Sunday, 21 January 2018

Tưởng Niệm 44 Năm Hải Chiến Hoàng Sa...

Nhân Tưởng Niệm 44 Năm Hải Chịến Hoàng Sa...

Xin mời Quý Vị theo dõi tin tức, hình ảnh, video clip và truyện kể...liên quan ...

Mãi mãi tưởng nhớ, và tri ân 75 Anh Hùng Tử Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,
đã anh dũng hy sinh để bảo vệ hải đảo của quê hương Việt Nam...

Trân trọng..
BMH
Washington, D.C



Inline image 1

Mãi mãi tưởng nhớ, và tri ân 75 Anh Hùng Tử Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,
đã anh dũng hy sinh để bảo vệ hải đảo của quê hương Việt Nam...


TUYÊN CÁO

Nhân Tưởng Niệm 44 Năm Hải Chiến Hoàng Sa
 
Ngày 19-1-1974 cách đây 44 năm, Trung Cộng đã xua lực lượng hải quân hùng hậu tấn công quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa, thực hiện mưu đồ bành trướng  lãnh thổ. Bảy mươi bốn (74) chiến sĩ VNCH đã anh dũng hy sinh, Hoàng sa rơi vào tay Tàu Cộng trước sự im lặng của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt.
Trước đó vào năm 1958, Thủ Tướng CS Bắc Việt Phạm Văn Đồng đã ký công hàm “ghi nhận và tán thành” tuyên bố ngày 4/9/1958 của thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai về chủ quyền các đảo ở Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam theo các tài liệu lịch sử và pháp lý từ nhiều nguồn độc lập.
Năm 1988, bất chấp luật quốc tế về biển 1982, Trung Cộng dùng võ lực xâm chiếm 10 đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam gây tử thương cho 64 lính hải quân của chế độ đương thời tại Việt Nam.
Kể từ đó bất chấp dư luận quốc tế, Trung Cộng ngày càng lấn chiếm Biển Đông theo tiến trình gậm nhấm, lần lượt gia tăng các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, uy hiếp tàu đánh cá và thăm dò của Việt Nam, chiếm bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân năm 2012, phá hủy các rặng san hô, bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự khắp nơi dùng làm bàn đạp tấn công các nước Đông Nam Á khi cần thiết, khống chế con đường vận chuyển quốc tế quan trọng tại Biển Đông vân vân.
Tại Việt Nam, nhà cầm quyền chẳng những nhu nhược trước hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Cộng mà còn đàn áp thô bạo thanh niên, sinh viên và đồng bào yêu nước chống hành động xâm lăng của Bắc Kinh.
Tháng 6 năm 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye ra phán quyết bác bỏ đòi chủ quyền đường lưỡi bò của TC tự vẽ trên Biển Đông nhưng Bắc Kinh vẫn ngang ngược bác bỏ.
Trước những sự kiện này và nhân tưởng niệm 44 năm Hải Chiến Hoàng Sa, Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh của các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ biển đảo của Việt Nam đồng thời long trọng tuyên cáo:
  1. Ca ngợi và ủng hộ lòng dũng cảm của mọi giới đồng bào trong nước đã mạnh dạn bày tỏ ý chí chống ngoại xâm bất kể sự đàn áp của nhà cầm quyền.
  2. Cực lực tố cáo âm mưu bành trướng của nhà cầm quyền Trung Cộng với sự  tiếp tay của đảng cộng sản Việt Nam.
  3. Kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước đoàn kết cứu nguy tổ quốc, thường xuyên tổ chức, tham gia biểu tình, tẩy chay hàng hóa và không du lịch đến Trung Cộng; tất cả đồng tâm tranh đấu cho một chế độ tự do dân chủ thật sự để  tạo thế đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm như trong lịch sử và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải Việt Nam.
  4. Thỉnh cầu Liên Hiệp Quốc và các nước yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên thế giới hãy ngăn chận chính sách bành trướng đế quốc của Trung Cộng và buộc CSVN phải tôn trọng quyền tự do của nhân dân Việt Nam.
 Việt Nam và Hải Ngoại ngày 19 tháng 1 năm 2018
TM Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam

*************************************


Inline image

Inline image

Inline image

Inline image

Inline image

Inline image


Inline image

Inline image


Inline image

Vinh Danh Tử Sĩ Hoàng Sa – Video clip của Vũ Quang Thuận

Cám ơn đồng bào phía Bắc đã xuống đường trong ngày tưởng niệm 75 anh hùng Tử- sĩ của HQVNCH 
đã hy sinh để chống quân xâm lược tàu khựa cướp HS.👲🔪

(19_1. 2017 hình ảnh đã 1 năm qua vẫn làm xúc động và rất ... mới😍)

***********************************************
Tình Hoàng Sa trong một hẻm Sài Gòn


Lưu Trọng Văn

Sáng nay gã và Mai Anh Tài, một doanh nhân luôn đau đáu chuyện đất nước, vào hẻm rồi lại hẻm, rồi lại hẻm nữa trên đường Lê Văn Lương thăm ngôi nhà mới của bà Hoa, vợ Thượng sĩ hải quân VNCH Nguyễn Hồng Châu đã hy sinh đúng ngày này 44 năm trước trong trận hải chiến Hoàng Sa.

Gã bất ngờ vì buổi mừng nhà mới do Nhịp cầu Hoàng Sa của Đỗ Thái Bình, Lữ Công Bảy, Nguyễn Thế Thanh, Kim Hạnh, Huy Đức… góp phần xây dựng để tri ân những người đã hy sinh bảo vệ biển đảo Tổ quốc lại có đông thân nhân của các chiến sĩ, liệt sĩ chiến đấu và hy sinh ở Hoàng Sa đến dự thế.

Gã gặp chị Sinh vợ Thiếu tá chỉ huy Hạm đội HQ 10 Nguỵ Văn Thà, chị Thảo con gái Hạm phó Nguyễn Thành Trí, chị Ngà vợ thủy thủ Dương Văn Lợi, chị Nhật Tảo con gái của Hạ sĩ Lương Thanh Thú, chị Oanh em thuỷ thủ Phạm Văn Lèo, chị Chiêu vợ Đại uý Huỳnh Duy Thạch. Tất cả cùng có chung ngày hôm nay – ngày giỗ lần thứ 44 chồng, cha, anh của mình.

Nước mắt hoà trong nước mắt.
Tay nắm trong tay.
Gã nhìn những bàn tay cần lao bao năm bươn chải tảo tần của các chị. Gã nắm các bàn tay ấy. Thô, ráp, nhưng ấm áp đến lạ kỳ.
Có hai cuộc gặp gỡ gã nhớ nhất và muốn ghi lại.
Cuộc gặp thứ nhất: Người đàn ông to béo và người đàn bà lam lũ.
Người đàn ông ấy là Trần Song Hải, con trai của Trung tá hải quân VNCH Trần Văn Tâm. Người đàn bà là Huỳnh Thị Sinh vợ của Thiếu tá Nguỵ Văn Thà. Hải kể trong nước mắt. Ba tôi là Hạm trưởng tàu HQ 10 Nhật Tảo, Nguỵ Văn Thà là Hạm phó. Ba tôi được lệnh đến chỉ huy một tàu khác, Nguỵ Văn Thà lên làm Hạm trưởng và ngay sau đó được lệnh ra Hoàng Sa.

Hải ôm bà Sinh nói, cô ơi, chú Thà đã chết thay cho ba con. Cô ơi, khi còn sống ba con dạy con nhiều về tình yêu đồng bào về tinh thần quốc gia. Ba con bảo, con làm gì thì làm cũng phải gắng giúp cho quân đội hùng mạnh bất kể màu cờ nào miễn là bảo vệ Tổ quốc.

Gã được biết Hải hiện là chủ một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp những động cơ, thiết bị hiện đại, tốt nhất cho việc đóng mới những con tàu của Hải quân.

Cuộc gặp thứ hai giữa người đàn ông trẻ là Trần Tuấn Linh và người đàn bà Phạm Thị Hoa.

Linh làm việc cho một ngân hàng tại quận Bốn, thường thấy một phụ nữ trông lam lũ, suốt ngày mưa hay nắng bên tủ thuốc lá nhỏ. Linh lân la hỏi chuyện thì biết người bán thuốc lá vỉa hè mưu sinh này có chồng là Thượng sĩ hải quân hy sinh trong trận chiến chống quân xâm lược Trung Quốc ở Hoàng Sa. Thế là Linh đã âm thầm giúp đỡ người phụ nữ này. Linh giới thiệu chị với Nhịp cầu Hoàng Sa.

Ngôi nhà mới của chị Hoa vợ liệt sĩ Nguyễn Hồng Châu đúng ngày giỗ 44 năm của anh hôm nay hoàn thành một phần nhờ tấm lòng của Linh, một bạn trẻ Sài Gòn.

Lúc này thì Sài Gòn đang mưa rất lớn. Lạ thật mùa này SG lại mưa. Gã ngồi nhìn mưa và ăn chiếc bánh tét do chính bà Ngà dậy sớm làm đem tới đám giỗ chung của các chiến sĩ hải quân VNCH bảo vệ Hoàng Sa. Gã hỏi bà Ngà sao làm bánh tét? Bà bảo, thương chồng cùng các bạn chiến đấu của chồng bao năm rồi không được ăn bánh tét, bao năm rồi không được ăn tết với vợ, con.
***********************************************


TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA
DƯỚI MẮT MỘT NGƯỜI CÒN SỐNG SÓT
Chuyn tht xy ra vào trung tun Tháng Giêng năm 1974

Phó thịnh Đường

Lời Giới Thiệu:
Tất Ngưu là người bạn cùng lớp (Khóa 20) trường Hàng Hải Thương Thuyền (HHTT) - Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Việt Nam.  Chúng tôi tốt nghiệp vào lúc nước nhà thất điên bát đảo, kiệt quệ trong khói lửa chiến tranh.   Mộng tìm việc làm trên các thương thuyền tan theo mây khói.  Cùng một số bạn cùng khóa chẳng hạn như Nguyễn Văn Kết, Trần Minh Trung, Phạm Tánh Dược, Nguyễn Chánh Nghĩa ,… chúng tôi đành lên đường nhập ngũ tòng chinh.   Một số anh em cùng với tôi đã gia nhập Hải Quân và Quân Vận VNCH với hy vọng có cơ hội áp dụng những kỹ thuật hải hành hấp thụ được ở trường HHTT.  Thế rồi trong một trận hải chiến, chiến hạm bị đánh đắm.   Lênh đênh trên biển cả ba đêm, bốn ngày không thực phẩm và nước uống,  Tất Ngưu đã chết đi rồi sống lại.

Là người may mắn được xem bài tường thuật trong quyển nhật ký được cẩn thận giữ gìn hơn 32 năm qua, tôi đã xin và được anh cho phép đăng tải nguyên văn.

Xin nói thêm là đối với một người đã một lần chết đi rồi sống lại như anh, danh lợi chỉ là chuyện phù phiếm.  Anh đang có một cuộc sống bình dị, thoải mái, không màng đến vinh hoa phú quý. Đăng tải bài tường thuật này là việc ngoài ý muốn của anh, nhưng bởi sự yêu cầu khẩn khoản của tôi,  anh đã đồng ý.   Dẫu sao đây cũng là một dịp để xác nhận chiến công của những chiến sĩ vô danh và các đồng đội mà anh còn nhớ tên trong đó có Trung Sĩ Trọng Pháo (TSTP) Xuân, Hạ Sĩ Nhất Vận Chuyển (HS1VC) Tây, Hạ Sĩ vận Chuyển (HSVC) Sáu, và còn nữa...

Cũng nhân tiện chúng tôi thuộc khóa đàn em Hàng Hải Thương Thuyền (HHTT) xin được cảm kích chiến công của HQ Tr/úy Cơ Khí (CK/HHTT) Huỳnh Duy Thạch là đàn anh (thuộc khóa 13 HHTT), nguyên Cơ khí Trưởng của Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ10 đã đi theo chiến hạm vào lòng đại dương.

Xin độc giả dành cho anh Tất Ngưu và các đồng đội của anh sự tri ơn thành thật nhất.  Riêng tôi, xin "thẩm quyền nước Việt" trao đến các anh bằng Tưởng Lục cao quý nhất, Anh Dũng Bội Tinh, và Đệ Nhất Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, và hằng mong Thượng Đế, Trời, Phật luôn theo sát phò hộ các anh.

Phó Thịnh Đường (nguyên Hải Quân Thiếu Úy Hàng Hải Thương Thuyền)
Florida, Spring 2006


Bổ túc chi tiết:

Trước trận hải chiến, Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ11 hiện diện tại quân cảng Đà Nẵng.   Lúc trận chiến diễn ra, HQ11 đã rời bến đi tăng viện Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10.  Khi rời bến HQ11 đã nhận giữ thư từ của HQ10.  Giữa đường đến quần đảo Hoàng Sa,  để tránh không tập của địch và bảo toàn lực lượng, HQ11 đã được lệnh gọi quay trở về.  Trên HQ11 có HQ Th/úy HHTT Nguyễn văn Kết.  Mới đây Kết có gởi cho Tất Ngưu một điện thư như sau.

(E-mail ngày 30 tháng 3 năm 2006)
Không biết là Tất Ngưu có biết  (hay có nhớ) rằng tớ là người đầu tiên nghe danh sách các chiến sĩ của HQ10, được tầu buôn Hòa Lan vớt lên …
Hôm đó tớ đi ca đêm trên Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ11, khi anh hạ sĩ trực máy truyền tin nhận được tín hiệu từ tầu buôn Hòa Lan, tớ liền lên máy. Bên kia là một giọng nói Việt Nam, đọc cho tớ nghe tên của các chiến sĩ được vớt lên tầu …
Tớ không thể nào diễn tả được cảm xúc của mình lúc đó khi nghe tên của Chuẩn úy Tất Ngưu được đọc lên trong máy …
Ký tên,             
Nguyễn văn Kết  

Sau đây là tên các chiến sĩ sống sót được chép lại từ quyển nhật ký của Tất Ngưu:
Danh sách thủy thủ đoàn thuộc Hộ Tống Hạm NHẬT TẢO HQ10 đã trở về sau trận hải chiến Hoàng Sa:

1 Trung sĩ Bí Thư TSBT Võ văn Bằng
2 Trung sĩ Tiếp Vụ TSTV Đỗ kim Hoàng
3 Hạ sĩ 1 Trọng Pháo HS1TP Nguyễn văn Tám
4 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP Trần ngọc Sơn
5 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP  Phạm văn Lợi
6 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP Võ văn Tuấn
7 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP Lê tấn Hưng
8 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP Vương văn Và
9 Hạ sĩ 1 Cơ Khí HS1CK Lưu tố Nữ
10 Hạ sĩ Cơ Khí HSCK Nguyễn hồng Cứng
11 Hạ sĩ Cơ Khí  HSCK Huỳnh văn Hòa
12 Hạ sĩ Tiếp Vụ HSTV Nguyễn văn A
13 Thủy thủ 1 Cơ Khí TT1CK Trần văn Hà
14 Hạ sĩ Bí Thư HSBT  Đỗ văn Thành
15 Thủy thủ 1 Thám Xuất TT1TX Trương văn Long
16 HQ Trung úy K8/OCS Hà đăng Ngân
17 HQ Trung úy K20/NT  Phạm văn Thì
18 HQ Trung úy K1/70 ĐB Ngô văn Hòa
19 HQ Trung úy  K25/VBĐL Nguyễn đông Mai
20 HQ Thiếu úy  K24/NT  Phạm thế Hùng
21 HQ Chuẩn úy  K1/IOCS Tất Ngưu


TRẬN  HOÀNG  SA

Nhật Ký của Tất Ngưu    
Sài Gòn ngày 30 tháng 5 năm 1974,

            Tôi đã sống lại một kiếp sống thứ hai.  Phải, tôi đã thoát chết, đã kinh nghiệm một cái sống khi tôi không còn một tia hy vọng trong trí não.  Nhưng thật sự tôi đang còn đây, và tôi sẽ thuật lại một trận chiến hãi hùng đầy cam go, và một cuộc sống lênh đênh trên mặt biển liên tục bốn ngày ba đêm trên một con bè với một túi thực phẩm chỉ gồm kẹo và nước uống.


“Te-Tít … Te-Tít … Te-Tít …Te-Tít … Te-Tít … Nhiệm sở vận chuyển.”

Hạm trưởng hiên ngang đứng trên đài chỉ huy ra lệnh tháo giây.  Một số anh em khấp khiểng chạy về chiến hạm.  Họ vừa đi nhậu về, hôm nay mới lãnh lương mà. Nhân viên trên tầu chỉ có thế, lãnh lương ra thì lại đi uống rượu.

“Nhanh lên, tầu rời bến, nhanh lên !” 
“Tủm !”
“Ối !”
Anh HS1TP Tám chếnh choáng rơi tùm xuống nước.  Tôi thấy hạm kiều náo động, nghe tiếng hối thúc: 
“Thả phao”,  “Vớt người”, …

Đó phải chăng là một điềm chẳng lành.

Chiến hạm chúng tôi (HQ10) sau một đêm lình bình tuần tiễu tại cửa Đà Nẵng, nhận lệnh theo HQ 5 trực chỉ quần đảo Hoàng Sa.  Nhiệm vụ của chúng tôi là yêu cầu các thuyền đánh cá của Trung Cộng rời khỏi thềm lục địa của đảo Quang Hòa (Duncan). 

 “Chuẩn Úy,  Chuẩn Úy, tới giờ đổi ca”.   Mắt nhắm mắt mở tôi nhìn đồng hồ.   Đã 2345H (11 giờ 45 đêm) rồi, nhanh nhỉ.  Thời tiết tháng Giêng còn hanh lạnh, tôi khoác thêm một chiếc áo choàng mầu navy blue.   Nhận ca, tôi được biết chiến hạm đang thả trôi tại quần đảo Hoàng Sa.  Cùng có sự hiện diện của cả khu trục hạm HQ4, hai tuần dương hạm HQ5, và HQ16.

Trong suốt ca trực từ 2400H đến 0400H, tôi cùng HSTP Lợi nói chuyện vui với nhau.  Anh này vừa mới tân đáo và đây là chuyến công tác đầu.  Tôi nghe anh ta kể lại những ngày huy hoàng sống ở giang đoàn.  Nào là bắt những con tôm càng, thịt, bánh mì sandwich, v.v… Nghĩ mà thú nhỉ !

Vào khoảng 0100H, tôi nhận được chỉ thị - không đúng - một công điện khẩn thì đúng hơn:  “0600H GIỜ THI HÀNH”.  Tôi trình công điện lên hạm trưởng.  Đêm đó hạm trưởng an giấc tại phòng vô tuyến phụ, cạnh đài chỉ huy.  Thời gian đi như chợp mắt,  mới đó mà đã đến gần 0400H rồi.  Tôi gọi:

“Anh Lợi ơi, xuống gọi Th/úy Mai lên đổi ca giùm đi!”

Thế rồi hạm trưởng thức giấc.  Đứng trên đài chỉ huy, ông ngó nhìn xung quanh để quan sát vị thế, rồi ra lệnh kéo còi nhiệm sở tác chiến.   Một hồi còi rợn người nổi lên:   “ Tít … Tít … Tít … Tít … Tít … Tít…”  Tiếng của hạm trưởng vang trên hệ thống nội thông :

“Đây là Hạm Trưởng”
“Nhiệm sở tác chiến, nhiệm sở tác chiến”
“Tất cả vào nhiệm sở tác chiến”
“Nhiệm sở tác chiến”
“Tất cả vào nhiệm sở tác chiến”.     “Tít … Tít … Tít … Tít … ……”

Tất cả anh em thủy thủ đoàn vội vã thức giấc.  Ai nấy vào nhiệm sở của mình.  Riêng tôi, vừa đi xong ca cách mạng (phiên trực hải hành từ nửa đêm đến tờ mờ sáng) lại vướng vào nhiệm sở tác chiến, cảm thấy mệt đừ.  Ngay sau đó:

“Nhiệm sở phòng không”   “Nhiệm sở phòng không”

Tôi thấy ngay lập tức những nòng súng rợp rợp hướng lên trời góc 45 độ,  nào là các đại bác 76 ly 2, bô-pho 40 ly, 20 ly, đại liên 30, súng cối 81 ly.

“Đài chỉ huy, đây sân mũi, 76 ly,  2 cò điện bất khiển dụng”

“Thôi được, cho dùng cò chân”

“Đài chỉ huy, đây 41, 42  tôi phát hiện một phi cơ bay từ ánh trăng hướng về phía ta, hướng 3 giờ.”

“Đài chỉ huy nghe rõ, tất cả các khẩu hướng về hướng 3 giờ”

“Đài chỉ huy, phi cơ bay vào mây và mất dạng”

Toàn thể nhân viên chiến hạm cứ luôn ở vào một tình trạng căng thẳng.  Chắc hẳn mọi người, ai cũng đang linh cảm rằng một cuộc hải chiến sẽ xảy ra. Có lẽ cũng giống như các bạn đồng đội, đầu óc tôi đang nghĩ đến một chiến thắng huy hoàng, một ngày về với bộ tiểu lễ trắng tinh, hiên ngang đứng giữa hàng quân, trên ngực đầy những huy chương. Tất nhiên, không ai nghĩ đến hậu qủa của một cuộc chiến:  thương vong.

 Khoảng thời gian từ 4 giờ sáng đến 6 giờ sáng ngày 19 tháng Giêng, chiến hạm vẫn tiến, và nhân viên vẫn cảnh giác trước phi cơ của địch.   Trời lờ mờ, chưa tỏ hẳn ánh dương, hải đội của ta lập thành một đội hình.  Bên địch (Trung Cộng) cũng gồm bốn chiến đỉnh 389, 396, 271, và 274, vẫn chạy đan qua đan lại có vẻ như muốn khiêu khích.  Lắm lúc như muốn đâm thẳng cả tầu vào chiến hạm của ta.  Sau một thời gian kèm sát bên nhau, địch và ta dường như đang tìm những vị thế thích hợp để công kích nhau.

Sau một loạt đèn hiệu được choé sáng, từ đảo nọ bốn chiếc tầu đánh cá hướng về phía Bắc, di tản, và bốn chiến  đỉnh  của họ  vận  chuyển  song song  để bảo vệ.

Thế rồi anh em trên chiến hạm thoáng nét vui mừng.

Ồ! họ đã chịu lui bước, trả lại mảnh đất cho chúng ta.  Nào ngờ sau khi bốn tầu đánh cá đi khá xa, bốn chiến đỉnh địch quay đầu trở lại với lối vận chuyển đầy khiêu khích.   Chiến hạm lại nhận được lệnh chuẩn bị tác chiến.  Tất cả nòng súng hướng vào phiá đảo để tránh sự khiêu khích với tàu địch.  Trên tầu anh em xôn xao căng thẳng, chỉ chờ một hiệu lệnh tác xạ ban ra là những viên đạn vô tri này sẽ phá tan một hòn đảo nhỏ bé ngoài khơi, và bao nhiêu nhân mạng trên đảo sẽ bị chôn vùi dưới lòng đại dương.

Trông chờ mãi, khẩu lệnh vẫn chưa được ban hành,  thủy thủ đoàn có phần nản chí, không còn vẻ hăng say của thoạt đầu, xem những cuộc quần thảo giữa địch và ta như trò đùa.   Anh em trở nên chán ngán, quên hẳn sự căng thẳng giữa địch và ta, bẵng đi việc sẵn sàng của nhiệm sở tác chiến.   Một số nhỏ hớ hênh để súng cá nhân xuống sàn tầu rồi cùng trò chuyện vui đùa với nhau.  Thức dậy từ lúc tờ mờ sáng đến giờ không có gì lót dạ,  anh em chúng tôi cảm thấy đói, riêng tôi như thấy kiến bò trong bụng, may quá chúng tôi được lệnh luân phiên nhau vào nhà ăn để dùng cháo. 

“Th/úy Mai. Anh vào dùng trước, tôi sẽ ăn sau.”

Khi  Th/úy Mai  vừa  dùng  diểm  tâm  xong, chúng  tôi được lệnh tác xạ mà mục tiêu là các chiến hạm địch:  Bất kể nơi nào, thấy chiếc nào trong tầm thì cứ bắn, mục tiêu chính yếu là chiếc dương tốc đỉnh 396.

Và rồi những nòng súng nay đã được hướng vào chiến hạm địch.  Rồi những chiến hạm của địch và ta lại tiếp tục quần thảo nhau.

Vào khoảng sau 0900H, một lệnh “BẮN” được ban hành mà tôi nghe được qua chiếc headphone.  Riêng tôi, trong nhiệm sở tác chiến là sĩ quan đảm trách 2 khẩu 20 ly và súng cối 81 ly ở sân sau.  Tôi vội vã hô to:

“Bắn, bắn nhanh lên”.

Những tiếng súng ầm ầm vang dội, những tia sáng thi nhau bay về phía địch, những đóm lửa lần lượt bao chụp lên chiến hạm địch. 

TSTP Xuân hiên ngang đưa khẩu 20 ly qua lại,  bắn liên hồi.

“Tạch … Tạch … Tạch …”

“Ối ! sao khẩu 20 ly không bắn nữa ?”

“Thưa Ch/úy, súng trở ngại tác xạ”

“Trở ngại thế nào ?”

“Kẹt đạn”

“Bắn một nòng”

“Tạch … Tạch … Tạch …”

“Hết đạn”

“Nằm xuống, để tao”,  Hạ sĩ nhất vận chuyển Tây thét lên, gạt Xuân ra, dựt lấy khẩu 20 ly.
“Tạch … Tạch …Tạch ..”

Trong khi đó HSVC Sáu lom khom chạy qua chạy lại lấy đạn 81 ly nạp vào khẩu súng cối.
 “Ầm!”  “Ầm!”

Tầu địch bốc cháy.  Tôi thấy những viên đạn trọng pháo lớn nhỏ đua nhau bám vào tầu địch. 

“Rầm !!!”

Có giọng nói giữa đám anh em đang hỗn loạn:

“Tàu Trung Cộng đổ bộ, anh em cẩn thận”.

Một loạt đạn M16 túa bay ra từ đài chỉ huy.  Nhìn phía trước, tôi thấy mũi tầu của ta đâm vào tầu địch.  Thế rồi hai tàu từ từ dang ra.  Tàu ta bất khiển dụng cả hai máy chánh, cứ vậy mà  trôi lênh đênh.

 Sau khi hai chiếc tàu đụng nhau, tiếng súng lớn dường như im bặt, chỉ còn nghe những tiếng súng nhỏ.  Giai đoạn hải chiến hình như chấm dứt.  Anh em đồng đội chuẩn bị cứu thương lẫn nhau.  Hầm máy đang cháy, nhân viên phòng tai lo cứu hỏa.  Một số nhân viên cơ khí chết thui dưới hầm máy.  Những anh còn tỉnh thì được kéo lên boong chánh.  Trung úy Huỳnh Duy Thạch (cùng là đàn anh của tôi xuất thân từ trường Việt Nam Hàng Hải Thương Thuyền, cũng là Cơ Khí Trưởng của chiến hạm HQ10, chẳng may đã tử trận trong hầm máy.  Ôi ! tiếng rên la áo não ngần nào.  Đài chỉ huy hoàn toàn tê liệt, cả cầu thang từ trung tâm chiến báo (CIC) lên đài chỉ huy cũng bay mất một góc. 


Phòng y tá hoàn toàn thiêu trụi.  Trong phòng ăn sĩ quan (được sử dụng làm trung tâm phòng tai), sĩ quan phòng tai HQ Thiếu Úy Bửu (Khóa 25/Võ Bị Đà Lạt) đang rên la với một chân trái bị bay mất, máu ướt đẫm người. Vừa được đưa ra đến sân sau, anh đã trút hơi thở cuối cùng.  Các anh em bị thương khác không có thuốc men cấp cứu gì hơn, chỉ dùng vạt áo để băng bó.

“Ồ ! HQ16 , anh Thương hãy đánh SOS cho họ đến tiếp cứu!”

Chúng tôi đánh hiệu bằng cờ, nhưng HQ16 đã quay đầu đi thẳng trong sự thất vọng hoàn toàn của chúng tôi.  Những tiếng súng lại bắn vang, cùng với những tiếng nổ trên tàu.  Chính lúc này Thiếu Tá Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà đã anh dũng hy sinh trên đài chỉ huy.  Tôi còn nhớ là đài chỉ huy trước khi bị tê liệt hoàn toàn đã ra lệnh cho chúng tôi đào thoát.  Những giòng tư tưởng quay cuồng trong tôi.  Thế còn tàu?  và nếu có đào thoát, chắc hẳn có sống không? Rồi tôi tự nhủ rằng HQ16 sẽ quay lại cứu mình.

Những tiếng súng lại vang lên, tiếng nổ trên tàu lại tiếp diễn.  Nhìn  ra  phía  sau, hai  chiến  hạm  địch  lù lù tiến đến, hướng về phía mình.  HQ16 di tản càng ngày càng xa.  Trên boong thây xác ngổn ngang, chiến hạm trơ trơ mặc sóng gió đẩy đưa. Trên mặt biển, đồng đội lô nhô trên những bè cấp cứu.  Ôi thay! tôi tự hỏi mình có nên đào thoát hay không.

 Hạ sĩ nhất cơ khí Nữ chạy đến với giọng rưng rưng:

“Ch/úy.  Ch/úy biết bơi có gì Ch/úy kéo hộ tôi nhé!”

“Rồi cứ nhẩy đi, tôi sẽ kéo ra bè cho.”

“Ch/úy, phao này cho hơi vào cách nào ?”

Tôi bèn kéo chốt cho hơi vào phao và nói anh ấy nhẩy đi.  Một chốc sau ngó xuống nước tôi lại không thấy anh ta đâu nữa.  Tôi đoán có lẽ vì sóng to quá nên anh ta dạt vào thành tàu.  Ngay lúc đó, anh TSVC Đa và HSCK Hòa hấp tấp chạy đến:

“Ch/úy nhẩy nhanh lên, kho đạn 20 ly và 40 ly nổ, nhẩy nhanh lên!”

TSVC Đa, HSCK Hòa, và tôi cùng nhảy xuống.  Tôi hoảng khi thấy bè thì quá xa, sóng lại to, ngẩm không biết mình có thể bơi ra đến nơi không.

Xin mở ngoặc nơi đây là: Trước khi đào thoát, tôi có gọi luôn cả HS1VC Tây cùng nhẩy, nhưng anh ta trả lời rằng: “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với Trung Cộng. Ch/úy cứ nhẩy đi.”

Thật đúng y như câu nói của người xưa:  “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.  Chẳng biết HS1VC Tây có được đến trường để học và thấu hiểu câu nói thâm thúy này không?  Anh có nghe ai bàn về câu nói ấy không?  !! Thế mà anh đã thực hiện được sự việc đó mới là hay chứ.  Việc mà chỉ có những đại anh hùng, các bậc trượng phu không biết “tham sinh úy tử” là gì họa may mới làm được.  Thật là anh hùng.  Tôi xin ngã mũ.

Lớp ngớp trên mặt biển, bơi mãi vẫn không đến bè được, tôi mới tiếc rẻ: “Ối ! phải biết ở lại tàu còn hơn!”  Chất thuốc mầu vàng của bao thuốc trị cá mập trong phao cá nhân của tôi đã được bật ra,.  Thuốc hòa lẫn với nước biển biến thành một vũng mầu xanh lá cây.  Tôi cứ bơi, bơi mãi, bè cứ dạt xa. Mỗi lần sóng đánh đến, nước biển lại tràn vào miệng cùng với thuốc trị cá mập, có vị đắng đắng cay cay,  Ôi ! hơi sức nào để ý  đến nữa, mục đích là sự sống.  Chỉ làm cách nào bám vào được bè, mạng sống mới có thể vãn hồi.  Nhưng mệt nhừ rồi, còn sức đâu nữa mà bơi ra bè.  Không, ta phải sống, bản năng sinh tồn lúc đó không cho phép tôi ngừng, cứ bơi, bơi mãi, đến khi bám được bè, nhìn thấy mặt anh em, tôi ngất đi trong giây lát.  Phải chăng lực tiềm tàng trong cơ thể đã cạn, hay là ta đã tìm thấy sự sống nên lực đó không cần thiết nữa.  Khi được kéo lên bè, người tôi lã đi vì đói khát mệt mỏi.

Thật là “họa bất đơn hành”, sau khi ngồi yên trên bè, kéo chung những bè lại, nhìn về hướng tàu, trong khi hai chiếc tốc đỉnh của Trung Cộng sân sân tiến tới, khẩu 20 ly trên HQ10 cứ nổ vang.  Hai chiến hạm của TC cũng không vừa, cứ vừa tiến vừa tác xạ, thế rồi khẩu 20 ly đành im bặt.  Những tiếng súng sau cùng đó...  Hỡi ơi ! anh Tây, anh Sáu, các anh đã hy sinh đền nợ nước cùng một số đông các chiến sĩ bất tử của HQ10.  Các anh ngã mình một cách anh dũng, nhưng có ai biết đến, chỉ có những đồng đội cùng tàu với hai anh mới thấu hiểu.  Nói đến sự hy sinh chiến đấu vô vọng, tôi biết rằng giá trị còn tùy thuộc quan niệm của mỗi con người.  Có người cho rằng: “Quân tử phục thù, thập niên vị vãn”.  Nhưng theo tôi, các anh là những tấm gương anh dũng rạng ngời.  Đúng như vậy, anh Tây rất xứng với dòng chữ xâm trên tay “Mặc Thế Nhân”.  Thân xác hai anh giờ này đã chôn vùi dưới đáy biển Hoàng Sa cùng với chiếc tàu thân yêu HQ10.  Ước gì tên tuổi của hai anh HS1VC Tây và HSVC Sáu được lưu mãi trong sử xanh.


Hai chiến hạm của dòng khát máu Cộng Sản Trung Cộng vẫn không buông tha một chiến thuyền đã đang bốc cháy và bất khả vận chuyển.  Chúng cứ luân phiên nhau vây đánh chiếc HQ10, sau đó quay đầu tiến đến bè của chúng tôi.  Chúng tôi nghĩ là nếu họ tác xạ mình thì anh em lại đào thoát lần thứ hai.  Mắt Thượng Đế vẫn còn đây, bầu trời xanh lồng lộng còn đó, mọi sự đã an bài sẵn.  Tôi tự nhủ hãy phó thác mạng sống mình cho Trời Phật.  Số đã sống thì không thể chết, số chết thì không sao cứu vãn được. May thay họ lại bỏ đi.  (Tôi nghĩ rằng không phải họ vì nhân đạo - cộng sản làm gì có nhân đạo - lý do chính là chung quanh đây chỉ có những đảo mà họ chiếm và cả một mặt biển rộng mênh mông.  Họ chẳng cần vớt người làm chi cho nhọc công, để chúng tôi chết dần mòn khỏi phải mang tiếng với quốc tế.)

Qua cơn bỉ cực đầu tiên, tôi phải đương đầu với đại dương trùng sóng và đói khát.  Người đã mệt lã đi, lại cứ nôn mửa suốt hơn cả tiếng đồng hồ.  Tôi say sóng cũng thường rồi, nhưng lần này uống nhằm mấy ngụm nước có thuốc trị cá mập, tôi ói ra hết mật xanh, mật vàng. Vừa ói vừa rên, tôi cảm thấy người không còn chút sức lực nào.

Nhìn lại xung quanh, tôi thấy tất cả có năm chiếc bè, bốn lớn và một nhỏ, hầu hết đã bị bắn thủng.  Chúng tôi cột chung các bè lại với nhau. Nhưng vì sóng to gió lớn, một cái bè bị tản mác. Mặc dù chúng tôi đã tìm mọi cách nhưng không thể lại gần nó được.  Bè đông người và được cột chum nhau, chìm xuống mặt nước. Chúng tôi không có một dụng cụ nào khác để chèo ngoài những bàn tay hết sinh lực. Trôi đến chiều hôm đó (ngày 19 tháng giêng), chúng tôi thấy một hoang đảo có nhiều cây cối.  Mắt trông thật rõ nhưng lấy tay khoát nước mãi vẫn không sao lại gần đảo được, vì hôm đó sóng quả rất to.

Sau khi kiểm điểm lại chúng tôi chia làm bốn bè:

Bè số 1: coi như bè hướng dẫn, gồm có tôi, Tr/úy Thì, Tr/úy Hòa, Th/úy Mai, HSBT Thành, HSCK Hòa, và TS1GL Thương.

Bè số 2: bè hậu bị tiếp sức, gồm có Th/úy Hùng, TSBT Bằng, TSTV Hoàng, HSTV A, HSTP Lợi, HSTP Tuấn và TT1CK Hà.

Bè số 3: bè tản thương, gồm HS1TP Hưng, HSTP Và, TSQK Tuấn, ThSTP Châu, TSĐT Thọ.

Bè số 4: bè dưỡng thương, đó là một bè nhỏ có hai mảnh ván bé kê lên để bệnh nhân có thể nằm cho không ướt người.  Bè gồm có TSVC Đa, và TSTP Nam.

Riêng về bè trôi dạt không thể cột chùm được kia gồm có: Hạm Phó Trí, Tr/úy Ngân, HS1CK Nữ, HSTP Sơn, HSCK Cứng, TT1TX Long.

Bầu trời đã tối mịt, sóng lại to hơn.  Anh em mệt lã người phần vì đói khát, phần vì mệt nhọc sợ hãi.  Chúng tôi cứ mặc cho bè trôi quanh đây với hy vọng sáng sẽ bơi vào đảo được.  Đêm hôm đó Hạm Phó Trí đã trút hơi thở cuối cùng.  Thân xác Hạm Phó cũng đành giao cho thủy thần định liệu.

Suốt đêm cơn lạnh đã hành hạ cơ thể của tôi, với bộ quân phục ướt như chuột lột.  Anh em cứ ôm gồng lấy nhau mà rung rẩy chờ đêm qua.  Đêm sao qua chậm thế!  Giờ này mới ba giờ đêm, bốn giờ, năm giờ, … trời bắt đầu sáng.  Thật là quái dị.  Đêm vừa qua lại không trăng sao, sáng nay mặt trời lại không mọc.  Phải chăng ông Trời cũng không dám diện kiến một cảnh tượng thê lương trên biển của thủy thủ đoàn HQ10?

Thân mệt nhừ, tôi quay qua quay lại nhìn dáo dác, rồi lẩm bẩm:

“Ủa ! đảo hôm qua đâu ?! Thôi rồi anh em ơi, chúng ta không biết đã trôi về đâu?!”

Ai nấy đều lộ vẻ thất vọng. Khi TS1GL Thương mang ra được một la bàn cầm tay thì chúng tôi mới hỡi ơi là hiện tại luồng nước xoáy đang đưa bè theo hướng Đông Bắc, nếu muốn vào đảo anh em phải chèo ngược lại theo hướng Tây Nam.

Cơn đói khát lại hành hạ.  Sau khi kiểm điểm thì thấy bè số 1 không có bao thực phẩm nào cả dù rằng dây buộc vẫn còn đó.  Bè số 2, 3 mỗi bè gồm một bao thực phẩm chứa 20 lon nước (cỡ chai coca-cola) và 12 bao kẹo, mỗi bao gồm 8 miếng kẹo.   Thế rồi phải lấy ra gom lại chia đều ra.  Trong đó có 6 bao kẹo không thể sử dụng được, nhưng cũng để dành lại đó.  Chúng tôi khui những lon nước, mỗi người hớp một ít, và ăn một miếng kẹo.

Những người bị thương nặng như TS1GL Thương, TSQK Tuấn, có lẽ bị mất quá nhiều máu nên họ cứ đòi nước mãi.  Ngày đầu tiên trôi dạt trên biển chúng tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ lên được một đảo nào đó gần đây, hay có thể được chiến hạm của ta ra cứu vớt, nên vấn đề uống nước ngọt chưa bị hạn chế.  Nhất là nghe các anh bị mất nhiều máu rên rỉ gọi khát chúng tôi chúng tôi không đành nên cho họ uống cả lon.  Khoảng 9 giờ sáng ngày 20 tháng Giêng, TSQK Tuấn đã ra đi một cách âm thầm không một lời trối trăn,  mà cách đó ba bốn giờ đồng hồ miệng cứ kêu la khát, khát quá…. Ý thức được rằng sẽ còn nhiều ngày lênh đênh trên biển nữa, nước ngọt rất cấp thiết, chúng tôi tự hạn chế trong việc sử dụng nước ngọt và kẹo. Bè cứ mặc cho dòng nước đưa trôi. Sáng hôm nay lại nghe những tiếng súng nổ vang.  Chúng tôi thắc mắc phải chăng chiến hạm tăng phái của ta đã đến và một cuộc hải chiến lại tiếp diễn?

“Anh em hãy gắng sức chèo về hướng Tây Nam, đúng hướng đó rồi, hướng của những hòn đảo hôm qua ta tranh giành.”...

“Cố lên anh em, chúng ta sẽ sống nếu gặp lại tầu bạn.”...

Khoát nước, chèo mãi vẫn không đi tới đâu.

“Thôi chúng ta tháo hai miếng ván của bè nhỏ để chèo đi, chèo mãi theo hướng Tây Nam sẽ đến đảo ngay.”

“Anh em cứ cố gắng lên, đừng nghỉ tay, nếu không công trình khoát chèo, bơi từ sáng đến gìờ coi như hoang phí.  Đêm nay chúng ta luân phiên chèo nhé!”...

Bè nay đã được cột chùm vào nhau; lúc đầu cột ngang nhau, nhưng sóng đập mạnh, các bè cứ va đập vào nhau.  Bè lật, vỡ bể thêm ra.  Sau cùng đành cột theo hàng dọc nối đuôi nhau.  Bè của tôi dẫn đầu, sau đến bè số 2, số 3, rồi bè nhỏ.  Những bè sau đa số là anh em bị thương, mệt mỏi, chán nản, nên chỉ còn chúng tôi (Tr/úy Thì, Th/úy Mai, Th/úy Hùng, Tr/úy Hòa, HSTV A, và tôi) là những người còn đủ sức để chèo.   Đêm đó cứ luân phiên nhau mà chèo. Lúc đầu dựa vào hướng của la bàn, nhưng trong đêm tối la bàn đã bị đánh mất, phải nhờ các vị sao định hướng để chèo.  Suốt đêm anh em chỉ được nghỉ ngơi đôi chút.

Khoảng sáu bảy giờ sáng ngày 21 tháng Giêng, thình lình tôi thấy hướng Tây Bắc có hỏa châu lóe lên rồi mất hẳn.  Tôi mới hô to:“Có hỏa châu, một là chiến hạm tìm kiếm ta, hai là lính địa phương quân trên đảo.  Anh em hãy chèo về hướng đó nhanh lên!”

Nhưng trời chưa tha bọn người hoạn nạn như chúng tôi. Sáng hôm đó sóng quá to, hơn nữa lại phải chèo ngược sóng, cho nên cứ chèo mãi mà hình như bè vẫn ở tại chỗ.  Buồn thay, buổi sáng nay thêm một bạn đồng nghiệp nữa lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt - TS1GL Thương.  Buổi chiều, thêm TSĐT Thọ từ giã anh em.  Xin được mỹ miều chua xót ghi là “Sáng, thủy thần lại gọi thêm trình diện thủy cung. Chiều, thêm người theo hạm trưởng đi công tác đáy biển bằng tàu ngầm HQ10.”

Có lẽ trước vài tiếng đồng hồ mà thủy thần gõ cửa kêu tên, mọi người đều nghe văng vẳng bên tai một cách yếu ớt “Khát quá … khát quá …”  Tinh thần của anh em lúc này có vẻ giao động, nghĩ đến giây phút thần chết sắp gọi tên mình, nghĩ đến những bạn đồng đội đã đi “công tác trên tầu lặn với hạm trưởng.” Nếu không muốn nói là mọi người như sắp điên loạn.  Chiều hôm đó Thượng Sĩ Châu hỏi tôi:

“Đây cách Đà Nẵng bao xa?”.

“Khoảng trăm mấy, hai trăm hải lý.”, tôi nói.

Thế là ông tuyên bố ai muốn cùng đi với ông ta về Đà Nẵng thì đi, nếu không ông sẽ đi một mình!  Đoạn ông đẩy những anh bị thương trên bè xuống biển.  Thế rồi chúng tôi lại phải thất công lần lượt kéo từng người lên.   Thượng Sĩ Châu đã mất trí !!

Ban ngày nhìn thấy chim hải âu bay qua lượn lại, chúng tôi cứ hy vọng gần đây sẽ có đảo.  Nhưng nhìn dáo dác, biển cả vẫn hoàn toàn biển cả.  Kẹo và nước ngọt đều dùng cạn.  Anh em bắt buộc phải dùng những lon không đã hết nước, pha nước tiểu với nước biển để uống.  Lúc bấy gìờ không ai để ý đến đói, nhưng cơn khát hoành hành cảm thấy thấm thía.  Đêm đó ai nấy đều mệt nhừ, đến nỗi các giây cột các bè lại với nhau đứt hồi nào không hay.

Sáng hôm nay, ngày 22 tháng Giêng, tỉnh dậy tôi không còn thấy một bè nào cột bên cạnh bè mình.  Nhìn về trước, một bè trôi khá xa.  Ngó về phía phải cũng thấy một bè, nhưng cố gắng chèo mãi mà không sao tới nổi.  Dần dần những bè đó khuất dần ngoài tầm mắt của tôi  Trưa rồi lại chiều.  Chân tôi giờ này sưng thủng, không sao cử động được, miệng cứ tự động thều thào hai tiếng “khát quá … khát quá”.  Mắt, miệng đã sưng vù lên.  Th/úy Mai đã nói lâm râm:

“Ch/úy Ngưu chắc không qua khỏi đêm nay.”

Tai tôi vẫn nghe thấy những tiếng đó, đầu óc tôi cũng biết rằng mình không thể nào thoát khỏi tử thần trong đêm nay - có lẽ giờ này hạm trưởng đang cứu xét mình có đủ điều kiện đi tàu lặn HQ10 chăng?

 Chiều hôm đó, khoảng sáu giờ, anh em chuẩn bị ôm lấy nhau để qua đêm rét buốt.  Thình lình HSCK Hòa thét lên: “Có tàu!”

“Ôi ! tàu đâu, tàu đâu?”

Một cứu tinh hiện trước mặt.  Lúc đó tự dưng tôi bật đứng lên trên bè được, tay gỡ áo phao đỏ mà phất.  Tôi hy vọng họ sẽ phát giác ra mình, dù rằng chiếc tàu cứu tinh còn cách bè mấy hải lý.


Tàu dầu Kopionella của Shell Hòa Lan



“Phải rồi ! Chúng ta đã sống, tàu đang ngừng!”

“Có lẽ họ đã phát hiện chúng ta, anh em cố chèo về hướng tàu nhanh lên, nếu đêm tối họ sẽ không nhìn thấy để cứt vớt ta, la lớn lên anh em.”

“ Một hai ba... Ô!”  “ Một hai ba... Ô!”  “123...Ah!”  “123... Ah!”, một mặt lo chèo, mặt khác la to lên.

“Hình như bè không tiến tới chút nào cả, và tàu họ cũng không vận chuyển!”

“Anh em ơi, nhẩy xuống bơi!”

Nhưng hơi sức đâu mà bơi nữa.  nhất là vùng này đầy cá mập, nay thuốc chống cá mập lại không còn.

“Ô kìa! tàu quay đi đâu? thôi chết rồi, hết hy vọng rồi,  cố lên anh em!”

Hy vọng xen lẫn thất vọng.  Màn đêm đang dần dà bao phủ thì bỗng xa kia ánh sáng đèn tàu rực lên.  Ôi chao! Trông chiếc tàu dễ thương biết bao!  Sau đó một ánh đèn pha rọi sáng và từ từ di chuyển.

“À ! họ đã thả dzu dzu ra để vớt chúng ta.  Sao họ chạy đường kia?”

“Có lẽ họ đang vớt đồng đội mình.  Kìa, họ tới mình, la lên cho họ biết anh em!”

 “Ah ! Oh ! help us sir, please help us.” 

“Okey, take it easy, be careful.  Are there any wounded ?”

“Yes sir, most of us are wounded.”

“All right …”

Chiếc dzu dzu từ từ cặp sát bè và đưa chúng tôi lên. Dzu dzu chạy một cách chậm chạp về tàu.  Trên dzu dzu ngoài một nhân viên lái, và hai nhân viên phụ tá còn có vị thuyền phó người Hòa Lan, tay cầm một máy truyền tin đang liên lạc với thuyền trưởng,.  Chiếc dzu dzu cặp sát vào tàu.  Trên tàu, các thủy thủ người Hồng Kông đang thả dây xuống, móc vào dzu dzu.  Thế rồi dzu dzu được nhẹ nhàng kéo lên.  Khi thành của dzu dzu ngang với boong tàu, một cầu thang bật ra, lần lượt cứ hai nhân viên lại dìu một người chúng tôi lên tàu.

Họ đưa chúng tôi vào một phòng ngủ, cởi tất cả quần áo ướt  ra, đắp cho mỗi người một tấm chăn, rồi cho chúng tôi luân phiên đi tắm rửa bằng nước ấm.  Cùng lúc đó họ đem cho chúng tôi sữa tươi, cà phê, soup, thuốc lá.  Sau đó thuyền phó hỏi tôi là hình như trong nhóm có một lieutenant.  Tôi đáp lại rằng chỉ có Lieutenant Junior Grade (tức là trung úy) và chỉ Tr/úy Thì.  Ông  đưa Tr/úy Thì đi tắm rửa và lên phòng  ông để liên lạc với Hải Quân Việt Nam.

Chúng tôi đã thật sự sống lại.  Ngay khi đó đồng hồ tôi chỉ đúng 12 giờ khuya, tôi hô to lên với anh em:

“Chúng ta đang qua đêm giao thừa trên chiếc tàu Hòa Lan Kopionella, vị ân nhân của chúng ta!”...

 Ghi chú:  Th/úy Nguyễn đông Mai là một sĩ quan hiện dịch, xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trước khi xảy ra trận chiến anh đã có nghị định và sắp đến ngày đeo lon Trung Úy; sau khi trở về, Tr/úy Mai được đặc cách thăng cấp lên chức Đại Úy. 

Tác giả: HQ Th/úy HHTT Tất Ngưu HQ10
Bổ túc chi tiết: HQ Th/úy HHTT Nguyễn văn Kết HQ11
Sửa kỹ thuật: HQ Th/úy K25NT Lê văn Kim
Giới thiệu và đánh máy: HQ Th/úy HHTT Phó thịnh Đường
Yêu cầu:  Tất cả bạn hữu và chiến hữu Khóa 25 SQ/HQNT và IOCS