Tuesday, 9 January 2018

Tổng thống Trump ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp về vi phạm nhân quyền và tham nhũng toàn cầu


Ông Trump tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp quốc gia về Vi phạm Nhân quyền và Tham Nhũng Toàn cầu (Ảnh: Getty)

Hôm 21/12, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia, để đối phó với tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Trong sắc lệnh hành pháp của mình, Tổng thống Trump cho rằng vi phạm nhân quyền và tham nhũng “đã đạt đến phạm vi và mức độ gây đe dọa đến sự ổn định của các hệ thống chính trị và kinh tế trên thế giới”. Ông Trump nói: “Tôi xin tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa này”.
Nhắm thẳng vào những cá nhân, tổ chức và quan chức chính phủ, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump cho phép, trong thẩm quyền tài phán của nước Mỹ, đóng băng tài sản của những người nước ngoài, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hoặc tham nhũng, mà phần lớn ở bên ngoài nước Mỹ.
Sắc lệnh hành pháp cũng nhắm vào người nước ngoài và các công dân Mỹ, những kẻ trợ giúp, tài trợ hoặc cung cấp tài chính hoặc trợ giúp vật chất cho người nước ngoài phạm tội.
Các cá nhân và tổ chức vi phạm sẽ được nhận diện bởi Bộ Tài chính Mỹ, với sự tham vấn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp.
Khi có hiệu lực, sắc lệnh hành pháp cho phép Mỹ trừng trị các mạng lưới tội phạm quốc tế, những kẻ có liên quan đến vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như buôn người, mổ cướp nội tạng.
Sắc lệnh cũng cho phép Mỹ nhắm mục tiêu vào các cá nhân trong các chế độ vi phạm nhân quyền, ví dụ như Trung Quốc hoặc Triều Tiên.
“Vi phạm nhân quyền và tham nhũng làm suy yếu các giá trị tạo thành nền tảng thiết yếu cho các xã hội vận hành an toàn và ổn định; có những tác động hủy hoại đối với cá nhân; làm suy yếu các thể chế dân chủ; làm suy thoái tinh thần thượng tôn pháp luật; duy trì xung đột bạo lực; tạo điều kiện cho các hoạt động của những kẻ nguy hiểm; và làm suy yếu thị trường kinh tế”, ông Trump nêu rõ trong sắc lệnh hành pháp.
Trong khi người ta còn chưa rõ về phạm vi của tình trạng khẩn cấp sẽ như thế nào, đã có 13 cá nhân được xác định là những kẻ tham nhũng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã xác định được 39 tổ chức và cá nhân có liên quan, theo sắc lệnh mới này.
Trong số những kẻ ban đầu bị nhắm mục tiêu để trừng phạt có ông Cao Nham (Gao Yan), giám đốc công an Quận Triều Dương (Chaoyang) thuộc Sở công an Bắc Kinh. Ông Cao đã từng làm việc tại trại tạm giam Triều Dương, nơi bà Tào Thuận Lợi (Cao Shunli), nhà hoạt động nhân quyền đã bị sát hại trong trại giam vào tháng 3/2014.
Trong một tuyên bố, Bộ tài chính Mỹ cho biết: “Bà Tào đã bị hôn mê và đã chết vì rối loạn chức năng. Thi thể của bà cho thấy dấu hiệu gầy mòn, hốc hác và còi cọc”.
Trung Quốc là nước có sự vi phạm nhân quyền phổ biến trong nhiều năm. Trong bài phát biểu công bố báo cáo Tự do Tín ngưỡng Quốc tế vào ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề cập đến một trong các vi phạm nhân quyền lớn nhất hiện nay của Trung Quốc: Cuộc đàn áp nhằm loại bỏ Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp), môn khí công gồm 5 bài tập và các bài giảng về nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.