Những ngày của đầu năm 2015, tin tức về cái chết của Fidel Castro, nhà lãnh đạo cộng sản khét tiếng của Châu Mỹ Latin đang được lan truyền khắp nơi. Có thể đó chỉ là tin đồn. Có thể ông ta đã chết nhưng đảng cộng sản Cuba đang chọn tìm một thời điểm thích hợp để công bố, như số phận của nhiều nhà lãnh đạo cộng sản khác. Cũng có thể tin đồn đó chỉ là cách phản ánh một tâm thức chán ghét của của đám đông về nhân vật này. Nhưng điều quan trọng hơn, với những gì đang diễn ra ở Cuba, thì ý nghĩa tồn tại thể chất của nhà độc tài cộng sản 88 tuổi không còn quan trọng: Trong mắt loài người văn minh, Fidel Castro kể như đã chết.
Không chỉ riêng ở Cuba, mà ngay ở Việt Nam, các giáo viên dạy sử cũng được nhận lệnh gia công cho các huyền thoại này. Trong một giờ dạy về lịch sử quốc tế, tôi còn nhớ mình phải học thuộc lòng rằng Cuba như chỉ sinh ra từ Fidel Castro và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy dạy sử, mà tôi tin chắc rằng ông ta chưa bao giờ được một lần đặt chân đến Cuba, đã say mê thuyết phục những đứa học trò trung học chúng tôi rằng nơi đó là thiên đường, và Fidel là một kỳ nhân của thế gian khi cải tạo đất nước này sang hình thái xã hội chủ nghĩa.
Ở thiên đường đó, mà tôi cũng từng mơ màng trong suốt nhiều năm, có những điều thật trớ trêu. Hơn một triệu người dân Cuba không chấp nhận cộng sản, chọn cách ra đi đã hàng năm gửi về cho thân nhân của họ hơn 1 tỷ USD kiều hối, tương đương với 35% ngoại tệ thu về hàng năm của cả nước, giúp nền kinh tế này thoi thóp sống. Nơi quốc gia này, nhân viên nhà nước làm việc cho chính phủ, chỉ có được mức lương trung bình khoảng 15 USD/tháng nhưng phí điện thoại di động là 40 USD/ tháng. Tôi không có dịp gặp lại người thầy của mình để hỏi lại cảm giác của ông về những tin tức như năm 2014, người dân Cuba mới bắt đầu được đi du lịch nước ngoài mà không còn cần phải làm bản trả lời thẩm vấn nộp cho công an địa phương. Hoặc chỉ để nhìn lại ông, khi chìa cho ông bản tin chính báo chí Việt Nam đăng tải, rằng các phát minh của thế kỷ 20 như tivi màu, internet... người dân Cuba chỉ được chạm đến trong thế kỷ 21.
Năm 1961, sau một thời gian làm cách mạng lật đổ chế độ thân Mỹ của tổng thống Fulgencio Batista, Fidel Castro tuyên bố mình đi theo chủ nghĩa cộng sản, đưa đất nước này vào bóng đêm tăm tối của chế độ độc tài toàn trị. Dù được ca ngợi là thành tựu ở một vài lãnh vực như y khoa, kiểm soát tội phạm... nhưng đất nước Cuba cũng được nhắc đến về cuộc sống rên siết trong vòng vây của chế độ cộng sản. Một chế độ mà chính chủ tịch mới, ông Raul Castro đã phải thú nhận trước quốc hội vào tháng 4/2011, rằng « Hoặc là chúng ta sửa đổi, hoặc như thế là hết. Chúng ta không còn có thể đi men theo bờ vực thẳm, chúng ta sẽ chìm đắm, và cùng chìm theo ta là nỗ lực của bao nhiêu thế hệ ».
Triều đại bàn tay sắt của Fidel Castro vẫn còn được được mô tả trong bản báo cáo về nhân quyền năm 2009, qua lời của Rodolfo Bartelemí Coba, một nhà tranh đấu cho quyền con người, rằng "Chúng ta sống 24 giờ một ngày, mà vốn đã được chuẩn bị sẵn sàng để bị giam giữ". 10 ngày sau lời phát biểu này, ông Rodolfo cũng đã bị bắt đi mất tích.
Sự tàn bạo của chính quyền cộng sản Cuba, thông qua Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng (FAR) là đề tài kinh hoàng của những người vượt thoát khỏi Cuba. Theo hồ sơ của Hiệp hội Đồng hương Mỹ-Cuba (Cuban American National Foundation) thì từ sau khi Fidel Castro cầm quyền, đã có khoảng 12.000 đối lập chính trị bị bắn, chôn sống hoặc tra tấn đến chết. Nhưng các tài liệu ngoài tiếng Tây Ban Nha thì cho biết số lượng những nạn nhân này có thể lên đến 17.000 người, chỉ tính riêng từ năm 1959 đến 1990.
Một bản tin về chuyện ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận với Cuba vào 17/12/2014 vừa rồi, cũng như tin tức chủ tịch Raul Castro ký trả tự do cho 35 nhà đối lập trong danh sách 100 người được quốc tế đề nghị (8/1/2015), số người đào thoát khỏi Cuba vẫn tăng đến 117%. Dù tự do và thay đổi đang ở ngay trước mặt nhưng người dân Cuba đã không còn kiên nhẫn để chờ đợi nữa. Họ làm mọi cách để chạm vào tự do ngay khi hàng rào kẽm gai vừa lỏng lẻo chứ không còn kiên nhẫn và cam chịu để chờ đến khi hàng rào đó sụp đổ. Không thể đợi Fidel chết và chế độ cộng sản Cuba sụp đổ trên bản đồ chính trị, người dân muốn tiễn đưa ngay cơn ác mộng của đời mình bằng hành động cụ thể nhất.
Khác với các nhân vật như đại tá Gaddafi hay tổng thống Mubarak, các nhà lãnh đạo cộng sản vẫn hay lên tiếng tố cáo sự tư hữu xa hoa của chế độ phương Tây, bày tỏ cuộc sống khiêm tốn của mình. Nhưng khi mọi thứ được phơi bày, người dân mới té ngửa khi biết rằng mọi thứ đều là dối trá. Chính các nhà lãnh đạo cộng sản là kẻ tham nhũng ghê sợ nhất, xa hoa nhất trên tấm lưng còng của tổ quốc mình. Theo tiết lộ từ cuốn La Vie Cachée de Fidel Castro (tạm dịch: Cuộc đời bí ẩn của Fidel), một nhân viên cận vệ của Fidel Castro kể rằng nhà lãnh tụ này chưa bao giờ từ bỏ lối sống tiện nghi tư bản mà ông ta vẫn hay lên truyền hình nguyền rủa nó. Juan Reinaldo Sánchez, người đã làm cận vệ riêng cho Fidel trong suốt 17 năm, sau đó đào thoát qua Mỹ, tiết lộ rằng dân cả nước Cuba không thể nào hình dung nổi cuộc sống sang trọng phung phí của Fidel. Thậm chí Fidel Castro còn quy hoạch một hòn đảo nhỏ thành của riêng cho mình, đảo Cato Piedra, nằm ở phía nam của Vịnh con Heo. Juan nói rằng nơi đó được Fidel Castro xây dựng như một vườn địa đàng, đầy những trại nuôi rùa biển và cá heo.
Thế kỷ 20 và 21 đã chứng kiến nhiều cuộc kết liễu độc tài. Từ Stalin đến Mao Trạch Đông... rồi Kim Chính Nhật đến Gaddafi... giờ thì đã rất gần với Fidel Castro, nhân vật bạo chúa được khoác áo người hùng trong vai diễn của lịch sử cộng sản thế giới. Như một quy luật không thể thay đổi: bất cứ chế độc tài nào rồi cũng phải ra đi, dù đi nhanh hay đi chậm. Thế kỷ như đang kết liễu những nhà độc tài, những nhà nước độc tài núp bóng vì nhân dân, vì tổ quốc. Những người như tôi cũng có dịp để kết liễu những bài học lịch sử nhồi sọ của mình, để ghi vào đó, một trang sử mới bằng tên của những người yêu nước Cuba đã chết cho quê hương của họ được tự do.