguyên miền Trung. Pháp cũng đã thu phục được Cao Miên và Lào bằng thương lượng không tốn viên đạn nào. Đầu năm 1946, trong Nam, Cao ủy Đông Dương d’Argenlieu thay đổi sách lược, kêu gọi dân chúng hồi cư, đồng thời ra nghị định cho Nam Kỳ thành lập “Chính phủ Nam Kỳ Tự Trị” --CP/NKTT (République Autonome de Cochinchine). Từ khi ép buộc nhà Nguyễn ký Hòa ước Patenote năm 1884, thực dân Pháp vẫn coi Nam Kỳ là xứ tự trị. Đầu năm 1946, sau khi đạo quân viễn chinh trở lại Việt Nam, Pháp lập lại ý đồ cắt miền Nam trù phú ra khỏi Việt Nam. Trước hoàn cảnh ly loạn, chết chóc, phố thị tiêu điều, nhà trống người không, ruộng đồng hoang phế, có những nhà trí thức Nam Kỳ muốn đem lại sự bình yên cho xứ sở và quần chúng bằng giải pháp ôn hòa nên chấp nhận tham gia chính phủ tự trị rồi sẽ tiến dần đến những giải pháp khác. Nhân sĩ đầu tiên nhận lập nội các CP/NKTT là Bác sĩ Nguyễn văn Thinh, du học và tốt nghiệp ở Pháp. Nội các thành lập ngày 26/3/1946, Bác sĩ Thinh là thủ tướng với tám bộ trưởng, một thứ trưởng an ninh và công an Thủ đô Sài Gòn, và một Cố vấn. Bên cạnh chính phủ là Hội Đồng Nam Kỳ lúc đó đã từ 12 lên đến 42 người. Bên trong hình như có sự hứa hẹn nào đó của Cao ủy Pháp d’Argenlieu và Ủy viên Cộng Hòa Pháp ở Nam Kỳ Jean Cedile (“Commissaire République”, thay chức “Gouverneur” cũ --gọi là Thống đốc hay Thống sứ) với Bác sĩ Thinh. Một thời gian sau, biết mình bị lường gạt, bội tín, nhưng trước cường quyền thực dân, không thể làm được gì hơn cho đồng bào, ngày 10/11/1946 Bác sĩ Thinh tự vẫn chết. Phải chăng đây là trường hợp của một Phan Thanh Giản thứ hai? (16) Bác sĩ Lê văn Hoạch thay thế.
Trong thời gian đó, ở miền Bắc Việt Nam, từ khi Quân đoàn Lư Hán đổ vào, đã trở thành gánh nặng và sự lo lắng lớn lao cho Chính phủ VNDCCH của Hồ Chí Minh. Một là phải cung phụng lương thực cho đoàn quân 200,000 người rất phức tạp này. Sau khi bị nạn đói mùa hè năm 1945, trên 2,000,000 người chết, miền Bắc kiệt quệ. Hai là mối tâm hoạn của Hồ: lo sợ các Đảng Quốc Gia Việt Nam từ Hoa Nam trở về, được QDĐ/TH yểm trợ, gầy dựng lực lượng sẽ gây nguy hiểm cho lực lượng Việt Minh và Đảng Cộng Sản Đông Dương. Thực vậy, “Việt Nam Quốc Dân Đảng” (Việt Quốc) của Vũ Hồng Khanh và hai đảng quốc gia có uy tín khác là “Đại Việt Quốc Dân Đảng” của Trương Tử Anh và “Đại Việt Dân Chính Đảng” của Nguyễn Tường Tam, liên kết thành một mặt-trận gọi là “Mặt Trận Quốc Dân Đảng Việt Nam” đã về miền Bắc Việt Nam đồng thời với “Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội” (Việt Cách) của Nguyễn Hải Thần. Một đảng quốc gia khác là “Đại Việt Duy Tân Cách Mệnh Đảng” của Lý Đông A thành lập cơ sở và lực lượng vũ trang ở Hà Nam, Nam Định và Hòa Bình. Việt Cách cũng thành lập những đơn vị đáng kể.
Hồ Chí Minh và Đảng CSĐD lo sợ nhất là Việt Quốc. Lực lượng của đảng này lên đến cấp sư đoàn chiếm căn cứ Lào Kay và Sa-pa, kiểm soát hoàn toàn vùng biên giới Việt-Hoa trên Đường Thuộc địa # 4 từ Lai Châu, Lào Kay, Cao Bằng, Lạng Sơn và thành lập bảy “Khu Chiến” trong toàn quốc. (17)Trước tình thế đó, Hồ Chí Minh và Đảng CSĐD cần thay đổi chiến lược. Nên, ngày 24/2/1945, khi Tướng Tiêu Văn đại diện của Tưởng Giới Thạch tổ chức cuộc họp tất cả các đảng phái quốc, cộng, Việt Nam ở Sứ quán Trung Hoa tại Hà Nội, yêu cầu Hồ Chí Minh mở rộng Chính phủ Cộng sản và lập Chính phủ Liên hiệp có sự tham gia của các đảng phái quốc gia và giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương, Hồ Chí Minh nhượng bộ; tất nhiên, Hồ sợ áp lực của cánh quân Lư Hán. Ngày 2/3/1945, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hình thành có sự tham gia của các lãnh tụ Nguyễn Hải Thần, Trương Tử Anh, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tiến Hỹ, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh... và các ủy viên cấp cao các đảng quốc gia cũng được đưa vào Quốc hội (70 ghế), vào Cố vấn Đoàn, và vào Kháng chiến Ủy viên Hội... Một Chính phủ Liên hiệp quốc, cộng, bấp bênh như con thuyền gỗ rách bươm khi vận nước tròng trành. Hồ Chí Minh ôm ấp âm mưu tiêu diệt các lãnh tụ quốc gia khi tạm thời chịu giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương (thực ra chỉ đổi tên thành “Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx”). Ở thời điểm đó các nhà lãnh tụ các đảng quốc gia thực tâm cộng tác với đảng cộng sản để cùng chung lo cho nền độc lâp nước nhà, chưa nhìn thấy rõ mục tiêu chính tiềm ẩn của CSĐD là đấu tranh bạo lực đoạt chính phủ mở rộng đế quốc mới CSQT và trung thành theo đuổi Chủ nghĩa Mác-Lê.
Ở trong Nam, Tướng Leclerc Tư lệnh QĐVC Pháp sau khi chiếm được Nam Kỳ và cao nguyên miền Trung muốn mang quân ra miền Bắc. Từ bắc Vĩ tuyến 16 trở ra miền Bắc, thực tế là vùng xôi đậu quốc, cộng, dù Hồ Chí Minh lãnh đạo Chính phủ LHKC/VNDCCH. Tướng Leclerc chỉ định Jean Sainteny (một sĩ quan tình báo lỗi lạc, từng chỉ huy Toán Tình báo M-5 hay Mission-5 của Pháp ở Hoa Nam, cũng từng quan hệ với Archimedes Patti chỉ huy Toán OSS-202 Hoa Kỳ và Hồ Chí Minh trong thời kỳ hoạt động ở Côn Minh đầu năm 1945, lúc đó Hồ Chí Minh có thể được cả hai sĩ quan tình báo này tuyển chọn, nhưng cuối cùng Hồ cộng tác với Patti, trở về biên giới, lập căn cứ Tân Trào và lập lưới tình báo ở Việt Nam thu thập tin tức quân Nhật cho Hoa Kỳ) thương lượng với Hồ về chuyện Pháp để cho Việt Nam “độc lập” ngược lại Chính phủ Liên hiệp Việt Nam đồng ý để cho lực lượng Pháp ra miền Bắc thay thế lực lượng QDĐ/TH. Trước đó, ngày 28/2/1946, Pháp đã ký với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch Hiệp ước Trùng Khánh với hai điều khoản quan trọng: 1) -Pháp trả lại các tô giới và nhượng địa trên lãnh thổ Trung Hoa và để cho Trung Hoa một số quyền lợi ở miền Bắc Việt Nam; 2) -ngược lại, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc rút quân ra khỏi Bắc Việt Nam và đồng ý cho quân Pháp vào thay thế. Sainteny tạo một cơ hội bằng vàng cho Hồ Chí Minh thực hiện âm mưu tiêu diệt các đảng quốc gia. Hồ Chí Minh đồng ý đề nghị “độc lập” của Pháp và khuyến dụ Vũ Hồng Khanh, thủ lãnh VNQDĐ, cùng ký “Hiệp ước Sơ bộ” ngày 6/3/1946 với Jean Sainteny là người đại diện chính thức của Pháp. Văn bản dự thảo hiệp ước sơ bộ được chính Cao ủy Đông Dương d’Argenlieu đọc từng chữ trước khi Sainteny ký với Hồ và Khanh.(18)Theo các điều khoản của hiệp ước, Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia độc lập trong Liên Bang Đông Dương; ngược lại Chính phủ LHKCVN để cho 15,000 quân Pháp thay thế 20 vạn quân của QDĐ/TH ở miền Bắc; thực hiện ngưng bắn ở miền Nam. Quan trọng nhất là hiệp định sơ bộ có hiệu lực thi hành ngay sau khi ký. Như vậy vấn đề “độc lập” của Việt Nam còn phải bàn cãi thêm nhưng việc Pháp đem quân ra miền Bắc được thực hiện ngay trong ngày 6/3/1946.(19) Thực vậy, Leclerc chỉ định Tướng Jean Etienne Valluy đưa một cánh quân lớn của Quân đoàn Viễn chinh Pháp danh chính ngôn thuận đổ bộ lên Hải Phòng và tiến vể Hà Nội chờ quân của Lư Hán rút quân dần ra khỏi Bắc Việt. Trong khi đó thì Hồ Chí Minh cho thành lập phái đoàn của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (CP/LHKC) đàm phán với phái đoàn Pháp ở Đà Lạt trong tháng 5/1946. Đây là phái đoàn liên hiệp duy nhất với thành phần chính gồm 12 đại biểu là những trí tuệ lớn Việt Nam thuở đó, do Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ LHKC làm trưởng phái đoàn, Võ Nguyên Giáp làm phó. Ngoài ra còn có “Ủy Ban Giám định và Cố vấn” gồm 12 nhà trí thức nữa tham vấn. Phái đoàn Pháp do André Max làm trưởng phái đoàn và 11 thành viên khác. Hội nghị diễn ra từ sáng ngày 19/4/1946 đến 11/5/1946, không đạt được một hiệp ước thỏa đáng. Lý do dễ hiểu là Pháp chưa muốn trả độc lập cho Việt Nam, ngược lại chỉ muốn chiếm lại toàn bộ thuộc địa cũ của họ. Hội nghị kết thúc với quyết nghị Việt-Pháp sẽ đàm phán lại về độc lập của Việt Nam ở Fontainebleau Pháp, tháng 7/1946.
Lần này, Hồ Chí Minh chỉ định Phạm Văn Đồng làm trưởng phái đoàn các thành viên Cộng sản. Ngày 6/7/1946, Phái đoàn của Đồng sang Pháp. Hồ Chí Minh cùng đi chung. Hồ Chí Minh đi Pháp để làm gì? Phải chăng để lánh mặt sau khi ra mật lệnh cho thủ hạ tiêu diệt tất cả lãnh tụ và các đảng phái quốc gia --mối tâm hoạn của Hồ-- trong CP/LHKC. Trong số những lãnh tụ các đảng phái quốc gia có những vị mà Hồ mang ơn vì được họ che chở và cũng từng thực tâm chấp nhận để cho Hồ mang cả tổ chức theo về cộng tác với mục đích duy nhất là cùng nhau đánh thực dân thu hồi độc lập cho đất nước và dân tộc. Nhưng là lãnh tụ cộng sản được Đệ III CSQT đào tạo tại Mạc Tư Khoa, Hồ chỉ biết phục vụ cho “mặt trời lý tưởng” của ông là Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lê. Dù phải thanh toán những ân nhân cũ, các lãnh tụ quốc gia thành tâm nhưng thiếu bản lĩnh, để độc quyền tiến hành sứ mệnh được các quan thầy giao phó là xích hóa đất nước, và “giải phóng giai cấp” trên quan điểm vô sản, Hồ cũng làm. Dân tộc là thứ yếu, tất nhiên Hồ phải dẹp sạch các trở lực cản ngăn bước tiến của mình. Giết lãnh tụ, tiêu diệt các đảng phái quốc gia từng bao dung Hồ khi còn trên đất Tàu từ thập niên trước, và hợp tác với Hồ trong chính phủ liên hiệp mới đó, ít ra Hồ Chí Minh không tự vấn và tự dối lương tâm: “thà phản bạn hơn là phản thầy”. Vả lại, những lãnh tụ các đảng phái quốc gia chỉ lo giành độc lập dân tộc đâu phải là bạn của Hồ Chí Minh và Đảng CSĐD; họ là kẻ thù tư tưởng và giai cấp, cần thanh toán. Trong hơn hai tháng --từ tháng 7 đến tháng 9/1946-- Hồ Chí Minh lánh mặt ở Pháp thì ở Việt Nam, cuộc triệt hạ các đảng phái quốc gia đã diễn ra đẫm máu bởi các đệ tử của Hồ.
Cuộc triệt hạ này đại qui mô, có kế hoạch và sự phối hợp của lực lượng viễn chinh Pháp. Ngoài Bắc, bộ đội Võ Nguyên Giáp phối hợp và dẫn đường cho lực lượng viễn chính Pháp hành quân phối hợp tiêu diệt hoàn toàn các căn cứ võ trang của các đảng phái khác ở khắp nơi --nhất là các căn cứ địa đóng quân của Việt Nam Quốc Dân Đảng trên Đường Thuộc địa # 4 ở biên giới Việt-Hoa, từ Lai Châu, Lào Kay qua Cao Bằng đến Lạng Sơn. Quân QDĐ/TH không can thiệp vì hiệp ước đã ký với Pháp tháng 2/1946. Trong nội thành Hà Nội, CSVN vu khống các đảng phái quốc gia đã lập kế hoạch phá hoại “cuộc diễn binh của lực lượng Pháp ở Hà Nội ngày lễ Độc Lập 14/7 của Pháp”, như vậy là phá hoại tình hữu nghị của Việt–Pháp và cuộc họp ở Fontainebleau.(20) Ngày 12/7/1946, Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Tổng bí thư Đảng CSĐD và Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ CP/LHKC, ra lệnh cho các đơn vị công an Việt Minh tạo ra “Vụ án Ôn Như Hầu” đồng loạt tấn công các trụ sở công khai của các đảng quốc gia: trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh số 7, Đường Ôn Như Hầu; trụ sở Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, số 132 Đường Duvigneau; trụ sở Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần (VNCMĐMH), số 80 Đường Quan Thánh. Các cuộc tấn công này Việt Minh triệt hạ hầu hết đảng viên trung ương của các đảng đó. Đặc biệt là các toán hành động của Việt Minh tấn công trụ sở của VNCMĐMH Đường Quan Thánh được chiến xa và đơn vị Pháp phối hợp yểm trợ mà các tài liệu CSVN gọi là “can thiệp”. Đồng thời các trụ sở của Đại Việt Dân Chính Đảng của Nguyễn Tường Tam và Đại Việt Quốc Gia Xã Hội Đảng của Nguyễn Xuân Tiếu cũng chịu chung số phận. Những thành phần của các đảng phái quốc gia công khai tham gia Chính phủ Liên hiệp, trong Quốc hội và trong Uỷ hội Kháng chiến cũng bị Việt Minh thủ tiêu hay bắt giữ. Chính phủ LHKC tất nhiên bị CSVN đập nát từng mảnh. Thủ lãnh các đảng nổi tiếng như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyền Tường Tam chạy thoát được sang Trung Hoa. Trương Tử Anh mất tích, chắc chắn bị Việt Minh thủ tiêu. Ở vùng Hòa Bình và Ninh Bình, Đại Việt Duy Tân Cách Mệnh Đảng của Lý Đông A --hay Trần Khắc Tường-- cũng bị Việt Minh đánh tan rã. Lý Đông A bị giết chết. Ở miền Trung, Trần Huy Liệu và Tố Hữu thủ tiêu hàng loạt lãnh tụ các đảng nói trên và những nhân vật quốc gia khác. Ở miền Nam, Trần văn Giàu hạ thủ những thủ lãnh trí thức Việt Nam nhóm Đệ IV Cộng sản Quốc tế --hay nhóm “Trotskyst” (những người CSVN theo Đệ IV Quốc tế của Leiba D. Trotsky, cánh tay mặt của Lenin, tranh chấp quyền bính với Staline, bị loại trừ, lưu vong và bị ám sát chết ở Mexico năm 1940) như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan văn Hùm, Dương Bạch Mai, kể cả Giáo chủ giáo phái Hòa Hảo là đức Thầy Huỳnh Phú Sổ.(21)
Sau trận thanh toán thảm khốc này của Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác của CSVN, làn ranh quốc ||cộng trở thành vết hằn sâu rộng của hận thù không bao giờ hàn gắn lại được nữa giữa những người Việt Nam thuở đó và của nhiều thế hệ kế tiếp. Đến khi đó, những lãnh tụ các đảng phái quốc gia sống sót đã nhìn rõ bản chất và hành động sắt máu của những lãnh tụ Cộng sản. Chính CSVN đã đẩy những nhà cách mạng quốc gia chân chính đến cuối con đường thống nhất, vì họ hoàn toàn khác về tư tưởng chủ đạo, về lập trường chính trị, về khuynh hướng lập quyền và về hành động kiến tạo. Một bên dùng bạo lực đấu tranh đoạt chính phủ để thành lập thể chế toàn trị Xã hội Chủ nghĩa, kết thêm một mảng quan trọng cho mạng lưới Cộng sản Quốc tế to lớn hơn; họ mang thứ Chủ nghĩa Cộng sản tàn độc này nhồi nhét vào đầu những người thiếu tri thức thuở đó và vào đầu óc các thế hệ tương lai. Hành động đó ghê tởm gấp trăm lần tội cõng rắn cắn gà nhà. Một bên, vì nền độc lập quốc gia, vì muốn gieo mầm mống tự chủ với thể chế dân chủ rộng mở cho dân tộc phát triển, tôn trọng nhân quyền và quyền sinh sống tự do của con người, dù biết hay không biết bản chất lật lọng của người cộng sản, nhưng vì quá chân thật, quá thành tâm, nhất là thiếu bản lĩnh, mà lâm vào cảnh bị phản bội, bị tàn sát. Tất nhiên những nhà cách mạng quốc gia sống sót phải tìm con đường khác, những lãnh tụ khác có uy tín, tái lập đảng để tiếp tục công cuộc tranh đấu cho độc lập và tự do mà đồng bào mong mỏi.
Ngày 14/9/1945 sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, Hồ Chí Minh ở nán lại Paris và nằn nì ký một tạm ước --không ra gì, chỉ làm lợi cho thực dân Pháp-- với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet. Trở về Hà Nội trung tuần tháng 9/1946 sau khi các thuộc hạ từ Bắc chí Nam thanh toán gọn các đảng quốc gia, Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Liên Hiệp Quốc Dân (?) ngày 3/11/1946. Về phía quân viễn chính Pháp, sau khi thiết lập hệ thống căn cứ trên Đường Thuộc địa # 4 biên giới, chiến hạm Pháp bất thần bắn phá cảng Hải Phòng ngày 23/11/1946, hơn 6,000 người chết. Trận chiến kéo vào Hà Nội. Đêm 19/12/1946, Việt Minh tấn công một vài địa điểm của Pháp ở Hà Nội. Sau đó Hồ Chí Minh và bộ đội Võ Nguyên Giáp rút lên biên giới Việt Bắc, tuyên bố trường kỳkháng chiến. Chiến tranh Việt Nam bắt đầu.
Ở miền Nam, Thiếu tướng quân đội Pháp Nguyễn văn Xuân, Thủ tướng thứ ba của Chính phủ Nam Kỳ Tự Trị, bay sang Hồng Kông ngày 19/12/1946 yết kiến Cựu hoàng Bảo Đại xác nhận ý định sát nhập Nam Kỳ vào một nước Việt Nam thống nhất và mời Cựu hoàng về nước chấp chính. Lần đó Bảo Đại do dự vì biết rõ tham vọng của thực dân Pháp. Đầu năm 1946, Pháp thành lập những đơn vị Vệ Binh Nam Kỳ Tự Trị, cấp đại đội ở các tỉnh (ngày 9/6/1948 đổi tên thành Vệ Binh Nam Việt). Ngày 12/4/1947, thành lập Việt Binh Đoàn ở Trung Kỳ, và tháng 7/1948 thành lập Bảo Chính Đoàn ở Bắc Kỳ. Tất cả các đơn vị này do sĩ quan Pháp chỉ huy. Trong khi đó thì các nhân sĩ trí thức và các lãnh tụ cũ, mới, của các đảng quốc gia từng bị CSVN triệt hạ kết hợp lại trong “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất” (MTQGTN --The National United Front) ở Nam Kinh và Sài Gòn. Các đảng quốc gia cũng tái lập và ngấm ngầm hoạt động ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam với những lãnh tụ trí thức mới. Tháng 3/1948, MTQGTN cử một phái đoàn gồm những nhân sĩ cách mạng như Ngô Đình Diệm, Phan Quang Đán, Nguyễn Tường Tam, Đinh Xuân Quảng, Trần văn Tuyên, Nguyễn văn Sâm sang Hồng Kông gặp và mời Cựu hoàng về nước lập chính phủ và đề xuất việc đàm phán với Pháp về độc lập và thống nhất Việt Nam. Cựu hoàng chấp nhận. Ngày 27/5/1948 Ông điện về Sài Gòn chỉ định Thiếu tướng Nguyễn văn Xuân làm Thủ tướng Chính phủ Lâm thời Quốc Gia Việt Nam và tiến hành việc đàm phán với Chính phủ Pháp. “Nam Kỳ Tự Trị” giải tán.
Ngày 5/6/1948, Thủ tướng Nguyễn văn Xuân và Cao ủy Đông Dương Emile Bollaert ký Thỏa ước Vịnh Hạ Long về thống nhất và độc lập cho Việt Nam. Nhưng Pháp lần lữa mãi, nên cuộc tranh chấp của phía quốc gia tiếp tục. Mãi đến ngày 8/3/1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol mới chịu ký với Cựu hoàng Bảo Đại “Hiệp ước Elysée” gồm các điều khoản quan trọng là thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, trả lại quyền nội trị và ngoại giao cho Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Ngày 13/6/1949 Bảo Đại về nước với tư cách Quốc trưởng, thành lập Chính phủ Quốc Gia Việt Nam (l’État du Việt Nam) với chính mình là Thủ tướng. Ngày 29/1/1950, Quốc hội Pháp chuẩn thuận Hiệp ước Elysée. Đến lúc đó, khối Đồng Minh Tự do cho rằng “Giải pháp Bảo Đại” là giải pháp chính trị cần thiết để chính danh giải quyết vấn nạn từ bấy lâu nay là nền “độc lập của Việt Nam” mà Hồ Chí Minh và Việt Minh nêu ra làm tiền đề cho cuộc chiến mà họ theo đuổi. Chỉ hơn một tuần sau, ngày 7/2/1950 Hoa Kỳ công nhận Quốc Gia Việt Nam và Chính phủ Bảo Đại, Anh và Úc tiếp theo, và sau đó hơn bốn mươi quốc gia trong khối Tự do. Việt Nam tuần tự trở thành thành viên của 37 tổ chức chuyên biệt của Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, ngày 14/1/1950 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, hay Trung Cộng, chính thức thừa nhận Chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” của Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Tiếp theo, ngày 31/1/1950 là Liên Xô; sau đó là các nước Cộng sản khác.
V. LÀN RANH QUỐC |I| CỘNG
SÂU RỘNG VÀ ĐẪM MÁU
Đến thời điểm đó, rõ ràng một làn ranh quốc |I| cộng đã vạch ra đậm nét và đẫm máu giữa các lãnh tụ Việt Nam, giữa các đảng phái quốc gia và Đảng Cộng Sản Việt Nam, giữa người quốc gia và Cộng sản mặc dù đất nước chưa chia cắt mà lòng người đã dị phân rồi.
Chính phủ QGVN của Quốc trưởng Bảo Đại theo khối Thế giới Tự do chính thức hình thành trên toàn lãnh thổ với Chính phủ Trung ương và chính quyền Bắc, Trung và Nam Phần (chữ Kỳ đã đổi thành chữ Phần) gọi là Phủ Thủ hiến. Mỗi Phần gồm nhiều tỉnh, quận và xã. Bên kia là Chính phủ VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chiếm các vùng núi rừng miền Bắc, miền Trung và các vùng bưng biền miền Nam. Làn ranh này không vạch rõ trên lãnh thổ mà là vết hằn sâu hoắm trong trí não, trong tâm hồn, trong tim và mạch máu lãnh tụ của cả đôi bên, nên họ đã trở thành những kẻ thù không đội trời chung. Sau đó và sau đó nữa, cuộc đổ máu kéo dài chỉ là sự chém giết lẫn nhau lặp lại giữa hai phe cộng sản và quốc gia mà thôi. Kẻ biết mình dâng hiến đánh thuê cho một thứ chủ nghĩa tam vô ngoại lai thì đã rành rành, còn những kẻ có tấm lòng chân chính hành động cho chính lý là nền độc lập và tự do cho đất nước cũng cam phận bị gọi là người đánh thuê. Đó là sư thật. Những sự thật não nề, bất khả đối, bất khả biện. Chiến tranh Việt Nam là như thế đó. Nếu những lãnh tụ cộng sản như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Gíáp, Lê Đức Thọ biết rõ đã tận tuỵ phục vụ cho CSQT mà nhúng tay vào máu của dân tộc thì những lãnh tụ các đảng quốc gia như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trương Tử Anh, Lý Đông A, kể cả Nguyễn Tường Tam, không đủ bản lãnh chính trị để chống lại nhóm người cộng sản nói trên. Người ta hy vọng vào giải pháp Bảo Đại. Vị Cựu hoàng này nhân hậu nhưng chứng tỏ là một lãnh tụ nhận thức sáng suốt về thời cuộc, không hành động vội vàng, không vọng động, không muốn thấy đồng bào của mình đổ máu, nên đã chọn đường lối hành xử ôn hòa và sách lược hợp lý ở thời điểm đó để thu hồi độc lập bằng tranh đấu chính trị với người Pháp theo xu thế thời đại khi các nước Hoa Kỳ, Anh, và Âu châu khác trả độc lập cho các thuộc địa. Sách lược này tuy không so được với sách lược “đấu tranh bất bạo động” của Morandas R. Gandhi (1869-1948) tranh đấu cho nền độc lập của Ấn Độ lúc đó, tuy nhiên không phải là không chính đáng. Bằng cách nào đi nữa, với Hiệp ước Elysée, Cựu hoàng trở thành Quốc trưởng của một quốc gia độc lập và tạo một thế cân bằng chính trị đối lập của Thế giới Tự do trên đất nước Việt Nam chống lại sự bành trướng của CSQT và Chủ nghĩa Mác-Lê vô sản, vô thần và vô tổ quốc... Chính phủ của Cựu hoàng là nền tảng cho hai nền Đệ I VNCH của ông Ngô Đình Diệm và Đệ II VNCH của Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Lịch sử sẽ phán đoán về vai trò của tất cả lãnh tụ cả hai bên. Bên thắng cuộc ư? Bên thua cuộc ư? Ai biết? Lịch sử sẽ nói cho thế hệ tương lai của chúng ta biết rõ tất cả. Vậy, xin ai là chứng nhân hay nạn nhân chiến tranh ngày đó hãy nói cho các thế hệ Việt Nam nghe... Lịch sử ở đâu cũng bắt đầu từ tiếng nói chân chính.
Chiến tranh ý thức hệ hình thành rõ rệt với hai phe quốc gia và phe cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nghiêm cẩn nghiệm xét và khách quan nhận định sẽ thấy cả hai bên Cộng Sản Việt Nam và Cộng Hòa Việt Nam là những lực lượng “đánh thuê” trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Lãnh tụ CSVN thì tự nguyện. Lãnh tụ quốc gia ở vào thế thụ động.
Sắc thái lực lượng đánh thuê của CSVN thể hiện rõ nét hơn, rõ vô cùng. Đó là thứ quân tiền phong trong một “Proxy War” không hơn không kém. Biện minh thế nào khi cầm súng của người, học chiến thuật của người đánh nhau mà không có một thứ tư tưởng nào hay sách lược nào do chính mình xây dựng như tổ tiên của chúng ta ngày xưa.
Tổ tiên chúng ta giữ nước chống ngoại xâm, đấu tranh giành độc lập đã dựa trên sức mạnh dân tộc, tự lực, và có sách lược riêng đầy trí tuệ, hùng lược và nhân hậu. Một An Dương Vương giữ nước với hệ thống nỏ liên châu kiến tạo khoa học, đặt trong Loa Thành bắn từng loạt tên sắc, mạnh, ra mọi hướng trên địa bàn 360 độ; gọi là “Nỏ Thần”. Hai Bà Trưng với chiến lược liên kết toàn dân, trai gái, quân dân, hợp sức mạnh các bộ lạc với sức mạnh các lạc tướng lạc hầu, các châu quận, với chiến thuật dùng kỵ mã chiến và công thành bằng voi trận, khởi binh đánh đuổi Thái thú Tô Định của nhà Hán, chiếm 65 thành từ Giao Chỉ, Cửu Chân lên tận lãnh địa phía nam Động Đình Hồ. Ngô Quyền dùng cọc nhọn bọc sắt, to, vững cắm trên sông Bạch Đằng, phục kích đánh một trận thủy bộ kích làm Hoằng Thao nhà Đông Hán khiếp vía, lập nền độc lập tự chủ đất nước một nghìn năm sau. Lý Thường Kiệt với tuyên ngôn tự chủ “Nam Quốc Sơn Hà” và sách lược “tiến là để thủ” tấn công vào nội địa nam Trung Hoa làm rúng động triều đình nhà Tống. Vua quan, quân tướng, thần dân nhà Trần với quyết tâm của Hội nghị Diên Hồng, với thao lược của Trần Hưng Đạo khi tiến khi thoái, khi khuyên vua dời đô vào kinh thành cũ Hoa Lư, khi mang quân đánh quân Thoát Hoan trên Sông Bạch Đằng, gần ba mươi năm kiên trì và dũng mãnh đánh tan giặc Mông Cổ --đoàn quân bách chiến của con cháu Thành Cát Tư Hãn, từng chinh phục và san bằng nhiều nước Á, Âu, chiếm trọn Trung Hoa-- lập chiến công lừng lẫy trong Việt Sử. Bình Định Vương Lê Lợi và vị tham mưu tài trí Nguyễn Trãi với sách lược thu phục nhân tâm trước, đánh thành trì sau --“tiên dĩ công tâm, hậu dĩ công thành”-- chiêu mộ nghĩa sĩ hội về Lam Sơn, sau mười năm gian khổ đánh thắng giặc Minh, thu phục hàng nghìn tù binh rồi cung cấp ngựa thuyền tha cho chúng về nước. Chính sách dũng lược và nhân hậu này tuyên cáo rõ trong Bình Ngô Đại Cáo. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ với tầm nhìn xa thấy rộng, với chiến thuật “tốc chiến tốc thắng” --độ quân thần tốc, tấn công thần kỳ-- chưa đầy một tuần dùng kỳ binh từ miền Trung ra đánh tan đạo quân 200,000 người của Mãn Thanh ở Hà Nội, tiêu diệt và truy quét chúng ra khỏi lãnh thổ miền Bắc; tiếc thay ông mất sớm chưa thực hiện được hoài bão tấn công Trung Hoa chiếm lại Lưỡng Quảng của tổ tiên. Trong những đại bậc anh thư và đại anh hùng cứu quốc nêu trên, xin chỉ cho biết ai là người mượn sách lược và thế lực ngoại lai và dùng vũ khí của người đánh giặc ngoại xâm cứu nước và giữ nước? Thế hệ tương lai Việt Nam sáng suốt sẽ nhìn rõ sách lược tự lực tự cường dựa trên sức mạnh hợp quần của toàn dân của tiền nhân đánh ngoại xâm. CSVN làm ngược lại tiền nhân. Lãnh tụ CSVN giết tập thể đồng bào, đồng bạn và... đồng chí không gớm tay nên bị đa số dân lành nguyền rủa, coi như loài dã thú, hay súc vật, ngay trong chiến tranh, sau đó và hiện nay. Rất rõ. Anh hùng cứu nước mà đến như vậy. Tội thực!
Trong Chiến tranh Việt Nam, các lãnh tụ chính trị và quân sự CSVN đã chu đáo học tập và áp dụng triệt để chiến sách CSTQ, nhất là rập khuôn sách lược “Chiến tranh Nhân dân” [“People’s War”] trong quyển “On Protracted War” của Mao Trạch Đông, còn được mệnh danh là “Chiến tranh Cách mạng” [“Revolutionary War”] trong một cuộc chiến trường kỳ bao gồm nhiều giai đoạn:
1). Du kích Chiến và Bạo động chiến -Guerrilla warfare & Insurgency;
2). Vận động Chiến --Mobile War;
3). Trận địa Chiến --Conventional War; và
4).Tổng Công kích và Tổng Khởi nghĩa --General Attack & General Uprising.
Suốt chiều đài cuộc chiến từ năm 1949 “Bộ Đội Nhân Dân” (the People’s Army of Vietnam –PAVN) của CSVN được Liên Xô và Trung Cộng và các nước CS Đông Âu cung cấp những chiến cụ, thiết bị, và vũ khí cá nhân và cộng đồng tối tân nhất trong từng giai đoạn của chiến cuộc. Các đơn vị bộ chiến được trang bị súng AK-47 bắn từng loạt, các loại B-40, B-41 vừa phá công sự vừa diệt tăng, các loại bích kích pháo 61mm, 82mm, và 120mm. Từ đầu thập niên 1970’ bộ binh còn có thêm hỏa tiễn SA-7 bắn trực thăng và phi cơ không kể các loại đại cao xạ nhiều cỡ, hiệu năng cao. Đơn vị bộ binh mà tầm tác chiến đa năng nhờ vũ khí nhẹ và gọn của khối CSQT tất nhiên dễ di động và chế ngự chiến trường. Pháo binh với các loại trọng pháo cơ giới 85mm D-44; 122mm D-74 và D-30 canh tân; đại pháo 130mm và 152mm D-20. Đơn vị chiến xa với các loại thủy xa PT-76, chiến xa BTR-50, BTR-85 và T-54. Ngoài ra còn thêm các loại chiến xa T-70 trang bị đại bác tự hành SU-76mm và chiến xa Joseph Staline 2 gắn đại bác tự hành ISU-122mm. Phòng không dùng các loại pháo cao xạ cơ giới 23mm, 37mm, 80mm và 100mm, hỏa tiễn địa không SA-2, SAM-7 của Liên Xô. Không quân được Trung Cộng cung cấp MIG-15 và MIG F-17, Liên Xô cung cấp MIG-19 và MIG-21. Ở thời điểm chiến tranh cao độ, Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) có hơn 2,000 hỏa tiễn SA-2, SAM-7 và 200 phi cơ MIG các loại. Hải quân được Trung Cộng cung cấp hàng trăm pháo hạm Swatow và Shanghai; Đông Đức yểm trợ khinh tốc đỉnh; Liên Xô viện trợ loại pháo hạm Komar và phóng lôi PT-4 và PT-6.(22) Cũng cần ghi nhận thêm “On Protracted War” của Mao Trạch Đông được CSVN --đặc biệt là Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp-- áp dụng triệt để trong tấu khúc “chiến tranh trường kỳ” hung bạo và man rợ chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh giành độc lập của Việt Nam qua từng thời kỳ mà ngay những người viết sử CSVN cũng không che giấu.
Nói rõ hơn, “On Protracted War” Mao viết từng mảng cho Hồng Quân CSTQ áp dụng đánh quân QDĐ/TH của Tưởng Giới Thạch thì sau đó được Việt Minh thực hiện rập khuôn. Giai đoạn sơ khai là thành lập căn cứ địa, tổ chức lực lượng, họ gọi là đấu tranh võ trang. Các đơn vị võ trang thực hiện các chủ trương Dân vận, Địch vận và Binh vận gọi là đấu tranh chính trị. Trong giai đoạn Du kích Chiến vì sợ ba phương thức đấu tranh chính trị nói trên không thành công vì không thu phục được nhân tâm nên họ áp dụng cả Bạo động Chiến gây khủng khiếp cho đối phương và dân lành vùng xôi đậu khiến phải đem nhân lực và tài lực cung hiến cho “cách mạng”. Như vậy là vừa tuyên truyền vừa giết chóc để phát triển lực lượng và căn cứ địa. Ai tự nguyện thì tha, ai chống trả thì giết. Đấu tranh võ trang và đấu tranh chính trị tiến hành song song. Tuy nhiên khi chuyển lên Vận động chiến và Trận địa chiến, CSVN vất bỏ dân, binh và địch vận hay giết chóc thủ tiêu lẻ tẻ mà thay thế bằng sự kết hợp quân sự, chính trị, và ngoại giao trong “chiến tranh cách mạng” (“revolutionary war”, nói trên) và tàn sát đối phương hay dân chúng với qui mô tập thể. Vì vậy nên ở giai đoạn cuối cùng Tổng Công kích và Tổng Khởi nghĩa, CSVN chỉ thực hiện được một vế Tổng Công kích. Vì mất nhân tâm nên không thể có Tổng Khởi nghĩa. Ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam CSTQ và CSVN chỉ thắng được vì... Hoa Kỳ bỏ cuộc. Nói cách khác, như Tổng thống Nguyễn văn Thiệu nói, là “phản bội.” Trong bài tham luận “Lessons from the Vietnam War”, tôi cũng viết: “Sometimes, I wonder how much the U.S. has learned from its policies of ‘supporting and abandoning its allies?’” [“Đôi khi tôi tự hỏi Hoa Kỳ đã rút tỉa kinh nghiệm được mấy về sách lược yểm trợ và bỏ rơi đồng minh của mình?”](23) Ông Thiệu dùng chữ rõ ràng hơn “betrayal”.
Về phía quốc gia, cho đến khi Bảo Đại về chấp chính, tuy Hiệp ước Elysée đã ký và duyệt y nhưng chính phủ Pháp ở Đông Dương vẫn chưa thực sự thành lập quân đội quốc gia cho Việt Nam. Chỉ có Nghị định của Bộ Quốc phòng ban hành ngày 13/4/1949 thành lập lực lượng “Vệ Binh Quốc Gia” [La Guarde Nationale], kỳ thực đó chỉ là tên gọi chung của Vệ Binh Nam Việt, Việt Quốc Đoàn, Bảo Chính Đoàn trước đây sát nhập lại và thêm một đơn vị nữa là Vệ Binh Sơn Cước, nhưng Pháp vẫn tiếp tục chỉ huy các đơn vị vệ binh này --tất cả khoảng 60,000 quân-- và chỉ đạo chiến tranh đánh nhau với Việt Minh. Đến trước tháng 12/1949, lực lượng viễn chinh Pháp tỏ ra khó kiểm soát hết các vùng đã chiếm đóng trong Nam nên thuận để cho các lực lượng Cao Đài thành lập ở miền đông và lực lượng Hòa Hảo ở các tỉnh ở Hậu Giang. Hai lực lượng này chống Việt Minh cao độ, nhất là sau khi đức Thầy Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh ám hại. Ngay tại Sài Gòn, các tổ công tác thành của Việt Minh hoạt động ráo riết dân binh địch vận trong nội thành, nên Pháp để cho Bảy Viễn hay Lê Văn Viễn thành lập đơn vị võ trang và nắm cơ quan công an. Ở Miền Bắc Việt Nam quân viễn chinh Pháp thu được những kết quả tương đối. Cuộc hành quân tảo thanh lớn nhất “Lee Operation” do Tướng Tư lệnh Pháp Valluy tổ chức tháng 11/1947 tại Việt Bắc với 20 tiểu đoàn suýt bắt được Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ở Bắc Kạn, tuy nhiên cũng làm cho Việt Minh tổn thất trên 9,000 cán binh, kể cả vài bộ trưởng của Chính phủ Kháng chiến CSVN.(24) Thời điểm từ tháng 12/1946 đến tháng 12/1949, CSVN của Hồ Chí Minh và Việt Minh còn ở trong Giai đoạn 1 “Du kíchChiến và Bạo động Chiến” lo củng cố căn cứ địa và xây dựng lực lượng võ trang, gây bạo động rối loạn, ám sát, bắt cóc, thủ tiêu đồng thời tiến hành thầm lén tuyên truyền “dân, binh và địch vận” từ Bắc chí Nam, vì vậy quân viễn chinh Pháp chiếm thượng phong. Đối với Chính phủ Quốc Gia Việt Nam việc thực thi Hiệp ước Elysée, Quốc trưởng Bảo Đại đã tìm cách và chọn nhiều chính khách có uy tín nối tiếp nhau lập nội các để tiếp tục đấu tranh trên căn bản của hiệp ước nhưng không thực hiện được các điều khoản quan trọng đã ký vì khoảng thời gian này lực lượng Pháp còn chiếm ưu thế ở chiến trường.
Tuy nhiên từ đầu năm 1950 trở đi, cục diện chiến tranh ở Đông Dương đã thay đổi, sau khi Chính phủ Truman, Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ, đã tự bỏ rơi Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và đạo quân QDĐ/TH gần hai triệu người của Tưởng Giới Thạch. Nói rõ là Hoa Kỳ bỏ Lục địa Trung Hoa cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Đây là lỗi lầm trọng đại nhất của Hoa Kỳ.(25)Tháng 12/1945, Tổng thống Truman đưa Tướng George C. Marshall, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, sang Trung Hoa như một “Đặc sứ toàn quyền” để hòa giải hai phe Quốc, Cộng lần chót. Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch cùng ký chung hiệp ước thành lập quân đội Trung Hoa tháng 2/1946. Nhưng chỉ vài tuần sau, nội chiến tái diễn dữ dội hơn. Từ tháng 3 đến tháng 6, 1946, quân QDĐ/TH của Tưởng đánh bật quân CSTQ của Mao lên mạn Bắc Trung Hoa và Mãn Châu. Tuy nhiên, chiến thắng của Tưởng làm cho Đặc sứ Marshall không hài lòng vì sự hợp tác giữa Quốc–Cộng Trung Hoa đã tan vỡ. Ngày 29/6/1946, Marshall ra lệnh cắt viện trợ cho lực lượng QDĐ/TH và CSTQ. Quyết định này ảnh hưởng trực tiếp cho lực lượng QDĐ của Tưởng Giới Thạch. Tháng 9/1946 các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và các đại đơn vị khác của Hoa Kỳ được lệnh rút ra khỏi lục địa Trung Hoa. Ngày 6/1/1947, Marshall tuyên bố không hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Hoa, trở về Hoa Kỳ. Bỏ mặc quân QDĐ cho định mệnh của họ. Quân CSTQ được Liên Xô trao toàn bộ vũ khí và trang bị, kho tàng thực phẩm của một triệu quân Nhật bỏ lại Mãn Châu cho Lâm Bưu, Tư lệnh Hồng quân CSTQ của Mao. CSTQ đã phản công toàn diện. Trong hai năm liên tục, nhiều lộ quân QDĐ/TH chiến đấu trong khốn cùng, không đạn dược và thiếu lương thực. Quân CSTQ chiếm Bắc Kinh --tại đây ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (The People’s Republic of China). Hồng Quân CSTQ tiếp tục vượt Hoàng Hà, vượt Trường Giang, và chiếm Nam Kinh. Ngày 7/12/1949, tàn quân QDĐ/TH và Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch hoàn tất cuộc rút lui ra đảo Đài Loan. Đến lúc đó, Hoa Kỳ tái lập viện trợ cho Tưởng Giới Thạch để giữ Đài Loan. Đã trễ và đã thua. Thế giới hỏi tại sao? Không ai trả lời... Chính giới Hoa Kỳ nổi sóng. Chỉ ít lâu sau họ quên đi, nhưng lịch sử... không quên. Trung Cộng thay Trung Hoa Dân Quốc trở thành một trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc [Security Committee of the United Nations]
CSTQ chiếm Lục địa Trung Hoa, lực lượng viễn chinh Pháp không còn cơ hội để chiến thắng cuộc chiến ở Đông Dương, nhất là ở Việt Nam. Võ nguyên Giáp tuyên bố là lực lượng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (The People’s Army of Vietnam --PAVN) đã có một triệu quân. Trên thực tế, bộ đội này của CSVN --gọi là “Bộ đội cụ Hồ” (Bộ đội HCM)-- lúc đó chính thức được Hồng Quân CSTQ huấn luyện, trang bị và tổ chức thành cấp đại đoàn, sư đoàn chính quy, tại các căn cứ ở biên giới Vân Nam và Quảng Tây. Đến đầu năm 1950, CSVN có 5 sư đoàn bộ chiến 304, 308, 312, 316, 320 và một sư đoàn lớn hỗn hợp bộ, pháo, công binh cơ giới 325. Tất cả các đại đơn vị này, từ cấp tiểu đoàn trở lên đều có cố vấn trong Đoàn Cố vấn Quân sự CSTQ, gồm 281 cán bộ và cố vấn, do Tướng Vi Quốc Thanh chỉ đạo đặt cạnh Bộ TTL/QĐND của Võ Nguyên Giáp. Ở cấp chỉ đạo Đảng CSVN và chính phủ của Hồ Chí Minh có Đoàn Cố vấn Chính trị do La Quý Ba, Ủy viên Trung ương của Đảng CSTQ chỉ đạo. CSTQ còn đưa danh tướng Trần Canh sang đặt kế hoạch cho bộ đội HCM trong các chiến dịch tấn công lực lượng Pháp ở Đường # 4 biên giới Việt-Trung. Về phía Pháp, Cao ủy d’Argenlieu và Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương là Tướng Marcel Carpentier chống đối việc thành lập Quân Đội Việt Nam. Như vậy, đến đầu năm 1950, bộ đội HCM có 7 đại đơn vị cấp sư đoàn và là lực lương võ trang đầu tiên có gần ba trăm cố vấn TQCS với hàng khối vũ khí và thiết bị quân sự và ba đại cố vấn CSTQ về chính trị và quân sự --chiến lược lẫn chiến thuật. Tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng CSVN khác trở thành robots mặc dù đã đến thời điểm Bắc Kinh ra lệnh triển khai giai đoạn II và III Chiến tranh Cách mạng --Revolutionary War-- của Mao Trạch Đông, Vận động Chiến và Công kiên Chiến (Mobile and Conventional Warfares). Trong khi đó Quân Đội Quốc Gia Miền Nam chỉ được thành lập hạn chế với một số Tiểu đoàn Việt Nam (Bataillons Vietnamiens) do sĩ quan Pháp chỉ huy. Số sĩ quan Việt Nam do Pháp đào tạo chỉ được vài mươi người. Nhưng về sau chính những sĩ quan này lãnh đạo Miền Nam.
Trong cuộc họp cấp ủy viên trung ương Đảng CSTQ ngày 27/6/1950, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Vì cuộc cách mạng của chúng ta hoàn thành thắng lợi, chúng ta có trách nhiệm giúp các nước khác. Đó gọi là Chủ nghĩa Quốc tế.” [Since our revolution has achieved victory, we have the obligation to help others. This is called internationalism].(26)
Ngày 16/9/1950, chiến dịch trên Đường # 4 khởi diễn. Trận đánh này là điển hình chiến thuật “công đồn đả viện” của Tướng Trần Canh sáng tạo và chỉ đạo, được bộ đội HCM học tập, thực hành lần đầu tiên này và áp dụng triệt để hơn hai thâp niên sau trải suốt hai cuộc chiến Việt Nam. Trần Canh chọn căn cứ đóng quân cấp tiểu đoàn Pháp (-) --khoảng dưới 300 quân-- ở Đông Khê, nằm trên trục lộ # 4, cách Cao Bằng 1/3 đoạn đường xuống Lạng Sơn, cho một sư đoàn quân (10,000 người) Võ Nguyên Giáp tấn công để thu hút quân tiếp viện của Pháp từ hai tỉnh này kéo đến tiếp viện. Quả nhiên cánh quân thứ nhất từ Lạng Sơn do Trung tá Le Page kéo lên Thất Khê rồi tiến lên giải cứu Đông Khê. Cánh quân thứ hai của Trung tá Charton, cũng bỏ Cao Bằng, kéo xuống Đông Khê cùng mục đích. Cả hai cánh quân tiếp viện này đều lọt vào ổ phục kích của quân Võ Nguyên Giáp phía bắc và nam căn cứ Đông Khê --cấp sư đoàn (+) ở mỗi điểm phục kích. Hai cánh quân này bị đánh tan rã, hai trung tá này của Pháp bị bắt; hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị bắt làm tù binh. Có thể Trần Canh đã sử dụng ít nhất là 4 sư đoàn bộ và 3 hay 4 trung đoàn pháo của Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch biên giới tấn công Đường # 4 này, không kể các sư đoàn trừ bị, mang lại kết quả to lớn đầu tiên cho bộ đội HCM, chấn hưng cao độ tinh thần cán binh bộ đội HCM. Công kiên và phục kích chiến trở thành chiến thuật hữu dụng. Từ quan điểm chiến thuật này sinh ra thêm lối đánh “tiền pháo hậu xung”. Dội pháo dữ dội tiêu diệt công sự phòng thủ của địch quân trước, rồi xung phong tràn ngập căn cứ với “biển người” [human waves]. Cũng chính Trần Canh bày cho quân Võ Nguyên Giáp áp dụng ngay trong trận Đông Khê. Vì vậy tổn thất của bộ đội HCM trong chiến dịch này rất lớn. Sau trận này Tướng Marcel Carpentier, Tư lệnh lực lượng Pháp ở Đông Dương ra lệnh bỏ tất cả căn cứ của Pháp ở bắc, đông bắc Bắc Việt: Lào Kay, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, kể cả một phần bắc Thái Nguyên. Tất nhiên, sau đó ông Tướng này, kể cả ông Cao ủy Đông Dương cũng mất chức. Tướng Trần Canh được Bắc Kinh gọi về làm tư lệnh phó cho Tướng Bành Đức Hoài trong cuộc chiến Hàn quốc.(27) Địa bàn vận-động-chiến của bộ đội HCM mở rộng. Tháng 12/1950 Pháp đưa Đại tướng De Lattre de Tassigny sang làm Cao ủy kiêm Tư lệnh quân lực Pháp ở Đông Dương.
Chính Tướng De Lattre, một danh tướng Pháp trong Đệ II TC mà chúng ta chưa quên, là nhà chiến lược hiểu rõ hơn ai hết về một “cuộc chiến ủy nhiệm”. De Lattre rất muốn Chính phủ Pháp thực hiện việc thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Trong một bài diễn văn, ông kêu gọi thanh niên Việt Nam gia nhập quân đội để bảo vệ quốc gia; ông nói: -“Dĩ nhiên, mọi người có khuynh hướng cho rằng Việt Nam không là quốc gia độc lập vì là một thành viên của Liên Hiệp Pháp. Không đúng! Trong vũ trụ, đặc biệt là trong thế giới của chúng ta ngày nay không thể có những quốc gia độc lập tuyệt đối. Chỉ có những nền độc lập liên hợp sinh lợi và những nền độc lập nguy hiểm. Các bạn trẻ Việt Nam... đây là thời điểm để các bạn bảo vệ tổ quốc.”(28) Câu nói sâu xa này vừa là lời biện minh cho lực lượng Pháp... đang nhận tiền của Hoa Kỳ đánh CSQT ở Việt Nam (vừa thoái thác vừa công nhận một cuộc chiến “ủy nhiệm” mà Pháp nhận lãnh) khi khôn khéo nêu rõ “không có gì gọi là độc lập tuyệt đối” mà mọi quốc gia tùy thuộc lẫn nhau (kêu gọi giới tuổi trẻ Việt Nam cùng tham gia “đánh giặc mướn” chống CSQT có lợi cho Pháp và Thế giới Tự do, mà De Lattre gọi là “bảo vệ tổ quốc”). Sự kêu gọi này hùng hồn không kém lời kêu gọi gian dối của Hồ Chí Minh kích thích nhân dân Việt Nam hy sinh vì nền độc lập của đất nước mà giấu nhẹm vai trò đánh thuê để góp công bành trướng “Đế quốc Mới Đệ III CSQT”, nhưng De Lattre thành thực hơn. Ở thành thị, khá đông thanh niên, sinh viên và học sinh tình nguyện vào Quân Đội Quốc Gia, theo học Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, hoặc động viên vào trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định hay Thủ Đức, vào các trường Hạ sĩ quan... Rồi cả một thế hệ hay đôi ba thế hệ Việt Nam yêu nước thuở đó tưởng rằng mình đã hy sinh xương máu cho độc lập, tư dọ và hạnh phúc của đồng bào và đất nước mình. Thế hệ của chúng tôi đều bị lợi dụng và đã không biết, và nếu có biết thì cũng bị guồng máy chiến tranh cuốn vào và bị nghiền nát ra. Lý do chính là vì chúng tôi chỉ là dân lành yêu nước, thấp cổ, bé miệng. Ai hiểu rõ những lý do ẩn tàng này, những người bên thắng hay bên thua cuộc? Ai hiểu rõ tất cả chúng ta đều là những người bị xua vào chiến cuộc bởi những thế lực ngoại bang?
Chính phủ Bảo Đại có Bộ Quốc phòng, tuy Tướng De Lattre tuyên bố như vậy nhưng mãi đến tháng 5/1952 QĐQG/VN mới bắt đầu thành lập, trước tiên là Bộ Tổng Tham Mưu với một Đại tá Không Quân Pháp, gốc Việt, là Nguyễn văn Hinh làm Tổng Tham Mưu Trưởng, mang cấp Trung tướng; tuy nhiên quân đội này chưa có đại đơn vị mà chỉ tăng thêm số Tiểu đoàn Việt Nam vẫn do sĩ quan Pháp chỉ huy. Rất ít tiểu đoàn do các sĩ quan VN xuất thân từ Khóa 1 Nước Ngọt ở Bà Rịa và Khóa 2 Đập Đá ở Huế chỉ huy. Lúc đó, Trường Liên quân Võ bị Đà Lạt và Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức cũng đã đào tạo các khóa sĩ quan đầu tiên.
Đầu năm 1951, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng Lao Động (tên gọi này cũng do Mao Trạch Đông đặt khi Đảng CSĐD, thực ra là Đảng CSVN, tái thành lập) nghe theo Cố vấn Chính trị La Quý Ba và Cố vấn Quân sự Vi Quốc Thanh tán thành giai đoạn cuối cùng, TCK & TKN của “chiến tranh cách mạng” chống Pháp. Võ Nguyên Giáp đưa hơn ba sư đoàn chính quy tấn công xuống đồng bằng Sông Hồng [The Red River Delta]. Tướng De Lattre hình như tiên đoán được ý định và sách lược của CSVN, nên đã ra lệnh kiến tạo hệ thống phòng thủ vùng đồng bằng này và bảo vệ chặt chẽ Hà Nội gọi là “Tuyến De Lattre” [De Lattre Line]. Ông cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch phản công, đồng thời ra lệnh kiện toàn hệ thống cứ điểm ở tây bắc, Sơn La, Nghĩa Lộ, Lai Châu và Cao nguyên Thái [Thai Highland] trên Đường # 6, nhằm ngăn chặn bộ đội HCM tiến sang Lào. Khi các Sư đoàn 308, 312 và 316 của Võ Nguyên Giáp tấn công vào tuyến De Lattre lần thứ nhất ở Vĩnh Yên, 40 km bắc Hà Nội ngày 13/1/1951, đã bị dội bom Napalm và quân Nhảy Dù Pháp phản kích, nên tổn thất rất nặng, trên dưới 9,000 cán binh bị giết, một số tương đương bị thương và 600 bị bắt. Hai tháng sau, ngày 23/3, lần thứ hai Võ Nguyên Giáp đem ba sư đoàn tấn công tuyến quân Pháp ở Mao Khê, vùng tây bắc Hà Nội, cũng thất bại và tổn thất không kém lần trước vì loại bom Napalm xăng đặc này. Như vậy cho thấy chiến thuật công kiên tấn công biển người của Trần Canh không phải không có khuyết điểm, nếu đối phương mạnh về không yểm và quân tấn công thiếu lực lượng phòng không. Tuy nhiên Bộ đội HCM cũng đã trì chân được ở vùng châu thổ Sông Hồng và Sông Đáy. Có những trận đánh khác rất lớn diễn ra và Tướng De Lattre luôn luôn ở thế thắng, trước sau gây cho Bộ đội HCM những thiệt hại trên dưới 50,000 quân, tuy ông cũng trả giá bằng cái chết của đứa con trai duy nhất của ông và dòng dõi De Lattre.
BẢN ĐỒ VIỆT NAM
(SAU KHI TƯỚNG DE LATTRE DE TASSIGNY LẬP VÒNG
ĐAI PHÒNG THỦ HÀNỘI VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG)
Có thể nói De Lattre de Tassigny là danh tướng duy nhất của Pháp có thể chống lại bước tiến của Mao Trạch Đông đang dùng đạo quân của HCM đánh chiếm và xích hóa toàn bộ Đông Dương và nam tiến, như Mao chỉ thị cho thuộc hạ trong một cuộc họp Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng CSTQ: “Bằng mọi cách chúng ta phải chiếm cho được Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai và Singapore... Vùng này giàu khoáng sản, xứng đáng trả giá đắt. Sau khi chiếm xong Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng trưởng lực lượng trong vùng. Và chúng ta tất sẽ đủ mạnh để đối đầu với Liên Xô và khối Đông Âu; gió Đông sẽ mạnh hơn gió Tây.”(29) Tham vọng của Mao Trạch Đông rất lớn và rõ rệt. Để thực hiện giấc mộng lớn của mình, sau khi xây dựng lực lượng của Hồ Chí Minh khá vững chãi đủ để xích hóa Đông Dương và nam tiến, Mao đưa Tướng Bành Đức Hoài và tăng cường thêm Tướng Trần Canh xua đạo quân gần 400,000 người cùng đạo quân của Kim Nhật Thành, lãnh tụ Cộng Sản Hàn Quốc, tấn công chiếm Nam Hàn, gây ra chiến tranh Hàn Quốc năm 1950; đây có thể là chiến lược lớn “dương đông kích tây” lôi kéo lực lượng của Thế giới Tự do vào hướng đông, để trống hướng nam cho lực lượng HCM dễ dàng tung hoành. Cũng tiếc cho Pháp và Thế giới Tự do, vì chỉ ít lâu sau các trận đánh ở châu thổ Sông Hồng, De Lattre bị ung thư rất nặng phải về Pháp trị bệnh và từ trần tháng 11/1951. Tướng Raoul Salan thay thế Tướng De Lattre làm Tư lệnh quân lực Pháp và Jean Letourneau sang Đông Dương với chức danh mới là Bộ trưởng Liên Bang Đông Dương --Minister of the Associated Nations of Indochina-- cao hơn chức Cao ủy. Điều này chứng tỏ Pháp không muốn nhả miếng mồi ngon này.
Đến thời điểm đó, có lẽ Hoa Kỳ đã nhận thấy sai lầm đã bỏ Lục địa Trung Hoa cho CSTQ nhưng chưa nhận thấy chỉ có lực lượng QDĐ của Tưởng Giới Thạch mới đủ sức đánh quân CSTQ của Mao Trạch Đông mà không phải là quân lực nước ngoài trong một cuộc chiến đặc biệt của những “kẻ nội thù”. Hoa Kỳ luôn luôn áp dụ̣ng chính sách “Giai đoạn”. Bạn hay thù, yểm trợ hay dứt bỏ... chỉ là giai đoạn của sách lược lâu dài cố hữu: “vì sự lợi ích của Hoa Kỳ”. Điều này bất khả luận, phải nhận là đúng, nhưng sách lược này làm Hoa Kỳ mất mát nhiều sinh mạng, tài chính và uy tín, nhất là để lại hậu quả dâu biển, tang thương cho các nước một thời là đồng minh. Thực vậy, mặc dù lúc đó Hoa Kỳ, với chiến thắng của MacArthur, đã giải quyết được chiến tranh Hàn Quốc, tuy di họa vẫn còn... nhưng vẫn ngó về Việt Nam, và sẵn sàng mở rộng thêm hầu-bao tuôn tiền qua đó, mặc dù cái túi tiền này đã mở ra viện trợ quân sự cho Pháp năm 1950 là 10 triệu Mỹ kim và từ tháng 6/1950 Hoa Kỳ đã đưa sang Sài Gòn Phái bộ Cố vấn Viện trợ Quân sự Đông Dương, MAAG-I [the U.S. Military Assistance Advisory Group-Indochina] do Tướng Francis G. Brink chỉ huy. Đến khi Carpentier bỏ Việt Bắc, viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Pháp ở Đông Dương đã quá mức 100 triệu Mỹ kim, nhưng tình hình chiến sự ở Việt Nam càng ngày càng bất lợi thêm cho lực lượng Pháp từ cuối năm 1951 khi De Lattre mất.
Tháng 2/1952 Cố vấn Quân sự Vi Quốc Thanh trình về Bắc Kinh sơ thảo chiến dịch tấn công tây bắc Bắc Việt dự trù cho bộ đội HCM. Tháng 4, kế hoạch được duyệt xét lại. Tháng 7 kế hoạch được Quân ủy Trung ương Đảng CSTQ chấp thuận. Tháng 8/1952, Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công căn cứ Pháp ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, và chiếm toàn bộ vùng sông Đà, kể cả Sơn La, tây bắc Hà Nội, dọn đường đưa quân sang Lào. Để phản công, Tư lệnh quân Pháp Tướng Salan mở cuộc hành quân Lorraine với 30,000 quân lên Phú Thọ, Yên Bái và Tuyên Quang vào cuối tháng đó. Cuộc hành quân này chỉ trì hoãn quân của Pháp tiến sang Lào và vì Tướng Salan sợ bị cắt đường tiếp vận nên ra lệnh chấm dứt cuộc hành quân vào trung tuần tháng 11/1952. Trong tháng này, ở Hoa Kỳ, Tướng Eisenhower, ứng cử viên Đảng Cộng Hòa, đắc cử Tổng thống. Đến cuối năm 1952, Hoa Kỳ đã chi phí cho Pháp ở Đông Dương đến hơn 700 triệu Mỹ kim nhưng lực lượng Pháp của Salan đã không thể ngăn cản được bộ đội HCM sang Lào.
Đầu năm 1953, khi vào Nhà Trắng, Eisenhower rất chú tâm về cuộc chiến Đông Dương và đặc biệt chú ý về tình hình ở Bắc Việt và ở Lào. Tháng 3/1953, phái đoàn Pháp, gồm Thủ tướng René Mayer, Ngoại trưởng Georges Bidault và Bộ trưởng Đông Dương Jean Letourneau sang Washington cầu viện xin thêm chiến phí và được chấp thuận 385 triệu Mỹ Kim với điều kiện Pháp phải gởi thêm sang Đông Dương hai sư đoàn bộ binh, lập kế hoạch diệt trừ quân CSVN trong hai năm và kiện toàn việc thành lập Quốc Gia Việt Nam (QĐQG/VN). Tháng 4, Phó Tổng thống Richard M. Nixon được cử sang thị sát chiến trường Đông Dương. Tháng 5, Chính phủ Pháp chỉ định Tướng Henri Navarre thay thế Salan. Bộ trưởng Letourneau khi trở về Đông Dương không lập được một kế hoạch thiết thực nào để đánh CSVN nhưng có lối sống như một ông hoàng cao hơn các ông hoàng thực sự của ba nước Việt, Miên và Lào. Pháp cũng không đưa thêm quân sang Việt Nam. Việc kiện toàn QĐQG/VN tiến hành nhanh hơn. Chính phủ QGVN ra lệnh động viên thanh niên từ 18 đến 33 tuổi. Ở trung ương, Bộ Tổng Tham Mưu, thêm một vài cơ quan. Ở địa phương, thành lập các quân khu và các bộ tư lệnh. Quân khu I gồm các tỉnh thuộc Nam Việt; Quân khu II, các tỉnh duyên hải Trung Việt; Quân khu III các tỉnh Bắc Việt; và Quân khu IV các tỉnh Cao nguyên Trung Việt, với các Tư lệnh Quân khu cấp bậc Đại tá hay Thiếu tướng Việt Nam. Về tác chiến, mỗi Quân khu thành lập một Liên đoàn Lưu động [Groupement Mobile] gồm ba tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo; lập thêm một số Tiểu đoàn Việt Nam [Bataillons Vietnamiens] phụ trách lãnh thổ; và thành lập thêm một số Tiểu đoàn Khinh quân [Bataillons Légers] hành quân lưu động. Vì tình hình chiến sự nên Quân khu III và IV, mỗi nơi có hai Liên đoàn Lưu động [Goupements Mobiles]. Pháp cũng trả dần quyền chỉ huy các đơn vị tác chiến cho các sĩ quan Việt Nam. Pháp cũng chấp nhận các đơn vị vũ trang của các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo và phong cấp tướng hay đại tá cho một số các cấp chỉ huy giáo phái. Lê Văn Viễn, chỉ huy đoàn quân ô hợp Bình Xuyên ở Sài Gòn-Chợ Lớn cũng được phong cấp Thiếu tướng. Các sự kiện thành lập các quân khu, các đơn vị tác chiến Việt Nam, thu nhận các đơn vị võ trang giáo phái, không là chứng minh thiện chí trả độc lập và quyền “hành xử nội bộ” cho Chính phủ Quốc Gia Việt Nam theo các điều khoản chính của Hiệp ước Elysée mà thực ra Letourneau chỉ muốn có thêm quân bản xứ đánh CSQT ở Việt Nam, chết thay cho quân Pháp. Trong khi đó thì Bộ Tham mưu Pháp chỉ huy toàn bộ các cuộc hành quân dù nhỏ hay lớn. Bộ Tổng Tham Mưu QĐQG/VN chỉ tuyển mộ, huấn luyện quân và điều hành tiếp vận cung cấp cho chiến trường là chính. Các Bộ Tư lệnh Quân khu cũng vậy. Rõ ràng Pháp bội ước, không đưa hai sư đoàn bộ chiến sang Việt Nam. Họ sử dụng người Việt để họ đánh thuê cho thế lực giàu mạnh hơn. Các sử gia nước ngoài và Việt Nam ít người nêu rõ dã tâm này của Pháp. Pháp nhận tiền của Hoa Kỳ rồi lợi dụng gan mật của giới trẻ Việt Nam đem phơi ngoài bãi chiến... Vậy mà chúng tôi những ngỡ là đánh giặc để giữ nước vì lòng yêu tổ quốc của mình. Tất nhiên ít lâu sau đa số tỉnh thức, nhưng túng thế phải tùng quyền. Quốc trưởng Bảo Đại, dù mang tâm huyết đó cũng nhận thức được sự bất lực của mình, nên giao chính sự cho những người mà ông tin rằng có khả năng đối thoại với thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, ra đi lần nữa. Ông không muốn nói gì thêm với những tên thực dân này.
Khi Navarre chính thức nhận chức ở Đông Dương là lúc sắp diễn ra những thay đổi lớn lao cục diện chiến tranh. Trong cuộc họp chóp bu ngày 22/8/1953, CSVN định bỏ kế hoạch đưa quân sang Lào, ngược lại quyết định mở chiến dịch tổng tấn công lần nữa vào tuyến De Lattre và châu thổ Sông Hồng. Cố vấn Quân sự Vi Quốc Thanh, được tham dự buổi họp, báo cáo về Bắc Kinh. Mao Trạch Đông gởi hai điện văn ngày 27 và 29/8 chỉ thị cho CSVN tấn công Lai Châu, tây bắc Việt Bắc, và tiến sang Lào. Nội dung các bức điện đó, sau này giải mật, được tác giả Qiang Zhai ghi lại phần quan trọng nhất, như sau: “Diệt địch quân vùng Lai Châu, giải phóng thượng Lào và trung Lào, và từ đó mở rộng chiến trường xuống hạ Lào và Cao Miên để khống chế Sài Gòn.”(30) Với tin tức quân CSVN tập trung vùng Lai Châu, Navarre quyết định thiết lập căn cứ ở Điện Biên Phủ (ĐBP) vừa ngăn cản quân CSVN tiến sang Lào vừa dẫn dụ đại quân của Giáp về đây để tiêu diệt bằng không quân. Cứ điểm này ở thung lũng Điện Biên Phủ, biên giới Việt-Lào, ở hướng tây cách Hà Nội 188 dặm, trước sau có 15,000 quân do Đại tá De Castries chỉ huy. Nhiều tài liệu cho rằng Tướng Vi Quốc Thanh lập kế hoạch và giám sát chi tiết từng giai đoạn bao vây tấn công Điện Biên Phủ của bộ đội HCM với hơn bốn sư đoàn bộ chiến và hai sư đoàn pháo do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Trước đó, theo Qiang Zhai, Mao Trạch Đông chỉ thị lập thêm cho bộ đội HCM hai sư đoàn pháo binh và hai trung đoàn công binh chiến đấu với kỹ sư và chuyên viên chọn lọc từng chiến đấu ở Hàn Quốc có kinh nghiệm đào giao thông hào tiến quân tiếp cận vị trí địch, tăng cường cho Võ Nguyên Giáp.(31) Cuộc tấn công diễn ra ngày 12/3/1954. Võ Nguyên Giáp, muốn chiến thắng nhanh, cho lệnh tấn công biển người, bị tổn thất nặng. Bắc Kinh ra lệnh Vi Quốc Thanh chỉ dẫn cho Giáp dùng chiến thuật “chia cắt quân địch thành từng cụm và bao vây tiêu diệt gọn chúng từng phần” [separating and encircling the enemy and then wiping them out bit by bit]. Các trung đoàn công binh, với chuyên viên CSTQ, phân tán theo các đơn vị bộ binh của Giáp, đào giao thông hào tiếp cận vào từng cụm cứ điểm của Pháp. Quân của Giáp di chuyển theo giao thông hào tiến dần đến các pháo đài Pháp, tấn công diệt từng cụm. Tiến công chậm, nhưng thành công chắc. Trong khi đó các sư đoàn pháo mới thành lập, với loại đại pháo cơ giới di động tối tân, bố trí vị trí pháo đào sâu trên các sườn núi, giập đạn pháo dữ dội vào trung tâm cứ điểm. Lúc đó, không quân Pháp bất lực trước lối đánh độn thổ này. Tình hình nguy ngập. Tướng Paul Ely, Tổng Tư lệnh Quân đội Pháp yêu cầu Hoa Kỳ yểm trợ căn cứ ĐBP bằng không lực.
TT Eisenhower, trước tiên định cứu nguy ĐBP, đã chỉ thị lập kế hoạch không yểm qui mô “Guernica Vulture”, có thể sử dụng bom nguyên tử chiến thuật, nhưng sau vì nhiều lý do, nên thay đổi ý định, để Pháp tự liệu. Ngày 1/5/1954, cụm pháo đài chỉ huy cứ điểm bị tấn công dữ dội. Ngày 7/5/1954, Navarre ra lệnh cho De Castries đầu hàng.(32) Hoa Kỳ đã chi phí cho Pháp ở Đông Dương 1 tỷ Mỹ kim và 1 tỷ khác ở chính quốc theo kế hoạch Marshall.
Hội nghị Genève từ đầu tháng 5/1954, kết thúc với Hiệp định “Chia đôi Việt Nam” ký vào nửa khuya đêm 20/7/1954 giữa Thiếu tướng Pháp Henri Delteil và Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu của CSVN. Như vậy, Pháp và CSVN cắt xẻ Việt Nam ở Vĩ tuyến 17, lấy Sông Bến Hải làm ranh giới Miền Bắc và Miền Nam. Ngoại trưởng Trần văn Đỗ của Chính phủ Quốc Gia Việt Nam và đại diện Hoa Kỳ không ký. Hiệp định Genève được thi hành, trong vòng 300-ngày di tản chính thức, từ tháng 8/1954 đến tháng 5/1955, hơn 860,000 người di cư vào Miền Nam. Tham vọng của Pháp vô lượng, muốn hòa hoãn với CSVN ở Miền Bắc, nhưng vẫn muốn chiếm Miền Nam, không chịu buông. Tướng Paul Ely được đưa sang Miền Nam. Ely sử dụng Tướng Nguyễn văn Hinh tiếp tục nắm chặt Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.
Trước đó, ngày 16/6/1954 Quốc trưởng Bảo Đại chỉ định ông Ngô Đình Diệm (NĐD) làm Thủ tướng thay Hoàng thân Bửu Hội. Ngày 26/6, ông Diệm về nước. Ngày 7/7/1954 nội các NĐD thành lập xong. Chính phủ của ông được Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower yểm trợ cực lực. Eisenhower chủ trương thuyết “Dominos”. Ông cho rằng một quân bài domino đầu ngã sẽ kéo theo những quân bài dominos kế tiếp lần lượt ngã theo. Ông coi Việt Nam ở thời điểm đó là quân bài domino đầu của Đông Nam Á. Khi mà CSQT --nhất là CSTQ-- muốn xích hóa vùng này tất phải làm đổ sụp quân bài tiền đồn này trước tiên. CSBV tất nhiên được Bắc Kinh sử dụng để Nam Tiến. Nếu bị ràng buộc vào Hiệp định Genève, nhất thời CSBV không thể công khai vượt khu phi quân sự (demilitarized zone -DMZ) Bến Hải thì sẽ âm thầm tiến quân sang Lào. Vì vậy Lào là con đường chiến lược của Bắc Kinh và CSVN, nên Eisenhower rất quan tâm và đề cập đến nhiều lần. Còn Mao Trạch Đông thì nói rất rõ ràng khi chỉ thị cho bộ đội HCM tiến sang Lào, từ đó mới có trận chiến Điện Biên Phủ, như nói trên. Cội nguồn là ở đó; sau này lãnh thổ trung và nam Lào đã trở thành con “Đường mòn Hồ Chí Minh”, hay Đường Trường Sơn Tây của CSBV. Có nhiều nhà biên soạn sử cho rằng “Thuyết Dominos” của Eisenhower là sai lầm. Chính nhận định đó sai lầm. Eisenhower không thể để cho Pháp, trong ý nghĩa nào đó là một anh đánh mướn thua trận, tiếp tục ở Việt Nam và Đông Dương. Pháp dứt khoát phải ra khỏi địa bàn đã không còn là nơi dụng võ của họ. Hoa Kỳ dứt khoát gầy dựng lực lượng của Nam Việt Nam mạnh để đứng vững, không đổ. Quân bài domino Nam Việt Nam, lúc đó do một lãnh tụ quốc gia chống Cộng sản triệt để giữ gìn. Tất nhiên Hoa Kỳ phải yểm trợ mạnh cho Ngô Đình Diệm để có một lực lượng quốc gia mạnh đối đầu với lực lượng Cộng sản của Hồ Chí Minh.
Trước đó mối thù quốc-cộng chỉ là làn ranh tư tưởng, dù đã đẫm máu. Đến sau Hiệp định Genève tháng 7/1954 nó là một hiện thể, là Sông Bến Hải, như một vết thương rộng lớn bưng mủ, phún máu, như vết chém ngang lưng của đất nước... mà đôi bờ đều đầm đìa. Trước sau gì cũng do phe cộng sản gây ra. Cái hư là sự xung đột tư tưởng và cái thực là chia đôi dòng Bến Hải trở thành chiến tranh ý thức hệ, trở thành niềm đau dân tộc. Chỉ có kẻ sống trên xương máu đồng bào chai lì, ngu si nhưng kênh kiệu, mới gọi nhau... bên thắng bên thua.
VI. XÂY DỰNG VÀ TÀN SÁT
Đảng Lao Động hay Cộng Sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo, chính thức vào Hà Nội trung tuần tháng 10/1954, chiếm lĩnh lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam từ bắc Vĩ tuyến 17. Từ tháng 7/1954 lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại và Nội các Ngô Đình Diệm bị thu hẹp lại từ nam vĩ tuyến đó đến mũi Cà Mau. Vùng “phi quân sự” hai bên bờ Sông Bến Hải trở thành biên giới thực sự của hai nước Việt Nam, cộng sản và quốc gia. Hai Chính phủ Việt Nam này có 9 năm, từ đầu 1955 đến cuối năm 1963, để xây dựng chế độ và lực lượng. Nhưng thực ra ở cả hai miền đều có chiến tranh cục bộ. Ở miền Bắc là chiến tranh giữa Đảng CSVN với nhân dân và trí thức. Ở miền Nam là chiến tranh giữa Chính phủ Ngô Đình Diệm và các thế lực cát cứ. Chúng tôi có lần cho rằng đó là cuộc chiến của đạo đức và lương tri (ethical and conscientious war).
Ở Miền Bắc là cuộc chiế́n lương tri thế tận --conscientiously catastrophic war. Ở Miền Nam là thứ chiến tranh lương tri nhân vị --conscientiously personalistic war; chữ này không có trong tự điển, nó thoát ra từ Chủ nghĩa mà danh từ Pháp gọi là “Personnalisme” hay Chủ nghĩa “Cần lao Nhân vị”, có người gọi là Chủ nghĩa Vị kỷ, lúc đó rất hiếm người hiểu và đến nay thì không còn ai muốn hiểu nữa hoặc hiểu thấu đáo hơn theo định nghĩa sau. Cuộc chiến thế tận của HCM thành công vì sự tàn ác cực độ. Cuộc chiến nhân vị của NĐD thảm bại vì tự cô lập.
Miền Bắc, sau khi gần một triệu người di cư vào Miền Nam, đa số trí thức di tản vào Sài Gòn; chất xám ở Miền Nam giàu thêm. Thiểu số không di tản được bị cuốn mất vào sức nghiền của guồng máy vô sản toàn trị như lớp trí thức thành thị không theo kháng chiến kể cả trí thức kháng chiến ở mọi ngành, mọi cấp. Tất cả đều là kẻ thù của đảng. Vì theo Chủ nghĩa Đệ III CSQT, noi gương Staline và sau đó là Mao Trạch Đông, giết hàng triệu người, dù chỉ tình nghi là những kẻ “nội thù”, rất nhiều trí thức trong hàng ngũ của họ, bất kể đã lập công lớn, trong kháng chiến. Khi đã chiếm được miền Bắc, Hồ Chí Minh và Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Tổng Bí thư Đảng Lao Động, hay Đảng CSVN, chủ trương “Củng cố Miền Bắc, chiếu cố Miền Nam”.
Về chủ trương “Củng cố Miền Bắc”, CSVN có những bước “nhảy vọt” thần tình. Trong các cơ cấu đảng và chính phủ, chính trị hay quân sự, hành chánh hay tài chánh, văn hóa hay xã hội v.v. đều phải triệt để áp dụng hệ thống cấp bộ và đảng bộ song hành (parallel hierarchy): chỉ huy nghiệp vụ chuyên sâu và chính ủy đảng trị chuyên chế. Họp hành tố cáo đồng bạn, tự phê bình kiểm thảo, thường xuyên và trong các đợt chỉnh huấn để loại trừ các phần tử trí thức và tư sản... cho biến mất, cho đi cải tạo, cho đi canh tác ở các khu kinh tế mới trong các vùng rừng sâu nước độc, cho trở về cố lý nhưng cắt mọi nhu cầu sinh sống với chính sách “cô lập” [isolation] nghĩa là bị hoàn toàn tách rời ra khỏi mọi hoạt động xã hội, đi lại, liên lạc, mua bán, kể cả lao động, cấm cả việc canh tác dù là ngọn rau, hạt đậu, chết đói cả nhà. Trong quần chúng, đảng và Chính phủ CSVN tiến hành cải tạo xã hội với tất cả các biện pháp tinh vi nhất và sâu độc nhất “bứng tận gốc bốc tận rễ” các thành phần “trí, phú, địa, hào” nổi bật nhất là hai sử kiện bất hủ “Cải cách Ruộng Đất” (CSRĐ) và “Nhân Văn Giai Phẩm” (NV & GP).
Chiến dịch “Cải cách Ruộng Đất” học được của CSTQ, chính Trường Chinh là người chủ động tố cáo và giết chết cha mẹ ruột của mình, nêu gương để đồng bào tố cáo lẫn nhau do cán bộ cải cách ruộng đất xúi bẩy bần cố nông tố cáo, hài tội “địa chủ” công khai trước các “tòa án nhân dân” để xử tội chết hoặc tù đày. Bất cứ ai có một gian nhà nhỏ, mảnh vườn quanh nhà, và một con heo hay mấy con gà trở lên chúng gọi là “địa chủ”. Đa số gia đình của các “địa chủ” nạn nhân cũng bị chết đói bởi chính sách “cô lập” [isolation] nghĩa là cấm không được mua thực phẩm của các hợp tác xã “mậu dịch quốc doanh”, cấm lao động sản xuất và cấm cửa không cho ai ra khỏi nhà. Không có ăn tất nhiên chết đói, trẻ con chết trước, rồi người già, rồi đến những người khác trong gia đình. Gia đình này chết, cùng lượt, hay kế tiếp những gia đình khác. Với chiến dịch này CSBV đã giết trên 500,000 người trong 10,000 làng xã Miền Bắc.(33)
Quần chúng ở Nam Đàn và Quỳnh Lưu vũ trang gậy gộc biểu tình phản đối CCRĐ và việc cấm không cho di cư vào Miền Nam, Hồ Chí Minh ra lệnh điều động quân chính quy cấp sư đoàn đàn áp, giết chết và bỏ tù hàng vạn người.
Trí thức mang tư tưởng cởi mở và tự do thuộc phong trào “Nhân Văn và Giai Phẩm” [NV & GP] của nhóm nhà thơ, nhà văn, nhà báo, học giả, giáo sư và sinh viên thuộc các tổ chức hay cơ cấu đảng, chính phủ, bộ đội và học đường Miền Mắc, trước tiên là bất mãn với cấp lãnh tụ và chế độ và có lẽ nhận thức được sự chuyên chế của đảng và nhà nước CSVN đã nhúng tay thô bạo bóp chặt khối óc, mạch máu và dạ dày của mọi tầng lớp xã hội và nhất là sau chiến dịch cải cách ruộng đất của đảng gây tang chế cho cả Miền Bắc và các cuộc đàn áp lương dân dã man của bộ đội, nói trên, đã viết thành những tiểu phẩm văn học tuyệt tác trong hai tạp chí Giai Phẩm và Nhân Văn tạo nên giai thoại chống lãnh tụ và đảng bằng ngòi bút ảnh hưởng vô cùng rộng lớn trong thanh niên và sinh viên học sinh như: gọi HCM là “chiếc bình vôi”, càng già càng hẹp lượng. Hồ Chí Minh còn được ví như một người thiếu nghị lực để cho đất nước bị cắt ngang lưng, làm cho đất trời Miền Bắc rợp màu máu và bóng dáng hung thần. Những hung thần, hay những lãnh tụ Cộng sản sắt máu này, là những tên khổng lồ “không có trái tim” tàn phá khủng khiếp, giết chóc kinh hoàng. NV & GP còn gọi những tay làm văn học một thời nổi danh, nhưng từ khi phục vụ cho Cộng sản đã trở thành những con ngựa già kiệt sức và những người làm thơ một thời được yêu chuộng đã trở thành những con robots-thơ. Sau nữa, nhóm NV & GP kêu gọi CSVN trả tự do cho pháp luật, y khoa và văn học... Tuy nhóm chủ đạo tuyên huấn và “văn học” cực đoan tôn thờ Staline kết tội phong trào NV & GP, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng Lao Động vẫn giả bộ làm ngơ. Nhưng khi sinh viên Hà Nội nhập cuộc với tạp chí “Đất Mới”, lập tức Hồ ra lệnh đóng cửa các tạp chí Nhân Văn, Giai Phẩm và Đất Mới, tịch thu các số đã in ấn. Họp hành đấu, tố, lung tung. Cuối cùng những ai chủ trương hay cộng tác với NV & GP như Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Trần Duy, Sĩ Ngọc, Như Mai, Phùng Cung, Phùng Quán, Bùi Quang Đoài, Trần Lê Văn, Hoành Tích Linh, Tạ Hữu Thiện, Hữu Loan, Quang Dũng, nhà văn giáo sư Nguyễn Bách Khoa Trương Tửu, học giả Đào Duy Anh, kể cả các trí thức khoa bảng như TS Trần Đức Thảo và TS Nguyễn Mạnh Tường từ Pháp về, kẻ bị lãnh án tù, kẻ bị bắt cải tạo, tước đảng tịch, bị sa thải, suốt đời mai một, cơ cực đói khổ với miếng cơm manh áo. Một ngày thoát ra khỏi bàn tay lông lá của những tên lãnh tụ không tim, đến Paris, Nguyễn Mạnh Tường cảm khái nỗi đau của mình khi cộng tác với CSVN, viết quyển sách “Un Excomuniqué”. Tấm gương trí thức cộng tác với CSVN để vất bỏ cả một đời người này đáng để những trí thức khoa bảng hải ngoại ngày nay nhìn mà suy ngẫm... thương tâm nhất là tất cả sinh viên nhóm Đất Mới hoặc là sinh viên hay học sinh ở Hà Nội hay ở các tỉnh chỉ là độc giả của NV & GP và Đất Mới cũng bị bắt cải tạo, vô số: nhiều người tự sát trong tù, nhưng đa số các cô cậu học trò này có đi tù-không-án và mãi mãi không còn ai trở về, chỉ vì họ bị nhiễm độc tư tưởng phản động và chống đảng. Mọi phong trào đều bị giập tắt, toàn Miền Bắc, quần chúng già, trẻ, trai, gái từ thành thị đến thôn quê đều bị cưỡng bách vào đội ngũ do đảng chỉ đạo. Hệ thống “mậu dịch quốc doanh” bóp chặt hầu bao của họ. Bất tuân lệnh là chết đói. Cho nên, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ CSVN thống trị Miền Bắc không cần chinh phục khối óc và trái tim quần chúng, ngược lại... tàn sát tập thể dân lành, nếu cần, để đè đầu cưỡi cổ những người còn lại. Đó là thứ “lương tri thế tận” man rợ.
Về đường lối “Chiếu cố Miền Nam”, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và sau Hiệp ước Genevève 1954, CSBV chỉ rút bớt quân nhưng vẫn để lại 4,000 cán bộ chỉ huy bộ đội Pathet-Lào của Souphanouvong. Ông này và Sieu Heng lãnh tụ Đảng Cộng sản Cao Miên trước đây do Hồ Chí Minh huấn luyện ở Pác Bó, Tuyên Quang. Võ Nguyên Giáp còn để lại ở trung và hạ Lào nhiều đơn vị cấp trung đoàn, nhất là một đơn vị lớn do Đồng Sĩ Nguyên chỉ huy, thám sát con đường mòn cũ của các tay buôn lậu thời thực dân Pháp, từ đèo Mụ Già ở trung Lào, chạy xuôi vùng núi rừng, cập theo dãy Trường Sơn vào tận vùng đất đỏ Đôn Luân, Lộc Ninh và cập vùng lưỡi câu biên giới Miên xuống tận Tây Ninh. Đoàn xây dựng “Đường mòn Hồ Chí Minh” (Đường mòn HCM) do Võ Bầm chỉ huy triển khai mở con đường mòn này thành hành lang xâm nhập không lâu sau đó. Hành lang này là con đường chiến lược “chiếm trung và nam Lào để khống chế Sài Gòn” mà Mao Trạch Đông từng chỉ thị cho Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đem quân tiến sang Lào cuối năm 1953, từ đó diễn ra trận Điện Biên Phủ. Đường mòn HCM là tai họa lớn cho Miền Nam sau này. Thêm vào đó, HCM cho thành lập Trung ương Cục Miền Nam và sau đó thành lập thêm Mặt trận Giải phóng Miền Nam với nhóm “chính khách sa-lon” Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát, Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa v.v... Trong khi đó, ở Miền Bắc, sau khi thanh toán xong lớp thanh niên trí thức, sinh viên và học sinh bị nhiễm độc tư tưởng của phong trào NV & GP, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng CSVN bắt đầu đào tạo thế hệ mới “sinh Bắc, tử Nam” để chuẩn bị tung vào chiến trường Miền Nam qua ngả Lào và Miên.
Miền Nam, Chính phủ Ngô Đình Diệm được Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower yểm trợ mạnh mẽ về chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế. Dưới áp lực của Hoa Kỳ và tình hình nội bộ bất ổn, Pháp trao quyền chỉ huy Quân Đội Quốc Gia Việt Nam cho Chính phủ Quốc Gia Việt Nam tháng 1/1955 và rút hết quân viễn chinh về nước trong vòng một năm. Quốc trưởng Bảo Đại lần sau cùng đóng góp vào sự gầy dựng một quốc gia độc lập với một chính phủ mạnh đã can thiệp với chính phủ Pháp và chính mình ra lệnh cho Trung tướng Nguyễn văn Hinh, người chủ trương lật đổ ông Diệm, phải rời chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QĐQG/VN và trở về Pháp. Tướng Hinh, quốc tịch Pháp --là con của Đốc Phủ Sứ Nguyễn văn Tâm, Thủ tướng QGVN, tiền nhiệm của Hoàng thân Bửu Hội-- phục vụ trở lại cho Không Quân Pháp và lần lượt thăng đến cấp Đại tướng, Tư lệnh Lực lượng Nguyên tử Phòng không Pháp. Ông Diệm từ đó nắm trọn quân đội, khoảng chừng trên 100,000 quân và toàn quyền hành động để ổn định Miền Nam.
Về quân sự, việc thành lập một lực lượng vũ trang duy nhất và mạnh, nhờ sự yểm trợ trực tiếp của Phái bộ TRIM [The Training Relation Instruction Mission] Hoa Kỳ do Tướng John O’Daniel chỉ huy, hoàn toàn thay thế chương trình huấn luyện của Tướng Pháp Paul Ely trước đây. Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt trở thành Trường Võ bị Quốc gia [The National Military Academy], Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, và các Trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế Nha Trang và Cây Điệp, Hóc Môn, đến đầu năm 1955, đã đào tạo được thêm khoảng 18,000 sĩ quan và hạ sĩ quan. Nhưng quân số của quân đội cũng chưa vượt quá 122,000 người. Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) với Thiếu tướng Lê văn Tỵ làm Tổng Tham Mưu Trưởng và Đại tá Trần văn Đôn làm Tham Mưu Trưởng, từ thành Ô-Ma [Camp Aux Mars] Đường Galiéni, sau này là Đường Võ Tánh, chuyển lên căn cứ Chanson [Camp Chanson] ở Tân Sơn Nhứt, tổ chức thêm Phòng 3 Hành Quân, Phòng 5 Quân Huấn, Phòng Nghiên Cứu và thành lập Bộ Chỉ huy Viễn Thông. Từ tháng 8/1955 tất cả Phòng thuộc BTTM đều do sĩ quan cấp tá VN chỉ huy. Đã có phân nhiệm rõ ràng giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham Mưu. Ở cấp bộ trung ương, thành lập Liên đoàn Nhảy Dù do Trung tá Đỗ Cao Trí chỉ huy gồm các Tiểu đoàn Nhảy Dù 1, 3, 4, 5, 6, và 7. Thủy Quân Lục Chiến chỉ có mấy đơn vị cấp đại đội, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân. Binh chủng Thiết Giáp có 4 trung đoàn thiết giáp và 1 trung đoàn thủy xa. Pháo Binh có 9 tiểu đoàn biệt lập, và Công Binh thành lập Bộ Chỉ huy ở Trung ương và 3 liên đoàn công binh cơ động.
Tháng 3/1955, Đại tá Dương văn Minh và Trung tá Nguyễn Khánh được chỉ định làm tư lệnh và tư lệnh phó các chiến dịch đánh dẹp lực lượng Bình Xuyên ở Chợ Lớn. Tháng 5 và 6 bình phục lực lượng Hòa Hảo Trần Quang Vinh hay Ba Cụt ở miền Tây. Trừ ông này bị tòa án quân sự xử tử hình, và là người duy nhất, tất cả cấp chỉ huy giáo phái đều được sát nhập vào Quân Đội Quốc Gia với cấp bậc sĩ quan, cấp tá hay úy, tùy khả năng. Ông Trình Minh Thế lực lượng giáo phái Cao Đài hợp tác với Chính phủ Ngô Đình Diệm và được phong Tướng (sau đó tử trận khi đánh Bình Xuyên) nhiều sĩ quan khác được phong cấp tướng. Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mạnh hơn với sự sát nhập của lực lượng giáo phái.
Bộ Tư lệnh Không Quân Việt Nam [Vietnam Air Force --VNAF] được chính thức thành lập tháng 1/1955. Bộ Tư lệnh Hải Quân Việt Nam [Vietnam Navy -VNN] được thành lập tháng 8/1955. Cả hai binh chủng này chưa có thực lực hành quân. Riêng về Bộ Binh khi ông Diệm về chấp chính đã có 82 tiểu đoàn lãnh thổ, 81 tiểu đoàn khinh binh, 6 tiểu đoàn ngự lâm quân và 8 tiểu đoàn sơn cước. Các đơn vị này chỉ có khả năng hoạt động riêng rẽ, trong khi đó Miền Bắc CSVB đến cuối năm 1955 đã có tất cả 18 sư đoàn bộ chiến, cơ giới, phòng không và pháo binh, kinh nghiệm công kiên chiến và Vận động chiến; các sư đoàn bộ chiến 304, 308, 312, 316, 320, 325, 328, 332, 350, 305, 324, 330, 328 và 335; sư đoàn Phòng không 367; ba sư đoàn Pháo binh 45, 75 và 349. Lực lượng di động tác chiến có thể trên 350,000 chưa kể các đơn vị chiến xa, công binh và truyền tin dã chiến và những đơn vị biệt lập và phòng thủ diện địa lên đến 24 trung đoàn và 91 tiểu đoàn; không quân; hải quân; dân quân du kích địa phương và 170,000 cán bộ hành chánh võ trang. Tổng cộng Miền Bắc có một lực lượng quân sự trên dưới 1,000,000 người, trong đó có thể sử dụng từ 35% đến 40% đánh giao thông Vận động Chiến hay mở cuộc tấn công diện địa ngay sau Hiệp ước Genève 1954. Quan trọng hơn, miền Bắc đã có trên 102,000 Cố vấn các ngành nghề, trên 60% trong Đoàn Cố vấn Quân sự của Tướng Vi Quốc Thanh. La Quý Ba trở thành Đại sứ đầu tiên của Bắc Kinh ở Hà Nội. HCM và CSVN bị kẹp sát, nên hiểm họa cho Miền Nam chưa biết bùng nổ lúc nào. Vì vậy, Hoa Kỳ giúp Quân Đội Quốc Gia Việt Nam [QĐQG/VN] thành lập đại đơn vị cấp sư đoàn gồm: 4 Sư đoàn Dã chiến (3, 21, 31 và 32); 6 Sư đoàn Khinh chiến (11, 12, 13, 14, 15 và 16) bằng cách sát nhập các tiểu đoàn đã có từ trước và huấn luyện hành quân phối hợp. Ngoài ra QĐQG/VN còn có 13 trung đoàn địa phương và 6 trung đoàn giáo phái. Tổng cộng chừng 170,000 quân. Hoa Kỳ ước tính là trong trường hợp Miền Nam bị tấn công qui mô trong thời điểm đó --như Bắc Hàn từng tấn công Nam Hàn 5 năm trước-- thì với các đại đơn vị này Miền Nam có thể cầm cự được cho đến khi Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á [South-East Asia Treaty Organization --SEATO] can thiệp. SEATO được Đồng Minh Hoa Kỳ và Anh tổ chức tháng 2/1955 gồm có Anh, Úc, Hoa Kỳ, Nam Dương, Pháp, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, và Thái Lan.
Về chính trị, trong bức thư ngày 1/10/1954 gởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm, Tổng thống Eisenhower giải thích rõ sự yểm trợ về chính trị, quân sự và kinh tế lớn lao của Hoa Kỳ: “Mục đích của sự yểm trợ này là giúp Chính phủ Việt Nam phát triển và trở thành một quốc gia mạnh, đủ sức chống lại mọi âm mưu lật đổ hay bành trướng bằng mô thức quân sự...”(34) Eisenhower sợ quân bài domino Việt Nam bị... đổ. Ông Diệm gặt được những bước thành công đầu tiên khi chấp chính với toàn quyền hành xử là được sự ủng hộ của các đảng phái quốc gia, quân đội và quần chúng vì sự tận tâm giúp đỡ của ông cho việc an cư lạc nghiệp của đồng bào di cư miền Bắc và ổn định trật tự xã hội với vật giá thị trường thấp. Việc sinh sống của dân chúng dễ dàng. Đồng bào miền Bắc vào không hối hận về việc định cư trong Miền Nam và đa số yêu mảnh đất lành trù phú và cởi mở này. Sau khi ổn định xong các giáo phái tháng 7/1955 ông triệu tập “Ủy ban Cách mạng” gồm 200 đại biểu của 18 đảng phái và đoàn ngũ. Tháng 10, Ủy ban này trở thành Quốc hội và biểu quyết tổ chức “trưng cầu dân ý” ngày 23/10/1955 [October-23 Plebiscite] truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, lập ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống của nền Đệ I Cộng Hòa Việt Nam. Tháng 3/1956, tổ chức bầu cử Quốc hội Lập Hiến với 123 dân biểu soạn thảo Hiến pháp thiết lập cơ chế căn bản cho nền Cộng Hòa Miền Nam. Quân Đội Quốc Gia Việt Nam đổi tên thành Quân Đội Cộng Hòa Việt Nam.
Giả sử ông Diệm không tổ chức “trưng cầu dân ý” để truất phế Bảo Đại và thiết lập Đệ I Cộng Hòa, thì vị cựu hoàng này cũng không bao giờ trở lại cầm quyền, vì ông là bậc trí giả, hiểu rõ sự hưng phế của các triều đại trong lịch sử và cũng tự biết vai trò của ông đã chấm dứt và Triều đại nhà Nguyễn cũng đã chấm dứt từ mươi năm trước rồi. Và, chúng tôi cũng không tin rằng một người tuy là công giáo nhưng rất thủ cựu, vẫn giữ nề nếp sống theo luân lý Khổng, Mạnh, rất đạo đức, lại từng là Thượng thư Bộ Lại của Hoàng triều Bảo Đại --nhất trụ đại thần-- như ông Ngô Đình Diệm, dù không đồng quan điểm về sách lược trị nước an dân với nhà vua, một lần đã từ chức ra đi, nhưng chắc không nỡ làm cái chuyện thay quân tiếm vị... Thiển nghĩ, sở dĩ có chuyện phế lập cuối năm 1955 chắc chắn vì Hoa Kỳ, trong thời kỳ muốn chận đứng làn sóng đỏ tràn xuống Đông Nam Á, không thể để một tiền đồn quan trọng như Việt Nam có một thể chế chính trị không rõ ràng và một quân đội yếu kém nên... chuyện tất phải diễn ra đã diễn ra như chính sử đã ghi, mà ông Ngô Đình Diệm, nếu muốn cho đất nước mạnh, tất phải theo cái lý hợp lý (logic) nhất. Thành lập một thể chế chính trị mạnh và một quân đội mạnh để chống CSVN. Có thể đây cũng là một trong những điều bất khả cưỡng mà các nhà lãnh đạo Miền Nam trước thế lực chỉ đạo Thế giới Tự do.
Tổng thống Diệm và ông em, Cố vấn Ngô Đình Nhu, với chính sách “Ấp Chiến Lược” thành công tiêu diệt gần như toàn bộ 16,000 CSVN để lại miền Nam từ năm 1954-1955 không tập kết, tiếp tục khuấy động giai đoạn I Du kích Chiến ở thôn quê Miền Nam. Trên bình diện rộng lớn hơn, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu --một học giả và chiến lược gia-- đã đem chủ thuyết “Cần lao Nhân vị” áp dụng như chủ thuyết căn bản tôn trọng phẩm cách và quyền sống của con người để chống lại chủ thuyết Cộng sản vô thần. Tuy nhiên, thay vì tuyên truyền công khai trong quần chúng và giải thích nguyên lý tinh thần cao đẹp của thuyết này cho chính giới Hoa Kỳ hiểu, đem áp dụng rộng rãi hầu thu phục nhân tâm, ngược lại chỉ âm thầm tiệm tiến như một hội kín, thu nhận những phần tử và sĩ quan tín cẩn rất hạn chế và sử dụng những thành phần này điều khiển chính phủ và quân đội tạo nên sự thưởng phạt bất công, nên sự đoàn kết không còn chặt chẽ nữa. Các đảng phái quốc gia mất tin tưởng vào chính phủ. Thí dụ như nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam cao ẩn ở một gốc núi yên tĩnh ở Đà Lạt và nhiều nhà cách mạng khác như Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán, Trần văn Ân, Hồ Hữu Tường v.v. bị bắt đày đi Côn Đảo. Ở miền Trung, có chính quyền có các quân đội nhưng quyền xử lý thực sự ở trong tay Ông Ngô Đình Cẩn. Từ đầu năm 1960, người ta nghe rất nhiều về chữ “chính phủ gia đình trị, độc tài và tham nhũng.” Quyền lực quốc gia nằm trong tay của một số ít người... Nhóm chính trị trí thức “Caravelle” ra tuyên ngôn ngày 26/4/1960 chỉ trích phủ Tổng thống Diệm. Phật giáo miền Trung âm ỉ. Các giới chức chính trị và quân sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn không hiểu “Cần lao Nhân vị” là gì, nhưng CIA và Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã để mắt quan sát. Sự bất mãn trong quân đội bộc phát khi Lữ Đoàn Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Chánh Thi chỉ huy cuộc đảo chánh, tấn công Dinh Độc Lập ngày 11/11/1960. SĐ21BB ở miền tây do Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm tiến lên Sài Gòn cứu viện. Một bí ẩn là, trong ngày đó, Thiếu tướng Nguyễn Khánh liên lạc được với Trung tá Lâm Quang Thơ (sau cùng là Thiếu tướng), Tỉnh trưởng Mỹ Tho, mang một đơn vị thiết giáp đến trước Dinh Độc Lập và gặp em là Trung úy Lâm Quang Thới đang chỉ huy một đại đội thuộc Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù tấn công cổng chính và mặt tiền dinh. Chính sự dàn xếp của anh em Lâm Quang và các cánh quân cứu ứng của Tướng Trần Thiện Khiêm và Tôn Thất Đính đến nên cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi thất bại. Ông Diệm được cứu thoát.
Cũng tháng này, ở Hoa Kỳ, trong cuộc cuộc bầu cử tổng quát, ứng cử viên trẻ của Đảng Dân Chủ John F. Kennedy đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 1961-1965. Lúc đó, các nhà bình luận chính trị và quân sự quốc tế, khi quan sát cục diện thế giới, cho rằng sẽ có những thay đổi lớn ở Việt Nam. Nhiều vị ghi nhận, Tổng thống Eisenhower --một chiến lược gia, một nhà chính trị lão luyện-- đã thực hiện được chính sách của Roosevelt là đẩy Pháp ra khỏi Đông Dương, đồng thời thừa kế được sách lược của Truman lập các liên minh quân sự ở các đại dương và các châu lục, trước tiên tung tiền cho Pháp đánh thuê, nhưng khi Pháp bất lực, đã quyết định xây dựng lực lượng của Chính phủ Ngô Đình Diệm để giữ quân bài Domino Việt Nam đứng vững. Tuy nhiên, có thể Eisenhower đã không thực hiện được sách lược của mình ở Việt Nam vì dù ông Diệm là một lãnh tụ đạo đức, nhưng thủ cựu --ngay như Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, một lý thuyết gia thâm trầm-- cũng không biết có nhận thức được rõ ràng “Chiến tranh Cách mạng” [Revolutionary War] mà CSVN đang áp dụng, không chỉ là Du kích Chiến và Bạo động Chiến mà là một một cuộc chiến toàn diện quy mô rộng lớn nhằm đoạt chính phủ và chiếm lãnh thổ hay không? Có lẽ vì vậy, khi bàn giao chức vụ, Eisenhower khuyến cáo Kennedy nên chú trọng đặc biệt về lãnh thổ Lào mà CSVN đang lợi dụng để nam tiến và nếu Kennedy định mang quân vào Lào, ông sẽ yểm trợ. Tuy nhiên Chính phủ Kennedy đã làm khác hơn.
Thứ nhất, các Cố vấn chính trị của Kennedy cho rằng Chính phủ Ngô Đình Diệm đã bị ông bà Cố vấn Ngô Đình Nhu thao túng, nên càng ngày càng bị các đảng phái và các tôn giáo chống đối cho là độc tài, gia đình trị, phân biệt tôn giáo, nên trước tiên họ muốn loại ông bà Nhu. Bị từ chối, họ tiến thêm một mức nữa là đặt vấn đề “thay hay không thay” Ông Ngô Đình Diệm?
Thứ nhì, chính khách “diều hâu” trong Chính phủ Kennedy chẳng những hủy bỏ quan niệm chiến tranh ủy nhiệm, muốn đem quân Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam để trực tiếp điều khiển tiền đồn tự do này chống CSQT mà còn đưa chiến tranh đặc biệt ra miền Bắc Việt Nam. Kennedy cho thành lập Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ và thành lập ở Ngũ Giác Đài cơ quan gọi là “Phòng Phụ tá Đặc biệt Chống Chiến tranh Phiến loạn và Hoạt động Đặc biệt” [The Office of the Special Assistant for Counter-Insurgency and Special Activities”]; đổi tên MAAG ở Miền Nam thành MACV [Military Assistance Command–Vietnam] và đặt một cơ quan gọi là MACV/SOG [MACV’s Studies and Observation Group] để điều khiển các đơn vị thi hành kế hoạch hành quân mật “Operation Plan 34A” phá hoại và tuyên truyền gây rối loạn ở Miền Bắc, trong đó có đài phát thanh mật “Gươm Thiêng ái Quốc” [Secred Sword Patriot’s League] của Cục Tâm Lý Chiến QĐVNCH. MACV/SOG nhận chỉ thị và báo cáo trực tiếp cho Phòng Phụ tá Đặc Biệt nói trên không phải thông qua Tướng Paul Harkin bấy giờ là Tư lệnh MACV. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của Washington vẫn là sách lược đưa quân tác chiến [combat troops] Hoa Kỳ vào Việt Nam, sử dụng Miền Nam như mảnh đất thí nghiệm sách lược “Chống Chiến tranh Phiến loạn” --Counter-insurgency Strategy-- mà Kennedy cho rằng sẽ phải áp dụng trong tương lai ở nhiều nơi trên thế giới, khi mà chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ đã bắt đầu và một cuộc chiến quy mô chưa thể diễn ra. Chính Kennedy tuyên bố trong một cuộc hội thảo ngày 5/5/1961: “Hoa Kỳ sẽ coi trọng việc sử dụng lực lượng Hoa Kỳ để giúp Miền Nam chống áp lực Cộng sản, nếu cần.”(35) Tổng thống Diệm thông báo cho Đại sứ Hoa Kỳ Nolting biết là dân chúng miền Nam không chấp nhận quân lực Hoa Kỳ vào Miền Nam.
Thứ Ba, thay vì định đưa lực lượng Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam, tốt hơn nên đưa sang Lào như tầm nhìn chiến lược của Eisenhower, để chiếm thượng phong và nếu phải đánh nhau với bộ đội Hồ Chí Minh ở đó thì cũng vạch được bộ mặt xâm lăng của CSVN trước dư luận quốc tế. Chính phủ Kennedy chấp thuận giải pháp chính trị lừng khừng của Phụ tá Ngoại giao Averell Hariman và phụ tá của ông này là William Sullivan lập thêm thế lực thứ ba giữa hai thế lực Hoàng gia Phoumi Nosavan và Cộng sản Souphanouvong là biến một ông đại úy thành tướng hai sao –Khong Le hay Kong Le-- rồi triệu tập Hội nghị lần hai ở Genève tháng 5/1962 gồm 14 quốc gia ký “Hiệp ước Trung lập Lào” bỏ vùng Sầm Nứa xuống tận nam Lào cho Pathet-Lào kiểm soát. Trên thực tế là giao vùng lãnh thổ này cho bộ đội Võ Nguyên Giáp khai thác. Đoàn 559 Đặc biệt với hơn 35,000 cán binh bộ đội và thanh niên xung phong Miền Bắc do Võ Bầm chỉ huy lợi dung cơ hội đình chiến và trung lập ở Lào công khai xây dựng và mở rộng “Đường mòn Hồ Chí Minh” mà binh sĩ Hoa Kỳ sau này gọi là “Đại lộ Sullivan” vì chính ông Sullivan khi đó được bổ nhậm làm Đại sứ ở Lào cấm tuyệt mọi hoạt động quân sự của các lực lượng Hoa Kỳ khác, trừ cuộc chiến mật [the tacit war] mà ông ta lãnh đạo ở đó. Ông này còn yểm trợ cho Vang Pao thành lập lực lượng gần 20,000 quân người Nùng ở thượng Lào để chống quân Bắc Việt và Pathet-Lào. Các tay chính trị này tự gây tai họa lớn lao cho Hoa Kỳ sau đó.
“ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”
Thứ tư, Washington lập Đoàn “Đặc nhiệm Quân sự Sài Gòn” [Saigon Military Mission -MSS] nhưng do CIA Sài Gòn chỉ đạo, vừa thành lập và huấn luyện những đơn vị đặc biệt của QĐCHVN và Cảnh Sát Quốc Gia, vừa theo sát hoạt động quân sự lẫn chính trị của Chính phủ Sài Gòn. Phật giáo miền Trung gây rối loạn, viện lý do Chính phủ Huế cấm treo cờ Phật giáo trong buổi lễ Phật Đản ở Chùa Từ Đàm, các lãnh tụ Phật giáo điều động Phật tử biểu tình cướp đài phát thanh Huế ngày 8/5/1963 đả kích chính phủ, bị giập tắt với một ít người chết. Phong trào Phật giáo xuống đường lan rộng. Dàn dựng cả tu sĩ tự thiêu ở ngay thủ đô Sài Gòn; bị bà Ngô Đình Nhu lật tẩy. Sau khi chính phủ dùng Lực Lượng Đặc Biệt và Cảnh Sát Dã Chiến mạnh bạo giải tán các cuộc biểu tình và báo chí Sài Gòn chỉ trích chính sách can thiệp thô bạo của Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam, ngày 22/8/1963 Kennedy chỉ định Henry Cabot Lodge đột ngột thay thế Frederic Nolting làm Đại sứ ở Sài Gòn. Lodge tức khắc nắm lấy Đoàn “Đặc nhiệm Quân sự Sài Gòn” để tổ chức đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm.
Đảo chính 1/11/1963 giết Tổng thống Ngô Đình Diệm
và Cố vấn Ngô Đình Nhu
Chỉ hai ngày sau, ngày 24/8, Lodge điện về Bạch Ốc, qua Phụ tá Bộ Ngoại giao Roger Hilsman, phụ trách Viễn Đông Sự Vụ, cho biết là Tòa Đại sứ Sài Gòn đã tiếp xúc với vài tướng lãnh QĐCHVN và họ sẵn sàng làm cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ở Washington, một số tay chính trị thân cận Tổng thống Kennedy và ở bộ Ngoại giao yểm trợ Lodge. Lodge dùng Trung tá Lucien Conein, nhân viên CIA và là thành viên của “Saigon Military Mission”, một điệp viên cừ khôi, tiếp xúc với một vài tướng lãnh như Dương văn Minh, Trần văn Đôn và Trần Thiện Khiêm đặt kế hoạch đảo chính. Dù Tướng Paul Harkin, Tư lệnh MACV phản đối, nhưng cuộc đảo chính vẫn được tiến hành. Ngày 1/11/1963, Tướng Tôn Thất Đính chỉ huy tổng quát lực lượng đảo chính cho đơn vị chiến xa và Thủy Quân Lục Chiến tấn công Bộ Chỉ huy Liên đoàn Phòng vệ Tổng thống ở Thành Cộng Hòa và SĐ5BB của Đại tá Nguyễn văn Thiệu bao vây Dinh Gia Long --là nơi làm việc tạm của Tống Thống Diệm-- vì Dinh Độc Lập bị hai sĩ quan KQVN Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử ném bom năm trước, ngày 27/2/1962, hư hại nặng (đang san bằng xây dựng lại một dinh thự quy mô khác). Trong khi đó, Tướng Dương văn Minh triệu tập cuộc họp tất cả tướng lãnh và các tư lệnh quân, binh chủng đồn trú ở Sài Gòn và phụ cận ở Phòng họp BTTM/QĐCHVN. Trung tá CIA Lucien Conein ở trong một phòng riêng gần đó, với hệ thống truyền tin nối được với Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn và cả với Washington, và một chiếc cặp đầy dollars. Dưới họng súng của Quân Cảnh do các cận vệ của Tướng Minh chỉ huy, tất cả các ông tư lệnh này đều ký tên vào tuyên ngôn đảo chính của Dương văn Minh. Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và em là Thiếu tá Lê Quang Triệu bị bắn chết. Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải Quân, bị giết trước đó ở Thủ Đức. Đại tá Cao văn Viên Tư lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù nhờ được Tướng Trần Thiện Khiêm giúp che chở nên thoát chết. Tổng thống Diệm và Cố vấn Nhu thoát ra khỏi Dinh Gia Long và trong đêm 1/11 liên lạc được với Cabot Lodge. Trong cuộc đàm thoại này Lodge hứa giúp phương tiện cho hai anh em ông Diệm ra nước ngoài. Nhưng đến sáng hôm sau, không có thứ phương tiện nào và không có sự tiếp xúc nào nữa của Lodge với TT Diệm. Khoảng 10 giờ sáng ngày 2/11/1963, dân chúng Sài Gòn đều biết tin Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết chết trong một thiết vận xa M-113. Một phóng viên chụp được ảnh hai ông chết trong tư thế hai tay bị trói quặp sau lưng, trên thân thể mang nhiều vết đâm đẫm máu... (ít lâu sau, Ông Ngô Đình Cẩn ở Huế bị bắt đưa vào Sài Gòn và bị xử bắn). Hai nhà lãnh đạo VN này đã từ chối không để lãnh thổ bị sử dụng như một thí điểm của một chiến thuật chiến tranh mới, hay nói rõ hơn là chống lại thế lực Washington trong việc chỉ đạo cuộc chiến Việt Nam. Ông Diệm mất đi, Miền Nam mất một lãnh tụ yêu nước, đức độ và có khả năng lãnh đạo quân dân miền Nam chống CSVN. Chính phủ Nam Việt Nam rơi vào tay những ông tướng nhiều tham vọng nhưng kém khả năng, sau đó tranh giành quyền bính, chia chác địa vị, đấm đá lẫn nhau, mặc dù tri thức chính trị kém cỏi và kém khả năng lãnh đạo. Cuộc chiến thua từ quan niệm sai lầm của Chính phủ Kennedy với những chính trị gia thiếu hiểu biết về đất nước và dân tộc Việt Nam.
Có thể Tổng thống Kennedy hối hận về cuộc đảo chính 1/11/1963 làm Miền Nam mất một lãnh tụ mà không dự trù người đủ khả năng thay thế. Chỉ ba tuần sau, ngày 22/11/1963 vị tổng thống trẻ tuổi và quyết đoán này bị ám sát chết ở Dallas, Texas. Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên thệ nhậm chức kế vị trên chiếc Không lực Một [Airforce One] từ Dallas về Washington. Ông thừa kế di sản do vị tiền nhiệm để lại là cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô đua nhau đi vào không gian và trên địa hạt phát triển tiềm năng vũ khí hạt nhân. Ông cũng thừa hưởng hậu quả của một cuộc đảo chánh thảm hại ở Nam Việt Nam, ngoài sự xáo trộn trong xã hội sau cái chết của Tổng thống Kennedy. Có thể ông đã đưa lên bàn cân để thận trọng cân nhắc về kế hoạch xây dựng an sinh xã hội [to build a Great Society for the American people] hay là theo đuổi cuộc chiến đang lâm nguy bởi các ông tướng ở Nam Việt Nam. Tiền đồn này bỏ trống sẽ gây ảnh hưởng lớn lao đến sự an nguy của Hoa Kỳ trên thế giới, nói chung. Thời điểm đó nếu lép vế CSQT là thua cuộc ở Việt Nam, các đệ tam quốc gia sẽ trở cờ theo Chủ nghĩa Cộng sản. Hoa Kỳ sẽ suy sụp trên mọi bình diện. Chỉ trong vòng một ngày và một đêm, tân Tổng thống Johnson tuyên bố tiếp tục yểm trợ các tướng lãnh Nam Việt Nam chống CSVN. Đồng thời ông tiến hành cải tổ an sinh xã hội với một hệ thống bao cấp lớn lao đúng với nghĩa “A Great Society”. Chiến cuộc Việt Nam các năm sau làm cho Hoa Kỳ suy thoái trầm trọng.
VII. MỘT CUỘC CHIẾN HẠN CHẾ VÀ QUAN NIỆM
PHÒNG THỦ DIỆN ĐỊA VỚI KHẢ NĂNG CAO
[A LIMITED WAR WITH THE CONCEPT OF
A “HIGH-PROFILE DEFENSIVE WAR”]
Trước tiên, nên ghi nhận là, nhất thời Tổng thống Johnson tiếp tục sách lược của Kennedy về Việt Nam. Chỉ dấu rõ ràng nhất là Johnson sử dụng lại gần toàn bộ các giới chức chính trị và tướng lãnh đã từng đưa ra những chiến lược và chiến thuật áp dụng ở Đông Dương --nhất là ở Việt Nam-- như Ngoại trưởng Dean Rusk, Thứ trưởng Arevell Harriman, hai anh Bundy (McGeorge Bundy và William D. Bundy), Michael Forrestial, Clark Clifford, nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Tướng Maxwell D. Taylor. Nhiều nhà viết sử Hoa Kỳ và nước ngoài cho rằng Johnson thừa hưởng thứ sách lược “chiến tranh phòng thủ cục bộ” không để cho chiến tranh lan rộng mặc dù Kennedy đã chủ động đem quân tác chiến sang Nam Việt Nam và áp dụng chiến tranh đặc biệt phá rối Bắc Việt Nam bằng thả những toán biệt kích Việt Nam ra Miền Bắc và những đơn vị phối hợp sử dụng loại tàu chiến nhỏ chở các Toán Biệt Hải (SEALs) Mỹ-Việt đột nhập ven biển Miền Bắc lên đến vĩ tuyến 20 phá hoại cầu, kho tàng, nhà máy v.v. đây là lối đánh giặc nửa lén lút nửa công khai đúng theo quan niệm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara: “The greatest contribution Vietnam is making --right or wrong is beside the point-- is that it is developing the ability in the United States to fight a limited war, to go to war without the necessity of arousing the public ire.” [“Công trình cống hiến lớn nhất cho Việt Nam đã thực hiện --đúng hay sai không thành vấn đề-- là Hoa Kỳ đã khai triển được khả năng trong một cuộc chiến hạn chế, theo đuổi chiến tranh mà không cần thiết làm dấy động sự phẫn nộ của quần chúng.”](36) Như vậy tiếng nói của McNamara là tiếng nói chính thức về cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Việt Nam như một ẩn dụ phi hiến, nhưng rất rõ ràng là không thể dùng lực lượng lớn để tấn công đối phương vì không thông qua sự chấp thuận của Quốchội Hoa Kỳ. Phòng thủ nghĩa là không muốn chiến thắng. Nhưng phòng thủ ở cấp bộ nào?
Trong thời kỳ Kennedy, Hoa Kỳ đã tăng nhân số cố vấn và huấn luyên viên Hoa Kỳ ở Miền Nam từ 900 đến 16,000 người, thêm 3,000 nhân viên và chuyên viên các cơ quan chuyên môn dân sự, 4,000 sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt làm cố vấn và huấn luyện viên cho các cơ quan và tổ chức Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam. Các phi đội trực thăng “Eagle-Flights” với 300 phi công và chuyên viên. Tính chung, nhân số Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam thời kỳ cuối Đệ I Cộng Hòa có thể lên đến 24,000 người. Không lâu sau khi Johnson nhậm chức, nhân số tăng dần lên đến con số kỷ lục, hơn nửa triệu quân và chuyên viên mọi ngành, nhưng quan niệm chiến lược không thay đổi. Giáo sư sử gia Hoa Kỳ John Dellinger nhận định đó là một cuộc chiến... hạn chế cho đến khi địch thủ bị đánh bại vì tiêu hao: “Escalating the number of American troops to more than a haft-million while fighting a restricted war until the enemy could be defeated by attrition.”(37) Chiến lược áp dụng vẫn là phòng thủ diện địa ở mức độ quân số cao [a “high-profile defensive war”]. Ghi nhận của sử gia này có thể phản ảnh đúng quan điểm chiến lược của Hoa Kỳ. Nhưng nếu đúng thì là một nghịch lý dẫn đến sự thất bại vì Hoa Kỳ không bao giờ sở trường trong một cuộc chiến “trì hoãn”, và không thể che giấu mãi quần chúng như chủ trương của McNamara. Trên thực tế, lúc đó Chính phủ Johnson phải đương đầu với một cuộc chiến khó khăn tạo nên bởi các tướng phản loạn ở Nam Việt Nam.
Một là họ tranh giành quyền bính lẫn nhau kéo theo một đa số sĩ quan cấp tá --lớp tướng tá này đa số do Pháp đào tạo-- đến đỗi một phóng viên Pháp khi quan sát chiến trường Nam Việt Nam trong các năm 1964-1966 đã viết bài phóng sự cho rằng đó là “Cuộc Chiến của Những Ông Đại úy”--La Guerre des Capitaines”. Đại úy trung đoàn trưởng, đại uý tiểu đoàn trưởng, đại úy đại đội trưởng ở ngoài mặt trận; đại úy điều hành nha sở yểm trợ trung ương. Tất cả những ông đại úy này là các cấp trung úy thâm niên 7, 8, hay 9 năm, bị dậm chân tại chỗ thời kỳ Đệ I Cộng Hòa, vì không thuộc “cần lao nhân vị” hay không được các ông lớn “nhân vị” đỡ đầu. Họ được thăng cấp xả cảng sau tháng 2/1964 khoảng năm, sáu nghìn, hay hơn nữa. Cuộc tranh giành quyền bính của các ông tướng “tham quyền cố vị” này kéo dài gần ba năm làm cho tình trạng chính trị Miền Nam rối loạn tạo nên sự rối loạn xã hội trầm trọng. Dân chúng thành thị mất niềm tin, dân chúng nông thôn bị Cộng sản thao túng sau khi tất cả các “ấp chiến lược” bị sụp đổ theo Chính phủ TT Diệm.
Hai là, nhân tình trạng bất ổn chính trị ở Miền Nam và tình trạng trung lập lỏng lẻo ở Lào, sau khi Đường mòn HCM được mở rộng, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng CSVN cho xâm nhập vào Miền Nam gần như toàn bộ cán bộ Việt Minh sinh quán ở miền Nam trở về hoạt động lén lút trong làng quê cũ của họ và nhiều trung đoàn chính quy của bộ đội HCM vào vùng “Ba Biên Giới” Việt-Miên-Lào, tức Mặt Trận B-3 CSBV. Các trại dân sự chiến đấu CIDGs [Civilian Irregular Defense Groups] ở các thôn bản của đồng bào thiểu số suốt đọc biên giới Cao Nguyên Trung phần --CSBV gọi là Tây Nguyên-- bị tấn công, các sắc dân thiểu số trong nhiều thôn bản đó đã theo Cộng sản với số lượng đáng kể. Ở các tỉnh miền đông và miền tây, các tiểu đoàn Cộng sản địa phương tái hoạt động mạnh hơn...
TT Johnson triệu hồi Cabot Lodge và Tướng Paul Harkin về Washington, đưa Tướng Maxwell D. Taylor sang làm Đại sứ và Tướng William Westmoreland làm Tư lệnh MACV. Với tầm nhìn toàn diện, có thể nhận định rằng từ đầu năm 1964, Chính phủ Johnson đã phải đối đầu với hai cuộc chiến khó khăn ở Đông Dương. Cuộc chiến mật ở Lào do Sullivan độc quyền chỉ huy và cuộc chiến ở Nam Việt Nam do Taylor và Westmoreland chỉ huy. Rõ ràng quan niệm cục bộ đã được áp dụng. Tinh thần bất nhất cũng được ghi nhận. Tuy nhiên trên thực tế thì hai cuộc chiến riêng rẽ này lại nối với nhau bằng con Đường mòn HCM. Sở dĩ có tình trạng vô lý này xảy ra vì chính ở Washington, Johnson đã coi nhẹ vai trò của các tướng lãnh trong Bộ Tham Mưu Liên Quân [The Joint Chiefs of Staff of the US. Forces] ngược lại ông tín cẩn nhóm chính trị thường họp mặt chỉ đạo Chiến tranh Việt Nam trong các buổi ăn trưa ngày Thứ Ba hằng tuần ở Bạch ốc gọi là nhóm “Lunch Bunch”. Nhóm chính trị gia này hoạch định và quyết định chi tiết tất cả chính sách chính trị, quân sự lẫn chiến thuật hành quân ở Việt Nam. Riêng cuộc chiến mật ở Lào lại do Thứ trưởng Ngoại giao Awerell Harriman và đệ tử là Sullivan quyết định. Một sự chỉ đạo chiến tranh lạ lùng chưa từng thấy. Vì vậy, chiến tranh thua ngay từ Bạch ốc. Các Tướng Tham Mưu Trưởng ở Ngũ Giác Đài chỉ lo quân và phương tiện chiến tranh cho mấy ông chính trị bàn giấy [the bureaucrats] này chỉ đạo mấy ông tướng Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam đánh giặc. Giết một tổng thống và đánh một trận giặc kỳ lạ với các loạn tướng địa phương chỉ biết có tư lợi, không ai chịu thua ai, thì làm sao mà thắng CSVN. Thua ở Washington, thua ở Sài Gòn. Chỉ khổ cho quân dân Miền Nam.
Đại lược, ngày 6/1/1964, các phản tướng Miền Nam thành lập nhóm lãnh đạo “tam đầu chế” gồm Dương văn Minh, Trần văn Đôn và Trần Thiện Khiêm. Washington gọi nhóm lãnh đạo quân sự này là “military junta”. Ngày 30/1/1964, Tướng Nguyễn Khánh, Tư lệnh Quân khu II, với sự giúp rập của Tướng Khiêm lật đổ tam đầu chế “Minh- Đôn-Khiêm”, nắm chính phủ và thành lập lại nhóm tam đầu chế “Khánh-Minh-Khiêm”; Khánh ra lệnh bắt nhốt nhóm Trung tướng Đôn, Kim, Xuân, Đính và Vỹ ở Đà Lạt. Sau đó lại đưa Khiêm sang làm Đại sứ ở Hoa Kỳ, tự nắm quyền. Dương văn Minh hai lần đảo chính Khánh đều thất bại. Tình hình chiến sự khẩn trương hơn; chính Khánh yêu cầu Hoa Kỳ gởi 10,000 quân tác chiến sang Miền Nam. Tổng thống Johnson đưa McNamara sang thị sát chiến trường. Trở về Washington, ông này cho rằng nếu Hoa Kỳ không can thiệp mạnh Miền Nam sẽ mất không lâu sau đó; Miền Nam cần tổng động viên để tăng thêm quân. Ngày 17/3/1964, Johnson triệu tập cuộc họp khẩn cấp nhóm chính trị gia và ra lệnh lập kế hoạch 37-64 [OPLAN 37-64] chuẩn bị oanh tạc Miền Bắc và tái lập kế hoạch 34A [OPLAN 34-A] trước đây của Kennedy phá hoại ven biển Miền Bắc, nhất là các bến cảng chuyển chiến phẩm của CSBV xâm nhập Miền Nam. Johnson cũng áp dụng sách lược “cây gậy và củ cà-rốt” [Stick and Carot Policy] mong dàn xếp hòa bình với CSBV trên căn bản Hiệp định Genève 1954 qua đại diện Canada, Đại sứ James Blair Seaborn (từ 16/6/1964 đến 18/8/1964). CSBV từ chối và Miền Bắc chuẩn bị chiến tranh.(38) Trong khi đó thì nội chiến ở Lào tái diễn. Lực lượng Pathet-Lao của Souphanouvong tái tấn công quân đội Hoàng gia dữ dội. Washington lập kế hoạch không kích dội bom Đường mòn HCM mạnh hơn. Tình trạng Đông Dương lâm nguy tất phải được Washington giải quyết bằng cách nào đó...
Ngày 2/8/1964, diễn ra “Sự kiện Maddox”. Chiến hạm Maddox của Hạm đội 7 Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương tuần thám hải phận quốc tế trong Vịnh Bắc Việt bị các tàu nhỏ của CSBV tấn công. Sau đó, chiến hạm C. Turner Joy được lệnh tiếp cận với Maddox cũng bị tấn công.
Ngày 5/8/1964, Tổng thống Johnson ra lệnh cho thi hành kế hoạch OPLAN 37-64 không kích Bắc Việt. Lúc 11 giờ ngày đó, 64 chiến đấu cơ Hải Quân Hoa Kỳ đánh bom tập trung vào thành phố Vinh, phía bắc vùng phi quân sự. Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Ngày 7/8/1964, Quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết chấp thuận “Nghị quyết Vịnh Bắc Việt” [the Gulf of Tonkin Resolution] với 417/0 phiếu thuận ở Hạ viện và 82/2 phiếu thuận ở Thượng viện. Hoa Kỳ chính thức tuyên chiến với CSBV. Chiến tranh leo thang, nhưng theo kiểu đánh nhà giàu: Chỉ tấn công đối phương bằng không tập, không tấn công bằng lực lượng bộ chiến. Thà phí bom đạn hơn là thí nhân mạng. Đây là sở đoản của Hoa Kỳ trong mọi cuộc chiến. Sự thiệt hại nhân mạng sẽ làm tổn thương đến mọi gia đình trong xã hội trù phú Hoa Kỳ.
Ở Miền Nam, sau mấy cuộc đảo chánh nữa, kết quả là Tướng Nguyễn Khánh chịu mời ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và ông Trần văn Hương làm Thủ tướng vào tháng 8/1964. Nguyễn Khánh, lúc đó đã mang cấp Đại tướng, lui về giữ chức vụ Tổng Tư lệnh Quân đội. Nhưng sau một cuộc đảo chính khác ngày 19/2/1965 và một cuộc thương lượng với các tướng trẻ, Nguyễn Khánh chịu rời chính phủ ngày 25/2/1965 lên đường làm Đại sứ... lưu động, lưu vong ở Pháp, rồi sang Hoa Kỳ. Chính quyền quốc gia thực sự nằm trong tay “Hội đồng Tướng lãnh” --các giới chức Hoa Kỳ gọi là “The Young Turks”-- do Trung tướng Nguyễn văn Thiệu lãnh đạo. Các ông tướng lập “Hội đồng Quân lực” [the Armed Forces Council], vẫn giữ ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng nhưng ngày 27/2/1965 mời Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ tướng thay thế Ông Trần văn Hương bị Tướng Khánh bắt giữ và quản thúc ở Vũng Tàu, không rõ lý do. Trước đó ba tuần tình hình chiến sự trở nên sôi động. Ngày 7/2/1965, đặc công Cộng sản đột nhập vào một căn cứ của Hoa Kỳ ở Pleiku giết chết 9 binh sĩ và làm 66 người khác bị thương. Tổng thống Johnson ra lệnh trả đũa bằng không tập Đồng Hới và Vinh, bắc Vĩ tuyến 17, với kế hoạch “Sấm Rền” [Rolling Thunder]. Tuy nhiên, Tướng Westmoreland, Tư lệnh MACV cho rằng đánh Bắc Việt bằng không tập không mang lại kết quả. Cần phải đưa quân tác chiến Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam. Tướng Taylor cũng đồng quan điểm. Washington quyết định đưa hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến [TQLC] vào Đà Nẵng ngày 8/3/1965. Chỉ mấy tuần sau, 4 tiểu đoàn TQLC nữa được đưa thêm vào. Trong 6 tuần, Hoa Kỳ đưa vào Nam Việt Nam 82,000 quân và trọn năm 1965 tất cả là 182,000. Nhịp độ tăng quân tiến hành đến chóng mặt, giữa năm 1966 là 300,000 và đến năm 1967 tổng cộng hơn 550,000 quân tác chiến. Tuy nhiên Hoa Kỳ đã không sử dụng số quân lớn lao này đế tấn công lãnh thổ Miền Bắc trong một cuộc chiến tất thắng mà cũng chỉ để phòng thủ Miền Nam.
Ngay khi mới nhận chức Tư lệnh MACV, Tướng Westmoreland đã nhìn thấy vị trị chiến lược quan trọng của Lào như Eisenhower đã nhìn thấy và khuyên Tổng thống Kennedy nên mang quân tác chiến vào lãnh thổ Lào. Westmoreland lập kế hoạch sơ khởi sử dụng một Quân đoàn chừng 60,000 quân mở rộng Đường # 9 từ Đông Hà, Quảng Trị, Cam Lộ lên Khe Sanh băng qua Schépone nam Lào đến Savanakhét, tả ngạn sông Mékong, biên giới Lào-Thái Lan, cắt ngang Đường mòn HCM. Sẽ đánh nhau với CSBV ở nam Lào và con đường này sẽ là tuyến Trận địa chiến. Có hai điều lợi: về chính trị, CSBV không thể nói với thế giới là họ “đánh Mỹ cứu nước”; về quân sự Hoa Kỳ có ưu thế về không quân với B-52 chiến lược và CBU là loại bom sát thương rộng lớn. Vậy, nếu phòng thủ thì nên phòng thủ trên tuyến này hơn là trên cả một hành lang biên giới phía tây Nam Việt Nam, nhiêu khê, quá dài và thụ động. Đại sứ Ellsworth Bunker, vừa thay thế Tướng Taylor, hoàn toàn yểm trợ kế hoạch này của Tướng Westmoreland và chuyển trình về Washington. Đại sứ Bunker sau đó tiết lộ: “Shortly after I arrived, I sent a message to the President urging that we go into Laos. If we cut the trail, the Viet Cong, I thought, would wither on the vine. What kept them going were supplies, weapons, and ammunitions from Hanoi.” [Không lâu sau khi nhậm chức, tôi gởi một điệp văn cho Tổng thống thúc giục chúng ta cần phải vào Lào. Tôi nghĩ nếu chúng ta cắt đứt đường mòn, Việt Cộng sẽ héo dần như nho ép rượu. Những gì giúp chúng tiếp tục chiến tranh là tiếp phẩm, vũ khí và đạn dược từ Hà Nội đưa vào.”](39) Nhưng nhóm “Lunch Bunch” bác bỏ kế hoạch này, Johnson nghe theo. Bắt buộc Tướng Westmoreland phải áp dụng chiến thuật hành quân “Lùng và Diệt” [Search and Destroy Operations] quân CSVN trong nội địa Nam Việt Nam. Một chủ động nhỏ trong thế thụ động lớn.
TƯỚNG WESTMORELAND ĐỀ NGHỊ ĐƯA QUÂN
VÀO ĐƯỜNG 9 NAM LÀO
ĐƯỢC ĐẠI SƯ BUNKER YỂM TRỢ ĐỂ CẮT ĐƯỜNG MÒN HCM
Dĩ nhiên Bắc Việt triệt để khai thác Đường mòn HCM cho xâm nhập hàng trăm nghìn người và hàng chục sư đoàn chính quy vào nam Lào và biên giới hoặc trong nội địa Miền Nam. Tất nhiên việc phải đến sẽ đến, mặc dù Miền Nam đã ổn định về chính trị và QĐVNCH đã tổ chức đến cấp sư đoàn, có quân số Chính quy, Địa phuơng quân và Nghĩa quân lên đến hơn 550,000. Hoa Kỳ cũng có số quân tương đương và các nước Đồng minh Hoa Kỳ như Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Nam Hàn cũng đưa vào Miền Nam trên 60,000 quân. Tuy nhiên một triệu quân phòng thủ phân tán mỏng cũng không thể... thắng trong chiến tranh; không bằng một lực lượng với 250,000 trong thế tập trung tấn công.
Ngày 19/6/1965, Hội đồng Quân lực ủy nhiệm Trung tướng Nguyễn văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (Quốc trưởng) và Thiếu tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Thủ tướng). Tướng Kỳ đưa Tướng Cao văn Viên chỉ huy các đơn vị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến ra Đà Nẵng và Huế dẹp phong trào Phật giáo miền Trung đã lôi kéo các đơn vị quân sự nổi loạn chống chính phủ trung ương sau khi Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh QĐI & QK1, bị bãi chức. Đó là lần cuối cùng Phật giáo dấy loạn. Tướng Thi bị truc xuất và lưu vong ở Hoa Kỳ. Một số tướng kỳ cựu như Đôn, Kim, Xuân, Đính đều bị giải ngũ. Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đổi danh thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [QLVNCH]. Ngày 7/3/1966, Tướng Thiệu và Kỳ sang Hawaii họp với Tổng thống Jonhson, rõ ràng là bàn bạc về việc thành lập một chính phủ dân cử chính thức cho Miền Nam nhưng được che dấu với những tiền đề khác... Tháng 9 năm 1967 bầu cử tổng quát; liên danh Thiệu-Kỳ đắc cử Tổng thống và Phó Tổng thống. Miền Nam thành lập xong nền Đệ II Cộng Hòa. Dĩ nhiên số phận của nền Cộng Hòa này tùy thuộc vào Hoa Kỳ. Một sự thực không thể phủ nhận vì Nam Việt Nam lệ thuộc Hoa Kỳ từ một viên đạn đến một hạt thóc; tuy nhiên người dân thừa hưởng được không khí tự do của một nền dân chủ vừa manh nha nhưng nở rộ đến tha hóa với những tệ đoan mới du nhập từ những anh “GIs” Hoa Kỳ. Giới bình dân giễu cợt cái xã hội đó bằng câu mỉa mai về thứ bậc xã hội: “nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng”. Đó là thứ bậc của những đồng đô-la bỏ vào túi hàng tháng và mức độ hưởng thụ vật chất của từng giới. Trong khi đó thì sĩ quan cấp thấp, hạ sĩ quan và binh sĩ bắt đầu hy sinh nhiều hơn ở chiến trường. Họ đem xương máu xây phù đồ cho ai đó mà vẫn thản nhiên với tiếng hát từ chiến địa vọng về “túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi...” Suốt năm 1967, nhiều trận đánh lớn “công đồn đả viện” đã diễn ra ở Vùng 2 và 3 Chiến Thuật (các Quân Khu cải danh thành các Vùng Chiến Thuật). Nhiều trận Lực lượng Hoa Kỳ chết hàng trăm người và bị thương nhiều trăm người khác trong khi đó thì số chết của quân CSBV ít ra là gấp 5 lần hơn. Nghĩa là hàng năm bảy trăm người chết không kể bị thương.
CSVN sẵn sàng thí quân để chiếm miền Nam. Chiến dịch Đông Xuân 1967-1968, Võ Nguyên Giáp thành lập Mặt Trận Đường 9, gồm một Quân đoàn với ba sư đoàn bộ binh và một sư đoàn pháo chuẩn bị đánh cứ điểm Khe Sanh của Hoa Kỳ ở gần biên giới Lào-Việt. Một sư đoàn bộ binh và bốn trung đoàn biệt lập xâm nhập vào vùng phía nam khu phi quân sự Bến Hải, đánh phá các căn cứ Côn Thiên đến Quốc lộ-1 [QL-1] ở Gio Linh của TQLC/HK đang thành lập hàng rào phòng thủ điện tử “McNamara” dưới khu phi quân sự cập theo bờ nam Sông Bến Hải. Đến cuối năm, sư đoàn CSBV này đã cắt đứt đường tiếp vận của TQLC/HK trên Quốc lộ-9 [QL-9], từ căn cứ Calu đến phía đông cầu quận Hương Hóa. Cứ điểm Khe Sanh do lực lượng bộ và pháo TQLC Hoa Kỳ trú đóng, được tăng cường Tiểu đoàn 37 BĐQ/QLVNCH, tổng số khoảng 6,680 quân, bị cô lập. TướngWestmoreland hủy bỏ hàng rào McNamara, đem tất cả số máy điện tử còn lại lập hệ thống vòng ngoài hệ thống phòng thủ chính cửa cứ điểm Khe Sanh, kể cả các tiền đồn trên bốn ngọn đồi kế cận; tăng cường Pháo binh 175mm cho các căn cứ hỏa lực Rockpile và Caroll trên QL-9 phía tây Cam Lộ; và lập kế hoạch không yểm chiến lược “Niagara” với loại bom B-52 cho cứ điểm Khe Sanh. Đồng thời tại hai Vùng I và II Chiến Thuật, Westmoreland đã bố trí tất cả 50 tiểu đoàn tác chiếnHoa Kỳ. Tuy nhiên, Washington vẫn thấp thỏm về Khe Sanh, mọi con mắt đều nhìn về đó. Biết đâu Khe Sanh không là một Điện Biên Phủ thứ hai! Dư luận Mỹ xôn xao khi cứ điểm chỉ được tiếp tế bằng không vận và bị những đợt pháo dữ dội vào tháng 2/1968 làm nổ tung một kho đạn lớn và số binh sĩ chết và bị thương tăng từng ngày. Khác hơn mọi người nghĩ, Westmoreland đang chờ quân CSBV tập trung nhiều hơn tấn công Khe Sanh.
Nhưng điều bất ngờ đã diễn ra mà tất cả các cơ quan tình báo chiến lược, chiến thuật của Hoa Kỳ và VNCH đều không biết: CSBV xua quân đột ngột tấn công đồng loạt toàn Miền Nam trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Thân, nhằm ngày 31 tháng 1 năm 1968. Chính xác hơn các đơn vị Việt Cộng do Trung ương Cục Miền Nam [TUC/MN] cộng thêm các sư đoàn chính quy Bắc Việt (MACV và Washington đã sai khi phân biệt “Việt Cộng” hay VC là các đơn vị của MTGP/MN và North Vietnamese Army, hay NVA, là các đơn vị xâm nhập từ Miền Bắc. Chúng tôi gọi chung là quân CSVN, CSBV, hay bộ đội HCM, cho đúng “chính danh”) thực hiện chiến dịch “Tổng Công kích và Tổng Khởi nghĩa” [TCK & TKN] tấn công toàn diện 42 tỉnh lỵ, 64 quận lỵ và 29 vị trí quân sự quan trọng của Hoa Kỳ và QLVNCH, kể cả thành phố Sài Gòn và Huế, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, BTTM/QLVNCH và Căn cứ Chiến lược Long Bình của lực lượng Hoa Kỳ. Hai sự kiện quan trọng nhất làm rúng động Tòa Bạch Ốc và quần chúng Hoa Kỳ mà báo chí Mỹ đã phóng đại và quan trọng hóa là Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở trung tâm thủ đô Miền Nam bị quân CS tấn công và đột nhập và cứ điểm Khe Sanh, nói trên, đang bị một Quân đoàn CSBV bao vây, có thể bị triệt hạ. Trong khi đó thì toàn dân miền Nam đều ghê tởm về sự dã man của quân CSVN khi chúng chiếm Cố đô Huế và tàn sát trên hơn 5,500 cư dân bằng mọi cách. Không hề có Tổng Khởi nghĩa, bất cứ ở đâu khi quân CSVN tấn công, dân chúng theo các đơn vị QLVNCH để được che chở, hay tiếp tế, hoặc cùng chiến đấu sát cánh với binh sĩ các đơn vị chống lại chúng. Vì vậy có thể nói trong Tết Mậu Thân CSVN chỉ Tổng Công kích toàn diện miền Nam. Nhưng bất cứ ở đâu quân CSVN cũng bị đánh tan, đẩy lui hay tiêu diệt. Trừ Huế, đợt Tổng Công kích này ở khắp các nơi chỉ kéo dài từ một tuần đến mươi ngày và ghi nhận chính thức thiệt hại của Cộng sản là 32,000 chết, 5,000 bị bắt và số bỏ ngũ hồi chánh lên đến 60,000 hay 70,000 người. Trận Khe Sanh, quân CSBV chết trong vòng đai điện tử khi định xâm nhập tấn công hệ thống phòng thủ chính, và ở các điểm tập trung chung quanh căn cứ ước tính từ 12,000 đến 15,000; đa số chết vì bom B-52. Tuy nhiên, bên trong cứ điểm số tổn thất của Hoa Kỳ cũng lên đến hàng trăm chết và hàng nghìn bị thương vì bị pháo kích dữ dội.
Ngày 28/2/1968, kinh thành Huế được giải tỏa. Mọi người chỉ biết ngậm ngùi nhìn cảnh đổ nát và nhỏ lệ trước những nấm mồ tập thể. Tháng 4/1968 Tướng Westmoreland mở cuộc hành quân “Pegasus” phối hợp các lực lượng Hoa Kỳ và Nhảy Dù VNCH giải tỏa cứ điểm Khe Sanh; “Mặt Trận Đường 9” của CSBV cũng tan rã. Hoa Kỳ hủy bỏ Cứ điểm Khe Sanh. Tháng 5, CSBV mở đợt Tổng Công kích đợt hai ở một số tỉnh thành và cứ điểm quan trọng do những đơn vị cấp sư đoàn chính quy CSBV chủ công. Và một lần nữa, chiến sĩ QLVNCH, từ chủ lực quân, địa phương quân đến nghĩa quân đã chứng tỏ tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự thiện chiến, đánh tan mọi mũi tấn công của địch quân. Tổng kết cả hai trận Tổng Công Kích thiệt hại của địch lên hơn 120,000 vừa chết vừa bị bắt và hồi chánh. Lực lượng của CSVN ở Miền Nam hầu như tan rã. Thua đậm về quân sự, nhưng CSBV đã thắng trận giặc tuyên truyền, chính trị và tâm lý lớn lao nhất trong Chiến tranh Việt Nam là đã thắng Chính phủ, Quốc hội, nhất là quần chúng Hoa Kỳ. Hoa Kỳ trúng ngọn đòn cân não nặng nề nhất. Xã hội Hoa Kỳ trở mình thức tỉnh, phong trào phản chiến lan rộng từ Thủ đô Washington ra toàn quốc, nhất là ở các trường đại học của những thành phố lớn đều có biểu tình phản chiến của sinh viên nghèo và da đen là những lớp người hy sinh nhiều nhất ở chiến trường Việt Nam.
Ở Washington, sau khi Tướng Westmoreland yêu cầu xin thêm 200,000 cho Miền Nam bị tiết lộ, báo chí đăng tải trong tháng 3/1968, toàn Hoa Kỳ như lên cơn sốt. Biểu tình phản chiến lên cao, Quốc hội đòi điều tra về Tết Mậu Thân. Ngày 22/3/1968, Tổng thống Johnson tuyên bố không nhận ủy nhiệm của Đảng Dân Chủ ứng cử nhiệm kỳ hai. Johnson đã bị quần chúng Hoa Kỳ đánh bại... Trận TCK Tết Mậu Thân của CSVN làm thay đổi cục diện Chiến tranh Việt Nam. Sách lược “high-profile defensive war” và hành động trực tiếp điều khiển chiến tranh của nhóm chính trị “Lunch Bunch” thất bại với hơn 50,000 binh sĩ Hoa Kỳ chết và mất tích đến thời điểm đó. Tháng 5/1968, qua trung gian của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant và Chính phủ Pháp, Johnson đồng ý triệu tập hội nghị “bốn bên” ở Paris ngày 12/5/1968 gồm các phái đoàn Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, CSBV và Chính phủ Lâm thời MN/VN [hay MTGP/MNVN].
Tháng 11/1968, Richard M. Nixon, Đảng Cộng Hòa đắc cử Tống thống Hoa Kỳ. Một chính khách khác thay nhóm “Lunch Bunch” thao túng chính trường Hoa Kỳ làm thay đổi cục diện thế giới đến nhiều thập niên sau, Henry Kissinger. Giới chính trị Hoa Kỳ cho rằng ông này là một chiến lược gia sáng suốt đã đóng góp lớn cho nền anh ninh Hoa Kỳ. Thực ra ông này chỉ là một mưu sĩ tồi và đần độn nhất vì ông ta không thể hiểu nổi sự thâm sâu của những tay chính trị lãnh đạo Trung Quốc từng có bề dầy kinh nghiệm bốn nghìn năm chiến tranh và phát triển với những tư tưởng vô cùng lớn, căn bản của nền triết học Đông Phương. Đánh và đàm là sở trường của họ. Từ “hợp tung”, “liên hoành” của Tô Tần và Trương Nghi và binh thư của những nhà quân sự nổi tiếng như Ngô Khởi và Tôn Tử đã sinh sản ra một khủng đế Tần Thủy Hoàng và một bạo chính Mao Trạch Đông, đều là những tay kinh thiên động địa. Trung Quốc luôn là một quốc gia đáng sợ... Kissinger giúp Nixon đem Hoa Kỳ thử lửa đỏ cực độ khi bắt tay với Cộng Sản Trung Quốc. Chính Kissinger đã gieo di họa về sau cho Hoa Kỳ và Thế giới Tự do.
Ngày 20/1/1969 vào nhậm chức ở Bạch Ốc, Nixon đã nghe tiếng loa của đoàn biểu tình phản chiến vọng đến từ Đài Tưởng niệm Lincoln ở cuối chiếc hồ dài nguy nga ngay mặt sau dinh. Chiến tranh Việt Nam sẽ phải được giải quyết từ tiếng vọng đó xuyên qua lục địa rộng lớn Mỹ Châu, xuyên qua những đại dương từ Âu sang Á. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng Nixon sẽ đi tìm hòa bình trong danh dự như một đoạn ngắn trong bài diễn văn nhậm chức của ông: “The great honor history can bestow is the title of peacemaker. This honor now beckons America –the chance to help lead the world at last out of the valley of turmoil and on to that high ground of peace that man had dreamed of since the dawn of civilization.” [Danh dự lớn lao mà lịch sử có thể ban cho là tước hiệu của người kiến tạo hòa bình. Danh dự đó hôm nay kêu gọi Mỹ sau cùng có cơ hội dẫn đạo thế giới ra khỏi thung lũng tao loạn và đưa lên vùng cao địa hòa bình mà con người hằng mong ước từ buổi bình minh của văn minh.”](40) May mắn thay, trong hơn hai năm của nhiệm kỳ đầu tổng thống, Nixon chưa gặp ngay những nan đề lớn của Chiến tranh Việt Nam. Thực ra, sau cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân và tháng 5/1968 CSBV đã kiệt quệ, các đơn vị chính quy và địa phương Cộng sản ở Miền Nam hoàn toàn tan rã không còn đủ sức khuấy động chiến tranh. Chính phủ Nguyễn văn Thiệu sau Tết được các đảng phái, quần chúng và quân đội yểm trợ. Chiến thắng quân sự lớn lao đó chứng tỏ QLVNCH đã trưởng thành với trên dưới 1,000,000 của bộ binh chính quy, địa phương quân và nghĩa quân, không quân và hải quân. Trong thời gian sau đó, dân chúng miền Nam sinh sống tự do và kinh tế phát triển khá hơn. Có thể nói chính phủ kiểm soát hơn 95% lãnh thổ, trừ vùng biên giới cao nguyên và các mật khu ở liên biên giới Việt-Miên vùng Bình Long, Tây Ninh và Kiến Phong. Nixon và Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia, rảnh tay hơn trong việc đối phó với Liên Xô và TrungCộng lúc đó là hai kẻ thù của nhau về tranh chấp biên giới. Nixon-Kissinger chủ trương hòa hoãn với Liên Xô, qua việc tiến hành thương thuyết về hạn chế vũ khí chiến lược [a flexible “détente” with the Soviet Union throught the Strategic Arms Limitation Talks --SALT] và bắt tay liên lạc ngoại giao với Trung Quốc.Với sách lược này, Washington hy vọng hạn chế sự bành trướng của CSQT, khoét sâu vết rạn nứt giữa Liên Xô và CSTQ và có thể dễ dàng hơn trong việc thiết lập lại trật tự mới cho thế giới. Vì vậy, khi thực hiện các chủ trương đó Hoa Kỳ đã coi Việt Nam như “một màn diễn phụ” --a sideshow. Chữ này do chính Kissinger dùng, như là một cách nói trịch thượng, thực ra Việt Nam vẫn là mối tâm hoạn của Chính phủ Nixon. Vì ở đó, Hoa Kỳ còn 550,000 quân và có trên 10% hy sinh cho tổ quốc và đã trở về quê hương trong những chiếc áo quan bọc quốc kỳ sọc xanh trắng đỏ với những vì sao long lanh như những giọt nước mắt của các gia đình Mỹ, hay lấp lánh như ánh sáng vinh dự. Thêm nữa, còn hàng ngàn binh sĩ mất tích và hàng trăm tù binh bị CSBV bắt. Chính phủ Nixon cần thực hiện hòa bình trong danh dự và làm dịu cơn giận dữ của quần chúng. Kissinger đề nghị Nixon kế hoạch rút toàn bộ quân tác chiến Hoa Kỳ về nước để chiến cuộc lại cho QLVNCH gọi là “Vietnamization” --Việt Nam hóa Chiến tranh. CSVN mỉa mai gọi là kế hoạch “đổi màu da trên xác chết.” Điều này sai, vì chiến sĩ VNCH đã từng hy sinh nhiều ở chiến trường từ trước.
Theo cách suy luận của các nhà chiến lược nếu Kissinger coi việc bắt tay với Trung Cộng --người chỉ đạo thực sự quân đội Miền Bắc định thôn tính Miền Nam-- là màn kịch chính mainshow, và cuộc chiến còn chưa giải quyết ở Việt Nam là màn diễn phụ “sideshow”, thì nhất định phải có vấn đề mật đàm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để giải quyết hai việc cùng một lúc. Và dè dặt hơn, Kissinger còn áp dụng lại sách lược “cái gậy và củ cà-rốt” với cả hai Miền Việt Nam. Hội nghị đang diễn ra ở Paris chỉ là để hợp thức hóa những gì mà người ta ve vãn và hứa hẹn với nhau trong bóng tối như cặp tình nhân mới: anh Mỹ trẻ chị Tàu già. Miền Nam là người được bảo trợ... nên nói phải nghe. Miền Bắc là tên hung hãn, âm thầm đem của dụ dỗ nó trước rồi tính sau. Vậy nên, những gì diễn ra mà sau này phù hợp với giả thuyết trên. Các tài liệu Hoa Kỳ giải mật hai ba mươi năm sau chứng minh giả thuyết đó đúng gần như tuyệt đối. Khi cuộc đàm phán ở Paris chưa đi đến đâu thì người ta thấy Kissinger đi đêm với Chu Ân Lai. Đồng thời Kissinger cũng đi đêm với Lê Đức Thọ, ngay ở Paris. Các cuộc gặp gỡ riêng còn đôi co bớt một thêm hai nên và Hội nghị Paris đến đầu năm 1970 còn dậm chân tại chỗ. Trong gần hai năm đàm phán nhì nhằng đó CSVN có được cơ hội bằng vàng đổ hàng trăm ngàn cán, binh, xâm nhập theo Đường mòn HCM vào các mật khu ở biên giới, xây dựng lại lực lượng chính quy gồm 100% thanh, thiếu niên “sinh Bắc tử Nam”. Trong khi đó, ở Miền Nam, Hoa Kỳ bắt đầu cho rút quân đi với mức độ nhanh như khi đổ quân vào.
Tháng 6/1969, Tổng thống Nixon tuyên bố đợt rút quân đầu tiên gồm 25,000 người sẽ thực hiện trong tháng 7/1969. Đó là củ cà-rốt nhỏ. Bắc Việt chưa hài lòng. Lập tức, Ngũ Giác Đài thi hành kế hoạch “Thực Đơn” [Operations Menu] không tập chiến lược bom B-52 vào các mật khu CSBV dọc biên giới Tây Ninh lên tận Ban Hét, trong vùng “Ba Biên Giới” và không kích các đoàn xe CSBV vận chuyển trên Đường mòn HCM. Kế hoạch này chỉ làm cho hòa đàm Paris trì trệ. Phái đoàn CSBV bỏ các phiên họp. Lê Đức Thọ không gặp Kissinger sau buổi họp mật tháng 8/1969. Kế hoạch không tập “Menu” bị nhật báo “The New York Times” tiết lộ. Ngày 15/11/1969, khoảng 250,000 người, nhiều nhất là sinh viên đại học ở các nơi tụ về biểu tình ở Washington. Các phong trào phản chiến có cơ quan lãnh đạo hẳn hoi. Vì sự tiết lộ các bí mật hành quân này, Tổng thống Nixon ra lệnh thi hành một hành động vi hiến trầm trọng là đặt máy lén thu băng điện thoại của một số giới chức và các báo ở Bạch Ốc. Vụ scandal gọi là “Watergate” sau này bị tố giác làm cho Nixon phải từ chức. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, dù sinh viên biểu tình dữ dội thì họ cũng bị đàn áp và bắt bớ dữ dội, nhiều chục nghìn người bỏ trốn ra nước ngoài, họ xé thẻ trưng binh, có nơi họ đốt hình nộm Nixon, kể cả bạo động... Nixon tuy cho lệnh rút quân nhanh hơn dự định ở Miền Nam, nhưng vẫn chủ trương leo thang chiến tranh. Giới quan sát quốc tế ghi nhận ngày 29/4/1970 QLVNCH tổ chức những cuộc hành quân “Toàn Thắng” vượt biên sang lãnh thổ Cao Miên. Ở đó chính phủ Hoàng gia Sihanouk bị lật đổ, khi ông vua này sang viếng thăm Bắc Kinh tháng 3/1970. Tướng Lon Nol lập Chính phủ Cộng Hòa và làm Tổng thống. Các cuộc hành quân Toàn Thắng của Tướng Đỗ Cao Trí ở biên giới Quân khu 3 (cải danh trở lại) vào sâu lãnh thổ Cao Miên đến tả ngạn sông Mékong thành công lớn, phá hủy hoàn toàn các căn cứ hậu cần và mật khu CSBV dọc biên giới, tịch thu hàng trăm tấn vũ khí đạn dược có thể trang bị cho 50 tiểu đoàn và các kho gạo đủ cho 50 tiểu đoàn ăn 6 tháng.
Tuy nhiên, đến tháng 1/1971, khi Tổng thống Nguyễn văn Thiệu ra lệnh mở cuộc Hành quân Lam Sơn 719, đem các đơn vị thiện chiến nhất của QLVNCH tiến theo hành lang Liên Quốc lộ 9 sang Schépone, hạ Lào, giới quan sát am tường cho rằng VNCH không thể tự mình vẽ ra một kế hoạch táo bạo như thế. Phải là Washington, nhưng ai ở Bạch ốc đã thảo kế hoạch này. Ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Melwin Laird cho rằng “Kissinger là nhà lãnh đạo sách lược đối ngoại sâu sắc.” [Kissinger was a thoughtful foreign policy leader.”](41) Còn Ngoại trưởng William Rogers chống lại kế hoạch đó.(42) Tác giả phải là Kissinger có sự giúp rập của người phụ tá quân sự, Tướng Alexander Haig. Vậy Kissinger muốn gì làm gì ở Đường 9 và Schépone? Thí quân thiện chiến nhất của QLCNCH hay muốn triệt hạ lực lượng CSBV để tạo một chiến thắng lớn buộc CSVN trở lại hội nghị? Dù ai chết hay ai thua ở đó Hoa Kỳ đều có lợi cho việc rút quân nhanh và tạo hòa bình sớm trong “danh dự”. Trước đó không lâu có điều đáng nghi ngờ hơn là hai danh tướng QLVNCH Đỗ Cao Trí và Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh các Quân Đoàn III và IV đều chết trong tại nạn trực thăng khi còn đang cầm quân tấn công CSBV ở Cao Miên. Ai giết? Mặt Trận ở Miên và Lào tàn lụi. Quân CSBV lớn mạnh hơn ở biên giới hai nước này và Miền Nam. Hội nghị Paris và mật đàm giữa Kissinger-Lê Đức Thọ nối tiếp. Cũng chưa đi đến đâu. Phải chăng cả hai đều muốn chiến thắng lớn ở chiến trường để có ưu thế trong đàm phán hay cả hai đều muốn loại một đối thủ --theo họ, là trở lực lớn nhất cho cuộc mặc cả: QLVNCH? Ở thế chủ công, CSBV bao giờ cũng muốn chiếm thượng phong. Hoa Kỳ không có sách lược chủ thắng, nhưng không thiếu những cơn giận dữ của một mãnh sư... bất kể bạn và thù.
VIII. CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH,
PHẢN BỘI VÀ RUỒNG BỎ
Khi người ta mang vũ khí đánh nhau gieo tang tóc cho con người và điêu tàn cho đất đai, gọi là “thời chiến tranh”. Khi không gây chiến tranh, không bắn giết nhau, thiên hạ yên vui sinh sống, gọi là “thời hòa bình”. Nhưng khi người ký hiệp ước hòa bình rồi mà vẫn xả súng bắn giết nhau, xương rã rừng sâu, máu tràn phố thị, gây tang điền thương hải, thì gọi là thời gì? Không có câu trả lời. Không có chữ nào khả dĩ ghi vào tự điển. Thôi xin tạm gọi là “thời bội ước” hay “thời bội tín”.
Mùa Hè, đầu tháng 4 năm 1972, khi hòa đàm Paris chưa ngã ngũ, đột nhiên CSBV tung 14 sư đoàn chính quy bộ binh, 26 trung đoàn chuyên môn và độc lập gồm pháo binh, công binh, chiến xa, phòng không, đặc công, tương đương 22 sư đoàn, từ 180,000 đến 200,000 quân tác chiến, không kể một số gấp đôi yểm trợ hậu cần trên các tuyến vận chuyển vũ khí và lương thực, chia làm ba mũi dùi tấn công Miền Nam. Mũi thứ nhất tấn công QĐI & QK1, chiếm Gio Linh, Đông Hà và Cam Lộ, vượt Thạch Hãn, chiếm cổ thành Quảng Trị. Mũi thứ hai, tấn công QĐII & QK2, chiếm Dak-To, Tân Cảnh, bao vây Kon-Tum ở cao nguyên; chiếm Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Mỹ ở duyên hải. Mũi tấn công thứ ba, từ biên giới Miên tấn công vào Tây Ninh và Bình Long, chiếm Lộc Ninh, bao vây tấn công định chiếm tỉnh lỵ An Lộc để ra mắt Chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Tổng Công kích này của CSBV kéo dài đến tháng 7/1972. Ở mọi mặt trận QLVNCH đã chứng tỏ cho CSBV, cho Hoa Kỳ, và cho thế giới thấy rõ là một quân đội đã thực sự trưởng thành trên mọi mặt, thiện chiến, dũng cảm và kỷ luật. Dưới sự chỉ huy của tướng lãnh trẻ thao lược, các sĩ quan cấp tá và úy trẻ kiến thức và can trường, chiến sĩ hải lục không quân đánh tan tất cả cả các mũi tấn công của CSBV ở mọi Mặt Trận. Dĩ nhiên, QLVNCH đã được sự yểm trợ hỏa lực mạnh của Không và HảiQuân Hoa Kỳ. Cũng dĩ nhiên Tổng thống Nixon phải quyết định cứng rắn yểm trợ Nam Việt Nam vì sách lược “Việt Nam hóa Chiến tranh” để “rút quân trong danh dự” chưa hoàn tất. Khi chiến dịch TCK mùa Hè của CSBV [“Eastertide Offensive”] mở màn, tất cả các đơn vị tác chiến đồng minh đã rút hết, Hoa Kỳ rút được 90% trên tổng số 558,000 quân tác chiến.
TRẬN AN LỘC-1972
Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là năm 1972, ở Hoa Kỳ, cuộc bầu cử tổng quát diễn ra. Nixon không thể để thua ở Miền Nam, vì sẽ kéo theo sự thất bại của Đảng Cộng Hòa ở Quốc hội và ở tất cả các tiểu bang. Quan trọng hơn tất cả là Nixon sẽ mất Bạch Ốc. Nixon yểm trợ mạnh mẽ cho QLVNCH trong năm bản lề này thực ra là để bảo vệ cho sự nghiệp chính trị của ông. Vì vậy, chẳng những ra lệnh yểm trợ không quân chiến lược tối đa cho QLVNCH trong cả hai giai đoạn phòng thủ và phản công ở Miền Nam đầu tháng 5/1972, ông còn ra lệnh cho phong tỏa Cảng Hải Phòng và Vịnh Bắc Việt [Kế hoạch Pocket Money], đồng thời không tập Bắc Việt không hạn chế mục tiêu [“Kế hoạch Linebacker I & II”]. Cảng Hải Phòng trước khi bị phong tỏa, tiếp nhận tất cả vũ khí đạn dược thiết bị chiến tranh từ Liên Xô (và khối Cộng sản Đông Âu) đến, là bãi đổ của hai đội chuyển vận hạm Hải Quân Liên Xô. Đội thứ nhất gồm 125 chiếc xuất phát từ quân cảng Odessa; đội thứ hai gồm 25 chiếc xuất phát từ Vladivostok. Liên Xô và Trung Cộng đã trở thành hai kẻ thù từ mươi năm trước, nên hai tuyến vận chuyển hỏa xa chiến lược Côn Minh-Hà Nội và Nam Ninh-Hà Nội chỉ còn chuyển riêng vũ khí và chiến phẩm của Trung Cộng cho CSVN. Money Pocket thành công, tuyệt đường tiếp vận của Liên Xô cho Bắc Việt, nhưng Linebacker bị phản ứng vô cùng dữ dội. Lúc đó, BTL Không Quân và Phòng không Bắc Việt đã có hệ thống phòng không gồm 200 chiến đấu cơ Mig-17, Mig-19 và Mig-21 và 2,000 hỏa tiễn địa không SA-2 và SA-7. Trời đất Miền Bắc đỏ lửa, nhưng hàng trăm phản lực cơ và B-52 Hoa Kỳ bị bắn rơi trong hai đợt không tập Linbacker.
Một điều đáng nêu lên mà từ trước nhiều nhà viết quân sử đã không đề cập đến là khi Hạm Đội 7 Hoa Kỳ thực hiện hai kế hoạch trả đũa Pocket Money và Linebacker I ở Miền Bắc thì trận chiến trong Miền Nam, ở Quảng Trị, Kon Tum và An Lộc cũng đang diễn ra dữ dội. Trong khi mọi nơi trên thế giới đã tạm thời hưởng an bình, cả cuộc chiến tranh lạnh cũng dịu dần, thì chỉ riêng một góc trời Việt Nam rực lửa. Mỗi người trong thế hệ chúng tôi hình như là một nạn nhân trong một bi kịch lớn nhất của nhân loại hay ít nhất cũng là chứng nhân của một hí trường rơi nước mắt, lòng rười rượi buồn mà hỏi “tạo hóa gây chi cuộc hí trường”... trước sự thay đổi lớn lao của khung trời Việt Nam chẳng khác nào nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan đã từng bâng khuâng hỏi khi nhìn đất trời Thăng Long ngày nào. Có thể chưa ai quên, tháng 2/1972, sau khi Kissinger dàn xếp mật với các giới chức CSTQ, Nixon chính thức viếng Bắc Kinh trong vòng một tuần (21-28/2/1972) họp một lần với Mao Trạch Đông, nhưng rất nhiều lần với Chu Ân Lai. Đến tháng 5/1972, Nixon sang viếng thăm Moscow trong tám ngày (22-30/5/1972) gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Nga Leonid Brezhnew và Thủ tướng Alexei Kosygin, ký các hiệp ước quan trọng “Anti-Ballistics Missile” [ABM] và “Strategic Arms Limitation Treaty” [SALT] thì trật tự của một thế giới mới đã được sắp xếp và cuộc chiến Việt Nam đã đi vào giai đoạn kết thúc. Nhưng sao lại kết thúc một cách long trời lở đất như vậy?
Thực ra Việt-Nam-sideshow và cục-diện-thế-giới-mới chỉ là một trong con mắt của Nixon và Kissinger. Giải quyết nan đề Việt Nam gần như giải quyết mọi nan đề khác. Đối với Nixon, một mục đích duy nhất là củng cố vị thế của ông, chưa hẳn là mang lại danh dự và ích lợi cho Hoa Kỳ. Nhóm từ sau là sản phẩm màu mè. Vì quyền lợi và danh dự của một người mà làm tổn thương và đau lòng một dân tộc, mắt của thế hệ chúng tôi không chỉ nhìn thấy có một người mà hàng “tá”. Nhưng chúng tôi chỉ hận một người, Kissinger, một đạo diễn tồi, một cố vấn tối ngu của Nixon, nhưng là một ông vua không ngai, đã tạo một hí trường máu như một Néron. Ông vua này nổi lửa đốt một La Mã để mua một trận cười, Kissinger đốt cháy một Việt Nam, giết chết trên 6 triệu người và đưa vào hỏa ngục 60,000,000 người khác để tạo một tiếng cười cho Nixon hay cái tiếng tăm cho riêng mình. Sau mùa Hè 1972, nếu Miền Nam thua, hoặc Miền Bắc không trở lại bàn hội nghị, có nghĩa là Nixon thua cuộc, mất Bạch Ốc... vì vậy, Kissinger đã có thể âm mưu cùng Chu Ân Lai xúi bẩy Miền Bắc tấn công Miền Nam, để Hoa Kỳ đốt cháy cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, diệt bớt sức mạnh để dễ dàng thao túng. Đây là lý giải thích hợp nhất cho một chiến cuộc leo thang bất chợt của năm bản lề 1972. Cả hai miền thành vật tế thần cho Nixon đăng quang lần thứ hai. Như vậy cũng có nghĩa là Hoa Kỳ đã cam kết đền công cho CSTQ. Còn đền công, hay đền ơn, ở mức độ nào là điều cần phải nói bằng hàng nghìn trang giấy. Lịch sử sẽ chứng minh các điều trên đây chớ không phải những tài liệu được giải mật, không phải “Memories” của Nixon và Kissinger. Kissinger từng thổ lộ với một phụ tá là “sẽ áp dụng phương thức tàn nhẫn nhất để giải quyết chiến tranh không thể để kéo dài thêm bốn năm nữa trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Nixon.” Trong khi đó thì Winston Lord, một phụ tá khác của Kissinger tiết lộ: “The President felt that he had to demonstrate he couldn’t be trifled with --and frankly, to demonstrate our toughness to Thieu-- this was the rationale for the bombing.” [Tổng thống cảm thấy cần phải chứng tỏ là ông không thể bị coi thường --và, thành thực mà nói-- muốn chứng tỏ cho Thiệu biết sự cứng rắn của chúng tôi. Điều này hợp lý nhất... về việc dội bom”] (43) Chính xác. Hoa Kỳ dội bom Miền Bắc dữ dội và áp bức Tổng thống Thiệu của Miền Nam dữ dội hơn để có được một hiệp ước hòa bình trong... “danh dự”.
Sau các trận không tập Linebacker I, ngày 1/10/1972, Lê Đức Thọ yêu cầu Kissinger tái họp. Ngày 8/10/1972, Thọ trao cho Kissinger bản dự thảo “Chấm dứt Chiến tranh và Phục hồi Hòa bình” [“Ending the War and Restoring Peace” in Vietnam]. Washington chấp nhận.
Dự thảo có hai phần quan trọng: về quân sự Hoa Kỳ rút toàn bộ quân lực về nhưng Bắc Việt vẫn lưu giữ 150,000 quân ở lại Miền Nam. Trao đổi tù binh... Về chính trị sẽ thành lập Hội đồng Hòa giải Quốc gia [National Council of Reconciliation]. Sau một thời gian ngắn co kéo, o ép, và đình hoãn và đánh bom kinh khiếp ngay cả thủ đô Hà Nội làm cho dư luận Hoa Kỳ tưởng rằng chiến tranh sẽ chấm dứt với sự thắng lợi đầy danh dự cho Hoa Kỳ. Kết quả là Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ hai với 60.7% tổng số phiếu bầu. Từ tháng 8/1972 toàn bộ đơn vị tác chiến Hoa Kỳ đã rút khỏi Miền Nam. Ngày 29/12/1972, Nixon ra lệnh chấm dứt chiến dịch Linebacker II. Trên thực tế, nếu Hoa Kỳ chỉ cần đánh bom thêm một tuần lễ nữa, Bắc Việt sẽ đầu hàng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không muốn cho CSVN thua, vì lý do ràng buộc nào đó với... CSTQ, giữa Kissinger và Chu Ân Lai.
Ngày 18/10/1972, Tổng thống Thiệu đã lạnh nhạt đón Kissinger đến Dinh Độc Lập với bản văn hiệp định đã được Hoa Kỳ và CSBV đồng ý, là thành quả mật đàm giữa Thọ và Kissinger mà trước đó ông chưa hề được tham khảo ý kiến. Người ta chỉ yêu cầu ông ký... và họ dự định ký vào ngày 31/12/1972.
BẢN ĐỒ NAM VIỆT NAM SAU NGƯNG BẮN
Ông Thiệu có yêu cầu xét lại các điều khoản về quân sự và chính trị nêu trên, nhưng dưới áp lực cảnh cáo đình chỉ mọi viên trợ, cuối cùng ông đã phải ép lòng chịu cho ký hiệp ước, chỉ được tu chỉnh một ít tiểu tiết. Hiệp ước Paris được ký ngày 27/1/1972 thực chất gồm các “điều khoản thua trận” của Hoa Kỳ: rút toàn bộ quân lực khỏi Việt Nam, triệt bỏ tất cả căn cứ quân sự và không được mang quân trở lại Đông Dương để gây thêm chiến tranh; vét mìn đã phong tỏa Vịnh Bắc Việt và Cảng Hải Phòng; bồi hoàn chiến tranh cho ba nước Đông Dương. Hoa Kỳ chỉ có cái lợi duy nhất là đem về được 566 tù binh.
Hiệp ước cũng hàm chứa sự ruồng bỏ Nam Việt Nam của Hoa Kỳ, mặc CHVN cho số phận bi đát có thể... tính trước ngày chết. Trong một lần thảo luận, chính Nixon đã nói với Kissinger:“South Vietnam probably can never even survire any way.” [“Bằng mọi cách, Nam Việt Nam chắc không bao giờ còn tồn tại.”] Về thời gian Miền Nam sụp đổ thì Kissinger nói rõ với Nixon: “We got to find some formula that holds the thing together a year or two, after which --after a year, Mr. President, Vietnam will be a backwater. If we settle it, say, this October, by January 1974, no one will give a damn.” [Chúng ta cần phải tìm một công thức giữ mọi thứ ổn định trong một hoặc hai năm, sau đó –sau một năm, thưa Tổng thống, Việt Nam sẽ là một vùng khỉ ho cò gáy, không còn ai chú ý đến nữa. Nếu chúng ta thực hiện được công thức này, có thể nói, bây giờ là tháng 11... đến tháng 1/1974, còn ai thán oán gì nữa...](44) Lối ruồng bỏ vô nhân này, Frank Snepp, một nhân viên CIA từng phục vụ ở Việt Nam, viết thành quyển sách gọi là “Decent Interval” có thể dịch là “Khoảng cách An toàn”. Kissinger nghĩ rằng sau một năm khi Hiệp định Paris được thi hành, Việt Nam trở thành một nơi hẻo lánh, Nam Việt Nam có sụp đổ Hoa Kỳ không liên luỵ gì nữa và cũng không ai còn để ý đến nữa. Câu chuyện ở buổi đàm đạo này của Nixon-Kissinger diễn ra trong tháng 11/1972 (trước khi Hiệp định Paris ký kết) sau đó được tiết lộ, cho thấy cặp bài trùng này đã dùng công thức [“formula”] sau đây: “Hiệp ước Paris 1973 + 4.75 tỷ Mỹ kim viện trợ CSVN + cắt tối đa viện trợ quân sự cho Miền Nam”. Tất cả mô hình kiến trúc “ruồng bỏ và lẩn tránh trách nhiệm” này đã được thực hiện. Về sau, Kissinger còn đem mô hình đó giúp cho Tổng thống Bush thứ hai áp dụng ở Iraq cho đến đỗi các sử gia Hoa Kỳ gọi là “Kissinger’s Strategy Decent Interval”. Tuy nhiên lịch sử chứng minh ngược lại. Và kẻ ngu là kẻ coi thường lịch sử. Trở lại thời điểm đó, CSBV tất nhiên đã chiếm tất cả mọi thắng lợi của Hiệp định Paris-1973, Cảng Hải Phòng mở rộng thêm tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí và chiến phẩm hàng tuần, Đường mòn HCM tự do tu bổ thành hệ thống rộng lớn gồm cả Trường Sơn Tây và Trường Sơn Đông, CSBV chuyển tải tất cả các thứ ấy vào Lào, Miên và Miền Nam. Tuy nhiên với lực lượng hơn 150,000 quân chính thức lưu lại Miền Nam sau khi “ngưng bắn tại chỗ” theo Hiệp định Paris [trên thực tế có thể lên đến 280,000 quân] CSVN vẫn chưa tấn công Miền Nam. Chỉ có chạm súng nhỏ cấp trung đoàn trở lại. Hoa Kỳ chỉ còn trên dưới 5,500 quân nhân và chuyên viên ở Nam Việt Nam, nhân viên và chuyên viên của DAO [Defendense Attaché Office] thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, các Lãnh sự quán ở Quân khu, liên lạc điều hành ngân khoản viện trợ quân sự cho QLVNCH. MACV giải tán. Trong khi đó QLVNCH bị cắt viên trợ đến tối đa và phải trải quân mỏng ra để trám vào các vùng lãnh thổ mà 9 sư đoàn Hoa Kỳ và Đồng Minh rút về nước, nhất là ở QĐI & QK1 và QĐII & QK2. Chỉ thành lập thêm SĐ3BB ở QĐI & QK1. Từ 11-13/2/1973, Kissinger dẫn phái đoàn kinh tế Hoa Kỳ sang Hà Nội cùng Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ thành lập “Ủy ban Hiệp thương Kinh tế” giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt để điều hành ngân quỹ viện trợ 4.75 tỷ Mỹ kim không bồi hoàn mà Nixon đã hứa với Phạm Văn Đồng trước ngày ký Hiệp định Paris-1973.
Ngày 1/11/1973, Bộ Chính trị Đảng CSVN họp và ra nghị quyết (NQ-21) giải phóng Miền Nam bằng vũ lực và mở rộng Hành lang 613, hay đường Trường Sơn Đông, để chuẩn bị chuyển quân tấn công Sài Gòn bằng lộ trình ngắn nhất thay vì dùng đường Trường Sơn Tây.
Ngày 17/8/1974, CSVN thử thách phản ứng của Hoa Kỳ lần thứ nhất. Ba sư đoàn bộ và pháo CSBV tấn công chiếm các quận Nông Sơn, Dục Đức và Thượng Đức trên trục QL-14, thuộc tỉnh Quảng Nam, cách Hội An 15 dặm ở hướng tây và Đà Nẵng 25 dặm, định cắt Nam Việt Nam làm đôi, ít nhất là cô lập QĐI & QK1 trên tuyến Thượng Đức–Hội An. Tướng Ngô Quang Trưởng đưa Sư Đoàn Nhảy Dù của Tướng Lê Quang Lưỡng từ Quảng Trị vào, sử dụng các đơn vị SĐ3BB và một chiến đoàn BĐQ + Thiết Kỵ án ngữ Đại Lộc và các lữ đoàn Dù đánh nhau dữ dội với các sư đoàn CSBV trên vùng đồi 1062 Thượng Đức từ tháng 8 đến 12/1974. Hoa Kỳ giữ sự im lặng. Điều bất thường xảy ra trước trận đánh là, ở Hoa Kỳ, ngày 9/8/1974, Tổng thống Nixon từ nhiệm để tránh bị Quốc hội giải nhiệm [empeachment] về vụ Watergate. Ông này rời Bạch Ốc mang theo lời hứa trong hai bức thư gởi Tổng thống Nguyễn văn Thiệu trước khi ký Hiệp ước Paris-1973 là sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu CSBV vi phạm tái tấn công Miền Nam.
Tháng 1/1975... Đúng thời điểm mà Kissinger dự trù tối đa hai năm sau Hiệp định Paris-1973, CSBV thử thách phản ứng của Hoa Kỳ lần thứ hai, tấn công và chiếm tỉnh Phước Long với lực lượng ba sư đoàn bộ và pháo. Hoa Kỳ chỉ phản kháng lấy lệ. Tổng thống mới của Hoa Kỳ Gerald Ford lúc đó đang sử dụng Kissinger ở chức vụ Ngoại trưởng. Kissinger ngó lơ thì còn ai nhắc lại lời hứa của Nixon. Hoa Kỳ đã phản bội, như lời phát biểu sau này của ông Thiệu. Nên ghi nhận là tháng 6/1973, Quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết chấp thuận Nghị quyết “Case & Church” cấm Chính phủ đem quân trở lại Đông Dương. Chính phủ của Ford bị bó tay. Tướng Frederic Weyand, nguyên Tư lệnh MACV cuối cùng, được cử sang Sài Gòn điều tra về vụ CSBV chiếm Phước Long. Trở về Washington, ông đề nghị Tổng thống Ford xin Quốc hội chi viện đặc biệt 300 triệu Mỹ kim cho QLVNCH. Quốc hội Hoa Kỳ bàn cãi cả năm rồi quyết định từ chối. Hơn nữa, ngân khoản viện trợ chính năm 1975 của Miền Nam từ 1.4 tỷ Mỹ kim bị rút xuống, chỉ còn 500 triệu. Rõ ràng Quốchội Hoa Kỳ đã bỏ rơi Miền Nam Việt Nam. “Hội chứng bỏ rơi” [“abandoning syndrome”] lan rộng trong chính giới Hoa Kỳ sang Sài Gòn --nó nhen nhúm trong các giới tài phiệt có máu mặt, chính khách, bộ trưởng và các tướng... lớn.
Đêm 9 rạng ngày 10/3/1975, CSBV mở chiến dịch Tây Nguyên tấn công thị xã Ban Mê Thuột tỉnh Đắc Lắc và Quận Đức Lập tỉnh Quảng Đức theo chỉ thị Bộ Chíng trị Đảng CSVN mà Phạm Hùng, lãnh tụ cao cấp nhất của TUC/MN nhận được, mục đích của chiến dịch là để cho Đoàn 559 mở trục “Trường Sơn Đông”, hay trục QL-14, bị nghẽn ở bắc quận lỵ Đức Lập, nối Đức Cơ và Đôn Luân ở Phước Long, chuẩn bị cho cuộc TCK vào năm 1976 hay 1977.
CSBV TẤN CÔNG BAN MÊ THUỘT
Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 QKII & QK2, trình kế hoạch của CSBV cho Tướng Tư lệnh Phạm văn Phú đầu tháng 3/1975. Tuy nhiên, trong hai ngày 4 và 5/3 một sư đoàn CSBV cắt đứt trục lộ 19 nối liền Pleiku và Qui Nhơn. Tướng Phú tin tưởng vào nhận định của ông là CSBV sẽ tấn công tỉnh Kom Tum hoặc Pleiku, nên ra lệnh đưa hai trung đoàn của SĐ23BB, căn cứ chính ở Ban Mê Thuột, lên vùng Pleiku-Kontum. Đức Lập mất liên lạc trong đêm 9/3. Thị xã Ban Mê Thuột và Phi trường Phụng Dực gần đó, thiếu quân phòng thủ trước sức tấn công của ba sư đoàn bộ binh CSBV cộng thêm chiến xa, nên thất thủ ngày 12/3. Ai cũng nghĩ là Sài Gòn sẽ tăng quân để tái chiếm Ban Mê Thuột.
Bất ngờ, ngày 14/3 Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú bỏ Pleiku và Kon Tum với lý do rút quân về vùng duyên hải lập tuyến phỏng thủ mới bảo vệ các vùng đất trù phú theo khả năng bị cắt mọi viện trợ đến mức nguy kịch nhất. Từ quân lệnh này, đã diễn ra cảnh “đoàn quân di tản máu và nước mắt” [“Convoy of Blood and Tears] trên con đường hoang phế 7-B Pleiku-Hậu Bổn-Phú Yên. Đoàn người gồm 55,000 binh sĩ và hơn 450,000 dân tỵ nạn già trẻ, đàn bà và trẻ con, đại đa số là gia đình binh sĩ, với mọi loại xe mà họ có, chiến xa và quân xa khởi đi từ Pleiku, KonTum ngày 16/3/1975 đến Phú Yên ngày 27/3/1975 chỉ còn 20,000 quân và 100,000 dân. Quân CSBV bắn đại pháo và phục kích bắn thẳng vào đoàn di tản, giết người tập thể. Không ít binh sĩ bươn bả lo cho vợ con... từ đó thêm một nhóm từ mới “hội chứng gia đình” [“family syndrome”]. Binh sĩ vừa đánh vừa bảo vệ gia đình của họ. Và bảo vệ gia đình trở thành ưu tiên thứ nhất của binh sĩ các đơn vị QLVNCH trong khi cấp lãnh đạo của họ lâm phải “hội chứng bỏ rơi”. Trách ai đây? Trước tiên, dịch... “hội chứng” lan rộng tàn phá tinh thần chiến đấu của quân dân các tỉnh miền Trung. Đó là lý do chính làm tan rã các đơn vị thiện chiến của QLVNCH, mất hai vùng lãnh thổ trọng yếu, gây hệ luỵ toàn diện cho Miền Nam.
Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh QĐI & QK1 được lệnh bỏ lãnh thổ QK1 ngày 13/3/1975, trước Tướng Phú một ngày, cũng với lý do Tổng thống Thiệu nêu trên. Tuy nhiên, ông Trưởng cho rằng tình hình ở Quân khu không có gì nguy ngập nên cầu cứu với Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Ngày 14/3/1975, Tổng thống Thiệu ra lệnh đưa hai Lữ đoàn của Sư đoàn Nhảy Dù về Sài Gòn và một Lữ đoàn khác về Khánh Dương, trên QL-19. Tướng Trưởng bị tước mất một đơn vị tinh nhuệ. Trung tướng Lâm Quang Thi được chỉ định Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tiền phương QĐI & QK1 phụ trách Huế và Quảng Trị. Ngày 18/3 Tướng Khiêm ra viếng BTL/QĐI & QK1 ở Đà Nẵng, gặp cả hai Tướng Trưởng và Thi. Không có chỉ thị gì chính thức. Tướng Trưởng bay về Sài Gòn gặp Tổng thống Thiệu trình lại kế hoạch tái phối trí lực lượng ở QK1. Trở ra Đà Nẵng, ông chỉ thị cho Tướng Thi cố thủ Huế và Quảng Trị đồng thời lập kế hoạch dự phòng đưa Lữ đoàn 147 TQLC và SĐ1BB về phòng thủ Đà Nẵng. Tuy nhiên không rõ vì lý do gì, ngày 24/3/1975, Tướng Lâm Quang Thi ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Tiền phương của ông rút bỏ Huế, bỏ mặc cho Lữ đoàn 147 TQLC ở bãi Cửa Thuận, làm mồi cho địch pháo tập trung và tan rã. Tướng Thi bỏ Huế xuống chiến hạm chạy xa đã gieo kinh hoàng... cho dân chúng. Hàng triệu thị dân cố đô, hoảng loạn kéo nhau chạy trên QL-1, hay trên những chiếc thuyền lớn bé vô định xuôi nam. Đà Nẵng tràn ngập người tỵ nạn, SĐ1BB và SĐ3BB, đại đa số binh sĩ có gia đình ở Quảng Trị, Thừa Thiên và Đà Nẵng, tan rã... vì dịch “bỏ rơi”, kéo theo dịch... “lo cho gia đình”. Binh sĩ bỏ đơn vị đi tìm gia đình sau khi ông tướng tiền phương bỏ Huế, làm Đà Nẵng lên cơn sốt dữ dội với ba triệu người, hỗn loạn giành giật nhau, dắt díu nhau, tìm cách tốt nhất chạy giặc. Phố thị, bãi biển, phi trường náo loạn....
Tướng Trưởng và Bộ Tư lệnh của ông đã trở thành bất lực. Cũng tan rã. Các sĩ quan cấp tá, cấp úy, đơn vị trưởng của hầu hết các đơn vị, trong hoàn cảnh đó, chỉ còn biết nói với binh sĩ một câu chung chung: “Thôi, các em đi đi..., đi mà tìm gia đình. Chúc may mắn.” Và thầy trò ôm nhau, rơi nước mắt với nhau... trước khi chia tay. Một Quân đoàn tan rã.
Ngày 24/3, quân CSBV chiếm Quảng Trị và Huế. Ngày 30/3 mất Đà Nẵng. Trước đó, ngày 24/3 SĐ2BB ở Tam Kỳ rút ra Cù lao Ré, sau đó được đưa về Bình Tuy cùng với Liên đoàn 12 BĐQ. Ngày 24/3 mất Quảng Ngãi. SĐ22BB ở Bình Định được lệnh rút về Bến Lức, tỉnh Tân An. Ngày 1/4 mất Qui Nhơn. Ngày 31/3, mất Tuy Hòa sau khi đoàn di tản từ Pleiku-KonTum Quân khu 2, cao nguyên, chạy về đến đây ngày 27/3; thực đắng cay cho đoàn người di tản này. Ngày 1/4 mất Nha Trang. Ngày 3/4 mất Cam Ranh.
Quyết định rút bỏ QK1 và QK2 của Tổng thống Thiệu gây tai họa cho QLVNCH, chẳng ai biết rõ lý do chính, ngoài những gì ông nói về “khả năng chỉ đủ bảo vệ vùng lãnh thổ trù phú” nên thu hẹp tuyến phòng thủ. Đảng CSVN nhân cơ hội hai quân khu Miền Nam bị bỏ rơi CSVN đã khai thác thời cơ độc nhất vô nhị này. Ngày 24/3/1975 Bộ Chính trị Đảng CSVN họp, ra nghị quyết Tổng Công Kích toàn diện “giải phóng” ngay Miền Nam --mà trước đây họ dự trù trong một hay hai năm tới. Sau khi quân CSBV chiếm được Cam Ranh, tức khắc Lê Đức Thọ vào Lộc Ninh. Tại đây, ngày 8/4/1975 Thọ lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ định Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Phạm Hùng làm Chính ủy, nhưng tự mình nắm quyền quyết định tối cao về mọi mặt, quân sự, chính trị và ngoại giao... Về quân sự, Thọ cho sát nhập các đơn vị cấp sư đoàn và các trung đoàn biệt lập thành bốn Quân Đoàn I, II, III, IV và Đoàn Chiến thuật 232 [Tactical Force 232] cũng ở cấp Quân đoàn, cùng tiến đánh, bao vây và tấn công QĐIII & QK3 và vòng đai Thủ đô Sài Gòn. Về chính trị, không chấp nhận đàm phán ngưng bắn với Chính phủ Nguyễn văn Thiệu.Về ngoại giao trực tiếp điện đàm với Đại sứ Pháp trung gian cho một giải pháp an toàn cho người Hoa Kỳ còn ở Sài Gòn và cho cả Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Một Phái đoàn của Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin do Đại tá Harry G. Summers cầm đầu [Summers sau này là tác giả của nhiều bài biên soạn, nghiên cứu và viết sách về Chiến tranh Việt Nam, trong số có quyển “On Strategy: A Critical Analysis of the Vietnam War” nổi tiếng; Summers cũng là chủ nhiệm sáng lập Nguyệt san Vietnam Magazine] được cử ra Hà Nội về việc này. Nhưng sau khi từ Hà Nội trở về Đại tá Summers không tiết lộ bất cứ điều gì, nhất là về ngày giờ mất còn của Sài Gòn, cho đến khi ông mất. Chiến tranh Việt Nam còn nhiều uẩn khúc chưa thể biết được. Ông Nguyễn văn Thiệu cho đến ngày mất ở Hoa Kỳ, cũng không nói thêm điều gì về quyết định rút bỏ QĐI & QK1 và QĐII & QK2 ngoài những điều đã nói khi còn quyền bính.
Tuyến phòng thủ mới mạn bắc thủ đô và QĐIII & QK3 do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tiền phương [BTL/TP/QĐIII], chỉ huy, đóng ở sân bay quân sự Phan Rang. Tuyến này từ vòng đai phòng thủ bắc Ninh Thuận kéo sang Tây Ninh, gồm một ít đơn vị và chiến đấu cơ còn lại của SĐ6KQ của Tướng Phạm Ngọc Sang từ Phù Cát, tỉnh Bình Định rút về, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Thu Lương chỉ huy và SĐ2BB của Tướng Trần văn Nhựt từ Bình Tuy chuyển ra. Ngày 15/4/1975, Quân Đoàn II CSBV tấn công BTL/TP của Tướng Nghi. Tướng Nghi, Tướng Sang và Đại tá Lương đều bị bắt ngày 17/4 trên lộ trình rút quân về Bình Thuận. Riêng Tướng Nhựt, Tư lệnh SĐ2BB, ngay phút đầu của trận đánh vừa diễn ra, đã dùng trực thăng cao bay xa chạy, bỏ quân của sư đoàn như rắn mất đầu, chưa đánh đã tan rã. May mắn thay, hàng ngũ quân đội Miền Nam còn lắm anh hùng. Thử hỏi quân đội Nhật khi bại trận được bao nhiêu tướng tuẫn tiết? QLVNCH có đến năm vị tướng anh hùng, năm vị thần sống mãi trong lòng chúng tôi. Chúng tôi vẫn kính phục Tướng Nguyễn văn Thiệu và các tướng khác ở hải ngoại biết giữ sự im lặng. Chúng tôi hiểu rõ cái lẽ “gặp thời thế thế thời phải thế”. QLVNCH có những vị tướng tự trọng, giữ nhân cách đáng quý, như Tướng Lê Quang Lưỡng, biết mình ra đi đã để lại lời di chúc “đừng phủ quốc kỳ trên quan tài của tôi”. Chúng tôi cảm động về lời tâm huyết đó. Ông đã hiểu rõ và tôn trọng sự thiêng liêng của lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, tạo được sự quý trọng trong lòng mọi người. Ông đã bất tử. Chúng tôi chân thành bày tỏ tấm lòng và tâm sự của chúng tôi, lớp người đã từng được đào tạo thành cấp chỉ huy, đầu đội trời chân đạp đất, đem sinh mệnh nguyện đền ơn cho tổ quốc. Nếu che giấu sự thực... thế hệ tương lai làm sao hiểu để tránh vết xe đổ của thế hệ trước.
IX. KẾT LUẬN CỦA MỘT SỤP ĐỔ
Trận đánh oanh liệt và hào hùng cuối cùng của quân lực Miền Nam diễn ra ở thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh, giữa SĐ18BB và 1 Quân đoàn CSBV + 1 trung đoàn chiến xa. Tướng Lê Minh Đảo, chỉ huy các đơn vị cơ hữu và các đơn vị tăng cường, Nhảy Dù, Biệt Cách Dù và BĐQ, tổng số chừng 12,000 quân --không kể cánh quân tiếp viện của Tướng Trần Quang Khôi gồm thiết kỵ và bộ binh chừng 3,200 quân, trên QL-1 gần Ngã Ba Dầu Giây, chưa bắt tay được với nhau-- đã chận đứng Quân đoàn IV/CSBV cộng với Trung đoàn 203 Chiến xa và 1 trung đoàn pháo binh, hơn 45,000 quân, trong 20 ngày. Sức chống trả mãnh liệt của quân phòng thủ ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn này làm chùn bước tiến quân của CSBV. Tuy nhiên vì nhu cầu chiến thuật nên ngày 20/4/1975 SĐ18BB được điều động về phòng thủ căn cứ Long Bình và cánh quân phối hợp của Tướng Khôi về Biên Hòa. Xuân Lộc bỏ ngõ.
Từ ngày 20/4/1975, Thủ đô Sài Gòn bị 5 Quân đoàn chính quy CSBV, tổng cộng chừng 180,000 quân bao vây. Ngày 21/4, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu từ nhiệm. Khi tuyên bố giao quyền bính lại cho Phó Tổng thống Trần văn Hương, được truyền thanh trên Đài Phát thanh Quân Đội, ông Thiệu cho rằng Hoa Kỳ đã “phản bội” VNCH. Hôm sau, 22/4/1975, ông Thiệu và ông Khiêm được giám đốc cơ quan CIA ở Sài Gòn hộ tống ra Phi trường Tân Sơn Nhất lên một DC-6 Hoa Kỳ đi Đài Loan. Ở Hoa Kỳ, ngày 23/4/1975 Tổng thống Gerald Ford phát ngôn trước các sinh viên Đại học Tulane ở New Orleans, nguyên văn: “Today America can regain the sense of pride that existed before Vietnam. But it cannot be achieved by re-fight a war that is finished as far as America is concerned.”(45) Chúng tôi không thể dịch câu nói này toàn bích, xin quý độc giả giúp cho. Chỉ hiểu phóng rằng Hoa Kỳ không có được sự hãnh diện như trước khi có Chiến tranh Việt Nam; tuy nhiên dù muốn hồi phục lại sự hãnh diện đó, Hoa Kỳ cũng không thể mở lại cuộc chiến đã chấm dứt mà Hoa Kỳ đã từng quan tâm. Nghĩa là dù không có danh dự gì trong Chiến tranh Việt Nam nhưng Hoa Kỳ đã không còn quan tâm đến cuộc chiến đó nữa. Nghĩa là... chấm hết. Nghĩa là bỏ rơi Việt Nam.
NĂM QUÂN ĐOÀN CSBV BAO VẬY SAIGON
Với lời tuyên bố này của Tổng thống Ford, ở Sài Gòn cơn sốt bị “bỏ rơi” lên cao độ. Từ ngày đó, 23/4 Phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ [DAO] lập danh sách cho gia đình công chức cao cấp và gia đình sĩ quan cao cấp của BTTM/QLVNCH di tản bằng C-130 đi Phi Luật Tân, rồi sang Guam. Những gia đình có tiếng tăm cũng được cấp chiếu khán đi hàng không dân sự đến nơi nào họ muốn. Trong tình trạng đó, nhiều giới chức cao cấp Chính phủ và nhiều tướng lãnh tư lệnh binh chủng, cục trưởng, các sĩ quan giám đốc nha sở trung ương, đã âm thầm bỏ rơi thuộc cấp... di tản. Đến ngày 27-28/4 ngay cả ở BTTM/QLVNCH các cấp trưởng phòng trở lên cũng biến mất. Trừ các tướng tá chỉ huy các đơn vị tác chiến vẫn cầm được quân, cương quyết giữ đất, giữ được kỷ luật trong quân và sẵn sàng tác chiến, nhất là các cấp chỉ huy 450,000 chiến sĩ ở QĐIV & QK4. Trước tình trạng ở Sài Gòn các vị chỉ huy đầu não quân đội đã biến mất, ông Trần văn Hương không thể làm gì hơn được là giao chính phủ lại cho Tướng Dương văn Minh theo yêu cầu của nhiều nghị sĩ và dân biểu. Chiều 28/4 lễ bàn giao diễn ra trong khi Phi trường Tân Sơn Nhất bị ném bom bởi 1 sĩ quan cũ của KQVN theo giặc.
Sáng ngày 29/4 Đại sứ Martin thị sát Phi trường TSN và ra lệnh đình chỉ mọi di tản bằng C-130 và cho thi hành việc di tản bằng trực thăng, ưu tiên cho người Mỹ. Và cảnh hoảng loạn như khu rừng bị cháy, những cánh chim bị vỡ tổ, bay tán loạn, khi ngay trong đêm đó, cơ sở DAO và Trại Trần Hưng Đạo của BTTM/QLVNCH bị pháo kích... nên những chuyến bay trực thăng chở người di tản bay lên và đáp xuống ở sân trực thăng DAO cấp thiết hơn là hình ảnh của đàn chim vỡ tổ đó. Tuy nhiên, không phải chỉ có sân trực thăng DAO chở người chạy giặc đã vào đến ngõ, mà trực thăng Hoa Kỳ đáp trên nóc bằng các buildings cao trong thành phố và ngay cả trên nóc của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Bên vòng rào ngoài của cơ quan này là cảnh chen lấn xô đẩy nhau, giành nhau chen chúc vào cổng, trèo tường mong vào bên trong để chờ đợi và hy vọng... được ra đi. Trong khi đó, chiến sĩ tác chiến và các sĩ quan chỉ huy họ điềm tĩnh nhìn người ta đi và chờ địch đến. Martin nghĩ rằng chúng tôi sẽ gây tao loạn cản trở người Mỹ ra đi... Không, họ đến không ai mong. Họ đi không ai tiễn. Chúng tôi ở lại để chờ chết trên quê hương của mình. Thế mà, người ta không cho chúng tôi được chết... ở bãi chiến.
Sáng 30/4/1975, chưa tan bóng tối, Đại sứ Martin bỏ Sài Gòn trên chuyến bay cuối cùng, cuốn theo lá quốc kỳ và danh dự của nước Mỹ. Gần trưa, ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Năm vị tướng tuẫn tiết, hàng trăm sĩ quan và binh sĩ nữa đã đền ơn nước bằng lối chết anh hùng đó. QLVNCH tan vỡ. Nhưng lạ lùng thay, chưa có một quân đội nào đã tan rã rồi mà linh hồn vẫn tồn tại trong lòng mọi người và càng ngày thế giới càng tìm hiểu nhiều thêm, viết nhiều hơn để suy tôn và trả danh dự cho chiến sĩ của quân đội đó. Ở trận địa, họ chưa từng thua bất cứ trận đánh nào. Ở trong mọi hoàn cảnh loạn lạc, khốn khổ, họ lo trước cho sự an toàn của người dân hơn sinh mạng của họ. Ở những ngày cuối cùng họ bình tĩnh nhìn người bạn cũ ra đi mà không hề hờn oán người bạn này. Những người dễ thương đó cũng bị chính tên mưu sĩ không thuần giống kia đưa vào màn diễn bi đát làm tổn thương trầm trọng đến danh dự đất nước, quân đội và gia đình họ. Chúng tôi cám ơn những người bạn đáng thương này và dân chúng Hoa Kỳ đã bao dung những người một thời thất quốc, ly gia như chúng tôi. Nhưng nhìn lại quê nhà, niềm đau trong lòng loang lở mãi không thôi. Dân chúng Việt Nam vẫn nghèo và khổ sở quá. Đàn áp còn tàn bạo quá, nỗi lo sợ mất dần đất đai còn dai dẳng quá. Chúng tôi không hy vọng kẻ mù sẽ sáng mắt mà hy vọng những kẻ còn nhìn thấy chút ánh sáng không trở thành người mù... thế nhưng bốn mươi năm sau khi chiến tranh chấm dứt, có người còn nói đến chuyện bên thắng cuộc bên thua cuộc... Mù quáng hay đần độn?
Cả một dân tộc Việt Nam đã thua. Nhìn cho rõ, nhận cho rõ, để chiến thắng sau này.
Tuy nhiên người đần độn nhất vẫn là Kissinger. Ông ta đã làm cho Hoa Kỳ mất cả danh dự và niềm tự hào từ trước. “Hội chứng Việt Nam” vẫn chưa dứt hẳn vì bức tường tưởng niệm chiến sĩ hy sinh ở chiến trường Việt Nam vẫn còn giữa lòng Hoa Kỳ. Riêng chúng tôi, quân dân Miền Nam cũ, vẫn ngẩng cao đầu nhìn những kẻ ngu muội múa may quay cuồng với hy vọng một ngày chỉ cho họ biết rõ việc “dưỡng hổ di họa” và nhìn rõ, hiểu rõ hơn Trung Quốc là đại họa của nhân loại. Không biết ngày nay Kissinger đã sáng mắt nhìn thấy hay chưa....
Riêng ở Việt Nam, sau khi CSVN chiếm Sài Gòn, chiếm trọn cả miền Nam, hàng triệu người bị đưa vào nhà tù nhỏ. Toàn dân miền Nam bị đoạ đày trong nhà tù lớn, tài sản bị tước đoạt, tư tưởng bị hủy diệt. Hàng vài ba triệu người bỏ quê cha đất tổ vượt biển, vượt rừng, đi tìm tự do bất cứ ở phương trời nào; thà chết còn hơn sống với những người hút máu, rút cạn tủy xương của họ. CSVN đã bứng tận gốc rễ của nền tự do ở mảnh đất trù phú nhất Việt Nam này. Không ít văn nghệ sĩ trí thức Cộng sản khi vào đến miền Nam đã bừng con mắt dậy tưởng mình nằm mơ mà thấy thiên đường, vì từ lâu họ đã sống ở đáy địa ngục đỏ, dã man và tàn độc...
Con người cần hơi thở trong một chế độ chính trị dân chủ cởi mở, tự do và bình đẳng.
Tuy nhiên, một thể chế chính trị dân chủ, tự do... chưa đủ, cần có những nhà lãnh đạo đạo đức, nhân hậu, nhất là ở các cường quốc, nhân loại sẽ bớt khốn khổ.
Vĩnh Định Nguyễn văn Dưỡng
Bút danh Văn Nguyên Dưỡng
Cảng Trân Châu, Thu 2013,
Hiệu đính trung tuần tháng 11/2013
GHI CHÚ
1. NGUYỄN XUÂN THỌ, “Histoire de la Pénétration Francaise au Vietnam 1858-1897”; (Hawaii, 1993), Article “La Convention de Tien Stin; Le Traité de Patenote de 6 juin 1884; các trang 414 -430.
2. TOGO SHIGENORI, “The Cause of Japan” (New York: Simon and Schuster, 1956), trang 85.
-VAN NGUYEN DUONG, “The Tragedy of the Vietnam War” (North Carolina: McFarland Publishers Inc., 2008), trang 13.
3. R. ERNESTRE DUPUY & TREVOR DUPUY” The Harper Encyclopedia of Military, Fourth Edition, 1990; các trang 1232-1280.
4. Như tham chiếu cận trên.
5. R. ERNESTRE DUPUY & TREVOR DUPUY, sách đã dẫn; các trang 1280-1281.
6. Như tham chiếu cận trên
7. CLAIRE L. CHENNAULT, “Way Of A Fighter” (New York: Putnam’s Son, 1949), trang 115.
-VAN NGUYEN DUONG, sách đã dẫn; các trang 13-16.
8. Wikipedia, “Free French Forces”: http://en.wikipedia.org/wiki/Free_French_Forces; trang 8/13.
9. Tài liệu tham chiếu cận trên, cùng trang.
10. Wikipedia, the Free Encyclopedia, “Charles de Gaulle”, 10. Http://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Charles de Gaulle.; trang 13/38.
11. Tài liệu tham chiếu cận trên; trang 14/38.
12. Tài liệu tham chiếu cận trên; trang 13/38 “Truman nói về de Gaulle bằng một câu giản dị “I don’t like the son of a bitch.”
13. CHARLES DE GAULLE, “Memories de Guerre” (Paris: Librairie Plon, 1954); tr.165.
-VAN NGUYEN DUONG, sách đã dẫn, ghi bằng Anh ngữ tuyên bố đó; trang 16.
14. PHẠM CAO DƯƠNG, “Nhìn Lại Những Nỗ lực của Cựu Hoàng Đế Bảo Đại”,http://us.mc1645.mail.yahoo.com/mc/showMessage?pSize=25&sMi; trang 4/8.
15. CHARGES DE GAULLE, sách đã dẫn; các trang 249-250.
16. Xem “NGUYỄN VĂN THINH”, http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn Văn_Thinh.
17. Xem “Việt Nam Quốc Dân Đảng”, http://vi.wikipedia.org/wiki/Việt_Nam_Quốc_dân_đảng; trang 4/6.
18. Xem “GUERRE D’INDOCHINE”, http://fr.wikipedia.org/wiki/Guerre_d’Indochine; trang 5/14.
19. The Pentagone Papers: Senator Gravel Edition (Boston: Beacon Press, 1971), Volume 1, pp. 18-19.
-VAN NGUYEN DUONG, sách đã dẫn, trang 21.
20. Xem “Việt Minh”, http://vi.wikipedia.org/wiki/Việt_Nam_Độc_lập_Đồng_minh_Hội; các trang 5,6,7/10.
21. PHÙNG NGỌC SA “Võ Nguyên Giáp, Hung Thần CSVN”. Xem toàn bài.Http://www.tinparis.net/thoisu10/2010_03_20_VoNguyenGiapHungThanCSVN_PNS, -Xem “History of the NVA (PAVN)”, http://25thaviation.org/history/id554.htm, tr. 4/6.
22. NGUYỄN ĐỨC PHƯƠNG “Chiến tranh Việt Nam Toàn Tập” (Làng Văn, 2001); các trang 902-904.
23. VAN NGUYEN DUONG “Lessons From the Vietnam War”, Diễn đàn Việt Thức, 6/4/2013:http://www.vietthuc.org. Tài liệu này quan trọng.
24. “INDOCHINA WAR”, http://en.wikipedia.org/wiki/First_Indochina_War; trang 4/18.
- VAN NGUYEN DUONG, tài liệu dẫn cận trên; trang 7/27.
25. VAN NGUYEN DUONG, tài liệu dẫn trên, các trang 14-15/27. Web. DĐVT ghi trên.
26. QIANG ZHAI, “China and Vietnam Wars 1950-1975”, (The University of North Carolina Press, 2000); trang 23.
27. -QIANG ZHAI, sách đã dẫn, Chương I, Tiểu mục: “Chen Geng and The Border Campaign”; các trang 26-33.
-VAN NGUYEN DUONG, sách đã dẫn, các trang 24-25.
28. VAN NGUYEN DUONG, sách đã dẫn, các trang 25-26. Tác giả chỉ đọc được bản dịch Anh ngữ lời tuyên bố này của De Lattre de Tassigny trong “The Pentagon Papers”, Senator Gravel Edition (Boston; Beacon Press, 1971) các trang 53-75. Nội dung bản dịch: “Certainly people pretend that Vietnam cannot be independent because it is part of the French Union. Not true! In our universe, and especially in our world of today, there can be no nations absolutely independent. There are only fruitful interdependencies and harmful dependencies. Young men of Vietnam... The moment has come for you to protect your country.”
29. RONNIE I. FORD, “The Window of Opportunity,” Vietnam Magazine February 1995, trang 6. Ronnie ghi lại bản dịch Anh ngữ huấn thị của Mao Trạch Đông: “We must by all means seize South-East Asia, including Vietnam, Thailand, Burma, Malaysia, and Singapore... This region is rich in raw materials, it is worth the costs involved. After seizing South-East Asia, we can increase our strength in the region. And we shall be strong enough to confront the Soviet and East Europe bloc; the East wind will prevail over the West wind.”
30. QIANG ZHAI, sách đã dẫn, trang 44, nguyên tác: “By eliminating the enemy in the Lai Chau area, liberating the northern and central partsof Laos, and then expending the battle-ground to the southern part of Laos and Cambodia to threaten Saigon.”
31. QIANG ZHAI, trang 47.
32. VAN NGUYEN DUONG, sách đã dẫn, các trang 33-38.
33. HOÀNG VĂN CHÍ, “From Colonialism to Commmunism”, (New Delhi, India: Allied Pub., 1964), trang 13.
-VAN NGUYEN DUONG, xem chi tiết Chương IV, sách đã dẫn; các trang 45-56.
34. Stephen B. Young, “LBJ’s Strategy for Disengagement,” Vietnam Magazine, Feb. 1998, trang 21.
35. VAN NGUYEN DUONG, trang 59.
36. ROBERT L. HEWITT, “Limited War”, Vietnam Magazine June 1993, trang 61.
37. JOHN DELLINGER, “The War Makers”, Vietnam Magazine, April 1996, trang 37.
38. VAN NGUYEN DUONG, trang 96.
39. MICHAEL R. CONROY, ‘Trail along the Trail”, Vietnam Magazine October 1993, trang 27.
40. MICHAEL MACLEAR “The Ten-Thousand-Day War, (New York: NY, St. Martin Press, 1981), trang 75.
41. HARRY G. SUMMERS, Jr., “Snatching Victory from Defeat,” Vietnam Magazine, April 1999, trang 35.
42. GOOGLE, “Hành Quân Lam Sơn 719”, http://www.vnmc-tqlcvn.org/soibien/cs-lamson719-NKP.htm, trang 5/14.
43. -MICHAEL MACLEAR, trang 310.
-VAN NGUYEN DUONG, trang 169-171
44. GOOGLE: “Kissinger’s Strategy Decent Interval”, http://angrybearblog.com/2006/11/iraq-and-vietnam-kissinger-decent-interval-htm.
45. LARRY ENGELMANN, “Tear Before the Rain” (New York: Da Capo Press, 1999), trang 150.