Ngày Chủ Nhật 08/25/2013, nhằm ngày 19, tháng 7, Quý Tỵ là lễ Đại Vu Lan, vợ chồng chúng tôi cũng nhà văn Dương Việt Điền cũng nhiều anh chị em Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đến Chùa Điều Ngự, trên không trung bầu trời quang đãng, nắng đẹp. Trời Cali như vầy thật thích hợp cho ngày nắng lễ hội quan trọng như hôm nay.
Chúng tôi vội bước, trên đường vào đoàn người lũ lượt kéo vô như nêm, dòng người tiếp tục đông đúc. Hiện tại tôi thầm nghĩ Chùa nên bành trướng thêm diện tích mới đủ phát triển trong tương lai. Tiếng máy vi âm vang dội ra ngoài những giọng nói quen thuộc, như giọng nói của người nữ emcee Minh Phượng đang uyên thuyên thông báo những diễn tiến chương trình, giọng emcee nói nhanh như xe chạy trên freeways vượt tốc độ cho phép, rồi chúng tôi nghe một giọng của một nữ emcee khác lá nhà thơ Ái Cầm, có lẽ chị phát thanh với vận tốc freeway cho phép, 65 MPH. Vào bên trong lại bắt gặp những thân hữu quen thuộc như nhà báo Nguyễn Thanh Huy, thi sĩ Thài Tú Hạp, bắt tay anh Huy và anh Hạp, tôi được biết hôm nay anh Hạp là một emcee, dù tốc độ âm thanh của anh thi sĩ này nhuốm nét thiền tịnh như thơ của anh, thi sỉ nói chỉ với 35 hay 40MPH như cho xe chạy đúng luật trong phố mà thôi.
Ngày Vu Lan dĩ nhiên các Chùa ở đâu thì ý nghĩa Vu Lan được nhắc nhở hay diễn giải sự cần thiết của nó. Ngày Vu Lan mang ý nghĩa của dịp lễ hội của lòng hiếu thảo. Ngày mà ngài Mục Kiền Liên báo hiếu cho mẹ, bà Thanh Đề lúc sinh tiền đã gây nhiều tội ác nên khi chết Bà bị đọa vào địa ngục, làm ngạ quỉ đói khổ. Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc dạo, chứng quả A La Hán, đã vận dụng thiên nhãn để tìm xem mẹ tái sinh ở đau. Ngài thấy mẹ bị đọa vào ngạ quỉõ, gầy ốâm, đói khát rất khốn khổ. Ngài thương xót mẹ, lấy cơm trong bình bát đem dâng mẹ nhưng khi cơm đến miệng mẹ, thì biến thành lửa, không ăn được. Ngài Mục Kiền Liên thấy mẹ như vậy vô cùng đau xót, trở về bạch Phật và xin Phật chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật dạy, ngày rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ của các Chư Tăng, sau ba tháng hạ an cư kiết hạ, thân tâm rất thanh tịnh, vì vậy lời chú nguyện của các Chư Tăng có nhiều năng lực giải trừ tội ác. Đức Phật khuyên Ngài Mục Kiền Liên mua sắm lễ vật dâng cúng lên Chư Tăng và các Hiền Thánh ngày rằm tháng bảy và xin các ngài chú nguyện cho, thì cha mẹ bảy đời quá vãng cũng như hiện tiền đều được nhiều ơn phước cứu độ.
Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy mua sắm lễ vật dâng cúng các Chư Phật, các Hiền thánh và xin các Ngài chú nguyện cho mẹ. Ngay trong ngày đó Mẹ Ngài Mục Kiền Liên được giải thoát kiếp ngạ quỹ và sinh lên cõi Trời.
Từ đó Phật tử theo gương ngài, hằng năm tổ chức ngày Đại Lể Vu Lan Báo Hiếu vào rằm tháng bảy. Đó là ngày Phật tử nhớ ơn và đền ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha.
Ban Hợp Ca CLB Tình Nghệ Sĩ trình diễn trong buổi Lễ Vu Lan tại chùa Điều Ngự
Ngày Vu Lan các bạn trong Ban Hợp Ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ vang ca những lời lẽ xiễn dương công lao của những "Mẹ Hiền Việt Nam", thật vậy khi chúng tôi kết hợp tạo ra nhạc phẩm “Mẹ Hiền Việt Nam” mà phần nhạc của nhạc sĩ Cao Minh Hưng, cũng chỉ vì ý nghĩa của lễ Vu Lan, để các anh chị em thành viên Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ cùng nhau hát mừng Vu Lan tri ân công đức những Mẹ Hiền Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Đặc tính tri ân công đức, cần duy trì và phát triển trong tinh thần hiếu đạo làm người bằng cách hướng dẫn cho con em chúng ta hiểu biết và thực hành để giữ mãi truyền thống hiếu đạo mãi mãi tồn tại theo thời gian, bởi vì Vu Lan sẽ đến mỗi năm vào ngày rằm tháng 7, Vu Lan Bồn (Phạn ngữ Ullambana).
Có lẽ trên khắp thế gian không ai tốt bằng người mẹ. Mẹ với công mang nặng đẻ đau, gồng gánh cuộc đời rồi cùng cha nuôi con khôn lớn. Nước biển dù bao la, mênh mông nhưng không đong đầy tình mẹ. Mây trời thênh thang lồng lộng không phủ kín được công cha. Ngồi bên dưới tôi muốn cám ơn các bạn thành viên Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đem tiếng hát nói thay cho nhiều người nét đẹp về Mẹ Hiền Việt Nam. Hằng năm đón Vu lan như là tập tục văn hóa hiếu đạo của con người trong cộng đồng xã hội, ngày này gắn liền với hình ảnh của người mẹ hiền cần tôn vinh. Hình ảnh mẹ là biểu tượng hay hiện thân của tình thương bao la của mẹ. Mẹ cũng gắn liền với người con bằng tiếng nói yêu thương, cuộc sống này cần tình thương. Con báo hiếu cho mẹ cũng bằng tình thương và lòng hiếu thảo.
Trong ý nghĩa văn hóa giáo dục, ngày lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của tổ tiên dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta không quên những ý nghĩa giáo dục cao đẹp đầy nhân bản của văn hoá tôn giáo đó là những ý niệm "Từ, bi, hỷ, xả", “vô ngã", "vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”,... Sự báo hiếu là sự biểu hiện phẩm hạnh đạo đức cần thiết của mỗi con người chúng ta cần bày tỏ. Trong nếp sống của xã hội nhiêu khê, phức tạp, con người chạy đua theo kim đồng hồ, hòa nhập vào guồng máy bận rộn của xã hôi, lắm khi xã hội biến ta rời xa ý nghĩa chân thiện mỹ...
Trong cuộc sống, có hai yếu tố lá làm ơn và trả ơn hay báo ơn. Trong Phật giáo có quan điểm bốn ơn chúng ta cần nên nhớ hay là “Tứ ân” như:
1/ Ơn cha mẹ: là ơn đấng sinh thành dưỡng dục. 2/ Ơn thầy cô: là ơn dạy dỗ những kiến thức, những điều hay, lẽ phải. 3/ Ơn đất nước hay quốc gia xã hội: là ơn duy trì biên cương bờ cõi, giữ gìn môi trường sống hoà bình, thịnh vượng và ổn định. 4/ Ơn chúng sinh, đồng bào: là ơn những người đã sản xuất ra của cải vật chất để cho chúng ta ăn uống sinh sống tồn tại, và phát triển.
Vu Lan là mùa đạo hiếu hạnh, nhắc về quan điểmm Tứ Ân, mỗi cá nhân lưu giữ điểm gốc lấy tình thương yêu con người tha nhân, quốc gia, xã hội, cô thầy và mẹ cha.
Lễ Vu Lan tại chùa Điều Ngự
Trong buổi lễ tại chùa Điều Ngự, Hòa Thượng Thích Viên Thành, trong bài thuyết giảng về Vu Lan, đã nhắc lại quan điểm Tứ Ân của Phật giáo, còn Hòa Thượng Thích Viên Lý đã đọc Thông Bạch Vu Lan từ Viện Hóa Ðạo trong nước gửi ra. Thông Bạch cho biết ngày Vu Lan về là gợi nhắc chúng ta nhớ đến ân đức sâu dầy của các đấng sinh thành dưỡng dục. Hình ảnh cứu mẹ của Tôn Giả Mục Kiền Liên vừa biểu trưng cho lòng báo ân nhưng đồng lúc cũng biểu tượng cho lòng từ bi tế độ. Và vai trò của người Phật tử cần phải cảm thông, quán niệm sự khổ đau thống thiết của muôn loài sinh linh, của dân tộc giống nòi mà phát nguyện theo bản thệ độ sinh của Bồ Tát Ðịa Tạng. Người Phật Tử chân chính, vẹn toàn hiếu đạo, không thể làm ngơ, thờ ơ, làm ngơ trước hiện tình quốc gia nguy biến, dân tộc khốn cùng. Hiện tại, dân tộc Việt Nam của chúng ta không chỉ thống khổ về mặt vật chất đói nghèo, bệnh tật mà còn vô cùng khổ đau trên bình diện tinh thần vì nhân phẩm bị tước đoạt, nhân quyền bị khinh rẻ, đất nước bị ngoại xâm.
Thông Bạch nhắn gởi Phật tử quan điểm Tứ Ân đấy. Về quan điểm báo hiếu mẹ cha, ơn người đi trước được ông Thị Trưởng Tạ Đức Trí của thành phố Westminster đề cập trong phần phát biểu của ông như là nhân mùa Vu Lan, tuổi trẻ Việt Nam xin được ghi nhận sự hy sinh và công đức vô bờ bến của các bậc sinh thành. Tuổi trẻ cũng xin được cảm ơn chùa Ðiều Ngự đã tạo dịp cho tuổi trẻ Việt Nam có dịp được thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ. Ông Nghị viên Christ Phan của thành phố Garden Grove cho biết buổi sáng trước khi ông đi dự lễ ở chùa ông đã không quên gọi điện thoại thăm mẹ ông, vì ông ở xa mẹ. Tất cả những ý niệm như vậy dù nhỏ bé, nhưng nó nằm trong phạm vi ý nghĩa của ngày Vu Lan, thể hiện lòng yêu thương cội nguồn gia tộc, và rằng phong hóa Việt Nam vốn cao đẹp.
Lòng Me, Y Vân, Như Quỳnh:
Vu Lan nói về Phật giáo, Phật giáo có liên quan đến triết học và khoa học, tôi tin như vậy, xin dẫn chứng nhé. Nhìn vào kho tàng sách vở, nhà văn kiêm triết gia Arthur Schopenhauer (1778-1860) là người vốn rất sùng bái và yêu chuộng Phật giáo, ông đã thố lộ rắng sự ảnh hưởng Phật giáo rất mạnh mẽ trong thuyết siêu hình học của ông và sự hội tụ những tư tưởng Phật giáo. Rồi các triết gia Friedrich Nietzsche (1844-1900) hay Sigmund Freud (1856-1939) và Hermann Hesse (1877-1962) là những người không nhiều thì ít đã ảnh hưởng tinh thần khai phóng tâm linh của Phật giáo qua tác phẩm “Ánh Sáng Á Châu” (The Light of Asia) của Edwin Arnold (1932-1904). Để từ đó họ có những danh tác độc đáo như “Đường về nội tâm” (Der Weg nach Innen) của Herman Hesse. Chính những tư tưởng của những triết gia này đã ảnh hưởng không ít đối với những độc giả hay người hâm mộ đương thời và sự ghi nhận bởi tác phẩm của họ về sự ảnh hưởng Phật giáo là sự kiện nổi bật trong trong sách vở văn học. Đó là bên phạm trù triết học. Còn bên phạm vi khoa học, xin nêu một ví dụ điển hình là có nhà bác học Albert Einstein (1879-1955). Ông đưa ra lý thuyết tương đối (Reality Theory, Albert Einstein (1952). Relativity: The Special and the General Theory); được thế giới ngưỡng mộ. Về khía cạnh Phật giáo, nhà thông thái này bày tỏ ý nghĩ: “Điều thứ nhất, người Phật tử không cần đi tìm đạo Phật ở nơi khoa học, vì trong đạo Phật giáo đã đầy đủ tính chất khoa học của nó rồi. Điều thứ hai, tôi không phải là một Phật tử. Nhưng nếu tôi có theo một tôn giáo, tôi sẽ chọn Phật giáo. Điều thứ ba, kể từ thế kỷ thứ 21 trở đi không có tôn giáo nào có thể phát triển mạnh mẽ trên thế giới bằng Đạo Phật”.
Ngày nay nhiều người Mỹ và người Âu Úc châu hâm mộ Dức Lạc Lai Lạt Ma qua tư tưởng đầy tính chất Phật giáo của ngài. Đề cập về lý luận luật nhân quả trong khoa học, con người nói chung bị ảnh hưởng sâu rộng của luật nhân quả (cause-and-effect). Trong khi luật nhân quả của khoa học nói về quan hệ mật thiết giữa nguyên nhân và hậu quả trong vũ trụ vật lý vi mô (microphysics), ý tưởng GIGO như trong y khoa hay khoa học, "garbage in garbage out", luật nhân quả của nhà Phật nói về việc "gieo nhân nào gặt quả đó". Ý nghĩa của diễn tiến hay hiện tượng nhân quả ở đây cho thấy sự tương đồng giữa luật nhân quả trong khoa học hay triết thuyết nhân quả của nhà Phật.
Trong tác phẩm "Le Dalaï-Lama parle de Jésus" của tác giả Dominique Lablanche do NXB Aventure Secrète, Paris, ấn hành năm 1996. Sách kể lại câu chuyện do Đức cha Dom Laurence Freeman, trong tư cách là linh mục linh hướng tại vùng Middlesex, phía bắc Luân Đôn và cha cũng là giáo sư của World Community for Christian Meditation. Chính Đức cha Laurence đã ngỏ lời mời đến Đức Đạt Lai Lạt Ma từ Dharamshala, Ấn Độ đến với thành phố của mình. Trong phần cuối của buổi đàm đạo giữa hai vị tu sĩ cao cấp của tôn giáo lớn, câu chuyện nghe như có hỏa ngục A tỳ của bà Thanh Đề của ngày Vu Lan, và luật nhân quả trong cuộc sống...
Cha Laurence: Không, Hỏa ngục chính là sống trong sự chia lìa với Thiên Chúa mà tự nó là điều không chân thật. Đó là một trạng thái hư huyễn bởi lẽ không có gì có thể chia lìa khỏi Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ rằng mình đang tách lìa Thiên Chúa, lúc đó mình đang ở trong Hỏa ngục.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Trong Phúc Âm, Đức Giêsu nói : “Ta không đến để kết tội thế gian… Lời Ta nói ra, chính lời ấy sẽ xét xử.” Tôi nghĩ rằng lời này phản ánh rất rõ ý tưởng karma (nghiệp) của Phật giáo. Không hiện hữu một hữu thể độc lập ở “cõi cao xanh” làm trọng tài về những điều chúng ta phải sống và phải biết ; trái lại, có một chân lý chứa đựng trong chính nguyên lý nhân quả. Nếu các bạn hành động cách đạo đức hay mẫu mực, các bạn sẽ lãnh nhận hậu quả tốt đẹp. Nếu các bạn hành động cách tiêu cực hay ác độc, các bạn cũng phải chịu đựng những hậu quả của chúng. Chân lý của luật nhân quả là vị quan tòa chứ không phải một vật hữu thể hoặc một con người đưa ra lời phán xét.
Kết thúc phần Vu Lan, chuyện về chú bé đánh giầy Lula của xứ Ba Tây, cuộc đời như Luật Nhân Quả khi gieo nhân tốt sẽ được quả tốt. Xin mời đọc...
Gương Sáng Ba Tây: Chú bé đánh giầy trở thành vị Tổng Thống đưa nền kinh tế Ba Tây vươn lên vượt bực.
Cách chia hai đồng bạc...
Chú bé Lula, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, thuộc một gia đình nông dân nghèo ở Ba-Tây (Brazil). Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, thằng nhỏ đã phải đi bán đâu phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo rách rưới, tả tơi, và thiếu ăn. Sau khi được lên tiểu học, lúc đó gia đình bé Lula đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đâu trên đường phố, hôm nào không có khách, thì coi như là b ữa đó nhịn đói.
Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều, có 1 người khách, là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, 3 đứa trẻ chạy lại xin chào hàng. Ông chủ tiệm nhin vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói: Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng.
Tưởng cũng nên biết công đánh một đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là một món tiền rất lớn. Ba cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói: từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói ! Đứa khác nói: "Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn...“ .
Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói: “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đưá đó mỗi đứa 1 đồng !! ”Câu nói của Lula làm Ông chủ tiệm giặt ủi và 2 đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên. Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết một ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó, Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn Ông sẽ hài lòng”. Cảm động trước câu nói tìn h nghĩa của thằng nhỏ, Ông chủ tiệm đã trả cho Lula 2 đồng bạc, sau khi được Lula đánh bóng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng.
Vài ngày sau, Ông chủ tiệm giặt ủi đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau mỗi buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp, nhưng so với nghề đánh giầy thì khá hơn rất nhiều. Thằng bé hiểu rằng: Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người bạn khốn khổ kia, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.
Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Sau, Lula nghỉ học đi làm thợ trong 1 nhà máy, để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu ta tham gia vào công-đoàn, năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao-Công. Rồi tiến xa hơn năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng-thống, khẩu hiệu của Lula là: Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này. Và đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Năm 2006 đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm tới.
Trong 8 năm tại chức, Tổng thống Lula đã thực hiện đúng lời mình đã hứa : -93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Thực hành đúng tâm niệm: giúp đời !! Và nước Ba-tây dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ông đã không còn là "con khủng long nhai cỏ khô" nữa mà đã trở nên "Con mãnh sư của Nam Mỹ Châu". Và xây dựng cho Ba Tây trở nên một quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới. Luiz Inácio Lula da Silva: đó là tên của vị tổng thống Brazil (2002 - 2010).
NV Nguyễn Thị Mắt Nâu
Buổi trưa các anh chị em Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ kéo sang địa điểm Thư Viện Việt Nam tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu, Chương trình CLB Tình Nghệ Sĩ Talk Show giới thiệu buổi RMS:
Nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu Ra Mắt: 2 Tác Phẩm, 1 CD Đọc Truyện 1. THỊ PHI, truyện ngắn 2. NỤ HỒI SINH, truyện dài và Audio CD đọc truyện
Chương trình ra mắt sách do hai emcees Cao Minh Hưng và Thúy Quỳnh linh động nhịp nhàng đảm trách.
Phần mở đầu do sư cô Thanh Tịnh Liên Thích nữ Chân Thiền giới thiệu đôi nét về nhà văn nhà thơ nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu.
Diễn giả kế là ông Vũ văn Tùng, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại cho nhận định tác phẩm Nụ Hồi Sinh.
Về tác phẩm Thị Phi do nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Huy Trâm trình bày tóm tắt nội dung.
Diễn giả thứ tư là nhà văn Trần Đức Hân (Phó Chủ Tịch Văn Bút Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ), nói về Audio CD “Thị Phi” qua những cảm nhận của ông.
BHC CLB Tình Nghệ Sĩ trong ngày RMS của NV Nguyễn Thị Mắt Nâu (photo by NS Billy Hùng)
Là một thân hữu của nhóm Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, người viết bài được sắp xếp trong phần đóng góp ý kiến tổng quát sau cùng.
Tôi biết nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu vào tháng 9 năm 2002 khi chị cho ra mắt tác phẩm đầu tiên là Màu Chiều Đã Tắt, một tác phẩm mà nội dung là chuyện tình cảm với những tình tiết thương tâm.Tôi đã đọc Màu Chiều Đã Tắt và thích cốt truyện này.
Tôi đọc tác phẩm Thị Phi, tôi nghĩ đây là lối văn mới hayu khuynh hướng mới đối với tác giả Mắt Nâu, nó như loại tạp bút, tạp ghi những mẫu chuyện xảy ra trong đời sống thường nhật. Nhưng nhà văn ghi tựa sách là Thị Phi. Theo nghĩa hán tự, "thị" có nghĩa là đúng, còn "phi" là sai, do vậy những sự kiện sai trái hay sai quấy có tình tiêu cực, được trình bày trong ý muốn hướng về quan điểm tích cực, xây dựng. Trong đời sống thường nhật, trong những khung cảnh chung quanh ta, rất nhiều sự việc như vậy để viết ra, hay nói lên, rồi ghi nhận in vào tác phẩm.
Đối với tác phẩm Nụ Hồi Sinh, tức mang ý nghĩa của "Hy vọng được sống lại" mà nội dung là 24 là thư trần tình của một bệnh nhân của một căn bệnh hiểm nghèo, được điều trị trong nhà thương gửi cho người tình ảo tưởng khi nói lên những muộn phiền, những chán nản, nuối tiếc khi sức khỏe đã mất. Trong cuộc sống này có lẽ con người thương quên đi sức khỏe vô cùng quý già, mãi đến khi sức khỏe mất đi, sự nuối tiếc có thể đã dĩ lỡ, muộn màng rồi. Tôi đồng cảm với nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu qua nội dung của tác phẩm Nụ Hồi Sinh, vì toi cũng đã trả cái giá khá đắt cho việc đánh mất sức khỏe.
Nhà văn Mắt Nâu và Việt Hải
Những tác phẩm mà nhà văn đã phát hành: 1/ MẦU CHIỀU ĐÃ TẮT, truyện dài & ngắn (Đất Việt xuất bản) 2/ LOàI NGƯỜI CÔ ĐƠN, truyện dài & ngắn - tái bản lần II (TT Văn Bút Hải ngoại xuất bản) 3/ NGƯỜI CUỐI CHÂN MÂY, tập truyện (Hương Văn xuất bản) 4/ THƠ VIẾT CHƯA XONG GIỮA CUỘC ĐỜI, tập thÖ, in chung với Huy Trâm (Hương Văn xuất bản) 5/ GIỌT LỆ CHO TỪ BI, tập truyện & thơ (Đất Việt xuất bản) 6/ THỊ PHI, tập truyện (Đất Việt xuất bản) 7/ NỤ HỒI SINH, truyện dài (Đất Việt xuất bản)
Xen kẽ giữa những diễn giả là những bài ca văn nghệ giúp vui do anh chị em trong Ban Văn Nghệ Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ vá các thân hữu của nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu đảm trách, một ghi nhận đặc biệt là hai bài thơ Mắt Nâu và Chim Hót Trong Lồng của nhà thơ Mắt Nâu được nhạc sĩ Hạnh Cư phổ nhạc, các nghệ sĩ Ngọc Nôi, Phi Loan, Thanh Thanh, và Hạnh Cư xuất sắc trình bày thơ nhạc giao duyên, ngâm và hát cùng tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi.
Buổi lễ ra mắt sách Mắt Nâu thành công do nhiều bạn bè thân hữu của riêng chị cùng thân hữu của hai hội đoàn Văn Bút và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tham dự để hỗ trợ và góp vui cùng chúc mừng cho nhà văn khả ái Nguyễn Thị Mắt Nâu ra mắt ba đứa con tinh thần của chị.
Đến 5 giờ chiều bái ca Ô Mê Ly vang dội lầu hai của Thư Viện Việt Nam báo hiệu giờ lưu luyến chia tay đã đến. Các anh chị em Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ chạy sang giúp vui Vu Lan tại chùa Phổ Đà đến 8:30 tối, một ngày dài nhiều kỷ niêm và nhiều ý nghĩa của lễ Vu Lan và văn học ra mắt sách.
Người viết bài xin cám ơn từng anh chị em của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ luôn luôn đoàn kết gắn bó nhau chỉ vì lý tưởng phục vụ tha nhân và cộng đồng.
Một lời tận đáy lòng, xin trân trọng cám ơn.
Viet Hai Los Angeles