Hai phần ba số ca tử vong do hít phải khói thuốc người khác là phụ nữ.
Ung thư phổi thường liên quan đến hút thuốc lá. Nhưng tỷ lệ mắc bệnh này ở những người không hút thuốc- và phụ nữ- đang tăng lên.
Là một nhà nghiên cứu ung thư phổi và người bảo vệ quyền bệnh nhân tại Trường Trinity College Dublin, bà Anne-Marie Baird, khi trao đổi với nhiều người, thấy phản ứng của họ là rất đa dạng. Một trong những điều đáng nhớ là, tại một hội thảo khoa học, người ta hỏi bà "Bà bận tâm đến điều đó làm gì? Họ đáng bị thế, vả lại đằng nào họ chẳng chết?
Ung thư phổi là ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu, với 1,8 triệu ca mới được chẩn đoán trên toàn thế giới vào năm 2012 (số liệu mới nhất). Mặc dù 58% ca mới là ở các nước đang phát triển, bệnh này là một vấn đề phổ biến- hàng năm 45.000 người được chẩn đoán mắc bệnh này ở Anh, 230.000 người ở Mỹ và 12.500 người ở Úc.
Tồi tệ hơn là, trong vài thập kỷ qua, số bệnh nhân sống được hầu như không tăng. Năm 1971-1972, cơ hội sống sót được 10 năm sau khi chẩn đoán chỉ là 3%. Đến 2010-2011, là 5%. Trong cùng thời gian đó, khả năng sống được của một phụ nữ bị ung thư vú đã tăng gần gấp đôi sau 10 năm chẩn đoán- từ 40% lên 78,5%.
Một quan điểm phổ biến của ung thư phổi là nó sinh ra do hút thuốc lá- và rằng việc này rồi sẽ biến mất khi người ta bỏ thói quen này. Nhưng ngoài thực tế mà không gì bào chữa được cho những người, trước đây có hút hoặc hiện đang hút, đang mắc bệnh này, thì suy nghĩ này có hai sai sót chính.
Trước tiên, các trường hợp ung thư phổi không giảm đi ở mọi mức độ và chủng loại.
Sự khác biệt giới là một ví dụ rõ ràng. Đàn ông ở Mỹ mắc bệnh ung thư phổi nhiều hơn đàn bà, nguy cơ mắc ở đàn ông là 1/15, trong khi đàn bà là 1/17. Nhưng trong khi một nghiên cứu gần đây của Mỹ phát hiện rằng tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới tiếp tục giảm, thì ở phụ nữ trẻ da trắng nó lại tăng lên. Và trên toàn cầu, trong khi số lượng nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi đã giảm trong hai thập kỷ qua, thì ở phụ nữ nó lại tăng lên 27%.
Các nhà nghiên cứu không biết chắc chắn lý do. Nhưng có một số khoa học cho rằng phụ nữ có thể phản ứng khác đi đối với nicotine, và DNA của phụ nữ bị tổn hại dễ dàng hơn và sâu sắc hơn bởi các chất gây ung thư trong thuốc lá.
Những rủi ro về sức khỏe đối với phụ nữ cũng có thể trở nên rõ ràng sau này do phụ nữ bắt đầu hút thuốc như đàn ông. Ví dụ, phụ nữ ít hút thuốc trong thập niên 1920 ở Mỹ. Nhưng khi thói quen này bắt đầu được đưa vào thị trường và coi như là một biểu tượng của giải phóng phụ nữ, thì tỷ lệ phụ nữ hút thuốc tăng lên. Một nghiên cứu của hơn 100 quốc gia cho thấy có tồn tại mối liên quan giữa bình đẳng giới và tỷ lệ phụ nữ hút thuốc.
"Ở những nước mà phụ nữ được trao nhiều quyền hơn thì tỷ lệ hút thuốc của phụ nữ cao hơn nam giới," các nhà nghiên cứu Sara Hitchman và Geoffrey Fong viết.
Kết quả là, mặc dù nam giới hút thuốc nhiều gấp năm lần phụ nữ trên toàn cầu, nhưng điều này không đúng ở nhiều nước. Ở Mỹ, 22% nam giới và 15% phụ nữ hút thuốc; ở Úc, 19% nam và 13% nữ. Và ở nhóm càng trẻ thì sự chênh lệch giữa nam nữ càng ít. Ở Mỹ, từ 13 đến 15 tuổi, thì 12% trẻ em gái hút thuốc so với 15% trẻ em trai; ở Úc, 5% cho thanh thiếu niên ở cả hai giới. Ở Pháp và Anh, ở độ tuổi 15 thì con gái hút nhiều hơn con trai.
"Sự trao quyền cho phụ nữ sẽ tiếp tục," Hitchman và Fong viết. "Nhưng liệu điều xấu có nhất thiết phải đi theo điều tốt không?"
Hít phải khói thuốc
Nhưng trong khi hút thuốc lá gây ra khoảng 85% ung thư phổi- và điều lớn nhất duy nhất chúng ta có thể làm để giảm nguy cơ ung thư phổi (và các loại ung thư khác) là không hút thuốc- thì việc không hút thuốc không phải là sự bảo đảm.
"Ung thư phổi không do hút thuốc không phải là vấn đề tầm thường," Charles Swanton, giám đốc lâm sàng của nghiên cứu ung thư ở Anh nói. "Theo thực tế của tôi, 5-10% bệnh nhân chưa bao giờ hút thuốc."
Hóa chất sản sinh ra từ các quá trình như đốt than có liên quan đến ung thư phổi ở những người không hút thuốc.
Điều này cũng ảnh hưởng đến phụ nữ một cách khác nhau: một nghiên cứu cho thấy 1/5 phụ nữ bị ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc, so với 1/10 ở đàn ông. Một nghiên cứu các bệnh nhân ung thư phổi phải phẫu thuật từ năm 2008 đến 2014 ở Anh, cho thấy 67% của số người không bao giờ hút thuốc là phụ nữ.
Một phần của sự chênh lệch này có thể xuất phát từ việc phụ nữ không hút thuốc bị tiếp xúc khối thuốc của người khác. Ngay cả khi phụ nữ đã bắt kịp nam ở một số quốc gia, thực tế là, theo lịch sử, nhiều đàn ông hút thuốc hơn phụ nữ, có nghĩa là khả năng một phụ nữ không hút thuốc kết hôn với một người chồng hút thuốc là cao hơn so với điều ngược lại.
Làm cho vấn đề tồi tệ hơn lên, như Tổ Chức Y Tế Thế Giới chỉ ra, "phụ nữ và trẻ em thường không đủ sức mạnh để đòi hỏi cho mình một không gian không khói thuốc, kể cả ở gia đình," Khói thuốc của người khác làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi của người không hút lên 20-30% và gây ra 430.000 ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm- 64% trong số đó là phụ nữ.
Nhiệm vụ công việc liên quan đến giới tính cũng có thể là thích đáng ở một số trường hợp. Việc sử dụng than đốt trong nhà để nấu ăn và sưởi ấm có liên quan đến ung thư phổi ở phụ nữ không hút thuốc ở Trung cộng, và một số loại nhiên liệu nấu ăn của Ấn Độ đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi chưa từng hút thuốc hiện đang tăng lên. Một nghiên cứu của Mỹ cho biết 17% số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi loại phổ biến nhất trong giai đoạn 2011-2013 chưa bao giờ hút thuốc, so với 8,9% trong giai đoạn 1990-1995. Ở Anh, các nhà nghiên cứu có báo cáo rằng tỷ lệ người không hút thuốc phải trải qua phẫu thuật ung thư phổi tăng từ 13% lên 28% từ năm 2008 đến năm 2014. Và ở Đài Loan, tỷ lệ bệnh nhân không hút thuốc tăng từ 31% trong giai đoạn 1999- 2002 lên 48% trong giai đoạn 2008-2011.
Những tỷ lệ này có thể cho hay có ít người hút thuốc hơn, ngay cả khi các yếu tố nguy cơ khác (thí dụ, khói do nấu ăn) vẫn nguy hiểm như thế. Điều cũng quan trọng cần nhớ là phần lớn bệnh nhân ung thư phổi vẫn là người hút thuốc.
Nhưng ngay cả những tỷ lệ phần trăm nhỏ cũng có tác động: chỉ có 0,2% phụ nữ không hút thuốc trong nghiên cứu một triệu phụ nữ Anh là được chẩn đoán bị ung thư phổi, nhưng đó cũng là con số tới 1,469 người phụ nữ chưa bao giờ hút thuốc.
Ung thư phổi liên quan đến hút thuốc và ung thư phổi không liên quan đến hút thuốc là rất khác nhau. Các gien khác nhau bị thay đổi, hoặc bị biến dị, trong từng gien. Đối với những người không hút thuốc, ung thư thường do những thay đổi trong gien EGF- mà nó có thể được chữa bằng thuốc ung thư phổi tương đối mới và có hiệu quả.
Nguyên nhân ung thư
Hàng tỷ đô la được sử dụng vào nghiên cứu ung thư - nhưng chỉ một phần nhỏ là dành cho ung thư phổi.
Nói chung, ung thư sẽ phát triển khi các quá trình bình thường, mà nó giúp chúng ta khỏe mạnh và sống động bằng cách tạo ra tế bào mới, hoạt động sai đi. Các hóa chất gây ung thư, ánh sáng cực tím và các vi-rút có thể làm tổn thương DNA trong tế bào, gây ra sự sai lệch có tính ung thư. Nhưng ở nhiều bệnh ung thư không có một mối nguy cơ từ bên ngoài và có thể nhận dạng được- và điều này có thể là trường hợp đối với một số người không hút thuốc mà bị ung thư phổi.
Nhưng ngoài việc đốt than và nhiên liệu nấu ăn, còn có những yếu tố khác, chẳng hạn như khí phóng xạ radon hoặc amiăng, chúng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi cho một người.
Cũng có những lo ngại và các bài viết về ô nhiễm không khí của Cơ quan Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Tế vào năm 2013 nói về chất gây ung thư. Cơ quan này ước tính có 223.000 ca tử vong do ung thư phổi hàng năm có thể là do PM2.5s, là những phân tử trong khói xả diesel và trong xây dựng. Hơn một nửa số ca tử vong này là ở Trung cộng và các nước Đông Á khác, nơi có công nghiệp hóa nhanh và dẫn đến có nhiều thành phố đầy sương khói. Ở Anh, khoảng 8 trong số 100 ca ung thư phổi mỗi năm là xuất phát từ việc tiếp xúc với PM2.5.
Tuy nhiên, như cơ quan nghiên cứu ung thư Anh đã nói: "Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư phổi nhưng rủi ro là nhỏ đối với mỗi cá nhân nên điều quan trọng là lưu tâm đến điều đó nhưng đừng tự nhốt trong nhà vì tránh khỏi ô nhiễm không khí là khó."
Màn khói
Mặc dù các phương tiện truyền thông lưu ý ta về những rủi ro không liên quan đến hút thuốc, nhưng hầu hết những người không hút thuốc có "cảm giác sai lầm về an toàn" ung thư phổi, và làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Nếu họ nghĩ sẽ khó bị ung thư phổi, ngay cả khi có những triệu chứng điển hình, họ có xu hướng không phát hiện ra chúng đủ sớm, vì vậy chỉ được chẩn đoán khi mà ung thư đã tới giai đoạn cao.
Điều đó khiến cho việc điều trị khó khăn hơn nhiều. Trong vòng một năm sau chẩn đoán, 70% bệnh nhân ung thư phổi mà bệnh được phát hiện sớm sẽ sống được, so với chỉ 14% bệnh nhân nếu ung thư đã ở giai đoạn phát triển cao.
"Hễ ai có triệu chứng xấu ở ngực thì cần phải đi khám khẩn cấp, đặc biệt nếu điều này đã kéo dài hạn hoặc không được giải quyết bằng kháng sinh," Swanton nói. Đặc biệt, ho ra máu là "triệu chứng báo động", cho dù người đó có hút thuốc hay không.
Sau khi được chẩn đoán, điều xấu do bị ung thư phổi cũng có thể gây khó khăn. "Ít người dám nói công khai 'Tôi bị ung thư phổi'," Baird nói. Với ung thư vú và ung thư khác, người ta nói dễ dàng hơn."
Do giả định chung rằng những người mắc bệnh ung thư phổi là người hút thuốc, nên những người chưa bao giờ hit một hơi thuốc vẫn kỳ thị là họ tự chuốc lấy bệnh vào thân.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phỏng vấn các bệnh nhân ung thư phổi, gồm cả những người nghiện thuốc, những người mới cai, và những người không hút thuốc. Ngay cả một số người chưa bao giờ hút thuốc cũng nói về các phản ứng tiêu cực của đội ngũ y tế.
Một người chưa bao giờ hút thuốc (được phỏng vấn) nói với các nhà nghiên cứu: "Phản ứng tiêu cực đầu tiên tôi gặp phải là ở bệnh viện, từ một chuyên gia trị liệu hô hấp… Bà ấy thì thấm nói với tôi khi tôi đang điều trị thở sau phẫu thuật 'Đây là kết quả của hút thuốc.'"
Sự kỳ thị đó cũng được thể hiện ở chỗ ung thư phổi chỉ nhận được một phần rất nhỏ của hàng tỷ đo la trên thế giới dành cho nghiên cứu ung thư. Ví dụ, ở Canada, nơi tỷ lệ ung thư phổi cao thứ hai trên thế giới, bệnh này chỉ nhận được 7% kinh phí nghiên cứu, mặc dù chiếm 25% ca tử vong ung thư. Với ung thư vú thì lại là điều ngược lại.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để hy vọng. Ví dụ, trong những năm gần đây, chi tiêu của Anh cho nghiên cứu ung thư phổi đã tăng lên, chiếm 11,5% tổng số tiền chi cho nghiên cứu ung thư trong năm tài chính 2016-17.
Trong khi đó, Swanton đang chỉ đạo nghiên cứu TRACERx trị giá 14 triệu bảng, để xem xét ung thư phổi thay đổi như thế nào theo thời gian ở 850 bệnh nhân. Các nghiên cứu như thế này tạo tiềm năng đi sâu hơn về sự khác biệt giữa các bệnh nhân với nhau, giữa những người hút thuốc và người không hút thuốc, nam giới và nữ giới. Sự hiểu biết những khác biệt này giúp thiết kế ra được các phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho từng bệnh nhân.
Tương lai của việc chữa bệnh ung thư phổi có nhiều hy vọng hơn. Nhưng một khẩu hiệu được sử dụng bởi những người vận động để tài trợ nhiều hơn cho nghiên cứu ung thư phổi nên được coi là lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta về điều sẽ quyết định thành bại.
"Ung thư phổi không phân biệt đối xử, và bạn cũng nên như thế."
Naomi Elster