Sunday, 10 May 2015

Lời Thú Tội của Lê Văn Tâm nguyên Chủ Tịch Tổ Chức Beheito tại Nhật

Lê Văn Tâm: 40 năm nhìn lại

(Chiều 30/4/2015 tại Nhật Bản có một buổi mít tinh của những người (không thuộc hệ đảng Cộng sản Nhật Bản) đã từng ủng hộ Việt Nam. Có khoảng 142 người tham dự. Sau phần chiếu video "Không được giết người", có 4 người phát biểu ý kiến nói lên những suy nghĩ về ngày đáng ghi nhớ 30/4/1975. Thứ tự các phát biểu như sau: Lê Văn Tâm, nguyên chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản / Wada Haruki, nhà sử học, giáo sư danh dự đại học Tokyo. / Takahashi Taketomo, chủ tịch Hội Wadatsumi / Bà Ito Masako, trợ giáo sư đại học Kyoto). Sau đây là bản dịch bài phát biểu của ông Lê Văn Tâm:

Thưa các bạn,


Hôm nay, 30 tháng 4, từ ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, 40 năm đã trôi qua.
Từ nhiều năm trước năm 1975, nhiều người Nhật Bản yêu hòa bình và công lý đã dưới nhiều hình thức, chống đối cuộc chiến tranh tàn khốc và bi thảm nầy. Thôn làng, nhà dân bị ném bom bừa bãi, không chỉ binh lính, bộ đội mà rất nhiều dân thường cũng bị giết hại. Những hình ảnh ấy được đưa lên màn truyền hình, báo chí, làm dao động lương tâm của nhiều người Nhật. Những cuộc biểu tình chống chiến tranh, đòi hòa bình cho Việt Nam được thực hiện, ít thì năm bảy người, vài chục người, đông thì hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người. Những người của Hội thị dân vùng Ozumi do giáo sư Wada Haruki khởi xướng đã tổ chức nhiều buổi phát thanh bên cạnh hàng rào kẽm gai căn cứ quân sự Mỹ, kêu gọi họ đừng trở lại chiến trường Việt Nam. Hội biểu tình cầm lồng đèn đã nhiều năm liền đi biểu tình định kỳ vì Việt Nam. “Liên hiệp thị dân vì hòa bình Việt Nam” (Beheiren) do cố nhà văn Oda Makoto, các ký giả, giáo sư đại học, giáo viên trung học, sinh viên khởi xướng đã có nhiều hoạt động dưới nhiều hình thức : biểu tình, mít tinh, văn học, kể cả hoạt động chi viện cho các lính Mỹ phản chiến đã đào ngũ… Ông Kaneko Tokuyoshi, mang khẩu hiện chống chiến tranh trên ngực từ nhà đến sở làm suốt 8 năm trời. Những người của Hội chận xe tăng vùng Sagamihara đã biểu tình chận những chiếc xe tăng bị hỏng và được sửa chữa tại Nhật, không cho chở đi Việt Nam. Rồi hình ảnh ông Yui Chunosuke tự thiêu để đòi hòa bình cho Việt Nam. Ở rất nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản, các hoạt động chống chiến tranh dưới nhiều dạng thức đã thành cơn lốc dư luận, hòa đồng với dư luận thế giới, ảnh hưởng tới quá trình chấm dứt cuộc chiến.


Những hoạt động trên là thiện nguyện, vô tư và đầy cảm động. Mỗi lần nhớ lại, lòng tôi tràn đầy xúc động. Với tư cách một người Việt Nam, tôi lại xin gởi đến các bạn lời cảm ơn. Những người tham gia các hoạt động nầy đã sử dụng nhiều thời gian quí báu, tài sản của mình, có trường hợp bị phiền hà ở sở làm, ảnh hưởng xấu đến công việc làm ăn, có trường hợp bản thân bị những thương tích thể xác và tinh thần. Tôi nghĩ là những người đã từng tham gia các hoạt động vì hòa bình cho Việt Nam đều mong muốn thấy một Việt Nam tốt đẹp, ở đó người Việt Nam được sống trong hòa bình, nhân quyền được tôn trọng, có cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú.


Nhưng 40 năm đã trôi qua, thực tế không được như vậy.
Với tư cách một cá nhân người Việt Nam, tôi thấy mình rất có lỗi.


Về Beheito

Giáo sư Wada có nhờ tôi nói về Hội của chúng tôi mà lúc đó chúng tôi đặt tên là “Tổ chức người Việt Nam tranh đấu cho hòa bình và thống nhất đất nước”, gọi tắt là Beheito.


Hiện nay, người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài rất bức xúc về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, có khuynh hướng gác lại quá khứ để cùng giải quyết những vấn đề nan giải của Tổ Quốc. Do đó hôm nay, tôi chỉ nói sơ qua hoạt động của Beheito những năm trước năm 1975.


Thuở ấy, chúng tôi là những sinh viên từ miền Nam Việt Nam ở lứa tuổi trên hay dưới hai mươi, theo học tại các trường đại học Nhật Bản. Lúc ấy, Nhật Bản chỉ có quan hệ ngoại giao với Nam Việt Nam, nên hộ chiếu của chúng tôi lúc ấy là do chính quyền miền Nam cấp. Trước cuộc chiến tàn bạo mà đồng bào trong nước bị bom đạn, vũ khí nước ngoài giết hại, chúng tôi tự vấn lương tâm mình, tự hỏi mình có thể làm được gì. Chúng tôi tìm sách và tài liệu về chiến tranh Việt Nam, lặng lẽ cùng đọc và học tập, tránh cặp mắt theo dõi của nhân viên Sứ quán miền Nam Việt Nam.


Nhìn hình ảnh các thôn làng bị ném bom, nhà cửa bị đốt phá, con người bị giết hại một cách dã man, ảnh bà cụ già, quì và xá lính Mỹ xin tha mạng trên màn hình và báo chí Nhật Bản, chúng tôi không còn chịu đựng nổi. Chúng tôi quyết định hành động. Chiều ngày 9 tháng 6 năm 1969, khoảng 40 chục anh em chúng tôi tiến vào từ cổng chính vào Đại sứ quán chính quyền miền Nam, chiếm khuôn viên, tổ chức mít tinh suốt đêm đòi hòa bình, đòi quân Mỹ và các quân nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Và chúng tôi hủy bỏ hộ chiếu do chính quyền miền Nam cấp. Sau đó, chúng tôi kết nối với nhau thành “Tổ chức người Việt Nam tranh đấu cho hòa bình và thống nhất đất nước” (Beheito).


Có khi chúng tôi đã tự tổ chức các cuộc biểu tình với những người bạn chi viện chúng tôi theo lộ trình qua trước Đại sứ quán Mỹ hay các lộ trình khác. Có khi chúng tôi tham gia các hoạt động phản chiến do người Nhật tổ chức. Chúng tôi tham gia các buổi phát thanh phản chiến nhắm vào căn cứ quân sự Mỹ. Chúng tôi tham gia nhiều cuộc biểu tình của người Nhật, tự nhận là thay mặt đồng bào trong nước, phát biểu trước mọi người, kêu gọi người Nhật ủng hộ Việt Nam, đọc các tuyên bố đòi hòa bình. Chúng tôi cũng đã tham gia các cuộc biểu tình chận xe tăng Mỹ không cho đi Việt Nam. Để kêu gọi chấm dứt chiến tranh, chúng tôi đã ra báo bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. Chính quyền Sài Gòn đã mở tòa án xử vắng mặt ba người có tính chất đại diện của chúng tôi, tuyên án 6 năm cấm cố, 20 năm mất quyền công dân. Lúc ấy, chính quyền Nhật Bản ủng hộ chính sách chiến tranh của Mỹ, đã coi chúng tôi là những người nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Cứ ba tháng một lần chúng tôi phải đi trình diện ở Sở Nhập Quốc thuộc Bộ Tư pháp Nhật. Trong anh em chúng tôi, những người đã nhận học bổng từ Bộ Giáo dục Nhật Bản liền bị cắt học bổng. Chúng tôi phải vừa đi học, đi hoạt động chống chiến tranh, vừa đi làm để kiếm sống. Rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến. Và gần một năm sau, chúng tôi chính thức giải tán Beiheito, trở lại đời thường của sinh viên du học.


Những năm sau 30 tháng 4 năm 1975


Có thể khái quát tình hình một số năm đầu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 như sau: Những tàn phá của chiến tranh, chính sách cấm vận, phong tỏa của Mỹ cùng với những sai lầm về chính sách kinh tế của chính quyền Việt Nam đã gây ra thảm cảnh nhân dân phải chịu đựng đời sống khổ sở cùng cực.


Rồi bọn Pol Pôt nhận sự chi viện và chỉ thị của Trung Quốc đã tấn công vào phía Tây Nam; tháng 2 năm 1979, bọn bá quyền Đặng Tiểu Bình trịch thượng tuyên bố trừng phạt Việt Nam, cho 600.000 quân tràn sang 6 tỉnh biên giới, giết hại và làm bị thương khoảng 60.000 người kể cả nhiều thường dân. Chúng đã dùng búa đập chém người già, trẻ em, hãm hiếp phụ nữ, gây ra những tội ác khủng khiếp. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn, quân đội và dân quân Việt Nam đã đánh bại và đuổi được bọn xâm lược ra khỏi Việt Nam.


Cho đến hiện tại


Sau cuộc chiến với Mỹ và Trung Quốc, điều mong muốn thiết tha của người dân Việt Nam là:


1. Có một cuộc sống trong môi trường hòa bình.


2. Các nhân quyền cơ bản như quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, tự do hội họp, lập hội… được tôn trọng.


3. Có một đời sống dân chủ: các cơ quan nhà nước được chọn qua các cuộc bầu cử tự do.


4. Có một quốc gia pháp trị, tam quyền phân lập.


5. Có một nền kinh tế thị trường: mọi thành phần kinh tế bình đẳng.


Những mong muốn trên không có gì mới và đã được thực thi ở nhiều nước trên thế giới. Người Việt Nam chỉ muốn hòa vào dòng chính của thời đại. Nhưng bây giờ, 40 năm sau chiến tranh, người dân Việt Nam vẫn chưa có được các điều cơ bản trên!


Năm 1966, lúc còn chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Câu nói ấy thể hiện đúng nguyện của người dân Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có được nửa vế đầu của câu nói của Hồ Chí Minh. Đã có được độc lập rồi, nhưng tự do thì chưa. Hơn nữa, một phần lãnh thổ gồm cả các đảo trên Biển Đông vẫn còn bị Trung Quốc chiếm đóng, cho nên có thể nói là nền độc lập cũng chưa trọn vẹn.


Đời sống của người dân


Do thực hiện chính sách đổi mới từ những năm 1990, cuộc sống của người dân có khá ra so với trước, nhưng so với những nước chung quanh trong ASEAN thôi, cũng còn một khoảng cách lớn. Đời sống tinh thần của người dân còn đáng buồn hơn.
Phê bình nhà nước, cán bộ, có khi ngược lại bị qui chụp là làm tổn thương danh dự của cơ quan nhà nước, cá nhân, và có thể bị cho đi tù. Đó là ảnh hưởng không lành mạnh của một nền chính trị độc đảng. Không có tự do ngôn luận. Các báo đài có thể đăng tải tự do các vấn đề liên quan đến giải trí, tai nạn giao thông, thời trang…. Nhưng các bài có nội dung phê phán liên quan đến chính trị thì liền bị kiểm duyệt.

Hai nguy cơ


Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với hai nguy cơ lớn:


1. Nạn tham nhũng tràn lan.


2. Bị Trung Quốc xâm thực, xâm lược.


Ở đây, tôi chỉ nói về nguy cơ bị Trung Quốc xâm thực, xâm lược. Tháng 7 năm 2014, 61 đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng sản Việt Nam đã gởi kiến nghị đến Ban chấp hành trung ương của đảng. 61 người nầy gồm cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc 99 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, cựu chiến binh… – là những công dân ưu tú. Những người nầy đã yêu cầu đảng Cộng sản từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội sai lầm, trở về con đường dân tộc dân chủ một cách ôn hòa. Họ cũng yêu cầu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tội chiếm biển đảo của Việt Nam, coi Biển Đông như ao nhà của chúng.


40 năm đã trôi qua, ở thời điểm hiện nay, tình hình thế giới và tình hình Việt Nam có những thay đổi lớn: sự xuất hiện của cường quốc Trung Quốc, mâu thuẩn Ukraina, sự xuất hiện của IS... Trong bối cảnh ấy, người Việt Nam đang xem lại cuộc chiến tranh Việt Nam khủng khiếp vừa qua là gì?.


- Chiến tranh xâm lược do Mỹ gây ra?


- Chiến tranh đại lý cho các nước lớn?


- Nội chiến, huynh đệ tương tàn?


- Chiến tranh gồm hai hay ba yếu tố kể trên.


Trong bối cảnh mới của thế giới, qua kinh nghiệm xương máu vừa rồi, người dân Việt Nam không thể tha thứ chiến tranh đại lý cho các nước lớn, cũng không tha thứ nội chiến, huynh đệ tương tàn. Không thể chấp nhận bất kỳ hình thái chiến tranh nào. Chỉ khi Việt Nam bị xâm lược, người Việt Nam mới cầm vũ khí trở lại. Ngày nay, dù đánh giá lại cuộc chiến tranh vừa qua là gì theo ý mình, đại đa số người dân Việt Nam đều coi kẻ xâm thực lãnh thổ Việt Nam, đánh chiếm và chiếm đóng các đảo ở Biển Đông, kẻ ấy – Trung Quốc – là nguy cơ lớn nhất.


Nhiều người có cảm giác ngờ ngợ trong lòng mình là Việt Nam đang trên đường trở thành một nước phụ thuộc của Trung Quốc, rồi đến một giai đoạn, nguy cơ như Tibet và Uighur ập đến như một nỗi kinh hoàng.


Ở thời đại chúng ta đang sống, chủ nghĩa thực dân cướp giật kiểu cũ đã qua đi. Ở thời đại ngày nay, việc nước nầy cướp giật lãnh thổ môt nước khác là điều không thể chấp nhận. Bộ máy lãnh đạo của Trung quốc che dấu các âm mưu bành trướng của họ dưới chiêu bài trỗi dậy trong hòa bình. Nhưng thực ra, họ đang thực thi chủ nghĩa thực dân kiểu cũ đối với Việt Nam:


- Năm 1974, họ đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.


- Năm 1979, đánh phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc, cướp của, giết người, tàn phá phố xá, làng xóm theo kiểu thời Trung cổ.


- Năm 1988, đánh chiếm một phần của quần đảo Trường Sa.


- Năm 2014, chúng ngang nhiên cho dàn khoan khai thác dầu lửa vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


- Hiện tại, chúng đang bồi đảo, xây căn cứ quân sự, đường bay trên các đảo đã cướp giật từ Việt Nam, nhằm biến thành việc đã rồi.


- Chúng tiếp tục đánh đập, bắt giữ ngư dân Việt Nam, cướp giật tài sản, phá hoại tàu thuyền của ngư dân Việt Nam.


Các hành động của chúng vượt quá cách làm của thực dân kiểu cũ. Người Việt Nam gọi chúng là bọn tội phạm cướp của giết người.


Tôi đã nghe giáo sư Wada nói mấy lần là Mỹ phải xin lỗi Việt Nam. Đây là cách suy nghĩ nghiêm túc về hòa bình thế giới. Nếu nước Mỹ nghiêm chỉnh xin lỗi Việt Nam, nước Mỹ khó có thể lại gây chiến tranh ở nơi khác. Cũng tương tự như ý kiến của giáo sư Wada, tôi rất mong các bạn Nhật Bản có hành động buộc Trung Quốc phải xin lỗi Việt Nam về những tội ác do chúng gây ra. Điều nầy là để chặn những tội ác mà chúng đã và đang gây ra.


Rồi đến một ngày đảng Cộng sản Việt Nam không còn là đảng độc tài độc đảng, hay thế chể thay đổi, đảng Cộng sản và các đảng khác thay phiên vận hành nền chính trị đất nước qua kết quả bầu cử, người dân Việt Nam khi ấy sẽ có những cuộc vận động bắt Trung Quốc xin lỗi Việt Nam. Điều nầy không phải để thỏa mãn tự ái dân tộc mà là để ngăn ngừa tội ác của chúng tiếp diễn hay tái diễn.


Ngày 30 tháng 4 đang được gọi bằng nhiều cách biểu hiện: - Ngày thắng lợi /  - Ngày giải phóng /  - Ngày kết thúc chiến tranh /  - Ngày hận thù /  - Ngày hòa giải hòa hợp dân tộc / - Ngày suy ngẫm… Mỗi người từ chỗ đứng, trạng huống của mình mà suy tư, cảm xúc khác nhau về ngày nầy. Từ những cách biểu hiện nầy, có thể nói cuộc chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt trong lòng người Việt Nam.


Người Việt Nam, nếu chưa thực sự hòa giải, hòa hợp, chưa xác lập được một nước Việt Nam dân chủ thực sự, một nước độc lập và tự do, góp phần cho hòa bình của khu vực và hòa bình thế giới, thì chừng đó Việt Nam chưa đáp được lòng mong đợi của các bạn đã từng ủng hộ Việt Nam từ những năm trong chiến tranh và đến nay vẫn ủng hộ nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh các nước lớn vẫn muốn áp đặt cường quyền ở Ukraina, ở Trung Đông, ở Châu Á, tôi nghĩ tất cả chúng ta không kể nước lớn hay nhỏ, từ nay hãy cùng tiếp tục cố gắng cho việc tăng cường quyền dân tộc tự quyết, xác lập một nền dân chủ thực sự. (L.V.T. Tác giả gửi BVN)