Không ngờ hơn ba mươi năm sau tôi gặp lại chú Niệm, một chiều Xuân nơi đất khách quê người. Dưới bóng cây đào còn lại ít hoa nở muộn màng khi mùa Xuân qua, trước mặt tôi, chú Niệm ngày xưa hôm nay là hình ảnh người đàn ông đứng tuổi, tóc ngả bạc, vẫn trầm lắng và cũng rất dịu dàng như ngày trẻ tuổi. Tôi bỗng nhớ lại mình năm mười bảy tuổi, dạo ấy cũng vào mùa Xuân, chú Long tôi về Cần Thơ ăn Tết, dẫn theo chú Niệm, người bạn cùng đơn vị.
Những hình bóng của năm xưa, nay tất cả chỉ còn dìu dịu như vạt nắng Xuân trước sân nhà. Hai mảnh đời hay bao nhiêu mảnh đời đã có số phận khác nhau, giữa chú và tôi chỉ là sự kính trọng và cảm thông thật sâu sắc, khi có cùng chung một kỷ niệm. Gặp lại chú, tôi không thể không nhớ đến mùa Xuân óng ả thời con gái. Một buổi chiều, trước khi chú Long và chú trở ra đơn vị, chú đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện về biển, dưới gốc mai già trước cửa, những cánh mai vàng rụng đầy trên sân, khiến chiều Xuân chợt như buồn theo những cánh mai vàng rụng tả tơi trong gió.
Ngày này năm xưa, tôi đã có nhiều buổi tối ngồi một mình, áp tai vào con ốc nhỏ của chú tặng, để tưởng tượng ra tiếng sóng rì rào của biển khơi, để hình dung ra những con tàu vượt xa hằng bao nhiêu hải lý. Tôi đã nhớ chú một mình như thế, nhớ mãi lời chú ví von mình như cọng hoa lục bình lẻ loi trôi trên dòng sông Hậu. Để rồi, năm chiến tranh chấm dứt, những chuyến tàu Hải Quân tiến ra Biển Đông, cũng là chuyến cuối cùng của đời lính biển.
Năm ấy tôi mười bảy, chị Nguyên mười chín. Khi chú Niệm trở ra đơn vị, thỉnh thoảng gửi về cho hai chị em một lá thư, rồi khi có phép, chú thường mang về cho hai đứa vài món kỷ niệm của thành phố biển. Chiếc lược bằng đồi mồi, vài con ốc thật đẹp. Sau đó thì tôi mơ hồ rằng không phải chỉ mình tôi nhớ chú, vì có lần bắt gặp chị Nguyên viết đầy hai chữ "kỷ niệm" vào trang sau của một cuốn sách. Chị em tôi như hai dòng sông cùng đổ ra biển là chú Niệm, dòng thì êm đềm, còn dòng lại cuộn sóng. Chị Nguyên dành cho chú thứ tình cảm thật trầm lặng, còn tôi thì có đủ yếu tố để làm đứa trẻ con hay vòi vĩnh, bởi vậy nếu phải chọn lựa, không biết chú thương ai hơn?
Chỉ mãi sau này, khi chú Long và chú đi xa, xa hẳn quê hương, chị Nguyên ra trường đi dạy học rồi lấy chồng ở Long Hải, tôi mới có dịp ra thăm chị. Lang thang trên bãi vắng dưới rặng phi lao rì rào, không hiểu sao lúc còn một mình trên bờ cát ướt, tôi đã viết tên chú nhiều lần, rồi ngồi chờ những lượn sóng xô bờ xóa đi tất cả. Tên chú chỉ còn là những nét lờ mờ trên nền cát ướt, giống như lúc ấy chú cũng dần phai trong những hồi tưởng của tôi.
oOo
Bên ly trà nóng nơi chiếc bàn sau vườn, chú Niệm nhìn tôi như để tìm lại những nét dễ thương của tuổi trẻ ngày nào. Chú hỏi:
"Chị Nguyên bây giờ ở đâu hở Ngọc?"
Tôi buồn rầu nhớ đến người chị dễ thương của mình. Đúng là số mệnh, chị vẫn khá vất vả với nghề gõ đầu trẻ:
"Chị lập gia đình rồi đi dạy ở Long Hải, tháng trước có viết thư cho Ngọc, than thở cuộc sống vất vả quá, vì mấy cháu học xong ra trường cũng chưa kiếm được việc làm, xã hội nào cũng 'nhất thân nhì thế' chú ạ."
Chú Niệm nói: "Thế à!" với một vẻ thờ ơ, nhưng chỉ tôi mới cảm được sự ngậm ngùi của chú. Tôi có cảm tưởng là ngày xưa hình như chú cũng có cảm tình với chị Nguyên, nhưng vận nước nổi trôi đã mang theo tất cả. Tôi hỏi chú:
"Chú đã về Việt Nam lần nào chưa?"
Chú gật đầu, đôi mắt lắng một chút buồn trong đó:
"Có, một lần, vì còn gia đình bên đó..."
"Chú thấy thế nào?"
Vẫn một câu trả lời cụt lủn, nhưng đầy đủ ý nghĩa nhất:
"Buồn..."
Chữ "buồn" như tiếng ngân của một cung đàn trầm lắng và bi ai. Tôi thắc mắc:
"Ngọc không hiểu chữ buồn của chú. Thất vọng ư? Hay là chú không tìm gặp lại những gì của năm xưa. Nghe nói Việt Nam thay đổi nhiều, Ngọc chưa về lần nào nhưng nghe mấy người về Việt Nam sang đây nói lại như thế. Thay đổi từng ngày, thay đổi đến chóng mặt, chỉ cần một ít lâu không ra đường đã thấy phố phường đổi khác. Đấy là điều đáng mừng phải không chú, nhất là Ngọc vẫn nhớ những năm sau chiến tranh, thành phố tự nhiên tang thương như một chiếc áo rách."
Chú Niệm buồn rầu:
"Phải, chính sự thay đổi ấy đã tàn phá đi nốt những kỷ niệm trong lòng kẻ đi xa, hình ảnh quê hương đằm thắm và dịu dàng của một nền Văn Hoá phương Đông đã gần như biến mất, khiến chú có cảm tưởng mình đánh mất quê hương ngay chính trên quê hương mình."
Im lặng một chút chú tiếp:
"Ngọc có thể cho rằng chú bảo thủ, nhưng khó mà diễn tả nổi sự mất mát của một người xa quê đã lâu, mang theo trong đời những kỷ niệm đẹp về quê hương, cái tinh hoa đẹp đẽ phát xuất từ cái hồn của dân tộc. Nay nhìn ngắm lại quê hương mình, mà cứ tưởng mình đang lạc lõng ở xứ người. Ngọc thấy thế nào? Cái mình mong thay đổi vẫn không thay đổi, còn những cái thay đổi lại rất vô ích cho dân tộc và xứ sở mình..."
"Nghĩa là... Ngọc vẫn chưa hiểu những gì chú nói."
Chú Niệm nói lan man sang chuyện khác:
"Có hai nơi mà chú gửi gấm rất nhiều ở đó, đó là sông và biển. Vì nơi chú lớn lên đã có một dòng sông, và nơi chú trải gần hết đời thanh niên lại là biển. Nơi nào chú cũng có rất nhiều kỷ niệm, dòng sông quê hương và những chuyến hải hành lênh đênh trên vùng biển xa, cho nên khi trở về, chú không thể không tìm về những nơi chốn đó."
Cùng một lúc trong tôi, hình ảnh ngôi nhà xưa ven bờ sông Hậu, có cây mai vàng trước sân, cây mận đỏ với những chùm hoa trắng, và đoá lục bình phơn phớt tím bập bềnh trôi theo con nước. Rồi lại nhớ tới căn nhà của vợ chồng chị Nguyên trong khu biển vắng, có mùi rong biển và cá khô. Dưới xa là ghềnh đá lởm chởm, sóng vỗ bờ rào rạt suốt đêm khuya, ánh trăng như trải một lớp bạc trên mặt biển, lượn sóng vỗ vào bờ chừng như trắng quá khiến lòng rờn rợn nỗi cô đơn, khi chỉ còn một mình lúc nào cũng có thể khóc được.
"Chú đã về thăm lại vùng đồng bằng sông Cửu Long?"
Chú Niệm gật đầu:
"Có chứ, chú có về lại Cần Thơ, ghé thăm căn nhà của gia đình Ngọc năm nào, dù không ai biết chú. Hình như đấy là người bà con của Ngọc, họ có nói với chú là gia đình Ngọc đi đã lâu rồi.”
Chú Niệm dừng lại đưa mắt nhìn tôi như muốn hỏi: "Ngọc còn nhớ không những kỷ niệm cũ?". Tôi yên lặng chờ đợi, hồn lao chao như những đợt sóng biển đạp vào vào bờ cát. Chú Niệm nói:
“Chú đã xin phép được vào thăm lại tất cả, sân trước vườn sau, cây mai trước sân vẫn còn đó, tuy căn nhà bây giờ đã được xây dựng lại. Bây giờ thì hai bên nhà đã rợp bóng cây xanh, và lúc đứng dưới gốc mai nơi ngày xưa có lần chú về nhà Ngọc ăn Tết, trước lúc đi xa chú đã có một buổi chiều ngồi với Ngọc để nhìn những cánh mai vàng rụng đầy sân, nó buồn buồn làm sao đó. Ngọc có nhớ không?"
Mắt tôi bỗng cay cay khi chú Niệm nhắc đến kỷ niệm cũ, "Ngọc có nhớ không?". Có phải chú Niệm của hơn ba mươi năm trước đang nhắc nhở tôi bằng những lời trầm ấm đó, những cánh mai rụng, trong cái tả tơi vương vương một chút ngậm ngùi. Ngày chú Niệm và chú Long đi xa, tôi vẫn thơ thẩn đứng dưới gốc mai, lá mai xanh mươn mướt khi mùa Xuân đã qua. Nhìn ra dòng sông, tôi nhớ chú, nhớ hình bóng một cọng hoa lục bình lẻ loi. Giọng tôi thật xúc động:
"Cám ơn chú đã về thăm chốn xưa của gia đình Ngọc. Nhớ năm nào chú về ăn Tết với chú Long, chưa bao giờ lại có một mùa xuân vui nhiều như năm đó, và những lần sau đó chú ghé thăm, Ngọc vẫn chưa quên. Nhưng Ngọc muốn hỏi chú, sao trở về thăm lại quê hương, chú lại buồn?"
Chú Niệm nhíu đôi chân mày để khuôn mặt vẽ nên một nỗi suy tư thật sâu kín:
"Như Ngọc biết, chú đã chóng mặt với sự thay đổi của những thành phố mình ghé qua, không phải vì sự nguy nga, to tát, bóng bẩy của nó, mà vì chú cảm thấy mình không còn rung cảm như cái đẹp bao nhiêu kỷ niệm mà mình vẫn giữ trong tâm khảm, xem như nó đã chết. Chú muốn nhìn thật gần sự thay đổi của quê hương, xem sức sống của quê hương mình đã vươn lên tới chừng nào. Tốt nhất là làm một chuyến xuôi miền sông Hậu, ghé thăm tất cả những cù lao trên dòng sông mà năm xưa khi còn phục vụ trong một giang đoàn của Hải quân, chú đã từng đi qua đó. Điều khiến chú đau lòng là đã hơn ba mươi năm trôi qua, gần một phần tư thế kỷ mà vẫn còn nhiều làng quê xa xôi buồn hiu hắt, vẫn những mái tranh nghèo xơ xác…"
Tôi ngắt lời chú một lần nữa:
"Sự thay đổi đã làm chú ngán ngẩm, nay không thay đổi cũng làm chú đau lòng, Ngọc không hiểu..."
"Đúng, có cái thay đổi làm tốt đẹp xã hội và con người, có cái thay đổi làm băng hoại cả một nền văn hóa và đạo đức của dân tộc, đấy là điều khiến mình suy nghĩ. Sài Gòn cũng như hầu hết các thành phố ở quê mình, đã hội nhập vào đủ thứ tệ hại của nền văn minh phương Tây, đám trẻ không phân biệt thế nào là đúng, là sai, cho nên vô tình sự thay đổi chỉ là tự sát, đã giết chết và đạp đổ những gì quý giá nền văn hóa phương Đông mà mình nâng niu gìn giữ."
Tôi reo lên như tìm ra cốt lõi của vấn đề:
"Ngọc hiểu rồi, có phải chú muốn nói con người đã đạt được chân lý của kim tiền, và tiền nay đã trở thành cứu cánh để người ta chạy theo, không cần biết hậu quả và sự liên đới của nhiều mặt đi theo nó. Nhớ ngày xưa ở quê nhà, tụi nhỏ hay đọc mấy câu vè như thế này:
"Tiền là Tiên, là Phật
Là sức bật tuổi trẻ,
Sức khỏe của tuổi già,
Cái đà của danh vọng,
Cái lọng để che thân,
Cái cân của công lý,
Cái chí của thanh niên..."
Là sức bật tuổi trẻ,
Sức khỏe của tuổi già,
Cái đà của danh vọng,
Cái lọng để che thân,
Cái cân của công lý,
Cái chí của thanh niên..."
Những điều ấy đã thành châm ngôn cho sức mạnh của đồng tiền, thì xã hội nào chả có."
Chú Niệm cười thú vị vì bài vè rất thực mà cũng rất châm biếm, chú nói:
"Thành thử, những chuyện tình đẹp và thơ mộng như sóng nước Cửu Long giờ này gần như cũng không còn, làm gì còn cảnh:
Em bên kia đứng,
Anh bên này nhìn,
Sông không sâu, không rộng,
Sao tình mình mông mênh..."
(Thơ Trần Bang Thạch)
Anh bên này nhìn,
Sông không sâu, không rộng,
Sao tình mình mông mênh..."
(Thơ Trần Bang Thạch)
Vẽ một vòng tròn vô nghĩa trên mặt bàn, chú Niệm tiếp:
"Đấy là mình nói chuyện tình yêu, tuổi trẻ bây giờ khôn ngoan và tính toán chứ không giống mình ngày xưa. Còn tuổi trẻ ở quê nhà hiện nay, nhất là trong môi trường học đường được chuyển tải trên báo chí và phim ảnh, tạo cho chú cảm tưởng là họ đã đánh mất niềm tin vào cái đẹp của tình yêu cũng như tình người, chả tha thiết gì tới tiền đồ của đất nước. Chưa lúc nào trên quê hương, lại có thể thấy con người sống chết vì Tiền, vì Tình kinh khủng và dữ dội như thế, dường như đa số chỉ nghĩ đến cá nhân và quyền lợi của riêng mình. Sự thay đổi tốt đẹp chung nghe tưởng ý nghĩa, nhưng nếu làm thiệt thòi quyền lợi cho họ, họ vẫn nhắm mắt làm ngơ."
Xa quê hương đã lâu, tôi không hình dung nổi sự thay đổi ở quê nhà. Thỉnh thoảng nhận được một lá thư của chị Nguyên, than phiền sự đồi trụy của xã hội, nỗi lo lắng khi nhìn bầy trẻ lớn lên với bao nhiêu hiểm họa trước mắt. Những thác loạn của tuổi trẻ hôm nay, khác xa với tuổi trẻ của tôi ngày xưa. Với tôi, quê hương vẫn là hình ảnh tuyệt vời của chuyến phà lướt sóng trên sông lúc hoàng hôn, là hình ảnh cô nữ sinh thuần hậu và duyên dáng, là cô thôn nữ trong chiếc áo bà ba, là những căn nhà nằm khuất trong vườn cây, những thôn xóm im vắng của một đồng quê bình lặng. Căn nhà của chị Nguyên nơi bờ biển vắng, biển mịt mờ một màu đùng đục tím ngắt những chiều mưa, thấp thoáng hình ảnh chú Niệm ngày trẻ tuổi, với những con ốc nhỏ chất chứa bao nỗi nhớ vu vơ.
"Biển quê mình dễ thương quá phải không Ngọc? Cát trắng phau phau, chưa tới biển đã nghe được tiếng phi lao rì rào, đã ngửi được mùi biển mặn. Biển xanh, cát trắng, nước ấm, trời mênh mông. Chú nhớ biển quá, nhớ từng con ốc nhỏ, nhớ con tàu ngày nào với những ngày biển êm, cả cái lắc lư của tàu trong cơn sóng dữ..."
Tôi như chìm ngập trong nỗi nhớ của chú, đã nói một câu rất mơ hồ:
"Cả những vết chân trên cát?"
"Những vết chân?". Chú Niệm ngạc nhiên hỏi tôi, vì làm sao chú biết được "những vết chân" cô đơn của tôi khi một mình lang thang trên bãi biển vắng. Ngày xưa những năm tháng ấy, có biết bao nhiêu cuộc chia ly rất bất ngờ không một lần báo trước, như sự vắng mặt của chú trong sự mong chờ của chị em tôi. Và tiếp theo sự lần lượt ra đi tìm tự do thật lặng lẽ của bạn bè, người thân, tôi thấy mình vô cùng cô đơn. Trong một buổi chiều, lòng tôi chợt u uẩn nhìn theo bóng con tàu mờ mịt ngoài biển xa, tôi đã nhớ chú tha thiết như thế nào, vô tình đã viết tên chú nhiều lần trên mặt cát ướt, rồi lại chờ sóng tới xóa đi, như biển mang chú đi, mất biệt... và tôi đã thổn thức một mình.
Thấy tôi im lặng, chú Niệm cũng quên không hỏi tôi về những dấu chân trên cát. Chú trở về với những niềm riêng còn trăn trở:
"Chú đã nhìn thấy cuộc sống khốn khổ của người dân quê mình, bám chặt lấy ruộng vườn, lấy mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tự vươn lên mà vẫn sống một cách vất vả, thiếu thốn cả những vệ sinh tối thiểu. Họ mới là cái nôi để nuôi dưỡng cả một dân tộc, vậy mà họ khổ quá. Vẫn là cuộc sống thê thảm khi thiên tai đổ xuống, chờ chực vào lòng nhân đạo thì lại bị đủ thứ áp lực của chính trị, địa phương. Phép vua vẫn thua lệ làng."
Tôi im lặng trong nỗi buồn của chú, như ngày xưa tôi vẫn im lặng nghe chú kể về những chuyến hải hành trong đời lính, nỗi cô đơn của người lính biển. Với một niềm kỳ vọng và chân thành của một tâm hồn trong sáng, đầy nhân ái, chú Niệm nói:
"Chú vẫn thấy dường như mình còn mắc một món nợ lớn với quê hương, chưa làm xong nhiệm vụ thì đã đành dứt áo ra đi, không nói được một lời chia tay với những người mình thương mến. Bây giờ trở lại quê nhà, lại thêm một lần nữa nhìn thấy vùng biển xanh mà ngày trẻ tuổi mình đã từng bảo vệ, nay đang mất dần vào tay kẻ thù phương Bắc. Trở về để tưởng nhớ lại xác thân bao đồng đội một thời trẻ tuổi, đã xả thân để bảo vệ quê hương, nay cũng chìm vào quên lãng, hỏi làm sao mà chú vui cho được."
Tôi lặng im để chú nói hết những nỗi niềm đau sót trong lòng người lính biển:
“Chú về quê tìm gặp lại bà con của mình, những người cả đời bám lấy mảnh đất quê cha đất tổ, sống hẻo hút trong các làng mạc trước đã khổ vì chiến tranh, nay cũng vẫn nheo nhóc tìm miếng ăn từng ngày, sao chẳng ai ngó ngàng đến họ. Họ chỉ mong có cơm ăn, có áo mặc, không hề nghĩ tới quả bóng màu mè rực rỡ bay trên nền trời kia, vì biết rằng thế nào nó cũng bể. Trong khi đó cũng chính trên quê hương mình, một thành phần khác lại vô cảm sống phè phỡn thừa mứa bên cạnh cảnh khổ của người dân nghèo, chính điều này đã làm cho lòng chú thắt lại, chỉ tiếc là..."
Hình như chú khóc, nước mắt không ứa ra nhưng trong âm vang của tiếng nói nghe như có chút nghẹn ngào. Giờ đây tôi đã hiểu, tại sao hơn ba mươi năm tôi vẫn trân quý người đàn ông này, đã một thời tuổi trẻ trong biển chiều mù sương, tôi cố nhìn theo hình bóng một con tàu lênh đênh mịt mờ ngoài biển xa, nghĩ về chú, về những mất còn như ảo ảnh. Bây giờ giữa tôi và chú đã là hai mảnh đời khác biệt, tôi đã có một gia đình yên ấm, thứ tình cảm non nớt dành cho chú ngày trẻ tuổi, chỉ làm lấp lánh thêm vẻ đẹp của một dĩ vãng rất mượt mà. Tôi kính trọng chú như chú vẫn yêu mến người cháu gái của bạn mình, để dễ dàng trao đổi với nhau những suy tư, băn khoăn của mình và cho người trong đời sống hiện tại.
Nếu hơn ba mươi năm trước tình cảm đầu đời tôi đã dành cho chú, thì trong hiện tại sự gặp gỡ này cũng không phải là điều tội lỗi. Chắc chắn tình yêu năm xưa không bao giờ vẩn đục, dẫu rằng hôm nay:
"Sóng thời gian có xô lại tình gần,
Cũng rời rã khi ngoài khơi gió động"
Nguyên Nhung