Tuesday, 24 December 2013

Việt Dzũng đi rồi, hiệu ứng cánh Chim Lửa “Firebird” ở lại!

Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Lời cuối cho Việt Dzũng dường như với tôi là hình ảnh của một cánh Chim Lửa đã bay lên, gợi hứng cho từng cánh, từng cánh Chim Lửa khác cùng bay lên, cố sức bay lên khỏi những tro tàn đổ nát của quê hương. Bay lên và vút khỏi những đường “chân trời không có đường bay”, như một ý thơ của Trần Dần. Bay lên để thấy ước mơ ngay cả của một nhạc sĩ như Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Trúc Hồ, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Anh Bằng, Nam Lộc, Tuấn Khanh, Đoàn Chính... đơn thuần cũng chỉ là: “Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình”, như một câu nhạc trong ca khúc“Một Chút Quà Cho Quê Hương” rất cảm động của Việt Dzũng.

Giấc mơ của nhạc sĩ vốn hiền lành và dung dị biết mấy, còn ước mơ thầm kín của đa số đám đông thầm lặng trong chúng ta thì sao, khi chính ước mơ ấy cũng đang bị CSVN cầm tù, và khi chính mãi đến năm 2013 vẫn còn có những người con dân Việt bị quê hương ruồng rẫy phải chạy trốn... thanh bình qua Úc, qua Thái?

Chính người nhạc sĩ tài hoa Việt Dzũng cũng đã phải cùng với bà ngoại hốt hoảng bất kể mọi rủi ro để chen mình trên một con tàu mong manh với 36 người đồng hương bé mọn khác. Dĩ nhiên chuyến làm thuyền nhân ấy của anh được cập bến an toàn ở Singapore, nhưng những ám ảnh của nửa triệu người Việt đã bỏ mình trên biển cả đã làm chúng ta không thể không theo anh để vẳng lên những nguyện cầu của “Lời Kinh Đêm”, mà Việt Dzũng đã cảm xúc: “Thuyền trôi xa.. về đâu ai biết? Thuyền có về... ghé bến tự do?”

Với cậu trai trẻ gần 17 tuổi năm ấy vượt biên đi tìm Tự Do, Việt Dzũng từ đó cũng đã ôm ấp hoài bão sống chết vì hai chữ Tự Do này, và điều đáng nói là không phải chỉ mưu cầu Tự Do cho chính nguồn sáng tác đam mê của mình mà trong nhiều nghĩa Việt Dzũng cũng đã dấn thân trong mặt trận văn hóa truyền thông để đi đến kỳ cùng hai chữ Tự Do cho đất nước thân yêu. Quả thật cái tên cúng cơm Nguyễn Ngọc Hùng Dũng đã vận vào con người, cá tính của Việt Dzũng từ thuở còn mài đũng quần ở trường trung học Tabert với giải nhất về văn nghệ.

Âm nhạc (và cả thi ca, hẳn nhiên) phải chăng là một thứ mãnh lực khiến người nghệ sĩ trí thức nhận biết mình cần phải hoàn thành, bảo vệ sự toàn vẹn của Tự Do, nếu không muốn nói là một cuộc Cách Mạng Nhung?

Việt Dzũng được ghé bến Tự Do không chỉ là một điều may mắn cho chính anh và gia đình, mà còn là một điều tối may mắn cho tất cả con dân Việt. Bởi ở anh, chúng ta bắt gặp được nguồn cảm hứng của một trái tim tị nạn luôn luôn đau đáu và không yêu nguôi về giống nòi quê cha đất tổ. Sau này hễ có dịp gặp anh, tôi luôn tìm thấy một Việt Dzũng với chiếc áo đen T-shirt mang khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Hơn thế nữa trong mắt anh dường như tôi vẫn bắt gặp những đăm chiêu, nếu tình cờ trong câu chuyện phải đụng tới những trao gởi âu lo về nhân quyền, khi quyền con người tối thượng đã bị cướp mất ở quê nhà. Dù có thể sau đó anh vẫn cười rất tươi và tếu rất đậm, như sau khi hát xong bài “Nhân Quyền Việt Nam Tôi Đâu?” thì nghe nói anh đã đùa đùa với nhạc sĩ Quốc Toản: “Bài thơ chi mà thơ dữ rứa. Thơ ơi là thơ, sinh mi ra mần chi?”


Nhân Quyền Việt Nam Tôi Đâu?

Vâng, tôi là người đã hơn một lần xin được mắc nợ ca nhạc sĩ Việt Dzũng, và ở một lần khác là bài “Hoa Hồng Việt Nam” do Việt Dzũng phổ nhạc, Trúc Hồ hòa âm, và Hoàng Anh Thư hát. Nghĩ cho cùng, không phải tất cả chúng ta đều mắc nợ Việt Dzũng một ước mơ chưa thể được cùng anh hình thành?



Nhạc phẩm Hoa Hồng Việt Nam 

Ở hải ngoại, với khoảng 400 ngàn “chất xám” vẫn còn miệt mài bôn ba từ thế hệ này đến thế hệ khác, và bây giờ với sự vẫy tay chào vĩnh biệt cuộc chơi còn dài của Việt Dzũng, phải nói là một mất mát khó bù đắp.

Việt Dzũng đi rồi và cho dẫu ca khúc “Hoa Hồng Việt Nam” có là ca khúc cuối cùng được Việt Dzũng phổ nhạc và giới thiệu trong vai trò MC vốn mãnh liệt “bốc lửa”, thì điều đáng nói ở đây chính là sự mong mỏi được chúng ta cùng xây chung một giấc mơ với Việt Dzũng. Mắc nợ anh, chúng ta có bổn phận phải tiếp nối giấc mơ ấy.

Mọi lời nói khác về anh có lẽ mọi người đã thi nhau nói trong một hai hôm nay, và tôi vẫn sợ là nói lại chỉ bằng thừa. Con người hoạt động và tài năng của Việt Dzũng quá phong phú đa dạng, vì thế thật khó lòng để chúng ta có thể gói ghém trọn vẹn trong một bài viết ngắn.

Sự ra đi đột ngột của Việt Dzũng ở tuổi 55 vẫn làm tôi có cảm tưởng Việt Dzũng đã xẹt ngang vòm trời đen tối Việt Nam hệt như sao băng. Chúng ta vẫn chưa kịp trao đổi cho nhau đủ những lời nguyện cầu, và lời nguyện cầu của sao băng vẫn còn là lời nguyện cầu vụt sáng và vụt tắt, trong khi vòm trời Việt Nam thì dường như càng ngày càng ảm đạm những hoàng hôn.

Chúng ta càng ôm hôn Việt Dzũng thắm thiết, thì bọn chúng với những công cụ báo Đảng như tờ Công An Thành Phố HCM... càng tức tối ném đầy cà chua, trứng thối vào người Việt Dzũng. Thật ra “nghề” mạ lỵ, phỉ báng hay tìm cách bôi nhọ, đặt điều dối trá là “nghề của chàng” rồi; những ngón nghề nham hiểm ai mà chẳng biết.

Những bài viết, những áp đặt như thế đối với Việt Dzũng hay nhiều khuôn mặt đấu tranh dân chủ khác, thì chỉ tổ làm cho những cái mặt nạ quỷ quyệt của họ bị rớt xuống. Và càng rớt xuống thê thảm hơn, khi chúng ta đồng lòng nối tiếp hoài bão của chàng du ca “troubrador” năm xưa 1978, khi lập ban song ca cùng một người bạn học Mỹ trong trường với cái tên Firebird (Chim Lửa) nhưng lại sáng tác bản nhạc Việt đầu tiên là “Sau 3 Năm Tỵ Nạn Tại Hoa Kỳ”.

Cám ơn Việt Dzũng đã không chọn con đường sáng tác “country music” nhập vào “mainstream” của Mỹ, dù đã đoạt giải nhất tại cuộc thi Iowa Grand Old Orphy năm ấy. Có lẽ chính Việt Dzũng đã tự vẽ ra cho mình sứ mệnh của một người nghệ sĩ có lương tri là không thể im hơi lặng tiếng. Gióng lên một tiếng chuông bằng âm nhạc, bằng thi ca hay bằng chính luận văn vẻ… trước bao điều hiện thực đau xé lòng mình, tôi nghĩ Việt Dzũng cũng chỉ muốn ký kết với Sự Thật. Hệt như một Đặng Chí Hùng không khoan nhượng, hay một Phạm Chí Dũng cũng vừa thoái Đảng...

Việt Dzũng đã làm tôi thấy dân mình càng tội nghiệp, vì chính họ đang bị cầm tù mà cố vẫn cố hót lên trong những chiếc lồng giam kín đời mình. Nếu chúng ta gần một trăm triệu dân vẫn bị tắt nghẹn, khục khặc trong cổ, không thốt được lời nào thì chí ít cũng đâu thể bị bọn chúng đem nhốt chung trong một chiếc lồng đất nước là bởi một ông chủ mới là Đại Hán(g).

Cánh Chim Lửa Việt Nam một khi đã nhất định bay lên từ những hoang tàn đổ vỡ tro bụi, thì cánh chim ấy chắc chắn sẽ vươn lên, sẽ tự kiếm cho mình những đường bay ngoạn mục.

Cái ngoạn mục ở đây chính là hiệu ứng lan tỏa của sức mạnh truyền thông, ơi những cánh Chim Lửa của ASIA, của Tuyên Bố 258, của kháng thư Bãi Bỏ Nghị Định 72, và của vô số những bloggers mọc lên bất chấp tù đày, bất chấp “nồi cơm” sắp sửa bị trừng phạt treo lên bởi sắc lệnh vào đầu năm 2014...

Bất chấp hết, sẵn sàng đánh đổi hết để chỉ còn nhau và cần có nhau. Như một Việt Dzũng đã đến cuộc đời và đã bay cao thật đẹp. Có phải?

Việt Dzũng, nhạc sỹ Trúc Hồ và nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình