Thursday, 9 April 2015

Mỹ phô trương uy lực chống Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông - Trọng Nghĩa

media

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani tiếp đón đồng nhiệm Mỹ Ashton Carter tại Tokyo, 08/04/2015 - Reuters
Khuyến cáo của các Thượng nghị sĩ Mỹ mới đây - yêu cầu phải có hành động cụ thể và thái độ kiên quyết hơn chống lại hành động thay đổi hiện trạng Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành – như đã được Washington lắng nghe. Dấu hiệu rõ rệt nhất và mới nhất là lời phản đối không chút mập mờ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vào hôm nay 08/04/2015 tại Tokyo, đã không ngần ngại lớn tiếng đả kích hành động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Nhân ngày đầu tiên trong chuyến công du châu Á, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đưa ra một lời cảnh cáo cứng rắn nhắm vào các hoạt động nhằm « quân sự hóa » các tranh chấp biển đảo.
Tín hiệu cảnh cáo này nhắm vào Trung Quốc vốn đang cấp tốc tiến hành công việc bồi đắp 6 rạn san hô tại Trường Sa thành đảo nhân tạo, xây dựng trên đó đủ loại cơ sở có khả năng được dùng vào mục tiêu quân sự. Giới chuyên gia quốc phòng thẩm định là các đảo nhân tạo đó có thể tạo thành một chuỗi pháo đài cho phép Bắc Kinh khống chế hầu như toàn bộ Biển Đông.
Chống dùng võ lực thay đổi hiện trạng, chống quân sự hóa tranh chấp chủ quyền
Phát biểu với giới báo chí sau buổi hội đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Gen Nakatani, ông Ashton Carter đã xác định rằng ưu tiên của nước Mỹ là duy trì ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đảm bảo được hai điểm : Một là không một thay đổi hiện trạng nào được thực hiện bằng võ lực, và hai là các tranh chấp lãnh thổ, vốn đã có từ lâu, sẽ không bị quân sự hóa.
Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington thường tránh không đứng về bên nào các vấn đề chủ quyền, nhưng hiện đang rất quan ngại trước các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông. Ông Carter tuyên bố nguyên văn như sau : « Tuy không có lập trường về bất kỳ cuộc tranh chấp lãnh thổ nào (ở Biển Đông), chúng tôi có một lập trường mạnh mẽ chống lại việc quân sự hóa những tranh chấp đó ».
Trước đó, trong một bài phỏng vấn dành cho tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun, ông Carter đã chỉ trích đích danh Trung Quốc khi cho biết là Hoa Kỳ rất lo ngại trước quy mô và tốc độ của các hoạt động bồi đắp đảo đá của Trung Quốc, những hành động trái ngược với các cam kết của Trung Quốc với các nước ASEAN.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh : « Chúng tôi đặc biệt quan ngại trước khả năng quân sự hóa các tiền đồn. Đó là những hoạt động làm gia tăng căng thẳng một cách nghiêm trọng và làm giảm đi triển vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao ».
Đưa chiến hạm tối tân nhất đến "giao lưu" hải quân với Việt Nam
Tuyên bố cứng rắn của nhân vật lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ như đã được kèm theo bằng nhiều hoạt động cụ thể của lực lượng Mỹ trong vùng châu Á Thái Bình Dương, mà mới nhất là hai cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp với hai nước bị Trung Quốc chèn ép nhiều nhất trong vấn đề Biển Đông là Philippines và Việt Nam.
Tại Việt Nam, kể từ ngày 06/04 vừa qua, nhiều đơn vị Mỹ với 2 chiến hạm đã bắt tham gia 5 ngày thao diễn hải quân thường niên ngoài khơi Đà Nẵng. Bên cạnh khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald, lần này, Hải quân Mỹ đã cử chiến hạm tối tân nhất của mình là tàu chiến cận duyên USS Fort Worth đến tham dự.
Còn tại Philippines, dụng ý phô trương uy lực cũng rất rõ với cuộc tập trận chung Balikatan sắp được mở ra (20-30/04/2015). Năm nay, Hoa Kỳ cử hơn 6.500 lính tham gia tập trận, tăng gấp đôi số lính điều động so với năm ngoái.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo vào hôm nay, theo đó phải chăng việc Mỹ tăng cường quy mộ cuộc tập trận Balikatan là nhằm đáp trả hành động của Trung Quốc đẩy mạnh cải tạo đất tại Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã không úp mở. Theo ông Ashton Carter, Washington và Manila chia sẻ nhiều lợi ích chung tại Biển Đông, trong đó có việc bảo đảm sao cho không xẩy ra tình trạng dùng võ lực thay đổi nguyên trạng, hay quân sự hóa tranh chấp chủ quyền.