Wednesday, 1 August 2018

Tổng thống Mỹ dự tính tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc lên 25%

media
Đồng đô la Mỹ và đồng yuan Trung Quốc. REUTERS/Thomas White
Một nguồn tin thông thạo hồ sơ tiết lộ vào hôm qua, 30/07/2018, TT Donald Trump đang cân nhắc áp đặt mức thuế 25%, thay vì 10 %, lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị lên tới 200 tỉ đôla.
Vào đầu tháng Bảy, chính quyền Hoa Kỳ đã chính thức áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% lên các mặt hàng từ Trung Quốc có tổng trị giá 34 tỉ đôla, và sẽ áp đặt mức thuế tương tự lên khối lượng hàng hóa khác có trị giá 16 tỉ đôla vào tuần tới.
Nguyên thủ Mỹ trước đây đe dọa áp đặt mức thế 10% lên lượng hàng 200 tỉ đôla từ Trung Quốc, nhưng theo nguồn tin thân cận, mức thuế này có thể lên tới 25%.
Đây là một nỗ lực của chính quyền Hoa Kỳ nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc quay lại bàn đàm phán và thay đổi các chính sách được coi là đối xử không công bằng với các doanh nghiệp quốc tế.
Theo hãng tin Reuters, Washington muốn áp đặt thuế với các mặt hàng từ thép, nhôm, hóa chất tới thực phẩm, xe đạp và mỹ phẩm.
Mức thuế này sẽ không được thực hiện, cho tới khi thông qua giai đoạn thảo luận công khai, nhưng việc chính quyển Washington cân nhắc gia tăng thuế sẽ đẩy mạnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả, nếu Hoa Kỳ tiếp tục tăng thuế. Ông cho rằng áp lực thương mại của Washington sẽ không có hiệu lực, và Bắc Kinh luôn giữ chủ trương đàm phán để giải quyết các vấn đề thương mại.
media
Đòi hỏi chủ quyền của các nước ven Biển Đông.(@wikipedia.org)
Theo hãng tin Reuters, hôm nay 01/08/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PetroVietnam thông báo đã ký thỏa thuận mua bán với hai công ty Nhật khai thác khí đốt tại Biển Đông. Thỏa thuận trên được ký kết trong bối cảnh Bắc Kinh thường xuyên gây áp lực với các đối tác nước ngoài của Việt Nam muốn tham gia một số dự án khai thác dầu ở Việt Nam và sản xuất dầu khí của Việt Nam có xu hướng sụt giảm.
Thỏa thuận được ký ngày hôm qua 31/07, tại Hà Nội, sẽ cho phép bắt đầu từ quý 3 năm 2020, khai thác thương mại sản phẩm của hai giếng khí đốt nằm cách bờ biển Việt Nam 300 km có tên gọi là Sao Vàng- Đại Nguyệt trong khu vực mỏ Nam Côn Sơn, ngoài khơi thành phố Vũng Tàu. Dự án khai thác này do hai công ty Nhật góp vốn đầu tư khai thác được khởi công từ tháng 3 năm nay. Cụ thể công ty Idemitsu Kosan góp vốn đầu tư 43,08%, Teikoku Oil chiếm 36,92%, phần góp vốn còn lại thuộc Tập đoàn Dầu khi Việt Nam là 20%. Dự án khai thác khu mỏ này đã được khởi công từ tháng 3/2018.
Reuter trích dẫn một quan chức PetroVietnam dấu tên cho biết « việc khởi động dự án (với Nhật Bản) này là rất quan trọng vì các hoạt động thăm dò và sản xuất dầu đã giảm trong những năm qua do các căng thẳng tại Biển Đông, do chiến dịch bài trừ tham nhũng đang tiến hành và do giá dầu thô vẫn duy trì ở mức thấp ».
Tháng Tư vừa qua, PetroVietnam đã có báo cáo về việc tình hình căng thẳng tại Biển Đông sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động thăm dò và sản xuất dầu của Việt Nam trong năm nay.
Trước đó, hồi tháng Ba, tập đoàn Việt Nam cũng đã phải ngừng một dự án khai thác dầu với công ty Tây Ban Nha Repsol do sức ép của Trung Quốc.
Khu mỏ Sao vàng- Đại Nguyệt không nằm trong vùng có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, nhưng gần sát « với đường 9 đoạn » mà Trung Quốc vẽ nên để đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền ở Biển Đông.
media
Phi cơ chiến đấu Rafale của quân đội Pháp tham dự cuộc tập trận tại Úc, căn cứ không quân Darwin, ngày 24/07/2018.Australian Defence Force/Handout via REUTERS
Hải quân Trung Quốc vào tháng 9 tới sẽ cùng với 26 quốc gia khác tập trận chung ngoài khơi bờ biển phía bắc nước Úc, theo thông báo của bộ trưởng Quốc Phòng Úc Marise Payne hôm nay, 01/08/2018, được nhật báo Anh Financial Times trích dẫn. Sau một thời gian căng thẳng, sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh có thể hòa dịu trở lại.
Trung Quốc đã từng tham gia các cuộc thao dượt quân sự khác của Úc, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận diễn ra 2 năm một lần này. Các cuộc diễn tập quân sự kéo dài đến giữa tháng 9 ở vùng biển ngoài khơi cảng Darwin, trong đó có sự tham gia của đồng minh chủ chốt là Hoa Kỳ. Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã loại Trung Quốc khỏi cuộc tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC để đáp lại việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Quan hệ giữa Úc với Trung Quốc cũng đang căng thẳng kể từ khi Canberra thông qua một số luật nhằm ngăn chận ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các vấn đề nội bộ của Úc, đồng thời Canberra đã kịch liệt chỉ trích những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền ở Biển Đông. Chính phủ Úc cũng ủng hộ các cuộc tuần tra của chiến hạm Mỹ bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông.
Khi thông báo Trung Quốc sẽ tham gia tập trận chung, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Maryse Payne tuyên bố là Canberra muốn duy trì một « mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung ».
Theo ông Malcom Davies, một nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, trên tờ Financial Times, việc Canberra mời hải quân Trung Quốc tham gia tập trận chung không có nghĩa là Úc bỏ đồng minh Hoa Kỳ để ngả về phía Bắc Kinh. Còn nhà phân tích Euan Graham, thuộc Viện Lowy, thì nhận định việc Canberra không làm giống như Mỹ (tức là loại Trung Quốc ra khỏi tập trận đa quốc gia) là « một tiến triển tích cực ».