Wednesday, 8 August 2018

Biển Đông: TQ Gay Gắt... - Trần Khải


Hải quân Trung Quốc hình như lúc nào cũng bận rộn... Trên Biển Đông... Và kể cả trên màn hình điện toán.

Báo Navy Times, qua bài viết của phóng viên Christopher Bodeen, kể rằng Hải quân Trung Quốc và các lực lượng Hải quân các quốc gia trong Khối ASEAN đã tập trận trên điện toán lần đầu tiên, nhằm nối kết việc ứng phó các trường hợp cấp cứu và xây dựng tin cậy.

Hải quân Singapore đã tổ chức tập trận hai ngày, kết thúc vào Thứ Sáu, tại một trung tâm huấn luyện ở căn cứ Hải quân Changi, nơi các sĩ quan phối hợp lực lượng Hải quân của họ, xuất quân và kể cả việc hạ cánh trực thăng trên tàu chiến của họ.

Họ theo dõi trên 3 màn hình khổng lồ, trong đó một màn hình cho thấy trường hợp đụng tàu, trong đó có một tàu chở dầu được giả định là bốc cháy, và một tàu chở khách bị chìm và mọi người phải bơi rải rác trên mặt biển sau vụ đụng tàu.
Wang Yi, Ngoại Trưởng Trung Quốc, nói rằng ông hài lòng vì việc tập trận Hải quân ở TQ và tập trận trên màn hình điện toán  ở Singapore là bước khởi đầu kết thân an ninh biển giữa TQ với vùng Đông Nam Á...

Theo kế hoạch, sẽ có tập trận thật vào tháng 10/2018 tại Trung Quốc, vì tập trận tuần qua ở Singapore là bước khởi đầu thử nghiệm cho tập trận thật.

Trong khi đó, báo Nông Nghiệp VN ghi nhận rằng chính phủ Singapore thúc giục Trung Quốc và ASEAN hoàn tất bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Bản tin nói, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho rằng việc hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ giúp ASEAN duy trì vai trò trung tâm.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cần thúc đẩy và nhanh chóng hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vì sự ổn định trên biển, Straits Times ngày 6/8 đưa tin.

Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Singapore, để ASEAN duy trì vai trò trung tâm, khối này cần duy trì "tính trung lập, toàn diện và cởi mở".

"Nếu các nước thành viên ASEAN bắt đầu đứng về một bên nào đó, đòi quyền lợi hoặc tự cô lập với cộng đồng quốc tế, vai trò trung tâm của khối này sẽ suy yếu", ông Ng Eng Hen phát biểu tại Chương trình châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 20 dành cho các sỹ quan quân đội cấp cao do trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam tổ chức.

Theo ông Ng Eng Hen, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) cũng cần được củng cố bởi vì "đây là khung pháp lý quy định quyền tự do hàng hải và quyền khai thác tài nguyên biển".

Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận lời cứng rắn của Ngoại Trưởng TQ.

Bản tin viết:

“Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ bảy ngày 4/8 tuyên bố Trung Quốc sẽ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự của nước này ở Biển Đông vì cho rằng Hoa Kỳ là nhân tố chính gây nên việc quân sự hoá Biển Đông.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói tại hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Singapore vừa kết thúc hôm 4/8 rằng Mỹ cam kết đầu tư 300 triệu đô la cho an ninh khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết khoản đầu tư này chủ yếu giúp cho vấn đề an ninh biển, phát triển trợ giúp nhân đạo và gìn giữ hoà bình.

Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố một khoản trị giá 113 triệu đô la chokhu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mà ông gọi đây như là một khoản đặt cọc về cam kết của Mỹ ở khu vực này.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông đã thảo luận vấn đề quân sự hoá khu vực Biển Đông với Trung Quốc và nêu ra tầm quan trọng phải tuân thủ luật. Ngoại trưởng Trung Quốc đã phản bác và nói rằng chính Mỹ là quốc gia gây bất ổn trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng càng có nhiều sức ép từ phía bên ngoài lên Trung Quốc như Mỹ chẳng hạn thì Trung Quốc càng gia tăng các nỗ lực mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông.

Biển Đông là vùng nước còn tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực này qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này gọi là vùng nước lịch sử. Trung Quốc trong các năm qua đã gia tăng xây lấp các đảo nhân tạo và cơ sở quân sự ở Biển Đông. Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực đã nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng Trung Quốc nói rằng nước này chỉ xây dựng vì mục đích dân sự và phòng vệ.”(ngưng trích)

Trong khi đó, Không quân Việt Nam có thể sẽ không có đủ sức mạnh như ý, vì chiến đấu cơ Su-22 có nhiều cơ nguy gặp nạn...

Bản tin VOA   kể rằng lý do khiến máy bay Su-22 của Không quân Việt Nam gặp nạn “có thể là vì nâng cấp kém chất lượng bởi các doanh nghiệp Ukraine trong năm 2007”, phiên bản tiếng Việt của Sputnik, hãng tin Nga, mới đưa tin, dẫn nguồn từ Việt Nam.

Chiếc máy bay chiến đấu Su-22 mang số hiệu 8551 hôm 26/7 rơi xuống địa phận tỉnh Nghệ An trong khi đang tập luyện, làm hai phi công tử vong.

VOA ghi theo báo chí Việt Nam cho biết rằng, cơ quan chức năng sau đó đã tìm thấy “hộp đen” của chiếc chiến đấu cơ này, nhưng cho tới nay nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được công bố.

Tuy nhiên, Sputnik tuần trước dẫn một nguồn tin ở Việt Nam nói rằng chiếc Su-22 gặp nạn “có thể là vì nó được nâng cấp ở Ukraine năm 2007 bởi các công ty Ukraine không được cấp phép”.

Trong khi đó, trang Soha dẫn lại tin của Thời Đại cuối tháng trước nói rằng Việt Nam “mua lại” Su-22 “từ không quân Ba Lan và một số quốc gia Đông Âu khác” nên “khả năng cao” là chúng “được đưa tới Ukraine để đại tu, nâng cấp trước khi chính thức vào biên chế Không quân nhân dân Việt Nam”.

Trang này trích một số nhận định nói rằng “số Su-22 trên của Việt Nam đã được Ukraine nâng cấp bổ sung khả năng đánh biển, do nguyên gốc thiết kế của Su-17/22 chỉ là cường kích tấn công mặt đất”.

Bản tin VOA cũng nhắc rằng: Su-22 được Liên Xô sản xuất từ những năm 60, và ngoài Việt Nam, hiện không quân Angola, Iran, Ba Lan cũng đang sử dụng loại máy bay này....

Cũng đầy cạm bẫy... không chỉ riêng đối phó với Trung Quốc, mà còn nhằm máy bay bảo hành dỏm...