Tuesday, 5 August 2014

Quốc Tế Vận: Hơn Hai Năm, Nhìn Lại Và Tri Ân - Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 4 tháng 8, 2014
Những lời dưới đây tôi xin gửi đến những ai đã góp phần vào công cuộc quốc tế vận cho dân tộc và quê hương trong gần hai năm rưỡi qua. Trong đó có hàng nghìn người đã tham gia các cuộc tổng vận động rầm rộ ở Quốc Hội và Toà Bạch Ốc; có biết bao mạnh thường quân đã tài trợ cho những bạn trẻ tham gia hay thuê xe buýt cho người cao niên; có rất nhiều những nhà hảo tâm đã giúp vật thể và nhân lực cho ban tổ chức; có nhiều chục tờ báo và đài phát thanh và truyền hình đã đưa tin; có cả một đội ngũ chuyên viên về tin học cũng như biên soạn và dịch thuật ở rải rác các nơi âm thầm hỗ trợ; có cả trăm đồng hương đến từ Canada, Đức, Nhật,Úc... để yểm trợ; và có không đếm xuể những người đã cổ suý, chuyển tin cho thân hữu về công cuộc quốc tế vận này.
Từ khởi đầu tháng 3 năm 2012, chúng ta đã đi những bước dài và đạt nhiều thành quả. Chúng ta đã có những đóng góp thiết thực và đích đáng cho dân tộc đang ngập chìm trong tăm tối và giang sơn đang nguy khốn trước hoạ ngoại xâm. Một cách tóm lược, trong hơn hai năm ấy, chúng ta đã cùng nhau thực hiện 4 cuộc tổng vận động nhắm vào Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ, với những kết quả cụ thể:
- Tổng cộng đã có liên tiếp 8 buổi điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ về tình hình vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam: 11/04/2013, 18/04/2013, 04/06/2013, 05/06/2013, 01/08/2013, 16/01/2014, 25/03/2014 và 09/07/2014. Chưa bao giờ có sự chú ý đến như vậy từ Quốc Hội Hoa Kỳ về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam.

 

Với Dân Biểu John Kline, ngày 15 tháng 7, 2014

- Tổng cộng 13 tù nhân lương tâm Việt Nam được các dân biểu Hoa Kỳ nhận "đỡ đầu", nghĩa là nhận trách nhiệm tranh đấu cho sự tự do của họ qua chương trình "Bảo Vệ Tự Do" của Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos. Để so sánh, quốc gia đứng thứ hai về số tù nhân được "đỡ đầu" là Trung Quốc với 5 người. Điều này cho thấy mức hiệu quả của tập thể người Mỹ gốc Việt, đã tạo được sự chú ý nhiều nhất trong Quốc Hội cho đồng bào trong nước. Ba trong số 13 tù nhân lương tâm trong danh sách "đỡ đầu" đã được trả tự do trước thời hạn.

- Hai dự thảo luật về nhân quyền đã được đưa vào Hạ Viện và Thượng Viện: Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam và Luật Chế Tài Các Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam. Cả hai dự thảo luật này, dù chưa được thông qua ở cả hai viện để trở thành luật, đang tạo thêm sức ép lên Bộ Ngoại Giao trong mọi đối tác với Việt Nam.

- Đa số dân biểu Hạ Viện, 255 trong khi chỉ cần 218, đã chính thức lên tiếng yêu cầu Việt Nam phải cải thiện nhân quyền một cách căn bản nếu muốn tham gia Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chúng ta lấy quyền lao động làm trọng tâm để nương thế của các công đoàn vốn có nhiều ảnh hưởng với Đảng Dân Chủ, và rồi chúng ta lấy tự do tôn giáo làm trọng tâm để huy động sự hậu thuẫn của nhiều tổ chức tôn giáo Hoa Kỳ vốn có ảnh hưởng với Đảng Cộng Hoà. Trong 39 năm qua, chưa bao giờ các vị dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ am tường về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như lúc này.

- Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị Quyết S. Res. 412 yêu cầu Trung Cộng rút giàn khoan ra khỏi Biển Đông và trở về nguyên trạng trước ngày 1 tháng 5, 2014. Đây là mục tiêu mà chúng ta "cộng thêm" ngay sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD-981.

- Sự hội ý thường xuyên, ít ra 2 lần mỗi năm, giữa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và phái đoàn đa tôn giáo người Mỹ gốc Việt. Qua đó họ được cập nhật thông tin về các hành vi đàn áp tôn giáo đang diễn ra ở Việt Nam, những thông tin mà họ khó bác bỏ.

Những thành quả trên không tự dưng có mà do cả nghìn người từ trên 30 tiểu bang đã bỏ thời giờ, tiền bạc và công sức đến Hoa Thịnh Đốn ròng rã hơn 2 năm qua để gõ cửa từng văn phòng ở Quốc Hội. Đặc biệt trong cuộc tổng vận động mới đây nhất, nhiều người chưa kịp hồi sức sau chuyến tổng vận động cuối tháng 3 đã vỗi vàng quay lại Thủ Đô Hoa Kỳ, trước tình hình nguy cập cho vận nước khi giàn khoan HD-981 được cài đặt ở Biển Đông.

 

Di chuyển bằng xe điện ngầm giữa Hạ Viện và Thượng Viện, ngày 16 tháng 7, 2014

Quan trọng không kém là chúng ta đã thiết định một nhận thức, một tinh thần và một khuôn mẫu mới trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Về nhận thức, chúng ta khẳng định cương vị công dân Mỹ của mình. Trong cương vị ấy, chúng ta dùng cơ cấu đại diện cho mình là Quốc Hội để ảnh hưởng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Chúng ta đã mở hướng thoát khỏi sự lùng bùng, quanh quẩn trong nội bộ người Việt với nhau để nhắm thẳng vào hệ thống quyền lực của quốc gia Hoa Kỳ, quốc gia của chúng ta, những người Mỹ gốc Việt.

Về tinh thần, chúng ta đã cùng nhau đồng hành, dấn thân, nhập cuộc chứ không đóng vai khán giả vỗ tay bên đường. Người đi trước cổ động, hỗ trợ, hướng dẫn người đi sau, và hàng ngũ
tăng nhanh. Chưa bao giờ cộng đồng chúng ta ở Hoa Kỳ có lực lượng "vận động hành lang" lên đến cả nghìn người như thế. Họ thuộc mọi lứa tuổi, từ các em trẻ 15, 16 đến các cụ ngoài 80. Già, trẻ, lớn, bé đang cùng nhau biến mình thành những chiến sĩ quốc tế vận cho quê hương và dân tộc.

Về khuôn mẫu, chúng ta chứng minh cung cách làm việc minh bạch:
-          Nói trước các thành quả mưu cầu kèm với những mốc điểm cụ thể để mọi người cùng biết điểm đến,
-          Giải thích phương án với từng bước thực hiện rõ ràng để mọi người cùng biết đường đi,
-          Huy động sự tham gia của đông đảo quần chúng để mỗi người góp một tay cho việc chung, và
-          Đối chiếu thành quả thực và dự kiến theo từng mốc điểm để đánh giá và đo lường tiến triển.
Đây là cung cách phải có để tạo niềm tin nơi nhau, để thu hút nhân tài, và để tạo thực lực cho tập thể người Việt ở hải ngoại.

Nhìn lại hành trình hơn hai năm qua, tôi xin tri ân tất cả những ai đã từng góp phần cho công cuộc quốc tế vận này. Dĩ nhiên mọi người trong chúng ta đều tự nguyện hành động vì quê hương và dân tộc chứ không vì hay cho một cá nhân nào. Thế nhưng chúng ta vẫn cần tri ân lẫn nhau vì đã trao niềm tin khi đến với nhau cho cùng một đại nghĩa.

Và hãy hình dung, qua năm sau sẽ không phải là một nghìn mà là 5 nghìn, 10 nghìn chiến sĩ quốc tế vận ở khắp Hoa Kỳ, và không riêng Hoa Kỳ mà phong trào sẽ lan đến mọi nơi có người Việt trong thế giới tự do.Lúc ấy, tất cả chúng ta ở ngoài này sẽ là điểm tựa vững chãi cho những nỗ lực tranh đấu ở trong nước.

Điều này hoàn toàn trong tầm tay. Cách đây hơn hai năm, mấy ai dám nghĩ đến con số một nghìn "nhà vận động hành lang" gốc Việt tại trung tâm quyền lực của quốc gia Hoa Kỳ?

 

Ghi Chú:

Kế hoạch quốc tế vận 2013-2014 được công bố đầu năm 2013, với các mục tiêu cụ thể (xemhttp://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2671):

(1) Áp lực Hành Pháp Hoa Kỳ thực thi các biện pháp chế tài Việt Nam theo luật hiện hành, trong đó có việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC về đàn áp tôn giáo và xếp Việt Nam vào Hạng 3 về buôn người.
(2) Đặt điều kiện nhân quyền nếu Việt Nam muốn nới rộng mậu dịch với Hoa Kỳ, gồm có:
(a) Trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm
(b) Xoá bỏ các công cụ đàn áp và bắt bớ, gồm có Nghị Định 72 về internet, Nghị Định 92 về sinh hoạt và hoạt động tôn giáo, và các điều 88, 258 và 79 Bộ Luật Hình Sự
(c) Tôn trọng quyền lập và tham gia công đoàn tự do và độc lập
(3) Vận động thêm các đạo luật với điều khoản chế tài Việt Nam vì vi phạm nhân quyền:
                (a) Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam
                (b) Luật Chế Tài Các Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam
(4) Vận động Liên Hiệp Quốc theo dõi và áp lực Việt Nam tôn trọng các công ước về nhân quyền đã ký kết và cam kết.
Phương án để đạt từng mục tiêu được trình bày qua nhiều bài tại:http://machsong.org.