Saturday, 18 April 2015

“Chuyển” trong tranh của hoạ sĩ Ann Phong và Nguyễn Việt Hùng - Trịnh Thanh Thủy

Nếu bạn là cư dân California, Hoa Kỳ và là người yêu hội hoạ, có lẽ bạn đã từng nghe, biết đến, hay đã đi xem triển lãm tranh của hai hoạ sĩ Việt Nam rất quen thuộc trong thế giới nghệ thuật tạo hình ở đây, “Ann Phong và Nguyễn Việt Hùng”. Nếu bạn chưa bao giờ có dịp tiếp xúc với những đứa con tinh thần của họ thì trong những giây phút nhàn rỗi nào đó bạn có thể dừng chân bước, thử đến phòng triển lãm, hay lên mạng xem tranh của họ.
Khi đã đứng trong phòng tranh, bạn hãy thả dòng tư tưởng vào rỗng lặng và để tâm lắng nghe. Bạn sẽ nghe được những tiếng động khe khẽ nhưng rất rõ của những bào thai của họ đã “Chuyển”, thành hình và rõ mặt rõ mày, được treo trên tường cho bạn thưởng ngoạn. Những đứa con sanh sau này mang tiếng nói, ý tưởng cũng như cảm xúc về những điều thay đổi đang diễn ra trong tâm thức họ, theo nhịp thời gian. Đó là những biến động tâm linh của họ được ghi lại trong các bức tranh được sáng tác gần đây qua 40 năm lưu lạc trên quê hương thứ hai.

Một cuối tuần tháng tư, năm 2015, phòng sinh hoạt nhật báo NV là nơi đến cho buổi triển lãm với nhan đề “Chuyển” của hai hoạ sĩ này. Họa sĩ Ann Phong đã giới thiệu 18 tác phẩm và họa sĩ Nguyễn Việt Hùng có 30 tác phẩm. Hầu hết những tác phẩm của NVHùng đều là tranh sơn dầu trên gỗ, trong khi chất liệu của Ann Phong là màu Acrylic trên gỗ.

Là một người yêu thích hội họa tôi nghe và biết tiếng hoạ sĩ Ann Phong rất sớm từ khi bà bắt đầu dạy về Mỹ Thuật ở Đại Học Cal Poly Pomona, California, Hoa Kỳ. Bà còn hoạt động thường xuyên và hiện nay là chủ tịch của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA).
Bà có tranh triển lãm ở nhiều nơi, phần lớn các đề tài là thuyền nhân. Tháng 8 năm 2004, tại một buổi đọc thơ và ra mắt sách song ngữ “X-X1: thuyền nhân khúc cho Ba – songs for a boat father", bà cũng triển lãm loạt tranh về kinh nghiệm thuyền nhân tại Viện Việt Học. Trong Cuộc Triển Lãm Hội Họa ‘Tandem Solo’ vào tháng Mười, 2011 bà đã triển lãm chung với hoạ sĩ Nguyễn Việt Hùng tại phòng sinh hoạt Nhật báo NV. Vào ngày 5 tháng Chạp, 2013 đến 31 tháng Giêng, 2014, Thành phố Anaheim đã thực hiện cuộc triển lãm Value(n)ation với hoạ sĩ Ann Phong tại Downtown Anaheim Gallery. Chúng ta có thể xem một phần các tác phẩm của bà trên trang mạng Da Màu.

Từ thưở xa xưa, thuyền và biển luôn là những đề tài mở cho các văn, thi, hoạ, nhạc sĩ, và là những chân trời rộng thênh thang cho họ tả, viết, vẽ. Riêng đối với Ann Phong, biển và thuyền lại là nỗi ám ảnh, đeo đuổi bám riết mọc rễ trong tim bà, đằng đẵng trong bao nhiêu năm dài lưu xứ. Biển lúc nào cũng hiện diện, bàng bạc vỗ, khi rì rầm, lúc ba đào giật xoáy, xuyên suốt trong gần 40 tác phẩm của bà. Trong các bức tranh mới vẽ gần đây, sóng biển trong lòng bà đã dịu xuống nhưng vẫn còn tiếp tục sủi bọt cho một khuynh hướng tích cực mới. Bà đề cao sự bền bỉ dẻo dai và sức phấn đấu kiên cường của người phụ nữ trong những cơn phong ba bão táp đời, phủ chụp lên thân phận họ.
 
pic 1 Mat doi mat
Bức Mặt Đối Mặt, Acrylic trên gỗ(The Encounter, Arcylic on panel 24”x36”, 2015) là một ví dụ.

Khi nhìn trực diện vào tranh, bạn thấy rõ tổng thể là một ngọn sóng bạc đầu nổi bật, trông giống một phần của cánh hoa. Chính giữa biển sóng mở ra một hẻm tối màu đen, trong đó có một con thuyền độc nhất chơ vơ. Con thuyền tí hon bằng nhựa này được sơn và gắn vào tranh như tác giả thường làm trong các bức khác của bà theo lối “Tranh sắp đặt”(Installation). Con hẻm này được cắt và bào lõm vào mặt gỗ tạo cho tranh có một chiều sâu của 3D. Đứng gần hơn, bạn sẽ thấy được đầu của ngọn sóng như đầu một cánh hoa là những bệt màu rất dày. Màu trắng lúc dày lúc mỏng tạo cho con sóng bạc đầu một sức mạnh dữ dội nổi bật trên các gam màu xanh ngọc, xanh dương, đen và nâu nhạt. Khi đặt chính mình vào tranh bạn sẽ thấy được nỗi cô đơn khôn tả của con thuyền nan bé nhỏ giữa cơn sóng lớn bạc đầu. Nếu bạn là một thuyền nhân, hơn ai hết, bạn thấm thía cái cảnh vượt biển Đông này.

Ann Phong tâm sự, bà vẽ tranh theo cảm xúc, ý tưởng từ não phải đi qua tim rồi mới xuống tới cây cọ. Trong thân phận một người phụ nữ, tôi đồng cảm với tác giả khi bà so sánh mình với con thuyền và sóng biển chính là cuộc đời. Có bao nhiêu người phụ nữ từ xưa đến nay phải lèo lái con thuyền mỏng manh đời mình trong cơn bão tố đời đen tối. Chỉ một phút lơ đễnh tay chèo, con thuyền sẽ đắm. Chỉ một giây bất hạnh cũng đưa số phận mình về một nẻo chông chênh bi thảm nào đó không hay. Tuy nhiên, con thuyền giữa sóng lại tượng trưng cho sự tự do thênh thang của một người phụ nữ độc thân, tự lập.

Tôi thấy màu xanh lá cây có nhiều hơn cả so với màu xanh dương trong con sóng. Tôi hỏi bà về điều này. Bà nói, bà dùng n ó với một chủ ý riêng, vì màu ấy theo Phương Đông là màu xanh ngọc, màu tượng trưng cho sự dịu dàng thanh khiết của người phụ nữ. Ấy cũng chính là ẩn dụ về chiều sâu nội tâm người phụ nữ, của bức tranh. Màu đen của con hẻm sóng tượng trưng cho cuộc đời thô nhám nhiều thử thách. Bà vẽ từ sau lên trước tức là bà phủ nền trước khi vẽ, rồi vẽ chồng lên, nên tranh bà có nhiều lớp, có đậm có lạt, có dày có mỏng, có to có nhỏ. Acrylic đã cho phép bà chồng chất màu, có khi hai ba chục lớp trên một bức tranh mà sơn dầu không làm được điều này. Do đó chúng ta có thể thấy trong màu xanh có màu cam trong màu đen có màu đỏ v..v..

Nói đến âm thanh của tranh là nói đến một chiều khác trong tranh. Bà đã dùng màu đậm và đường cong của nét cọ tạo nên những tiếng động. Tôi thấy những màu sắc đậm lợt, nét vẽ lên xuống cao, thấp đã tạo nên nhịp điệu của con sóng trong tranh. Tùy theo sự cảm nhận của người nhìn, bạn có thể nghe được âm thanh của nhịp sóng vỗ nhỏ,lớn, lâu, mau, theo độ dày, mỏng, đậm, lợt của cách sử dụng màu sắc trong nghệ thuật thị giác. Tôi nghe được âm thanh của biển khơi, của con sóng bạc đầu như gầm, như thét, như nhận chìm con thuyền hay chính là thân phận của người phụ nữ vậy.

Nói tóm lại, theo tôi, bức “Mặt Đối Mặt”, có màu sắc tương phản, kích thích được sức tưởng tượng. Về khía cạnh tri thức, có tính tích cực và đề cao sức mạnh tinh thần của người phụ nữ cũng như diễn đạt được thế giới nội tâm của con người.
 
pic2Cuocditan
Bức Cuộc di tản, Acrylic trên gỗ(The Journey, Arcrylic on panel 40”x55”, 2014)

Toàn thể bức tranh là hình ảnh một mảnh vỡ của con tàu trong cơn sóng dữ trùng dương. Màu chính được dùng là xám, và những nâu, đen, chàm, lam, xanh ngọc, xen lẫn. Trong lối sử dụng màu nhẹ và mềm bà đã diễn tả được những cảm xúc buồn thảm và chính sự tan vỡ của con thuyền đã mời gọi người xem đến gần. Khi vào cận điểm, người xem sẽ thấy một ô vuông rất nhỏ tít trên cao, góc phải bức tranh. Trong khung vuông đen đó, nổi bật lô nhô bóng trắng những con người bé tí xíu.

Bà đã khéo léo dùng loại bố cục “Juxtaposition” để gây ấn tượng mạnh cho khách thưởng ngoạn. Đây là một loại bố cục có chủ ý đặt hai cái tương phản cạnh nhau như cái lớn đi với cái nhỏ, đậm đi với nhạt, cái không quan trọng đi với cái quan trọng hầu làm nổi bật điều mình muốn diễn tả. Chúng ta thấy được số phận nhỏ bé và mong manh của những thuyền nhân như con ong cái kiến trong lỗ đen tò vò đang tuyệt vọng giữa biển Đông, trùng trùng bão táp. Ngoài ra, nếu nghĩ sâu hơn, trong nghĩa bóng, biển khơi là một nước, chúng ta có thể ví người Việt mình ở trong nước, hiện tại là thân cái kiến không có tiếng nói, không có tự do ngôn luận, như trong khung tò vò của ngục tù giam hãm.

Là một hoạ sĩ thuyền nhân, bà thổ lộ ước nguyện vẽ về thuyền nhân của bà như một hành động trả ơn những món nợ bà đã vay của những người vượt biển đã chết trên biển Đông. Họ đã chết âm thầm, không biết con số là bao nhiêu, để đánh thức lương tâm nhân loại. Cái chết của họ gây tiếng vang cho thế giới nên đã có những con tàu đi tìm người vượt biển để cứu sống thuyền nhân trong đó có bà.

Theo tôi, trong bức “Cuộc di tản” này Ann Phong đã thành công trong việc miêu tả những chuyến vượt biên đi tìm con đường sống trong cõi chết của người di tản. Bố cục của bức tranh gây ấn tượng mạnh. Tính nhân bản là giá trị tinh thần của bức tranh. Nội dung bức tranh truyền đạt một sức sống tinh thần mãnh liệt của những người không màng cái chết bỏ nước ra đi chỉ vì tìm kiếm tự do.

Tôi được biết đến hoạ sĩ Nguyễn Việt Hùng từ lâu, khi tôi đến sinh hoạt cùng hội VAALA. Tôi thường gặp ông ở đó, nhưng đây là lần đầu tôi được xem những bức tranh mới của ông. Ngoài những sinh hoạt thường có với hội Văn Hoá Nghệ Thuật Việt Mỹ, tranh của Nguyễn Việt Hùng đã nhập vào dòng chính của nghệ thuật thị giác Hoa Kỳ. Ông có tranh được tuyển chọn vào cuộc triển lãm hàng năm tại Palos Verdes Art center. Trong loạt tranh “Coastal Sensation” (Cảm Tính Ven Biển), bức “Cảm Tính Ven Biển #35” của Ông đã được tuyển chọn triển lãm tại phi trường quốc tế LAX vào tháng Tư năm 2012. Bức Cô Dâu/Cảm Tính Ven Biển số 44 của ông cũng được chọn tham gia cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình quốc tế lần thứ 52 do San Diego Art Institute tổ chức năm 2013, và được thắng giải “Tác Phẩm Tuyển Chọn từ Giám Tuyển” (Jurors Choice Award). Năm 2014, ông cũng có một cuộc triển lãm cá nhân, kéo dài nhiều tuần, tại phòng triển lãm thường trực Launch Gallery ở West Los Angeles. Bạn có thể tìm hiểu thêm về tranh của ông trên Da Màu.

Là một cư dân của phố biển, thiên nhiên, cây cỏ và biển khơi đã gây cảm xúc mạnh mẽ cho ông. Ông vẽ rừng, biển, sóng, cây, sỏi, đá, người, trong một phong cách rất riêng. Xem tranh ông, tôi nhận thấy một điều ông luôn xem làm trọng đó là “sự hài hoà, tương hợp” (harmony). Ông đặt màu sắc Á vào Âu. Tranh ông ảnh hưởng các lối vẽ khác nhau bao gồm, loại tranh khắc gỗ Nhật Bản truyền thống, nghệ thuật kính ghép màu Âu Châu truyền thống, gốm sứ, chạm khảm và cả thủy mạc Á Đông. Ông không chọn một trường phái nào nhất định, ông pha trộn Siêu Thực, Ấn Tượng, Biểu Hiện, Trừu Tượng… thành hàng loạt tranh mà chúng ta có thể gọi là đương đại. Ông có thói quen vẽ tranh thành từng đợt cùng chủ đề và được đánh số. Tỷ như loạt tranh: Cổ Tùng, Cảm Tính Ven Biển (Coastal Sensation), Vòng Đời Nghiệt Ngã, (Cruelly Go Round),Tâm Cảnh (Mindscape), Linh Cảnh (Sacred Landscape) ….

Là một người tị nạn ông mang theo mình những quá khứ về biển không thể quên. Là một sinh viên ngành Sinh Vật học, kiến thức về cơ thể con người vẫn còn tàng ẩn trong tiềm thức ông, không thể bỏ. Nếu nghiên cứu kỹ tranh của ông, bạn sẽ nhận ra đâu đó những quá khứ về đất nước Việt Nam được trải bày cùng những đường nét, hình ảnh từa tựa cơ quan sinh học trong cơ thể một con người. Thêm nữa vì sống trong một đất nước an lành, chuộng hoà bình, yêu tự do, như Hoa Kỳ, cảm giác hạnh phúc, tươi trẻ tuôn chảy tràn trề lên nét cọ, khiến tranh ông xuất hiện nhiều màu tươi hơn là tối.

Chúng ta thử đi sâu vào một vài tác phẩm mới của ông xem ý tưởng “Chuyển” của ông tác động vào tranh như thế nào.
 
pic3Tamcanh
Bức Tâm Cảnh #47, Sơn dầu trên gỗ(Mindscape, Oil on panel, 24” x 30”)

Bố cục của bức Tâm Cảnh của ông được vẽ theo phương pháp cận ảnh khiến người xem có cảm giác đang đối diện với những vật thể to lớn khác thường. Những hình ảnh bắt được từ thị giác trông như phong cảnh của núi, vực thẳm, vịnh, hang động, hay biển khơi. Khi đặt mình vào tranh bạn có thể thấy được cảnh những bờ vực cao và sâu với những vệt màu nâu dày được cắt, chạm bằng dao, tạo độ nổi cho vách núi. Biển hình chóp xanh lơ với những bệt màu dày(lối vẽ Van Gogh thường dùng) . Rải rác đây đó là cây xanh và xương rồng đang độ đơm hoa. Đá nhỏ lô nhô dăm ba hòn. Bên trên cùng, trông như vòm một thạch động, với những nhũ thạch màu xanh nước biển. Giữa bầu trời đêm đầy sao là một mặt trăng tròn vằng vặc trông như Blue Moon. Tôi thấy Tâm Cảnh của ông rất kỳ dị, bạn có thấy điều này không? Nếu thời gian là đêm thì những màu tươi của biển và cảnh vật lại không thể sáng rõ màu như vậy. Ngược lại nếu bức tranh diễn tả ban ngày, chúng ta không thể có trong vòm thạch động một bầu trời đêm đầy sao và trăng lấp lánh. Bức tranh đã tạo sự tương tác giữa người xem và tác giả, nghĩa là nó bắt bạn phải suy nghĩ và phân tích. Nó cũng kích thích trí tưởng tượng của người xem đi rất xa. Nếu bạn là người quen thuộc với cơ thể học bạn có thể hình dung đây là một lớp biểu bì(da) với những sợi lông màu xanh (thạch nhũ). Đây đó là đầu những tuyến mồ hôi (cây xanh), tuyến thần kinh, xen lẫn những lớp mỡ, lớp dẻo collagen, lớp xơ fibroblasts. Và tầng tầng những lớp tế bào chen nhau tựa các lớp đất đá xanh nâu trên đầu hang động.

Tôi đem những thắc mắc về màu sắc cũng như thời gian, hỏi và được ông trả lời.

Trong bức này tôi muốn thể hiện hai dòng chảy Âu và Á trong tâm hồn tôi, cũng là tâm hồn của người Việt tha hương. Khi chúng ta nghĩ về quê hương thì tâm cảnh có sự tương phản giữa ngày và đêm. Bên này bờ California đầy nắng đẹp và nơi tôi đứng là ban ngày, nên tôi dùng những màu tươi. Trong khi bên kia bờ là quê hương Việt Nam là đêm, nên bầu trời có đầy sao và trăng. Tôi nghĩ màu sắc tươi sáng tạo được niềm vui và sự lạc quan, còn màu trầm tối đem lại cái cảm giác day dứt và cũng rất đậm chất lãng mạn.”

Tôi thấy được sự hoà điệu của thiên nhiên và (cơ thể) con người giao nhau trong tranh như một bản nhạc giao hưởng. Trạng thái phức tạp của tâm trong bức “Tâm Cảnh” đã được diễn tả một cách khéo léo như nhịp đàn của những nốt cao, thấp, vui, buồn, luyến láy, bất thường. Chính vẻ khác thường này miêu tả được cõi tâm thức của con người là một thế giới muôn hình vạn trạng, mâu thuẫn, phức tạp, biến hoá khôn lường.
 
pic4Cotung
Bức Cổ Tùng #1, Sơn dầu trên gỗ(Ancient Pine, Oil on panel, 24" x 30") 

Bức này là một trong hàng loạt tranh ông vẽ về cổ tùng. Cổ tùng có tên khoa học Pinus longaeva, tên thông dụng là Ancient Bristlecone pine thuộc họ nhà thông(pine). Ở California, chúng mọc phần lớn ở miền Ðông Bắc, nơi có khí hậu lạnh, khô hạn, nhiều gió, nên chúng tăng trưởng rất chậm. Những gốc cổ nhất có thể lên đến hơn 5000 năm tuổi. Trái tùng (pinecone) có màu tím nhạt, khi rụng xuống đất nó có màu nâu sậm hơn.

Ông đã quan sát và theo dõi chúng từ 12 năm nay. Ông ngưỡng mộ sức chịu đựng bền bỉ của cổ tùng. Trong một môi trường đất đá sa mạc thiếu chất dinh dưỡng, mùa đông khí hậu khắc nghiệt có gió và bão tuyết, chúng vẫn sống được và rất đẹp. Những đường cong uốn lượn theo chiều gió của cổ tùng tạo những nét đẹp rất nghệ thuật, khiến ông liên tưởng đến cuộc đời của người nghệ sĩ. Đó cũng chính là một thông điệp cho đời sống của người nghệ sĩ. Tiếng Anh gọi là “no pain, no gain”. Không có gian khổ, không có thử thách, khó có một tuyệt tác ra đời. Cũng giống người nghệ sĩ, tuy cổ tùng mọc trong cùng một khu rừng nhưng không có cây nào sống gần cây nào, mỗi cây có một vị trí riêng biệt, một không gian riêng. Chúng thích ứng với môi trường và hay mọc nhánh, nhưng nếu một nhánh chết đi, nhánh còn lại vẫn sống và tồn tại. Ch úng như người nghệ sĩ đôi lúc có nhiều nhân cách mâu thuẫn trong một con người, nhưng vẫn sống hài hoà và không làm phiền người khác.
Khi nhìn tranh, người xem thấy được một cây cổ tùng, thân chia làm 2 nhánh, có lá tươi xanh với những điểm nhỏ li ti màu tím giống như hoa. Điểm đặc biệt là thân tùng to, rắn chắc nổi bật với những rễ cái chạy dài trên mặt đất đá. Màu vàng của vỏ cây nổi bật trên màu nâu xám và đỏ của thớ gỗ do kỹ thuật đắp màu dày và chạm khắc trên gỗ. Trên cao là bầu trời xanh, xa xa là những rặng núi trông tựa đồi cát màu trắng. Trong khi lớp đất đá có những màu xám đậm, nhạt. Ông không sử dụng đường chân trời và nguyên tắc viễn cận(perspective) của nghệ thuật vẽ phong cảnh truyền thống . Ông vẽ theo sự quan sát riêng của mình và đôi khi vượt ra khỏi quy luật để tạo đường nét riêng. Kỹ thuật dụng màu của ông chủ ý làm nổi bật vật thể chính là thân tùng. Nhìn vẻ rắn chắc, vững chãi của Cổ Tùng, tôi liên tưởng tới tấm lòng ngay thẳng của người quân tử và cây thông của Nguyễn Công Trứ. Hai câu thơ “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo” có thể gán cho bức cổ tùng này một thông điệp khác vì tùng và thông cùng là anh em.

Như chúng ta đã thấy Ann Phong và Nguyễn Việt Hùng là hai hoạ sĩ có một quá trình cầm cọ rất lâu. Cả hai đều tạo cho mình một đường hướng và phong cách riêng biệt. Nhưng sự thay đổi trong lối dùng màu sắc hay cách vẽ của họ sẽ đưa họ vào một cuộc phiêu lưu nội tâm khác, mở ra những suy nghĩ cho những sáng tạo mới. Tôi xin chúc cho cả hai thành công trên con đường khai phá và làm mới các đứa con tinh thần trong nghệ thuật tạo hình của mình.

Trịnh Thanh Thủy