Wednesday, 28 August 2013

KÍNH XIN ĐIỀU CHỈNH MỘT KHIẾM KHUYẾT NGHIÊM TRỌNG TRONG DỰ ÁN ĐANG ĐƯỢC VẬN ĐỘNG TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUÊ HƯƠNG

SỐNG VÌ DÂN, CHẾT VÌ NƯỚC!
Thành kính tưởng niệm:
-TẤT CẢ những CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HÒA
đã tuẫn tiết sau ngày 30-4-1975.
-Anh linh TẤT CẢ những THÂN NHÂN CỦA LÍNH
đã cùng chọn sự hy sinh cao cả ấy.
Thà chọn chết hiển vinh hơn sống nhục,
Thật kiêu hùng khí phách những Tôi Trung
Sống vì dân cho đến phút sau cùng!
Chết vì nước, thơm lừng gương Tuẫn Tiết!
Những Ngọn Đuốc Hy Sinh hoài bất diệt
Sáng mọi miền trên đất Việt, khí thiêng
Quên tình riêng, đem tâm huyết lưu truyền
Lòng quyết liệt giương cao Cờ Chính Nghĩa.
Binh Sĩ, Tướng, Hạ Sĩ Quan, Úy, Tá
Cấp bậc nào cũng cao cả như nhau!
Nuốt nghẹn ngào, nén lệ ứa, lòng đau,
Máu cùng đổ, tô hào hùng chính khí.
Thật sĩ khí, ngời oai nghi Chí Sĩ
Nợ nam nhi tận tụy dưới quân kỳ
Áo chiến y nhuộm thắm chí lừng uy
Đường lập chí: tô rạng ngời công lý!
Ý Nga, 29-8-2013.

 
Thưa quý Văn, Thi, Nghệ Sĩ;
Tiếp theo lá thư đã phổ biến cách đây 2 ngày của Đại Úy Nguyễn Hữu Luyện (đính kèm bên dưới), hôm nay, tôi xin mạn phép trình bày thêm về ý nghĩa sự tưởng niệm của chúng ta đối với những Chiến Sĩ VNCH đã tuẫn tiết khi miền Nam VN bị VC cưỡng chiếm.
Hiện nay VC đang trà trộn và lũng đoạn hàng ngũ chúng ta ngày càng nhiều và gây sự phân hóa trong Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ngày càng bi đát hơn. Nếu có làm bất cứ việc gì để vinh danh CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA, kính xin những Ban Tổ Chức nên dành tất cả thành tâm và thiện ý cho việc CHUNG được sáng tỏ, để những CHIẾN SĨ VÔ DANH đã và đang âm thầm đóng góp công sức cho chuyện CHUNG ngày càng đông hơn thì LỰC của chúng ta mới không bị phân tán ngày càng mỏng và càng yếu dần.
Thử hỏi, chống Cộng, mà với người còn sống thì lại xúm nhau chia 5, xẻ 7; tách ra thành những nhóm sinh hoạt RIÊNG vì: kỳ thị đảng phái, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị tổ chức, kỳ thị sinh quán: Nam, Bắc, Trung, kỳ thị phái tính: nam, nữ; kỳ thị binh chủng trong quân đội.v.v... Rồi đến cả với những người Chiến Sĩ đã tuẫn tiết sau ngày 30-4-1975 mà vẫn còn bị loại ra khỏi lòng tưởng niệm của đồng bào vì sự phân chia cấp bậc, (vì họ không phải là những vị Tướng hay Tá) thì đến bao giờ Đại Cuộc mới có cơ hội dựng lại Cờ Tự Do cho Việt Nam?
Và những “Công Trình Tưởng Niệm” sẽ được dựng lên ở khắp nơi ấy sẽ gói ghém được giá trị tinh thần gì cho hậu thế?
Binh Sĩ, Tướng, Hạ Sĩ Quan, Úy, Tá
Cấp bậc nào cũng cao cả như nhau!
Nuốt nghẹn ngào, nén lệ ứa, lòng đau,
Máu cùng đổ, tô hào hùng chính khí.
Nếu vinh danh những Anh Hùng Tuẫn Tiết, xin hãy cùng làm bằng lương tâm của những người có đức tin, tin vào sự thiêng liêng của Hồn Thiêng Sông Núi đã có từ TẤT CẢ những tấm lòng yêu nước cao cả của tiền nhân tạo nên, tin vào giá trị tinh thần mà chúng ta muốn cháu con sau này sẽ nhìn vào đó để biết yêu thương quê hương và dân tộc, như những vị anh hùng, trong những trang sử oanh liệt của chúng ta.
TUẪN TIẾT.
Máu đổ ngày mất nước,
Máu đổ trên chiến trường
Bao Chiến Sĩ can trường
Nằm xuống cho quê hương
Đồng bào ai có thương
Lòng thành xin tưởng niệm!
Người Lính của miền Nam VN không cần phải như cán binh VC, bị xích chân vào những khẩu đại pháo hay xe tăng mới hành động như những ‘con dê tế thần” cho chủ nghĩa CS, mà họ đã hiên ngang tự nguyện kê súng vào đầu, tự nguyện bóp cò bằng một trái tim bất tử trước kẻ thù, bằng một hào khí khiến cho kẻ thù khiếp nhược đã phải run sợ. Nghĩa cử ấy đã để lại trong tâm tư thế hệ chúng tôi lòng kính trọng vô biên.
Người nghệ sĩ không thể thấy việc sai lầm mà lặng yên tán thưởng, nhất là sự sai lầm ấy QUÁ BẤT CÔNG đối với những Chiến Binh đã vĩnh viễn ra đi, họ không còn cơ hội để gióng lên tiếng nói giùm cho biết bao nhiêu đồng đội vô danh đã nằm xuống để bảo vệ mạng sống cho chúng ta.
Kính xin Quý Văn Thi Nghệ Sĩ nào cùng chia sẻ với nỗi niềm thao thức của người lính Nguyễn Hữu Luyện, hãy cùng góp chung tiếng nói can đảm trên các diễn đàn, để cho những anh linh CHIẾN SĨ VÔ DANH này được mỉm cười nơi Chín Suối.
Riêng tôi, chưa bao giờ tôi tự cho phép mình quên đi TẤT CẢ những vị thân nhân của Lính đã cùng chết theo chồng, con, cha, anh và những đồng bào đã vượt chết tìm tự do trong giai đoạn tang thương nhất của lịch sử ấy. TẤT CẢ họ đều rất xứng đáng cho chúng ta và con cháu chúng ta tưởng niệm với lòng thành kính.
Kính mời Quý Vị đọc phần cuối của email này, với những ý kiến đóng góp của quý Văn Thi Nghệ Sĩ về: “Có nên quên tưởng niệm những Chiến Binh từ cấp Úy trở xuống đã tuẫn tiết sau 30-4-1975 không?”
Quê hương cần bao bước,
Thì Âu Lạc gần nhau?
Đi thêm cần bao bước
Dân tôi mới hết sầu?
Kính bút.
Ý Nga.
Canada, 30-8-2013.

Ý Nga xin kính chuyển đến Quý Vị lá thư dưới đây của anh NGUYỄN HỮU LUYỆN, viết ngày 24-8 và nhuận sắc lại ngày 26-8-2013.
Nhận thấy đây là một tấm lòng dành cho TẤT CẢ những người LÍNH VNCH rất đáng trân quý và trao đổi ý kiến với Ban Tổ Chứctrong tinh thần hòa nhã của người Việt còn tha thiết đến bổn phận bảo vệ Chính Nghĩa Quốc Gia, để công trình TƯỞNG NIỆM NHỮNG CHIẾN SĨ TUẪN TIẾT SAU NGÀY 30-4-1975 thêm phần giá trị, về mặt di sản tinh thần để lại cho hậu thế, hiểu rõ hơn lòng bất khuất, can trường và khí tiết SỐNG VÌ DÂN, CHẾT VÌ NƯỚC của tập thể Chiến Sĩ trong QL VNCH.
Riên phần Ý Nga, xin được góp ý rằng: không riêng chỉ NHỮNG NGƯỜI LÍNH đã tuẫn tiết mà kể cả bất cứ ai, sau 30-4-1975 đã thà chọn cái chết hơn là sống với Việt Cộng, cũng đều đáng được tưởng niệm trong công trình đang thực hiện này.
Dù họ là LÍNH hay DÂN (chúng ta không thể quên vô số NGƯỜI DÂN là thân nhân của Lính), nhưng khi họ đã chọn cái chết bằng cách:
*Tự sát sau 30-4-1975, trong và ngoài những nhà tù của Việt Cộng;
*Chết trong những mật khu để tiếp tục chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản trên quê hương VN;
*Chết trên đường tìm tự do bằng cách vượt biển, vượt biên, vượt rừng.v.v…
*Chết trong các trại tù từ Nam chí Bắc để giữ tròn khí tiết.
Tất cả họ, trước thảm họa nhuộm đỏ cả một dân tộc kể từ ngày 30-4 đau thương ấy, đã góp phần rất lớn để tô thắm trang hùng sử Việt Nam cho cả thế giới thấy rõ:
CHÚNG TÔI THÀ CHẾT CHỨ KHÔNG SỐNG VỚI CỘNG SẢN!
Kính chuyển
Ý Nga

KÍNH XIN ĐIỀU CHỈNH MỘT KHIẾM KHUYẾT NGHIÊM TRỌNG 
TRONG 
DỰ ÁN ĐANG ĐƯỢC VẬN ĐỘNG TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUÊ HƯƠNG, 
TRONG KHOẢNG THỜI GIAN HƠN HAI TUẦN LỄ NAY.
  

Nguyễn Hữu Luyện.
 Kính thưa Quý Vị,
Người viết lời thỉnh cầu này là một quân nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. 
Trước khi trình bày lời thỉnh cầu điều chỉnh sai lầm nghiêm trọng của Dự Án Xây Dựng Bức Tường Tưởng Niệm 5 vi Tướng và 2 vị Đại Tá đã tự sát trong ngày 30-4-1975, người viết xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ việc làm cao cả đầy ý nghiã của các vị trong Ban Tổ Chức mà điển hình là cô Mộng Thu, Biệt Đoàn Trưởng Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn và các vị khác đã lên Đài Truyền Hình Quê Hương kêu gọi đồng bào tỵ nạn CS góp 30,000 USD để xây dựng Bức Tường Tưởng Niệm nói trên.
Mục đích của Bức Tường Tưởng Niệm là ghi lại tình thần bất khuất, phong cách anh hùng và khí phách của QLVNCH (Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà) thông qua hình ảnh của những quân nhân đã tự sát khi nhận lệnh buông súng đầu hàng vào ngày 30-4-1975.
Trong khoảng thời gian đó, Đài Phát Thanh Hà Nội, và hai tờ báo chính của Đảng và Nhà Nước CS Bắc Việt là báo NHÂN DÂN và QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN đã không ngớt lời nguyền rủa những cá nhân và tập thể binh sĩ QLVNCH đã tự sát sau khi Tổng Thống cuối cùng của VNCH là ông Dương Văn Minh ra lệnh cho QLVNCH buông súng đầu hàng.   (Những chứng cớ này là có thật và có thể xin hoặc mua bản sao tại Hà Nội, nếu cần). 
Trong sỐ các vị sỹ quan đang sống ở hải ngoại, vị nào đã từng một thời có vinh hạnh được chỉ huy những BINH SĨ oai hùng đó?  
Xin hỏi:
·TẠI SAO không có một binh sĩ nào tiêu biểu cho cấp BINH SĨ, đã tự sát, hiện diện trên bức tường tưởng niệm đó?
·TẠI SAO không có một HẠ SĨ QUAN nào, tiêu biểu cho cấp Hạ Sĩ Quan, đã tự sát, hiện diện trên bức tường tưởng niệm đó?
·TẠi SAO không có một SĨ QUAN CẤP ÚY nào, tiêu biểu cho sỹ quan cấp úy, đã tự sát, hiện diện trên bức tường tưởng niệm đó?
Phải chăng Ban Tổ Chức cho rằng hành động tự sát của cấp binh sĩ là không đáng để bận tâm và không đáng để hậu thế chiêm ngưỡng tinh thần bất khuất cao cả của họ? Và họ không xứng đáng để đưa lên bức tường đó cùng với các vị Tướng, Tá? Trong khi chính tầng lớp binh sĩ là những người khi sống thì đổ mồ hôi và công sức lớn lao để làm nên lịch sử, khi chết thì kiêu hùng để tạo tiếng thơm muôn thủa cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Không có thành phần binh sĩ thì QLVNCH có thể tồn tại được không?  Vậy thì tại sao lại loại bỏ những tâm hồn cao cả, những thành phần cốt cán của Quân Lực ra ngoài dự án? 
Sau Thế Chiến Thứ Hai, HARA KIRI đã làm cho dân tộc Nhật Bản được thế giới ngưỡng mộ. 
Dân tộc Việt Nam không có tập tục Hara Kiri nhưng có những binh sĩ QLVNCH tự sát cá nhân và tự sát tập thể đã làm động tâm giới báo chí của cộng sản vậy mà tại sao đã không làm động tâm được những người trong Ban Tổ Chức xây dựng bức tường tưởng niệm?
          Theo tôi, nếu QÚY VỊ MUỐN ĐỂ CHO DƯ LUẬN ĐƯƠNG THỜI CŨNG NHƯ HẬU THẾ BIẾT ĐẾN NHỮNG UẤT HẬN VÀ KHÍ PHÁCH CỦA QLVNCH TRONG NGÀY 30-4-1975 THÌ BỨC TƯỜNG TƯỞNG NIỆM ĐÓ PHẢI CÓ ĐỦ HÌNH ẢNH CỦA CÁC CẤP TRONG QUÂN ĐỘI NHƯ:
·Cấp Tướng
·Cấp Tá
·Cấp Úy (Có lưu giữ một số lý lịch và hình ảnh)
·Cấp Hạ Sĩ Quan (Có lưu giữ một số lý lịch và hình ảnh)
.Cấp Binh Sĩ (Có lưu giữ một số lý lịch và hình ảnh)
Đó mới chính là 1 bức tranh toàn cảnh, dù vô cùng đau đớn, nhưng rất đáng tự hào của QLVNCH! 
Trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả các cấp đã tự sát đều là những anh hùng bất khuất và phải được đánh giá như nhau.  Chúng ta tưởng niệm tinh thần của những vị anh hùng đó, nhất quyết chúng ta không phân biệt cấp bậc khi tưởng niệm những anh linh đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Khi một binh nhì kê súng vào đầu mình để bóp cò, người ấy chỉ có một nguyên nhân uất hận đưc bộc lộ qua khí phách của quân nhân QLVNCH.   Do đó, hành động tự sát của anh binh nhì nói lên cái khí phách tột đỉnh và tấm lòng son sắt vô song:  anh binh nhì khả kính đó đã tự chết theo cái chết của QLVNCH.  Đó là nguyên nhân để chúng ta phải tưởng niệm.
Kính xin Quý Vị hãy vì công tâm mà nói lên lời công đạo để cho dự án Xây Dựng Bức Tường Tưởng Niệm này được đi vào quỹ đạo chân chính của nó.
Kính bút
Một Quân Nhân thuộc QL VNCH.
Nguyễn Hữu Luyện.