Friday 16 March 2018

Chợ Tết Sinh Viên: Hy vọng tươi sáng của thế hệ tiếp nối. - Trịnh Thanh Thủy thực hiện

Có lẽ thế hệ cha anh trong cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại trên toàn thế giới nói chung đã đến lúc an tâm mà trao trọng trách bảo tồn văn hóa ngàn đời cho thế hệ con cháu của mình. Tôi muốn dẫn chứng một điển hình là thế hệ con cháu đã làm và làm rất giỏi công việc này, đó là giới trẻ đã thực hiện một chợ Tết tại thủ đô tị nạn của người Việt mà bà con người Việt ở đây quen gọi là “chợ Tết sinh viên”. Và đây là một chợ Tết quy mô nhất về phẩm lẫn lượng tại toàn hải ngoại, chứ không chỉ ở Hoa Kỳ.
 
blank
Pic 1 Vua quan ngày xưa
 
blank
Pic 2 Quang cảnh chợ Tết hàng ngàn người
 
blank
Pic 3 Du ca Nam Cali

Tết hải ngoại năm nay phải nói là được trời thương, nhất là ở Nam Cali. Thời tiết đang lạnh bỗng trở nên ấm áp, đang mưa chợt nắng đúng vào ba ngày Tết cuối tuần. Mồng một Tết dành cho gia đình, lễ chùa, hái lộc. Mồng hai, tôi theo bạn bè dạo chơi chợ Tết sinh viên để tìm lại không khí những ngày đầu xuân ở quê nhà. Hơn thế nữa, tôi muốn đến đây để được hoà mình vào không khí vui nhộn, tươi trẻ và đầy sức sống của thế hệ con cháu, thứ hai, thứ ba tưng bừng hiện diện ở đây.


Mới bước vào tiếng chiêng trống rộn ràng của đoàn múa lân khai mạc lễ hội đã làm tôi nức lòng. Pháo nổ đinh tai, những xác pháo rải hoa trên không như những đốm confetti đỏ bay phơi phới trong nắng xuân. Tôi đến vào đúng buổi trưa thứ Bảy vào lúc lễ khai mạc được rầm rộ bắt đầu. Đi chợ Tết sinh viên mỗi năm, chưa bao giờ tôi thấy đông như lần này. Điều làm tôi choáng ngợp là những tà áo dài phất phới ở khắp nơi, nữ cũng như nam, già cũng như trẻ, hầu như ai cũng diện cho mình một bộ áo dài đẹp và nổi bật nhất. Với sự phát triển của thời trang, phái nam những năm gần đây rất thích mặc áo dài diện vào dịp Tết và lễ lộc.
 blank
Pic 4 NV Doãn Quốc Sỹ 95 tuổi cầm bài vừa hát vừa đánh nhịp.
 blank
Pic 5 Xe hủ tiếu gõ
 blank
Pic 6 Xe bánh mì
 blank
Pic 7 Xe xích lô đạp

Chiếc áo dài đàn ông ngày nay đã được cải cách, chất liệu vải và các hoa văn phối đủ màu, đủ kiểu được chọn cho phù hợp với đường nét đầy nam tính. Chúng lại được cắt may khéo léo rộng rãi, tạo sự thoải mái khiến phái nam ai thử vào cũng đều hài lòng và sắm cho mình một bộ để dành.
Có hai sân khấu để trình diễn văn nghệ, một trong rạp và một ngoài trời, cùng khai mạc vào lúc một giờ. Bên trong thì các vị dân cử cùng ban tổ chức lên thưa chuyện cùng quan khách. Lân, trống, hát, vũ, các tiết mục đặc sắc đã làm chương trình thật xúc tích. Như mọi năm màn lễ rước tổ với đủ bá quan văn võ, nhà vua và hoàng hậu, võng lọng, quân hầu luôn gây nhiều ấn tượng cho người xem vì trang phục nhiều màu và rất đặc sắc.
 
blank
Pic 8 Quán thi đố vui địa lý VN
blank
Pic 9 Quang gánh

blank
Pic 10 Quán Thả Thơ
 blank
Pic 11 Cầu tre lắc lẻo

Tôi rất yêu “Làng Việt Nam” trong chợ, vì đây là nét đặc thù của chợ Tết sinh viên mỗi năm mà trong đó những văn hoá truyền thống được lưu giữ, lập lại, nhưng luôn luôn được làm mới. Năm nay cái làng này được mở rộng và tăng cường với rất nhiều vật trang trí mới mang biểu tượng một ngôi làng, một thôn xóm khuôn mẫu của văn hoá Việt Nam. Những: Xe xích lô, xe taxi kiểu cổ, xe mì gõ, xe bánh mì ổ, quang gánh của người buôn thúng bán bưng, tiệm may y phục, cầu tre lắc lẻo, nhà sàn, quán nước nghỉ chân..v..v… là những thứ hấp dẫn nhiều nhất. Ai cũng tranh nhau xếp hàng để được đứng bán mì gõ, bánh mì ổ, đạp xích lô, gánh hàng bán, và say sưa chụp hình. Sự tham gia trực tiếp vào các thiết kế này tự nó tạo nên một cuốn phim hay bức tranh sống động đáng yêu hơn cả những bức tranh Tết, chợ quê mà chúng ta thường thấy. Nhìn các em gái trẻ, đẹp, xinh xắn ngồi vào bàn máy may làm dáng chụp hình, hệt như cô thợ may tỉnh lẻ trông dễ thương vô cùng. Xe mì gõ và xe bánh mì ổ, được chiếu cố kỹ nhất. Bởi nó có một cái gì rất quen thuộc, rất quê hương đặc thù, mà ở đây nếp sống văn minh không có. Nó gợi nhớ Sài Gòn, nhớ quá khứ, và đặc biệt là văn hoá ẩm thực, hàng ăn vặt đường phố, những mảng đời sống mà người Việt tha hương đã bỏ lại phía bên kia đại dương.
 blank
Pic 12 Hai câu đối
 blank
Pic 13 Gian hàng Hướng Đạo
 blank
Pic 14 Các em võ sinh

Sân khấu ngoài trời có đoàn Du Ca Nam Cali hát khai mạc. Rất đông người ngồi nghe và có bài hát để hát theo một cách hào hứng, vì lối tổ chức của du ca là cho cộng đồng nên ai cũng hát theo được. Tôi bắt được hình ảnh nhà văn Doãn Quốc Sỹ ngồi dưới hàng khán giả, một tay cầm bài hát, một tay đánh nhịp, lẩm bẩm hát theo. Một hình ảnh thật cảm động. Nhìn ông mạnh khoẻ, tráng kiện như thế không ai ngờ hôm nay là ngày sinh nhật thứ 95 của ông. Ngày xưa ông cũng là một Du Ca viên. Sau năm 1975, ông bị chính quyền CS Việt Nam giam cầm nhiều lần vì tội "viết văn chống phá cách mạng", tổng cộng là 14 năm. Ông có tên trong danh sách những tên “biệt kích văn hóa”, bị bắt trong chiến dịch khởi động ngày 3 tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng hàng trăm nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhân sĩ miền Nam bị xếp hạng là “phản động".
Tôi gặp Phạm Minh và ban tổ chức của Chợ Tết Sinh Viên hỏi và được các em giải đáp một số thắc mắc như sau:
-       Xin em cho biết số thiện nguyện viên của năm nay? Họ làm gì?
-        Năm nay chúng em có khoảng chừng 1,000 thiện nguyện viên. Trong số thiện nguyện viên đó khoảng 250 thành viên thuộc khoảng 14 ban ngành như sau: Các Cuộc Thi, Trang Trí, Văn Nghệ, Tài Chánh, Tiếp Tân, Kỹ Thuật ....v..v ..Họ là các học sinh, sinh viên, và các anh chị đã tốt nghiệp, đến để góp một bàn tay. Họ từng tham gia Hội Tết Sinh Viên khi còn bé và nay tiếp tục góp tay trong phần tổ chức. Có người chưa từng tham gia, nhưng vì thích tìm hiểu thêm về văn hoá Việt Nam, họ đã góp phần trong năm nay. Tất cả làm những công việc khác nhau tuỳ theo sở trường. Các em nào muốn học thêm những kỹ năng lãnh đạo thì được chủ động trong phần lãnh đạo các nhóm. Chúng em cùng làm việc trong tinh thần dân chủ, nhất là phải đến nơi đến chốn để tập thói quen và tích lũy kinh nghiệm cho việc ra đời sau này.
Riêng Làng Việt Nam, chúng em có sự hợp tác của hơn 30 hội đoàn (bao gồm các liên đoàn hướng đạo, các trung tâm việt ngữ, và nhiều hội đoàn khác nhau) từ mọi lứa tuổi đến để đóng góp những kinh nghiệm và giúp dựng lên một ngôi làng VN. Mục tiêu tạo cho người đến có những cơ hội để nhớ lại hình ảnh quê hương Việt Nam. Chúng em có 300-400 thiện nguyện viên giúp những việc như làm cảnh cho các quan khách chụp hình, các quân binh lính canh gác những cổng làng. 
-       Ngoài tiền vé thâu được ngoài cửa và gian hàng cho thuê các em có nhận được tài trợ nào từ phía chính phủ hay cơ quan thiện nguyện nào không?
-       Thưa chị, ngoài các khoảng tiền vé và tiền cho thuê gian hàng, hằng năm tại Hội Tết Sinh Viên chúng em luôn nhận được sự giúp đỡ trong việc quảng bá từ các đài truyền thông báo chí, các cơ sở thương mại, các nhà tài trợ và các cá nhân có lòng hảo tâm mà muốn giúp những thế hệ trẻ chúng em gìn giữ văn hoá Việt Nam và để tiếp tục dấn thân phục vụ cho cộng đồng. Còn phần tài trợ từ phía chính phủ thì chúng em mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều cơ quan biết đến công việc làm của các em và sẽ tài trợ nhiều hơn.
-       Khi thiết lập các gian lều mang đậm phong tục tập quán VN, các em tự tìm hiểu các văn hoá truyền thống để làm hay có người lớn chỉ bảo? Em và các bạn có thể kể cho độc giả một vài kỷ niệm vui đáng nhớ lúc trang trí, thiết kế hay sửa soạn cho hội chợ không ?
-       Thưa chị, để dựng nên một Hội Tết Sinh viên mang đậm phong tục tập quán Việt Nam chúng em vừa tự tìm hiểucác văn hóa truyền thống qua những sách vở, mạng truyền thông xã hội và rồi xác nhận lại với những thế hệ đi trước, như các vị giáo sư từ các trường đại học, các chuyên gia, các vị đại diện các hội đoàn, những anh chị cựu sinh viên của Tổng Hội Sinh Viên và người trong gia đình chúng em để tư vấn.
Đáng nhớ nhất là ngày thứ bảy với lễ khai mạc vì khi ấy ai nấy trong làng Việt Nam và các anh chị em của Tổng Hội Sinh Viên đều mặc những bộ áo dài để cử hành nghi lễ chào quốc kỳ Hoa Kỳ và Việt Nam trước cả ngàn quan khách. Có các vị dân cử chức vụ cao cấp từ liên bang đến địa phương tham dự. Chúng em thích xem các bạn từ Làng Việt Nam làm lễ rước tổ trong trang phục VN trông rất oai.  
Dĩ nhiên là tình anh chị em biết giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn thật là quí. Tuy là các em đã trải qua 37 năm, các anh chị vẫn trở lại để phụ các em, bỏ tiền túi của mình mà mua đồ ăn cho các em, những điều đó thật là quý và khó quên khi mình được gần gủi với các anh chị như một đại gia đình.
 blank
Pic 15 Các thiếu nhi Hướng Đạo múa
 blank
Pic 16 Á khôi duyên dáng của Hoa hậu áo dài
 blank
Pic 17 Gian Hàng ​m​ay​ ​mặc​

Nghe các em tâm tình tôi lòng tôi bỗng rưng rưng cảm động. Tương lai con em chúng ta đó các bạn đọc, các em cùng làm việc nâng đỡ, giúp nhau vừa học hỏi vừa tạo kinh nghiệm cho mai sau cùng vững bước trên đường đời có còn gì bằng. Điều quan trọng là giữ được truyền thống cha ông trong văn hoá phương Đông, hoà hợp cùng cái hay của văn hoá xứ người để kết hợp nên con người toàn chân thiện mỹ cho tương lai, sao chúng ta không cùng nhau hỗ trợ và chung lưng góp sức với các em phải không các bạn ?
Trịnh Thanh Thủy thực hiện