Tổng thống Iran Hassan Rohani trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình, Téhéran, ngày 06/08/2018IRANIAN PRESIDENCY / AFP
Các trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào Iran bắt đầu có hiệu lực kể từ lúc 4 giờ, giờ quốc tế, hôm nay, 07/08/2018. Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump lại đưa ra lời cảnh cáo Iran, nhưng đồng thời ông tuyên bố để ngỏ khả năng đàm phán với Teheran về một thỏa thuận rộng lớn hơn liên quan đến toàn bộ « các hoạt động tiêu cực » của Iran, bao gồm cả chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và ngăn chặn nước này ủng hộ khủng bố.
Ngay lập tức, tổng thống Iran Hassan Rohani tố cáo thái độ của Donald Trump và bác bỏ đề nghị đàm phán của nguyên thủ Hoa Kỳ.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi gửi về bài tường trình :
« Trong phản ứng đầu tiên, tổng thống Rohani đã khẳng định rằng người ta không thể vừa muốn đàm phán vừa áp đặt các trừng phạt chống lại Iran. Nguyên thủ Iran nói : Đề nghị đàm phán cùng lúc tiến hành trừng phạt, thế có nghĩa là gì ? Nếu một người nào đó dùng dao đâm phập vào tay đối thủ hoặc kẻ thủ, đồng thời lại đề nghị đàm phán, câu trả lời là người đó trước tiên phải cất dao vào túi đã, rồi hãy ngồi vào bàn và tiến hành đàm phán. Đó là một cuộc chiến tranh tâm lý và Hoa Kỳ tìm cách làm cho người dân Iran ngờ vực. Do vậy, trong bài phát biểu của mình, tổng thống Rohani đã bác bỏ mọi khả năng đàm phán với Hoa Kỳ trong hoàn cảnh hiện nay.
Ngay cả trước khi có hiệu lực, các trừng phạt mới của Mỹ đã tác động rất mạnh mẽ đến nền kinh tế Iran. Đồng tiền sụt giá đến chóng mặt, làm cho giá của tất cả các loại hàng hóa tăng rất cao, nhất là những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Hoạt động kinh tế chậm lại, dẫn đến việc sa thải nhân công hàng loạt trong nhiều lĩnh vực. Trong các cửa hàng, một số mặt hàng bắt đầu khan hiếm. Tình trạng này lại càng làm cho người dân thêm lo ngại ».
Sáng nay, trên Twitter, tổng thống Donald Trump cảnh báo: bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không thể làm ăn với Hoa Kỳ.
Châu Âu nan giải trước đòn trừng phạt Iran của Mỹ
Anh Vũ
Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, Federica Mogherini trong một cuộc tranh luận tại Strasbourg về phương thức đối phó với quyết định trừng phạt Iran của Mỹ.FREDERICK FLORIN / AFP
Một loạt các trừng phạt kinh tế Iran của Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay, 07/08/2018, nhằm vào mọi doanh nghiệp tiếp tục duy trì quan hệ làm ăn với Teheran. Để bảo vệ các doanh nghiệp của mình đang hoạt động tại Iran, ngay lập tức Ủy Ban Châu Âu đã lôi công cụ pháp lý cất kho từ 1996, « luật ngăn chặn trừng phạt». Một động thái được cho là mang tính chính trị nhiều hơn hiệu quả thực.
Không có chuyện để mặc cho Mỹ hành động khi lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu tại Iran bị thiệt hại. Ngay khi Washington thực thi trừng phạt Iran, Liên hiệp Châu Âu (EU) đã có phản ứng. Trong thông cáo chung với lãnh đạo Ngoại Giao EU Federica Mogherini, ngoại trưởng Pháp, Đức và Anh, ba nước ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và cũng là những nước có nhiều doanh nghiệp cắm chân làm ăn tại Iran, đã đồng thanh tuyên bố « kiên quyết bảo vệ các hoạt động kinh tế của châu Âu đã làm ăn hợp pháp với Iran ».
Để chứng tỏ không nói suông, Bruxelles kích hoạt luật ngăn chặn trừng phạt.
Để chứng tỏ không nói suông, Bruxelles kích hoạt luật ngăn chặn trừng phạt.
Động thái của Bruxelles được nhiều quan chức của Liên Hiệp thừa nhận chỉ mang tính biểu tượng, không có hiệu quả kinh tế thực sự. Trên thực tế luật ngăn chặn trừng phạt là văn kiện được xây dựng từ năm 1996 với mục tiêu ban đầu để đối phó với các trừng phạt, cấm vận kinh tế của Mỹ đối với các nước Cuba, Libya và cả Iran. Trong quá khứ, châu Âu đã tìm được thỏa hiệp với Washington cho nên chưa bao giờ phải vận dụng đến bộ luật này, vì thế mà tính hiệu quả của luật cũng chưa hề được kiểm chứng.
Văn kiện luật chủ yếu nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Châu Âu hoạt động ở bên ngoài Liên Hiệp chẳng may bị dính vào các trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên tư pháp Mỹ vẫn có thể phong tỏa tài sản hay áp dụng các trừng phạt khác đối với các chi nhánh của công ty liên quan hoạt động trên đất Mỹ. Luật này cũng cấm các doanh nghiệp châu Âu tuân thủ cấm vận Mỹ. Điều này cũng có nghĩa là châu Âu sẽ phải áp dụng trừng phạt chính các công ty của mình khi họ từ bỏ các cam kết với Iran để tránh trừng phạt của Mỹ. Thí dụ cụ thể là trường hợp của các tập đoàn năng lượng Pháp Total và Engie đã phải thoái lui từ sau khi tổng thống Donald Trump thông báo rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp dụng trở lại các trừng phạt Teheran có từ trước 2015.
Một điều khoản khác của « luật ngăn chặn trừng phạt » cho phép các doanh nghiệp Châu Âu kiện những đối tượng, định chế gây thiệt hại cho họ do thực thi trừng phạt của Mỹ. Cụ thể, chẳng hạn một công ty thầu phụ cho Total bị mất hợp đồng tại Iran chỉ vì tập đoàn dầu lửa Pháp rút khỏi, có thể kiện lại Total. Nhưng có công ty nào lại chấp nhận rủi ro trong một vụ kiện cáo không có gì chắc chắn, chỉ mất thời gian và tốn kém tiền bạc như vậy. Một luật sư được nhật báo Le Figaro hôm nay trích dẫn đã khẳng định.
Tóm lại giới luật gia đều nhất trí cho rằng « luật ngăn chặn trừng phạt » của châu Âu không có giá trị bảo vệ được công ty nào mà chỉ mang tính biểu tượng chính trị.
Trong bối cảnh bế tắc đó, có những biện pháp hỗ trợ vật chất cũng được gợi ra. Thí dụ, Paris đề nghị các nước thành viên EU đền bù thiệt hại cho các doanh nghiệp bị dính trừng phạt của Mỹ. Giải pháp này cũng không khả thi vì việc giải ngân hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại Iran lại đụng chạm đến việc sử dụng đến đồng đô la. Ủy ban Châu Âu đã cho phép Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu (BEI) làm ăn tại Iran, nhưng bản thân ngân hàng này đã từ chối. BEI chủ yếu giao dịch bằng đồng đô la, không muốn mắc vào trừng phạt của Washington trong khi hệ thống tài chính Mỹ rất mạnh bao trùm hầu khắp mọi hoạt động ngân hàng trên khắp thế giới.
Theo giới chuyên gia, luật phong tỏa của châu Âu chỉ có tác dụng phần nào đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn các tập đoàn lớn thì gần như vô ích. Giải pháp tốt nhất cho các tập đoàn, đại công ty là thương lượng tìm kiếm thỏa hiệp để được Mỹ cho quyền đặc cách hay miễn trừ theo cách nào đó. Tháng trước, Pháp, Đức và Anh đã thử đề xuất với Washington nhưng đều vấp phải lời từ chối thẳng thừng của tổng thống Donald Trump.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều công ty lớn của Châu Âu, ban đầu nhanh chân có mặt ở Iran nay đang khẩn trương rút ra, đành chấp nhận thua lỗ để bảo toàn về lâu dài hơn là bị dính vào các đòn trừng phạt của Mỹ, sẽ còn nặng nề hơn trong loạt áp dụng thứ hai vào tháng 11 tới đây
Canada- Ả Rập Xê Út leo thang đấu khẩu
Tú Anh
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland trong buổi họp báo kết thúc vòng đàm phán NAFTA tại thủ đô Mêhicô, ngày 05/03/2018. REUTERS/Edgard Garrido
Ottawa khẳng định « tiếp tục bảo vệ nhân quyền » trên thế giới sau khi Ryad thông báo trục xuất đại sứ Canada với lý do « can thiệp vào nội tình » Ả Rập Xê Út, ủng hộ một phụ nữ tranh đấu đòi tự do cho chồng cũ và anh trai, hai blogger bất đồng chính kiến.
Xung khắc giữa Canada và Ả Rập Xê Út, hai đồng minh của Mỹ tiếp tục căng thẳng kể từ thứ hai 06/08/2018. Ryad bất ngờ loan báo trục xuất đại sứ Canada trong vòng 24 tiếng đồng hồ, triệu hồi đại sứ Ả Rập Xê Út về nước, phong tỏa quan hệ thương mại song phương sau khi sứ quán Canada kêu gọi vương quyền Ả Rập Xê Út trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho các nhà hoạt động nhân quyền và tố cáo đợt trấn áp mới đang diễn ra.
Tuy nhiên, Ottawa giữ lập trường cứng rắn. Vài giờ sau khi Ryad thông báo trục xuất đại sứ Dennis Horak, ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố thẳng thừng : « Tất cả mọi người phải biết rõ … là Canada sẽ luôn luôn bảo vệ nhân quyền tại Canada cũng như trên khắp địa cầu ».
Trước thái độ kiên quyết của Canada, Ryad thông báo một loạt biện pháp trả đũa mới : ngưng cấp học bổng cho sinh viên Ả Rập Xê Út du học tại Canada và chuyển qua nước khác.
Được báo chí đặt câu hỏi liệu số phận hợp đồng vũ khí 15 tỉ đôla bán xe bọc thép hạng nhẹ cho Ả Rập Xê Út có bị tác động hay không, ngoại trưởng Chrystia Freeland cho là « vấn đề này còn quá sớm » và tốt hơn là nên hỏi Ryad.
Colombia : Tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức
Mai Vân
Tân tổng thống Colombia, ông Ivan Duque, tại Bogota. Ảnh chụp ngày 16/07/2018.REUTERS/Luisa Gonzalez
Tại Colombia, ông Ivan Duque, đắc cử tổng thống vào ngày 17/6 vừa qua với 54% số phiếu, tuyên thệ nhậm chức vào hôm nay, 07/08/2018. Chính khách 42 tuổi này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh phe đối lập kêu gọi biểu tình.
Theo thông tín viên Marie Eve Detoeuf tại Bogota, ông Duque phải đối phó với các khó khăn trong lúc người tiền nhiệm của ông là cựu tổng thống Juan Manuel Santos thanh thản ra đi :
« Với Giải Nobel Hòa Bình trong tay, Juan Manuel Santos ra đi trong tâm trạng rất hài lòng, thậm chí còn sung sướng nữa là khác. Từ mấy ngày qua ông đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn, và còn tỏ ra hài hước trên internet.
Ông Santos không mấy được lòng dân, ông bị cánh hữu vừa chiếm lại quyền hành rất ghét. Nhưng bản thân ông tin là đã làm điều tốt cho đất nước khi ký hiệp định hòa bình với phiến quân FARC.
Vị tổng thống mãn nhiệm không còn muốn can thiệp vào đời sống chính trị, và để cho người kế nhiệm, thân cận với tổng thống trước ông là Alvaro Uribe, hoàn toàn rảnh tay hành động.
Ivan Duque không có kinh nghiệm và sẽ lãnh đạo một đất nước bị chia rẽ, một bên là những người ủng hộ hiệp định hòa bình với FARC, và bên kia là những người chống đối.
Tại quảng trường Bolivar ở Bogota, khán đài, màn ảnh truyền hình to lớn, loa phóng thanh…, tất cả đã chuẩn bị xong cho sự kiện chuyển quyền quan trọng này, diễn ra vào chiều nay.
Trên các mạng xã hội, phe đối lập kêu gọi biểu tình sáng nay trên đường phố Bogota. »
Đức trù bị biện pháp ngăn chận Trung Quốc mua xí nghiệp
Tú Anh
Phái đoàn Trung Quốc tham dự một sự kiện tại sân bay Tempelhof, Berlin, ngày 10/07/2018.REUTERS/Fabrizio Bensch/Pool
Lo ngại tham vọng của Bắc Kinh chiếm đoạt công nghệ cao cấp, chính phủ Đức chuẩn bị nhiều biện pháp kiểm soát đầu tư từ những nước « ngoài châu Âu ». Các luật lệ mới sẽ được áp dụng kể từ đầu năm tới 2019.
Theo giải thích của bộ trưởng Peter Altmaier với nhật báo Die Welt ngày 07/08/2018, trong tương lai, chính phủ Đức muốn có phương tiện « xem xét chặt chẽ mỗi khi có một công ty liên quan đến quốc phòng, hạ tầng cơ sở nhạy cảm hay các công nghệ dân sự quan trọng về an ninh, bán cổ phần cho nước ngoài ». Tuy Đức vẫn khuyến khích đầu tư nhưng chính phủ có « bổn phận bảo đảm an ninh quốc gia ».
Cho đến nay , Berlin chỉ có quyền ngăn chận mọi thương vụ mua công ty Đức của một nhà đầu tư ngoại quốc nếu phần vốn lên đến 25%. Chính phủ Đức muốn hạ thấp ngưỡng đầu tư này, xuống 15%, để dễ bề kiểm soát một số lớn các vụ thương lượng mua bán công ty thuộc loại nhạy cảm.
Luật định mới có thể áp dụng kể từ đầu năm tới.
Tuy bộ trưởng kinh tế Đức xác định là không nhắm đặc biệt vào một nước nào nhưng theo báo chí Đức, từ hai năm nay, Berlin lo ngại tham vọng của Trung Quốc. Trong tháng 7, chính phủ Đức đã hai lần can thiệp để chận các dự án đầu tư của doanh nhân Trung Quốc bằng cách bỏ tiền ra mua lại cổ phần.
Trong chuyến viếng thăm Đức hồi tháng 7, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bảo đảm là đầu tư Trung Quốc không đe dọa an ninh Đức. Tuy nhiên, giám đốc tình báo Đức Hans-Georg Maassen thận trọng :"người ta cần gì đánh cắp công nghệ nếu có thể mua trọn hàng loạt công ty".
Vụ Skripal : Luân Đôn yêu cầu Nga cho dẫn độ 2 nghi phạm
Mai Vân
Thu thập mẫu vật tại công viên Nữ hoàng Elizabeth ở Salisbury, Anh, 19/07/2018.REUTERS/Hannah McKay
Theo nhật báo Anh The Guardian hôm qua, 06/07/2018, Luân Đôn chuẩn bị yêu cầu Matxcơva cho dẫn độ hai người Nga bị tình nghi dùng chất Novichok đầu độc cựu điệp viên Serguei Skripal và cô con gái ở Salisbury, tây nam Anh Quốc.
Trích dẫn nguồn tin chính phủ và giới an ninh Anh Quốc, tờ báo còn cho biết thêm là cơ quan công tố của nữ hoàng (CPS) đã chuẩn bị đơn dẫn độ và sắp gởi đến Matxcơva.
Theo The Guardian, cảnh sát và nhân viên tình báo Anh đã tái hiện được hoạt động của hai người này từ lúc họ vào nước Anh cho đến lúc họ rời đi.
Ngày 19/07, hãng tin Anh Press Association cho biết là cảnh sát đã nhận diện hai người Nga tình nghi là đã thực hiện vụ đầu độc. Bộ trưởng An Ninh Anh Ben Wallace đã lập tức lên tiếng cho đó là những « phỏng đoán thiếu cơ sở ».
Serguei Skripal và cô con gái đã bị đầu độc vào đầu tháng Ba năm nay, và Luân Đôn đã cho rằng tình báo Nga là thủ phạm. Vụ việc đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa Matxcơva với Anh và các đồng minh của Anh.
Sau vụ Skripal, còn có hai người khác trong khu vực, cũng bị đầu độc bằng chất Novichok, Charlie Rowley, 45 tuổi, và bà Dawn Sturguess, 44 tuổi. Họ đã bị trúng độc và được đưa vào bệnh viện sau khi nhặt được một lọ nước hoa. Người phụ nữ đã chết sau đó.
Theo The Guardian, cảnh sát và tình báo Anh nghi ngờ là chất độc Novichok đã được thủ phạm bơm vào lọ nước hoa, rồi hoặc là xịt thẳng vào mặt Skripal, hoặc xịt vào tay nắm cửa nhà của nạn nhân. Sau đó, có thể là lọ nước hoa chứa chất độc bị vứt đi, ông Rowley đã nhặt được và tặng cho bà Sturgess, khiến cả hai người này bị vạ lây.