Monday 5 March 2018

Bông Cỏ Hột Lựu

Bông Cỏ
 
Trưa hè ở Sàigòn trời nóng chang chang. Nhóc con thường thì phải ở trong nhà để ngủ chút xíu. Giấc ngủ buổi trưa chỉ là cơn chợp mắt nhanh nên đôi khi thức dậy thì bần thần chưa tỉnh táo.
 
Như chúng ta đều biết, gánh hàng rong ở Sàigòn nhiều vô số kể. Đó là một cách mưu sinh cho những người dân hiền lành, chân chất làm ăn nhưng không khá giả cho lắm vì ít vốn liếng. Nếu ai giàu có thì mở cửa hàng to lớn và ngồi trong bóng mát tha hồ mà buôn với bán.
 
Những đôi gióng gánh oằn vai bươn chải theo nhịp sống đời và cũng trôi nổi theo ông mặt trời tươi cười tròn xoe trên thiên đỉnh vào buổi sáng và buồn ngủ muốn khép mi khi hoàng hôn nghiêng chao để mau chóng đóng kín một ngày. Không những các bước chân rắn chắc, sạm gót, dạn dày phong sương in dấu trên mặt đường vào ngày nắng mà còn phải dẫm vào các vũng nước lạc lõng trên đường và khoác vào tấm thân yếu gầy chiếc áo tơi để che mưa.
 
Mưa Saigon thường buông rơi bất chợt
Đến và đi như trốn bắt trò đùa
Đôi chân gầy cứ thoăn thoắt đuổi xua
Chen hạt nước vừa đong đưa trơn trợt
 
Buổi trưa, phố xá còn trong khoảng giờ làm việc, các công sở chưa tan nên các ngả đường còn chút im tiếng xe cộ hơn là buổi chiều hối hả tản hàng. Tiếng rao thánh thót của các chị, cô, chú bác đều vang vang khắp xóm khi mà tiếng ồn ào của các động cơ chưa đến lúc bật đèn xanh để thi nhau nổ vang rầm trời trên con lộ chính to rộng. Đó cũng là đại lộ huyết mạch trong phố Sàigòn nối liền ra con đường đi về Lục Tỉnh miền tây.
 
Nếu nhắc nhớ món ăn thích hợp cho buổi trưa còn nhè nhè chưa tỉnh hồn thì tiếng rao vui tai và lanh lảnh ru hồn người, tôi không thể nào không ghi lại vài giòng chữ vui vui của chị bán bông cỏ hạt lựu.
 
Chị có dáng người dong dỏng cao, ốm gầy chứ không nhỏ con như bà Phò bán bánh cuốn buổi sáng.  Tôi chỉ biết nhà chị ở lòng vòng chung quanh Ty Trồng Tỉa - Vườn ươm cây chuyên cung cấp các loại cây kiểng cho thành phố, phía bên kia đường Nguyễn Văn Thoại mà thôi.  Mỗi ngày, chị phải băng ngang con đường đông đúc người và xe này rồi mới nhanh nhẹn bước đôi chân thoăn thoắt vào dãy nhà ngoài mặt tiền đường.  Khi chị gần đi tới cái ngã tư đèn đỏ thì tiếng rao của chị đã báo hiệu cho bé con đang ngồi sẵn và nôn nao chờ đợi món ăn mát ruột lành lạnh này rồi.
 
Món ăn đơn giản được làm từ hạt bông cỏ nên nó trong suốt và bồng bềnh đẹp mắt lắm.  Nhìn cái thau bông cỏ mềm mại như làn sương mong manh, pha màu hơi hơi vàng nâu thật nhạt.  Chỉ riêng món thạch bông cỏ thì không thể nào có hương vị quyến rũ lòng người được vì nó rất đơn giản và không bắt mắt tí nào.  Những thứ phụ thuộc lúc nào cũng chung tình đi theo thạch bông cỏ là mấy nàng hột lựu màu đỏ cam hay màu đỏ rực rỡ.
 
Màu nâu nhạt của thạch bông cỏ làm nền cho màu đỏ hột lựu thì trơn tru cũng chưa đủ hấp dẫn để dụ dỗ mắt người.  Một màu sắc quyến rũ không thể nào thiếu vắng trên cái chén bông cỏ hạt lựu này không khác chi là nước dừa thơm mùi nước chuối.
 
Ôi chao ơi, cả ba màu đẹp đẽ quấn quyện vào nhau cho tôi một khung trời ngây ngất đến mê say, vừa thơm tho hớp hồn mà còn ngọt lịm với một muỗng nước đường trong veo được chỉ chủ dịu dàng chan phơn phớt lên mặt cái chén thạch bông cỏ hạt lựu.  Cái chén be bé chứ không to lớn bằng cái chén ăn cơm ở nhà.  
 
Hai cái lồng đen như hai hột nhãn của tôi như bị thôi miên.  Đôi mắt bé con cứ chăm chú nhìn theo từng điệu bộ khoan thai và mải mê nhìn theo từng cử chỉ nhịp nhàng của bàn tay lẹ làng của chị bán hàng.  Vả lại, khi chị đưa cho tôi cái chén đầy sắc màu đẹp xinh, thơm tho nức mũi, bay bồng bềnh đến vút trời mây, chị không bao giờ quên kèm theo nụ cười tươi:
 
 
-          Nè em, coi chừng nó nghiêng đổ.

 
Tại vì lúc ấy tôi còn bé lắm và đôi bàn tay cũng tí xíu nên còn vụng về khi cầm cái chén trong tay.
 
Theo tôi, cái tên “bông cỏ hạt lựu” dài bốn chữ thì tiếng mà chị rao hàng, nhất định phải là:

 
-          Bông cỏ hạt lựu……đây……...

 
Chị chủ hàng rong chắc hà tiện lời nói hay sao đó nên câu kệ rao hàng ngân nga của chị không giống như mọi người khác. Những đôi gióng gánh trong xóm, ai cũng muốn khoe khoang lời trầm bổng để ru hồn người vào các món ăn của mình nên tiếng rao phải được phát âm rõ ràng, cho mọi người biết “mình bán món gì.”
 
Chất giọng trầm êm, bay cao thánh thót hay lanh lảnh chát chúa đều là điệu nghệ của từng người. Mỗi âm vang mở đầu, theo tôi, phải là chất giọng cao vút, quá là đặc biệt và hay ho làm sao ấy. Tiếng rao của chị bán bông cỏ hạt lựu quá đặc biệt, đặc biệt cho đến nỗi nó đã in khắc vào ký ức của tôi cho đến hôm nay.
 
Sau bao năm xa xứ tôi vẫn còn nhớ hoài tiếng ngân nga như chim hót của chị. Tiếng chim réo rắt dễ thương này đã và đang bỗng dưng gợi nhớ trong tôi một góc trời quá xa tầm tay vói trong những buổi trưa hè êm ả ở góc phố Sàigòn thương nhớ bên kia bờ đại dương.
 
 
Bông …..c…ỏ…..!!!!!!!!
 
 
Chỉ là hai chữ đơn giản này nhưng âm thanh tuyệt diệu thì tôi khó có thể tả lại cho đúng được.
 
Lạ lắm !!!
 
 
Chữ “bông” bắt đầu hình như nằm im trong miệng và tai tôi chỉ còn nghe được chất giọng của chữ …cỏ và ngay sau đó thì làn hơi thánh thót mất dần và tôi chỉ còn nghe điệu ru thỏ thẻ êm tai của chị như bay vút theo mây xanh.  Tôi cứ thắc mắc hoài và tự hỏi:
 
-  Có lẽ chữ “bông” là nốt nhạc quá thấp, thấp đến mức độ cái âm vang siêu thanh chỉ còn lắng đọng trong cổ họng. Nhờ vậy mà tiếng ngân nga ngọt ngào của chữ …cỏ…là lời rao duy nhất còn sót lại để đi vào lòng người mà thôi.  
 
 
Tôi đoán như vậy……??!!
 
Bạch Liên