Friday, 5 June 2015

Ðối phó với Trung Quốc - Hùng Tâm

Những chiêu pháp biến hóa và nỗi lo của Nhật Bản
Chúng ta bình luận thế nào về việc Bắc Kinh đơn phương bành trướng ra Ðông Hải và tranh chấp với các lân bang Ðông Bắc Á và Ðông Nam Á và gây nguy cơ đối đầu với Hoa Kỳ?
Trung Quốc đã mất hai chục năm xây dựng lực lượng Hải Quân, là từ đầu thập niên 1990 khi mà lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa một đô đốc lại cầm đầu quân đội. Nhân vật đó là Ðô Ðốc Lưu Hoa Thanh (1916-2011) được Ðặng Tiểu Bình đưa lên vị trí cao nhất trong đảng, là ủy viên Bộ Chính Trị, phó chủ tịch Trung Ương Quân Ủy Hội bên Chủ Tịch/Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân từ năm 1989 đến 1997. Họ Lưu đã hiện đại hóa Hải Quân Trung Quốc cho một viễn ảnh trường kỳ là 1) kiểm soát được các quần đảo trong vùng biển cận duyên vào thời điểm 2000-2010, rồi 2) mở rộng khả năng kiểm soát viễn duyên để ra tới đại dương vào khoảng 2010-2020.
Thời điểm ấy đã tới.
Nếu cũng nhìn sự thể trong viễn ảnh trường kỳ, người ta không nên ngạc nhiên, hoặc giận dữ, vì những gì Bắc Kinh đã làm, rồi nói, hoặc chối, mà vẫn thực hiện. Bạch thư về Quốc phòng do Bắc Kinh công bố tuần vào ngày 26 Tháng Năm, chỉ xác nhận chuyện đó. Người ta nên tranh luận về cơ sở pháp lý của việc Bắc Kinh đơn phương chiếm đoạt quần đảo Trường Sa và xây dựng khả năng bành trướng ra hải dương. Ðiều ấy không thừa về ngoại giao chính trị, nhưng vẫn chưa đủ. Người ta nên nhìn xa hơn và nghĩ đến khả năng đối phó của các nước ở gần tầm đạn của Bắc Kinh.
“Hồ Sơ Người Việt” sẽ tìm hiểu về khả năng đó…
Thế trận Ðông Hải
Chúng ta nên nghĩ đến hình tượng bát trận đồ, với những kết hợp và biến hóa linh động.
Thứ nhất, trận đấu trí có nhiều đối tác chứ không chỉ có hai nước như Hoa Kỳ và Trung Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản hay Việt Nam với Trung Quốc. Chiến lược bành trướng của Bắc Kinh liên quan tới Nam Hàn, Hoa Kỳ, Ðài Loan, Bắc Hàn, Hiệp Hội ASEAN của 10 Quốc gia Ðông Nam Á, lẫn Ấn Ðộ và Úc Ðại Lợi, tức là có ít ra 18 nước lớn nhỏ và gần xa. Thứ hai, trong tập thể 18 quốc gia đó, hãy tưởng tượng đến sự tính toán song phương, giữa từng cặp, ví dụ như Hoa Kỳ với Trung Quốc, Nhật Bản với Nam Hàn hay Philippines với Hoa Kỳ căn cứ trên những quan hệ song phương của họ.
Bước thứ ba mới là nghĩ đến thế liên kết đa phương để từng nước tranh thủ hay thuyết phục nhau, ví dụ như giữa bốn nước dân chủ theo kinh tế thị trường và có hiệp ước phòng thủ hỗ tương là Mỹ, Nhật, Hàn, và Ðài Loan. Từ đó thì từng nước hay từng nhóm đối tác có nhiều chiến lược trong tinh thần biến hoá là liên kết hay đối lập với nhau, kể cả chiến lược hăm dọa có thể sử dụng, thí dụ như những thiệt hại khả dĩ xảy ra nếu không đạt nổi đồng thuận.
Bước thứ năm, sau khi tính ra những chiến lược khác nhau mà từng nước có thể áp dụng khi đấu trí hay đàm phán thì ta vẫn trở lại chuyện thế và lực, là từng nước phải nghĩ đến phương tiện kinh tế hay quân sự có thể huy động từ bên trong hoặc vận dụng từ các nước liên kết khác ở vòng ngoài.
Bước thứ sáu là trong lối tính toán về huy động và vận dụng ấy, phải nghĩ đến quyền lợi có thể chia cho nước khác căn cứ trên sự đóng góp của họ. Không ai muốn nói chuyện hợp tác hay yểm trợ với một quốc gia chỉ muốn ăn người và đòi được bảo vệ miễn phí. Thứ bảy và quan trọng nhất trên một trận thế có nhiều giải pháp và chiến lược khả dụng, thì từng nước phải châm thêm yếu tố rủi ro hoặc khả năng chịu đựng hiểm nguy trong cách tính toán về quyền lợi của mình. Nếu chỉ nghĩ đến giải pháp ta cho là có lợi nhất mà không lý đến rủi ro hay thiệt hại thì mình bị nhược điểm duy ý chí trong cuộc đấu trí.
Nước cờ Bắc Kinh
Quốc tế không có quy định gì rõ rệt về quyền thiết lập hay quản trị vùng phòng không của các nước. Công ước Quốc tế về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) có những chuẩn mực rõ ràng hơn, nhưng cơ chế quốc tế ấy lại không có khả năng cưỡng hành. Ðấy là cơ hội Trung Quốc đang khai thác, để lấy sức mạnh làm lý lẽ bất chấp các quy định của quốc tế.
Thí dụ như Bắc Kinh sẽ lập ra vùng Nhận Diện Phòng không (là ADIZ Air Defense Identification Zone) để từ các căn cứ vừa xây dựng trên quần đảo Trường Sa của các nước Ðông Nam Á sẽ theo dõi phi cơ dân sự bay vào “không phận” của họ ở ngoài biển hầu “bảo vệ quyền lợi và an ninh lãnh thổ.” Mọi phi cơ dân sự bay vào vùng ADIZ phải xác nhận căn cước và đối thoại với cơ quan phòng không của nước “chủ nhà.” Nghĩa là các nước phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo mà họ vửa cưỡng chiếm.
Về thực tế kỹ thuât, khu vực này phải rộng hơn không phận để bộ máy phòng không của Bắc Kinh kịp thời ứng phó với mối đe dọa khả dĩ xảy ra. Gặp trường hợp khả nghi, Không Quân mới đưa chiến đấu cơ lên trực tiếp nhận diện máy bay lạ và kịp đối phó theo phép hỏi han, dụng lễ rồi mới dụng binh, nếu có phi cơ đòi tự sát.
Ðấy là hoàn cảnh của Trung Quốc.
Ðối diện thì ngoài Hoa Kỳ, gần hai chục nước kể cả Việt Nam, cũng có vùng bảo vệ như vậy.
Là một quốc gia quần đảo, Nhật có vùng ADIZ từ lằn ranh do Hoa Kỳ vạch ra sau Thế Chiến II, nhằm bảo vệ không phận từ hướng Tây. Vùng ADIZ do Nhật thiết lập năm 1969 trùng với vùng đặc quyền kinh tế EEZ, nhưng Tháng Sáu năm 2013, Nhật mở vùng ADIZ thêm 22 cây số về hướng Tây, và khi ấy, Ðài Loan có than phiền là “đáng tiếc.” Nhưng rồi thôi vì Ðài Loan không sợ Nhật đòi tiền mãi lộ khi thương thuyền của mình đi qua vùng ADIZ của Nhật!
Chi tiết đáng chú ý ở đây là lằn ranh xa nhất của Nhật chỉ cách lãnh thổ Trung Quốc có 130 cây số. Cho nên, Bắc Kinh không phát minh ra trò này và nay mới chỉ hăm dọa.
Tại vùng Ðông Bắc Á, vùng ADIZ của Trung Quốc đi tới mức xa nhất về hướng Ðông, và trùm lên đảo Jeju của Nam Hàn, vùng ADIZ của Ðài Loan và nhất là vùng ADIZ mới của Nhật. Việc Bắc Kinh vẽ ra lằn ranh phòng vệ lên vùng phòng không của các lân bang mới bị cho là gây bất ổn vì làm thay đổi hiện trạng. Bây giờ, nếu họ tiếp tục như vậy trên vùng Ðông Nam Á thì sao?
Những thách thức cho Bắc Kinh
Ta thấy vấn đề không chỉ là trận đấu trí giữa Bắc Kinh và Tokyo trên không phận của cụm đảo Senkaku của Nhật mà Trung Quốc nhận là Ðiếu Ngư của mình. Vấn đề cũng không là cuộc đấu trí hay hăm dọa của Bắc Kinh với từng nước Ðông Nam Á trong tương lai trước mặt.
Trên bậc thềm không gian trước khi bay vào lãnh thổ, Bắc Kinh giao hẹn với thiên hạ rằng từ nay các máy bay ra vào thì phải xin phép cơ quan hữu trách của Trung Quốc. Nếu không, máy bay vi phạm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Từ vài năm qua, các hãng hàng không dân sự đều cân nhắc rủi ro và lấy quyết định an toàn cho khách hàng, theo kiểu tránh voi chẳng xấu mặt nào. Sau khi ngần ấy nước than phiền thì mọi hãng máy bay đành tuân thủ đòi hỏi của Bắc Kinh để tránh họa.
Cái yếu tố rủi ro trong trận thế của Trung Quốc khiến Bắc Kinh coi như đã thắng một keo!
Nhưng nếu mối nguy không đến từ phi cơ dân sự mà đến từ một quốc gia thì Bắc Kinh tính sao?
Ðấy là một thách đố mà chúng ta chẳng nên quên vì tính gì thì tính sau khi vạch ra luật chơi mới Bắc Kinh phải có khả năng động thủ nếu quả thật là bị đối thủ thách thức. Khả năng đó gồm có hai mặt. Một là phải theo dõi được mọi chuyện trên không phận trùng lập với lằn ranh phòng thủ của xứ khác. Thứ hai là phải thi hành được lời răn đe.
Khả năng theo dõi đó đòi hỏi sự phối hợp giữa lục quân, hải quân với không quân và “Ðệ nhị Pháo binh” (hệ thống hỏa tiễn). Bắc Kinh chưa có khả năng phối hợp này nếu so với đối thủ gần là Nhật Bản và đối thủ xa là Hoa Kỳ. Bạch thư Quốc phòng của họ mới chỉ nói đến những ý hướng sẽ thực hiện mà thôi.
Nước Nhật là một quần đảo có nhiều cơ sở quân sự nằm sát Hoa lục, với trình độ kỹ thuật cao gấp bội. Hệ thống bảo vệ trên đất liền của Trung Quốc lại ở quá xa “hiện trường” là lằn ranh ADIZ nằm mãi ngoài khơi Ðông Hải của họ. Nếu muốn xuống tới vùng biển Ðông Nam Á, Bắc Kinh còn phải đi xa hơn, từ các căn cứ trên đất liền tới các đảo nhân tạo mà họ vừa thực hiện.
Thứ nữa, khi hữu sự thì Bắc Kinh phải có khả năng ra đòn và đỡ đòn khi bị phản đòn. Cụ thể là muốn thật sự bảo vệ không phận thì còn phải xác định đối tượng, chứ không thể bắn hạ hay hăm dọa bắn hạ mọi vật lạ mà mình chưa biết là gì và bắn hạ bằng võ khí nào là thích hợp. Thách đố ấy đòi hỏi loại chiến đấu cơ có thể ngăn chặn và tiêu diệt đối thủ theo đúng lời hăm, và các chiến đấu cơ phải có căn cứ ở gần hiện trường.
Vì đã nhoài mình quá xa ra ngoài, Bắc Kinh cũng chưa có khả năng đó.
Cho nên, Bắc Kinh mới chỉ dọa già trong khi ráo riết thi đua để tiến tới trình độ “lực tòng tâm.” Ngoài nhu cầu tháu cáy dọa già, lãnh đạo Bắc Kinh còn muốn cho thần dân hỷ hả khi thấy đảng đơn phương vẽ lằn ranh lên trời mà người đời đều sợ. Nhưng kết luận như vậy thì vẫn chưa là phép đấu trí thật trên trận đồ bát quái!
Nhật Bản bất an
Trong trận thế do Bắc Kinh vừa mới vạch ra, Hoa Kỳ là quốc gia đã có những phát biểu mạnh nhất mà thật ra, Mỹ chưa bị trực tiếp đe dọa và không muốn động thủ. Bắc Kinh cũng không chơi dại, mới chỉ muốn làm chủ vùng biển cận duyên và trông cậy vào sự nhu nhược của Hoa Kỳ dưới triều đại Barack Obama. Nhật Bản mới là cường quốc nằm trong tầm nhắm của Trung Quốc.
Từng là đại cường hải dương khi Trung Quốc còn lạc hậu vào thế kỷ 19, Nhật đã bị Mỹ khuất phục và giải giới bằng hai quả bom nguyên tử vào năm 1945. Từ cục diện đó, trong 70 năm qua, Nhật chỉ có thế thủ chứ không được phép công.
Ngày nay, trước sự xuất hiện và hăm dọa của Trung Quốc, Nhật mới thấy số phận bất an. Trên đầu thì đến Bắc Hàn nhỏ nhít còn có thể thao dượt hỏa tiễn. Dưới nước thì Bắc Kinh vẽ ra lằn ranh mới. Tại vùng Ðông Bắc Á, lằn ranh đó đe dọa an ninh của Nhật, tại vùng Ðông Nam Á, lằn ranh đó sẽ đe dọa kinh tế Nhật vì bao trùm lên khu vực vận chuyển phân nửa hàng hóa toàn cầu.
Trên lãnh thổ bát ngát của mình, khi lụn bại và gặp rủi ro, lãnh đạo Trung Quốc còn có đất lùi là khu vực nội địa. Nhật Bản chỉ còn nước lùi ra biển.
Vì vậy, trong khi Mỹ ăn nói nước đôi với nhiều bửu bối yểm sẵn ngoài khơi, và Tầu tưởng bở mà lấn đất giành hơi, Nhật nghĩ tới kịch bản tệ nhất của trận đấu trí. Không ồn ào như anh Sơn Ðông mãi võ ngoài chợ đời, Nhật tự chuẩn bị cho trận đấu lực.
Kết luận ở đây là gì?
Trên cuộc cờ rắc ngoài Ðông Hải, giữa cái uy giả của một Trung Quốc hung hăng mà mặc cảm và nỗi lo thật của Nhật Bản, yếu tố nào mới thật sự đáng sợ?
Khi có chuyện, các lân bang và thế giới sẽ phản ứng thế nào? Bênh vực Trung Quốc? Còn lâu!
Và nếu lãnh đạo Bắc Kinh lại muốn tự sát trong trò hăm dọa này, ai sẽ là người can ngăn?